Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.124
123.228.237
 
Dân ca xứ Huế - ngọt lời tao nôi
Trang Thùy

 

ảnh Ca Huế .

 

     Có lẽ rất nhiều người trong chúng ta ai cũng đã từng lớn lên trong lời ru mẹ hát, những câu hò ru con ngọt ngào ngân nga bên cánh võng, bên những tao nôi nhẹ đưa bé thơ vào giấc ngủ êm đềm: "À ơ, gió mùa thu mẹ ru con ngủ/ Năm canh chày thức đủ vừa năm". Những câu hò ru con, ru em được những người mẹ, người chị gởi gắm vào bằng tất cả tình thương, mênh mang truyền tải từ những lời ca dao bình dị đầy tình: Tình cảm gia đình, tình yêu quê hương xứ sở, tình yêu đôi lứa, cảm thán thân phận...

     Riêng xứ Huế, bên cạnh những câu hò ru con với âm điệu chậm và buồn, man mác thấm đẫm công ơn cha mẹ đã đi vào giấc ngủ trẻ thơ một cách hồn nhiên: "Lên non mới biết non cao/ nuôi con mới biết công lao mẫu từ". "Cái cò mà đi ăn đêm đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao. Ông ơi ông vớt tôi nao, tôi có lòng nào ông hãy xáo măng. Có xáo thì xáo nước trong, đừng xáo nước đục đau lòng cò con"... thì lại còn có rất nhiều những địa danh quen thuộc của Huế được đưa vào những câu hò như: "Con ơi con théc cho muồi, để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu. Mua vôi chợ Quán chợ Cầu, mua cau Nam Phổ mua trầu chợ Dinh…". hay: "Đưa em cho tới làng Hồ, em mua trái mít em bồ trái thơm"...

     Thêm một nét đặc biệt của xứ Huế nữa đó là từ những lời ca dao xưa người Huế đã hình thành nên những làn điệu lý, như lý giao duyên, lý năm canh, lý mười thương, lý chuồn chuồn… Những điệu hò khoan nhặt mênh mang trữ tình sông nước có hò mái nhì với sự nhịp nhàng phóng khoáng đặc trưng của miền núi Ngự sông Hương. Những câu hò hay xuất hiện trong lao động sản xuất có hò giã gạo, nói vè dân giã, hóm hỉnh gần gũi.

     Tôi được diễm phúc sinh ra trong một làng quê còn in đậm những nét văn hoá truyền thống dân tộc của đất Thần kinh nên từ ấu thơ những lời ru ngọt ngào của bà ngoại, của mạ đã như những dòng sữa ngọt ngào chảy vào huyết quản của tôi, nuôi dưỡng thể chất và tâm hồn tôi, tưới tắm tuổi thơ tôi lớn lên từng ngày bên bốn tao nôi nhịp nhàng.

     Lời ru mạ tôi có cánh đồng lúa chín vàng gọi bầy chim ríu rít, có cánh cò bay lả, có tiếng sáo diều vi vút rặng tre. Em tôi ra đời, chị em tôi lại thay mẹ ru em bằng những lời ru quen thuộc ấy, em say giấc nồng, môi cười ngậm sữa, chị em tôi bày cuộc thi xem ai thuộc nhiều câu dân ca nhất. Trai gái làng tôi, những khi ra đồng, những đêm hè dưới ánh trăng xuyên qua tán lá, những câu hò, câu hát đã là nhịp cầu nối những mối tơ duyên. Vầng trăng trên cao ghé xuống những rặng tre, lắng nghe những câu dân ca ngọt tình đằm thắm.

     Trước nhà tôi là một ngọn đồi thoai thoải, ở đó có ngôi mộ của nhà thơ - nhà soạn lời Ca Huế Ưng Bình Thúc Giạ Thị. Ông nổi tiếng với kho tàng thi ca và những bài ca Huế mà điển hình là câu hò mái nhì :"Chiều chiều trước bến Văn Lâu, ai ngồi ai câu ai sầu ai thảm..." không riêng gì người Huế mà rất nhiều người khi nhắc đến những làn điệu dân ca, Ca Huế vẫn nhớ đến câu hò mái nhì gắn liền tên tuổi của ông. Cũng như bao đứa trẻ trong xóm cùng thời, tôi vẫn hay nghe mạ hát ru câu hò này nhưng chỉ đến khi lớn lên tôi mới được biết dưới nấm mồ này là tác giả của câu hò mái nhì bất hủ ấy. Từ đó tôi cố công tìm hiểu về ông, về Châu Hương Viên - ngôi nhà gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của ông.

