Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.194
123.213.135
 
Truyện dài như dòng sông
Vinh Anh

 

 

Hắn nhát. Rõ rồi, chẳng cần phải nói, mọi người đều biết. Có cái nhát đeo đẳng, thành bản chất, ngấm vào người, khó sửa. Có cái vì thói quen, chưa vượt qua, thần hồn nát thần tính.

Hồi bé, hắn sợ ma, đứa nào bé mà chẳng sợ ma, sợ nhưng thích nghe chuyện ma. Bà hắn đe, không được kể chuyện ma cho hắn nghe, đêm nó lại đái dầm. Hắn sợ, trước khi đi ngủ, bà giục đi đái đi nhưng hắn sợ, hắn bảo con không buồn. Rồi thì đêm nào cũng đái dầm. Vậy mà hắn vẫn không sửa được, cứ chiều đến rồi đêm buông, hắn chỉ dám ở đám đông gần mọi người, ở chỗ có ánh đèn, cấm bao giờ dám ở một mình.

 

Có lần thế này. Ngày ấy hắn năm tuổi. Năm tuổi là bé chứ còn gì nữa, có đái dầm cũng tha. Buổi trưa, trước khi ngủ, ông nó hay kể chuyện. Hắn thích nghe chuyện của ông. Trong ông là một kho tàng chuyện cổ tích. Hắn nghe và cũng bắt chước giọng ông: “Ngày xửa ngày xưa, nhà nọ có hai anh em... người anh rất thương em... hắn ngừng ở đó như để mọi người lắng tai nghe thêm và hắn hét tướng lên, chân dãy một cái thật mạnh: hết chuyện. Rồi “Ông kể đi, ông kể chuyện đi...” Cái giọng hắn rất dễ thương và ông nó không thể cầm lòng sắt đá được trước cái giọng nũng nịu của hắn, lại “ngày xửa ngày xưa...”. Hắn nằm im, mắt không đụng đậy, nhìn lên tường. “Thôi không ngày xửa ngày xưa nữa, hôm nay kể ngày nảy ngày nay...”. Hắn không hề thay đổi thái độ, vẫn im ắng, chờ... “Có thằng bé, con nhà nọ, đến tuổi đi học rồi. Thằng bé năm tuổi, lớn phỗng... lớn hơn thằng cu của ông nhiều. Vì sao biết không, vì nó chẳng sợ gì hết... Nó lim dim, giọng ông đều đều, hắn thấy thằng bé mà ông kể giống giống hắn và thế là giấc ngủ đến với hắn.

 

Thực ra, cái thằng bé con nhà nọ, là con bé, bạn cùng lứa với hắn, kém hắn tí xíu, vẫn bị ông nó bắt gọi hắn bằng anh. Hắn biết quá rõ con bé ấy. Trong đầu nó, con gái làm em là đương nhiên, chuyện cũng chẳng có gì đáng quan tâm.

Về tính cách, con bé đó khác hẳn hắn. Phận nữ nhi mà phong thái nam nhi. Ông nó cổ xưa, cũ kỹ rồi, nên đôi khi dùng từ cổ. “Nữ nhi” nghe không hợp với con bé đó, nghe “nữ nhi” có vẻ là người có tính cách mạnh mẽ, không hợp với con gái. Thêm một tuổi, hắn nghĩ trong đầu thế. “Nữ nhi” có vẻ đã biết gánh vác công việc gì đó, đảm trách công việc gì đó rồi. Còn hắn, hắn vẫn bị coi là trẻ con, vẫn đái dầm.

Hắn lớn lên, con bé cũng lớn lên. Hắn và con bé cùng vào một lớp, ngồi cạnh nhau, hàng trên cùng. Con bé phân chia ranh giới “mày không được lấn sang bên tao”. Chẳng hiểu sao, hắn sợ, không dám lấn, trong khi con bé cứ vô tư lấn sang bên hắn, hắn chẳng dám nói gì hết.

