Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.093
123.230.444
 
Nỗi vui,buồn của người chép sử
Phạm Lưu Vũ

Đời một người làm công việc chép sử, cũng như cả thiên hạ chứng nhân, có lúc thú, lúc đau. Thú có khi đến tột cùng, đau có khi phải lặng ngắt. Xin được kể ra đây mấy việc:

 

Sách Đại Việt Sử kí Toàn thư có một đoạn rất ngắn, mà người chép sử chép đến đó phải run bút rợn người, đến nỗi ngay lập tức phải xếp bút nghiên lại, đợi mấy ngày cho hồn vía thoát ra khỏi cái dư vị thần thánh của mấy câu đó, rồi mới chép tiếp được. Đoạn sử ấy vỏn vẹn như sau:

Hỏi: “Thế giặc năm nay thế nào?” Trả lời: “Năm nay đánh giặc nhàn”.

Người hỏi là đương kim Hoàng thượng Trần Nhân Tông, người trả lời là Đức Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.

Đó là thời điểm bắt đầu vào lần thứ ba, quân Nguyên sang xâm lược nước ta, mùa đông năm Đinh Hợi (1287).

 

Mặc dù Đức Hưng Đạo Đại Vương đã để lại cho hậu thế nhiều trước tác kiệt xuất như “Hịch Tướng Sĩ”, “Vạn Kiếp tông Bí truyền thư”, lại có những câu nói quật cường, khí phách như: “Bệ hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu thần trước đã...” Nhưng cái câu trả lời tưởng như không còn gì đơn giản hơn ấy mới thật kinh hồn. Ngài nói thế, tức là đã coi cái việc đánh giặc, mà là giặc lớn, giặc mạnh, nó đơn giản, bình thường như một thứ công việc đồng áng, mùa vụ. Hệt như hai bác nông dân hỏi thăm nhau: “Cấy hái năm nay thế nào?” - “Năm nay làm ruộng nhàn”.

 

Đời một người làm công việc chép sử, chỉ mong có được một câu như thế để mà chép, thế cũng đủ mãn nguyện, cũng hả bút lắm rồi.

Chắc rất hiếm quốc gia nào trên thế giới lại có lịch sử đánh giặc như cơm bữa, như mùa vụ, như... “đến hẹn lại lên”... như ở Việt Nam.

Và chắc cũng không có danh tướng cổ kim Đông Tây nào lại (tỉnh bơ) coi cái công việc đánh giặc nó đơn giản, bình thường như vậy. Tướng như thế, làm gì toàn quân chẳng vững lòng. Toàn quân đã vững lòng, làm gì gặc chẳng thua.

 

Chẳng thế mà cả cõi phương Bắc rộng lớn, vốn tự coi mình là trung tâm của thế giới, bấy giờ không ai dám gọi đến tên thật, phải gọi một cách tôn kính theo tước của Ngài là An Nam Hưng Đạo Vương.

Quân dân nhà Trần ba lần đại thắng Nguyên - Mông, đế quốc hùng mạnh vào bậc nhất thế giới thời bấy giờ. Nhưng trong suốt hơn một trăm năm tồn tại sau đó, năm lẻ cũng như năm chẵn, triều đình ấy không hề một lần kỉ niệm những võ công oanh liệt của mình. Thêm một lần chứng tỏ coi cái việc đánh giặc như là chuyện mùa vụ bình thường, là trách nhiệm (đương nhiên) của kẻ làm vua, làm tướng, là chuyện... chẳng có gì phải làm ầm ĩ...

 

Không chỉ riêng nhà Trần, cả nhà Tiền Lê, nhà Lý trước đó, nhà Hậu Lê sau này... đều có không ít những võ công tương tự. Song cũng tuyệt không một lần nhắc lại...

Đó phải chăng là cái “đạo” xử thế của bậc quân tử ngày xưa?

Mùa thu năm Canh Tý, tháng tám, ngày hai mươi, cách đây đúng bẩy trăm linh năm năm (1300) Đức Hưng Đạo Đại Vương từ trần. Ngài dặn con cháu hoả táng, lấy vật tròn đựng tro xương, bí mật chôn trong vườn, trồng cây lại như cũ để người đời không biết chỗ nào. Cẩn thận, chu đáo và cảnh giác đến thế là cùng...

 

Bậc Thánh nhân đã ra đi.

Nhưng thời cuộc nhiễu nhương, nhân thế tầm thường... thì vẫn còn ở lại, ở lại đến muôn đời.

Trần Khánh Dư xuất thân làm nghề bán than, có tài làm tướng, đánh giặc khi thua khi thắng, nhưng cũng lập được công lao, thân được phong đến tước Vương. Đáng lẽ làm người tử tế để lưu danh sử sách, thì lại cậy có công mà thả sức hoành hành, cư xử hệt những hàng con buôn mạt hạng, vừa đểu gi, vừa tham lam, thô bỉ đến gà chó phải kinh. Từng thông dâm với cả công chúa Thiên Thụy - con dâu của chính Đức Hưng Đạo Đại Vương. Lại dùng quyền vua ban, tự đặt ra luật lệ, cốt ăn cướp tiền dân cho thật nhiều. Chẳng hạn ngầm sai người nhà mua tích trữ một loại nón gọi là nón Ma lôi, sau đó ra lệnh cho quân, dân trong vùng ai cũng phải đội nón ấy rồi tung ra bán đắt gấp ba bốn lần, thu lợi hàng ngàn tấm vải...

 

Theo vua đi đánh Chiêm Thành. Chúa Chiêm Thành đã đồng ý ra hàng rồi mà còn bất chấp cả lệnh vua, cố tình đuổi theo cốt để cướp của cải rồi giết người diệt khẩu, lại biện luận đó là công lao... Mạng sống của nhân quần đối với ngài té ra chẳng khác gì cỏ rác?

