Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.063
123.234.274
 
Những vì sao sáng
Phạm Trường Yên

Đến Tết này nữa tiểu đoàn trưởng Lê Thiện Chí mới đầy ba mươi mốt tuổi.

Tôi với anh vốn là người cùng quê. Thuở nhỏ hai đứa cùng học một lớp, một trường. Lớn lên cùng rủ nhau đi bộ đội.

Đó là vào đầu năm 1963.

Trước tiên, chúng tôi được tuyển vào tiểu đoàn địa phương quân tỉnh, ở chung trong đội trinh sát tiểu đoàn. Qua năm 1964, trong trận tập kích bọn cảnh sát dã chiến ngụy gần ngã ba Nhị Quý, tôi bị thương, vết thương không nặng nhưng viên đạn Mỹ quái ác làm cho chân trái tôi bị khập khiễng. Cấp trên cho tôi chuyển ngành, về công tác ở miền Đông, học nghề hội họa.

 

Vậy là chúng tôi xa nhau.

Những năm đó chiến sự chưa ác liệt lắm, đường dây liên lạc vẫn thông suốt, cách nhau hàng trăm cây số vẫn thường xuyên nhận được tin nhau.

 

Chí thường viết thư kể cho tôi nghe những trận đánh ở đồng bằng, những đêm hành quân vất vả, những tấm gương chiến đấu dũng cảm của những đồng đội của anh. Cũng có khi kể về một bà má, một cô gái hoặc một em bé những nơi anh đến. Tôi cũng viết thư kể cho anh nghe cảnh sống ở rừng, những con thú rừng chúng tôi săn bẫy được vào mùa nắng, về những con ve rừng kêu váng óc vào mùa mưa, những trận sốt rét kinh hồn hoặc những đêm đông lạnh buốt xương đến độ không cầm nổi cọ sơn vào những ngày giáp Tết… Những lá thư kéo dài đều đặn được ba năm, càng về sau càng thưa dần. Chiến tranh mỗi ngày một thêm ác liệt. Ở miền Đông, đêm đêm bom B.52 dội rền rừng. Chúng tôi phải ăn ngủ dưới hầm công sự chữ A và tuyệt đối giữ bí mật, cảnh giác bọn biệt kích Mỹ từ máy bay trực thăng đổ xuống.

 

Lá thư cuối cùng của anh mà tôi nhận được đề ngày 26 tháng 7 năm 1968, lúc anh đang nằm bệnh viện. Anh cho biết anh bị thương trong trận đánh vào sân bay Hùng Vương - sân bay nằm về phía tây thành phố Mỹ Tho - đêm 16 tháng 6 trước đó. Trong thư anh còn kể lại cuộc tổng tấn công và nổi dậy hồi Tết Mậu Thân ở quê nhà và những trận chống phản kích dữ dội sau đó của đơn vị anh với sư đoàn 9 Mỹ. Lá thư cuối cùng này rất dài, kể rất nhiều chuyện trên tám mặt trang giấy "pơ-luya", đến nay tôi vẫn còn giữ.

 

Nói chung đó cũng là một lá thư thường tình, chỉ có điều trong thư không hề nói đến chuyện anh gặp vợ anh, câu chuyện mà hôm nay tôi muốn trình bày với bạn bè quen biết.

Như tôi đã nói, lá thư trên là lá thư cuối cùng rồi bặt luôn, tôi không còn nhận được thư cũng không có tin tức gì về anh nữa. Có lúc nghe đồn anh còn sống, có lúc lại nghe anh hy sinh. Mãi đến ngày giải phóng tôi về công tác tại thành phố Hồ Chí Minh. Một hôm, tình cờ tôi gặp anh ở bến xe. Đúng là anh rồi. Tôi bàng hoàng như người vừa tỉnh mộng. Trước mắt tôi là một Lê Thiện Chí bằng xương bằng thịt, người bạn từng sống với tôi từ thuở còn bắn cu-li đầu cạo trọc. Bây giờ anh đứng đó, mặc bộ đồ bộ đội mới toanh, trên ve áo mang quân hàm đại úy. Anh chẳng khác bao nhiêu, vẫn đôi mắt sáng yêu đời, mặt trắng hồng như con gái.

