Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.189
123.212.511
 
Một cuộc “Phật sự”
Nguyễn Anh Tuấn

 

 

 

Đó là một cách nói cho “oai”, tuy cũng có phần sự thật, chủ yếu là do tình cờ may mắn mà kẻ học trò này được tháp tùng TS-Thiền sư Lê Mạnh Thát và học được ở ông đôi điều quý báu về học thuật cũng như về nhân cách, đồng thời cũng vinh dự làm được một việc nhỏ theo yêu cầu của thầy… Trong ngày Phật Đản, xin được kể lại chút ít.

 

Tháng trước, tôi cùng sư thầy Thích Tâm Hiệp ra sân bay đón TS. Lê Mạnh Thát để đưa thầy về Ninh Bình - nơi có một ngôi chùa cổ có liên quan tới Tam Thánh: Nguyễn Minh Không - Không Lộ - Từ Đạo Hạnh… Trong suốt thời gian được gần thầy, tôi cố gắng tranh thủ khai thác thầy về kiến thức Phật học và lịch sử. Nhưng rồi chính tôi cũng được thầy “khai thác” một cách tinh tế và lịch sự, khi tôi trót khoe với thầy về bộ phim tài liệu “Vụ án hồ Mù Sương”. Khi kể đến câu chuyện về con rồng đá cắn vào thân mình được tìm thấy ngay chân đền thờ Lê Văn Thịnh, rồi ngôi nhà tuổi thơ của Lê Văn Thịnh đã biến thành chùa - “hóa gia vi tự” ra sao, đôi mắt thầy sáng rực lên, và đòi chúng tôi đưa thầy tới ngay đền thờ Lê Văn Thịnh ở Đông Cứu, Gia Bình - Bắc Ninh…

 

Trong một ngày khảo sát tại khu đền - chùa Lê Văn Thịnh, thầy như lặng đi trong bao cảm xúc và suy tưởng. Rồi thầy đề nghị chúng tôi phải quay lại nơi này chụp lại toàn bộ những gia phả, thần phả sắc phong còn lại trong đền, để thầy sẽ “viết bổ sung một chương sách quan trọng” cho bộ LỊCH SỬ PHẬT GIÁO VN và bộ TỔNG TẬP VĂN HỌC PHẬT GIÁO VN của thầy đã xuất bản từ mấy chục năm trước. Không tiện hỏi thầy, song với vốn học & nghiên cứu ít ỏi, tôi cũng có thể đoán được phần nào nội dung của chương sách quý đó: đấy là mối quan hệ giữa giới nho sĩ và giới tăng lữ Phật giáo thời Lý Nhân Tông trong sự giao thoa - tiếp thu - tranh chấp của các giáo phái, học thuyết tư tưởng chính trị & tôn giáo, từ đó thấy được diện mạo đích thực của Phật giáo thời Lý.

 

Nhưng, điều này quan trọng hơn cả, mà qua vài ý của thầy lúc trò chuyện vội, chúng tôi hiểu: thầy quan tâm tới nhân vật lịch sử Lê Văn Thịnh, trước hết bởi đó là một người đã giành lại lãnh thổ đã bị xâm chiếm cho đất nước. Vào năm Giáp Tý (1084), ông được triều đình cử sang Quảng Tây để thực hiện sứ mệnh này. Và ông đã khiến vua Tống phải nể phục, khen ông là người “biết cung kính, biết lẽ phải”. Nhưng vị Chánh sứ của Đại Việt cũng rất kiên quyết và dứt khoát trong khi tranh luận đòi đất. Chính thư tịch triều Tống đã chép lời cứng rắn của ông: “Đất thì có chủ, các viên coi giữ mang nộp, thì đất ấy thành vật ăn trộm của chủ. Sự chủ giao cho mà tự lấy trộm đã không tha thứ được, mà trộm của hay tàng trữ thì pháp luật cũng không cho phép. Huống chi nay, chúng lại mang đất trộm dâng, để làm nhơ bẩn sổ sách của nhà vua (triều Tống)”. Cho nên, Tống Thần Tông đành phải “bèn hạ chiếu trả lại cho ta 6 huyện Bảo Lạc và 6 động Túc Tang” ( Theo sách “Cương Mục”)

