8.
NHT & văn hóa vùng miền Nam-Bắc
Tên tuổi và hành trình văn học trong-ngoài quân đội (lại tuyền là các nơi đỉnh văn đàn), trước tác và tư cách trí thức, kiến văn và tính kiên tâm cùng chữ nghĩa nửa thế kỷ qua của nhà nghiên cứu, phê bình, biên tập Vương Trí Nhàn đã mang vị thế cho cách nhìn “anh hùng ca”:
“Đối với tôi, nói đến NHT đầu tiên phải khẳng định ông là người của VN nói chung chứ không phải chỉ là nhà văn của một giai đoạn, gắn bó với một hoàn cảnh cụ thể. Tôi vẫn nghĩ, thật may mắn cho mình được sống cùng thời với NHT. May mắn chúng ta còn có NHT.”
Ấy vậy, cứ như chúng tôi ngẫm và nhất là nhòm, rồi lục vấn độc giả qua trắc nghiệm thì thị hiếu đọc chính là địa chỉ gian khó trong toàn bộ “bản đồ Thiệp”. Tiểu truyện NHT cố gắng đi vào ngõ ngách đó. Câu hỏi về sức sống văn chương NHT với bạn đọc người Việt cần theo 3 hướng: Chính trị - xã hội - thể chế (trong đó có yếu tố Quốc-Cộng); văn hóa vùng miền Nam-Bắc; và thế hệ.
Bài rút gọn chỉ đề cập văn hóa vùng miền Nam-Bắc, mà tự thân là nan giải, khó nhằn vô cùng giữa tất cả những gì liên quan VN. Vâng, của tất cả chúng ta: Việt Nam! Không viết tắt ở đây. (Lại bỗng dưng muốn khóc…)
Nhiều minh họa, trích dẫn trong Tiểu truyện NHT đã tiết lộ khác biệt, thậm chí mâu thuẫn Nam-Bắc như đã chọn truyện Thiệp làm chiến địa. Nhân thân của các tác giả được trích dẫn (xuất xứ miền Bắc XHCN, Bắc di cư, miền Trung hay miền Nam trước 75, quốc nội - hải ngoại…) có thể xem là cơ sở khá chắc để biết họ ở đâu trên “bản đồ Thiệp”: fan cứng, fan mềm, bình thường, không thích, ghét, căm giận…
Nhớ rồi, sau khi NHT nhận giải thưởng ở Ý năm 2008, bản thân kẻ thiển cận này bỗng nhìn ra văn hóa vùng miền là cản trở thực sự lớn nhất cho ông trở thành nhà văn lớn của cả VN. Mà vẫn lăn ta lăn tăn...
*
Qua kết quả có thể coi là khá của “Phỏng vấn nhảy dù từ ĐQ tới trăm bạn Phây thân sơ”, như công bố ở Chương 6, quan hệ vùng miền Nam-Bắc thể hiện tương đối rõ tầm đón đợi của những nhân vật được hỏi, khi tạm cho qua quan hệ Quốc-Cộng.
Như đã thấy, trong số khoảng 160 địa chỉ gửi riêng đến fb tin nhắn và vài email: gần 70 nơi không/chưa hồi âm với nhỉnh hơn một nửa là người “miền Nam” (trước 1975/ hải ngoại); 63 hồi âm góp ý các kiểu; 57 ý kiến có thể dùng trong bản thảo đầy đủ; 27 hồi âm (14 là “miền Nam”) ngỏ ý chẳng chịu tham dự. Xin chú ý tương quan này. Bởi 27 bạn ấy hầu hết thân tình, chúng tôi thêm hiểu lý do thực sự các bạn không khoái nhào vô mà chỉ thích “tám” nhiều điều như người ngoài cuộc chơi.
