Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.132
123.227.812
 
Thủy thủ về nhà
Nguyễn Lê Hồng Hưng

 

Sửa Soạn cho bữa ăn sáng, Trúc Thanh chiên trứng, còn tôi dọn bơ, bánh mì, phó mát và đồ dùng ra bàn. Trời im gió, khí trời man mát lạnh, sự yên lặng làm cảnh quang khép kín và có phần u uẩn. Chợt con gà nhà hàng xóm kêu lên cục tác, cục tác rân trời, làm cho con Kuma, tên con chó, cũng hùa theo sủa vang. Đang yên ắng bỗng trở nên ồn ào tiếng gà và tiếng chó. Một lát sau gà hết cục tác và chó cũng im miệng, tất cả trở lại bình yên. Tôi nói với Trúc Thanh:

- Gà hàng xóm đẻ rồi, thế nào mình cũng có trứng ăn.

Trúc Thanh day ngang hỏi:

- Sao papa biết gà hàng xóm đẻ?

Tôi thay câu trả lời bằng câu thành ngữ:

- Gà đẻ gà cục tác, ác đẻ ác la.

- Câu này tui có nghe nhưng hổng biết nghĩa là gì?

- Nghĩa là một người muốn giấu việc gì đó rồi tự hô hoán lên để hòng che giấu, khiến cho người ta nghi ngờ, hoặc vô tình lộ ra, khiến mọi người biết được.

- Con gà thì ai cũng biết, còn con ác là con gì?

- Là con chim ác-là, một trong những loài chim giòng họ với chích choè, có lông mình màu đen, dưới ức thì màu trắng. 

- Ờ, tên nghe ngộ quá hén.

Hôm nay ngày chủ Nhựt đầu tháng chín. Thường những ngày nghỉ chúng tôi ăn sáng trễ. Sau buổi ăn sáng và dọn dẹp đồ dùng vô máy rửa xong. Trúc Thanh đi lại góc nhà lấy bọc đồ ăn của chó, đi qua trút vô thau cho Kuma ăn rồi tới nằm trên sa lon bên phòng khách, mở truyền hình xem tin tức ở Việt Nam. Còn tôi thì rót thêm tách cà phê, bưng lại ngồi bên chiếc bàn ăn. Để tránh tiếng động của truyền hình, tôi lấy tai nghe nhét vào hai lỗ tai, mở laptop vừa nhâm nhi cà phê vừa rà đọc trên một website văn chương của Việt Nam. Cô-vít hoành hành hơn một năm qua, ở Việt Nam xuất hiện nhiều nhà thơ quá, cho nên Cô-vít đã nhiễm vào thơ ca cũng bộn: “Sài gòn mệt lắm rồi phải không anh? Đã nằm nghỉ bao ngày chưa đứng dậy, hạ đã qua thu về rồi đấy, phố vắng không còn nghe tiếng chân qua...”*. Đọc chưa hết bài thơ mà lòng nghe trống vắng. Chợt Trúc Thanh cao giọng hô lớn:

- Chời ôi, buồn chán quá đi!

Tôi nhìn qua thấy vợ đang uốn mình, vươn vai có vẻ chán chường, mệt mỏi thiệt. Con Kuma nằm bên dưới sa lon, cũng chỏ mõm lên trần nhà, mắt mở to ngơ ngác. Tôi tháo tai nghe ra để lên bàn và day qua nhìn lên màn ảnh truyền hình, thấy đang chiếu một clip cảnh dân chúng thiếu ăn, kéo tới nhà tổ trưởng trong một khu dân phố chửi bới om sòm trời đất, tôi đưa mắt ngó vợ và trầm ngâm. Từ lâu rồi mỗi khi ngoại cảnh có chuyện thì tôi hay xoay tâm thức nhìn lại bên trong mình để xem cái cảm giác nó ra làm sao? Tôi hít thở một vài hơi, khi tâm tư lắng đọng, mới nhận ra trong lòng mình cũng có chút bồn chồn và buồn chán. Thường thì những cảm xúc nội tâm vui, buồn, sướng, khổ gì tôi luôn nhìn nó một cách bình thản và chấp nhận xem đó như một phần của sự sống.

