Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.167
123.224.026
 
Đọc “Cây không rễ” của nhà thơ Hồng Thế
Hoàng Thị Thu Thủy

 

 

Sau hơn 10 năm, nhà thơ Hồng Thế xuất bản tập thơ “Cây không rễ” với 53 bài thơ, quả là một nhà thơ vừa thận trọng, vừa lắng lọc và cũng thật da diết cùng “nàng thơ”. Hành trình sáng tác của anh khá dài, từ tập thơ “Lời mùa thu” (1990); đến “Nến đồng” (2003); “Đi qua mỗi ngày” (2010) và nay “Cây không rễ” (2021). Tôi từng biết tên anh, qua một vài bài thơ đã đọc ở đâu đó, mãi đến năm 2019, tôi gặp anh mấy phút ở nhà cố nhà thơ Ngô Minh; và khi anh gửi tặng tập thơ mới xuất bản cho tôi, tôi đã nhận ra ngoài sự cẩn trọng với thơ văn, cảm xúc thơ ca của anh không phô trương, ồn ào; mà dường như cảm xúc đó lắng lọc, đằm sâu rồi bộc bạch cùng thi tứ… Có người nói, viết cũng là cách tự thỏa mãn nhu cầu nội tâm, với anh ngoài nhu cầu tự thân còn là nơi để anh giao tiếp với bạn bè, độc giả.

 

Có nhiều quan niệm về thơ, hình như mỗi nhà thơ khi sáng tác đều tìm cho mình một cách định nghĩa về thơ. Khi đọc bài thơ “Hương ngò gai” của nhà thơ Hồng Thế, tôi bắt gặp hình ảnh quen thuộc và nhận ra chỉ từ một nguyên cớ, đã khơi dậy rung động trong anh, để rồi tứ bài thơ hoàn thành: “…Hương ngò gai ơi!/ mỗi lần nhớ em tôi ngữa lòng tay ra phơi/ mùi hương ngò gai dậy thơm trong nắng/ chào hương ngò gai, em từ đâu đến/ anh bổi hổi, bồi hồi, gió thức lay!”. Cái cầm tay thật táo bạo, ướp mùi hương trong lòng bàn tay, cũng là cách để bộc lộ tâm trạng bổi hổi bồi hồi cùng “em”. Hình ảnh và cảm xúc thơ thật giản dị, thân thương như chàng trai trong những bài ca dao thuở nào, thể thơ tự do cùng những câu thơ dài như muốn nối dài câu chuyện. Người thơ dù đã ở thế kỉ 21 mà vẫn mang cảm xúc khi nghĩ về “em” thật xưa, xưa mà không cũ; bởi thể thơ, ngôn từ, cấu tứ vẫn ở trong dòng chảy của thi ca đương đại: “Bởi vì anh thầm ước/ được nhìn em pha trà/ được xem em đan áo/ được thấy em cắm hoa/ được lắng trong hư ảo/ một điệu ca buồn buồn/ được nhìn trời mưa tuôn/ được cùng em im lặng…” (Nỗi buồn bình dị). Đọc bài thơ này, tôi nhớ mình đã từng viết rằng: người ta đã nghiên cứu là khi bạn buồn cũng là cách để sống tốt hơn. Vì thầm ước, vì mong ước, vì khao khát và hi vọng mà đã làm nên tứ thơ “nỗi buồn bình dị”. Chân chất, thật thà mà cũng thật lãng mạn.

 