 

Trước khi đi sứ, Thái sư Lê Văn Thịnh chắc chắn đã hiểu thấu tấm lòng thiết tha với từng tấc đất của tổ tiên của cả triều thần mà vua Lý bộc lộ trong thư gửi cho vua Tống Triết Tông:

 

“Tuy những đất này chỉ nhỏ như viên đạn, nhưng rất đau đớn trong lòng, thường không rời trong giấc mộng; thực do tổ tiên thần trước đây giết bắt kẻ tiếm nghịch, xông pha nơi gian nan nguy hiểm, liều chết mới có được. Nay kẻ hậu sinh không thừa kế được tổ tiên, chưa tròn phận sự nơi cương vực, chỉ sống tạm trong khoảnh khắc mà thôi” ( Cương mục).

 

Ngoài sách chính sử VN và các thư tịch Trung Hoa nói về vịThái sư đầu triều tài ba nhưng có số phận bất hạnh, thầy Lê Mạnh Thát còn mong muốn có được các văn tự gốc nằm trong dân gian… Vì vậy, một đoàn “Phật sự” gồm sư thầy Thích Tâm Hiệp, nhà báo-luật gia Bùi Phúc Hải, kiến trúc sư-nhà nhiếp ảnh Trần Hiếu và tôi đã quay trở lại Khu đền thờ Lê Văn Thịnh. Với nhiều loại giấy giới thiệu, cả thẻ nhà báo của tôi, cùng với sự thiết tha nài nỉ, cuối cùng cụ từ giữ đền đã đồng ý cho mở các hòm quý đựng thần phả, gia phả, sắc phong, và cho cả vào Hậu cung có tượng thờ Thái sư lê Văn Thịnh để quay phim, chụp ảnh một cách kỹ lưỡng.

 

Và trong nỗi xúc động thiêng liêng khi được tiếp xúc trực tiếp với những con chữ phủ bụi thời gian gắn với cuộc đời của một vĩ nhân, chúng tôi còn có cả niềm tự hào là mình đang tìm lại những tư liệu văn bản gốc cho một công trình lớn về Lịch sử Phật giáo & Lịch sử Dân tộc…

 

 

Tháng 5/2021

 

Nguyễn Anh Tuấn
Số lần đọc: 1110
Ngày đăng: 29.05.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Covid 19 và phương pháp đào tạo từ xa - Elena Pucillo Truong
"Trò Chuyện Với Thiên Thần" Tác phẩm một đời của tác giả để người đọc một đời. - Nguyễn Văn Sâm
Một nhà thơ “làm thơ” bằng màu sắc và hình khối - Nguyễn Anh Tuấn
Huyền thoại nước trong tập thơ Dòng Thiêng của Nguyễn Linh Khiếu - Lê Nam Linh
Mịch Quang – một bậc Quốc sĩ của nghệ thuật dân tộc - Nguyễn Anh Tuấn
Trịnh Công Sơn một thời đã qua - Võ Công Liêm
Trịnh Công Sơn và Bob Dylan, giống và khác - Nguyễn Hoàn
Kinh nghiệm tư tưởng - Võ Công Liêm
Nam Kỳ – tờ báo Quốc ngữ cuối thế kỷ 19 còn ít được biết đến - Võ Xuân Quế
Trò chuyện với thiên thần: tác phẩm dành cho ai yêu quá đỗi đời này - Đặng Châu Long
Cùng một tác giả
Ám ảnh gia truyền (truyện ngắn)
Bản di chúc bi thảm (truyện ngắn)
Một kiếp đầu thai (truyện ngắn)
Tình bạn phá sản (truyện ngắn)
Lãnh Chúa ngân hàng (truyện ngắn)
Đạp và đạp (tạp văn)
Tâm bệnh Nguyễn Du (truyện ngắn)
Giọt lệ mo hồn (truyện ngắn)
Nhớ mẹ (tạp văn)
Tư tưởng của ruồi (truyện ngắn)