Sự buồn chán làm cho giấc ngủ có vấn đề rồi sanh tật thức đêm hút thuốc, uống rượu, cờ bạc, ăn vặt hoặc bị u ám và trầm cảm. Nhiều người hung hăng, lợi dụng dịch bệnh, ngoài đời thì gian trá, còn lên mạng thì lừa gạt người ta. Từ ngày dịch Covid 19 xuất hiện cho tới nay, truyền thông xã hội cung cấp những thông tin rất linh hoạt, tất cả đều giúp con người chống lại sự nhàm chán. Những học giả và những nhà chuyên môn đã dạy cho chúng ta nhiều bài học quí giá để vượt qua khoảng thời gian buồn tẻ. Thiệt vậy, nguy hiểm vô cùng! Điều này cũng quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng, bởi vì nếu nhiều người cảm thấy buồn chán, sẽ có nguy cơ là họ sẽ ít tuân thủ các biện pháp đứng đắn chống dịch của các chuyên gia đưa ra. Tôi day ngang hỏi Trúc Thanh:

- Bà xã biết sự buồn chán từ đâu ra không?

Tiếng ồn của truyền hình át câu hỏi của tôi, Trúc Thanh cầm đồ bấm lên, bấm giảm bớt tiếng ồn và kêu tôi lặp lại câu hỏi. Nghe tôi nói xong, Thanh trầm ngân một chút rồi nói:

- Có nhiều nhà chuyên môn đã cân nhắc câu hỏi này và đưa ra nhiều quan điểm khác nhau. Nhưng thực tế thì chỉ có hai loại chán nản mà người trong cuộc mới hiểu được.

Tính ra bao năm qua vợ chồng sống với nhau cũng có thể gọi là thuận thảo. Nhưng hơn một năm qua, từ ngày đại dịch hoành hành, trong nhà ít nghe tiếng cười. Mỗi khi tôi hỏi chuyện, Thanh chỉ trả lời ngắn gọn, nhiều khi cộc lốc. làm cho không khí gia đình có hơi ảm đạm. Hôm nay thấy vợ có ý nói, nên tôi mới mồi thêm:

- Nói tiếp đi.

- Ví dụ như một người bị kích động sanh ra buồn chán và một người bị bắt buộc phải làm một chuyện gì ngoài ý muốn cũng sanh ra buồn chán. Tuy hai trường hợp khác nhau nhưng sự buồn chán thì giống nhau, tức là ở trong trạng thái chối bỏ, đâm ra phản ứng bồn chồn và cáu kỉnh trước một tâm trạng không thú vị gì hết, còn bị nặng hay nhẹ thì tùy nhận thức của mỗi người.

Tôi hơi ngạc nhiên nhìn qua vợ, hổng biết hôm nay cô ăn trúng thứ gì mà dài dòng triết lý. Tôi nhìn Trúc Thanh tươi cười và nói:  

- Có lẽ nhờ Cô-vít mà mama phân tích sự buồn chán một cách rành mạch. Thật vậy, sự chán nản làm người ta thờ ơ, hổng phải thờ ơ với người ngoài mà còn thờ ơ với chính mình, trong trường hợp  này, người có một mức độ kích thích thấp mới  hổng cảm thấy mệt mỏi.

- Vậy tui nói trúng rồi.

Thành thật mà nói, lúc ban đầu, từ khi đại dịch xuất hiện, tôi nghĩ  thế giới này có vô số virus độc hại chết người và trong một thế giới đầy hỗn loạn; chiến tranh, khủng bố, bệnh tật, ô nhiễm môi trường, bão lụt, cháy rừng, thứ nào cũng giết chết rất nhiều người chớ hổng riêng gì viruscorona. Nhưng mặt khác, thiên nhiên cũng có ưu đãi cho ta sông, suối, núi đồi và nhiều cuộc chơi, giải trí lành mạnh. Cho nên tôi thờ ơ và ít quan tâm đến chuyện hiểm nguy của viruscorona. Tôi nói:

- Mama nói trúng một trăm phần trăm! Nhưng sự buồn chán trong tui còn rất thấp, nó hổng đủ kích thích đưa đến sự mệt mỏi, mất ngủ, chán chường rồi than vắn thở dài.

- Có thể papa thấy mọi thứ là vô nghĩa nên hổng quan tâm.

