Nobel văn chương thế kỷ 20 (từ năm 1901 đến năm 2000)
(Biên dịch theo Tài liệu của Viện Hàn Lâm Thụy Điển)
Bất cứ khi nào nền văn học của một dân tộc phong phú vô tận thì sự hiện hữu của dân tộc được bảo đảm, vì loài hoa của một nền văn minh không thể lớn lên trên mảnh đất cằn cỗi. Nhưng ở mỗi đất nước chỉ hiếm hoi vài thiên tài mà chính họ là tinh hoa của đất nước đó. Họ đại diện cho đất nước của họ với thế giới. Mặc dù, họ yêu mến những kỷ niệm về quá khứ của dân tộc họ, nhưng chỉ để tăng thêm sức mạnh niềm hy vọng cho tương lai. Cảm hứng của họ được cắm rễ sâu trong quá khứ giống như cây sồi baublis trong sa mạc Lithuania, nhưng những cành cây thì đong đưa theo cơn gió của thời hiện tại. Một người đại diện cho nền văn học và nền văn hóa trí tuệ của một dân tộc như vậy là người được Viện Hàn lâm tặng giải thưởng Nobel Văn chương năm 1905: Henryk Sienkiewicz.
Tài năng đa dạng của Henryk Sienkiewic hiện rõ vào năm 1890 khi ông thay đổi chủ đề sáng tác, từ chân dung những chiến binh trong bộ tiểu thuyết ba tập gồm: Với Lửa và Gươm - Ogniem i mieczem (1884), Trận đại hồng thủy - Potop (1886 - 87) và Ngài Pan Wolodyjowski - Pan Wolodyjowski (1888 - 89) đến tiểu thuyết tâm lý hiện đại Không giáo điều - Bez domagtu - mà những nhà phê bình xem đây là tác phẩm chính của ông. Tiểu thuyết này mang hình thức một nhật ký, nhưng không giống như nhiều quyển nhật ký khác, người đọc không hề cảm thấy nhàm chán. Với một nghệ thuật viết khó ai có thể vượt qua được, tác giả giới thiệu cho chúng ta khuôn mẫu của một con người trần tục, một kẻ hoài nghi về đạo đức và tôn giáo, trở thành vô sinh vì hoàn cảnh bệnh tật để tự lý giải bản thân mình. Qua những do dự thường xuyên của anh ta, anh ta ngăn cản hạnh phúc riêng của mình, hy sinh hạnh phúc của những người khác, và cuối cùng không chịu nổi....
Năm 1892 ông cho in truyện vừa Chúng ta hãy theo Người - Pojdzmy za nim, một phác thảo đơn sơ được tô vẽ bằng vẻ đẹp hết sức nên thơ về nữ bá tước Antea mang bệnh tật và đau đớn từ những ảo giác nguy hiểm và đau khổ, được chữa trị bởi Đấng Cứu thế phục sinh. Phải thừa nhận Chúng ta hãy theo Người tuy là một bản phác thảo, nhưng lại là một câu chuyện cảm động sâu sắc. Thật vậy, viên phấn ngẫu nhiên trong tay một bậc thầy khi phác họa ra thì thường gần bằng giá trị với những tác phẩm nhiều công phu hơn. Chúng ta hãy theo Người được viết với lòng mộ đạo cao quí, nó là một loài hoa thùy mị lớn lên dưới chân cây thánh giá và trong đóa hoa của nó có một giọt máu của Đấng Cứu thế.
Sienkiewicz theo đuổi đề tài tôn giáo và chẳng bao lâu ông nổi tiếng khắp thế giới với tác phẩm đồ sộ Quo Vadis. Trong những năm 1895-96 ông viết Quo Vadis. Câu chuyện về những cuộc khủng bố đưới thời Nero này là một thành công ngoài sức tưởng tượng. Chỉ trong một năm 800.000 ấn bản tiếng Anh được bán ở Anh và Mỹ. Giáo sư Bruckner chuyên về văn học sử Ba Lan ở Berlin đã ước tính trong năm 1901 khoảng hai triệu ấn bản được bán ra ở hai quốc gia này. Nó được dịch ra hơn ba mươi thứ tiếng. Quo Vadis diễn tả một cách tuyệt vời sự tương phản giữa phe ngoại đạo giả hình thích ngụy biện với niềm tự hào của họ, và tín đồ Cơ đốc giáo trung thành, khiêm tốn, giữa tính ích kỷ và tình yêu, giữa sự xa hoa láo xược của triều đình và sự câm lặng của những người dân thấp cổ bé miệng.
Sau tác phẩm chính này, Henryk Sienkiewicz trở lại đề tài về nước Ba Lan và năm 1901 ông viết tác phẩm Những Hiệp sĩ của Thập tự - Krzyzacy. Lần này, công việc sáng tác của Sienkiewicz không mấy dễ dàng như trường hợp ông viết tiểu thuyết bộ ba trước kia, vì có ít nguồn tài liệu hơn. Nhưng Sienkiewicz đã vượt qua những khó khăn và tạo cho tác phẩm của mình mang màu sắc đậm đà thời trung cổ. Chủ đề của tiểu thuyết là cuộc chiến đấu của hai dân tộc Ba Lan và Lithuania chống lại Những Hiệp sĩ Teutonic, những người từ xưa đã hoàn thành sứ mệnh ban đầu của họ, đã trở thành một thể chế áp bức, chiếm lĩnh quyền lực và những lợi lộc nhiều hơn từ đất đai bằng cây thập tự may trên chiếc áo choàng là huy hiệu giai cấp của họ....
Rõ ràng Henryk Sienkiewicz là người đầu tiên nhận ra món nợ của mình đối với nền văn học cổ Ba Lan. Nền văn học này quả thực phong phú với những tên tuổi lớn như Adam Mickiewicz (1798 - 1855), Juliusz Slowacki (1809 - 1849), Zygmunt Krasinski (1812 - 1859). Nghệ thuật sử thi đã được thực hiện thành công bởi những nhà văn như Korzeniowski, Kraszewski và Rzewuski. Nhưng với Henryk Sienkiewicz nghệ thuật này đã chín mùi và đạt đến tột đỉnh vinh quang của nó./