Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.176
123.204.050
 
Cụm từ “chữ Quốc Ngữ” được dùng từ bao giờ và ở đâu?
Võ Xuân Quế

 

 

Cho đến nay đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về sự ra đời và thay đổi của chữ viết mà ngày nay được gọi là chữ Quốc Ngữ, kể từ khi nó được “phôi thai”. Tuy nhiên, cụm từ “chữ Quốc Ngữ” được dùng lần đầu tiên khi nào và được dùng ở đâu là câu hỏi ít được chú ý hơn và hiện vẫn chưa có được câu trả lời thống nhất.

 

Tìm hiểu về vấn đề này, tôi thấy có hai ý kiến như sau:

 

1. Trong sách “Phiên Dịch Học Lịch Sử - Văn Hoá Trường Hợp Truyền Kỳ Mạn Lục” tác giả Nguyễn Nam đã trích dẫn các nghị định của chính quyền Pháp được thu thập trong sách “Chữ, Văn Quốc Ngữ Thời Kỳ Đầu Pháp Thuộc”[1]  và kết luận: “tên gọi quốc ngữ để chỉ mẫu tự La tinh ghi tiếng Việt được dùng chính thức vào năm 1878, cùng với chính sách cưỡng bách văn tự nhằm làm «tiêu tan dần dần chữ nho mà việc dùng thứ chữ đó chỉ có thể có một ảnh hưởng tai hại đối với công trình đồng hoá mà chính phủ [Pháp] đang dồn mọi nỗ lực thực hiện”[2].

2. Còn trước đó, vào năm 1977, trong sách “Colonialism and Language Policy in Vietnam”, John de Francis đã dẫn một đoạn từ bài viết của Paulus Của trong Gia Định Báo số 4 ra ngày 15/4/1867 (xem screenshot 1) mà ông đọc được từ hai nguồn dịch lại bằng tiếng Pháp và viết: “Điều quan trọng nhất trong đoạn trích này là dùng thuật ngữ “Quốc Ngữ”, có nghĩa “Ngôn ngữ Quốc gia” để chỉ chữ viết theo kiểu Roman của tiếng Việt. Đây là cách dùng đầu tiên mà tôi thấy”. Tuy nhiên, de Francis thận trọng chú thích rằng: “Mặc dù đây là trường hợp đầu tiên thu hút sự chú ý của tôi, song không thể khẳng định một cách chắc chắn rằng đây đích thực là thời điểm xuất hiện đầu tiên của cụm từ nàyCó khả năng rằng nó được dùng sớm hơn và tôi hy vọng những người khác lưu ý và tìm hiểu[3].

Screenshot 1, Gia Định báo số 4/1867

Sự thận trọng của de Francis quả không thừa. Tìm hiểu các số Gia Định báo hai năm 1866 và 1867 từ dữ liệu số hóa của Thư viện quốc gia Pháp[4], chúng tôi thấy cụm từ “Chữ Quốc Ngữ’ đã được dùng sớm hơn thời điểm (tháng 4/1867) mà de Francis lưu ý.

Cụ thể trong mục “Công vụ” ở trang 2 của Gia Định báo số 1, ra ngày 15/1/1867 chúng tôi thấy cụm từ “chữ Quốc Ngữ” được dùng 3 lần khi đăng “Tên những người mới lĩnh bằng cấp ông Nguyên-Soái làm việc năm nay”. Trong số năm người này có ba người được “bằng cấp làm thầy dạy chữ Quốc Ngữ” tại Chợ-lớn, làng Tân-trạch và làng Phú-kiết. Đó là:  

- Bường được cấp bằng dạy chữ quốc ngữ tại Chợ-lớn,

- Nguyễn-văn-Hương, được bằng cấp làm thầy dạy chữ quốc ngữ tại làng Tân-trạch, thuộc huyện Kiến-phong.

- Phạm-văn-Mua lãnh bằng cấp làm thầy dạy chữ quốc ngữ tại làng Phú-kiết, thuộc huyện Kiến-hòa.

