Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
977
123.200.800
 
Vĩnh biệt họa sĩ, nhà thơ Lê Thánh Thư
Trần Dzạ Lữ

 

Lê Thánh Thư, tên nghe rất hay.Nhưng buồn , rất buồn khi sáng nay 16.7.2021 được cô láng giềng LTNQ cho tôi hay Thư đã qua đời.Tìm báo Thanh Niên đọc tin của phóng viên Lê Công Sơn và vào mạng xem video của con gái Thư tôi mới tin Thư đã về cõi vĩnh hằng sau khi mắc Covid chỉ 2 ngày.Sửng sốt, bàng hoàng với sự thật này.Vậy là Thư đã bỏ anh chị em văn nghệ mà đi về nơi xa xăm…

Tôi và Thư quen nhau từ thập niên 90 khi chàng bỏ Quy Nhơn vào kiếm sống ở SàiGòn.Thư thuê 1 căn gác trọ nhỏ ở gần nhà thờ Vườn Xoài để sống và làm việc.Lúc này, tôi thì ra ngồi chợ ở Trần Hữu Trang phường 10 Phú Nhuận.Có hồi Thư lên thăm tôi.Có lúc tôi xuống căn gác của Thư không ngoài các cuộc cà phê, chuyện trò về anh em văn nghệ sĩ.Thư rất chịu khó làm việc trên căn gác hẹp có mái tole nóng nực như lò nướng bánh mì.Chàng đánh trần để vẽ.Trên sàn la liệt sách báo về thi ca, hội hoạ.Thư tự học với sự đam mê ngùn ngụt.Tôi nhớ 1 câu nói của ai đó: ĐAM MÊ NHẤT ĐỊNH SẼ THÀNH CÔNG.Tình cảnh Thư lúc này là thường xuyên gặm bánh mì để vẽ.Tôi cũng không khá hơn chàng vì sau 75 ngơ ngác trong tan hàng…Xót xa lắm, nhưng tôi suy nghĩ:” Cực đam mê như Thư nhất định sẽ được đền bù…”Thư lây lất sống như thế đến mấy năm.Qua thập niên 2000 chàng gặp được một hồng nhan tri kỷ, tri âm- con một trong một gia đình khá giả và họ đã thành chồng vợ.Chấm dứt những tháng năm cô đơn, cô độc lăn xả vào con đường nghệ thuật- là chàng trú ngụ trong một căn nhà lầu 3 tầng khang trang ở đường Lê Văn Sỹ.Vợ Thư dành hết tầng 3 để thư bày tranh và vẽ.Nơi môi trường mới này, chàng càng say mê hơn trong công việc sáng tạo.Lúc này chàng bắt đầu bán được tranh cho người nước ngoài.Nhiều nhất là người Nhật.Tôi rất mừng cho Thư.Tuy bận rộn với cơm áo nhưng thỉnh thoảng tôi cũng ghé thămThư vì tình anh em đã gắn bó lâu năm.

Trước khi bước qua hội hoạ, Thư là một nhà thơ. Chàng có nhiều sáng tác đăng trên các báo và trang mạng trong và nước ngoài.Phần nhiều là thơ tự do nhưng Thư cũng có những bài lục bát đầy tư duy nhưng không kém mượt mà…

Kỷ niệm đáng nhớ nhất là năm 1995 tôi in tập thơ đầu tay Hát Dạo Bên Trời là bình bìa của Thư chụp tặng.Bức tranh sơn dầu này cỡ trung, sau này vì cô láng giềng LTNQ mê quá, Thư đã tặng cho cô ấy treo ở nhà.

Năm 2015 khi tôi có nhà mới,Thư đã tặng tôi bức tranh Phố Thị( cỡ 40x40) màu xanh dương và trắng( cho tôi hy vọng chăng? Vì gam màu chủ đạo trong tranh của Thư là đen, trắng và đỏ) tôi mang theo bên mình đến giờ( bỏ SG về Bà Rịa)

Thư qua đời là một mất mát lớn của chị và cháu gái vì không còn chỗ dựa tinh thần.Nhưng tôi tin chị và cháu gái sẽ thực hiện được những gì Thư mong mỏi mà chưa làm được.

Thư qua đời lúc đang đại dịch và thành phố SG đang cách ly.Cho nên nhất định thiếu những bạn bè, anh em văn nghệ tiễn biệt lần cuối.

Cầu mong chàng sớm an nhiên nơi cõi vĩnh hằng.

Tôi nhớ có lần Phan Nhiên Hạo phỏng vấn Lê Thánh Thư.Chàng đã trả lời rất thực:” Giữa hội hoạ và thơ, tôi cần cả hai để sống.Lao động chính là vẽ.Lao động phụ làm thơ.Hội hoạ mang cho tôi sự cứu chuộc.Nó đã thay đổi một số phận.Nó là một thứ ma túy dịu dàng giúp tôi vượt qua được những biến động của đời sống.Thơ ca mang lại cho tôi niềm an ủi.”

