Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.077
123.233.817
 
Dạ khúc
Huỳnh Anh

Đang tưới mấy chậu kiểng chợt thấy có bóng người, ông Bách đặt chiếc thùng xuống đất vội vã bước ra cổng, sững sờ trước người khách đang đứng lặng nhìn mình. Đó là một người đàn bà tuổi trên bốn mươi, dáng hơi gầy, tóc búi cao, mặc bộ đồ lụa trắng sang trọng, cổ trắng ngần đeo xâu chuỗi ngọc óng ánh. Ánh mắt người đàn bà u buồn như đang chất chứa một nỗi niềm u uẩn trong lòng.

- Anh Bách.

Tiếng gọi của bà run run nghẹn tắt, ông Bách bỗng đứng chết lặng, hai tay bấu vào cánh cổng sắt, môi mấp máy như muốn nói điều gì đó nhưng không thể thành lời. Mãi một lúc sau, qua hơi thở hổn hển như người đang kiệt sức trong cuộc đua chạy đường trường, ông cố gắng thốt lên mấy tiếng:

- Ngọc, em tìm tôi ?

Người đàn bà im lặng, ánh mắt thay cho cái gật đầu. Sau vài phút giây xúc động, ông Bách định thần mở nhanh cánh cổng. Bà Ngọc nhìn vào nhà:

- Chị có ở nhà không?

Ông Bách lắc đầu:

- Vợ tôi đi công chuyện.

- Em vào nói chuyện với anh một chút được không?

- Sao em lại nói vậy? Gặp em tôi mừng lắm mà. Em vô nhà đi.

Bà Ngọc chậm rãi đi theo sau ông Bách vào nhà, ngồi vào sa-lông. Trong lúc ông Bách loay hoay pha trà, bà Ngọc đưa mắt nhìn quanh, dừng mắt ở cây đàn độc huyền nằm trên đầu tủ. Rồi bà bước đến lặng nhìn thật lâu, đưa tay run run đỡ lấy cây đàn quay lại chỗ cũ, tay vẫn ôm chặt cây đàn vào lòng như một báu vật thiêng liêng, đưa tay sờ từ đầu đàn đến cuối thùng đàn. Đón lấy tách trà ông Bách đưa cho, bà không dám nhìn thẳng vào mặt ông Bách.

- Ngọc uống nước đi!

Ông Bách lúng túng không tìm được câu gì khác. Bao nhiêu năm giảng dạy ở nhạc viện nổi tiếng là người thầy giàu kiến thức, ăn nói lưu loát, lúc này ngôn ngữ biến đâu mất hết. Bà Ngọc khẽ hói:

- Hơn hai mươi năm rồi, anh vẫn còn giữ cây đàn này?

Tách trà trên tay ông Bách run run:

- Làm sao tôi bỏ nó được hả Ngọc?

Bà Ngọc ngước lên, giọng nghẹn ngào:

- Thời gian khắc nghiệt quá, mới đó mà chúng ta đã già hết rồi. Anh còn nhớ không, hồi ấy em mới hai mươi hai, còn anh ba mươi...

Hai người ngồi lặng yên nhìn nhau. Dòng thời gian như trôi ngược lại, tái hiện cuộc đời sương gió của người nhạc công nghèo cách đây trên hai mươi năm...

*

*             *

Chợ xã nằm trên một bãi đất trống bên dòng sông nở đầy hoa lục bình, từ đường cái muốn vào tới đó phải mất nửa ngày đi xe hoặc đi vỏ lãi bằng đường sông. Gánh cải lương ''Gió Nam'' của bầu Ba Bé là một gánh hát nhỏ, không có tiền hợp đồng diễn viên ngôi sao nên không cầm cự nổi ở thành phố, phải cơm ghe bầu bạn vào vùng sâu nông thôn, khán giả là dân làm ruộng vườn chài lưới, rất ghiền cải lương vì đôi ba năm mới có gánh hát về, nhưng cuộc sống vật chất không được khá lắm. Những đêm đầu, khán giả ủng hộ rất đông, tiếng vỗ tay như bắp rang mỗi lần hết màn hoặc lúc đào kép xuống vọng cổ mùi mẫn. Nhưng số người đến ít dần vì túi tiền đã cạn. Mỗi ngày hai bữa bầu Ba Bé chịu phần cơm, thức ăn mỗi người tự lo lấy, ai có tiền mua thức ăn ngoài tiệm, không có tiền mượn chài hoặc rổ xúc ra sông kiếm cá tép. Đó là một gánh hát nghèo cơ cực chưa từng thấy.

Một buổi tối, sau khi vãn hát Bách thả bộ ra mé sông hóng mát trước khi về ngủ, chợt có một bé trai trạc chín mười tuổi chạy theo níu tay, hỏi nhỏ:

- Có phải anh là anh Bách đàn độc huyền trong gánh cải lương không?

Bách ngạc nhiên:

- Cưng hỏi chi vậy?

