Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.211
123.206.178
 
Phạm Đức Mạnh – Nhà báo, đời thơ ! (phần 1)
Hoàng Thị Bích Hà

 

 

   Nhà báo Phạm Đức Mạnh sinh năm Bính Thân tại Xuân Trường, Nam Định. Anh là một nhà báo công tác tại Báo Pháp Luật Việt Nam; từng làm Phó trưởng Chi nhánh Thời báo Tài chính Việt Nam; cộng tác với báo QĐND, Thời báo Kinh tế Việt Nam,... Nghề báo là công việc nhạy cảm, đầy vất vả và không kém phần hiểm nguy. Sứ mệnh của người làm báo là nói lên tiếng nói chân thực góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn và dĩ nhiên phải đương đầu với những thử thách, thách thức của số phận người cầm bút chân chính. Hãy nghe anh tâm sự: “Tôi chọn nghề làm báo dấn thân, làm kế mưu sinh để đong cho mình những kiến thức cần thiết. Sự va đập của nghề có lúc bắt tôi phải trả giá về đời giữa người quân tử và kẻ tiểu nhân; sự trung thực với kẻ giả dối tham lam ích kỷ. Và trong sự sàng lọc tốt - xấu ấy, thơ mang đến cho tôi sự thanh thản, giúp tôi gạt bỏ mọi thứ tầm thường”.

 

    Thơ đến với anh như là một sự cần bằng của cuộc sống, để vỗ về anh, cho anh điểm tựa trong cuộc sống tinh thần. Hay nói các khác, thơ là bến bờ neo đậu cho cõi lòng bình yên giữa bộn bề cuộc sống. Những sóng gió đời thường mà hàng ngày anh phải đối mặt, trong vai trò nhà báo, sự trực diện, sự va chạm với đời càng gia tăng hơn so với những nẻo đời khác. Như vậy anh chọn Báo, và Thơ chọn anh từ khi anh còn ở trong quân ngũ. Thơ đến với anh tình cờ theo dòng cảm xúc khi đối diện với chính mình. Thơ là tiếng nói của con tim của cõi lòng, anh nhờ ngôn từ gửi gắm nỗi niềm, những vui buồn trong cuộc sống. Tính đến nay anh đã xuất bản được 7 tập thơ. Đó là một số lượng không hề nhỏ đủ để ghi dấu đời thơ của anh một cách ấn tượng trong nền văn học đương đại. Đó là những thi phẩm sau:

     1. Đừng Theo Trăng Em Nhé (Nxb Hội nhà văn - năm 2013)

     2. Đong Đầy Kỷ Niệm (Nxb Hội nhà văn - quý IV, năm 2013)

     3. Nếu Mai Không Còn Mẹ (Nxb Trẻ - tháng 7, năm 2013)

     4. Đưa Gió Qua Sông (Nxb Hội nhà văn - năm 2015)

     5. Đếm Lãi Nụ Cười (Nxb Hội nhà văn - quý I, năm 2018)

     6. Ngón Tay Mặt Trời (Nxb Hội nhà văn - quý I, năm 2019)

     7. Em Đừng Rủ Nhớ Đi Xa (Nxb Hội nhà văn - quý III, năm 2020).

     Nghề báo là một nghề trong xã hội, cũng hưởng lương nhà nước như những ngành nghề công chức khác như khối sự nghiệp hành chính hay làm nghề dạy học chẳng hạn thì cũng làm công ăn lương. Ai từng trải qua thời bao cấp thì sẽ hiểu rõ hơn. Vì vậy nhà báo, nhà thơ Phạm Đức Mạnh cũng phải bươn chải để tồn tại. Điều đó anh thể hiện vào thơ:

“Đêm đêm ngụp lặn theo nghề

Ngày ngày luồn lách, làm thuê kiếm tiền”

(May Rủi- Tập thơ Đong Đầy Kỷ Niệm)