Trong 53 câu trả lời được công bố, với 27 bạn “miền Nam” chỉ 5 bạn có “hiệu ứng dương” ở vấn đề NHT mà câu hỏi đặt ra; tức là trong tất cả 14 “hiệu ứng dương” trên tổng số 52 trả lời thì 9 là “miền Bắc”. Đặc biệt, trả lời từ 3 quý bạn “miền Nam” là Hậu khảo cổ/ Nguyễn Thị Hậu, Nguyễn Hữu Liêm và Vũ Trọng Quang là đích đáng cho phỏng vấn bỏ túi của Tiểu truyện NHT, ở công án Nam-Bắc như một cái dớp trong truyền thống dân tộc. Ô kê con gà đen, bỏ đi Tám!
Nhấn mạnh: Chưa nói đến chuyên môn khảo cổ, quy hoạch đô thị mà tác giả là chuyên gia có tiếng, chưa nói đến các tùy bút đẹp dịu gần bằng người viết ra chúng, nick “Hậu khảo cổ” là tên tuổi khả tín ở giới trí thức, văn nghệ sĩ VN đương đại vốn phải mang tải ảnh hưởng chính trị và thời cuộc đặc biệt éo le suốt nửa thế kỷ qua. Trong chủ điểm này của Tiểu truyện NHT, có lẽ đấy là người mang cái nhìn qua lăng kính Nam-Bắc xuyên thấu đất nước hơn cả; nhờ xuất xứ và hành trạng từ một gia đình nghệ sĩ miền Nam tập kết và trở về quê hương sau 1975.
*
Thú thực, người viết bớt hẳn lăn tăn theo hướng này sau FB-stt từ một nhà hàn lâm chính hiệu con nai vàng, cũng là bạn Phây tin cậy dù mới quen - PGS-TS Trịnh Bá Đĩnh, nguyên Trưởng phòng Lý luận Viện Văn Học, thầy hướng dẫn trực tiếp một tiến sĩ với luận án "Liên văn bản trong văn xuôi NHT":
"Đôi khi tôi có ý nghĩ lẩn thẩn: với chúng tôi, những độc giả quen với văn hoá Bắc Bộ, với nghệ thuật có tính "nhà nước", với văn học Hiện thực chủ nghĩa, say mê cái mới của văn NHT thì đã rõ. Nhưng với những độc giả có những trải nghiệm văn hoá, văn học khác thì sao nhỉ? Giả dụ với các độc giả vùng văn hoá Nam Bộ, hoặc NHT nếu xuất hiện trong dòng văn học Sài Gòn trước 1975 (lẩn thẩn mà). Tức là mức độ phổ cập và bền vững, giá trị văn hóa của hiện tượng.”
Trịnh quân còn giăng lên chợ Phây vài foto liên đới chính chủ:
“Như một nhà văn lớn, NHT cũng hay nghĩ đến cái phổ quát. Phía sau 2 đĩa gốm tặng mình NHT ghi 2 câu danh ngôn: [của] (Đốt) [...] (La Bruyère), nghĩa là ông luôn suy ngẫm về mặt tự nhiên và Văn hoá của con người.”
Và
“Đưa lên bức ảnh NHT trong buổi bảo vệ luận án của Nguyễn Văn Thuấn. NHT rất quý mến Nguyễn Văn Thuấn.”
Bác Trịnh nói dzui "lẩn thẩn" thế thôi. Chứ viện sĩ chỉ nống quan niệm đó thành bài hẳn hoi thì biết nhau ngay. Thảo dân chúng em chờ...
Không thể không để ý, tuyệt đại đa số VIP fan cứng NHT ở mọi lứa tuổi đều là “gốc Bắc” (miền Nam trước 75/ hải ngoại: Thụy Khuê, Đỗ Quý Toàn, Nam Dao...) và xuất xứ lò XHCN cũ (Bảo Sinh, Hồng Hưng, Lê Thiết Cương, Hoàng Hưng, Vương Trí Nhàn, Bảo Ninh, Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Văn Thọ, Văn Giá, Trương Hồng Quang, Thuận, Vi Thùy Linh, Đặng Thân, Lê Minh Hà, Đỗ Quang Nghĩa, Phan Huyền Thư, Phạm Kỳ Đăng, Nguyễn Văn Thuấn, Đỗ Hoàng Diệu, Mai Anh Tuấn, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Diệu Hường Mimmi Bergström, Uông Triều, Trương Anh Tú, Nguyễn Hoàng Diệu Thúy, Vinh Huỳnh, Quỳnh Iris de Prelle, vân vân và vân vân - Đủ lập một “đại đội cảm tử NHT” nhỉ!)