- Ồ, đây cũng là một vấn đề, theo ý tui thì ngược lại, buồn chán là hậu quả của việc làm không ý nghĩa. Nhưng nó cũng cho ta thấy mọi thứ đều có ý nghĩa,  cũng nhờ nó mà con người ta hướng thiện, muốn sống một cuộc sống có ý nghĩa hơn và luôn luôn kiếm tìm làm việc gì đó có ích cho đời, cho người. Nói chung muốn hết buồn chán, chúng ta phải tham gia vào những sinh hoạt tích cực, đừng để những chuyện tiêu cực tác động thì thâm tâm mình sẽ được yên ổn thôi.

- Ờ, nhưng quan trọng là phải làm như thế nào?

- Hổng nên quá quy tắc phải làm theo cách của người này, người nọ mà do trực giác và sự trải nghiệm của chính mình, bằng cả tấm lòng và những mối quan hệ là biết chia cơm, sẻ áo cho những người cùng khổ.

- Chuyện này mình cũng  có làm nhưng sao vẫn thấy chán nản và bất an ?

- Có lẽ tại mình làm chưa đủ.

- Bao nhiêu mới đủ?

Tôi đổi giọng khôi hài, nói:

- Chuyện đủ thiếu ở đây là về mặt tinh thần, mình sống sao cho tốt với gia đình, láng giềng, bạn bè, đồng nghiệp thì sẽ mang lại cho mình cảm giác sâu sắc, tức là đầy đủ ý nghĩa cho cuộc sống. Khác hơn chuyện đong lúa, đong gạo đóng góp cho hội từ thiện vài ba tấn và chút ít tiền giúp đỡ người khó khăn trong mùa đại dịch, rồi ngồi bấm truyền hình lên xem mấy cái clips bên nhà, coi bà con có lãnh được gạo, nhận được tiền và mong ngóng coi dịch bệnh qua khỏi chưa.

Trúc Thanh xìu mặt, chau mày nói:

- Nãy giờ nói chuyện tui thấy mệt thêm, mình phải làm sao, chớ hổng lẽ ngồi một chỗ chịu trận, cho cái buồn chán nó lấn dần làm ngột ngạt, khó thở không khác nào bị nhiễm viruscorona.

- Tui thấy sự buồn chán nó lây sang người khác cũng hổng thua gì Cô-vít.

- Ừa, tui nghỉ còn hơn nữa, vì buồn chán nó lây qua báo chí, đài phát thanh, truyền hình. Còn Cô-vít thì lây người qua người.

Trúc Thanh cười ra tiếng và nói tiếp:

- Vì vậy cho nên tui hổng dám chat hay gọi nói chuyện với bạn bè, luôn cả gia đình bên nhà cũng hổng dám gọi luôn.

Tôi cũng cười và nói:

- Từ ngày đại dịch cho tới nay tui mới thấy mama cười tươi.

Là một thủy thủ, thường đi đó, đi đây mà bị treo giò ở nhà mấy tháng trời, lâu rồi không còn có những cuộc hẹn với bạn bè lên hội quán và vào lúc lên đèn lang thang trong một thành phố lạ hay ngồi bên gành đá trên một bãi cát ở hải đảo xa xôi. Có lẽ vì sự ngăn cách giữa con người do dịch bệnh, sự thay đổi dường như đánh mất thói quen hàng ngày hoặc vì ở nhà lâu quá lòi ra một đống thời gian nhàn rỗi, công việc đã biến mất thì sự nhàm chán nó hiện ra. Biết vậy cho nên tôi tìm tòi, học hỏi để biết cách làm sao giảm bớt sự buồn chán. Tôi nói tiếp:

- Có lẽ tại ngày nào mama cũng ngồi xem và đọc tin tức trên báo mạng, nghe truyền thanh, xem truyền hình, nhứt là xem những videoclips ở Việt Nam, toàn chuyện tiêu cực làm tâm mama bất an rồi sanh ra buồn chán chớ gì?

- Có thể lắm! Sợ dịch hổng dám ra ngoài chơi, nằm nhà mở truyền hình theo dõi những chuyện ở bên kia trái đất, mà toàn là những chuyện xấu xa không. Tui chưa thấy trên thế giới có nước nào chống dịch bát nháo như ở nước Việt Nam. Cái ngữ này mà ngồi xem riết, hổng bị mắc dịch cũng bị bịnh trầm cảm rồi tiêu đời luôn.

