Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.092
123.231.875
 
Làm nghề giang hồ mà chẳng "giang hồ"
Trần Đổ Liêm

Thiên nhiên tạo ra sự hùng vĩ của miền Bắc là núi non trùng điệp, của miền Trung là biển cả bao la và của Nam bộ là hệ thống sông Đồng Nai - Cửu Long mênh mông rộng lớn. Sông rạch Nam bộ không chỉ hùng vĩ mà còn là một kho tài nguyên, một nguồn bất động sản to lớn để những cư dân sinh sống trong vùng khai thác đưa vào sản xuất kinh doanh nuôi sống và làm giàu cho mình, cho đất nước.

 

Không bỏ lỡ cơ hội, ngay từ thời xa xưa mặc dù công cụ lao động còn lạc hậu thô sơ, những người dân đồng bằng Nam bộ đã tận dụng mọi vật liệu tại chỗ đóng các bè, mảng, ghe, xuồng làm phương tiện để chuyên chở, lưu thông con người và hàng hóa trong vùng, trao đổi giao lưu với các vùng khác, với cả nước ngoài.

 

Trên bờ hệ thống sông rạch chằng chịt dài rộng hiền hòa là những thảm thực vật xanh tươi bốn mùa hoa thơm trái ngọt, thủy triều bán nhật, lên xuống điều hòa, thủy sản phong phú đa dạng, thời sơ khai người ta đã từng nói "Rẽ cá ra mới thấy nước". Cho đến bây giờ vẫn còn nhiều vùng rừng ngập nước rộng hàng trăm ha, nơi còn dự trữ nhiều động thực vật cổ xưa được xếp vào loại quý hiếm trên thế giới. Hơn một chục triệu cư dân với tâm hồn lãng mạn, tư tưởng phóng khoáng, tính cách cởi mở và hào phóng đang ngày đêm làm chủ nhân của vùng bồn địa sông nước, phù sa màu mỡ. Họ làm đủ nghề từ gieo lúa, trồng hoa, bán trái cây đến nuôi trồng đánh bắt thủy sản và đặc biệt là nghề vận tải bằng ghe, tàu, xuồng, máy trên sông. Có những gia đình đã có cả chục đời truyền nối nhau làm nghề sông nước. Người ta đã tổng kết là có đến 70% dân ở đây biết chèo xuồng, có những người chèo xuồng dẻo tay như múa.

 

Nghề sông nước không phải chỉ riêng của những người hành nghề trên phương tiện vận tải, mà nó bao gồm chục nghề liên quan với nhau mới tạo thành nghề vận tải đường thủy nội địa. Chẳng hạn nghề bốc xếp hàng hóa, quản lý bến cảng, chăm sóc bảo dưỡng luồng lạch, sản xuất, cắm, thả biển báo hiệu, tín hiệu hướng dẫn giao thông, đóng, sửa chữa, xuồng ghe, tàu, máy móc động cơ phục vụ quản lý luồng lạch, cung cấp, sản xuất sản phẩm phục vụ cho tàu thuyền… Chính vì vậy, mặc dù cho đến nay chưa có thống kê chính xác nào, nhưng người ta cũng suy ra là trong tổng số hàng chục triệu cư dân sinh sống ở đồng bằng Nam bộ thì có hàng trăm người đang hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác, quản lý ngành đường thủy nội địa mà ta quen gọi là nghề sông nước.

 

Với một ngành gồm nhiều nghề, lại là ngành mang tính xã hội cao trong một vùng sông nước phong phú có mạng lưới lưu thông dày đặc như vậy thì việc có quy chuẩn thống nhất giúp cho việc quản lý, xử lý, điều hành các hành vi của những người, phương tiện tham gia là rất cần thiết. Tháng 6 năm 2004, Quốc hội đã thông qua và Chủ tịch nước ký lệnh ban hành luật giao thông đường thủy nội địa.

