Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.100
123.230.096
 
Một thoáng nghĩ về ý thức phái tính
Nguyễn Thị Kim Lan

 

qua một số bài thơ của các nữ sĩ đọc trên facebook ngày 6.1.2021

( Phần 2 và hết )

4. 3 Một bình diện thứ hai, liên quan đến ý thức phái tính là qua thơ ca họ nhận thức được vấn nạn của tình yêu : sự to gan hoặc lơ đãng của đàn ông, luôn dễ dàng lạc giữa ngã ba tình.

Mời các bạn đọc thi phẩm ý nhị mà sâu sắc của nữ sĩ Trần Ngọc Diệp, để thấy ý thức phái tính của nữ sĩ trong cuộc ‘’ sống chung và đấu tranh ’’ với vấn nạn người thứ ba trong tình yêu ; hay là sự bối rối, lạc lối hay mắc phải của phái tính nam. Căng thẳng hơn một chút, người ta gọi là sự đa tình- ý thức chiếm hữu không giới hạn, lòng tham lam của phái nam.

Thi phẩm : ĐIÊN

Em thích ngắm anh cười

Khóe môi trễ chút gật gù làm bộ

Cách anh xoay vô lăng lúc lái xe

Như bàn tay xoa lưng dỗ dành em ngủ

Em muốn khóc lúc anh ngồi lặng

Cô độc xoay lưng như con sói trong chiều

Muốn ôm anh khi nghe anh hát

Muốn chạm tay thật khẽ viền môi

Mưa che sân khấu cho người

Em hết nằm nghiêng lại nằm co

Anh như chiếc phao ai cất trên trần nhà

Mưa ngập em

Em chới với

Anh ngập trong người khác ...

Chân dung cô ấy tự họa là điên. Điên thế này thì thật ra làm đàn ông họ phát điên thật.

Trước hết là yêu si mê đến phát điên. Người đàn bà trong thơ chị sinh ra để yêu, cô là một định nghĩa về yêu. Từ ngưỡng mộ anh ta như ngưỡng mộ một nghệ sĩ sáng tạo ra hạnh phúc. Anh ta làm gì, cô ấy cũng dõi theo, như đứa trẻ theo dõi nhà ảo thuật.

Người đọc xót trong tim khi cô liên tưởng tạt ngang cách anh đánh vô lăng sang cách anh xoa lưng cho nàng ngủ. Thật sự là một phép liên tưởng chỉ có thể được tạo ra bằng chính cuộc sống luyến ái dịu dàng như tình mẫu tử.

 

Cô ấy từ một đứa bé tận hưởng tình yêu anh bỗng chốc lớn lên và bao dung như người mẹ, người cha, người tri kỉ, người vô hình, như một ma xơ, khi anh buồn, nỗi buồn khiến anh im lặng, cô muốn khóc vì thương và bất lực. Khi anh gửi tâm tình vào tiếng hát, cô đọc được những trống trải hay bơ vơ trong lòng người đàn ông của cô. Cô muốn ôm anh. Người đàn bà trong cô, với ý thức về nữ quyền, đâu có dùng quyền ấy mà áp chế, mà dùng để chủ đạo che chở. Tôi vô cùng sợ hãi khi đọc tới chi tiết cô ấy ‘’Muốn chạm tay thật khẽ viền môi’’. Ý thức phái tính có một hạt nhân cao độ là ý thức về quyền bình đẳng có cá tính và bình đẳng trong bộc lộ đòi hỏi hay biểu đạt dục tính. Diệp, với cử chỉ đó, cô ấy thực sự là người giành và có được quyền và kĩ năng yêu sâu sắc đến độ thành cử chỉ đầy nghệ thuật( như cách nàng cầm cọ và gọi dậy nụ hôn vậy).

 

Hi sinh hơn nữa, trước những gió mưa trên sân khấu cuộc đời và anh là vai chính, không ngần ngại, người nữ ấy lấy lưng che. Hình ảnh này quen mà lạ. Quen như người phụ nữ xưa, nhẫn nại hy sinh. Nhưng khác. Đây là người phụ nữ mới, cô ấy bình đẳng và lớn cao trong việc chia sẻ với người đàn ông của cô ấy những trọng trách, những nguy nan mang tính xã hội. Người đàn bà mang gánh nghiệp giang sang chính sự cùng người đàn ông của nàng.

Phần kết của bải thơ mới là Diệp – trong thơ về ý thức phái tính. Cô biết mình chới với sinh tử trong sóng gió yêu anh. Và anh thì sinh tử trong sóng gió yêu người khác.

Ướt lạnh đến tê tái cả mấy câu thơ. Nàng nhận thức về mình con thiêu thân mắc hội chứng điên. Thơ ý thức phái tính là thơ tự nhận thức. Cũng là nàng đang tự bổ khuyết cho ý thức quyền bình đẳng của mình. Nàng đang tự kết án mình đã lạc lối. Điều làm người đọc cảm kích ở chỗ, bài thơ dừng ở điểm kết thúc màn bi hài kịch. Không lời bình luận. Một nỗi đau chuyển thẳng sang người đọc. Làm chủ, không có nghĩa là sẽ ngồi dưng đó mà hưởng thụ tình yêu cổ tích. Nguyên ủy, ý thức làm chủ, giá trị làm chủ luôn đặt ngang với những nỗ lực xây dựng giá trị. Nhận thức để sáng tỏ và tự điều chỉnh, khiến con người không chịu đựng đã đa đành, nhưng không đổ thừa. Hiểu biết và làm chủ, không biến người nữ trở thành những búp bê trong tủ kính. Họ lớn lên trong chủ động và can đảm. Ngay chính khi khúc quanh của tình yêu . Thật là thông tuê. Đẹp làm tàm ta không thể chỉ cảm thấy một cảm hứng buồn. Ta thấy xúc động.