- Cô-vít mới mẻ quá, nên nước nào cũng bát nháo chớ hổng riêng gì Việt Nam. Nhưng dịch qua mau hay chậm còn tùy theo nhận thức của người dân và chánh quyền nước đó có đủ thông minh để điều hành chống dịch không nữa.

Tôi chờ xem phản ứng của vợ, nhưng Trúc Thanh hổng nói gì mà ngồi bật dậy, cầm đồ bấm lên, bấm tắt truyền hình rồi đứng lên đi vô bếp rót ra hai ly nước bưng lại để trước mặt tôi một ly. Thanh để ly nước của cô lên bàn và ngồi xuống chiếc ghế đối diện. Với vẻ mặt buồn buồn, cô nói mà như kể chuyện:

- Papa nói cũng đúng, ngồi xem mấy cái videoclips cảnh chiếc xe gắn loa nặng watt chạy hô hào những khẩu hiệu chống dịch ầm ĩ trên các đường phố, thôn làng đề cao sự sáng suốt của chánh quyền, rồi đẻ ra một đống khẩu hiệu như là “Chống dịch như chống giặc, năm K, năm T, ba tại chỗ, một cung đường hai điểm đến...”.

- Oh! Nghe cũng kiêu lắm chớ.

- Kiêu gì mà kiêu, xem tin tức thì thấy ông thủ tướng cùng quốc hội họp hành lia chia rồi đưa ra hết chỉ thị này tới nghị quyết nọ, còn lịnh cho công an thành lập những chốt chống dịch chặn đá, giăng giây trong các đường phố và trên quốc lộ, để bắt đầu cho chuyện cấm chợ ngăn sông. Nhưng khi chỉ thị trung ương xuống địa phương thì quan quyền, công an, cảnh sát giao thông đẻ ra thêm cả đống chỉ thị khác, mỗi người mỗi cách hổng ai giống ai, làm cho cả nước xôn xao, bát nháo lên như thời loạn lạc. Chỉ thị của nhà nước đưa ra ai ở đâu thì ở đó, chuyện có nhà nước lo, hổng ai bị đói và hổng ai bị bỏ lại sau lưng. Vậy mà dân chúng trong thành phố ào ạt bỏ chạy, họ bồng bế nhau chạy trong sự sợ hãi, bất an, trên đường chạy tránh dịch có những đứa bé vài ba tháng tuổi được ba, má bồng theo dãi nắng, dầm sương, ăn bờ ngủ bụi giống y chang như cái thời chiến tranh, loạn lạc.

Tuy trong lòng tôi cũng thấy chán nản và khó chịu. Nhưng nhìn nét mặt buồn bã của vợ thấy mà thương, tôi dịu giọng nói với vợ mà cũng nói với chính mình:

- Tất cả do mình thôi em, mình làm mình mất tự tin, căng thẳng, buồn chán và cảm thấy hổng có gì chắc chắn hết.

- Chớ nhìn cảnh khắp nước nháo nhào loạn xị cả lên ai mà hổng thấy thương tâm.  

- Nhìn về mặt tiêu cực thì mama thấy vậy, còn nhìn qua mặt tích cực thì cũng có khác.

- Tui hổng thấy gì khác và cũng hông có gì là tích cực hết?

- Sao không! Những tổ chức Không Đồng, những mạnh thường quân, những người giàu tốt bụng, những nhà tu hành trong nước và những người nước ngoài, góp công, góp của lo cho những người nghèo khổ. Còn y tá, bác sĩ, nhà sư, ni cô, ông cha, bà phước ngày đêm chăm lo cho bệnh nhân và nhiều hội từ thiện lo chôn và đốt những người chết vì Cô-vít. Nếu hổng có những việc tích cực như vầy thì dân chúng trong vùng dịch sẽ ra sao?

- Ờ, papa nói cũng đúng, chuyện này mà để cho các cơ quan, công an và lính tráng của nhà nước lo thì dân Sài Gòn chết đói hết trơn.

- Cũng có thể, nhưng nói cho cùng thì chánh quyền Việt Nam cũng còn khá hơn chánh quyền Trung Cộng.

- Khá gì đâu?

- Mama hổng thấy sao, một xã hội dân sự đã được thành hình ở Việt Nam. Còn bên Tàu từ đầu mùa dịch cho tới giờ mình có thấy bóng dáng một hội từ thiện nào vô giúp đỡ dân họ đâu.

- Tại nhà nước Trung Cộng hổng cho người ngoài vô làm.