Cần dẫn tiếp FB-stt đã nêu trên ở các nhận định đúng đắn, đầy trách nhiệm và thao thức của siêu fan Hoàng Hưng:
“Hôm nay [25/3] xin nói thêm chút về trường hợp NHT, góc độ xã hội học. Có lẽ ông là cây bút kết tinh tâm lí và ngôn ngữ người miền Bắc thời “Cộng sản” (từ 1954 đến trước “Đổi mới”). Mà cốt lõi chính là tầng lớp “người nhà quê” đổi đời, trí thức hoá, nhà binh hoá, cán bộ hoá, thành thị hoá, sau mấy mươi năm là chủ lực trong cuộc chiến tranh kéo dài, đã trở nên lực lượng áp đảo xã hội.”
Chuẩn hết đường chỉnh ạ!
“Đó là cái chất đặc dị có lẽ chỉ có con người miền Bắc VN thời “CS” mới có! (Đến nay, sau 30 năm đổi mới, nó cũng biến chuyển khá nhiều! Sẽ có dịp bàn sau). [...] Tôi nghĩ các nhà văn tài năng của ta trước Thiệp không có hoàn cảnh bản thân và xã hội để hiểu thấu đáo người nông dân “từ bên trong” như NHT! Hoặc con người thời đó vẫn đơn giản, rạch ròi, không phức tạp lắt léo như thời Thiệp!”
(Nt)
Vưng ạ. “Sẽ có dịp bàn sau”. “Em chã” câu đầu và 2 câu cuối.
“Có lẽ, đó cũng là lí do khiến hình như những người gốc Bắc (kể cả đang sống ở Tây như Thuỵ Khuê, Trương Hồng Quang, Nam Dao…) hiểu ông, tán thưởng ông mạnh hơn người gốc Nam? Cũng hình như đó là lí do người Pháp (có 100 năm hiểu VN) hiểu và tán thưởng ông nhiều hơn người Mỹ?”
(Nt)
Nhất trí cao, trừ 4 từ “Có lẽ”, “hình như”! Kẻ này tát nước theo mưa, chứ còn ngay tuần tang lễ nhiều còm ủng hộ stt trên:
“Anh HH nhận định rất đúng. Luôn có sự khác nhau giữa văn hóa 2 miền Bắc Nam, và sự khác nhau trong cách đánh giá giữa nước Mỹ và Pháp, châu Âu.” - Hồ Việt Nguyễn
Ý của còm gia Cuong BuiThe đáng kể:
“Không rõ cảm giác của tôi có đúng không, vì mơ hồ, hình như bà con văn nghệ sĩ gốc trong Nam (VNCH) không mặn mà, ấn tượng lắm với Thiệp, tuy họ có thừa nhận Thiệp là tuyệt vời rồi. So với sự đồng cảm với Thiệp ở dân Bắc, và ở khoảng tuổi quanh quanh với Thiệp hoặc cho đến thế hệ 7x. Thế hệ trẻ hơn ở Bắc có lẽ cũng đã không mặn mà nữa rồi. Có phải vậy không, bác Hoàng Hưng?”