 

Không biết chúng tôi đứng như vậy bao lâu, nói những gì tôi cũng không nhớ rõ. Xe nổ máy người phụ xế giục hành khách lên xe tôi bắt tay từ biệt anh. Xe lăn bánh, anh đi theo một đoạn đường đưa tay vẫy. Giữa rừng người, rừng xe tấp nập, ồn ào, bộ quân phục thẳng nếp của anh không lẫn vào đâu được.

 

Suốt lộ trình đi Bến Tre, lúc nào tôi cũng nhớ và cũng suy nghĩ về anh, những hình ảnh, kỷ niệm về cuộc đời anh từng nơi, từng giai đoạn lần lượt hiện ra trong trí tôi, mỗi lúc một đậm nét. Tôi thấy cái đầu trọc thuở thiếu thời của anh niễng niễng một bên, môi mím lại, mắt nheo nheo, chìa mắt cá chân cho tôi nẻ gộc sau mỗi ván cu-li; tôi thấy anh ngồi khuỳnh hai tay viết những bài luận văn ở lớp… Tôi nhớ rõ nhất dáng nhanh nhẹn của anh trong bộ đồ chánh quy bằng vải ny-lon dầu màu đọt chuối, thoăn thoắt lao vào đồn địch, trên tay khẩu "cac-bin" M.1 nhịp từng ba phát một, chính xác, lúc ấy anh là chiến sĩ trinh sát tiểu đoàn.

 

Sống và chiến đấu chung với anh gần hai năm tôi hiểu anh chỉ một phần. Về sau, tôi được nghe kể lại những thành tích và cuộc sống của anh, tôi càng hiểu anh hơn.

Hôm ấy, như đã hứa, đúng chủ nhật, tôi đến thăm anh. Doanh trại anh là một khu quân sự độc lập, gần năm dãy nhà, bố trí theo hình chữ nhật, nằm tiếp giáp với lộ bốn, bên trái là hồ nước, xung quanh là đồng ruộng mênh mông.

- Trời đất! Tưởng ông không xuống rồi chớ.

Anh từ trong cổng bước ra, tay bế một đứa con gái nhỏ, đi sau là một phụ nữ mặc chiếc áo bà ba màu khói nhang, dáng người mảnh khảnh, một tay xách một cái túi du lịch bằng nhựa giả da màu nâu.

Anh khoe đứa con đầu lòng của anh với tôi:

- Thưa bác Năm đi con!

Anh giới thiệu vợ anh người phụ nữ đi theo sau. Chị nói:

- Hổm nay nghe anh Chí nhắc anh hoài, từ sáng tới giờ cứ đi ra đi vô trông anh - Vừa nói chị vừa giở chiếc nón lá xuống, tôi thấy cánh tay kia của chị bị cụt, kín đáo choàng vào quai nón, như một thói quen. Chị tiếp - Sao anh Năm xuống trễ quá vậy?

Tôi chỉ chiếc hon-đa:

- Tại chiếc xe mắc ôn này nè.

- Vậy chắc anh Năm đói bụng và mệt lắm…

Chí cười nói:

- Ối! Hơi đâu mà lo. Lâu lâu có dịp cho ổng tập thể dục, dượt lại bộ chân què chơi một bữa chớ nhằm nhò gì!

Chị vợ cười trách chồng:

- Anh lúc nào cũng cà rỡn!

Tôi hỏi:

- Anh Chí định đưa chị với cháu đi đâu đây?

Chí nói:

- Chiều nay có anh em xuống tỉnh đội quan hệ công tác, tôi gởi hai mẹ con bả về luôn.