Với cảm thức giản dị, nhẹ nhàng, viết là tự giải bày, là tìm tiếng nói tri âm, những bài thơ “Giả định”, “Tiếng vọng”, “Chợ tình rằm tháng ba”, “Thì em ơi”, “Vịnh đá mồ côi”, “Bên Hòn Chồng, Hòn vợ”… nhà thơ luôn chọn đối tượng trữ tình là “em” để gửi gắm cảm xúc, tâm trạng, nỗi niềm và đó cũng là cảm xúc thi ca muôn thuở. Chỉ gặp anh vài phút, tôi nhận ra anh hiền lành, chân thật nên những bài thơ viết về tình thơ, bạn thơ của anh đã phản ánh đúng tâm hồn anh. “tôi đưa bạn đến gặp em/ đưa em đến gặp một miền thơ say/ tàn đêm thơ vẫn còn dày/ Tình thì như đấy với đây như là…” (Đêm thơ); “Đêm Đồng Hới ngọn nồm vị muối/ uống với cầu Dài một quả khế chua/ giờ uống với ai cốc chén thừa dư/ đối ẩm hư không trăng chìm đáy chén/ chỗ ngồi còn đây bạn mới như vừa…” (Ngọn nồm vị muối) – đối ẩm cùng bạn trong thơ là không mới, với nhà thơ Hồng Thế cũng không ngoại lệ, ngoại lệ chăng là ở thi ảnh với địa danh quen thuộc ở quê anh, với món nhậu dân dã “một quả khế chua” mà nhớ bạn đến đứt ruột, bởi lúc đối ẩm cùng nhau với “quả khế chua” là ở họ đã có độ chân tình tuyệt đối, mà giờ mãi mãi xa nhau thì cảm xúc buồn đau là chân thật. Nhìn cậu bé nhặt ve chai, anh có cái nhìn so sánh, đọc xong ám ảnh, xót xa: “Tôi mưu sinh từ lưỡi cày, lưỡi cuốc/ từ nắm đất khô cằn/ từ nỗi nhọc nhằn kiếp trước/ em bé nhặt ve chai không nhà/ tìm lấy một đồng xu từ xó chợ, nhà ga/ như con sẻ nhặt hạt rơi, hạt vãi/ giữa đồng xa” (Em bé nhặt ve chai). Em không nhà nhặt rác, tôi có nhà nhọc nhằn từ mảnh đất khô cằn. Cái nhìn cảm thông của thi nhân chứa chan bao cảm xúc yêu mến con người. Tứ của bài thơ “Nỗi đau màu gì” được lắng lọc trong cái nhìn ngỡ là giản đơn mà cực kì sâu sắc: “Nỗi đau không có sắc màu”…

 

Cái nhìn về đất nước thường trực trong tâm hồn thi nhân: “Tổ quốc hình chữ S/ mỗi năm gánh chịu nhiều cơn bão…” (Bão biển); “Con người có nghe tiếng của con người/ những tiếng kêu đang gióng thỉnh từng hồi/ nỗi đau chất độc da cam/ quằn quại…” (Nỗi đau da cam). Những thắng cảnh, địa danh đi vào thơ anh thật tự nhiên, hồn hậu, giản dị mà chứa đựng cái nhìn có chiều sâu thi tứ: “Người hóa đá tự bao giờ?/ hay nỗi niềm chi gửi hồn vào đá/ sóng ngàn năm không nguôi nhịp vỗ/ nơi vợ, nơi chồng khắc khỏi chờ trông/ Người vợ trở về nuôi cái cùng con/ chồng ra trận hòn tên, mũi giáo/ vọng phu muôn đời, vọng phu muôn kiếp” (Bên Hòn Chồng, Hòn Vợ) – tôi rất thích câu thơ “vọng phu muôn đời, vọng phu muôn kiếp” khi viết về nỗi bất hạnh mà người phụ nữ Việt Nam phải gánh chịu qua những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Lối viết giản dị đã bày tỏ cái nhìn cảm thông, chia sẻ, cảm nhận được nỗi đau, nỗi mất mát của những “Hòn Chồng, Hòn Vợ”. Ở bài thơ “Trước biển Nha Trang” nhà thơ đã sử dụng liên tiếp các câu hỏi tu từ, vừa để cảm nhận sự ngạc nhiên trước các địa danh, vừa gửi gắm cảm xúc của cái tôi trữ tình dường như đã bị lãng mạn hóa bởi sự kì diệu của thiên nhiên: “Nhặt sỏi cuội thả ngày em không đến/ ai cô đơn xưa hóa đá Hòn Chồng/ biển hiểu mình muôn trùng diệu vợi/ còn nỗi niềm biển có hiểu đá không?”… Và rồi, anh đã nhìn về địa danh Lý Hòa, quê hương của anh, bằng thi tứ dạt dào cảm xúc: “Làng ở giữa con sông và dãy núi/ Sông Lý Hòa và đèo cũng Lý Hòa/ Lý bao nhiêu cũng hòa giai điệu vỗ/ Biển bên nhà ru con sóng ngân nga/ Làng ở giữa con sông và dãy núi/ những lời ca cát cất giữ mặn mòi/ giong buồm lên là người đi tứ xứ/ Việc bán buôn câu chuyện của đầu môi/ Làng ở giữa con sông và dãy núi/ Giọng dẻo mềm cứ “giăng” “giữa” mà yêu/ Nơi đất học thành danh nhiều khoa, giáp/ Nơi tuổi thơ tắm mát những câu Kiều/ Làng ở giữa con sông và dãy núi/ ngôi đền xưa như một chấm hồn quê/ Dẫu đi đâu, ở đâu vẫn không quên nguồn cội/ ơi mắt thuyền, mắt lưới, mắt em xanh/ Nói sao hết bao nhiêu là thương mến/ nơi đất lành nở tím một loài hoa/ Nơi biển biếc, vầng trăng xanh hò hẹn/ tôi yêu làng như nơi đã sinh ra” (Qua sông Lý Hòa gặp đèo Lý Hòa). Điệp ngữ “Làng ở giữa con sông và dãy núi” lặp lại ở mỗi khổ thơ như nhấn mạnh vị trí địa lý đặc biệt, phong thủy hữu tình ở quê hương anh. Tứ bài thơ nhẹ nhàng mà quyến luyến bởi những hình ảnh thân thương được chắt lọc đưa vào thơ như là tinh chất của cuộc sống nơi đây. Tôi cho rằng đây là bài thơ hay nhất trong cả tập thơ, bài thơ không chỉ bộc lộ nét tài hoa của thi nhân khi sử dụng thi pháp “thi trung hữu họa, thi trung hữu nhạc” (trong thơ có họa, trong thơ có nhạc); mà còn có cái nhìn giản dị mà sâu sắc, ấn tượng về con người nơi đây.