Và đây, “tướng quân” Đặng Tiến với vài nhời cơ bản:
“Tập tục đọc, hai miền, vẫn còn lệch pha…”
Đến từ còm gia Long Nguyen, một trái chiều cần thiết:
“Tôi đọc NHT và nhận thấy ông cũng có tài viết. Truyện của ông đọc lần đầu sẽ rất lạ và lôi cuốn qua cách viết riêng khác người. Nhất là người đọc VN thời điểm 80s mang tâm trạng khao khát nhiều thứ trong đó có văn nghệ. Nhưng mà, một thời gian sau đọc lại thì sẽ nhận ra tính "lỗi thời" rất rõ. Điều này cho thấy những chất liệu sự kiện ông chọn viết có tính thời sự nóng hổi nhưng thiếu giá trị chiều sâu của nghệ thuật.”
*
Cũng ngay sau ngày “vua truyện ngắn” thăng hà, làng Phây đã có một số còm phản biện từ các văn sĩ “miền Bắc XHCN” gốc Trung - Nam: Bùi Công Thuấn, Nguyễn Thị Hậu/ Hậu khảo cổ, Bùi Chí Vinh, Dạ Ngân…
Đây, lại Hậu Kc Nguyễn:
“Tâm thức con người và ngôn ngữ mà NHT phơi bày trong nhiều tác phẩm của ông có phần xa lạ với người miền Nam, nhất là ở các đô thị. Thời điểm tác phẩm của ông xuất hiện và phổ biến (1986 - 1996) thì ở phía Nam chưa "bắc hóa" nhiều như bây giờ ạ.”; “Ngôn ngữ "nghiệt ngã" trong văn chương của NHT nếu ai từng sống ở miền bắc thì dễ hiểu và đồng cảm hơn ạ. Em nghĩ thế.”
Thi sĩ Bùi Chí Vinh với “sự kiện Thiệp” cũng hực chất chiến hào, hào sảng và thẳng ruột ngựa mà rát đến tim, như vẫn từng:
“Xin thú thật là dân Sài Gòn như tôi chỉ mê truyện ngắn Dương Nghiễm Mậu chứ không mê ai viết giống ông [NHT]. Vậy thôi.
[...] Thà chơi trò ú tim thuở nhỏ hay hơn nhiều:
Năm, mười, mười lăm, hai mươi…
Kiếm nơi nào trốn loài người đi em!”
Hy vọng, chúng ta có thể lắng đợi ý kiến từ tốn theo thời gian nơi 2 văn sĩ gốc Trung công chính như nhị vị ngự sử văn đàn đương đại phi chính thống trong-ngoài nước Nam: Đặng Tiến, và không ai khác Nguyên Ngọc (“tướng quân” thời đổi mới, người sở hữu cặp mắt xanh và trái tim hồng từng công đầu lăng-xê NHT ra nơi ác liệt nhất mà sao nay chưa thấy lời ai điếu nào từ tướng công ạ?)
*
Kết thúc chương, xin trình làng một chuỗi phản biện (đã trích dẫn ở phần trên) hiếm hoi, chuyên nghiệp, thẳng thắn và khác biệt trong cơn sóng NHT ngay sau ngày 20/3.
Chủ FB-stt là Phan Nhiên Hạo, một nhà thơ Việt thế hệ 1.5 ở Hoa Kỳ, nổi bật trong dòng văn học hải ngoại trong 20 năm qua theo lối viết đầy ý thức di dân hiện đại với ngôn ngữ thi ca đối đầu, bình đẳng. Anh cũng là chủ trang văn học litviet.org tuy không phổ biến và đều đặn, song luôn sinh động ở độ chọn lọc đề tài và phong cách mới mẻ mà báo chí văn chương tiếng Việt cần có.
Là của hiếm, chúng tôi mạn phép dẫn liền mạch cuộc chí chát nóng, cay và bổ - như một liều thuốc vắc-xin văn nghệ vậy:
Phan Nhiên Hạo nêu ý này; cần thiết dù phũ phàng, đi từ vấn đề NHT đến các đại sự VN - đó cũng là đích chung của Tiểu truyện NHT:
“Như nhiều nhà văn và nhà thơ VN khác, bản thân NHT bị ám ảnh về sự công nhận quốc tế. Nỗi ám ảnh này nhẹ thì khiến người ta vọng ngôn về giải Nobel, nặng thì khiến họ bằng mọi cách săn tìm những giải thưởng và giấy khen vớ vẩn từ bên ngoài đem về khoe khoang với cái đám đông tuyệt đại đa số không có khả năng google bằng tiếng Anh.