Hắn ngồi bàn trên nên hay bị bọn dưới lấy thước kẻ, khi thì đập, khi thì chọc, hắn chỉ lấy tay gẩy ra. Con bé quay xuống dưới “không được trêu nó”. Vậy là hắn được yên. Hắn nhìn con bé, ra vẻ cám ơn. Con bé nguyểnh mặt đi, không thèm nhìn hắn.

Con bé bện tóc đuôi sam, vắt vẻo ngang vai, rất gọn gàng, vẻ nữ tính nhất của nó mà hắn nhận thấy nó còn là con gái.

Con bé học giỏi, nó viết nhanh thau tháu và đẹp. Hắn học dốt, tối nào ông cũng bắt ngồi tô lại các chữ đã học rồi mới cho đi ngủ. Có lần nó ngáp ngủ, bà lại mắng ông, cho cháu nghỉ đi, thằng bé buồn ngủ rồi... Được thể, hắn ngó ngoáy, ngúng nguẩy, không chịu tô chữ nữa. Ông đe, liệu đấy, tao bảo cái Mơ nó trị mày, cái Mơ chính là con bé ngồi cạnh nó. Thằng hắn thua con bé mọi chuyện. Có điều, hắn, thằng bé í, không cho đó là cái gì ghê gớm. Thâm tâm, nó sợ và nể con bé. Cái sợ và nể rất đỗi tự nhiên, con bé thành bùa hộ mệnh, bảo vệ hắn trước các trò trêu đùa bọn trẻ cùng lớp. Con bé biết đứa nào đùa ác ý với nó là nó trị liền. Bọn con trai ngỗ ngược đứa nào cũng sợ con bé. Lạ thế! Cái vía mà ông hắn gọi là nữ nhi, lấn át tất bọn con trai cả xóm. Chả vậy mà ông nó bảo, tao bảo cái Mơ trị mày...

 

Năm sau, con bé và nó đều được lên lớp, vẫn là bạn cùng nhau. Bọn khác, sau một mùa hè nghỉ chơi, như đã thỏa thuận với nhau, đều tìm được chỗ ngồi với nhau. Có xáo trộn đứa này đứa khác, có thêm đứa mới, có đứa chuyển trường. Hắn đến bên con bé, tao với mày ngồi chung nhé. Con bé quay đi, chung thì chung, thế mày không sợ tao à? Sợ gì mà sợ... Hắn lí nhí trả lời con bé. Thật ra hắn thích vì được con bé bảo vệ thì hơn. Có con bé, bọn con giai ít dám bắt nạt. Đứa nào bề ngoài cũng đều ra cái vẻ không sợ, nhưng đố có đứa nào dám cãi con bé, bọn nó đều sợ vía con bé.

 

Chúng nó đã lên lớp bốn, rồi lớp năm. Hắn không còn nhút nhát, sợ bóng tối nữa. Bọn con trai tộc ngộc cũng đủ kiểu dạn dày sương gió rồi. Con bé không còn uy kiểu “nữ nhi” như ông nó nói cái hồi còn ở lớp một, lớp hai. Nhưng giờ con bé có uy khác, cơ bản hơn, đáng tự hào hơn. Nó là đứa con gái xinh nhất lớp. Cái xinh của nó khiến bọn con trai chẳng mấy đứa dám nhìn thẳng vào mắt con bé. Vậy mà, trong lớp, cái thằng hắn, năm nào nhút nhát nhất, dễ bị bắt nạt nhất lại là đứa chuyện trò với con bé vô tư nhất. Hai đứa trao đổi với nhau mọi điều, cả chuyện học hành lẫn chuyện ở nhà. Con bé vẫn giỏi, đặc biệt nó nhớ. Trí nhớ con bé phát triển từ xửa xưa rồi, hồi cái đuôi sam còn vung vẩy lắc lư, bộ phận nữ tính nhất của con bé. Con bé có học hành gì đâu mà sao nó nhớ thế không biết.

