Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.184
123.210.739
 
Thơ Đạm Thạch, ngôn ngữ miền Nam rặc ròng
Trần Yên Hòa

 

ANAHEIM, California (NV) – Thơ Đạm Thạch có cái chân chất nhưng không đơn điệu, vẫn giọng điệu và từ ngữ miền Nam nhưng anh không làm bài thơ khô khan hay quá mộc mạc.

Khi đọc bài thơ “Con Cá Cháy” của anh trên một số báo ở hải ngoại, tôi tôi yêu thích ngay. Tác giả đã dùng ngôn ngữ miền Nam rặc ròng, lời thơ dung dị nhưng gợi trong ta những miền đất quê hương, Vàm Láng, Gò Công, Trà Ôn, Cần Thơ với con cá cháy.

“Con cá duồn ngon thế nào Bến Tre đã biết
Hay cá chìa vôi Vàm Láng-Gò Công
Tôi vẫn nhắc hoài con cá cháy
Sống giữa làn nước lợ miệt Trà Ôn
[Con cá thích trầm sâu giữa dòng mặn ngọt
Ngoi ăn sương giữa đêm về sáng]
Cá ngon đến nỗi người Cần Thơ nhắc hoài như kỷ niệm
Nhiều năm rồi đã biệt tăm
Cá đổi vùng hay lẽ gì tuyệt chủng?
Tôi không tin là cá biết băn khoăn!” 

Con cá ngày xưa ngon ngọt thế nào dân miền Nam đều biết, nhưng sau năm 1975 cá bỗng dưng biệt tăm.

Rồi tác giả viết tiếp:

“Con cá duồn vẫn ưa dòng sông ngọt nước
Cá chìa vôi thích biển mặn vẫy vùng
Cá cháy thịt ngon và trái ngược
Sống một đời giữa mặn-ngọt, riêng-chung.
Chẳng thấy cá đổi vùng
Loài thịt ngon đã tuyệt chủng rồi chăng
Cá đã chết vì chẳng còn nước lợ
Hay điên rồ vượt biên giới quen thân? 

Con người sống lúc vầy lúc khác
Cá lội ngược lội xuôi
Con người khi lòng đã khác
Cá chẳng thể thay dòng 

Ôi con cá sống giữa dòng gạch nối
Khác con người lăn ngụp cả hai nơi
Lúc cay đắng, đắng cay cùng cực
Vinh hiển rồi ngoảnh mặt một thời!” 

Rồi tiếp theo đó, anh có bài thơ “Con Cá Lưu Vong” như để giải thích tại sao con cá cháy nay đã tuyệt chủng ở khúc sông Trà Ôn-Đại Ngãi mà đã sang tận Hoa Kỳ:

“Tôi sửng sốt nhìn con cá cháy
Nửa thế kỷ qua nó tuyệt chủng rồi màCá biệt tăm
theo dòng thời gian nước chảy
Sao bây giờ xuất hiện ở nơi đây? 

Ở chợ ABC tôi muốn la lên cho người Cần Thơ xúm lại
Để tận mắt nhìn con cá thuở nào
Con cá sống quẩn quanh giữa khúc sông Trà Ôn-Đại Ngãi
Sao bây giờ giữa chợ phơi thây? 

Tôi định la to nhưng kịp ghìm tiếng tôi khựng lại
Tự hỏi lòng cá cũng lưu vong
Có thấm gì đâu năm ba năm xa xứ
Có thấm gì đâu mà đã nói đau lòng!” 

Ôi, con cá cũng lưu vong, con cá cũng đã bỏ nước ra đi như con người, cũng đến bến bờ tự do để đem hương vị ngon ngọt của mình cho người dân quê mình cùng hưởng. Con cá cũng có những thân tình nghĩa nặng ơn sâu với con người bỏ nước ra đi.

Rồi Đạm Thạch bộc bạch thêm:

“Tôi sinh ở cạnh dòng Ba Lai-Bến Tre-Sóc-Sài.
Biết Cá Duồn từ Biển Hồ kho rệu với nước dừa xiêm
Thời chiến tranh tôi đóng quân gần vùng biển mặn
Biết cá chìa vôi ở miệt Vàm Láng Gò Công
Riêng cá cháy kho rim món ngon năm nẳm
Tháng sương mù trứng nươn nưởn từng chùm
Loại cá ngon ai cũng chịu khó lừa xương
Tôi mãi mãi chẳng bao giờ quên được.” 

Trong suốt bài thơ là một giọng kể chuyện thật hồn nhiên, con cá cháy cũng lưu vong theo người lưu vong, người lưu vong có kẻ nhớ con cá cháy, có kẻ không, chắc thế. Và rồi, con cá được tác giả mua về và:

“Riêng con cá cháy mua về
Vợ tôi cũng lại kho rim
Thịt vẫn bùi
Mà tôi thấy không ngon như tôi mường tượng
Nhìn mắt vợ tôi rưng rưng kỷ niệm
Tôi tự nhủ thầm
Chắc tại nước dừa lon
Hay tại ta lưu vong
Con người khác chứ cá vẫn là cá cháy.” 

