Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
975
123.200.607
 
Tìm hiểu thêm về Phan-Yên báo?
Võ Xuân Quế

 

 

Trong số các báo bằng chữ Quốc Ngữ ra đời vào cuối thế kỷ 19 (Gia-Định báo, Thông loại khóa trình, Nam Kỳ và Phan-Yên báo) có thể nói Phan-Yên báo là tờ báo thuộc vào loại “bí ẩn” nhất. Lý do có lẽ là tờ báo tồn tại quá ngắn và từ trước đến nay chưa có ai được tận mắt thấy “diện mạo” của tờ báo này.

Thật vậy, do chưa ai tìm được số Phan-Yên báo[1] nào còn lưu lại được đến ngày nay, nên các bài viết, tư liệu đề cập đến thời gian ra đời và chấm dứt của tờ báo này không thống nhất. Cụ thể, hiện có ít nhất những ý kiến như sau[2]:

TT

Các nguồn

Thời gian ra đời

Thời gian bị đình bản

1

Huỳnh Văn Tòng

1898

1898

2

Bằng Giang

1898

1899

3

Bùi Đức Tịnh

1898

Không rõ

4

Nguyễn Q. Thắng

1897 hoặc 1898

-

5

Đỗ Quang Hưng

Tháng 12/1899

-

6

Nguyên Thăng

 

Sau 16/2/1899

7

Minh Hiền

Tháng 12/1898

Tháng 2/1899

8

Chính Đạo

 

Ngay sau Nghị định ngày 30/12/1898

9

Trần Đình Ba[3]

Cuối 1898

Đầu 1899

10

Từ điển Bách khoa Việt Nam[4]

1898

Xuất bản 7-8 số thì bị nhà cầm quyền Pháp đình bản

11

Nguyễn Vy Khanh

1/12/1898

“Bảy số thì bị cấm”[5]

 

Còn về người sáng lập và chủ bút, dù chưa ai được tận mắt thấy tờ báo, song hầu như tất cả tác giả có ý kiến nêu trên đều thống nhất rằng Diệp Văn Cương là người sáng lập và làm chủ nhiệm Phan-Yên báo.

Screenshot mục từ “Phan Yên báo” từ Từ điển bách khoa Việt Nam

Vậy có đúng Diệp Văn Cương là người sáng lập và làm chủ nhiệm báo Phan Yên không và tờ báo này ra đời, bị đình bản khi nào vẫn là câu hỏi cần được làm sáng tỏ.

Dưới đây chúng tôi cung cấp thêm một số tư liệu liên quan, nhằm góp phần trả lời câu hỏi đó.

1. Về thời gian ra đời

Khi tìm hiểu tờ báo bằng chữ Quốc Ngữ cuối thế kỷ 19 có tên Nam Kỳ[6], chúng tôi bắt gặp sau mục “Tạp vụ” trong số 65 (ra ngày 19/1/1899) của báo này một lời chúc mừng báo mới của chủ bút, với nội dung: “Có một tờ nhựt-báo quấc-ngữ, đặt hiệu là Phan-Yên-Báo, mới in ra được vài số đầu. Nhơn dịp ấy, ta xin tặng chúc cho tờ nhựt-báo mới này được bá niên phát đạt.” (xem screenshot).

 

 

Tin về sự ra đời của Phan-Yên-Báo trên báo Nam Kỳ ra ngày 19/1/1899

Lúc bấy giờ (nửa cuối thế kỷ XIX) “nhựt-báo” hay “nhựt trình” có thể là tuần báo, ra mỗi tuần một số, như với báo Nam Kỳ là “Nhựt trình mỗi tuần lễ in một lần nhằm ngày thứ năm” được ghi trên măng sét của tờ báo. Hoặc “nhựt trình” cũng có nghĩa là mỗi tháng một số, như với Gia-Định báo thời kỳ đầu, qua lời của chủ bút E. Potteaux trong một thông báo ở Gia-Định báo số 3/1866 “Tôi xin mấy thầy thông ngôn Lang-sa và thông ngôn Annam mỗi tháng phải gửi một hai chuyện gì để mà đem vào Nhựt-trình Annam (tức Gia Định Báo-VXQ), chúng tôi hàng lo cho được mỗi tháng cứ ngày rằm thì phát Nhựt-trình, nhưng mà chúng tôi không đủ chuyện mà đam vào Nhựt-trình, bởi đó cho nên mới trễ ra như vậy”.