Thằng bé mỉm cười vẻ bí ẩn:

- Ậy, có chuyện...

Bách vuốt tóc đứa nhỏ:

- Ừ, anh là người đàn bầu đây.

Thằng bé lắc đầu:

- Vậy là không phải, tôi kiếm anh đàn độc huyền kia!

Bách cười:

- Đàn bầu hay độc huyền cũng là một thôi.

Thằng bé vui mừng dúi một gói lá chuối khá to vào tay Bách, nói nhanh:

- Chị Hai tui gởi cho anh cái này!

Bách chưa kịp nói gì thằng bé đã chạy đi, Bách nhìn theo thấy thấp thoáng có bóng một cô gái đang đứng đợi ở lũy tre đằng xa. Bách quay về mở gói ra, bên trong có khoảng một chục con khô cá lóc rất ngon. Liên tục mấy đêm liền, thằng bé mang quà của chị Hai đến cho Bách, những món quà cây nhà lá vườn rất chân tình như tôm khô, chuối ép, cá bống kho mặn... Hình như cô gái xa lạ kia biết được hoàn cảnh sống cơ cực của Bách.

Một bữa, Bách không chịu nhận quà, nói với thằng bé:

- Chị Hai em không cho anh gặp mặt anh không nhận quà nữa.

Thằng bé chạy đi, chốc sau quay lại níu tay Bách nói nhỏ:

- Vãn hát anh ra bụi tre ngoài bờ sông, chị Hai tui chờ anh ở đó.

Thế là Bách đã gặp được người ái mộ anh trong những đêm diễn.

Đó là một cô gái trên hai mươi, tóc dài, mặc chiếc áo bà ba màu hoa cà. Cảm giác đầu tiên của Bách khi nhìn thấy là cô gái rất đẹp. Dưới ánh trăng, cô hiện ra với khuôn mặt nhỏ nhắn, đôi mắt to đen, đôi môi cười e ấp trông thật duyên dáng. Một nét đẹp dịu hiền kín đáo của dân quê, khác xa nét đẹp sắc sảo đài các của các cô gái thành thị. Bách hỏi, giọng êm đềm:

- Chính cô đã gởi quà cho tôi mấy đêm nay?

Cô gái không trả lời, cúi mặt e ấp, tay vân vê chéo áo. Bách hỏi tiếp:

- Cô tên gì?

Cô gái đáp lí nhí:

- Dạ, em tên Ngọc!

Bách nhìn Ngọc, giọng cảm động:

- Xin cảm ơn Ngọc đã giành cho tôi và anh em trong gánh hát một tình cảm tốt đẹp.

Lúc đầu, Ngọc tỏ vẻ e ngại, sau một lúc tiếp xúc thấy Bách cởi mở, vui vẻ, cô mới bộc lộ:

- Một người con gái đem quà biếu tặng cho một người con trai xa lạ để làm quen là một việc làm không hay. Mong anh Bách hiểu giùm, thật tôi không có ý gì khác. Mỗi đêm tôi đến xem hát, nghe anh đàn hay quá, tôi quên cả tuồng tích, không nhớ tên đào kép, chỉ lắng nghe tiếng đàn của anh thôi. Ôi, những tiếng đàn kỳ lạ, nó cứ như là những mũi kim đâm vào trái tim tôi nhói đau. Thế mà sáng ra anh lại phải vác chài lang thang ngoài bờ sông kiếm từng con tôm con cá. Tội quá! Bàn tay anh để cầm đàn chớ đâu phải để cầm chài. Tôi gửi thức ăn cho anh để anh có thời gian nghỉ ngơi đàn cho hay hơn.

Bách mỉm cười cay đắng:

- Đời nghệ sĩ khổ lắm, nhất là ở một gánh hát nghèo như thế này.

Sáng hôm sau, Bách tìm tới nhà Ngọc. Đó là một căn nhà lá nhỏ cặp bờ sông, trước nhà có một miệng vó. Ngọc sống với mẹ, một người đàn bà đen đúa, tần tảo suốt ngày với chiếc rổ xúc trong tay. Ba Ngọc không chịu đựng nổi cảnh nghèo túng nên đã bỏ lên rừng làm gỗ. Cuộc sống gia đình đều do một tay bà mẹ lo liệu.

Những cơn mưa cuối mùa dai dẳng suốt ngày. Ba Bé quyết định cho đoàn đóng lại đây một tháng để tập tuồng mới. Ngọc mừng lắm và Bách cũng vui không kém. Ngày nào anh cũng lui tới thăm Ngọc. Dì Tư mẹ Ngọc cũng rất mến Bách. Mỗi ngày ngoài giờ tập tuồng, anh đến phụ giúp những việc lặt vặt trong gia đình. Anh còn xách đàn tới đàn cho Ngọc nghe, giảng giải đủ điều về cổ nhạc, thế nào là dây hò, dây xề, bản nam, bản bắc. Ngọc không hiểu gì về cổ nhạc, nhưng mỗi lần tiếng đàn của Bách cất lên, ánh mắt của Ngọc đổi khác, lặng người mải mê đắm hồn trong những âm thanh kỳ diệu. Cô rất thích bài ''Dạ khúc'' với những âm thanh buồn đến não lòng. Mỗi lần Bách đàn bài này, anh đều thấy đôi mắt Ngọc đỏ hoe.