 

Từ lối quan sát tỉ mỉ đến hình tượng thơ bình dị, nhà thơ đã có cái nhìn khá tinh tế về hình ảnh cây rơm ở nông thôn, có lẽ tâm đắc với hình tượng này mà nhà thơ đã lấy tiêu đề bài thơ “Cây không rễ” đặt tên cho cả tập thơ. “Vãn mùa bạn gặt ra về/ Chỉ còn rơm rạ bộn bề đường thôn/ Hương mùa cô lại thơm giòn/ Người đem vào ủ xây tròn thành cây/ Cái cây không rễ thẳng ngay/ Trụ trời muôn thuở cắm ngày vào đêm/ Ôm quanh những sợi óng mềm/ Sợi thơm của nắng, sợi mềm của mưa/ Thơm từ ngày xửa ngày xưa/ Thơm từ chân ruộng mẹ vừa gặt xong”. Câu thơ “Sợi thơm của nắng, sợi mềm của mưa” thật hay, không mới mà mới, đó cũng là thi pháp của nhà thơ Hồng Thế. Ở mỗi bài thơ của anh ta có thể bắt gặp điểm sáng ở ngôn từ, hay ở câu thơ, hay tứ thơ, cứ thế mà hành trình thơ của anh thật nhẹ nhàng mà sâu lắng; giọng thơ thủ thỉ, tâm tình như nói với “mình” với “ta”, và rồi khi đọc xong tập thơ lắng đọng trong tâm trí độc giả là hình ảnh một thi nhân hiền lành, giản dị; một tâm hồn thơ bình dị, gần gũi với thiên nhiên, con người, không to tát, ồn ào; mà cũng không xa rời thế sự. “Ta trở về bình lặng với riêng ta/ bình lặng cải ra hoa, cà ra nụ/ bình lặng cuối trời đàn sếu thiên di” (Lạ sao gió không thổi); “Ngày còn dài/ đừng tuyệt vọng tôi ơi!/ cái dấu chấm tròn vo thấu đáo/ không làm được thợ thêu/ xin làm người vá áo” (Dấu chấm). Tình cảm yêu mến con người, tha thiết với cuộc đời hiển hiện trong mỗi bài thơ, trong toàn tập thơ; đó cũng là lý do mà khi tiếp nhận tập thơ “Cây không rễ” bạn đọc sẽ tri âm cùng tác giả ở cảm xúc thơ nồng hậu, bình dị, thiết tha…

 

Huế ngày 26/5/2021

                                                                        

 

Nhà thơ Hoàng Thị Thu Thủy

Hoàng Thị Thu Thủy
Số lần đọc: 877
Ngày đăng: 19.08.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tập thơ “Đôi hồn” và một thiên diễm tình - Phạm Ngọc Thái
Thành Tôn, với sách, bạn và tình yêu - Trần Yên Hòa
Bài thơ ‘Quê choa’’ của Đinh Sỹ Minh - Đặng Xuân Xuyến
Một thoáng nghĩ về ý thức phái tính - Nguyễn Thị Kim Lan
Bài thơ “Khóc Chồng” của Đồng Thị Chúc - Đặng Xuân Xuyến
Về phong độ nam tính qua bài thơ tình “Chia tay” của Nguyễn Trung Hiếu - Nguyễn Thị Kim Lan
Phạm Đức Mạnh – nhà báo, đời thơ (phần tiếp theo và hết) - Hoàng Thị Bích Hà
Hoàng Vũ Thuật & Người câu gió - Yến Nhi
Nhà văn của tình thương - Nguyễn Anh Tuấn
Nguyễn Thị Hoàng: ý thức và bản năng nữ phận - Nguyễn Vy Khanh
Cùng một tác giả