Như vậy, từ thông tin “Phan-Yên-Báo mới in được vài số” trên báo Nam Kỳ ngày 19/1/1899, ta có thể đoán số đầu tiên của Phan-Yên báo được in ra trước đó khoảng 2 tuần, tức tuần đầu tiên của tháng 1/1899 (nếu mỗi tuần báo này ra 1 số, như Nam Kỳ); hoặc cuối tháng 12/1898 (nếu mỗi tháng ra 1 số, như Gia-Định Báo). Tuy nhiên, khả năng thứ nhất có vẻ hợp lý hơn[7].

2. Về thời gian bị đình bản

Cũng trên báo Nam Kỳ, chúng tôi tìm thấy trong mục “Tiểu tự” (trả lời bạn đọc) của số 83 (ra ngày 1/6/1899) trả lời một bạn đọc có tên viết tắt T.X của chủ bút báo Nam Kỳ về việc người này không nhận được Phan-Yên báodù đã trả tiền mua khiến người này phải liên lạc với chủ bút báo Nam Kỳ để được giúp đỡ. Nội dung trả lời như sau (xem screenshot):

 

Screenshot trả lời một bạn đọc về Phan-Yên báo trong Nam Kỳ

Nội dung trả lời trên của chủ báo Nam Kỳ cho chúng ta biết hai thông tin về báo Phan Yên: 1. Báo này đã bị cấm và không còn phát hành trước ngày 1/6/1899; 2. Cho đến lúc này (tức 1/6/1899) chủ nhân của báo Phan Yên đã “qua đời”. 

Nếu đúng là “Phan-Yên-Báo chỉ xuất bản được 7, 8 số thì bị cấm” như nhiều người viết, thì thời gian bị đình bản là cuối tháng 2/1899 (nếu báo ra mỗi tuần 1 số), và tháng 5/1899 (nếu báo ra mỗi tháng 1 số). Khả năng thứ nhất cao hơn và có vẻ phù hợp với “trí nhớ” của Diệp Văn Kỳ, như ông viết trong cuốn sách “Chế độ báo giới Việt Nam năm mươi sáu năm nay, vì ông tổng thống Pháp Felix Faure tạ thế ngày 16/2/1899”[8].

 

Screenshot từ sách của Diệp Văn Kỳ (tr.24)

3. Có đúng Diệp Văn Cương là người sáng lập và chủ nhiệm Phan-Yên báo?

3.1. Trở lại với trả lời bạn đọc của báo Nam Kỳ như trong screenshot ở trên, chủ bút báo Nam Kỳ có viết “chủ nhân nhựt trình ấy (tức Phan-Yên-Báo) đã qua đời rồi.” Trong khi đó ông Diệp Văn Cương còn sống sang đến tận năm 1918. Diệp Văn Cương là người cùng thời và “chỗ quen biết” với Alfred Schreiner (1852-1911), chủ bút báo Nam Kỳ, vì là người từng cộng tác với báo này và có bài viết trong số đầu tiên, ra ngày 21/1/1897 của Nam Kỳ. Như vậy, thông tin về việc chủ nhân Phan-Yên báo đã qua đời của A. Schreiner có thể tin được và người đó không phải là Diệp Văn Cương.

Nhân đây, chúng tôi thấy cần minh xác về năm mất của Diệp Văn Cương. Nhiều người viết ông mất năm 1929[9]. Nhưng, trong biên bản cuộc họp Hội đồng Thuộc địa ngày 29/5/1918 có một bài phát biểu ngắn của Rimaud, chủ tịch Hội đồng nói về việc Diệp Văn Cương tạ thế, với những lời mở đầu như sau:

 “Thưa các ngài,

Kể từ phiên họp thường lệ gần đây nhất của chúng ta, Hội đồng chúng ta đã phải chịu đựng một tổn thất nặng nề. Chúng ta vừa mất đi vị đồng nghiệp của mình, ông Diệp-văn-Cương, vào một ngày tháng Năm và chúng tôi biết tin ông qua đời vì trọng bệnh. Khi đó tôi không ở Sài Gòn và ông Ardin đã tận tình đến Bến Tre để dự tang lễ của người đồng nghiệp quá cố của chúng ta và chuyển lời chia buồn của Hội đồng chúng ta đến gia quyến người đã khuất.”[10]