    Ngôn ngữ báo chí khác với ngôn ngữ thơ mặc dù đều cùng chất liệu là ngôn ngữ đời thường, người cầm bút dùng để chuyển tải nội dung. Ngôn ngữ báo chí và ngôn ngữ thơ đều cần tính hàm súc nhưng ở báo chí cần ngòi bút sắc sảo, nhạy bén, đáp ứng mục đích cung cấp thông tin chuẩn xác, kịp thời, thường đi thẳng vài vấn đề. Tư duy của nhà báo là tư duy logic. Dù thuật, kể, suy ngẫm…tùy vào nội dung biểu đạt những nguồn tin đã được kiểm chứng. Khi nhà báo sử dụng lối tư duy logic, biện chứng khoa học thì nhà thơ sử dụng lối tư duy hình tượng văn học. Nhà báo, nhà thơ PĐM về hai lĩnh vực báo chí và thơ ca, đều thành công. Trong bài viết này, tôi xin trình bày những nhận định của mình về đời thơ của anh qua 4 mục sau:

- Thơ Phạm Đức Mạnh với quê hương

- Thơ về mẹ, và những kỷ niệm thời thơ ấu

- Thơ tình Phạm Đức Mạnh

- Thơ về những chiêm nghiệm về cuộc đời và nhân tình thế thái.

 

1.Thơ Phạm Đức Mạnh với quê hương

 

    Quê hương là một đề tài vô tận trong thơ anh. Đó là nỗi nhớ nơi anh đã sinh ra và lớn lên, đầy ắp cả một khung trời kỷ niệm. Sau này trong bước đường bôn ba: khi là người lính chiến đấu ở mặt trận Căm Pu Chia, khi trở về với vai trò nhà báo, quê hương thường trực trong tâm khảm của anh với nỗi thương nhớ không bao giờ vơi cạn. Nếu Nguyễn Hoài Vũ nói về quê hương là: “Đất khách muôn trùng sao nhỏ hẹp/ Quê nhà một góc nhớ mênh mang” Thì Nguyễn Bùi Vợi là: “Dẫu lưu lạc khắp chân trời góc bể/ Giấc mơ nào cũng bóng dáng quê hương”. Còn nhà thơ PĐM với quê hương như thế nào chúng ta hãy lần theo cảm xúc của anh. Trước hết hãy nghe anh giới thiệu về miền quê của anh và lý do xa quê:

“ Sinh ra trên đất Xuân Trường

Một mình phiêu bạt tứ phương cả đời”

(Ôm Cơn Mê- Tập thơ Đong Đầy Kỷ Niệm)

“Phải xa quê hương, rời vòng tay mẹ

Tự ru mình trong vũ điệu chiến tranh”

(Chẳng dại khờ - Tập thơ Nếu Mai Không Còn Mẹ)

    Hành trang mang theo nỗi nhớ quê có dấu ấn mối tình đầu khó phai:

“Gói cả hồn em vào miền thao thức

Lại bồn chồn ôm hương nhớ xa quê”

(Gỡ Trăng- Tập thơ Đếm Lãi Nụ Cười)

   Trên bước đường bôn ba ấy cho đến khi tóc đã ngả màu phai. Anh đã xa quê mấy chục năm có lẻ, nhưng nỗi nhớ quê vẫn đau đáu không nguôi:

“Sóng đời va đập hoàng hôn

Để khi tóc bạc bồn chồn nhớ quê”

(Rủ gió về làng - Tập thơ Đong Đầy Kỷ Niệm)

    Anh nhớ quê, là nhớ đến những năm tháng bên mẹ với những kỷ niệm trong những năm tháng đói nghèo của quê hương anh mà cũng là của nỗi khốn khó chung của đất nước thời chiến tranh và thời hậu chiến chưa lâu:

“Nhớ hương quê - canh cua mẹ nấu

Đã dìu tôi qua năm tháng đói nghèo

Thời xa ấy bây giờ thêm khắc khoải

Cứ đêm về hồn lại vướng trăng treo”

(Hương quê - Tập thơ Đong Đầy Kỷ Niệm)

     Những hình ảnh thân quen như “ngọn gió ngồng”, là “hương lúa” thấm giọt mồ hôi của mẹ anh, của nhưng người thân trên cánh đồng đong đầy trong ký ức của anh:

“Về quê ngắt ngọn gió ngồng

Ôm hương lúa chín thăn nồng mồ hôi”

Tìm về ký ức xa xôi

Đã cho tôi có cuộc đời hôm nay”

(Nỗi niềm -Tập thơ Đong Đầy Kỷ Niệm)

“ Về quê dạo chợ hồn quê

Mưa bay lất phất gió tê tê lòng

Đường làng ai dát chờ mong

Bước tình xa nhớ trổ đòng vấn vương”

