Cửa kiếng phòng bếp của chiếc Tina tròn, đường kính rộng đúng sáu tất tây, chỉ đủ nhìn không gian bên ngoài biến đổi từng vùng, từng mùa. Bây giờ là mùa đông, ngoài boong dầy lên một lớp trắng mịn, ấy vậy mà trên không tuyết cứ tuông xuống ào ào. Cái mững nầy tiếp tục cho tới ngày tàu xuống hàng mặt sức thủy thủ đoàn vừa xúc tuyết đem đổ vừa lạnh teo...
Chiếc Tina cặp bến Hamburg chiều hôm qua, tàu đậu nối đuôi chiếc Đại Dương. Hôm nay là ngày hăm bốn tháng Chạp dương lịch, vậy mà chiếc Đại Dương vẫn xuống hàng với hai cần trục và năm sáu xe vận tải chạy tới chạy lui dẫm tuyết dấy bùn nhầy nhụa. Trông công việc rấp rút chắc chắn chiếc Đại Dương sẽ khởi hành trong vài giờ sắp tới. Như vậy năm nay thủy thủ đoàn bên ấy sẽ mở tiệc Giáng Sinh trên biển và luôn cả tết tây tàu họ vẫn còn lênh đênh trên sóng nước.
Ðúng ra nghe thông báo chiếc Tina đậu lại qua Giáng Sinh mới khởi hành, thủy thủ đoàn vui vẻ, hào hứng làm đẹp con tàu và cùng nhau sửa soạn cho bửa tiệc Giáng Sinh thêm phần sống động. Ðằng nầy mạnh thằng nào nấy rút vô phòng đóng cửa lại. Mùa đông ngoài trời tuyết rơi lạnh lẽo, ấy vậy mà không khí trong tàu còn lạnh hơn ở ngoài trời.
Mùa Giáng Sinh bên Âu châu người ta ăn uống nhiều lắm. Mặc dầu mấy ngày nầy thức ăn luôn lúc nào cũng đầy bàn, đầy tủ lạnh. Thực đơn thường ngày cho thủy thủ tuy không sang trọng như những nhà hàng lớn nhưng phẩm chất ăn đứt những căn-tin tập thể trên đất liền và hơn hẳn bửa ăn bình thường ở nhà. Bửa ăn nào cũng năm món và một vài món tráng miệng. Ấy vậy mà có tên ngốc nghếch ngồi ngó dáo dác bàn ăn, không biết chọn món nào. Cuối cùng đứng dậy đi vô phòng bếp hỏi:
- Sếp ! Hôm nay có món nào đặc biệt không ?
Ðầu bếp hỏi lại:
- Cái gì đặc biệt ?
Thì hắn ta giơ tay lên gãi gãi đầu, trơ cái bảng mặt đần độn ra, trả lời:
- Không biết.
Làm như trong ngày Giáng Sinh không ăn được thỏ và gà tây thì sau khi chết sẽ sa vào hỏa ngục hay sao? Mỗi năm, hễ đến tháng Chạp thì có người nhắc nhở đầu bếp phải đặt mua hai loài vật nầy để sẵn trong tủ đong đá. Mấy ngày nầy gà Tây và thỏ bày bán lềnh khênh trong các siêu thị, rẻ như bèo, thịt gà thì lạt nhách, mùi tanh tanh, khô khốc như xơ dừa khô, may gặp đầu bếp khéo tay ướp gia vị đúng cách, pha nước xốt ngon còn nhấm nháp được, bằng không hai miếng thịt dưới ức coi như đồ bỏ. Thỏ nấu rượu chát trước kia còn có người ăn, ngày nay dọn ra để ngó chơi chớ ít thấy người rớ tới.
Hơn hai mươi năm làm đầu bếp, tuy tôi chưa từng cắt cổ, nhổ lông thú vật nhưng ngày nào tay tôi cũng dính máu, không con nầy cũng con kia. Trong những ngày cuối năm, tôi thịt ít nhứt cũng một chục ký gà tây và bốn năm con thỏ, đó là chưa kể tới thịt thà, tôm, cá mà tôi chế biến thức ăn hàng ngày và các món nhậu lai rai. Quả thật, nếu có luân hồi, quả báo thì kiếp sau tôi khó trở lại làm người.
- Chú, có chuyện gì phụ không ?
Tôi ngoái lại thấy Bobby đứng ngoài cửa phòng bếp. Tôi chỉ tay qua bình cà phê, nói:
- Có, nhưng rót cà phê uống và ăn cái gì đi đã.