Trong biên bản cuộc họp Hội đồng Thuộc địa ngày 5/10/1917 vẫn còn ghi ông Diệp Văn Cương tham dự và các phát biểu của ông. Nhưng kể từ cuộc họp ngày 29/5/1918 trở đi không còn thấy tên Diệp Văn Cương trong danh sách những người dự họp nữa. Như vậy, Diệp Văn Cương đã mất vào tháng Năm, năm 1918, chứ không phải năm 1929[11]. Và học giả Vương Hồng Sển đã nhớ nhầm khi viết trong sách “Sài Gòn năm xưa” rằng: “Khoảng năm 1919, dạy sử học, ông (tức Diệp Văn Cương-VXQ) lấy Sử Diễn Ca Lê Ngọc Cát ra bình chú, dạy Việt Văn ông đã biết đem những đoạn xuất sắc trong Kiều, Lục Vân Tiên, và Chinh Phụ Ngâm ra giải thích cũng là mới lạ.”[12]

3.2. Trong một bài viết về lớp tinh hoa người Việt thời Nam Kỳ thuộc Pháp, R. B. Smith có một nhận xét đáng chú ý: “Giới tinh hoa Việt Nam ở Nam Kỳ thuộc Pháp rất lệ thuộc vào người Pháp) có lẽ tất yếu là như vậy.”[13] Diệp Văn Cương là một trong số ít những người được hưởng sự giáo dục của Pháp và kể từ năm 1904, ông là một “cộng sự” khả tín của chính quyền Thuộc địa Pháp ở Nam Kỳ, một trong sáu thành viên người Việt trong Hội đồng Thuộc địa hay Hội Đồng Quản hạt Nam Kỳ (Conseil Colonial de la Cochinchine) nhiều năm liền. Nhận xét về vị thế và quan điểm của các thành viên bản xứ (tức người Nam Kỳ) trong Hội đồng Thuộc địa, trong cuốn sách “Sự hiện diện của Pháp ở Nam Kỳ và Căm Pu Chia - Sự cai trị và Phản ứng (1859-1905)”, tác giả Milton E. Osborne có viết: “Bất chấp sự khó chịu mà họ để lộ trong Hội đồng Thuộc địa, các thành viên người Việt vẫn thường nói về tiếng Pháp và vai trò của Pháp ở Nam Kỳ với cùng một giọng điệu.”[14]

Câu hỏi có thể đặt ra là liệu một “Ông Hội đồng” của Hội đồng Thuộc địa lúc bấy giờ có thể làm chủ một tờ báo với chủ trương chống đối chính quyền Pháp khiến tờ báo bị cấm không? Mặt khác, sau khi tờ báo có “những bài có tư tưởng chống đối chính quyền” bị cấm, người sáng lập, chủ bút và “tác giả” bài chống đối có thể giữ được vị trí thành viên trong Hội đồng Thuộc địa nữa không?

 

Trong cuốn sách vừa dẫn ở trên, Milton E. Osborne đã dẫn lại từ biên bản cuộc họp ngày 14/10/1902 của Hội Đồng Thuộc địa một phát biểu đáng chú ý của ông Diệp Văn Cương: “Khi Giám mục Công giáo Mossand cho rằng việc chú trọng giảng dạy bằng tiếng Pháp, theo yêu cầu của chính quyền thuộc địa, đã tạo ra những người Việt Nam ít trung thành nhất với Pháp, một thành viên Việt Nam của Hội đồng, Diệp-Văn-Cương đã phản đối: “Những từ ấy xuất phát từ người đứng đầu Giáo hội Công giáo ở Nam Kỳ ... và tạo nên một lời buộc tội rất nghiêm trọng đối với tất cả những người An Nam đã được thừa hưởng lợi ích của nền văn minh Pháp, như tôi.” (Osborne, sđd., tr.53) 

 

Ở một chỗ khác, khi dẫn ý kiến không đồng tình với ông Trần Bá Thọ (đốc phủ sứ, một trong những thành viên người Việt của Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ) cho rằng cần dạy đạo lý Nho giáo cho học sinh người Việt Nam bằng chữ Nho, Osborne viết: “Không phải mọi người thuộc thế hệ ông Thọ đều chia sẻ quan điểm của ông ấy. Ông Hội đồng Diệp Văn Cương, phát biểu tại Hội đồng Thuộc địa năm 1906 rằng, ông không thấy có lý do gì khiến không thể giảng dạy các châm ngôn của triết lý Khổng học bằng tiếng Pháp,“công cụ của nền văn minh” (Osborne, sđd., tr.166)[15]

 

