(Đọc …A của Bùi Minh Vũ, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, 2020)
Tiêu đề rất lạ “…A” như thôi thúc người đọc sớm khám phá cuốn tiểu thuyết của tác giả Bùi Minh Vũ. “…A” là gì? Và tại sao là hành trình mãi tìm kiếm trong tác phẩm?
Nhân vật chính trong tác phẩm không có tên, chỉ có một phụ âm là Y. Nhân vật đã chất vấn tác giả: “Sao ông không cho tôi một cái tên?” Không có tên, thân xác cũng tồn tại mơ hồ như mơ như thực, lúc ẩn lúc hiện. Chỉ có khát vọng đi tìm “…A” lúc nào cũng cháy bỏng, xuyên suốt trong tác phẩm.
Mở đầu tiểu thuyết, “Tôi đi tìm …A, nơi trú ngụ thời xa xưa của mẹ”. Bằng hành trình đó, Y cứ đi mãi. Nùi rừng giờ đã đổi thay. Sông suối cũng chẳng còn. Y đi qua nhiều con phố, dọc theo những tòa nhà cao tầng. Đường phố tấp nập quán sá, xe cộ. Y cứ đi. Y hỏi han nhiều người về “…A”, về bến nước ngày xưa, hỏi về em H’Len nhưng đều chung câu trả lời: không biết, không nghe ai nói cả. Trong trí nhớ của Y, lần đầu tiên vào rừng, “cách …A chừng bảy ngàn bước chân”. Ở đó, có tiếng nước chảy róc rách như tiếng của mẹ “Cẩn thận con trai ngoan” (trang 43). Hành trình tìm …A đi qua nhiều chặng đường, qua quảng trường rộng, Y ngỡ là lối vào rừng, Y hoang mang “không hiểu cuối con đường này có triền dốc không, hay là bằng phẳng như những con đường tôi đã qua”. Tiếng nước chảy qua mương rạch rất bẩn cũng làm Y lóe sáng về dòng suối. “Hình như trước đây, con suối này chảy ào ào vào mùa đông, nước đục ngầu, nhưng về mùa hè thì nước xanh leo lẻo…” Thực tế ở đây, chỉ có nước bốc mùi hôi tanh, đầy rác bịch ni lông và xác động vật (sách đã dẫn, trang 74). Tuy vậy, Y vẫn tiếp tục đi. “Tiếng nước chảy cứ bám theo Y như hình với bóng” (tr 122). Tiếng mưa, tiếng nước đái con bò đực đều khiến Y liên tưởng đến tiếng suối của bến nước ngày xưa. Có gì đó xa xót. Chợt thấy, con người thật nhỏ bé, yếu ớt với hành trình tìm lại chính quê hương mình. Có lần Y tự hỏi, “Khi không tìm ra …A, bến nước ở …A, mình làm gì? Khi không còn nghe tiếng nước, liệu mình có cảm xúc gì nữa không?” (Trang 123).
Không gian của cuốn tiểu thuyết…A là cánh rừng, là những đổi thay của môi trường. Thời gian của tác phẩm trộn lẫn giữa quá khứ, hiện tại. Người đọc như bị thôi miên vào khát vọng tìm …A và chợt thấy có mình trong đó. …A là tín hiệu thẩm mỹ được tìm kiếm, được khắc khoải như tiếng vọng vế văn hóa. Nếu đối với Y, chàng trai Ê đê, …A là bến nước, là “một biểu tượng văn hóa gắn với cá nhân, cộng đồng và thần linh” (trang 75) thì với chúng ta, …A có thể là làng mạc, là dòng sông, đồng lúa… Như ai đó, rất lâu trở lại quê nhà, bỗng thấy xa lạ. Làng quê còn đâu! Thay vào đó là nhà cao tầng, ánh điện sáng loáng, xe cộ ngược xuôi.
Tìm …A chính là hành trình tìm về cội nguồn. Đọc lại lời chất vấn của nhân vật: “Tại sao ông đưa chuyện của tôi vào tiểu thuyết?” và câu trả lời của nhà văn: “Bạn thấy giống bạn, người khác cũng thấy giống người khác, đời sau cũng thế” (trang 147). Nghìn đời nay vẫn thế! Con người cứ mãi miết trong hành trình tìm về nguồn cội của mình.