 

Thời gian trôi, trong đám con trai có đứa thích con bé. Thích nhưng không dám. Thầm thì với hắn. Hắn nói với con bé: “Có đứa thích mày đấy...” Con bé quắc mắt: “Đứa nào?” Hắn sợ vãi luôn. Hắn nói lại với thằng đó về cái quắc mắt của con bé. Thằng đó lửng lơ: “Kinh nhỉ...”

Một hôm, hắn ghé tai con bé, tao hết đái dầm rồi, tao cũng hết sợ rồi. Nếu ông tao nói chuyện, mày đừng tin nhé. Con bé nhìn hắn, mủm mỉm cười: “Rõ dơ mà không biết...” hắn thấy con bé cười xinh ghê. Hôm khác, hắn móc túi, đưa cho con bé mấy quả mơ. “Mơ, mày ăn mơ không, chua lắm. Mẹ tao đi chùa Hương mua đấy. Ừ mà lạ, tên mày rất chua, mày biết không?” Con bé xòe tay, nhận mấy quả mơ, xuýt xoa, ngon nhể... Nhưng tên là bố mẹ đặt cho, chứ đâu phải tao tự đặt cho mình. Dưng mà, mày có thấy chua không? Nó dun cái mũi, trông rất xinh, hơi vênh cái đầu nhỏ nhỏ như đầu con chim, con chim gì nhỉ, hắn nghĩ, như đầu con chim sâu, nhảy nhảy nhót nhót hết cành này sang cành khác, hỏi hắn. “Đôi lúc tao cũng thấy chua... Nhưng nếu mày cứ như thế này, thì không chua. Như thế này là như thế nào, mà này, mai mày lại mang mơ đến nhé... Thế không mơ thì khác nhé... Gì cũng được...Nhớ đấy...” Chuyện hai đứa như vậy.

 

Có lần làm bài kiểm tra toán. Hắn không làm được còn con bé, sau khi chép đầu bài, cứ cắm đầu viết. Nó nhìn con bé, con bé nhìn nó: “Không giải được à? Xem không? Tao làm xong rồi.” Bài kiểm tra đó, con bé nhất lớp, hắn bét lớp. Con bé thầm thì, nhưng có cái mày giỏi hơn khối đứa, tao biết. Mày khá hơn chúng nó nhiều. Hắn không tự ái với con bé. Hình như hắn chấp nhận, hắn thua con bé toàn diện là dĩ nhiên.

Tối hôm đó, con bé sang nhà hắn: “Tao sang đây học với mày cho vui...” Hắn ngạc nhiên, rồi thấy thích. Hắn dúi cho nó mấy quả mơ. “Không thèm, chua lắm...” Hắn tròn mắt, tròn mồm thành hình chữ o nhăn nhúm, trông rất xấu. Con bé cười ngất.: “Trông mày ngố quá...” Hắn thấy con bé càng cười càng xinh. Thôi, không cười nữa, học đi, tao giải lại cho mày bài kiểm tra nhé. Đến cuối buổi, con bé đưa cho hắn một bài toán mới, bảo, mày hiểu thì làm đi. Hắn làm xong, làm xong, nhanh thôi, chẳng mấy nghĩ ngợi. Vậy là mày hiểu rồi. Con bé động viên, cái khó chỉ tí chút thôi. Hắn lại nhìn con bé, thấy thích thế, không dám nhìn nữa.

 

Có lần đi đến trường, hắn nói với con bé: “Mày biết tao thích gì nhất không? Thích gì hay thích ai? Cả gì và cả ai? Mày hỏi như thằng ngố. Mà mày ngố thật đấy, hỏi cũng chẳng biết cách hỏi. Tao hỏi mày là tao thích mày gì ấy. Rõ chưa? Con bé trố mắt, mày thích tao à. Tao cũng thích mày đấy, ngố ạ... Nhưng tao thích gì ở mày nhất cơ. Thích con khỉ...” Con bé vùng vằng, chạy lên phía trước với mấy đứa bạn. Hắn nhìn cái đuôi sam vắt vẻo bên nọ bên kia của con bé mà chưa kịp nói cái điều hắn thích, lủi thủi đi một mình.