Từ hai lời phát biểu tại hai cuộc họp được dẫn trên đây, có thể thấy ông Diệp Văn Cương là một trong những “cộng sự” ủng hộ chủ trương dùng tiếng Pháp làm ngôn ngữ giảng dạy trong trường học ở Nam Kỳ thời kỳ đầu. Đó là chủ trương nhằm thực hiện chính sách đồng hóa (assimilation) theo quan điểm của các nhà cai trị quân sự thời kỳ đầu, được Étienne Aymonier, giám đốc Trường Thuộc địa Paris, ủng hộ với tuyên bố “Mục đích của nước Pháp, là cải tạo chủng tộc Việt Nam và mở rộng đầu óc của họ để thừa kế các ưu thế của nền văn minh Âu Châu. Để đạt được mục đích này, phương thức an toàn nhất là dạy tiếng Pháp và phổ biến sự sử dụng ngôn ngữ đó ở bất kỳ nơi đâu có thể làm được.” (Osborne, sđd., tr.164).

 

Cũng về ông Diệp Văn Cương, trong một bài viết khác, tác giả Huệ-Tâm Hồ Tài có viết: “Cuộc tranh luận (về quyền nhập quốc tịch Pháp và bầu cử cho người dân Nam Kỳ-VXQ) được Diệp Văn Cương, một trong sáu thành viên bản xứ của Hội đồng Thuộc địa khởi xướng vào tháng 9 năm 1917. Trong một bài phát biểu dài đáng chú ý vì tinh thần đồng hóa của nó, Diệp đã vạch ra một chương trình cải cách toàn diện cho Nam Kỳ: các làng xã nên được tổ chức thành các địa phương đúng theo kiểu Pháp với các hội đồng dân cử; những gì còn lại của chế độ quan lại cũ cần bãi bỏ để có một bộ máy hành chính hiện đại hơn; số lượng viên chức phụ tá người Việt cần bãi bỏ và số còn lại nên được tăng lương đáng kể.”[16]

 

Những đề nghị này của ông Diệp Văn Cương cũng được tác giả R.B. Smith nhắc đến trong bài viết “Bùi Quang Chiêu and the Constitutionalist Party in French Cochinchina, 1917-30” và nhận xét rằng “Trong một số khía cạnh, điều mà các ông Bùi Quang Chiêu và Diệp Văn Cương mong muốn là sự đồng hóa (assimilation) hơn là sự liên kết (association)[17]. Trong bài viết này, Smith còn có một nhận định khác về Diệp Văn Cương: “Những người Lập Hiến nhận thấy vào năm 1924 họ đi theo con đường trung lập, giữa những người đồng hương của mình, đi theo sự dẫn đạo của các ông Diệp Văn Cương và Lê Quang Trinh trong việc ủng hộ những kẻ thực dân (colons) bảo thủ, và những người đã bắt đầu nghĩ đến bạo lực” (tr.139)

3.3. Nói về Diệp Văn Cương, trên báo “Sông Hương”, số 20 (12 Décembre 1936), tr.3, Phan Khôi từng viết “Ông Kỳ là con trai cụ Diệp Văn Cương, một người Nam Kỳ từng có công trạng với nhà nước Bảo hộ.”[18]Trong số các thành viên người Việt của Hội đồng Thuộc địa, không ai giữ được vị trí lâu dài như Diệp Văn Cương, với 14 năm. Thâm niên này đã nói lên tinh thần hợp tác và phục vụ “nhà nước Bảo hộ” của ông Diệp Văn Cương. Thật vậy, trong phát biểu của chủ tịch Hội đồng Thuộc địa tại cuộc họp năm 1918 mà phần mở đầu chúng tôi dẫn ra ở trên, Rimaud nói tiếp:

 “Ông Ardin đã đọc trước mộ của ông Cương một bài điếu văn, trong đó ông bày tỏ sự thương tiếc đối với người đồng nghiệp bất hạnh và lòng kính trọng cao quý mà tất cả chúng ta dành cho ông. Trong vòng 14 năm, ông Diệp-văn-Cương, là thành viên của Hội đồng Thuộc địa, nơi mà tầm hiểu biết và kinh nghiệm tuyệt vời cũng như nhân cách cao quý của ông, đã để lại cho ông một vị trí đặc biệt trong lòng mỗi người chúng ta. Hội đồng Thuộc địa chịu đựng một mất mát nặng nề; và bằng cách nói đến những kỷ niệm đẹp đẽ để tưởng nhớ người đồng nghiệp của chúng ta, tôi xin gửi đến bà quả phụ và gia đình của ông ấy những lời chia buồn sâu sắc của chúng ta.” (xem chú thích 11).