Đúng vậy.Trong thơ của Thư có hoạ và trong hoạ có thơ của một người không chịu bó tay trước cuộc sống lắm bể dâu này.

Xin gửi tới bạn đọc 1 bài thơ của Lê Thánh Thư mà tôi tâm đắc:

VaN Gogh

Chỉ có cái chết mới cứu vãn được

Không còn cách nào khác

Phút cuối đời

Ít thuốc hút và chiếc píp

Chỉ còn hơi thở đuối

Và cái nhìn cuối…chậm rãi dịu dàng

Vẽ kín mặt chiều không sắc

Vẽ kín mặt đất thiếu ân cần

Vẽ kín mặt người không chút máu

Chặng đàng thánh giá

Cắm xuống cánh đồng lúa héo

Cắm xuống bầy quạ đen háu đói

Tiếng súng

Xé`toạc phận người…

Không hoa

Không lời ai điếu

Âm bản đời ông

Không tiếng động

Không thở than

Không thì thầm…

Người hành đạo bằng màu

Người của nắng gió

Của đất và hoa

Người mẫu mực đến tận cùng cái chết

Van Gogh

LTT

Kết thúc bài viết này là tiểu sử của Lê Thánh Thư

Họa sĩ - nhà thơ Lê Thánh Thư sinh năm 1956 tại Quy Nhơn (Bình Định). Mười hai tuổi, ông được gửi vào trường Dòng (Séminary) tại Quy Nhơn. Năm 1975, ông rời nhà dòng để ra đời (xuất tu ra đời), lập gia đình tại Sài Gòn và có một cô con gái.

Là họa sĩ nổi tiếng nhưng ông xuất thân là tự học. Bắt đầu vẽ từ năm 1982, từng đoạt giải thưởng lớn Mỹ thuật Việt Nam - Phillip Morris (năm 1996), giải thưởng Mỹ thuật ASEAN (năm 1998), giải thưởng Mỹ thuật Việt Nam - Phillip Morris (năm 1998), giải thưởng triển lãm Mỹ thuật toàn quốc (năm 2005).

Họa sĩ Lê Thánh Thư đã có 10 cuộc triển lãm cá nhân và rất nhiều triển lãm nhóm tại Việt Nam cùng các nước: Thái Lan, Singapore, Nhật, Úc, Mỹ, Hà Lan, Pháp, Thụy Sĩ... Ông có tranh tham dự trong những bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Singapore, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.

Gần đây, họa sĩ Lê Thánh Thư tổ chức triển lãm cá nhân lần thứ 10 có tên gọi Không gian sống giới thiệu đến công chúng 35 bức tranh với chất liệu sơn dầu tại gallery Phương Mai (129B Lê Thánh Tôn, Q.1, TP.HCM) với nhiều tìm tòi, đổi mới trong cách thể hiện.(LCS)

 

( Xuyên Mộc ngày 17.7.2021)

 

 

Trần Dzạ Lữ
Số lần đọc: 996
Ngày đăng: 22.07.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một đêm huyền diệu - Elena Pucillo Truong
Đằng sau lũy tre xanh đang suy tàn - Nguyễn Anh Tuấn
Ba chiêu thức mở đường cho thơ đi tới bến - Phạm Đức Nhì
Thanh cao là gì? - Võ Công Liêm
Tôi đang viết "Nguyễn Huy Thiệp - Tiểu truyện cuối cùng" [Kỳ 5/6] - Đỗ Quyên
Nhất Linh sống mãi - Trần Yên Hòa
Tôi đang viết "Nguyễn Huy Thiệp - Tiểu truyện cuối cùng" [Kỳ 4/6] - Đỗ Quyên
Tôi đang viết "Nguyễn Huy Thiệp - Tiểu truyện cuối cùng" [Kỳ 3/6] - Đỗ Quyên
Tôi đang viết "Nguyễn Huy Thiệp - Tiểu truyện cuối cùng" [Kỳ 2/6] - Đỗ Quyên
Tế Hanh trong di sản văn học miền Nam 1954 - 1975 - Trần Hoài Anh
Cùng một tác giả
Hương cau quê nhà (truyện ngắn)
Cắt (thơ)
Thư Gửi Chị (tạp văn)
Liếc (thơ)
Nhớ (thơ)
Chờ O (thơ)
Khát (thơ)
Câm (thơ)
Nhớ Bạn (tạp văn)
Tát (thơ)
Cần (thơ)
Tím Nhớ (tạp văn)
Dắt (thơ)
Nhốt (thơ)
Chìa (thơ)
Trượt (thơ)
Trộn (thơ)
Bắt (thơ)
Xa cách (thơ)
Chặt (thơ)
Lấn (thơ)
Cách ly (thơ)
Quỳ (thơ)
Tôi (thơ)
(thơ)
Hoa cà (thơ)
(thơ)