Sự khao khát quá đáng về những giải thưởng quốc tế là một tâm lý rất thuộc địa, nó không có gì chung với khát vọng sáng tạo văn chương. NHT là nhà văn VN quan trọng của thời "Đổi mới," và điều đó không liên quan gì đến việc ông có được người ngoại quốc đọc nhiều hay không. Việc người ta đang biến ông thành ứng cử viên quá cố của giải Nobel mới là điều tôi muốn nói.”
Cư dân mạng Văn Chanh:
“Bài viết này khác hẳn với rất nhiều bài viết về ông [NHT] trong suốt 2 ngày qua đăng trên FB. Nếu có thật tuyên bố Nobel thì nghe chói quá! Và người Việt thường tâng bốc quá độ cứ như để làm vui người quá cố!”
Và đây họa sĩ, nữ sĩ Nguyen Thuy Hang đa tài đa sắc của làng nghệ sĩ “ngoài lề Sài Thành”, từng độc đáo ở một lối phi-thơ không thể lặp lại:
“Em đồng ý với anh, NHT là một cột mốc quan trọng của thời đổi mới, nhưng không có nghĩa là em cũng thích tác phẩm của ông ấy. Em vẫn giữ nguyên ý kiến là em không đọc văn của NHT được. Nhưng xét về khía cạnh con người, em có sự đồng cảm, tối thiểu ở mặt nhà nước đã o ép thế nào cho một người cầm bút trong nước và họ phải làm sao vừa có thể sống được, sống ngẩng cao đầu mà vẫn có thể viết. Em nghĩ thái độ này, đôi khi còn quan trọng hơn cả những gì nhà văn có thể viết ra. Đó là phẩm chất cuối cùng mà một người viết nên có.”
Phan Nhiên Hạo:
“Đám ma của một celebrity luôn là một tấn tuồng xã hội!”
Thinh Q Tran:
“Tôi buồn khi nghe tin ông NHT mất. Bên cạnh, tôi cám ơn ông Phan Nhiên Hạo về status ngắn, trí tuệ này. Mong các vị nói, đọc tiếng Việt đừng tự sướng!”
Thi sĩ triết gia luôn ứ tràn nỗi phản biện Paul Nguyễn Hoàng Đức đóng triện:
“Rất tương thích và xác đáng, công tâm và phổ quát!”
Và phản biện của phản biện mới là phản biện thực sự, với Nghia Vo:
“Người ngoài nước thường nhìn một sự việc khác với người trong nước là bình thường. Giải Nobel thì có lẽ chưa tới, nhưng ở VN chưa có một tác giả nào được người đọc yêu thích đông đảo như NHT.”
*
Vĩ thanh cho công án vùng miền Nam-Bắc:
Trang báo mạng duy nhất của một tập thể tưởng niệm Thiệp trong chuyên đề riêng (theo đúng cách làm báo của mình với các sự kiện lớn), đó là Diễn Đàn (Pháp) diendan.org. Hai trang trieuxuan.info (VN) và viet-studies.net/culture (Mỹ) - và đều là các trang "ruột" của người viết - thì giới thiệu nhiều bài, đường dẫn về NHT hơn các trang khác, mà chắc 2 vị chủ trang, người Bắc vô Nam, người thì Nam ra hải ngoại (văn sĩ Triệu Xuân và GS Trần Hữu Dũng) không hẳn là fan? Còn các bác Diễn Đàn Paris ắt là fan Thiệp cứng cựa rồi!
9.