Đáng chú ý hơn, trong biên bản một cuộc họp khác của Hội đồng Thuộc địa vào tháng 11 năm 1918, có ý kiến đề nghị lấy tên Diệp Văn Cương để đặt cho một con đường hoặc một địa điểm ở Bến Tre, quê hương ông ấy, để tưởng nhớ ông, như trong screenshot dưới đây.

 

3.4. Cuốn sách “Chế-độ báo-giới Nam-Kỳ năm mươi sáu năm sau” của Diệp Văn Kỳ (1895-1945) được xuất bản năm 1938, lúc ông 43 tuổi. Báo Phan-Yên ra đời và bị đình bản năm 1899, khi ông 4 tuổi. Ông Diệp Văn Cương qua đời năm 1918, lúc Diệp Văn Kỳ 23 tuổi. Tuy Diệp Văn Kỳ không nói ông đọc số Phan-Yên báo có đăng tin về việc Tổng thống Pháp mất khi nào, song nếu đó là tờ báo do cha ông, Diệp Văn Cương, sáng lập và làm chủ nhiệm, khó có thể tin Diệp Văn Kỳ không nhớ và không nhắc đến trong cuốn sách của mình!?

Trong cuốn sách đó, Diệp Văn Kỳ còn đặt câu hỏi: “Phan-Yên báoxuất bản năm nào và có xin phép trước không?” Đáng chú ý là ông nói “Tôi đã hết sức sưu tầm, vẫn chưa kiếm ra tông tích chỉ đích xác.” (Diệp Văn Kỳ, sđd., tr.23) Chúng tôi nghĩ đây cũng là một lý do khiến chúng ta nghi ngờ ý kiến cho rằng ông Diệp Văn Cương là người sáng lập và chủ nhiệm và chủ bút báo Phan Yên. Có lẽ vì nghi ngờ như thế nên trong bài viết của mình (chú thích 3), tác giả Trần Đình Ba không nhắc đến Diệp Văn Cương và không nói ai là chủ bút báo Phan Yên.

Với những tư liệu dẫn ra trên đây, có thể thấy thời gian ra đời và bị cấm của Phan-Yên báo đã dần dần được sáng tỏ. Nhưng vấn đề ai là người sáng lập và chủ bút của tờ báo này vẫn là câu hỏi cần được làm rõ. Tuy nhiên, điều khá chắc chắn rằng Diệp Văn Cương không phải là cái tên như được biết lâu nay mà rất có thể là “mấy người bổn-sở ẩn danh mà đặt nó ra” như Alfred Schreiner, người sáng lập và chủ bút báo Nam Kỳ đã viết[19].

Sau khi viết xong bài này, tôi nhận được trả lời của giám đốc thư viện Lưu trữ Ngoại quốc Quốc gia (Archives nationales d’outre-mer) Pháp cho biết ở thư viện này cũng như ở Trung tâm lưu trữ hồ sơ Đông Dương (GGI) và Thư viện Đại học Ngôn Ngữ và Văn minh (BULAC), Pháp không tìm thấy thông có số nào cũng như thông tin gì về Phan Yên báo. 

 

 

 



[1] Một số người cho rằng Phan Yên là nói lái của Phiên An (tên cũ của Gia Định). Tuy nhiên, theo Vương Hồng Sển viết trong sách “Sài Gòn năm xưa” và Alfred Schreiner viết trong “Abrégé de l'histoire d'Annam; 2e édition, augmentée de la période comprise entre 1858 et 1889” thì “Phan Yên” là tên cũ của Gia Định.

[2] https://vi.wikipedia.org/wiki/Phan_Y%C3%AAn_b%C3%A1o

[3] https://plo.vn/van-hoa/nha-bao-diep-van-ky-va-to-phan-yen-bao-cuoi-the-ky-xix-953851.html

[4] Từ điển bách khoa Việt Nam 3 (N-S), Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa, Hà Nội 2003, tr. 407. Xin cảm ơn PGS, TS. Phạm Hùng Việt đã kiểm tra giúp chúng tôi thông tin này.