(Chợ quê -Tập thơ Ngón Tay Mặt Trời)

    Tết đến xuân về, khi không về được do bận công việc hay những lý do ngoài ý muốn anh không có mặt để đón xuân tại quê nhà thì tấm lòng anh cũng khắc khoải về nơi ấy:

“Đem xuân gửi hết quê nhà

Một mình vui với cờ hoa xứ người”

(Dỗ ru số phận- Tập thơ Ngón Tay Mặt Trời)

“ Một chút tình xuân gửi quê nhà

Cho lòng ấm lại chốn phương xa

Quên đi tất cả buồn năm cũ

Vui với xuân non rực sắc hoa”

(Tình xuân -Tập thơ Đong Đầy Kỷ Niệm)

    Nỗi nhớ nhung như là cơn khát của kẻ xa quê muốn về ngụp lăn trong bầu không khí miền quê, nghe giọng nói ấm áp vùng miền mà đôi khi chỉ là một điều giản đơn ước vọng anh gửi vào thơ:

“ Cho tôi chở hết khát khao

Về làng uống ngụm nước ao lóng phèn”

(Cho tôi -Tập thơ Nếu Mai Không Còn Mẹ)

     Đối với nhà thơ Đỗ Trung Quân: “Quê hương là đường đi học”, là “ Mẹ về nón lá nghiêng che”,  thì quê hương của Phạm Đức Mạnh cũng gắn với những con đường, là tiếng ve, mùa hè, mùa đông, chút nắng mới và những lời hẹn hò của tình đầu một thuở:

“Cho tôi về lại con đường

Ngọt ngào ve chín vấn vương học trò

Vuốt sầu đông lạnh nằm co

Sớt chia nắng mới hẹn hò cùng em”

(Cho tôi -Tập thơ Nếu Mai Không Còn Mẹ)

    Những khi có dịp trở về, quê hương vẫn còn đây nhưng đã vắng bóng những người thân yêu nhất. Cha mẹ anh đã đi vào cõi vĩnh hằng. Về với quê hương, với ngôi nhà năm xưa, lòng anh không khỏi dâng lên nỗi ngậm ngùi thương nhớ. Câu thơ dùng thủ pháp câu hỏi tu từ càng xoáy vào tâm can người đọc nỗi buồn thiếu vắng song thân không gì bù đắp nổi:

“Đã về quê mẹ đây rồi

Sao không thấy dáng mẹ ngồi đón ta

Đâu rồi hơi ấm của cha

Chờ con người lính xa nhà về thăm”

(Cho tan cơn khát - Tập thơ Đong Đầy Kỷ Niệm)

“Chiều chiều khoan giếng hoàng hôn

Múc từng gàu nhớ bồn chồn thương quê

Đổ vào dòng khát xuôi về

Con sông thơ ấu lời thề năm xưa”

(Cha ở đâu -Tập thơ Nếu Mai Không Còn Mẹ)

     Nhìn cảnh người ta rê thóc anh càng nhớ mẹ hơn, nhớ hình dáng mẹ tảo tần chắt chiu hôm sớm luôn thường trực trong nỗi nhớ của anh. Được thể hiện qua những câu thơ sử dụng phép đảo ngữ có giá trị nhấn mạnh một cách rất ấn tượng và biểu cảm:

“Thời gian bàng bạc mờ trôi

Góc sân xưa vắng mẹ rồi còn đâu

Thinh không lẻ áng mây sầu

Liêu xiêu bóng mẹ đêm thâu tảo tần”

(Rê thóc -Tập thơ Nếu Mai Không Còn Mẹ)

     Mỗi mùa đi qua đều gợi cho anh một sự liên tưởng về đặc trưng quê hương anh. Anh nhớ quê hương trong cả bốn mùa, được thể hiện qua thể thơ năm chữ với nghệ thuật nhân hóa “mùa đông khóc” như tiếng lòng của anh đang nức nở?:

“Gió Kim mùa đông khóc

Buốt lòng người xa quê

Hình như ai vẫn đợi

Xuân thơm bao giờ về?”