- Mama ngộ ra rồi phải không?

- Ờ, ngộ ra  lúc này thôi, tui nghĩ qua dịch rồi thì đâu cũng vô đó.

- Chuyện này thì tùy thuộc sự quyết tâm của dân Việt Nam mình thôi. Khôn thì nhờ, dại thì chịu!

- À, mà trước tới giờ làm chuyện gì mình cũng đồng lòng với nhau, nhưng từ khi dịch Vũ Hán xuất hiện tới nay, vợ chồng mình cứ như nước với lửa, mở miệng ra là bốc đồng, lớn tiếng.

- Đây hổng phải hiện tượng trầm cảm thì là gì.

Thúc Thanh rùng mình một cái:

- Ờ hén, papa nói đúng, ghê thiệt!

Mãi tới hôm nay tôi mới thấy vợ mình ngoan ngoãn, chăm chú lắng nghe, và nhìn ra sự thật. Tôi mỉm cười và nói với giọng nghiêm túc:

- Sao mama sao hổng nhìn lại bên trong mình, khám phá nguồn năng lượng tốt đẹp trong tâm, tui tin nó sẽ làm cho mama dễ chịu mà ngủ ngon.

Tôi chờ Trúc Thanh nói gì đó, nhưng cô chống tay lên gò má, hai mắt sáng ngời, vui tươi và nhìn tôi không chớp, cô ra chiều suy nghĩ nhưng không nói gì. Thấy vậy tôi nói tiếp:

- Coi như nhờ trận dịch này thử nghiệm quan hệ vợ chồng mình.

- Sống với nhau tới già rồi mà còn thử nghiệm sao?

- Cuộc sống này luôn luôn thay đổi, luôn luôn là cuộc thử nghiệm, mama hổng thấy sao. Cả năm qua dường như mình không cùng ở chung một tần số. Đã đến lúc vợ, chồng mình điều chỉnh băng tần lại được rồi.  

Gương mặt Thanh trở nên rạn rỡ và giọng nói nhỏ nhẹ hơn:

-  Nhưng điều chỉnh bằng cách nào và bắt đầu từ đâu?

- Ngay bây giờ!

Tôi đưa mắt nhìn ra vườn nhà sau, hổng biết từ lúc nào mà trời mưa lâm râm. Day nhìn xuống laptop, tiện tay rà chuột bấm xem trang thời tiết, thấy thông báo, chiều nay trời gió nhẹ, hổng có mưa nhưng nắng đẹp và nhiệt độ lên tới hai mươi sáu độ C. Tôi ngước lên, chỉ tay ra vườn nhà nói:

- Mama nhìn kìa, vườn sau nhà hôm nay bông nở nhiều và đẹp lắm nhưng vì lâu ngày hổng chăm sóc nên hoa lá nó lộn xộn hết trơn.

Trúc Thanh đứng dậy bước ra đứng bên cửa kiếng, mặt ngó ra ngoài nhìn mưa, mưa trong ánh, trời không gió nên mưa thẳng giọt. Tôi bấm tắt laptop đứng lên đi lại bên vợ. Thanh day ngang vịn tay lên vai tôi và nói:

- Coi dàn bầu kìa, nó bò qua tới bên kia mái nhà kho rồi.

Nhìn những trái bầu trái cở ngón tay cái bị vàng và vài trái lớn cở cườm tay treo lủng lẳng dưới dàn tôi nói:

- Trái ra cũng nhiều, nhưng hổng biết đậu được bao nhiêu?

- Ờ, bị vàng cũng nhiều.

Tôi đưa tay mở cửa, đội mưa bước đi ra nhà kho, moi trong góc nhà lấy ra cái ghế dài, chiếc chiếu nylon và cây dù lớn mà tôi đã xếp cất từ mùa hè năm ngoái, ôm mấy thứ vô để giữa nhà. Thanh ngạc nhiên hỏi:

- Papa lấy mấy cái này vô làm gì vậy?

- Lát trưa mình đi ra bãi cát nằm chơi.

- Trời mưa mà ?

- Chút xíu nữa hết mưa và trưa nay nắng đẹp lắm. Mama lên soạn đồ rồi xuống làm bánh mì, bỏ theo mấy chai nước, nhớ lấy khăn và quần cụt cho tui và mama cũng đem theo đồ tắm, có thể lội xuống nước được đó.

