Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.189
123.212.579
 
Dọc đường văn nghệ (Phần 54) Nguyễn Hữu Thụy: đau đáu tình quê hương
Trần Dzạ Lữ

 

Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm

Rượu hồng đào chưa nhấm đã say( Ca dao xứ Quảng)

Xứ Quảng sản sinh rất nhiều tài hoa về thi ca, văn chương,âm nhạc, hội hoạ…Có những tượng đài tôi kính quý và thân tình.Nhưng cũng có những thái dương tôi chỉ đứng cách xa mà ngưỡng mộ thôi vì họ kiểu cách và không muốn thân tình.Vì vậy, tôi nhắc lại một lần nữa là chỉ viết những người tôi đã từng giao tiếp, thân tình trong ý nhân văn, không thông qua mai mối hay dựa dẫm, ăn theo…Trong số 53 người tôi đã viết, họ đã đồng cảm và thấu hiểu ý tình, nhưng cũng có vài người vô cảm, chẳng cần xem…Tôi cảm ơn bởi viết vô tư, không xu nịnh,không màu mè với hồi ức bằng cảm xúc thật của mình.

 

Lần này, viết về nhà thơ Nguyễn Hữu Thuỵ (qua Hà Nguyên Dũng mà tôi quen biết.)một người luôn đáu đáu quê nhà, thân phận làm người, trăn trở nhân sinh bằng những bài thơ tâm huyết của mình trên đường ly xứ thân yêu Quảng Nam.

Thuỵ ở Tân Bình thành phố Hồ Chí Minh.Nhờ có nghề truyền thống là dệt sợi tơ nên sinh sống tương đối tốt.Nhưng từ gần thập niên 80, nghề dệt cũng đi xuống theo tình hình chung nên Thụy cũng dấn thân vào con đường vất vã khác… Là đã từng làm rẫy ở ngã ba Ông Đồn-Long Khánh.Thất bại trở về SG theo anh em đi mua “răng vàng bạc vụn” và bán cho những người phân kim ngồi ở quán cà phê anh Giáo ở đường Lê Văn Sỹ.Nghề “răng vàng bạc vụn” hết ăn.Thuỵ lại đạp xe hơn cả trăm cây số để bán bong bóng độ nhật( Thuỵ giống tôi ở chỗ không ngồi than vãn mà biết “ mưu sinh thoát hiểm” để nuôi vợ con bằng mồ hôi của mình nhỏ xuống mỗi ngày) Ai cho đó là việc tận cùng trong đời sống( kệ họ)riêng tôi và Thuỵ đó là niềm kiêu hãnh bởi mình không phải hạng người” dài lưng tốn vải ăn no lại nằm”.Thụy may mắn hơn tôi là chỉ hành nghề bất đắc dĩ khoảng gần 10 năm.Sau đó quay lại nghề cũ dệt sợi tơ để sống.( tôi thì ở chợ và mua “răng vàng bạc vụn” dài hơn cả thời gian Thuý Kiều luân lạc, nổi trôi)

 

Từ năm 2000 trở đi, gia đình Thuỵ có cái ăn cái mặc nhờ nghề dệt sợi tơ truyền thống hồi sinh ( Hầu hết người Quảng Nam ở Tân Bình đều dệt sợi tơ và vải) và chàng đã thong thả cà phê, giao lưu với Anh chị em văn nghệ sĩ.Tôi cũng hay ghé cà phê và trò chuyện về văn nghệ với Thuỵ.Và nhất là nhờ Thuỵ chở đi thăm nhà thơ Hà Nguyên Dũng nhiều năm bị bệnh hiểm nghèo.

Từ năm 2020 tôi về sinh sống ở Bà Rịa- VũngTàu nên chỉ còn cách liên lạc với nhau qua điện thoại.Vẫn còn sức khoẻ, bình an là mừng vui rồi bởi covid hoành hành khắp thế giới khiến cuộc sống yên bình đã đảo lộn…

Đọc thơ.Đó là cách quên đi âu lo, phiền muộn.Mời bạn đọc bước vào nhé…

 

THƠ NGUYỄN HỮU THUỴ

TỎ LỜI CÙNG NHỮNG DÒNG SÔNG

 

Đất nước bao đời ở với dòng sông

Từ ngày khai thiên đến thời kỳ lập quốc

Những dòng chảy mang đầy tiềm lực

Có linh hồn và hơi thở thiêng liêng

Những dòng sông như dòng máu tổ tiên

Thân lúa nước oằn mình trong giông bảo

Từ Việt bắc đến đồng bằng Trung bộ

Từ Cao nguyên tới đất mũi Cà mau

Những dòng sông đã nối tiếp nhau

Căng no gió thuyền buồm xuôi ra biển

Đã bồi lở nổi chìm bao trận chiến

Giữ cho còn tên gọi một quê hương

Từ sông Hồng đến dòng cuối Cửu Long

Thắt ruột Thu Bồn ta trôi bỏ xứ

Nay uống nước Đồng Nai thấm câu Tục ngữ

Uống nưóc nhớ nguồn - trong nỗi xót xa

Chận đầu Mêkông - ứ máu phù sa

Nam bộ phơi đồng chín cửa rồng bức tử

Mùa giáp hạt dân Vu Gia - quê ta-chạy lũ

Sông ơi sông tai biến tự bao giờ

Thương con đò tĩnh lặng bức tranh thơ

Cạn lỗ chân trâu khát ao hồ đuối nước

Vườn muối mặn đã từ từ xâm thực

Những nghịch thường cứ đổ tội thiên tai

Lời tỏ cùng sông thương nhớ dặm dài

Nứt nẻ những bàn chân cầu Trời khẩn Phật

Thân cóng lạnh trôi dài trên mặt đất

Đến tận cùng khổ nạn vận sông quê .