NHT & đọc lại
Tự thú trước, trong “những ngày tháng NHT” này, chúng tôi có đọc lại được 3-4 truyện thôi. Chủ tâm. Những khi ngồi bám bàn soạn thảo Tiểu truyện NHT, đọc nhảy dù 3-4 cái nữa. Phim: xem lại Tướng Về Hưu; xem lần đầu Những Người Thợ Xẻ và Tâm Hồn Mẹ; còn Thương Nhớ Đồng Quê ư? Muốn thuộc vai luôn (Đố bạn đọc vai nào?)
Nhờ đó chúng tôi soi lại quan niệm của mình vào thời nhà văn tuyên bố ngưng viết (khoảng năm 2000): Văn chương NHT dù không hoàn toàn về nội dung và văn phong, song có những phần quan trọng thuộc về dòng truyện tạm gọi là truyện-ngôn-ngữ; tuy không ở thái cực dương, ví như tùy bút Phạm Công Thiện và truyện Phạm Thị Hoài.
Có thể nói chữ nghĩa nhị vị họ Phạm là một loai văn-học-ngôn-ngữ điển hình của văn chương, báo chí tiếng Việt hiện đại. Nó có bí kíp ngôn từ và ngữ vựng, cảm hứng và khí văn để phủ sóng nội dung, tư tưởng. Sau đôi lần đọc, thậm chí lần đầu choáng, ngay và luôn; các lần sau hoặc tăng vọt hoặc tụt hứng. Nói nôm, trúng bả hoặc bị lật tẩy. Ai khoái, cứ tự sướng ngôn ngữ cùng tác giả. Thì kịch cải lương cũng vậy. Nếu không khoái nên kính nhi viễn chi, chọn cách đọc “biệt kích” (hay “du kích” tùy sức đọc của mình), vừa giữ thăng hoa trong các lần đầu lại đạt được đích - đọc cho xong.
Nguyễn Tuân và Võ Phiến, nhất là Vũ Trọng Phụng và Tô Hoài, đều có bí kíp ngôn ngữ riêng biệt, rất độc. Độc đáo. Mê hoặc những độc giả không cần điều khiển, và điều khiển các độc giả không mê hoặc được. Không độc hại loại độc giả không thích (non-fan), tránh tấn công thứ bạn đọc kẻ thù (anti-fan). Ở nhị vị đầu, đa chiêu; ngôn ngữ riêng khá lộ liễu, nồng độ cao, đôi khi át nội dung. Nhị vị sau, cũng hữu chiêu; bần tăng xin tôn là bậc thượng thừa. Lộ và cao, vẫn đánh thuốc mê người đọc. Còn nhị vị thứ ba là những cây bút Việt hiếm có một cách bình dị, vượt thắng ngôn ngữ, "quên” ngôn ngữ; vô chiêu: Bình Nguyên Lộc và Nguyễn Khải.
Trong tiểu thuyết, Bảo Ninh viết "văn sinh viên" (bài tốt nghiệp trường viết văn mà lị). Câu chữ lúc nào cũng còn trinh. Trang nào câu nào cũng đẹp (thầy Nguyên Ngọc đã phán, không thể sai!) Sau này trong không ít truyện ngắn cũng vậy. Làm rung động ở sự trinh khiết có phần vụng về trong ngôn ngữ. Và đó là thứ ngôn-ngữ-tập-thể, chẳng của riêng ai. Phê, chê thì bảo là ngôn-ngữ-đồng-phục.
Không biết 2 truyện ngắn đầu tiên được đăng báo thế nào, chứ như Tướng Về Hưu văn vẻ gì một phát thăng thiên thì thực thiên bẩm (“Thượng đế đã chọn ông", Đỗ Hoàng Diệu). Sức sang chấn ở “kiệt tác đầu tay” của NHT, như biết bao phân tích, lý giải hơn 3 thập niên qua (sớm nhất và sáng nhất có lẽ đến từ GS Trần Đình Sử, người ắt là - dù trong cách chọn lựa nào - Top 5 ngự sử văn đàn thế hệ thứ 2 X40-60 của văn chương hiện đại và toàn cõi VN) là ở tính thời cuộc và chất ngôn ngữ thuật truyện. Nay đọc lại truyện - với độc giả non-fan và với chúng tôi - “tướng thời cuộc” thực sự đã “về hưu”, nhưng “tướng ngôn ngữ” vẫn còn phần nào ma lực. Nhấn, với riêng chúng tôi, “phần nào” thôi.
