Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.186
123.217.073
 
Tưởng nhớ diễn viên Hồng Sơn ngày xá tội vong nhân
Nguyễn Anh Tuấn

 

 

Một trại giam ở Bắc Giang. Người đại úy quản giáo dẫn một tù nhân đàn ông còn trẻ đi từ phòng giam tử tù về phía cổng trại. Khi đi qua một khu phòng giam nữ, kẻ đang đi tới những khoảnh khắc cuối cuộc đời chợt dừng lại, hất mặt về phía có một người đàn bà tì mặt qua chấn song đang gào khóc nức nở, và anh ta hét lên như cố biểu lộ vẻ yêng hùng: "Im ngay! Đừng có khóc! Vớ vẩn!" 

   

Đó không phải là một cảnh dàn dựng để quay, mặc dù cảnh ngộ đó cũng lọt vào ống kính máy quay một cách vô tình, khi đoàn làm phim "Khát vọng công lý" của Hãng phim truyền hình Việt Nam (VFC) đang thực hiện một cảnh quay ngoại.

   

Một cán bộ trại giam cho tôi biết: cả hai người đó đều bị án tử hình vì buôn lậu ma túy, nhưng người phụ nữ được giảm án chung thân bởi còn có con nhỏ. Cả đoàn phim lặng người khi chứng kiến cuộc chia ly lần cuối của đôi vợ chồng tội phạm. Lúc đó, diễn viên chính của phim (cũng đang trong trang phục tù nhân) bỗng lặng lẽ rời xa mọi người, lảo đảo đến tựa người vào một gốc cây và ngồi sụp xuống như bị kiệt sức. Tôi chạy vội đến anh, định hỏi han, thì anh từ từ ngẩng đầu lên. Một đôi mắt đỏ ngầu, với những tia lửa như sẵn sàng thiêu đốt tất cả, nhưng đau đớn làm sao, hoang mang và đơn độc làm sao! Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa hết cảm giác bàng hoàng và cũng không thể lý giải nổi về ánh mắt đó...

   

Ánh mắt của diễn viên Hồng Sơn!

   

Tôi im lặng ngồi xuống cạnh Hồng Sơn. Tôi tránh ánh mắt của anh, và cũng tránh nhìn thêm cảnh "chia ly" thê thảm kia. Suốt nửa giờ đồng hồ, cả đoàn phim như bị tê liệt, còn tôi thì cố chờ nghe một điều gì đó từ chính Hồng Sơn thốt ra- chỉ để mong anh được nhẹ nhõm hơn, cho tới khi trợ lý đạo diễn nhắc cả đoàn tiếp tục tiến độ quay cho hết bối cảnh ngoại trong trại giam...

   

Tối hôm đó, không có lịch quay, tôi sang gõ cửa phòng Hồng Sơn tại nhà nghỉ của Ủy ban Tỉnh, vác theo chai rượu làng Vân do anh bạn nhà văn ở Bắc Giang cho. Phòng anh có một dám diễn viên trẻ và những người làm ánh sáng, phụ quay đang đánh tá lả, còn anh thì nằm dài trên giường mình. Thấy tôi, anh mừng rỡ ngồi dậy... Suốt hơn hai chục năm tôi không có liên lạc gì với anh sau một, hai lần cộng tác làm phim; và từ ngày anh trở lại với nghề diễn, tên tuổi lại được nhắc tới qua hơn chục phim thì tôi mới lại mời anh tham gia phim của tôi - đó là lần cộng tác thứ ba. Hồng Sơn có lý lịch vai diễn thật dày dặn, cả sân khấu lẫn phim điện ảnh, phim truyền hình, cả phim ngắn tập lẫn phim nhiều tập, nhập vào nhiều loại tính cách, nhiều cương vị xã hội. Nhưng, Hồng Sơn tâm sự, vai diễn mà anh tâm đắc nhất, để lại nhiều dấu ấn nghề nghiệp cho anh nhất chính là vai người kỹ sư trong bộ phim nhựa đen trắng "Đằng sau cánh cửa"- đó là vai diễn đầu tiên trong điện ảnh của Hồng Sơn. Lúc đó, tôi mới "chân ướt chân ráo" vào nghề, làm phó cho đạo diễn Anh Thái. Tôi có nhiệm vụ tìm diễn viên, và khi đưa Hồng Sơn tới Xưởng phim truyện số 4 Thụy Khuê để chụp ảnh thử vai, thì vẻ trong sáng hào hoa của một diễn viên sân khấu trẻ, một chàng thanh niên điển trai Hà Thành gốc đã chinh phục được ngay các thành phần chính trong đoàn làm phim! Thế rồi, chẳng hiểu có phải là định mệnh không, số phận của nhân vật chính trong bộ phim đã "ám" vào anh: người kỹ sư vì quá trung thực thẳng thắn nên cuộc đời gặp bao nỗi bất hạnh, bị vợ bỏ, sống đơn độc với cảnh "gà trống nuôi con"... Và sau mấy năm cởi áo sọc trong trại giam thật, giờ đây anh lại khoác nó vào để diễn xuất. Cảnh quay Hồng Sơn cầm bát cơm của tử tù vừa ăn vừa trào lệ khiến tất cả đoàn phim ngậm ngùi, sau đó là khâm phục - không chỉ vì anh đã nhập vai một cách xuất sắc mà còn vì sự trải nghiệm xót xa của đời anh vào một thăng hoa nghệ thuật...