 

Gặp nhau với Diệp ( họ làm cách nhau hai bài thơ là 2 năm), cũng câu chuyện dã tràng xe cát, trong bài thơ của mình, Kim cũng cảm nhận về sự thiếu công bằng, sự vô tâm của người nam trong tình yêu, trước sự trao nhận vun đắp tình yêu thiêng liêng.Trong tình yêu, đẹp nhất là đem đến cho nhau. Có ai đó đã nói rằng yêu ai, điều đẹp nhất là mình hiểu được khát vọng của người đó, giúp người mình yêu thực hiện được điều cô ấy, anh ấy mong đạt. Ý thức phái tính khiến các người nữ càng lúc càng soi chiếu tình yêu dưới những ánh nhìn sáng suốt hơn.

Mời các bạn đọc bài thơ sau của Kim :

Em, Anh, Thơ, Và ...

Tôi chết sững khi thấy cảnh tượng đó

Anh và cô ấy khoanh chân trên các tấm thảm thanh thiên nhỏ

Tôi mua của sông La về để đợi trăng lên uống trà cùng anh

Thể nào cũng có thêm tiếng dế trong chậu tiểu cảnh

*

Trong ác mộng ấy

Tôi mang trên lưng chiếc ba lô nặng

Đầy các loại cây hoa lá gùi về

Những ngày mưa bết đất núi

*

Tôi gùi như mang thai con tôi chín tháng mười ngày

Bởi tôi không sao quên niềm vui của anh khi nghe tôi

Gọi tên các loài cây và rau trên phù sa quê cũ

Những cái tên anh lưu vào nhung nhớ

*

Tôi hái rau sắng, hái quả lạc tiên

Bỏ vào cả niềm ước ao thấy tim anh xao xuyến

Anh xa mảnh đất này lâu anh sợ quên

Mà quên thì trọn kiếp không còn gì thiêng liêng nữa

*

Tôi diễm phúc được nhỏ mồ hôi vào câu chữ

Câu chữ mang hồn anh bay lên

Bởi vì em đã rất yêu anh

Yêu anh để tri ân anh đã yêu đất nước

Yêu anh vì sóng gió đảo điên anh không đánh mất

Giây phút thịt xương anh liền lại cội cành

*

Bây giờ nhớ hôm ấy gặp anh

Tôi vẫn không sao thở nổi

Khi tôi nhìn thấy anh trao thơ anh cho cô ấy

Vồn vã như từng trao tôi

Những câu sâu xa hơn cả cuộc đời

Những sâu xa dắt em vào bóng tối

Nhập vào đời anh để có cuộc đời

*

Và bây giờ em vẫn nhớ hôm ấy

Trên hai tấm thảm thanh thiên thơm trăng ban công

Góc ngân hà bí mật của chúng mình

Anh đã trao thơ của anh và trao mật mã

Cùng kì vọng không khi nào nói cả

Em là bài thơ của anh

Nhờ có em yêu anh mà thơ được sinh thành

*

Bây giờ là 18 giờ ngày 22 tháng chạp

Em viết nốt và em không khóc

Em yêu thơ hơn em

Em yêu anh hơn thơ

Em yêu tình yêu hơn hơi thở

*

Thơ là tự do

Yêu anh em đi hái tự do về anh uống

Yêu tình yêu em dâng tự do

Anh hãy bay đi trên tấm thảm thiên thanh em đã mơ

Để cốc hai người uống trà em sẽ rửa.

Hơi dài chút. Cô này luôn hoặc tiết chết khô cứng. Hoặc cồng kềnh bề bộn. Quí vị cảm thông, cá tính ta tôn trọng. Cô ta là nhân vật thức tỉnh ý thức nữ quyền mà.

Bài thơ tạo hình bằng câu chuyện tình của hai người tình cùng là nghệ sĩ. Người nữ đã gửi gắm nhiều kì vọng vào tình yêu của hai người và cô hiểu khát vọng của anh. Yêu anh, khát vọng của anh còn cháy trong cô hơn trong anh, bạn biết mà, đàn bà là thế, họ chỉ có biết mỗi một chuyện là nghiện chết cho yêu thương thôi. Cô nỗ lực từng ngày. Cô đã tạo một không gian đời thường ấm cúng và nên thơ, một tình yêu xanh tươi. Tất cả để cho anh một không gian và tâm thế sáng tạo. Cô còn bằng hành trình dấn thân vào đời sống, thu lượm cái đẹp, tri thức, cảm xúc trải nghiệm, thay vì để dùng làm nguyên nhiên liệu cho chính mình, cô trút cả cho anh. Bút pháp nhiều tính biểu tượng của bài thơ chỉ cho phép ta giải mã đến thế. Chúng ta đều biết, trong việc làm nghề, làm nghệ thuật, sự hết lòng, chân tình và ưu tiên của người đồng hành sáng tạo sẽ đem đến nhiều cơ hội cho nhau. Câu chuyện Đan Thiềm và Vũ Như Tô trong vở “Vũ Như Tô”, bạn biết rồi; Xuân Quỳnhvà Lưu Quang Vũ, bạn cũng biết.