Trúc Thanh nghe đi biển thì mừng húm:

- Ờ, ờ được đó lâu lắm rồi mình chưa đi biển.

Nói xong cô liền đi lên phòng soạn đồ. Ngó ra ngoài, trời vẫn còn mưa, tôi đi lại chỗ để đồ đạc của con chó, lấy chiếc lược rồi đi ra khoảng trống giữa nhà, ngoắt con Kuma lại, nó liền chạy lại liếm liếm chân, tôi ngồi xuống vừa chải bộ lông trắng mượt vừa nói:

- Trưa nay con theo papa, mama ra bãi cát chơi thì phải chải chuốt lại cho đẹp trai mới được.

Có lẽ con chó hiểu được những gì tôi nói nên trong họng nó ư ử và ngoan ngoản nằm xuống. Đương chải lông cho Kuma, Trúc Thanh cầm hai bộ đồ từ nhà trên đi xuống, hỏi:

- Papa coi tui bận đồ nào được?

- Xuống biển đổi không khí một buổi thôi mà, mama bận cái nào cũng được, miễn sao cho thoải mái là ô kê.

- Nãy giờ lựa hoài mà hổng biết bận cái nào.

- Vậy thì khỏi bận cái nào hết, mình đi xuống bãi trần, truồng cho khỏi mất công chọn lựa.

- Cái ông này, già rồi mà ăn nói bậy bạ không à! 

Thanh mắn tôi một cái rồi bỏ lên nhà trên. Tôi tiếp tục chải lông cho Kuma, từ ngày bị dịch Cô-vít tới nay, sợ nhiễm bịnh, chúng tôi hổng cho mấy đứa con về nhà, nhờ có Kuma trong nhà mới có chút rộn ràng và sáng ra đường dẫn nó theo cũng thấy vui, nếu hông có nó vợ chồng ở nhà buồn hiu. Chải lông cho Kuma xong thì trời đã tạnh mưa rồi. Tôi vuốt vuốt lên lưng con Kuma, nói với nó:

- Đẹp trai rồi.

Kuma day lại liếm liếm vào tay tôi. Tôi đứng lên dẹp cái lược rồi đi lại ôm cái ghế, cây dù và chiếc chiếu đen ra để xuống bãi đậu xe. Vừa mở cốp xe định để đồ vô thì thấy ông hàng xóm, thật ra thì bà chớ hổng phải ông, cách một cái nhà có hai người phụ nữ đồng tình luyến ái sống chung nhau, nhưng bà này tướng tá mạnh mẽ giống đàn ông, bà cũng tự nhận là đàng ông, nên tôi gọi là ông. Ông cũng mang lỉnh kỉnh đồ đạc ra để lên sau chiếc xe du lịch. Tôi chào buổi sáng, ông chào lại và nhìn cái mớ đồ tôi để dưới đất, ông hỏi:

- Đi nghỉ hè hả?

Tôi đưa tay ra khoát khoát độ chừng, nói:

- Đi ra con đê Lelystad nằm chơi. Còn ông?

- Xuống miền Nam chơi một hai ngày thôi.

- Miền Nam tháng trước bị nước ngập, hổng biết giờ ra sao?

- Nước đã vựt xuống và mọi sinh hoạt bình thường lại rồi.

- Vậy à.

Ông hỏi:

- Vợ ông có ở nhà không?

- Có.

- Tụi tui đi nghỉ hè, muốn nhờ vợ ông giúp chút chuyện.

- Ông muốn bà xã tui giúp gì thì vô nhà hỏi bả đi.

Nói xong hai người mạnh ai nấy lo việc của mình. Tôi bỏ đồ vô cốp xe. Trúc Thanh trong nhà đi ra hỏi:

- Có dẫn Kuma theo không?

- Có chớ.

- À, xong rồi papa đi mua một cây bánh mì.

- Sao hổng ăn bánh mì lát với phó mát cho gọn.

- Tui còn xá xíu với đồ chua, ăn bánh mì cây mới hợp, papa nhớ mua bánh mì loại ổ nhỏ của Pháp mới dòn.

- Yes. Madam!

