Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.149
123.226.673
 
Hành trình của thơ
Đỗ Quý Dân

 

Thơ đến từ cảm giác mới, từ trải nghiệm mới. Mới đến từ thay đổi. Do đó, thơ đến từ thay đổi. Tối thiểu là trong cảm quan.

Những sự kiện trong quá khứ vẫn có thể đem đến cảm giác mới, trải nghiệm mới. Cái mới cũ của thơ không tùy thuộc vào thời gian, mà tùy thuộc vào biến chuyển từ vô thức đến tri thức.

Tĩnh biến thành động là thay đổi rõ ràng nhất. Cái tĩnh nguyên thủy của muôn loài nằm trong khối năng lượng vô tận tích tụ trong một điểm cực vi. Cái động bắt đầu khi điểm cực vi kia nổ tung ra thành vũ trụ bao la bất tận. Khoa học ngày nay gọi là Big Bang.

Thơ bắt nguồn từ tiếng nổ đó .

Điểm năng lượng cực vi kia không thể ngủ yên trong tĩnh lặng. Vì tĩnh lặng đưa đến cô đơn. Cô đơn đòi thay đổi. Vũ trụ nổ tung vì thế. Cô đơn là nguồn cội của thay đổi. Cô đơn là nguồn cội của thơ.

Ý thơ chết yểu nếu chỉ xuất phát từ một sự thay đổi bình thường. Thơ còn sống đến hôm nay vì xuất phát từ những thay đổi khác thường. Những cái tầm thường (nhưng không nên hiểu tầm thường theo quan niệm tầm thường) không thể gọi là thơ.

Thơ sẽ chìm vào quên lãng nếu không tạo được tiếng ngân vang. Những làn sóng âm thanh của tiếng nổ khởi đầu vũ trụ vẫn còn vang vọng đến hôm nay. Những âm thanh khô cằn không thể vang vọng được. Thơ không bị quên lãng sẽ còn ngân vang qua bao thế hệ. Thơ khô cằn không vang được nên sẽ bị quên lãng.

Thơ sinh ra từ cô đơn, nuôi dưỡng bằng thay đổi, chỉ tồn tại khi vượt qua được cái tầm thường, bị quên lãng nếu thiếu giọng ngân vang.

Và hành trình của thơ là hành trình bất tận.

* * *

Ngồi trên chiếc xe đang chạy ở tốc độ cao, ta không thấy được cánh bướm đang lượn quanh bụi hoa dại dọc đường, không nghe được tiếng cười đùa của lũ trẻ ở những ngôi nhà ta đi ngang qua, không ngửi thoáng được mùi nước hoa của cô gái đẹp đi bộ ngược chiều. Ta mất đi những cảm quan đó. Cái cảm quan của khách bộ hành. Ta chỉ có thể đi tìm khi xe ngừng lại.

Tốc độ của xe cho ta những trải nghiệm mới. Những trải nghiệm từ tốc độ của đời mới. Dù khi xe ngừng, cái trải nghiệm dừng lại cũng không còn là trải nghiệm của loài người lúc chưa phát minh ra xe tốc độ. Ta nhìn cái tĩnh của sự dừng lại khác với cái tĩnh nguyên thủy.

Ngồi trên phi cơ bay từ thành phố này sang thành phố khác, ta cũng có những trải nghiệm khác. Từ trên cao nhìn xuống, ta thấy cả một thành phố. Và khi phi cơ hạ cánh, ta được trả lại một góc chật hẹp của tầm nhìn từ đôi mắt. Nhưng cảm quan đến từ cái nhìn ấy khác với cảm quan của lữ khách bộ hành. Cái tĩnh của phi cơ hạ cánh vẫn khác với cái tĩnh của chiếc xe đậu lại. Không còn nguyên thủy.

Và sau này khi loài người có thể đi từ hành tinh này đến hành tinh khác, ta lại có cái nhìn mới, có thể thấy cả một thế giới trong một thoáng nhìn. Ta có cái nhìn mới, cái cảm giác mới, cái động mới và cái tĩnh mới.

* * *

Thơ của thế giới “bước tới đèo Ngang bóng xế tà” khác với thơ của thế giới cơ khí. Thơ của đường cao tốc khác với thơ của “Chuyến bay đêm”. Thơ của trái đất khác với thơ của vũ trụ. Khi ta đi lạc vào cõi mới, những cái cũ ta tìm lại được vẫn cho ta một cảm giác mới. Nhưng ta cần phải nhận ra nó. Với thơ, ta đón nhận bằng cảm xúc nhiều hơn bằng ý thức.

Nhưng cái cảm giác của chàng thợ săn núi Hồng lúc ngồi chốn ẩn cư uống chén rượu nếp than vào thế kỷ thứ 19, so với cái cảm giác của Thôi Hiệu ngồi lầu Hoàng Hạc uống hoàng tửu vào thế kỷ thứ 8, cũng chẳng khác bao nhiêu. Chỉ vì cái khoảng thời gian hơn mười thế kỷ kia bị cô đọng lại trong một không gian không có mấy biến đổi. Vả lại cái quan niệm về thơ dạo ấy khác với quan niệm thơ ngày nay. Làm thơ, vào thời đại ấy, trước hết là để tu thân, để học làm người quân tử (và phải học theo tiền nhân), để chiêm nghiệm chứ không phải để ưu tiên cho sáng tạo. Và vì chiêm nghiệm, chàng thợ săn núi Hồng đã phải thốt lên:

“Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như.”