Screenshot 2, Gia Định báo số 1/1867

Đây là số báo có cụm từ “chữ Quốc Ngữ” xuất hiện lần đầu tiên. Bởi lẽ trong các số Gia Định báo ấn hành trước đó vào năm 1866, có hai lần chữ viết tiếng Việt theo mẫu tự Roman hay alphabet được được nói đến là “chữ Annam” và chữ Pháp được gọi là “chữ tây”. Đó là:

- Gia Định báo số 3 ra ngày 15/3/1866 có đăng Yết thị do Nguyên Soái kí ngày 24 tháng giêng Annam, trong đó có viết: “Điều thứ năm, - một phần trường để đồ tây, các đồ phải biên giá bán tại Saigon chữ tây và chữ Annam.” (Screenshot 3)

 

Screenshot 3 (Gia Định báo, ngày 15/4/1866)

 

- Gia Định báo số 4 ra ngày 15/4/1866 cũng dùng “chữ annam”: “Giá và chỗ làm các thứ ấy thì viết chữ tây và chữ annam cách rõ ràng; cho nên ai biết đọc thì sẽ hiểu tức thì, chẳng cần ai cắt nghĩa, mà nếu ai muốn mua giống gì thì biên tên giống ấy chỗ làm, thì mua được, làm vậy thì những người buôn bán được ích lợi, những người làm các đồ ấy cũng được có ích lợi nữa.” (Screenshot 4)

Screenshot 4 (Gia Định báo, ngày 15/4/1866)

 

Như vậy, có thể khẳng định rằng cụm từ “chữ Quốc Ngữ” được dùng lần đầu tiên trong văn bản viết là trên Gia Định báo năm thứ hai, số 1 ra ngày 15 tháng 1 năm 1867, chứ không phải từ số 4 năm 1867 hay đợi đến năm 1878. Từ số 5 năm 1867 trở đi cụm từ "chữ Quốc Ngữ" bắt đầu được dùng phổ biến hơn trên Gia Định báo (xem screenshot 5).

Screenshot 5 (Gia Định báo, ngày 15/5/1867)

 



[1] Nguyễn Văn Trung, Chữ, Văn Quốc Ngữ Thời Kỳ Đầu Pháp Thuộc,  Nhà xuất bản Nam Sơn 1975

[2] Nguyễn Nam, Phiên Dịch Học Lịch Sử - Văn Hoá Trường Hợp Truyền Kỳ Mạn Lục, Nxb Đại Học Quốc Gia, Tp HCM, tr. 52 (Có thể đọc ở đây: http://thpt-lequydon.edu.vn/Portals/1/thayca/HANNOM/sach/tiengvietmenyeu/chuquocngu.htm)

[3] John De Francis, Colonialism and Language Policy in Vietnam, De Gruyter Mouton 1977, tr. 82-83.

[4] https://gallica.bnf.fr/GallicaEnChiffres. Các screenshot trong bài được lấy từ nguồn dữ liệu này.

 

Võ Xuân Quế
Số lần đọc: 954
Ngày đăng: 03.07.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
“Tiếng Việt từ thời LM de Rhodes - quan tiền xưa với nhận xét mới” (phần 21B) - Nguyễn Cung Thông
“Tiếng Việt thời LM de Rhodes - tiền quí, cheo, tính tiền khi đi chợ …” (phần 21A) - Nguyễn Cung Thông
Tiếng Việt thời LM de Rhodes - tràng hột/chuỗi hột - chuỗi mân khôi/mai khôi/môi côi ... (phần 19) - Nguyễn Cung Thông
Về chữ "Bậu" - Nguyên Lạc
Tiếng Việt thời LM de Rhodes: mùi, mồi, vị và bùi có cùng gốc - hiện tượng cảm giác kèm/synesthesia (phần 17) - Nguyễn Cung Thông
Vài từ "thậm ngôn" trong ngôn ngữ Việt - Ngô Nguyên Dũng
Tiếng Việt thời LM de Rhodes - vài nhận xét về cách dùng thì hiện tại/tương lai/quá khứ (phần 16) - Nguyễn Cung Thông
Tiếng Việt thời LM de Rhodes - chên đơng hay chân đăng/đâng/nâng? (phần 15) - Nguyễn Cung Thông
Tiếng Việt thời LM de Rhodes - cách dùng con và cái (phần 14) - Nguyễn Cung Thông
Nguồn gốc Việt (Nam) của tên 12 con giáp - Hợi gỏi cúi/heo (phần 5B) - Nguyễn Cung Thông