Ông hàng xóm đang bỏ đồ đạc lên xe, thấy Trúc Thanh day lưng đi vô nhà, ông chạy theo chận lại và hỏi gì đó. Tôi cũng hổng tò mò hóng chuyện làm gì, bèn đi ra phía trước mở nắp thăm nước xe và thăm nhớt máy. Khi tôi vô nhà hổng thấy Trúc Thanh đâu, đoán biết cô ta qua nhà bên coi ông hàng xóm nhờ làm gì đó. Tôi lấy dây dẫn và kêu Kuma lại đưa cổ cho tôi trồng dây vô rồi dẫn đi ra cửa. Vừa tới cửa thì gặp Trúc Thanh bưng cái vỉ có mấy trứng gà, cô đi vào. Miệng cười toe toét, vui vẻ nói:

- Chờ tui để trứng vô nhà rồi đi theo với.

Tôi với Kuma đi ra đường trước nhà đứng chờ. Không lâu sau Trúc Thanh trở ra đi cùng. Chúng tôi đi trên con đường hai bên là thảm cỏ xanh mượt. Tôi cúi xuống tháo dây cho con Kuma rồi đứng lên cười ha ha và nói với Trúc Thanh:

- Hồi nãy tui đoán hôm nay mình có trứng gà ăn, là có liền.

Trúc Thanh nói:

- Bà hàng xóm...

Tôi chặn:

- Ông chớ bà gì.

- Bà ở trong nhà mà, Trúc Thanh nói tiếp, bà cho trứng còn đưa chìa khoá cho tui, nhờ tui coi chừng nhà dùm và cho gà ăn trong thời gian hai người đi nghỉ hè.

- Vậy hả?

Lúc đó Kuma đứng lại trên sân cỏ ngước đầu chỏ mõm lên trời, cong hai chân sau xuống muốn ỉa, tôi đưa sợi dây dẫn cho Trúc Thanh và chỉ tay vô siêu thị,  nói:

- Chờ Kuma ỉa xong, mama dẫn nó đi một vòng, tui vô siêu thị mua bánh mì. Xong rồi trở ra mình vô nhà và đi ra biển chơi được rồi.

- Papa nhớ mua xúc xích cho Kuma nữa nhé.

Hôm nay Chủ Nhựt, đầu tuần tháng chín, mặc dù hai mươi mốt tháng chín trời Hoà Lan mới vào thu. Nhưng tôi nghĩ, dù thời gian có đi qua hay trở lại cũng hổng quan trọng lắm, vì tôi đã nhận ra rằng, trong những ngày mùa hè vẫn có lẫn lộn ngày mùa thu hoặc mùa xuân. Hè năm nay thời tiết thất thường, ngày dài và đêm cũng dài. Hai tuần qua mưa nhiều và trời cứ ui ui, bổng dưng trưa nay có nắng đẹp. Dù rằng tôi là người yêu thích những cuộc phiêu với những tuyến đường dài, nhưng tôi vẫn thấy có điều thú vị về những kỳ nghỉ ở bãi biển, nhứt là Trúc Thanh, nghe tới biển  là cô ta phấn chấn lên, cho nên biển đối với chúng tôi trở nên thân thiết. Vì vậy hễ môi lần muốn đi chơi, y như rằng, chúng tôi nghĩ ngay chuyện ra biển. Nếu đi đường trường thì tôi lên núi hoặc vô rừng và tham quan những cảnh thiên nhiên. Riêng nơi phố thị chúng tôi xem là hàng thứ yếu, là nơi để ăn, uống vui chơi tạm thời. Thiên nhiên mới là nơi cho chúng tôi thưởng ngoạn.

Hơn một năm qua, chúng tôi không có một kỳ nghỉ nào ở bãi biển, nhưng điều đó không ngăn chúng tôi hổng nhớ về biển. Chuyến ra bãi cát chiều nay, cũng là chuyến đi để chuyển đổi những ý nghĩ nằm lì quá lâu, làm cho Trúc Thanh hơi hơi trầm cảm. Bãi cát dài chứa được hàng ngàn du khách, biển nằm trong con đê lớn, nước ngọt, tuy nhỏ hơn so với biển nước mặn, nhưng đủ rộng cho nhiều người trượt nước với những chiếc dù đủ màu sắc gần và xa có những chiếc tàu trắng tươi với những cách buồm cũng trắng tươi, thấp thoáng trên mặt nước phản chiếu lóng lánh ánh mặt trời. Lâu lắm rồi chúng tôi mới thấy được nhiều người đi trên bãi cát, để đề phòng Cô-vít, họ cấm dù trải khăn ngồi từng nhóm giữ khoảng cách. Chúng cũng tôi mở ghế xếp ra, trải chiếu, cắm dù lên cát và bung dù ra lấy bóng mát. Con Kuma liền đi lên chiếu ngồi, mặt ngó ra biển, Trúc Thanh cũng ngồi xuống vuốt tay lên lưng Kuma.  