Vị Trần tướng quân ấy còn một câu nói vừa “bất hủ”, vừa “kinh điển”, đúng đến muôn đời đối với gan ruột của những loài cầm thú trong thiên hạ: “Tướng là chim ưng, dân với lính là vịt, dùng vịt để nuôi chim ưng thì có gì là lạ?”

Thấy kinh chưa ? Thì ra từ xưa đã có những hạng quan tướng biết coi dân với lính như vịt, có nhai tươi nuốt sống cũng được nữa, huống hồ là đè đầu cưỡi cổ, nhũng nhiễu bóp nặn nọ kia. Lũ lang sói những đời sau quả nhiên đã tìm thấy ông tổ của mình. Người chép sử chép xong câu nói ấy thì ghê tởm đến nỗi lặng người, phải rửa đi rửa lại bút mấy lần mà vẫn chưa sạch mùi ô uế. Trang sử ứa máu tươi như bị một nhát dao sắc cứa vào...

Con người có lòng dạ đê tiện, tàn nhẫn và rắn rết như thế, không hiểu sao đến bây giờ, ở chỗ này chỗ nọ, vẫn thấy ngự trên những bảng tên đường?

 

Trần Khắc Chung vốn họ Đỗ. Vì chút công lao duy nhất là đi sứ sang doanh trại quân Nguyên, không chịu hạ mình khuất phục mà được ban họ vua, lại thăng quan tiến chức như diều. Nhưng bản chất đểu cáng lưu manh, xu thời giả tạo... thì cũng không ít lần làm ghê bút người chép sử.

Nhận lệnh vua đi lừa cướp công chúa Huyền Trân từ Chiêm Thành về, cố tình loanh quanh dài ngày trên biển, cốt sao tư thông bậy bạ được với công chúa, làm ô danh cả triều đình. Đến nỗi Hưng Nhượng Đại Vương (con trai Hưng Đạo Đại Vương) phải trỏ mặt mà mắng: “thằng này là cái điềm chẳng lành của Nhà nước...”

Bản thân (Đỗ) nhờ luồn lọt, cơ hội, cố làm ra vẻ khác người mà leo đến chức tể tướng. Đáng lẽ phải lo cho dân yên nghiệp làm ăn, tránh được thiên tai, mùa màng thuận lợi... Thế mà khi bị hạn hán, mất mùa thì lại bảo việc ấy đi mà hỏi... Long Vương. Thật khôi hài cho một kẻ ngồi chốn ngôi cao chót vót.

Nhưng tội nặng nhất của cái lão được ban Quốc tính (họ của vua) này là vào hùa với những kẻ quyền quý, kết giao với gian tà để hãm hại người vô tội, đẩy bậc trung thần tới cái chết thảm thương. Vụ án giết Quốc phụ thượng tể Trần Quốc Chẩn mà Trần Khắc Chung là một trong những kẻ âm mưu, là một vết nhơ trong cái triều đình đã bắt đầu đến hồi lục đục, đang biến thành một đàn sói tranh mồi của vua Trần Minh Tông.

 

Thế mà lão vẫn được yên ổn hưởng thọ cho đến hết lộc Trời. Chỉ mãi sau khi chết, mới bị con cháu Quốc Chẩn quật mả, băm vụn xác ra.

 

Đã là bậc Thánh nhân rồi, mà lúc chết vẫn còn phải cảnh giác với người đời...

Hèn gì lịch sử cứ luôn phải chứng kiến những kẻ tiểu nhân càn rỡ?

Đời một người làm công việc chép sử, chỉ canh cánh lo đến lượt mình phải chép về những việc bỉ ổi như thế, những con người tiểu nhân như thế... mà thôi.

 

 

Phạm Lưu Vũ
Số lần đọc: 3516
Ngày đăng: 05.12.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tiểu luận về cái sự “ NHẬU “. - Phạm Lưu Vũ
Chơi một mình - Nguyễn Ngọc Tư
Một bài thơ - một “Chân dung”... - Phạm Lưu Vũ
Mùa hoa quỳ - Phạm Minh Châu
Hòan kiếm càn khôn thế sự - Phạm Lưu Vũ
Trăm năm bến cũ con đò - Nguyễn Ngọc Tư
Nếu có lỡ tưởng Trương Công Định và Trương Định là hai cụ khác nhau thì cũng... chẳng thành vấn đề(?) - Phạm Lưu Vũ
Trở gió - Nguyễn Ngọc Tư
Thăng Long lược Phong Thủy kí - Phạm Lưu Vũ
Một bài thơ của Kim Tuấn - Trần Áng Sơn
Cùng một tác giả
Tai ngược (truyện ngắn)
Tảng thịt tế (truyện ngắn)
Nhà hiền triết (truyện ngắn)
Chính danh (truyện ngắn)
Chuyện làng Kinh (truyện ngắn)
Sự tích núi mồ côi (truyện ngắn)
Ngón tay phật tổ (truyện ngắn)
Xuất xứ (truyện ngắn)
Chuyện vịt (truyện ngắn)
Kẻ vô thừa nhận (truyện ngắn)
Bài ca cuộc sống (truyện ngắn)
Hai anh em (truyện ngắn)
Linh vật (truyện ngắn)
Áo gấm đi đêm (truyện ngắn)
Tửu địa (truyện ngắn)
Vai diễn cuối cùng (truyện ngắn)
Thạch ngôn (tạp văn)
Liệt nữ (truyện ngắn)
Tần Doanh Chính (truyện ngắn)
Đám mổ bò (truyện ngắn)
Cái Kết Có Hậu (truyện ngắn)