Chí xách túi cho vợ và tôi giúp bế cháu Hạnh lên xe. Chị thò đầu ra:

- Anh Năm ở lại chơi với anh Chí rồi về trển mạnh giỏi. Khi nào rảnh, em với ảnh sẽ lên thăm anh.

Chiếc "com-măng-ra" phụt khói lao đi. Anh nhìn theo. Trong ánh mắt tràn đầy hạnh phúc. Lòng tôi trào lên một niềm xúc động lạ kỳ.

*

 

Lúc bấy giờ là cao điểm của chiến dịch Mậu Thân. Khắp các mặt trận đạn bom thét gầm. Ta với địch choảng nhau bất kể ngày đêm. Trời đất run lên. Bộ đội, dân công ùn ùn tuôn ra hỏa tuyến. Trung đội trưởng trinh sát Lê Thiện Chí bị thương, về nằm trạm xá 3 quân y Chợ Gạo.

- Tôi nôn nóng về đơn vị. Vết thương ở bả vai tôi lâu lâu lại xì mủ. Nằm một chỗ chẳng biết làm gì, tôi vùi đầu vào sách.

Một hôm vào xế chiều, người ta đưa đến một ca bệnh mới. Đó là một cô gái còn rất trẻ, tuổi khoảng mười bảy, mười tám, tay chân quấn đầy băng. Người ta đặt cô ấy lên giường của anh đặc công mới vừa xuất viện hồi sáng, kế bên miệng một "trảng xê".

 

Cô gái là thư kí đánh máy cơ quan thành phố Mỹ Tho. Cách đây hai hôm, cô thay cho anh giao liên bị bệnh, đưa hai đồng chí cán bộ khu từ cơ quan cô sang cơ quan bạn công tác. Cô đi trước, dọc đường đụng một toán Mỹ "nhả răng bừa", cô vừa chiến đấu vừa dẫn địch ra ngoài đồng trống cho hai cán bộ khu chạy thoát. Còn cô bị thương ở chân. Khẩu AK lại hết đạn. Tình thế vô cùng nguy hiểm. Giữa lúc cô vừa toan tháo súng thì may có một đơn vị địa phương quân huyện đóng dưới mé vườn gần đó nổ súng xung phong lên tiêu diệt gọn toán Mỹ cứu được cô. Trên đường về quân y, nửa chừng cô lại bị thêm một mảnh đạn trái pháo loại 105 ly phang trúng, thêm một vết thương ở cánh tay phải, đã ngất đi vì kiệt sức, được đưa gấp về bệnh viện.

 

Kể tới đó Chí ngừng lại rót cốc "bia" cuối cùng đẩy qua tôi rồi tiếp:

- Cô là trường hợp đặc biệt người ta phải nhận tắt ngang. Lẽ ra sau khi cấp cứu xong, sẽ chuyển ngay bệnh nhân mới về trạm xá theo một hệ thống nhập viện từ đầu mới phải. Nhưng rất may là hôm ấy có Mười Nam, y sĩ trưởng quân y từ trạm xá 1 đến. Mười Nam còn trẻ, trạc ba mươi, nhỏ con, nước da bủng, bị bịnh sốt rét, tính trầm lặng, một tay mổ xẻ "cừ" nhất của huyện Chợ Gạo lúc bấy giờ. Sau khi xem xét chẩn đoán vết thương, Mười Nam triệu tập một cuộc hội ý chớp nhoáng, chuẩn bị cho một ca giải phẫu. Tất cả đều im lặng, khẩn trương. Mùi cồn, mùi thuốc, mùi vải hấp xông lên nồng nặc mấy căn nhà. Mọi việc chuẩn bị hoàn tất, y sĩ Mười Nam đến. Ai nấy đều nín thở chờ đợi.