Cô làm được thế vì cô rất yêu thơ nhưng cô yêu anh hơn.

Và trong câu chuyện, cái kết thúc thật giống với bài thơ của Diệp . Anh mang tâm huyết của cô, ngay trong không gian tình yêu của hai người, trao cho một người phụ nữ khác, từ hành tinh khác đến. Người tình của cô đã trao gửi quả ngọt cho một người biết gì đến một hạt đất trong vườn tình. Sự thất vọng chính ở chỗ anh ấy đã mạo danh sáng tạo nghệ thuật để vay mượn nguồn năng lượng của tình yêu thiêng liêng, tạo ra tác phẩm nghệ thuật, hướng nó về một mục đích giao tiếp khác, không phải mục đích tối thượng của văn chương.

Sự hi sinh và dâng hiến đã trở nên vô nghĩa. Bài thơ là một sự thức tỉnh của chủ thể về một tình yêu và sự dâng hiến một chiều, không đáng. Cũng là một sự trưởng thành về quyền bình đẳng. Muốn sự bình đẳng, người nữ không chỉ có tình yêu mà đủ. Còn cần sự sáng suốt, đối thoại, thay đổi và có thể, khi cần, thì đi khỏi sự lạc. Thi sĩ Vũ Thúy Hồng có lời cmt là sao cay đắng thế. Sự cay đắng tự sâu trong cõi lòng, như một ẩn số của tình yêu chưa dựa trên bình đẳng, chưa có sự phản biện. Không hề có lời của nam nhân vật. Nghĩa là chỉ có sự cay đắng trong lòng. Cô ấy chắc có lẽ sẽ tự âm thầm mang nỗi đau ấy, không trách cứ. Trách cứ là một thảm họa. Vì sao? Là do mình mà. Cô ấy tự dứt khoát : Cao hơn thơ là tự do. Anh đi đi. Một sự xử lí thực sự chỉ có thể có ở một ý thức cao nhất của phái tính: Cá tính. Sự tự trọng đến mức kiêu hãnh . Toàn bộ nỗi đau chuyển thành năng lượng của sự dứt bỏ. Tự quản trị chính nỗi đau và không để lãng phí.

Trong một diễn biến khác, cô dự cảm về sự phai nhạt tình yêu đem đến từ sự ‘’ lông bông’’ trong tình yêu của phái nam. Luôn luôn tự nhạn thức mình và nhận thức nửa kia trong tình yêu, là biểu hiện của ý thức về quyền.

Mời các bạn đọc bài thơ của Kim :

Yêu mãi tươi xanh

lấy cho cô gái mới đến

chiếc cốc màu xanh có quai trắng

biết sẽ 2/3 lạnh, nóng

*

bỗng nhớ ngày anh chạy ngang đường

mưa to ướt cả áo cả tóc

mang về cho em que kem màu xanh

*

phố Tràng Tiền mưa nhịp giọt chân

che ô cho em anh đã ước

mua mỗi ngày cho em niềm xanh

*

thức giấc được đọc thơ em

ra một tờ báo chỉ in thơ em

để ai cũng biết thơ người yêu anh đẹp

*

cô ấy đưa tay đón cốc nước

ngước mắt khen anh gì cũng tuyệt

anh ghi địa chỉ email và nói về tờ báo như em từng biết.

Chúng ta rất quen nỗi Xuân Quỳnh xưa đã khắc khoải “ Cuộc đời tuy dài thế- Năm tháng vẫn đi qua, như biển kia dẫu rộng- Mây vẫn bay về xa- ”. Nhưng Xuân Quỳnh khi ấy còn mông lung xa xôi bóng gió. Dẫn đến rất nhiều bạn đọc, nhất là phái nam cho đó là âu lo về sự ngắn ngủi của đời sống trước vô biên của thời gian vũ trụ, khiến nữ sĩ lo lắng hạnh bên nhau sẽ thoảng bay. Không sai. Nhưng điều này không liên lạc mật thiết với hồn thơ dung dị chân thành của nữ sĩ tài hoa bạc mệnh ấy, và cũng chẳng đem lại gì mới hơn mấy nhà thơ mới. Cô ấy nói về chuyện khác, chuyện “ hôm nay yêu mai có thể xa rồi.” . Là nói niềm âu lo của phái nữ trước độ bền trong tình yêu của người người nam. Ý thức phái tính đã giúp các nữ sĩ nhận ra sự khác biệt phái, ( bao gồm sinh lý, tâm lí, văn hóa, định ước xã hội và ý thức của chủ thế) khiến phái nam luôn chuyển động, đổi thay. Tại sao? Họ là phái mạnh, họ thích chinh phục, họ khát khao sở hữu càng lúc càng tốt hơn những giá trị của các chiến lợi phẩm mang về từ các cuộc chinh phục. Và hàng ngàn đời, xã hội ủng hộ, bảo vệ, khen tặng, đề cao nam quyền, cho sở hữu nông trang, chiến trường, tình trường và phụ nữ của người nam