Vẫn như hồi lớp một, ấn tượng nhất ở con bé là cái đuôi sam. Bọn con gái bây giờ ít có. Cả ngày hôm đó, con bé không một lần nói chuyện với hắn. Hắn chỉ nhìn trộm con bé, không dám bắt chuyện, ngay cả khi hắn cố tình để sách qua làn ranh giới mà con bé qui định, điều ít khi nó phạm.

 

Vậy là xong cái thời thơ bé cấp một. Đã qua cái thời mà hắn, nếu mặc quần thủng đít và hay đái dầm, bị ai đó có trêu, hắn chẳng biết ngượng. Lên cấp hai bỗng dưng khác, cả hai đứa đều có nhiều bạn mới, khác xa cái ngày học cấp một. Con bé chú ý hơn, ít mày tao tuy vẫn mày tao với hắn. Chúng phổng phao hơn, ra dáng hơn. Hắn cũng chỉn chu hơn. Mẹ nó bảo, hình như con soi gương hơi sớm. Hắn ngượng, chống chế, bọn lớp con nó còn biết từ trước con nhiều. Con không nói về mấy đứa con gái đấy chứ? Chuyện bọn con gái thì ối cái mẹ không biết, chúng nó có người yêu rồi đấy... Sao con biết? Cái Mơ kể cho con. Lại cái Mơ, cái gì cũng mơ mơ. Liệu hồn.

Cái Mơ hỏi hắn, có lần mày nói mày thích tao, mày nhớ không, thích cái gì nhỉ? Hắn bảo hắn nhớ. Nhớ chứ. Hôm đó mày còn không thèm nhìn tao, dù tao đã cố làm lành, mà sao tao phải làm lành. Tao cứ nghĩ, vì sao mày lại dỗi... Thế rồi tao ngủ quên, và quên chuyện đó luôn. Đúng là đồ con trai, ngố thế mà không biết. Hắn tự hỏi, không hiểu mình ngố cái gì. Muốn hỏi con bé nhưng hắn hình dung ngay nét mặt cái Mơ: Sao mày hỏi ngố thế, càng hỏi càng ngố? Vậy là cứ thế trôi đi...

 

Có hôm cả nhà hắn đang ăn cơm. Cái Mơ sang. Con bé chào mọi người rất rõ ràng: Cháu chào ông, chào hai bác, cả nhà đang ăn cơm ạ. Cháu sang nhắn ông, ông cháu mời ông sang uống nước ạ. Rồi, nói với ông, tối ông sang. Tiếng con bé lại ngân như chuông: “Cháu chào ông, chào hai bác, cháu về ạ”.

Con bé vừa ra khỏi ngõ, mẹ “Con bé lớn lên, xinh thế nhỉ?” Câu nói của mẹ bị bỏ lửng. Cả nhà bỏ qua chuyện nó sang. Chỉ còn hắn là nghĩ về con bé. Trong đầu hắn cứ vang lên giọng như chuông ngân của con bé. Ờ mà sao hắn lại nghĩ ra giọng con bé ngân như chuông nhỉ? Không biết vì sao nữa. Thế mà có hồi, hắn nghĩ là con bé chua, chua như tên của nó: Mơ!