 

Nếu nghĩ rằng dân sông nước luôn là những người vô luật lệ chỉ thích điều khiển phương tiện theo ý mình để làm sao kiếm được nhiều lợi nhuận, nhiều tiền… thì hoàn toàn sai lầm. Bởi vì hơn ai hết, miếng cơm, manh áo, sự nghiệp, tài sản, tương lai và trên tất cả là tính mạng của thuyền viên, thuyền chủ đều phụ thuộc vào sự an toàn của phương tiện trong hành trình xuôi ngược trên các miền sông nước ngày đêm… Chúng ta thử nghĩ xem nếu không có quy định chung để điều chỉnh các hành vi của những người điều khiển phương tiện, những người sử dụng dòng sông vào công việc kinh doanh, những người chăm sóc, bảo vệ, tu bổ dòng sông thì liệu phương tiện vận tải có thể đi lại an toàn? Mọi người có thể vui vẻ với nhau, giúp đỡ nhau làm ăn phát tài trước thủy thần đầy quyền lực và nghiêm khắc?

 

Thế nên luật giao thông đường thủy nội địa ra đời là mong mỏi thực sự của những người làm nghề vận tải và khai thác trên sông bởi vì luật giao thông đường thủy nội địa là văn bản pháp quy đầy đủ nhất, chi tiết nhất trong các văn bản pháp quy từ xưa đến nay đối với ngành đường thủy nội địa ở Việt Nam ta.

 

Cũng chẳng lạ gì khi ban tặng bất kỳ thuyền viên đường thủy nội địa nào quyển luật nói trên mà họ vui mừng đón nhận trân trọng và tỏ lời cám ơn.

 

Ngoại trừ các thầy giáo, chẳng ai có thể thuộc làu mọi điều trong luật, họ chỉ hiểu, nhớ những điều cơ bản thường xuyên bắt gặp trên hành trình, còn các điều chi tiết, những điều ít khi xảy ra thì thuyền viên chỉ biết nói "có ghi trong luật" khi cần đến mới đi tìm nó để đọc. Chính vì vậy việc trên mỗi phương tiện có một quyển luật đường thủy nội địa in đẹp, dễ đọc, khó rách là rất cần thiết.

 

Làm nghề giang hồ mà chẳng "giang hồ", đó là những triệu phú, tỷ phú đang hành nghề vận tải trên sông nước Cửu Long. Họ là những người không chỉ giỏi về kỹ thuật lái tàu, sử dụng động cơ hiện đại, nghĩa là rất lành nghề và rất thuộc đường mà họ còn là những doanh nhân biết tính toán, biết tổ chức sản xuất, rất "máu" làm giàu và đặc biết rất biết tuân thủ pháp luật.

 

Xuân Ất Dậu đang đem nắng vàng với se lạnh mờ sương trên khắp miền Cửu Long sông nước, tôi cầu mong cho những thuyền viên sông, hồ, những người khai thác kiếm sống, bảo dưỡng, chăm sóc các dòng sông trên khắp mọi miền Tổ quốc vui tươi chào đón tiếng gà gáy gọi bình minh thế kỷ, mạnh mẽ vươn cách tay, mạnh mẽ ngẩng đầu nhìn thẳng, lái tàu điều khiển phương tiện đi nhanh tới đích tương lai tươi sáng.

Trần Đổ Liêm
Số lần đọc: 2568
Ngày đăng: 03.12.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Quê hương ở đâu? - Thu Nguyệt
Bạn nhậu cũ - Nguyễn Ngọc Tư
Nhớ tím - Phạm Minh Châu
VIỆT NAM trong tim - Dương Ðình Hùng
Quán nhớ - Nguyễn Ngọc Tư
Sành điệu hay đua đòi - Tâm Việt
Hiên trước nhà một bà già tốt bụng - Nguyễn Ngọc Tư
Lưu lạc một vần thơ - Dương Ðình Hùng
Những đôi mắt ngóng trông - Dương Ðình Hùng
Mật ngọt của rừng - Tạ văn Sĩ