Từ “Con Cá Cháy” qua “Con Cá Lưu Vong,” Đạm Thạch đã thể hiện tấm lòng mình, tấm lòng người dân Nam Bộ, yêu nơi xưa chốn cũ, kỷ niệm xót xa với những địa danh, với những nguồn cội. Nhưng đã lưu vong rồi thì tâm hồn con người không thể như những ngày xưa nữa, chỉ có cá là còn nguyên vẹn.

 

Thơ lục bát, thơ tình Đạm Thạch

 

Thơ tình Đạm Thạch cũng là những khắc khoải, luôn nhớ thương về một người yêu xưa cũ đã bay xa ngút khỏi tầm tay. Thơ tình của anh dùng rặc ròng ngôn ngữ miền Nam, nhưng ta thấy quen thân lắm, như ta đi một chuyến xe đò, từ Sài Gòn về Cà Mau, Năm Căn, Cần Thơ, Vĩnh Long, Sa Đéc, Đồng Tháp Mười, yêu dấu.

Gặp những người áo nâu, tóc dài cột thành búi, hay những cô gái bận áo bà ba với câu hò trên sông nước ngọt lịm tình dân dã, như bài “Tăm Cá Hư Vô:”

“Anh quay về nhìn cây nhớ cội
Tấm áo phơi sào nhớ tay cầm
Mới chạm nhẹ hồn gai góc mọc
Bàn tay thơm ủ mộng trăm năm 

Ôi! đôi mắt! Đã ngàn lần săn sóc
Và đôi môi! Lấp ló nụ hôn đầu
Ngoài đâu biết. Bên trong mùa biển động
Thuyền và buồm neo ụ từ lâu. 

Thời gian sãi ngựa. Họa vô đơn chí
Bìm bìm leo. Lầu mộng sắp tiêu điều
Em trôi lạc giữa cánh đồng quỷ đỏ
Tôi đọa đày. Hồn phách lạc xiêu 

Nào ai biết, em còn hay mất
Tôi lất lây về nhìn lại chốn xưa
Nỗi trống vắng. Trái tim nghẹt thở
Nước mắt trào. Nghe đắng giọng chiều mưa.” 

Đó là qua cơn binh lửa, chàng và nàng thất lạc nhau, bây giờ em là bóng chim tăm cá, em vượt biên làm mồi cho hải tặc, hay em mãi còn xót xa chịu đựng trong cái xã hội đầy bất trắc đó không? 

“Rồi tưởng tượng em xót xa chịu đựng
Rời thị thành. Lầm lũi đất hoang vu.
Đẵn tre rừng rào tấm lòng cố cựu
Bện khít rim nỗi nhớ sa mù.” 

Thơ lục bát của Đạm Thạch cũng là một cung cách riêng, lời thơ thật bình dị như một bài ca dao, nhưng lục bát của Đạm Thạch ủ chứa một ngôn ngữ lạ lùng hơn, sâu sắc hơn, khiến cho ta nghĩ đến một Đạm Thạch đã tách xa con người Nam Bộ.

Nhưng không phải vậy, ngôn ngữ đó, Đạm Thạch dùng một cách bóng bẩy, tinh tế, trau chuốt hơn mà thôi, như người thiếu nữ miền Nam bỏ áo bà ba bận chiếc áo dài cổ truyền vậy mà. Không cách xa, không chạy trốn.

Văn phong của anh vẫn thuần khiết là người của miệt đồng bằng sông Cửu Long, qua bài “Cúi Hôn Mùa Xuân:”

“Bài thơ vừa chạm mùa Xuân
Đã nghe gió chướng về thân thiết ngày
Đợi em còn kẻ lông mày
Rảnh tay thả nọc cấy cày đồng anh
Khói chiều thả ngọn mong manh
Hiu hiu cơn gió sao canh cánh lòng
Từ anh cuối ngọn con sông
Tưởng leo đỉnh núi, tưởng đồng bằng quên
May mà gốc rạ còn quen
May mà chân lấm in lên tháng ngày
May mà mẹ dạy ngày mai
Có yêu ai nhớ đừng thay đổi người
Yêu em-giống mẹ một thời
Bàn chân nứt nẻ, cuộc đời nắng mưa
Như ngày đợi héo cuống dưa
Đợi thôi vất vả Xuân chưa muộn màng
Cúi hôn em nụ mai vàng
Cúi hôn bờ cỏ vạch đàng em qua.” 

Thơ lục bát Đạm Thạch, ngôn ngữ miền Nam vẫn tràn trề, đầy dẫy, nhưng vần thơ không thô, nhám, mà tự nó đã chải chuốt cho lục bát Đạm Thạch có một sắc thái riêng khiến không những, cho những người Nam Bộ nào đọc lên cũng thấy mình trong đó, mà những người miền khác cũng yêu thích vô cùng.