   

Mặc kệ những tiếng "sát phạt" của đám tá lả bên cạnh, khi đã có men rượu, Hồng Sơn như chìm trong kỷ niệm cũ, anh thầm thì: "Ông Tuấn ơi, tôi đã không có can đảm như tay kỹ sư của phim "Đằng sau cánh cửa". Tôi bị cám dỗ ma qủy cuốn đi... Ông có biết chiều nay tôi nghĩ gì không?" Tôi im lặng. Và thật lâu sau, Hồng Sơn mới tiếp: "Tôi run người căm giận kẻ đã gieo cái chết trắng cho đồng loại... Và tôi ghê sợ chính tôi... Không ngờ, tôi lại từng đổ đốn, lại từng khốn nạn thế..."

 

Cả buổi tối hôm đó, Hồng Sơn "độc thoại" về những đoạn đời hãi hùng của anh. Anh thành thực trong xấu hổ và ân hận vì đã từng có ý định lấy trộm của bạn một đôi giày lúc cơn nghiện dày vò, sau khi đã "thổi bay" cả ngôi nhà "hương hỏa" giữa phố cổ cùng bao vật dụng gia đình trong khói trắng... Anh cười cay đắng kể lại chuyện đến nhà bạn thân hỏi xin tiền, biết chắc là bạn sẽ chạy cửa sau nên đón lõng bạn ở đó... Anh bật khóc khi nhớ lại chuyện đứa con gái sinh viên phải đành lòng dúi trộm cho bố mấy trăm ngàn dành dụm được để bố cắt cơn ghiền... Mắt anh rưng rưng một niềm xúc cảm và biết ơn khi nói về những người quản giáo tốt bụng, lương thiện đã cưu mang nâng đỡ anh trong trại cải tạo mà anh trân trọng gọi là "các thầy". Anh còn đề nghị tôi cộng tác viết kịch bản và làm phim về đoạn đời của anh trong "trại", mà anh khẳng định chắc chắn rằng: "Đó sẽ là một phim rất xúc động, có tác dụng thiết thực và mạnh mẽ đối với nhiều cuộc đời trót lỡ lầm..."

   

Nhưng Hồng Sơn ơi! Chúng ta chưa kịp bắt tay nhau thực hiện ý định này thì Sơn đã vội ra đi ở tuổi mới ngoài 50 ! Nữ diễn viên Thanh Giang từng đóng vai luật sư tìm mọi cách để minh oan cho nhân vật kỹ sư do anh thủ vai trong phim "Khát vọng công lý"*, vừa mới đây hốt hoảng thông báo cho tôi: anh đã mất sớm nay tại một căn phòng xa trung tâm Thành phố, nơi anh đã sống một mình suốt những năm qua...