Làng hắn có nhiều đồi để thả trâu ăn cỏ. Có đồi, chẳng hiểu từ bao giờ, làng gọi đó là đồi Ông. Ông là như thế nào, người già nhất làng chẳng còn ai biết tích. Nhưng trên đồi Ông còn sót lại một cái miếu thờ mà năm tháng trôi đi, đã thành phế tích. Vừa gọi, vừa hình dung mới biết đó là cái miếu thờ. Tất cả chỉ còn lại một tảng đá to, nhẵn nhụi nhưng ở mép, nhiều vết sứt sẹo, bọn trẻ thường ngồi lên, nói chuyện nhăng nhố, chẳng liên quan. Cái để chứng tỏ hòn đá là phế tích của cái miếu là  bên cạnh đó, có một cây si cổ thụ, tỏa bóng mát xum xuê. Làng hắn cũng có nhánh con sông Đà. Con sông hung dữ ở đâu, chứ chảy qua làng nó thì êm như một bài thơ tình. Các anh lớp lớn mơ màng như vậy khi đi bên các bạn gái. Cái Mơ cũng có chị gái là Mai. Chị Mai khác Mơ ở cái khoảng cách tuổi tác, có cả chút khác tính tình, cái cách “nam nhi nữ nhi” như ông nói ngày xưa. Chị Mai hiền, ít nói hơn.

Cái khác nữa, chị cũng đã có bài thơ tình của mình.

Bài thơ tình của chị Mai là một chàng trai bên sông Đà. Chàng ấy bơi giỏi. Chị Mai nói thế và hắn nghĩ ngay đó là hậu duệ của Yết Kiêu, dạo này tự dưng nó học không dốt nữa, cũng nhớ chẳng kém con bé. Có lần chị đưa hai đứa đến bến sông, vào “nhà” của chàng trai. Đó là một cái thuyền có những cánh buồm nâu. Cánh buồm hôm đó không giương lên đón gió mà được xếp nằm im lìm dọc chiếc thuyền. Hắn mê sông nước từ đó. Hắn xin với bài thơ tình của chị Mai, cho em đi thuyền với anh một chuyến. Anh cười, đưa mắt vào chị Mai và cái Mơ, em phải xin hai cô gái kia. Con bé nghe nói đến đi thuyền cũng tớn lên, cho em đi với. Chị Mai không nói gì, nhưng quyết định là chị Mai, bài thơ tình của chị thực hiện. Vậy là thành chuyến đi. Chuyến đi đánh đấu một chuyện tình nức nở. Chuyến đi đó là chuyến đi cuối cùng của chàng trai với ba chị em. Sau chuyến đi, nhờ gốc gác dân chài và tài bơi lội, anh thành lính hải quân. Anh đi mang theo cả bài thơ tình đang viết. Bài thơ tình êm đềm bên dòng sông quê hương của chị Mai đã hòa với sóng biển bao la. Bài thơ tình tưởng như dòng chảy êm đềm của con sông quê hương, thành bài thơ buồn. Có những chuyện buồn khi nói ra, người đời cứ tưởng là thơ.

“Con dì nó lớn” là nói về Mơ. Con bé đã vào cấp ba. Từ năm lớp bảy, hồi còn cấp hai, hai đứa không ngồi chung một bàn nữa. Bọn con gái được ngồi riêng, mười lăm đứa, hai dãy bàn phía trên. Lớp nào hắn cũng chiếm chỗ ngồi ngay dưới con bé, như chỉ để nhìn cái đuôi sam của đứa ngồi bàn trên.

Trong một buổi học văn lớp 12, cô giáo đang nói về cái đẹp, cái lãng mạn và cái trữ tình của tình yêu trong tiểu thuyết “Mẫn và tôi” của Phan Tứ, con bé thấy một mẩu giấy vo tròn bắn về phía mình. Hắn mở ra và lại vất về phía sau. Cô giáo bắt được khi hắn cúi xuống nhặt mảnh giấy vo tròn đó. Cô mở ra, cả lớp nín thở, sự ngưng đọng không khí lớp học khiến nghe được cả tiếng ruồi bay. Cô không thay đổi nét mặt, trả lại cho hắn mảnh giấy. “Nào, chúng ta tiếp tục bàn về tình yêu của Mẫn và tôi nhé.” Hắn thở một hơi nhẹ nhưng rất dài, nhìn cô giáo biết ơn, hắn muốn nuốt hết từng giọt không khí của lớp lúc này vào phổi, còn mặt con bé lạnh tanh, coi như chẳng có gì xảy ra. Cả lớp sau đó cứ ngóng cái bí mật kia được mang ra công khai. Tuyệt nhiên, từ hắn, từ con bé, từ cô giáo, chẳng ai nói về tờ giấy vo tròn mà nó nhặt được. Sau này, mượn ý bài thơ tình êm như dòng sông của chị Mai với anh lính hải quân, hắn nói với con bé: “Bài thơ tình suýt thành giông bão.”