     Có thể nói cơ duyên tôi đến với Ca Huế bắt đầu như thế cho đến một ngày. Những thanh âm trầm bổng, réo rắt, nỉ non của những cây đàn tranh, đàn bầu, đàn nhị ở Câu lạc bộ Ca Huế thính phòng do nhà thơ Võ Quê làm chủ nhiệm cuốn hút tôi từ lúc nào để rồi hàng tuần vào tối thứ ba tôi đều có mặt ở nơi ấy. Tôi yêu ca Huế, yêu hết thảy những làn điệu Ca Huế, dân ca mà những nghệ sĩ nơi đây thể hiện. Trong không gian thanh lịch của khán phòng, những cung điệu được ngân lên, tiếng đàn và giọng ca đồng khí, đồng điệu lan toả đánh thức hồn nghệ thuật dân tộc. Càng tự hào hơn khi được biết nghệ thuật Ca Huế đang được các cơ quan chức năng làm hồ sơ  đề nghị Unesco công nhận là Di sản Văn hoá phi vật thể.

     Từ những lần đến với CLB Ca Huế tôi mày mò tìm hiểu và học hỏi dân ca, Ca Huế qua Youtube và hiểu được niềm đam mê dân ca, Ca Huế của tôi mf những nghệ sĩ nơi đây đã nhiệt tâm chỉ bảo thêm để đến bây giờ từ hàng ghế khán giả tôi đã tự tin ca những làn điệu mình yêu thích trước khán giả. Viết ngang đây tôi nghĩ rằng tôi vẫn còn nợ những nghệ sĩ nơi đây một lời cám ơn từ sâu thẳm của lòng mình.

     Có một niềm vui luôn hân hoan trong lòng tôi đó là ngày càng có nhiều bạn trẻ đến với thính phòng để nghe Ca Huế, dân ca; các bạn ấy là người Việt Nam và rất nhiều du khách từ khắp nơi trên thế giới. Những ánh mắt say sưa chăm chú, những chiếc máy điện thoại liên tục đưa lên để ghi hình những nghệ sĩ biểu diễn hay những câu hỏi thú vị về Ca Huế, dân ca của các bạn đã nói lên niềm yêu thích Ca Huế, dân ca của mình. Đó là niềm hy vọng, niềm phấn khích, đúng với tiêu chí của Câu Lạc Bộ ca Huế Thính phòng nơi tôi đang tham gia với tư cách là một thành viên, đó là đưa di sản văn hoá phi vật thể của Huế nói riêng và kho tàng dân ca Việt Nam nói chung hoà cùng dòng chảy văn hoá trên khắp các châu lục.

     Với tôi, còn những câu dân ca, còn những làn điệu Ca Huế, vè, hò Huế… thì niềm tự hào về văn hoá nghệ thuật Việt Nam vẫn còn sống mãi trong lòng mỗi người dân đất Việt.

 

 

 

 

Trang Thùy
Số lần đọc: 1116
Ngày đăng: 10.09.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lá thư đầu mùa thu - Trần Hạ Vi
Khi mẹ là người bán dừa - Trang Thùy
Lan man về phía cõi mẹ - Phan Văn Thạnh
Tưởng nhớ diễn viên Hồng Sơn ngày xá tội vong nhân - Nguyễn Anh Tuấn
Trịnh Công Sơn – Một người ca thơ - NP Phan
Ý thức - Lê Hứa Huyền Trân
Về Huế ăn hàng - Trang Thùy
Nhạc Trịnh với vấn đề cái chết - Nguyễn Hoàn
Họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận lang bạt, hào hoa đã ra đi - Võ Quê
Tôi không phải người Sài Gòn... - Phan Trang Hy
Cùng một tác giả
Mùa nấm mối (truyện ngắn)
Mít vườn nhà (truyện ngắn)
Ngày mùa (tạp văn)