Bài thơ Tình yêu mãi xanh của Kim, như các bài thơ đương đại, cụ thể hơn so với tình huống của nữ sĩ Xuân Quỳnh vào năm 1968. Bài thơ tạo hình kĩ càng, thông qua những hồi cố đồng hiện, kỉ niệm yêu đương đầu tiên của mình với nhân vật anh hiện về rõ nét. Từ hình ảnh chiếc cốc và cách anh pha nước ấm cho cô. Anh đã chinh phục cô bằng sự chu đáo, ân cần, tinh tế. Cô mở rộng hồi cố trao gửi qua hình ảnh que kem anh mua khi trời mưa; cách anh che ô và tận hưởng niềm vui mang đến cho cô; anh trao cho cô ước mơ về tình yêu. Sâu xa hơn, cô nhớ lại sự gallant và tinh thần hiệp sĩ của anh khi anh bầy tỏ : với anh, thơ cô- tâm hồn cô là dinh dưỡng cho tâm hồn anh. Cao hơn nữa, anh muốn khích lệ, chắp cánh cho tài năng của cô được tỏa sáng. Tưởng như tất cả những gì lãng mạn nhất, kì diệu nhất của tình yêu đã đủ.

Nhưng không. Điều người phụ nữ trong thơ Kim muốn ở người nam của mình sự sự trưởng thành trong tình yêu. Mà trưởng thành là cam kết, chịu trách nhiệm giữ gìn, gây dựng, vun vén cho tình yêu mãi xanh tươi, kết trái.

Tôi không muốn dùng từ chung tình hay chung thủy. Tôi muốn nói tới việc thực hiện các cam kết, chịu trách nhiệm với cam kết. Và như vậy, người phụ nữ trong các thi phẩm nhìn qua, tưởng là ghen, thực chất là quá trình tự nhận thức về mình, tự vượt qua những rờ rẫm quáng gà của mình. Đồng thời, đưa ra thông điệp về một tố chất nữa của tình yêu mà phái nữ có quyền và nghĩa vụ : Giúp người nam của mình tôn trọng mình, giúp mình, thay đổi vì mình và tình yêu. Trong đó có cam kết anh phải hiểu chính mình, chịu trách nhiệm về các hành vi của mình . Trong bài thơ, các hành vi mang ý thức phái nam quá rõ: chinh phục, quyến rũ bằng gallant, hào hiệp không có điểm dừng, bỏ qua các tín hiệu nguy hiểm - cử chỉ cô gái mới đến đón cốc nước, ngước mắt nhìn, khen hết lời… một cái bẫy vô tình hay hữu ý đi chăng nữa, cũng quá rõ, trừ khi anh ta cố ý không hiểu, để rồi đi lạc.

Nghĩa là, người đàn ông của cô đã cam kết thì không lạc lối. Anh ta phải hiểu chính mình. Và phải trở thành người nam xứng đáng. Nhận thức này ở người nữ xuất phát từ ý thức về giá trị bản thân, ý thức về sự thiêng liêng của tình yêu, quyền được phản biện, đấu tranh cho hạnh phúc uyên ương.

Người ta nhận thức bằng thơ, là nhận thức chính mình. Họ đi đến đối mặt với vấn đề ( Diệp) Rồi đưa ra lời thú nhận, yêu cầu rõ ràng, và ý nhị ( Phan Rang). Đau xót và chấp nhận( Kim).

Như vậy, ở bình diện ý thức phái trong phát triển và bảo toàn cá tính, người phụ nữ trong thơ thức tỉnh về quyền bình đẳng, tôn trọng, đã nhận thức, ứng xử trong các tình huống oái oăm, đau khổ nhất của tình yêu đó là sự chia sẻ, là sự nhạt phai, sự thiếu chung tình, thói háo sắc sự đào hoa của đàn ông. Hiểu biết, họ đau khổ tích cức, họ kết án nghiêm khắc nhưng bao dung, họ ra đi trên thế thượng phong. Tiếng thơ nhận thức về quyền và trách nhiệm của phái nữ trong bình đẳng tình yêu là như thế.

Có thể nói, các nữ sĩ, một mặt phát hiện ý thức cá nhân phát triển cao của phụ nữ đương đại, mặt khác vẫn khắc họa đươc các nét mềm mại, trắc ẩn, bao dung và tôn trọng của họ với phái nam, với cuộc đời. Ý thức phái tính trong thơ họ đã khắc họa nét đẹp văn hóa đa sắc của người phụ nữ Việt ngày nay.

5.Ý thức phái tính về vẻ đẹp của bản thân, về niềm khát khao hạnh phúc và tình yêu qua thơ Phạm Hiền Mây và Ban mai

Chúng ta đều biết rằng thời gian là thước đo sự sống. Tuổi trẻ là mùa xuân của đời người. Thế nên, ý thức cá nhân, trước hết là ý thức về giá trị mà mình có, mình thuộc về.