(Chiều soi gương -Tập thơ Ngón Tay Mặt Trời)

     Về quê, về với khung trời kỷ niệm, anh như tìm lại một thời thơ ấu, nhưng đâu rồi, tuổi thơ đã lùi vào dĩ vãng, còn lại dáng thu dường như cũng buồn gầy đi đôi chút:

“Vén trời tìm thuở thơ ngây

Lời ru thất lạc héo gầy dáng thu”

(Gió giật mình -Tập thơ Ngón Tay Mặt Trời)

    Xa quê, những khi tiết trời trở, một trận mưa về, anh cũng dường như nghe ngai ngái mùi mưa thơm ở quê anh ngày nào. Hình tượng mưa thơm là một sáng tạo rất mới của Phạm Đức Mạnh. Trong mưa anh còn nghe được cả mùi hương bưởi, mùi rơm rạ trên cánh đồng quê anh:

 

“Bất ngờ trời rắc mưa thơm

The the hương bưởi, mùi rơm quê nhà”

(Mưa thơm -Tập thơ Ngón Tay Mặt Trời)

“Dù đâu chớp bể mưa nguồn

Sông thương đời mẹ, nhớ luôn dạt dào

Vẫn đầy hồn sóng nôn nao

Để ta uống mãi ngọt ngào tình quê”

(Sông ơi! - Tập thơ Nếu Mai Không Còn Mẹ)

     Mùa đông về hay mùa mưa, anh gửi vào thơ anh nỗi thương quê rét buốt, mưa phùn, có chút hờn trách gió bởi thương lũ trẻ lấm bùn khi chạy nhảy chơi xuân:

“Ta xin hồn gió đa đoan

Đừng mang rét buốt vây làng lạnh run

Trời thương đừng rắc mưa phùn

Bàn chân lũ trẻ lấm bùn chơi xuân”

(Tết này - Tập thơ Nếu Mai Không Còn Mẹ)

     Với thủ pháp nhân hóa, câu hỏi tu từ và liên tưởng, anh nhắn gửi về dòng sông hoài niệm, những ngày trốn mẹ đi chơi, ký ức ùa về trong thơ:

“Sông ơi còn giữ tuổi thơ

Ngày ta trốn mẹ tróc bờ phù sa

Chiếc roi mẹ giắt hiên nhà

Liếc nhìn đã thấy thịt da tím bầm”

(Sông ơi! - Tập thơ Nếu Mai Không Còn Mẹ)

     Quê hương còn gắn liền với mối tình đầu rất ngọt ngào và lãng mạn nhưng đành dang dở chia xa nhưng những kỷ niệm chưa bao giờ bôi xóa trong anh:

“Người xưa còn nhớ ta không

Bỏ mùa đông tủi lấy chồng nơi xa

Bao nhiêu kỷ niệm trắng nhòa

Chỉ còn ta với chính ta khóc - cười”

(Sông ơi! - Tập thơ Nếu Mai Không Còn Mẹ)

…( Còn nữa)

 

 

Hoàng Thị Bích Hà
Số lần đọc: 883
Ngày đăng: 11.07.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
NĂM 1904 2.José De Echegaray (Tây Ban Nha, 1832 - 1916) - Lê Ký Thương
NĂM 1904 1.Frédéric Mistral (Pháp, 1830 - 1914) - Lê Ký Thương
NĂM 1903 – Biornstjerne Bjornson (Na-uy, 1832 - 1910) - Lê Ký Thương
NĂM 1902 – Theodor Mommsen (Đức,1817 - 1903) - Lê Ký Thương
NĂM 1901: Sully Prudhomme (Pháp,1839 - 1907) - Lê Ký Thương
Họa sĩ, nghệ nhân Thân Văn Huy tài hoa tâm huyết - Trang Thùy
Nguyên Cẩn, nhìn qua lăng kính. - Trương Văn Dân
Nghệ nhân Lữ Hữu Thi với Nhã Nhạc cung đình Triều Nguyễn - Võ Quê
Nhà báo kỳ cựu Phan Quang - Minh Tứ
Nhà văn Larry C Heinemann “Người kể chuyện Việt Nam” - Võ Quê
Cùng một tác giả
Chị Xíu của tôi! (truyện ngắn)
Anh tôi! (truyện ngắn)
Chủ nghĩa cưới vợ (truyện ngắn)
Nước tràn ly (truyện ngắn)
Giận kẻ bạc tình (truyện ngắn)
Đời là thoáng chốc (truyện ngắn)
Chú Nghĩa cưới vợ (truyện ngắn)
Bông cúc xanh (truyện ngắn)
Nhảy tàu (truyện ngắn)