Tiểu thuyết- Tác giả Trương Văn Dân
Nhà Xuât Bản Tổng Hợp- tp HCM. 6-2020
Không có thời gian rảnh rỗi để đọc hết Trò chuyện với thiên thần của anh Trương Văn Dân. Cũng như đọc Hành trang ngày trở lại, Bàn tay nhỏ dưới mưa, đọc Trò chuyện với thiên thần phải là một cuộc trò chuyện thật sự trong không gian tĩnh lặng, thư giãn - ta trò chuyện thầm lặng với chính ta để hiểu ta và cuộc đời này.
Thú thật, tôi chỉ tranh thủ vào lúc sớm mai với tách trà sen bạn Võ Đại Phong từ Huế gửi cho, vừa uống vừa nhâm nhi từng chữ trong quyển sách mà anh Dân gửi tặng. Có những trang đọc nhanh vì gặp phải đề tài đã từng trò chuyện với anh, nhưng cũng có những trang đọc đi rồi phải đọc lại. Anh gọi là tiểu thuyết (novel), có lẽ theo anh là những chuyện vặt vãnh, đời thường mà mỗi con người đều đang đối mặt, nhưng mỗi chi tiết trong cách miêu tả của anh lại hướng đến một tầm vĩ mô của một thứ triết học hình tượng. 75 mục là 75 đề tài nhân sinh, luận đủ các góc cạnh, từ tiền bạc đến số mệnh, từ dục vọng đến nhân cách, từ tình người đến sự lạm dụng lòng tốt, từ sợ hãi đến đức tin, từ tiến hoá đến tha hoá... Các vấn đề về chính trị, khoa học, đạo đức, văn hoá, giáo dục, thẩm mỹ... được khơi ra bằng trái tim xúc cảm và nâng lên thành lý trí của sự phán xét và tiên đoán, kể cả mộng tưởng xa vời về một tương lai cho những thiên thần bé nhỏ chưa được sinh ra giữa cuộc đời này.
Đọc Trò chuyện với thiên thần giống như đọc Nietzsche, bắt đầu từ các hình tượng hay biểu trưng và vươn đến trừu tượng, siêu hình. Tất nhiên là đọc Trương Văn Dân dễ hiểu hơn vì điều anh nói hiện hữu ngay trong đời sống hiện thực: cuộc chạy đua vào tương lai với tốc độ chóng mặt của lòng tham vật chất mà con người đã đánh mất tất cả mọi giá trị tinh thần. Con người trở thành một thứ siêu nhân không có trái tim hoà điệu với đồng loại. Đi qua 75 chuyên mục trò chuyện của anh, tôi có cảm giác như đi qua 9 tầng Hoả ngục trong Thần khúc của Dante, nhà thơ Ý thời tiền Phục Hưng, đất nước mà anh cùng chị Elena gắn bó cả tuổi thanh xuân của mình. Con người với những phát kiến khoa học vĩ đại đã hoang tưởng về sức mạnh thần thánh của mình, kết quả là chính nó đẩy con người đến bờ vực của sự huỷ diệt. Triết học từ sau thời Phục hưng đến Khai sáng, với nhân tâm luận hiển ngôn đã ngộ nhận con người là Thượng Đế, tự nó phát sinh ra đủ thứ bệnh tật về thể xác lẫn tinh thần rồi chính nó ra tay cứu chữa với những mưu toan lợi nhuận trong cái giá treo cổ, nhưng lại nhân danh đủ thứ từ thiện.
Trương Văn Dân trò chuyện với thiên thần chưa sinh của anh nhưng thực chất là đối thoại với cõi nhân sinh đầy hoang tưởng này. Những bạn quan tâm đến một nền "văn học xanh", "phê bình sinh thái" nên tìm đọc quyển sách này. Văn học xanh không đơn thuần là tình yêu thiên nhiên như nhiều công trình, luận văn, luận án mà các chuyên gia, học viên Việt Nam đang làm. Trong giải trung tâm luận của trào lưu giải cấu trúc, văn học xanh hay phê bình sinh thái hướng tới giải nhân tâm luận, giải quyết không chỉ quan hệ giữa con người với tự nhiên mà quan trọng hơn là giữa con người với con người, tức vấn đề sinh thái văn hoá. Ô nhiễm môi trường tự nhiên và ô nhiễm môi trường văn hoá là hai mặt song hành tàn phá thể xác lẫn nhân cách con người. Hoang tưởng thống trị thế giới của nhân loại và của các cá nhân với tham vọng độc tôn quyền lực chính là cái giá treo cổ cho chính thân phận của con người.
Trước khi muốn tìm được thiên đường cho thiên thần tương lai của chúng ta, hãy trải nghiệm và nhận ra cái trò chơi "luyện ngục" (chữ của Dante trong Thần khúc) mà nhân loại đang chơi bằng niềm tự hào ngu xuẩn và tham lam của nó. Nó đó, có khi không phải kẻ khác. Nó đó là chính các bậc cha mẹ chúng ta!
Nguồn: https://www.facebook.com/Chumonglong/posts/4729113180436221?__cft__[0]=AZU0Xi5tWxk4MytZDPGF5af_Vh7L1SYgcPk94HvluEFRPrzsgs-CHidhvF7r-uPNELqHrnt8a7_T7o4kybAEkWO6dZYOQEBV0eOjeuUoIolNLYP3dMxOVqkLw7Dkd_W6Fgw&__tn__=%2CO%2CP-R