Các nữ sĩ nhạy cảm trước mọi thay đổi. Cô nữ sĩ Ban Mai sợ mai sau tuyết tan, họ không vui, nụ hôn không như hôm qua. Niềm lo xa tiếc xa cho tình yêu tuổi trẻ là ý thức phái tính sâu đậm mà rất nữ tính của phụ nữ, lại không hướng tới quan hệ triết học mà là sự khác biệt về phái.

Hiền Mây xử lí già dặn hơn : cô đong đầy mùa xuân khát khao viên miễn, dưới đó giấu kín niềm đợi chờ khắc khoải. Đợi chờ chứ không bực bõ trách giận nghi kị người tình của mình, là một biểu hiện nhận phần thiệt để tránh khổ đau. Vâng, cô đơn, khắc khoải nhưng trắc ẩn và bao dung, chỉ dành riêng yêu.

Ban Mai lại kì vọng, một kì vọng không rõ có từ cuộc sống hay là điều người thiếu nữ ấy mơ mộng: Người con trai luôn hiểu bạn lo lắng gì, luôn có mặt, chẳng bao giờ rời xa. Thơ là hành trình tự nhận thức, khám phá, làm chủ và sáng tạo ra bản thân.

Mời các bạn đọc bài thơ nữ sĩ Phạm Hiền Mây.

Bài thơ của Phạm Hiền Mây :

ĐÃ NGHE… .

đã nghe

làn gió hây về

cánh hiu hiu mướt hoa kề lá vân

tiếng chim nắng đổ hồng sân

vạt bâng khuâng áo mùa xuân sớm mùi

đã nghe

từ đóa mai ngùi

nhớ thương viễn xứ rưng vùi tóc ngây

mộng còn treo mái bờ tây

mơ nằm ngủ ngỡ hiên mây khói nhà

đã nghe

áp xuống hôn ngà

trăng non mở biếc đôi tà đón xanh

lối vào em rót thiên thanh

ngon say đắm ngụm môi anh rất mềm

thơm hương tết chạm bên thềm

không gian trầm nức êm đềm

đã nghe… .

Ta thấy trước hết, nàng ý thức mình đẹp, trẻ, nồng nàn. Khí quyển xuân rực rỡ, lộng lẫy, chín mọng, quyến rũ. Trực tiếp thì hiện ra những “ tóc ngây’’, ‘’hôn ngà’’, ‘’áo mùi’’, Ba yếu tố đẹp nhất, nữ tính nhất của bức tranh tố nữ là mái tóc, đôi môi và mùi hương… đã khiến nàng xuân trở thành ý trung nhân đẹp nhất vườn xuân vũ trụ. Trong các bài thơ, không có bài thơ nào đẹp lỗng lấy, thuần khiết như bài thơ của Hiền Mây.

Tuy nhiên, đọc thơ nói chung và đọc Mây nói riêng mà căn cứ vào từ vựng tách biệt thì không cảm thấy được được điều Mây muốn gợi ra. Cả khí quyển rạo rực xuân chính là hình ảnh soi chiếu cho nhan sắc đầy uy quyền của nàng xuân. Gió hây, cánh hiu, hoa kề, lá vân, nắng đổ, hồng sân, mộng treo, trăng non…Trời ơi. Hiện ra như một viễn cảnh thần tiên vừa là cái đẹp của vũ trụ, tạo vật, vừa là sự tràn sang của ý thức chủ thể. Điểm nhấn là nhan sắc được gợi tả không chỉ là nhan sắc của nữ hoàng tuổi trẻ, mà còn là nhan sắc trong mùa xuân tình ái. Điểm gặp gỡ giữa Mây và thi sĩ Xuân Diệu là ở chỗ, cô đã lấy cái đẹp của thanh nữ làm trung tâm mùa xuân đất trời. Là vẻ đẹp của thanh nữ trong tình yêu. Để tả cái đẹp ấy, trong cấu trúc bài thơ có 14 câu , nữ sĩ đã dùng tới 10 tính từ đơn, khoảng 15 động từ, chưa kể các tính từ và danh từ được động từ hóa, 3 từ láy tượng hình… dựng lên một thế giới động cựa, trổ sắc, tỏa hươn, rạo rực mê đắm. Cái đẹp được nhận thức từ chủ thế, nên thơ không luận lí và mô tả từ bên ngoài như thơ lãng mạn Xuân Diệu : Của ong bướm này đây tuần tháng mật- Này đây hoa của đồng nội xanh rì- này đây lá của cành tơ phơ phất- của yến anh này đây khúc tình si ( Vội vàng).-Thơ Mây với ý thức phái, cô chủ động, mạnh bạo, thiết tha bày tỏ niềm đắm say tình xuân., đắm say tình yêu đôi lứa, trong một khác biệt căn bản của hành vi hóa thân. Cô nhập vào xuân làm môt. Nên bài thơ là “ đã nghe”. Cái sự nghe ngóng lòng nhau.