Thơ Đạm Thạch có thơ và truyện đăng trên Thế Kỷ 21, Văn, Văn Học trước đây.

Tôi gặp anh Đạm Thạch do nhà thơ Thành Tôn giới thiệu. Ngày lại ngày, tiếp xúc với anh. Anh vẫn mãi là tấm lòng chân chất, nhiệt tình đối với bạn bè. Với ai, anh cũng cùng một tấm lòng, thân thương và quý mến.

Trong suốt hành trình làm thơ, Đạm Thạch chưa in riêng một tập thơ nào. Cách đây khoảng hơn năm năm, nhà thơ Thành Tôn có thực hiện riêng cho Đạm Thạch một tập thơ, bằng phương pháp thủ công, khoảng 10 cuốn, để Đạm Thạch biếu những bạn văn thân thiết.

Nay thì Đạm Thạch đã cùng gia đình qua sinh sống tại tiểu bang Arizona nên chúng tôi ít gặp anh. Vẫn mong anh bình an, khỏe mạnh trong vòng tay của gia đình. [qd]

 

 

Trần Yên Hòa
Số lần đọc: 719
Ngày đăng: 22.08.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đọc “Cây không rễ” của nhà thơ Hồng Thế - Hoàng Thị Thu Thủy
Tập thơ “Đôi hồn” và một thiên diễm tình - Phạm Ngọc Thái
Thành Tôn, với sách, bạn và tình yêu - Trần Yên Hòa
Bài thơ ‘Quê choa’’ của Đinh Sỹ Minh - Đặng Xuân Xuyến
Một thoáng nghĩ về ý thức phái tính - Nguyễn Thị Kim Lan
Bài thơ “Khóc Chồng” của Đồng Thị Chúc - Đặng Xuân Xuyến
Về phong độ nam tính qua bài thơ tình “Chia tay” của Nguyễn Trung Hiếu - Nguyễn Thị Kim Lan
Phạm Đức Mạnh – nhà báo, đời thơ (phần tiếp theo và hết) - Hoàng Thị Bích Hà
Hoàng Vũ Thuật & Người câu gió - Yến Nhi
Nhà văn của tình thương - Nguyễn Anh Tuấn
Cùng một tác giả
Diễm Xưa (truyện ngắn)
Giong Quê (truyện ngắn)
Chanh Cốm (truyện ngắn)
Mẹ Và Em (truyện ngắn)
Tam Thân (truyện ngắn)
Châu long (truyện ngắn)
Bán con bò (truyện ngắn)
Thị Xã (truyện ngắn)
Quê Cha (truyện ngắn)
Chuyện ở hãng. (truyện ngắn)
Net (truyện ngắn)
Sớm Mai (truyện ngắn)
Bóng Sắc Tuổi Thơ (truyện ngắn)
Anh tư (truyện ngắn)
Tưởng (thơ)
Mùa Xưa (tạp văn)
Em neo (truyện ngắn)
Bốn Chín Năm Mươi (truyện ngắn)
Nghiệp (truyện ngắn)
Bờ em (thơ)
Duyên (truyện ngắn)
Đợi (thơ)
Không phải tại em (truyện ngắn)
Tạ (thơ)
Người về (truyện ngắn)
Thời thượng (truyện ngắn)
Tình yêu chạy làng (truyện ngắn)
Những ngày gió nóng (truyện ngắn)
Qua cầu (truyện ngắn)
Con đen (truyện ngắn)
"Bái phục" (truyện ngắn)
Trôi (thơ)
Trám (truyện ngắn)
Khuôn mặt (truyện ngắn)
Đẳng cấp (truyện ngắn)
Hậu "hại điện" (truyện ngắn)
Dáng Mỏng (truyện ngắn)
Ngày về (truyện ngắn)
Tổn thất tình (truyện ngắn)
Giữa Vòng Xoay (truyện ngắn)
Tiếng nói (truyện ngắn)
Chuyện Tình Bát Nháo (truyện ngắn)
Cơn bão nóng (truyện ngắn)
Vượt (truyện ngắn)
Lên đời (truyện ngắn)
Những Tình (truyện ngắn)
Kịch Bản Phim (truyện ngắn)
Người trở về (truyện ngắn)
Bán chữ (truyện ngắn)
Bôi trơn (truyện ngắn)
Mối tình Chơn (truyện ngắn)
Anh em (truyện ngắn)
Dòng thơ ấu (truyện ngắn)
Nhất Linh sống mãi (nghệ thuật)
Mối tình Chơn (truyện ngắn)
Bán chữ (truyện ngắn)
Trám (truyện ngắn)
Người chết hai lần (truyện ngắn)
Dòng thơ ấu (truyện ngắn)
Tiếng nói (truyện ngắn)
Lên "phây" (truyện ngắn)
Dáng mỏng (truyện ngắn)
Bôi trơn (truyện ngắn)
Mua bán lạc son (truyện ngắn)
Sớm mai (truyện ngắn)