- Cánh tay cô phải cắt thôi! Không còn cách nào khác…

Lời nói như sét đánh. Cánh thương binh chúng tôi đều nhổm dậy. Còn cô gái vẫn thản nhiên. Đầu tiên tưởng cô nghe không rõ. Nhưng sau đó cô ta nói: "Thì tùy mấy anh mấy chị thôi. Còn em sao cũng được. Mấy anh mấy chị đừng lo. Em không sợ đâu, em chịu đau nổi…". Cô thư ký đánh máy của chúng ta cừ thiệt! Suốt hơn một tiếng đồng hồ chịu cho Mười Nam mổ xẻ suốt cả hai vết thương, nhìn thẳng từ đầu đến cuối tỉnh bơ, không để một chút gì lộ vẻ đau đớn. Thiệt tình tôi dội luôn. Ngay như Mười Nam là tay mổ xẻ cũng lắc đầu. Vậy mà sau đó, ông biết không, cô ta lại khóc. Mười Nam và mấy cô y tá khuyên nhủ, động viên cũng chẳng ăn thua gì. Lâu lâu cô ta cứ đưa bàn tay còn nguyên lên đọ với cánh tay cụt rồi khóc hoài. Nước mắt thấm ướt cả một vùng áo gối. Nhìn thật xốn xang.

 

Về sau, hình như không muốn làm cho bao nhiêu người khác phải bận tâm, cô ta bắt đầu khóc một mình. Thường là về đêm, mọi người đều yên giấc, bấy giờ cô ta mới khóc. Có lẽ cô ta tủi thân. Dù gì cô ta cũng còn trẻ quá. Làm sao mà cô ta không nghĩ đến vấn đề hạnh phúc tương lai cho được. Tôi suy diễn như vậy.

 

Độ một tuần sau, hôm ấy giặc càn ngay vào khu vực quân y, tôi và cô ta được anh em bố trí ở chung một hầm bí mật. Dưới ánh sáng lờ mờ hai lỗ thông hơi nhỏ như hai hang còng rọi xuống lòng đất đầy mùi ẩm mốc và mùi rễ cây mục, cô ta tâm sự với tôi:

- Em cám ơn mấy anh chị chăm sóc giúp đỡ em. Nhưng mấy anh chị hãy hiểu cho em, đừng tưởng em khóc thương xót cho mình, như vậy tội nghiệp cho em lắm. Nói thiệt, là con gái em tiếc gì một cánh tay. Em là đoàn viên, sẵn sàng hy sinh, luôn cả tính mạng mình. Cuộc chiến đấu này có biết bao nhiêu người đã nằm xuống, đã tật nguyền rồi. Em thì cũng vậy thôi. Em khóc chỉ vì nghĩ tới má em…

 

Nói tới đó nước mắt cô trào ra. Hồi lâu sau cô mới tiếp, giọng đứt quãng:

- Anh biết không, má em có một mình em là gái, cưng em lắm, muốn em sau này làm cô giáo. Em định sau ngày giải phóng xin qua ngành giáo dục dạy học. Bây giờ em bị như vầy về đơn vị còn công tác gì được nữa.

Nói đến đó cô lại khóc, úp mặt vào vai tôi không để ý gì cả. Tôi nghe nhói trong tim, thấy mình có trách nhiệm xoa dịu nỗi thương tâm đang giày vò lòng cô. Tôi vỗ về cô, an ủi cô, kể chuyện cho cô nghe. Kể về những tấm gương các anh hùng liệt sĩ, những nỗi đau đớn, hoàn cảnh khó khăn con người phải chịu đựng và vượt qua. Tôi kể trong tiếng gầm rú man rợ của hàng tràng đại bác và của những loạt bom dầu, bom miểng làm rung rinh mặt đất. Sau trận càn trở về, cô hỏi mượn tôi cây viết, thay vì khóc ngay buổi chiều hôm ấy cô bắt đầu tập viết, viết bằng tay trái, ngày nào cũng tập, rảnh là ngồi dậy tập viết, cần mẫn, kiên trì. Hôm tôi ra viện nét chữ của cô tuy vẫn còn nguệch ngoạc nhưng cũng đã dễ coi.