S.gòn mùa nắng hạn 2020

 

PHƯƠNG NAM

nguyễn hữu thụy

 

Không bỏ xứ cũng có ngày bỏ mạng

Đi - là phóng ra đường nhắm mắt - dông !

U ám Trường sơn Tây mờ mịt Trường sơn Đông

Cơn lũ nộ cuồng Cà Tang núi lở *

Dòng sông đang xanh giữa ngày hóa đỏ

Nước ngập bàn thờ chó nhảy lên trang

Tiếng cú kêu đêm át tiếng phượng hoàng

Thủy hỏa thiên tai a dua đạo tặc

Ơn chúa Nguyễn Hoàng khi xưa mở đất

Đời chúng ta còn hưởng xái chút tình

Cuối đường cong chữ S đã tượng hình

Có khoảng trời xanh ngoi lên để thở

Bốn ngàn năm nhớ vua Hùng giỗ tổ

Nửa đời ta ghi nợ đất phương này

Rượu đế Gò Đen tản mạn cơn say

Đứt ruột câu thơ tím màu hoa dại

Mây trắng thượng nguồn trắng trời biên tái

Mơ hồ xa ký ức tuổi thơ buồn

Đi - là dứt tình bó chiếu đem chôn

Tấm giấy khai sinh lận lưng làm chứng

 

LỤC BÁT SÀI GÒN

nguyễn hữu thụy

 

 

Không đâu như đất Sài gòn

Một thời nổi tiếng là hòn Viễn Đông

Trui qua lửa đỏ bụi hồng

Phai tên lạc tuổi từ trong lỗi lầm

Ngọc nay như cục máu bầm

Trên thân thể Mẹ những trầm tích đau

Lún dần dưới đáy biển dâu

Nghe xưa cổ tích - biết đâu bây giờ !

Nhịp đời đứt gảy câu thơ

Nhện giăng giăng những đường tơ võng buồn

Những ai tan nát Sài gòn

Lượm lên nỗi nhớ vẫn còn nghe thơm

Mồ hôi ướt vã linh hồn

Tiểu đêm trở giấc chập chờn đái mơ

Tang Thương Ngẫu Lục đội mồ *

Chuyện xưa tích cũ ứng vào bấy nay

Sài gòn khéo vổ trắng tay

Biên niên sử lệch đường ngay nẻo về

Liêu xiêu người ngợm bóng đè

Rớt ta đứng lại bên lề thời gian

Cổi gìa một dấu chấm than !

Thiêng liêng giọt lệ thấm tan cõi lòng

Thủy chung trời đất ở cùng

Tình người yêu mến tương đồng nếp xưa .

S.gòn 2020

* Một tác phẩm của Phạm đình Hổ và Nguyễn Án - nội dung ghi chép tình cờ trong cuộc bể dâu - thời Lê mạt và Nguyễn sơ - cuối tk18 và đầu tk 19 tại vn .

TIỂU SỬ

Nguyễn hữu Thụy là tên thật cũng là bút danh - Sinh 1.1.1954 tại Quảng Nam

Hiện đang sinh sống tại Sài Gòn . Có thơ đăng trên các báo Thanh Niên - Tuổi Trẻ - Văn nghệ Thành Phố - Áo Trắng...và các tạp chí Văn học - Văn - Tân Văn - Hợp Lưu - Thư Quán Bản Thảo ( Hải ngoại ) .

Đã xuất bản :

tập thơ HOA TIM ( nhà xb Trẻ -1996) TỨ NGUYỄN (nhà xb Lao Động 2012 )

Kết thúc bài viết là lời chúc lành đến tất cả ACE ở VN cũng như hải ngoại mau bước qua thời kỳ khổ nạn bởi Covid.

 

( Xuyên Mộc ngày 4.8.2021)

Hình ảnh: Nhà thơ Nguyễn Hữu Thuỵ

 

 

Trần Dzạ Lữ
Số lần đọc: 949
Ngày đăng: 09.08.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hải hành mùa đại dịch 6 - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Giấc mơ hoa phượng - Yến Nhi
Hoa lựu và hoài niệm tuổi thơ - Phan Anh
Thương nhớ một thời Văn khoa - Minh Tứ
Hải hành mùa đại dịch 5 - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Hải hành mùa đại dịch 4 - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Náo nức “Ngày hội non sông” - Nguyễn Đại Duẫn
Ngày ấy và bây giờ - Trần Dzạ Lữ
Nhớ người trưởng nam của thi sĩ Hoàng Cầm - Nguyễn Anh Tuấn
Hải hành mùa đại dịch 3 - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Cùng một tác giả
Hương cau quê nhà (truyện ngắn)
Cắt (thơ)
Thư Gửi Chị (tạp văn)
Liếc (thơ)
Nhớ (thơ)
Chờ O (thơ)
Khát (thơ)
Câm (thơ)
Nhớ Bạn (tạp văn)
Tát (thơ)
Cần (thơ)
Tím Nhớ (tạp văn)
Dắt (thơ)
Nhốt (thơ)
Chìa (thơ)
Trượt (thơ)
Trộn (thơ)
Bắt (thơ)
Xa cách (thơ)
Chặt (thơ)
Lấn (thơ)
Cách ly (thơ)
Quỳ (thơ)
Tôi (thơ)
(thơ)
Hoa cà (thơ)
(thơ)