Hoàng Đăng Khoa, phê bình gia đang xông xáo trên báo giới, văn đàn hiện nay, có lý có tình khi nói văn NHT chẳng có chữ dư thừa. Hoặc là nhà văn kỳ tài tự biên tập, thôi xao; hoặc là giời viết. Thôi thì bảo là do cả hai cho chắc ăn. (Người kỹ chữ, nói sai tối về người kéo cẳng!) Song le, cái này có sai cứ nói, kéo thì kéo, chết là cùng: Tử huyệt của loại văn-ngôn-ngữ hạng nhẹ như ở NHT (so với nhị vị họ Phạm nêu trên): Ai thích là thích, ứ thích là ứ thích. Khác hẳn với cái viết "lúc nào cũng như còn trinh" kiểu Bảo Ninh. Thích lúc này, ứ lúc khác.
Cỗ 100 Ngày “thôi khóc” kỳ khu bữa nay, Tiểu truyện NHT chúng tôi mời làng nước đọc lại NHT theo “chỉ đạo” bởi Uông Triều, Đỗ Lai Thúy, Nguyễn Đức Tùng, Đặng Văn Sinh, Nguyễn Hữu Sơn, Châu Hồng Thủy, Bùi Việt Thắng… - tất cả đều trong hướng tôn vinh tác giả với các luận chứng khả ái.
Và thêm sự tỷ mẩn đáng yêu cần thiết khi Nguyễn Hữu Hồng Minh (ở truyện Thương Nhớ Đồng Quê), Trương Hồng Quang (ở Phẩm Tiết) đã trình dẫn thông tin nên lưu ý về sự sai, lạc bản thảo.
Độc giả sẽ dừng mục này ở 3 ý kiến theo dòng non-fan và anti-fan:
Chúng tôi tán đồng rằng
“Không nghi ngờ gì nữa khi khẳng định Bùi Việt Thắng là một trong những chuyên gia hàng đầu về văn xuôi VN hiện đại; người gắng gỏi sống với văn chương cùng thời”
như là lời giới thiệu của Vũ Nho - nhà giáo, nhà nghiên cứu, phê bình chính thống rất năng động và dung dị - về tác giả tập sách quan trọng, một chuyên luận truyện ngắn VN thuộc về dòng miền Bắc XHCN trước (mốc 1945) và sau 1975.
“Riêng với NHT, người viết [Bùi Việt Thắng] lại tập trung khắc họa "cấu tứ truyện ngắn" thể hiện ở "con người cô đơn, con người ảo tưởng, con người phạm tội bị trừng phạt, con người của đất đai".
(Nt)
Có 10 tác giả 5 cặp đôi được “phong thần” trong chuyên luận ấy: Sơn Nam và Kim Lân, Nguyễn Thành Long và Nguyễn Kiên, Nguyễn Quang Sáng và Anh Đức, Đỗ Chu và Ma Văn Kháng, Lê Minh Khuê và NHT. Vẫn lời dẫn của Vũ Nho:
“Nhà nghiên cứu có một cái nhìn khách quan, tỉnh táo về tác giả NHT khi viết: "NHT "công nhiều", nhưng "tội không ít". Trước hết là biểu hiện của chủ nghĩa tự nhiên trong sáng tác - nhà văn thường say mê miêu tả những chi tiết tục tĩu, kinh dị, nhiều khi gây phản cảm (Tướng Về Hưu, Không Có Vua, Cún…). Trong khi "lập ngôn", nhà văn đứng chông chênh trên bờ vực nhưng tưởng mình tìm ra chân lí khi cho nghệ thuật hiện đại là suy đồi, cho rằng "du hý" là thiên chức của văn chương và nhà văn là người "lầm lẫn".