Từ động thái chủ động lắng nghe mùa xuân của tạo vật, đến lắng nghe khát vọng trong lòng mình, khác biệt của ý thức phái trong thơ Mây với đệ nhất nữ sĩ thời trung đại Hồ Xuân Hương là ở chỗ : nàng Xuân Hương luôn khá vất vả chạy giữa các đối cực : Giữa khát khao và buồn tủi, giữa khấp khởi và chới với, giữa nồng nàn và chua chát. Khác biệt nhất là trong giọng điệu của thơ Mây không chen vào một tạp âm nào. Chỉ một mực ngọt ngào đắm say. Đồng nghĩa với điều đó, trong thơ Mây, đợi chờ là hạnh phúc. Mây không dằn vặt, hồ nghi. Đạt trạng thái thuần khiết để tiệm cận hạnh phúc đong đầy ấy là cả một câu chuyện rất dài. Nào là thời đại đổi khác, ý thức cá nhân khác. Căn bản là chính bản thân nữ sĩ hôm nay cũng đã khác. Họ đã quyền, có năng lực, có trí tuệ có kĩ nằng để tự tạo hạnh phúc cho mình, không cần chờ đợi để rồi thất vọng, khổ đau, chua chát. Không được phép nói tràn ra các thi phẩm khác của Mây. Thơ Mây không có lợi thế như thơ một số nĩ khác, viết với cảm thức đối nghich, xoi mói, hạ bệ, lố bịch hóa, thảm hại hóa nhân vật nam, để trở nên chiến thắng hả hê. Hoặc, bi hóa nỗi si tình, nỗi đau tình, sự yêu đơn phương, sự táo tợn đến bất chấp... đang rất gây tò mò và ủng hộ và tán thưởng. Ủng hộ nữ quyền, bao dung nhược điểm và nỗi đau, sự sai lầm của pjhais nữ là đẳng cấp đàn ông cấp tiến mà. Về thi pháp, cách tạo tình huống như thế, khiến kịch tính trong thơ cao, tính hấp dẫn tăng, và trục tâm lí cảm xúc, hành động sẽ chuyển động mạnh, khiến thi phẩm kích thích hơn, hiện đại hơn. Mây không chọn con đường đó. Vì sao, ta không có điều kiện bàn ở đây. Nhưng chính điểm dừng của Mây khiến cá nhân tôi, tôi đánh giá cao ý thức làm thơ của nữ sĩ này. Nàng có quyền làm gì cũng được, đàn bà lại đẹp và tài. Nhưng nàng là nàng. Là biểu đạt chính mình, không tham phiếu bầu từ độc giả đến với thơ vì lí do ngoài thơ, ngoài phẩm chất thẩm mĩ và nhân văn của thơ ca. Tôi nghĩ mình đã hơi quá. Vâng, là tôi, nhân tiện, muốn bày tỏ. Tôi chọn bài thơ của Mây là tôi tự chọn lấy trường hợp khó. Vì thơ Mây lạ lắm. Ai yêu thơ vỗ vào lòng. Ai không yêu, nó bong đi mất. Thơ Mây cá tính đậm như chính Mây vậy, đọc, thả hồn, thích. Tôi đã mỗi sớm đọc thơ Mây, để hồn nàng cuốn đi, nước mắt cú tự rơi, tim đạp. Thơ của một ý thức phái tính nảy nở tròn đầy, đằm ngọt và hoàn mĩ cả từ thể chất đến tâm hồn, trí tuệ. Lắng lại, như ca từ trong một bài hát của Trịnh Công Sơn “

Thích nhất là hai câu thơ sau lục bát sau :

đã nghe

áp xuống hôn ngà

trăng non mở biếc đôi tà đón xanh

lối vào em rót thiên thanh

Xin phép không bàn. Để mọi người hình dung. Và để nhắc chúng ta là, ý thức phái tính cao nhất là ý thức bảo vệ cá tính( ta đã nói ở trên) và ý thức bình đẳng về dục tính. Trong thơ Hiền Mây, Ban Mai ( và nhiều hơn thế , ai là nữ sĩ đều thế ), hai tiếng dục tính được khám phá và thể hiện thật nồng và thật thanh nhã. Đây là điều tôi thích nhất ở các cô.

Bài thơ của cô thi sĩ trẻ Ban Mai :

Cầm tay

hôm ấy tuyết khá lạnh

anh mặc chiếc áo màu đỏ sậm

sân băng không đóng băng

thấy màu áo như màu nụ hôn

hôm qua ở chân đồi

không hiểu sao em ngồi xuống và tim giá buốt

có phải em sợ ngày băng tan

ta sẽ không nghe nhau cười khi trượt tuyết

có phải em sợ mùa quả chín sẽ hết

Nếu như ứng xử của nữ sĩ Hiền Mây trước hối thúc của thời gian trước khát vọng tình yêu là chủ động mong chờ, tự tạo ra những viễn ảnh tình để ru giấc xa, chống lại sự qua đi, sự ngắn ngủi thì Ban Mai lại xuất hiện dự cảm âu lo.