   

Không gia đình, tài sản chẳng còn gì, chỉ tồn tại sống và chạy chữa bệnh tật bằng khoản tiền thù lao ít ỏi do đóng phim truyền hình; nhưng những năm tháng qua, chắc hẳn đối với Hồng Sơn lại là những năm tháng giàu ý nghĩa nhất. Đó cũng chính là đoạn đời đặc biệt của Hồng Sơn: anh tự đốt cháy mình trong lao động nghệ thuật căng thẳng, dám sống hết mình với vai diễn, dường như chỉ bằng cách đó anh mới bù đắp được phần nào khoảng thời gian quý giá đã mất của tuổi trẻ. Đó còn một cuộc "tự hành xác" đau đớn song thật vinh quang. Những vai diễn cuối đời của anh không chỉ là những vai diễn, chúng còn là sự thức tỉnh, hơn thế - là sự nảy nở kỳ diệu của một tâm hồn lương thiện, của một tình yêu đắm say trước những vẻ đẹp của Cuộc sống mà anh từng chối bỏ, vùi dập chúng trong những cơn mê điên dại...

   

Một đời diễn viên, vinh có nhục có, hạnh phúc có đau khổ có - cộng thêm những đau khổ anh tự gây cho mình và những người quanh anh, song Hồng Sơn có thể tự hào và yên tâm ra đi, vì tất cả những cái đó anh đã kịp hóa thân thực hoàn hảo trong biết bao hình tượng nhân vật, và đã kịp lóe sáng thành một thông điệp của Nhân loại mà sứ mệnh của một người nghệ sĩ đã trao cho anh... Sự hoàn thiện tâm hồn và nhân cách không bao giờ là muộn mằn; và nghị lực não lòng của anh, khát vọng làm một người tử tế, cùng cống hiến nghệ thuật của anh đã trao cho đời một bài học nhân sinh tươi rói, nóng hổi... Nếu nhân vật chính trong "Khát vọng công lý" mà Hồng Sơn hóa thân cuối cùng đã được minh oan, thoát khỏi bản án tử hình một cách kỳ lạ bởi nhiệt huyết của luật sư và những người thiện tâm, thì tội lỗi của con người Hồng Sơn cũng đã được hóa giải từ lâu bởi chính anh và bởi những người tốt không thiếu ở quanh anh...

   

Ra đi vào đúng dịp Xá tội vong nhân, ở thế giới bên kia, anh có thể tự tin bước vào cõi Phật với một nụ cười thanh thản, động viên chúng tôi sống tiếp, và tiếp tục phấn đấu - cũng có khi bằng cả cái nghị lực não lòng của anh - để cuộc đời này sẽ trở nên đáng yêu đáng trọng hơn như anh đã kịp giác ngộ và khao khát...

   

Một nén nhang kính cẩn trước hương hồn anh trong giây phút Hóa thân cuối cùng, Hồng Sơn ơi!

________________________________________

* Phim 5 tập của VFC sản xuất ( Kịch bản & đạo diễn: MA NAT)

 

Ảnh: Cảnh phim

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguyễn Anh Tuấn
Số lần đọc: 875
Ngày đăng: 24.08.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trịnh Công Sơn – Một người ca thơ - NP Phan
Ý thức - Lê Hứa Huyền Trân
Về Huế ăn hàng - Trang Thùy
Nhạc Trịnh với vấn đề cái chết - Nguyễn Hoàn
Họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận lang bạt, hào hoa đã ra đi - Võ Quê
Tôi không phải người Sài Gòn... - Phan Trang Hy
Từ cánh đồng quê - NP Phan
Ngọn gió phương Nam - Trần Hạ Vi
Lặng lẽ người già… - Phạm Nga
Bồ đề trường học - Phan Anh
Cùng một tác giả
Ám ảnh gia truyền (truyện ngắn)
Bản di chúc bi thảm (truyện ngắn)
Một kiếp đầu thai (truyện ngắn)
Tình bạn phá sản (truyện ngắn)
Lãnh Chúa ngân hàng (truyện ngắn)
Đạp và đạp (tạp văn)
Tâm bệnh Nguyễn Du (truyện ngắn)
Giọt lệ mo hồn (truyện ngắn)
Nhớ mẹ (tạp văn)
Tư tưởng của ruồi (truyện ngắn)