Một ngày đầy cảm hứng, buổi sáng man mát yên bình, buổi trưa nắng ấm và tâm thần thoải mái, nhứt là bên người mình yêu thương. Kuma thấy mấy con chó khác vui đùa trên cát nó liền đứng dậy, sủa một cái rồi chạy ra nhập bọn. Tôi thay quần cụt rồi cùng Trúc Thanh đứng lên thong thả bước chân trần đi xuống viền nước. Trúc Thanh nhúng chân xuống làn nước trong, dùng mình một cái và nói:

- Nước lạnh quá, cho nên hổng có người xuống tắm.

Tôi cũng bước chân xuống nước, nghe những hạt cát mịn màng vuốt ve ngón chân lành lạnh. Tôi nói với Trúc Thanh:

- Mama chỉ cần nhắm mắt lại thì cảm nhận được con sóng nhè nhẹ mơn trớn đôi chân trần mát lạnh và cát mịn êm êm....

Không gì bằng một ngày thư giãn trên bãi cát để xoá tan những phiền muộn, âu lo ngót cả năm qua và ánh nắng mặt trời chiếu xuống cũng đủ mang lại cảm giác yên bình. Ta có thể lặng sâu vào tâm thức mới thấy được mùa hè tuy có rất nhiều màu sắc, nhưng thiên nhiên miền biển chỉ có hai màu; màu xanh có bầu trời và nước biển; màu vàng có nắng và cát./.

Dronten 7-9-2021

 

*Thơ Phạm Thị Hà

 

 

 

 

 

  

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguyễn Lê Hồng Hưng
Số lần đọc: 972
Ngày đăng: 18.10.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nước Mỹ của Ai - Mỹ Ca
Sài Gòn vừa đi qua “Cơn bão” đang từng bước hồi sinh - Hoàng Thị Bích Hà
Sài Gòn nắng cũng lắm mong manh ... - Bùi Hoàng Linh
Mưa buồn rơi xuống phía hoàng hôn (Tiếp theo và hết) - Hoàng Thị Bích Hà
Quán về khuya - Phan Tấn Uẩn
Hoa sứ nở trái mùa - Nguyễn Đại Duẫn
Mối tình Chơn - Trần Yên Hòa
Anh tôi! - Hoàng Thị Bích Hà
Truyện dài như dòng sông - Vinh Anh
Phía dưới là ngày đang lại - Nguyễn Thị Kim Lan
Cùng một tác giả
Trên một dòng sông (truyện ngắn)
Mùi Tôm Bạc Đất (truyện ngắn)
Hội Quán Thủy Thủ (truyện ngắn)
Mùa cá đường hội (truyện ngắn)
Giáng Sinh Trắng (truyện ngắn)
Chuyến Ðò Tốc Hành (truyện ngắn)
Tâm Bịnh (truyện ngắn)
Anh cũng sẽ về (truyện ngắn)
Trên Bến Grega (truyện ngắn)
Thư Không Viết (truyện ngắn)
Chiều Lên Hội Quán (truyện ngắn)
Đêm bảo Tuyết (truyện ngắn)
Kỷ Niệm Sông Elbe (truyện ngắn)
Cháo Chuột (truyện ngắn)
Trên Một Chuyến Tàu (truyện ngắn)
Sáng nắng chiều mưa (truyện ngắn)
Bốn Biển Là Nhà (truyện ngắn)
Gái Nga Gốc Việt (truyện ngắn)
Hết Mê (truyện ngắn)
Thủ Đô Helsinki (tiểu luận)
Đêm Thánh Nữ Lucy (truyện ngắn)
Chôn đi quá khứ (truyện ngắn)
Con chim bay lạc (truyện ngắn)
Thuyền Nhân (truyện ngắn)
Miền Kinh Rạch (truyện ngắn)
Thủy thủ về nhà (truyện ngắn)
Thời lưới gộc (truyện ngắn)
Thủy thủ ăn chơi (truyện ngắn)
Chuyến đi cuối cùng (truyện ngắn)