Ban đầu cô ấy nâng niu những phút bên nhau , những thân thiết lặng thầm. Cô nhớ màu áo người yêu mặc. Một cách biểu đạt yêu đã thiết tha. Từ màu áo đậm cô liên tưởng đến vị chín ngọt của quả., của nụ hôn. Kín đáo và tiết chế, nhưng đã nhận thức được ý nghĩa của nhân vật anh và tình yêu đã trao gửi giữa hai người trẻ tuổi. Khát vọng tình yêu và hạnh phúc của yêu đương cùng như trong thi phẩm của nữ sĩ Hiền Mây, nhưng Ban Mai để bức tranh tình yêu gam màu lạnh, đơn sắc. Đến khi cần nói đến thì cô gọi đích danh là ‘’nụ hôn’ hôm qua dưới chân đồi’. Thế giới của nàng Mây là một thế giới như ta đã nói, viên mãn tròn đầy sự thức tỉnh, nên, nàng lại làm mờ nhòa đi, ban tặng bớt, tràn đầy qua. Thành ra, nồng nàn mà lại thanh tú là thế. Còn câu chuyện của Ban Mai là cái tình còn e, còn chớm, còn chưa rạn, chưa trải, chưa tròn… Thế nên, em phản ứng với choáng ngợp tình yêu bằng nỗi sợ hãi sẽ mất, em trải nghiệm tình yêu ban đầu tuổi trẻ bằng cảm giác buốt giá của âu lo mất mát. Có thể đó là thường thấy ở người còn rất trẻ. Cũng có thể là tâm cảm ở một không gian đời sống đang có nhiều xáo trộn, đột biến. Sự xáo trộn có thể còn đem đến từ sự tiếp biến các văn hóa theo trục thời gian xưa nay, trục không gian đông tây, nữ sĩ của chúng ta ở giao điểm. Cũng có thể do nhà thơ quá trẻ mà phải trải qua thời gian xa nhà, xa xứ sở lâu, càng tha thiết với gặp mặt ấm cúng bao nhiêu, càng nhạy cảm với chia li, xa lìa bấy nhiêu. Vì điều này mà ta có một thức nhận mới : cái ý thức phái tính ấy luôn lung linh biến ảo để tạo ra các thi phẩm không khi nào hết khác biệt và mới lạ tự nội dung đến nghệ thuật.

Dù khác nhau ở màu sắc và cá tính, nhưng thơ của hai cô đều thể hiện hai chủ thể trữ tình rất có ý thức về bản thân, về cuộc sống quanh mình, về tình yêu, về khát vọng gần thêm nữa thêm mãi giữa những tình nhân. Tuy nhiên, bản lĩnh và tâm thế trong thơ Hiền Mây cân bằng hơn, cô đã đạt được trạng thái hạnh phúc tự tâm mình. Còn với cô gái trẻ Ban Mai, cô ấy đang còn giao phó ước mơ tình yêu của mình cho anh chàng áo đỏ. Cô ấy buồn vì lo sợ anh không thắm mãi. Và cô hạnh phúc khi anh luôn kề bên và ân cần cần tay cô. Thật sự là một sự thể hiện chân thực và dễ thương. Bên cạnh niềm quí giá vô bờ của sự thân thiết mà Ban Mai đem lại trong bài thơ, cô cũng khiến chúng ta vương vấn một niềm lo âu và thương thương. Thì hẳn thế. Ý thức về bản thân, chủ động tạo lập, phát triển và hoàn thiện là việc của thế hệ các bạn ấy trong ý thức về phái tính, nó đã ở một chặng rất xa so với chúng ta, so với các cô Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư. Cho nên, căn bản không còn là đả phá, phủ định chế giễu, kêu ca, xoi mói, chống trả … với người nam nữa. Sự bình đẳng phổ quát giờ đây đã khiến ý thức phái tính đi vào chiều sâu, tinh tế, cao độ và văn hóa hơn nhiều. Đó là sự phát động và phát triển các tố chất đặc biệt của phái nữ( dịu dàng, tinh tế, tin tậy, tôn trọng, chân thành, khéo léo, cảm xúc, chăm sóc, sâu lắng), để tạo nên một gắn kết tương hỗ, hợp tác, hài hòa, nồng thắm. Tạo hóa sinh ra hai giới, con người nâng cấp bằng ý thức, tri thức và văn hóa để thành phái tính. Phái tính căn bản không phải để xung đột, mà để bình đẳng, hợp tác, yêu thương và hạnh phúc, bình an.

6.

Thơ của các nữ sĩ Phan Rang, Diệp và Kim thể hiện ý thức phái tính qua các tình huống không suôn sẻ của tình yêu, để đưa đến nhận thức, đấu tranh, ứng xử cấp độ khó của nữ quyền. Đòi dòi một sự trải, một tạng thơ có sự gồ ghề, khúc mắc. Cũng lại là từ ý thức cá tính con người chi phối cá tính sáng tạo . Và luôn là lựa chọn. Khi bắt tay vào viết tôi khá thám điều này và cảm thông với bạn bè đọc thơ mình. Chứ Phan Rang đọc vui hơn mà vẫn sâu. Còn thơ Diệp thì miễn bàn, hay đủ đường. Là nói bài thơ này ạ, ở tiêu chuẩn tìm vấn đề. Còn sang tiêu chuẩn tìm cống hiến về đổi mới thơ ca thì phải dừng lời.

Thơ của nàng Mây và Ban Mai thì thể hiện một ý thức phái tính thuận chiều hơn. Các cô chủ động bày tỏ tình yêu. Mà không hề lo bị đánh giá hay lo sẽ bị thua thiệt. Đó là biểu nữ quyền cao vút đó. Tuy thế, cả hai nàng đều chỉ biết yêu, yêu nồng nàn, khắc khoải, da diết. Và không vướng bận một sợi giễu nhại, trách cứ, hồ nghi nào với phái kia. Họ đúng là được trời cho thật nhiều. Đã xinh đẹp , lại hiện đại, lại thùy mị và rất đỗi con gái.