Bobby là thủy thủ mới tập nghề, nó theo đạo Tin-lành và nói khá tiếng Anh, còn trẻ nên nói chuyện hay ra vẻ hiểu biết. Gặp mấy tên thủy thủ hải hành lâu năm theo đạo Hồi, nhưng không bao giờ đọc kinh Koran, ngoại ngữ đủ để cột dây tàu và gõ sét. Thấy Bobby ma mới nhưng khôn và lanh lợi hơn, mấy ông hè nhau cô lập thằng nhỏ. Bobby không biết chơi với ai nên nó mới lẽo đẽo theo tôi. Bề ngoài lúc nào tôi cũng giữ khoảng cách nhưng có cơ hội thì tôi giúp đỡ và an ủi nó. Làm đầu bếp cho một nhóm người tạp nhạp, muốn thân thiện với người nào cũng cần phải có thời gian, hấp tấp kết giao lỡ gặp những tên không biết điều sẻ gây rắc rối trong việc nấu nướng. Chờ Bobby ăn, uống xong tôi phân công nó lột tôm và chỉ cách đánh nước xốt làm cốc-tai. Phần tôi thì lo nướng gà và hầm thỏ.
- Chú à.
- Gì đó.
- Năm nay mình có Giáng Sinh trắng.
- Vùng nầy mùa đông nào lại không có tuyết.
- Hồi nhỏ tới lớn lần đầu tui thấy tuyết.
- Vậy là ở In-đô Giáng Sinh đen.
- Ha ha...
- Cười khỉ gì, nếu không trắng thì đen, nhưng Giáng Sinh bên mầy có ăn gà tây và thỏ không?
Có, nhưng những gia đình theo đạo Tin-lành và Thiên Chúa thôi, chớ đạo Hồi thì không.
- Hèn chi..
- Gì chú.
- Đúng ra giờ nầy thủy thủ xuống dọn dẹp và trang hoàng phòng ăn, chớ có đâu mạnh thằng nào nấy nằm trong phòng riêng lo thủ dâm.
Ha ha, để lột tôm, đánh xốt xong tôi ra trang hoàng phòng ăn cho. Hôm kia thuyền phó thấy cây thông bị sóng lắc ngã, kêu mấy ông dựng lại, mấy ông nói nói Giáng Sinh không phải lễ của đạo Hồi nên không ông nào chịu làm.
- Chờ người ta làm sẵn nhào vô đốp. Đạo gì mà khôn quá vậy?
- Đạo Hồi chớ đạo gì.
- Phải chi được ở bên In-đô tao cũng theo đạo Hồi cho sướng. Chiều hôm qua hội nhà thờ xuống tặng quà, ông nào ông nấy khúm núm, nhăn răng cười vui vẻ đưa tay đón nhận và cúi rạp đầu muốn đụng đất, miệng rối rít cám ơn, nhưng khi người ta đi rồi mấy ông lựa lấy quà, còn sách báo rao giảng về nước Thiên Ðàng và kinh Thánh mấy ông cầm lên, gằn giọng nói: “shit!”. Rồi đem liệng vô thùng rác. Nhưng thôi, bỏ cái chuyện đạo Hồi qua một bên. Hôm nay Giáng Sinh mình lo chuyện đạo Chúa cái đã. Mầy cũng không cần phải trang hoàng phòng ăn làm gì. Lâu lâu đi nhằm chuyến tàu gì mà giống như chuồng thú. Thuyền trưởng thì như con lật đật không khi nào ngồi yên một chỗ, thuyền phó mặt mài râu ria như người tiền sử, phụ thuyền phó thì mỏ nhọn, răng hô nghe ra giống khỉ đột, thợ máy chánh mập như voi và ăn như heo, chỉ có thợ máy phụ còn trẻ và đep trai nói năng tử tế, phần còn lại mở miệng là chửi thề, ăn nói tục tĩu, cự nự nhau suốt ngay. Thủy thủ In-đô của mầy có bốn thằng mà cũng chia phe chia cánh, như vậy cũng đủ biết bữa tiệc hôm nay không kéo dài hơn một giờ đồng hồ đâu. Nấu cho người ăn thì phải khác hơn cho ngợm ăn, bày biện làm chi tốn công tốn sức.
Trong phòng ăn không căng giấy màu, cây thông dựng tuần trước bị sóng vật ngã mấy lần làm lá thông rụng sạch không còn lấy một màu xanh, những nhánh cây khẳng khiu bán vào thân cây xám xịt, mấy món đồ chơi và dây kim tuyến treo lủng lẳng làm quằn chiếc cành, vài nhành bị gãy cụp xuống, đèn điện bóng cháy bóng tắc. Quả thật, nếu khắp nơi ai ai cũng mừng Chúa giáng sinh với cây thông thê thảm như vầy, chắc chắn ông Jêsu sẽ không bao giờ trở lại trần gian như lời ông đã hứa.