[5] http://www.hobieuchanh.com/pages/baiviet/NguyenVyKhanh/baochiVN_nvk.html

[6] https://nghiencuulichsu.com/2021/04/22/nam-ky-to-bao-quoc-ngu%CC%83-cuoi-the-ky%CC%89-19-con-it-duo%CC%A3c-biet-den/

[7] Theo Huỳnh Văn Tòng, Phan-Yên-Báo là “Báo tuần chỉ ra vài số thì chết (khoảng đầu 1899)”, dẫn từ “Huỳnh Văn Tòng, Lịch sử Báo chí Việt Nam (từ khởi thủy đến năm 1945)”, Khoa Báo chí Đại học mở bán công TP HCM. 1995, tr. 31

[8] Diệp Văn Kỳ, Chế-độ báo-giới Nam-Kỳ năm mươi sáu năm nay, Saigon 1938

[9] https://vi.wikipedia.org/wiki/Di%E1%BB%87p_V%C4%83n_C%C6%B0%C6%A1ng

[10] Procès-verbaux du Conseil colonial: session extraordinaire de 1918, séance du mercredi 29 Mai 1918

[11] R.B. Smith, “Bùi Quang Chiêu and the Constitutionalist Party in French Cochinchina, 1917-30”, in trong tạp chí “Modern Asian Studies”, III, 2 (1969), pp. 131-150. Trong bài này, Smith viết: “Ông Diệp Văn Cương (1876-1918) sinh ra tại Bạc Liêu nhưng định cư ở Bến Tre và chắc phải là một người quen biết của ông Bùi Quang Chiêu nếu không thực sự là một đảng viên trong đảng của ông; ông ta có thể trở nên nổi bật hơn nữa trong phong trào nếu ông không chết đi vào Tháng Một 1918.” (tr.134)  Bản dịch tiếng Việt có thể đọc ở đây: https://nghiencuulichsu.com/2013/01/29/bui-quang-chieu/ 

[12] Vương Hồng Sển, Sài Gòn năm xưa (https://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nmnqnqn0n31n343tq83a3q3m3237nvn)

[13] R. B. Smith, The Vietnamese Elite of French Cochinchina, 1943, Modern Asian Studies 6 4 (I972), pp. 459-482

[14] Milton E. Osborne, The French Presence in Cochinchina and Cambodia, Rule and Response (1859-1905), Cornell University Press, Ithaca 1969, tr. 53

[15] Bản dịch tiếng Việt của chương này có thể đọc ở đây (http://www.gio-o.com/NgoBac/NgoBacEOsborne2.htm)

[16] Huệ-Tâm Hồ Tài, The Politics of Compromise: The ConstitutionalistP arty and the Electoral Reforms of 1922 in French Cochinchina, Modern Asian Studies, Vol. 18, No. 3 (1984), pp. 371-391.

[17] Xem bài ở chú thích 11, tr. 135

[18] http://lainguyenan.free.fr/pk1936/OngDiepVanKy.html

[19] Trước khi viết bài này, tôi có gửi email tới Lưu trữ Hải ngoại Quốc gia của Pháp (http://www.archivesnationales.culture.gouv.fr/anom/fr/) để tìm thông tin về Phan Yên báo. Một tuần sau tôi nhận được trả lời từ giám đốc, cho biết ở thư viện này cũng như ở Trung tâm lưu trữ hồ sơ Đông Dương (GGI) và Thư viện Đại học Ngôn Ngữ và Văn minh (BULAC), Pháp không có số báo Phan Yên nào cũng như thông tin gì về tờ báo này.   

 

Võ Xuân Quế
Số lần đọc: 951
Ngày đăng: 08.06.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Giọt dương cầm thánh thót trong đêm sâu - Nguyên Bình BRVT
Autumn Prayer By Alexandra Huynh - Đỗ Quý Dân
Le Pont Mirabeau – Vượt qua cầu ảo ảnh - Đỗ Quý Dân
Những nhà văn Việt Nam ở hải ngoại đã qua đời năm 2020 - Đỗ Nguyễn
Sách đọc vài quyển trong mùa đại dịch - Nguyễn Vy Khanh
Con Nghê chỉ là linh vật hài hước - Hoàng Xuân Hoạ
Huế - quê hương đi để mà nhớ … - Bùi Hoàng Linh
Dịch và giới thiệu: Thơ và tranh của tác giả Đỗ Quý Dân - Đỗ Quý Dân
“Bước chậm bên dòng Hương Giang” Nghe và nhìn thấy… - Võ Quê
“Văn Học Miền Nam 1954-1975” - Nguyễn Vy Khanh