7. Trong chiều kích của thời gian, năm tháng, lòng người, sự chảy trôi, các nữ sĩ từ trải nghiệm tình yêu, đã tìm tòi, suy ngẫm. Và bằng những sự cố gắng nỗ lực về thi pháp, thế hiện ý thức phái trong nghệ thuật. Không có đủ nhiều điều kiện để xâu chuỗi khi chỉ cắt một lát, xin tạm nhận xét sơ qua mấy điểm :

- Rõ tính tự sự và tính đối thoại

- Sự làm dáng trong ngôn ngữ và hình ảnh trội hơn hẳn thơ nam

- Giọng điệu rõ nét : Tha thiết nồng nàn mà tung tẩy, thoải mái, ngẫu hứng là - Hiền Mây

Thẳng thắn, chân thành, đùa nghịch là Phan Rang

- Kín đáo, kiêu hãnh và thùy mị- Ban Mai

- Da diết, kiêu hãnh xót chua, ngậm ngùi, chiêm nghiệm, lạnh( Kim Lan)

- Thông minh, hóm hỉnh, dịu dàng, thùy mị, rất Huế là ở Trần Ngọc Diệp

Có một giọng và giọng luôn rất nữ tính, tôi cho là không hề xoàn. Sẽ có ai hỏi : Cô làm thế này làm gì?

À vì tôi yêu thơ quá. Và yêu thương người làm thơ. Sao lại chọn nữ? Vì nữ, trong đó sẽ có mình và con gái mình. Và căn bản, tôi ngồi chờ đàn ông cả đời rồi. Và hiểu rằng, các anh ấy không yêu mình bằng mình yêu mình đau. Tự lực đi.

Sao lại tự phân tích thơ mình ? Mà những hai bà ? Vì tôi là một giáo viên- thật ra nhiều hơn thế khá nhiều- giảng dạy văn chương. Cái cô giáo ấy phân tích thơ của nữ sĩ kia.

Thật ra, không phải thế. Bạn đọc thơ, nữ, là đồng nghiệp, muốn tôi giải thích giùm thơ Kim. Và căn bản, tôi không tán tụng gì các nữ sĩ và các thi phẩm, tôi chỉ mổ xẻ dưới ánh nhìn ý thức phái. Thuần là kĩ thuật.

Chỉ để để yêu thơ và thương các nữ sĩ thôi.

Chứ, làm này, mệt đó. Hôm nọ có bạn bảo ai đó là nên làm phê bình đi, làm thơ cho vui thôi. Cũng đúng. Nhưng làm gì thì làm, một là cực tổn sức. Hai là, cũng có phải cứ tổn mà thành đâu. Cuối cùng, chỉ là một chữ vui thôi.

Đi qua một ngày với 5 nữ sĩ chọn ngẫu nhiên. Và viết một hơi. Xin phép dừng bút. Và trở lại sau. Cảm ơn các nữ sĩ và cảm ơn mọi người. Chúc mọi người mùa xuân thật xuân. Bây giờ tối mịt. Ngoài phố đào và quất và mưa xuân đang giục,

 

HP.7.2.2021. 

 

 

Nguyễn Thị Kim Lan
Số lần đọc: 762
Ngày đăng: 05.08.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bài thơ “Khóc Chồng” của Đồng Thị Chúc - Đặng Xuân Xuyến
Về phong độ nam tính qua bài thơ tình “Chia tay” của Nguyễn Trung Hiếu - Nguyễn Thị Kim Lan
Phạm Đức Mạnh – nhà báo, đời thơ (phần tiếp theo và hết) - Hoàng Thị Bích Hà
Hoàng Vũ Thuật & Người câu gió - Yến Nhi
Nhà văn của tình thương - Nguyễn Anh Tuấn
Nguyễn Thị Hoàng: ý thức và bản năng nữ phận - Nguyễn Vy Khanh
Hành trình của thơ - Đỗ Quý Dân
Cảm thức hư không và nỗi cô đơn bản thể trong thơ Trần Hoàng Phố* - Trần Hoài Anh
Từ hình tượng trăng – lan man về phía Hàn Mặc Tử - Phan Văn Thạnh
Trần Nam Phong và viết chờ sen lên - Yến Nhi
Cùng một tác giả
Trở lại (truyện ngắn)
Midi&Tidi (truyện ngắn)
Kiếp trước (truyện ngắn)
Tí ta tí tách (truyện ngắn)
Đỉnh trời gió bấc (truyện ngắn)
Thầm lặng (truyện ngắn)
Nhẹ rơi bồ công anh (truyện ngắn)
Mây Cô Ban (truyện ngắn)
Sau mù sương (truyện ngắn)
Dưới hàng gió bách (truyện ngắn)
Thoảng gió tháng Tư (truyện ngắn)
Hồ đào lá vát (truyện ngắn)
Chênh vênh (truyện ngắn)
Đêm tìm em (truyện ngắn)
Phóng xạ (truyện ngắn)