Thuyền trưởng ôm thùng quà quà xuống, phát cho mỗi người một gói giống như người ta phát quà cứu nạn bão lụt. Không có nhạc Giáng Sinh, không nâng ly mời rượu, không chúc lành nhau. Mạnh ai nấy ăn, nấy uống giống như dân Bắc Hàn bị nhịn đói lâu ngày...
Đúng như đầu bếp tuyên đoán, chưa đầy một giờ đồng hồ, bàn tiệc bắt đầu rời rạc. Đám đạo Hồi In-đô xí xô xí xào kéo nhau định đứng dậy. Chợt nghe đầu bếp thông báo, buổi chiều phòng bếp đóng cửa. Mấy anh Hồi giáo như hay tin bão lụt sắp tới nơi, anh nào anh nấy hấp tấp chồm lên, buôn cả dao nĩa, trở lại truyền thống ăn bốc, vói tay bốc thức ăn bỏ đầy dĩa bưng lên phòng dự trữ. Đám officer ngồi cầm cự một lát rồi cũng đứng dậy mạnh ai nấy về phòng. Bữa tiệc chấm dứt chưa đầy một giờ trưa.
Coi như xong công việc sớm, đầu bếp khoẻ re. Tôi lên phòng tắm rửa sạch sẽ, thay đồ, leo lên giường đánh một giấc tới chiều.
Tôi có thói quen mùa hè bận áo mỏng, Xuân - Thu tôi khoác áo dầy vừa phải, mùa Đông tôi bận áo dầy cộm, choàng khăng cổ thảm nhiên tà tà thả bộ năm ba cây số là thường. Ðêm nay Giáng Sinh, tôi bận áo len bên ngoài áo sơ mi và đặc biệt hơn thắt lên cổ áo chiếc cà-vạt. Những ngày nầy tôi thích lang thang ngoài trời, sau đó ghé hội quán mua chai rượu đỏ, tới chiếc bàn trong góc nơi có dựng cây thông, ngồi đây vừa nhâm nhi rượu vừa nhìn đồ chơi treo lũng lẵng trên nhánh thông, những bóng đèn màu chớp chớp đủ màu sắc, ngửi được mùi dầu thông tỏa thơm ngai ngái và nhìn được những sinh hoạt xôn xao trong hội quán.
Khi bước lên bến, tôi thấy Bobby tay kẹp điếu thuốc đi tới đi lui trên kè đá. Ngạc nghiên tôi hỏi nó:
- Sao mầy còn đứng đây?
Mặt rưng rưng buồn, nó nói:
- Tôi không biết đi đâu hết chú à.
- Sao mầy không theo xe hội quán.
Mấy người kia không cho tôi theo
Xe của hội quán chớ xe của mấy người kia sao?
Bobby lắc đầu:
- Tôi không biết.
Nhưng tôi biết ! Đã sống chung chạ với dân In-đô ngót hai mươi năm. Tôi đâu còn lạ gì tánh tình cùa họ, mười người hết bảy tám, mới ra làm việc nước ngoài mặt thằng nào cũng ngơ ngơ ngáo ngáo như người rừng ra phố. Sau một hai năm, quen bơ, quen sữa bắt đầu hống hách nghênh ngang. Muốn chứng tỏ văn minh hơn đồng hương, không còn cách nào khác ngoài chuyện bỏ truyền thống ăn bốc và chê món ruốc khô (trassie), món quốc hồn quốc tùy của In-đô, thúi ăn không vô. Lại thêm cái màn ma củ bắt nạt ma mới. Mấy tháng nay Bobby bị mấy ông hiếp đáp. Tôi biết hết nhưng đó là chuyện riêng tư của họ tôi không xía vào. Biết đâu Bobby đi được một vài năm thì cũng cá mè một lứa. Mặc kệ nó, tôi nhấn mạnh gót giày, quay lưng cất bước.
Chiếc Đại Dương rời bến hồi nào không biết. Dấu nhầy nhụa như bùn của những bánh xe bốc hàng ban sáng đã được tuyết lấp không còn dấu vết nào, thay vào đó là một màu trắng tinh khôi.Trên những chiếc cần trục dọc theo bến cảng người ta kết hàng ngàn bóng đèn nhỏ thành hình ngôi sao, trái tim và hình cây thông đủ sắc màu nhấp nhau nhấp nháy. Chiếc cầu dài uốn cong nối hai bờ sông Elbe, ánh đèn rực rỡ chiếu xuống dòng sông hực sáng làm cho nền trời đã tối lại càng tối tăm. Tiết trời câm câm lạnh, không gian im lìm nhưng tràn đầy thánh thiện. Vạn vật như thể hồi sinh câu chuyện cách đây hơn hai ngàn năm ở thành Bết-lê-hem...