- Vậy rồi bao lâu ông mới gặp lại bả? - Tôi hỏi.

- Năm bảy mươi hai. Bữa đó đơn vị đóng quân cũng gần công việc tương đối rảnh tôi tranh thủ về thăm gia đình. Trúng hôm làm lúa, má tôi với con Loan đi ruộng, con Phượng ở nhà. Nó đang ngồi học bài. Từ lâu tôi cứ lo sợ nó dốt. Chiến tranh, bom đạn ác liệt, xứ khỉ ho cò gáy mấy đứa nhỏ làm sao có trường học. Bởi vậy thấy nó ngồi học tôi cũng mừng. Tôi kéo nó vào lòng biểu nó lấy tập cho tôi coi.

 

Trong quyển vở tập viết của em gái út tôi, tôi thấy trên những hàng chữ non nớt của nó, cứ mỗi trang là một hàng chữ mẫu của cô giáo viết sẵn cho nó viết theo.

Tôi hỏi bâng quơ:

- Em biết cô giáo tên gì không Phượng?

- Cô tên Hường!

- Cô Hường em viết chữ đẹp quá! Em ráng viết đẹp như cô Hường vậy.

- Cô em viết chữ bằng tay trái đó. Tay mặt cô em bị pháo Mỹ bắn cụt rồi. Cụt ngang đây nè! - Nó vừa nói vừa ra dấu, rồi reo lên - Cô em kìa!

Một người con gái bước vô, tôi vọt miệng:

- Hường!

Cô gái ngạc nhiên giở chiếc nón lá xuống:

- Trời đất ơi! Anh Chí! Anh đi đâu đây?

- Tôi về nhà tôi chớ đâu - Tôi đã bình tĩnh trở lại nói - Vô đây tôi hỏi thăm chút coi cô.

 

Hường ở lại với anh em tôi suốt buổi trưa hôm đó, kể tôi nghe nhiều chuyện, sau khi tôi rời quân y cô trở về đơn vị, cô gặp má cô, cô trở thành cô giáo được điều đến dạy trường vùng này. Ngay lúc đó tôi có ý nghĩ rằng: chính Hường là của tôi. Trong những ngày còn đóng quân tôi ngỏ ý định của tôi, chẳng bao lâu sau chúng tôi cưới nhau.

Bữa lễ tuyên hôn, tôi nghe có một số bạn bè xầm xì to nhỏ với nhau, phần nhiều là mấy cô gái, đại để nói tôi trẻ tuổi, đẹp trai có nhiều thành tích lại đi cưới một cô gái cụt tay. Những người già dễ tánh hơn nói không cần giấu giếm: con nhỏ cái gì coi cũng được, chỉ phải cụt tay, chắc duyên nợ với nhau kiếp trước. Thôi vậy cũng được, miễn thuận vợ thuận chồng.

Còn tôi nghĩ rằng: người con trai nào cưới vợ cũng muốn chọn cho mình một cô gái đẹp cả về hình thức lẫn nội dung. Nhưng quan trọng nhứt là tình yêu, tôi đã yêu Hường, còn có gì hơn nữa phải không anh?

Phạm Trường Yên
Số lần đọc: 1926
Ngày đăng: 02.12.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Người thợ rèn và những vòng hoa tang - Nguyễn Đức Thiện
Người năm cũ - Nguyễn Ngọc Tư
Giận cá chém thớt - Trương Hoàng Minh
12 câu chuyện của những người chăn vịt.(trích chuyện thứ 1) - Vũ Hồng
Tân kỳ đồ tể truyện - Nguyễn Đức Thiện
Bài tập về nhà - Phạm Khánh Liêm
Tửu địa - Phạm Lưu Vũ
Trả lại tôi mùa đông - Trần Kim Trắc
Ước mơ trong mỗi cuộc đời - Thảo Bích
Kẻ lạ ở trong nhà - Vũ Đình Giang
Cùng một tác giả
Những vì sao sáng (truyện ngắn)