(Nt)
Xin nhị thầy cho bần tăng được Mao Tôn Cương tí: Thầy Vũ bảo thầy Bùi “tỉnh táo” thì chuẩn, mà “khách quan” e là chưa ạ. Trộm nghĩ, một là, với NHT chả nên chụp mũ “chủ nghĩa tự nhiên”, bởi tạng bút này chủ đích với “thi pháp tự nhiên” một cõi riêng không giống nhà nào giữa làng văn VN xưa nay (có nhái nhại Trung Hoa kinh điển là để hướng theo đích VN ta đương đại). Hai là, về vụ “lập ngôn” - như trong mục ”NHT - vua phỏng vấn” ở Tiểu truyện này, nhà em cho rằng chẳng thể nào chấp được giọng điệu và không khí lập ngôn từ cái anh chàng nửa trí thức nửa thôn quê (ngoại ô) “nói dzậy mà hổng phải dzậy” (và còn hơn dzậy nữa”). Tìm cái lý trong tuyên bố, phỏng vấn với Thiệp sẽ vướng lời Phật, “Ta có nói gì đâu!” Chúng mình quyết không mắc mưu Thiệp, bạch nhị thầy!
Thẳng và rõ là thi sĩ, ký giả Phan Nhiên Hạo (Hoa Kỳ):
“Tôi đọc lại [Tướng Về Hưu], đọc chật vật, mãi mới xong. Thời truyện này mới ra, đọc thấy hấp dẫn, táo bạo, vì cái khung cảnh chính trị và xã hội lúc đó. Bây giờ cái khung cảnh đó đã thay đổi, truyện chỉ còn là một tác phẩm hiện thực thiếu chiều sâu, với rất nhiều triết lý vụn vặt.”
Và chát giữa người viết với tay bạn thân nhất thời trung học, Xuân Hòa (TP. HCM) - 1 nhà báo sắc sảo chạy ngang hông từ 1 giảng viên Toán cao cấp:
- “Tui, kẻ thấp hơn gót giày văn học NHT, mong lượng thứ trước. Vừa đọc Tướng Về Hưu, không nhớ lần đầu hay lần hai. Và thấy đúng là truyện ngắn từ người mới vào nghề! Có lẽ NHT muốn vẽ bức tranh miền Bắc VN sau chiến tranh: nghèo khó, giải ngũ, xoay sở kiếm tiền, nạo phá thai, tình dục trước hôn nhân, ngoại tình... Với nhiều mảng như vậy, truyện ngắn dường như chiếc áo chật. Nên những mảng này bị thể hiện hời hợt, nông, vội. Dung lượng phải là tiểu thuyết. Truyện có nhiều câu chữ và đối thoại độc đáo. So với Phẩm Tiết chỉ là hạng hai.
Ở trong nước, tui thấy lề giữa cũng như lề phải, đa số làng Phây đã "nâng vua" kịch trần; ở ngoài nước (chắc trừ các vị thiên tả, thân VN) thì lặng lẽ quá, đôi nơi dìm hàng sát đáy. Hoang mang đến lăn tăn, hổng biết mình ở cái tạng bạn đọc nào với “vua”?”
- “Tinh thần của biên sử gần như ý thầy: Ráng nhìn lại tổng thể NHT sao cho trung tính và ít nhiều toàn diện hơn, khi mà cái quan luận định. Thầy có cái tinh cái quái lóe ở bậc ngoại đạo. Giúp bần tăng yên chí nhớn hầm tiếp "đá" NHT. Cực cồng kềnh, tá lả tùm lum tà la ta bà nam mô a di đà. Sẽ công bố chậm. Chờ trào lưu xuống hạ lưu, lững lờ vạn vật nhi nhiên. Cái thiêng thật (từ NHT hay từ “con giời” nào cũng vậy) sẽ hiển lộ, bạch thầy.”
[Còn tiếp]
Vancouver, 20/3 - - 24/6/2021
[Nhân 100 Ngày Thiệp]