Khi chưn bước đều và tâm tư lắng đọng, chợt gương mặt dàu dàu của Bobby hiện ra làm tôi chạnh lòng. Tôi nhớ lại trong đời, tôi cũng có một đêm Giáng Sinh đầy tủi nhục. Cũng vì cái tật ưa ra vẻ hiểu biết trước những người không hiểu biết, nhưng thủ đoạn thì thâm độc vô cùng. Họ mời tôi tới dự tiệc, rồi cả đám xúm nhau vu khống, chửi rủa thậm tệ, thu vô chiếc băng nhựa, qua Giáng Sinh họ sang ra nhiêu cuốn gởi khắp bạn bè làm quà Tết. Sau khi xối xả hết những lời lẻ bẩn thỉu, hạ cấp lên người, họ tống cổ tôi ra đường như tống một con vật dơ dáy và kèm theo lời nhân nghĩa, nếu không nghĩ tình đồng hương thì sẽ cho tôi một trận đòn hội chợ.
Khi thoát nạn, tôi run rẩy đạp tuyết bước đi nhưng trong lòng đầy oán hận. Trong lúc cô đơn và tuổi nhục đầu óc tôi toan tính chuyện trả thù. Bỗng tai tôi nghe trong không gian tiếng chuông nhà thờ reo inh ỏi. Tôi đứng lịm hồi lâu, đưa tay ra hứng từng nắm tuyết lấp lên mặt, chà tới chà lui, tỉnh táo. Tôi ngước nhình lên bầu trời trắng đục. Dường như trong tiếng chuông ngân giữa không trung lạnh lẽo toả sự ấm áp thiên liên nào đó. Chợt từ sâu trong tâm thức vọng về hai tiếng ăn năn. Bỏ qua chuyện rửa hờn, tôi đi một mạch về nhà, tắm rửa, thay đồ ngủ, tắc hết đèn phòng và đốt ngọng đèn cầy, lên giường nằm, kéo mền đắp lên tới cổ. Ðêm nay là ngày Chúa xuống trần, những phiền não trong lòng, tôi có thể giao hết cho Ngài được rồi. Tôi hướng tâm tư tới những điều thánh thiện hơn, tôi nhớ lại những người ơn đã nâng đỡ tôi trong những ngày còn chưn ướt chưn ráo tới đây, kẽ cho áo, quần, người dạy tiếng nói, cho việc làm... Tính ra tôi đã mang ơn nhiều người quá, tới nay tôi chưa làm được điều tốt lành để đền đáp. Lòng tôi lâng lâng một niềm hy vọng và tôi thiếp đi trong giấc ngủ ngon lành. Sáng hôm sau thức dậy, mọi chuyện xảy ra trong đêm qua chỉ còn là cơn ác mộng.
Tôi ngoái lại thấy Bobby đứng trơ như pho tượng, mặt ngó ra dòng sông Elbe. Tuyết lại đổ nữa rồi, tuyết tuôn đầy đầu, đầy cổ và trắng cả lưng mà nó vẫn không xuống tàu trốn tuyết. Có lẻ nó đương cô đơn, tủi nhục và nhớ nhà, những thứ nầy dễ làm cho con người ta sanh ra lòng thù hận. Trên bước đường lưu lạc nó không còn hy vọng trong tình đồng hương, vậy sao tôi còn hẹp hòi gì mà không chia sẻ cho nó chút tình người. Tôi chụm hai bàn tay lên miệng làm loa kêu lớn:
- Bobby !!!
Lâu lắm rồi tôi mới nghe tiếng kêu của mình rền vang trong không khí. Ngày còn là ngư phủ bên bờ vịnh Thái Lan, tôi đã từng quát tháo mỗi khi gặp bầy cá nổi ngoài khơi. Âm thanh ấy đêm nay vẫn còn mãnh lực làm giựt mình cái pho tượng đứng trơ mặt ra dòng sông. Bobby tức tốc day lại và đi nhanh về phía tôi:
- Chuyện gì đó chú?
- Mầy muốn đi chơi với tao hông?
Như người đắm thuyền bá được phao, nó nói nhanh:
- Dĩ nhiên.
- Nhưng phải đi bộ lên hội quán.
- Được, được chú đi đâu tôi theo đó.
- Vậy thì mình đi.
Bobby hỏi tôi:
- Đêm nay trên hội quán chắc vui lắm phải không chú?
Vui buồn là do lòng mình, tôi câu vai thân mật nói tiếp, đêm nay ngồi nơi
yên ổn uống rượu nho, nghe nhạc Giáng Sinh, lòng ấm áp vô cùng.
Tôi khoa tay một vòng:
- Nếu lên hội quán mầy thấy hổng được vui thì năm nay mầy cũng có một Giáng Sinh trắng. Phải không?.
Gương mặt đưa đám biến mất, nó cất tiếng cười vang:
- Ha ha... đúng lắm, đúng lắm.... nhứt định đêm nay tôi với chú uống cho say mới được.