Rồi thì cái guồng máy vô hình cuốn mọi cái trôi theo nhịp của nó. Hắn nói với con bé là chúng ta đang sống trong những ngày khắc khoải. Khắc khoải có nghĩa chờ đợi và lo lắng. Hắn cũng theo bước anh lính hải quân của chị Mai trong những ngày đất nước đang nổi giông bão thật. Chiến tranh cần rất nhiều người và cũng tốn kém rất nhiều. Bao nhiêu người đi không trở lại. Không ai rõ. Nó là con số đơn điệu, tượng trưng và không xác định.

Hôm hắn lên đường, hắn đưa cho con bé chiếc hộp nhỏ xinh xinh như bao diêm, được cắt dán bìa rõ đẹp. Hắn còn buộc bên ngoài bằng sợi giây màu đỏ như những tua rua của chiếc cờ đuôi nheo. Con bé mở ra và thấy dòng chữ trên tờ giấy vo tròn đã ném trước mặt nó giờ giảng văn hôm nào. “Tớ yêu đằng ấy nhé, được không?” Và một chữ nguyệch ngoạc của nó: “Được...” (Ý một chuyện tình yêu trên mạng, Vinh Anh không tìm lại được tên tác giả thật của câu viết mà VA đã cóp. VA cho là câu hay nhất bài)

Chuyện của hắn còn dài, dài như một dòng sông, nước con sông đó cứ chảy mãi, chảy mãi không thôi và cái kết của nó cũng rất có hậu theo đúng truyện cổ tích.

-29/8/21

 

 

Vinh Anh
Số lần đọc: 783
Ngày đăng: 31.08.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Phía dưới là ngày đang lại - Nguyễn Thị Kim Lan
Sinh nhật của Lỳ - Nguyễn Đại Duẫn
Qua cửa Thần Phù - Nguyễn An Bình
Tâm bệnh Nguyễn Du - Nguyễn Anh Tuấn
Dốc đợi - Nguyễn An Bình
Chị Xíu của tôi! - Hoàng Thị Bích Hà
Tiếng đàn đá trên đỉnh Sơn Trà - Nguyễn An Bình
Kiếp sau mơ làm Chử Đồng Tử - Khuất Đẩu
Gương một chiều - Lê Hứa Huyền Trân
Nụ hôn không ngọt ngào - Hoàng Thị Bích Hà
Cùng một tác giả
Mưu sinh (truyện ngắn)
Chuyện vặt (truyện ngắn)
Lão và hắn (truyện ngắn)
Phượng (truyện ngắn)
Công chức (truyện ngắn)
Gặp lại ngày xưa (truyện ngắn)
Lời từ nơi hư ảo (truyện ngắn)
Vào hội (truyện ngắn)
Bãi giữa (tạp văn)
Mùa thu (tạp văn)
Người quê (truyện ngắn)
Nhớ làng (truyện ngắn)
Bạn thời lính (truyện ngắn)
Ánh mắt sông quê (truyện ngắn)
Ngõ nhỏ ngày xưa (truyện ngắn)
Đất làng (tạp văn)
Ở rừng (truyện ngắn)
Chuyện tình kể lại (truyện ngắn)
Hai thằng nó và tôi (truyện ngắn)
Hương vô tình (truyện ngắn)