Ảnh: tác giả
Ngày mùa, đó là lúc làng tôi nhộn nhịp hẳn lên.
Sáng sớm tinh mơ khi con gà trống vừa cất tiếng "Ò ó O..." ngoài chuồng cũng là lúc cả thôn rộn ràng chuẩn bị lưỡi liềm quang gánh ra đồng. Cánh đồng làng Bàu Vá mới hôm nào còn xanh rì rập rờn như những con sóng theo làn gió xuân hây hẩy nay đã trĩu nặng những hạt vàng, chắc mẫy.
Từng đôi bàn tay thoăn thoắt, tiếng cười nói lẫn trong tiếng rì rào của những khóm lúa, mặt trời hé rặng phía đằng đông, đó đây từng khóm lúa đã dần dần rải khắp trên đồng ruộng.
Lũ trẻ con đã vào dịp nghỉ hè, sách vở đã dẹp sang một bên để có thể vô tư trong những ngày hè bay nhảy. Chúng cũng theo chân cha mẹ ra đồng, không cắt lúa thì chúng cùng nhau đi mót lúa. Những cọng lúa người gặt bỏ sót lại trên đồng, "hạt thóc, hạt vàng", nếu chịu khó thì cũng có thể ôm thành một ôm đem về cho gà ăn. Không là bao nhưng đối với chúng nó đã là một việc làm thật "vĩ đại", ít ra cũng là đối với lứa tuổi của chúng.
Đôi khi, những hạt thóc đem rang lên làm bỏng, bỏ trong túi áo để đêm xuống vừa coi tivi vừa ăn cũng là một cái thú của lũ trẻ. Thi thoảng chúng còn rủ nhau đi bắt ốc bắt cá dưới những mương nước đã sắp cạn. Ở đó sẽ có những con rạm đồng với những cái bụng gạch vàng khè mà nếu gặp hên chúng có thể đem về một giỏ để ba mẹ làm một nồi canh bột lọc hoặc đốt rơm lên nướng. Vị thơm ngọt của rạm theo từng làn khói lan toả bên bếp tranh nghèo đủ để những người con xa quê chạnh lòng thương nhớ dẫu phố thị không thiếu món gì miễn có tiền.
Những khóm lúa sau khi cắt xong được buộc lại thành bó, đó là hình ảnh được nhạc sĩ Văn Cao miêu tả trong nhạc phẩm Ngày Mùa: "...gánh thóc vàng từng lớp lớp gánh về, gánh thóc vàng từng sớm nắng trên đê...". Ánh nắng soi lên mọi ngã đường thôn xóm, những giọt mồ hôi lấp lánh trên gương mặt tươi cười, đọng lại trên tấm áo nâu đã bạc màu mưa nắng. Từ đây đã ấm no, đã qua rồi những ngày đông hàn đầy lo âu thiếu hụt. Cô thôn nữ má ửng hồng e thẹn khi bắt gặp ánh mắt anh trai làng sang ruộng lúa nhà mình gặt giúp. Lòng thầm mơ ước một ngày được rước dâu trên đường quê, pháo nổ đì đùng, lũ trẻ con xum xoe vừa đi vừa hát những câu đồng dao tinh nghịch.
Xóm làng rộn ràng với tiếng ầm ầm của máy tuốt lúa. Những bàn tay nhịp nhàng thoăn thoắt, hạt vàng rơi tuôn khắp sân, người gom, người cào, lũ trẻ con lăng xăng phụ ôm những bó rơm ra sau vườn. Đàn gà con lục tục theo chân mẹ, chúng hồn nhiên nhặt nhạnh những hạt thóc rơi vãi ngoài sân, bác heo trong chuồng ủn ỉn sốt ruột giục nồi cám đang sôi sùng sục trên ông kiềng ba chân, ý chừng cũng muốn tham gia vào bầu không khí khẩn trương và rộn ràng này lắm rồi. Lũ trẻ con vừa làm vừa nghịch, quăng rơm lên người nhau, chơi đánh trận giả, những cọng rơm êm ả không làm chúng nó đau khi ngã nhưng cũng đủ làm cái xót khắp người và bao giờ sau những lần như vậy nước giếng Chùa mát ngọt lại xoa dịu chúng, làm cho cái nóng oi bức của ngày hè như dịu hẳn đi.
Rơm sau khi tuốt lúa được rãi khắp từ ngoài sân ra ngoài đường. Những con đường giờ đây vàng óng rơm, mùi rơm của lúa mới thơm thơm bám trên xe đạp, chúng quấn vào cả những bánh xe như níu chân người. Tôi vẫn hay có thói quen thường dừng xe dắt bộ, cho bước chân vui đùa cùng những ngọn rơm thơm êm êm vừa hít hà cái mùi quê thân thương ấy.
Sinh ra từ làng, lớn lên từ nồi cơm mạ nấu bằng những cọng rơm vàng óng nên hình như cái mùi ấy với tôi chưa có lúc nào thôi quyến luyến. Lớn lên và theo chồng, dần xa bức tranh quê sinh động mỗi lần thôn xóm vào vụ mùa gặt hái nhưng bát cơm quê ngày ấy vẫn luôn mặn mòi trong tôi, ấm lòng tôi mỗi lần vào mùa, óng vàng, rộn rã!