* * *

Chiêm nghiệm không đòi hỏi sáng tạo. Và vì sáng tạo không phải là “nhu cầu” của thời đại chiêm nghiệm, nên cái “mới” cũng không phải là nhu cầu. Lặp lại công trình của tiền nhân là học hỏi từ tiền nhân, là vinh danh người xưa, là tôn trọng đạo nghĩa thầy trò, là tu thân để thành người quân tử. Sáng tạo, tìm cái mới, theo cảm quan mới, không cần thiết, mà lại có thể bị mang tiếng là hỗn hào.

Đúng, trên phương diện truyền thống, sáng tạo là hỗn hào.

* * *

Và con người ở cái xã hội vừa đi vào giai đoạn phát triển công nghệ, kỹ thuật, dù thấy sáng tạo là cần thiết, vẫn chưa cảm thấy quen thuộc với cái “hỗn hào” kia. Thứ nhất vì con người còn bị “nô lệ” vào truyền thống, thứ hai là không chịu đổ đi cái còn lại của chén rượu thơ văn quen thuộc chưa kịp uống cạn, thứ ba là không quen với cái hơi men của chất rượu mới, và sau cùng là muốn mượn cái có sẵn, không muốn phải cực nhọc để học hỏi, không chịu tìm hiểu và thử nghiệm cái mới, nên cảm thấy cái ấm cúng của sự quen thuộc là mái nhà đảm bảo cho cuộc sống bình yên trong kỷ nguyên tốc độ, cái kỷ nguyên đòi hỏi thay đổi, đòi hỏi sáng tạo. Mượn cái tĩnh nguyên thủy để thay thế cái động liên tục hay cái tĩnh khi chuyến xe đổi thay ngừng lại nơi chuyển bến, chỉ là để làm giãn cái quen thuộc, chỉ là để thỏa hiệp với thơ mà không biết mình đã giết chết thơ.

Người có nhu cầu sáng tạo sẽ thấy cái lặp lại, vay mượn kia là sáo rỗng. Người không có nhu cầu sáng tạo tiếp tục noi theo cái truyền thống “chiêm nghiệm, tu thân”, mượn truyền thống làm đỉnh cao của thơ.

* * *

Thế nhưng nhu cầu sáng tạo không chỉ là buông mình theo tốc độ của cuộc sống mới. Vì như thế chỉ là đi tìm sáng tạo trong cái động, mà không thấy cái mới trong cái tĩnh, không thấy được cái tĩnh trong tốc độ (như loài người tưởng mình đứng yên trong độ xoay chóng mặt của quả đất). Và không thấy được cái cũ trong sáng tạo mới. (Ta hãy khoan không nói đến những người chỉ lấy cái mới để trang điểm cho hợp với trào lưu thời đại).

Thế cho nên ta vẫn tìm được cái mới của lục bát trong những trạm ngừng của chuyến xe tốc hành hiện đại. Ta tìm ra cái mới trong thơ vần, cái mới trong “thơ mới”. Ta tìm ra được cái tĩnh trong gia tốc. Bằng cảm quan mới. Bằng không gian cũ bị xê dịch bởi tốc độ của biến đổi. Cái mới từ cái tĩnh bị xê dịch này đôi khi còn mới hơn cái ta gọi là “tự do”. Tôn trọng cái cũ, theo cảm quan mới, theo góc nhỉn mới là một thái độ can đảm. Sốt ruột với những trào lưu, trường phái đầy áp lực của xã hội Tây phương dồi dào phương tiện, dễ dàng trong tiếp nhận, ta thường có khuynh hướng ngược đãi những gì mình sẵn có. Đôi khi ta quên cả những cái tinh túy của người đi trước, vì sợ cái cơ nguy cơ của vay mượn, lặp lại những cái sáo mòn, trống rỗng. Nhưng cái sợ đó làm ta không biết ngưng, và vì sợ ta không thấy cái cảm quan mới cần thiết hơn cái mới, và không hiểu mới chưa phải là sáng tạo, mà đưa cái vô thức cũ vào tri thức mới, vào nhận thức mới, mới thực là sáng tạo.

* * *

Thơ ngày hôm nay cũng chỉ là một hành tinh khai sinh từ một cuộc nổ mới. Tiếng nổ ấy vang xa, vũ trụ mới lại giãn ra như trước. Có thể sẽ quay lại chu kỳ chiêm nghiệm. Nhưng hiện giờ thì chưa.

Tiếng nổ ấy là nghiệp thơ. Lực nổ ấy đòi hỏi sáng tạo.

Vấn đề là liệu ta có tan ra như mây bụi trong vũ trụ của Nàng Thơ?

 

 

 

 

 

Đỗ Quý Dân
Số lần đọc: 811
Ngày đăng: 17.06.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cảm thức hư không và nỗi cô đơn bản thể trong thơ Trần Hoàng Phố* - Trần Hoài Anh
Từ hình tượng trăng – lan man về phía Hàn Mặc Tử - Phan Văn Thạnh
Trần Nam Phong và viết chờ sen lên - Yến Nhi
Thơ thế sự của người sống trong “Mối,mọt,gián,chuột,bóng tối…” - Nguyễn Anh Tuấn
Tình yêu quê hương trong thơ Trường Hải - Hoàng Thị Bích Hà
Chân cảm một hồn thơ. - Yến Nhi
Đọc bài thơ “Đêm trăng leo lên mái chùa” của Thi sĩ Trần Thoại Nguyên - Châu Thạch
Hoàng Cầm Ca, chương khúc của tâm giao - Phan Trang Hy
Rung cảm bằng nhịp đập thời đại - Nguyên Bình BRVT
“Tình khúc” của Nguyễn Đức Tùng: một cánh cửa mở? - Trần Hạ Vi