Họ đã yêu nhau, mọi người đều biết và dì Tư cũng biết, cho rằng không thế nào tránh được. Lúc đầu lối xóm khuyên dì hãy ngăn cản sớm, để con gái vướng vào ''đám xướng ca vô loại" sẽ khổ suốt đời. Nhưng trước sự quyến luyến của đôi bạn, dì Tư không nỡ. Kệ, âu cũng là cái số của nó - Dì Tư thầm nghĩ thế và làm lơ khi thấy Bách có những cử chỉ âu yếm Ngọc.

Cho đến một đêm, sau khi vãn hát, Bách xách đàn đi tìm Ngọc. Cô đang giữ chòi vó. Bên ngọn đèn con cóc, Bách đàn bài ''Dạ khúc'', hát cho Ngọc nghe để thay cho lời ngọt ngào của tình yêu. Giữa không gian yên ả của đêm miền sông nước, tiếng hát êm đềm của Bách hòa trong lòng sóng rì rào.

"Đêm thanh não nùng trong gió

Ôi tiếng tơ gửi bao niềm thương nhớ.

Ai đàn cho xao xuyến lòng tôi thương người

Một đời cô đơn vẫn chắt chiu bên cung đàn

Liu ú liu oan... như chứa bao nỗi niềm

Tiếng tơ xoáy vào tim tôi

Ôi nhói đau thương người khôn nguôi.

Ôi giữa đêm thao thức theo những tiếng đàn bầu

Ôm nỗi đau một sợi dây đồng

Dù bao sương gió thương hoài cung đàn ơi…"

Một tiếng nấc trong đêm vắng, Ngọc gục đầu vào vai Bách khóc nức nở.

Bách buông đàn, vuốt tóc Ngọc:

- Ngọc ơi, sáng mai bọn anh đã ra đi.

- Nghĩa là... em không còn có dịp được nghe anh đàn nữa...

Bách kề môi mình vào đôi môi se lạnh run rẩy của Ngọc.

Ngọn gió từ ngoài sông thổi tạt vào làm tắt phụt ngọn đèn con cóc.

Đêm ấy chỉ có cây đàn độc huyền trên bộ vạt tre chứng kiến tình yêu của hai người.

Tiếng gà eo óc gáy bên kia sông. Ngọc choàng dậy, bàng hoàng như vừa thoát khỏi một cơn mê, ôm mặt khóc nức nở. Bách choàng tay qua vai cô gái, âu yếm:

- Ngọc, anh mãi mãi yêu em.

 Ngọc úp mặt vào lòng bàn tay, khẽ lắc đầu:

- Yêu hay không, chút nữa mình cũng xa nhau...

- Anh sẽ quay lại với em.

- Thật không anh?

Ngọc ngước lên, mắt đầm đìa nước mắt:

- Anh tưởng em không biết anh có vợ sao? Ôi, em đã không nghe lời ông bà mình: ''Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu''. Em không thể cưỡng được lòng mình khi nghe tiếng đàn của anh. Vậy là đời con gái của em hết rồi!

Ngọc lại khóc nức nở. Bách lặng người. Anh ôm choàng lấy Ngọc, giọng nói như nghẹn đi:

- Không, anh yêu em thật lòng, không có ý lừa dối em đâu. Ngọc ơi, sự thật anh đã có vợ ở quê nhà. Nhưng cuộc sống gia đình không hề có hạnh phúc. Trong khi tiếng đàn của anh đối với em là tất cả niềm xúc cảm thì với cô ta chỉ là những âm thanh vô nghĩa và khó chịu. Trong khi anh say sưa với nghệ thuật thì cô ta lại mải mê lao vào cuộc sống thực dụng nhàm chán. Mỗi người đều có lý riêng nhưng có viện lý lẽ gì thì điều ấy cũng là mầm mống của sự đổ vỡ. Ngọc ơi, chỉ có em mới thật sự là người bạn đời cùng anh và cây đàn. Anh sẽ trở lại để đàn cho em nghe suốt cuộc đời.

Trước những lời chân tình của Bách, Ngọc không biết nói gì hơn là ôm chặt lấy anh, rúc đầu vào vùng ngực ấm áp của anh và khóc.

*

*             *

Quá khứ hiện rõ đến từng chi tiết một, dù thời gian đã để lại những sợi tóc bạc trên đầu hai người. Bà Ngọc lần tay lên sợi dây đàn, giọng ray rứt:

- Từ hôm ấy, em chờ anh mãi.

- Sáu tháng sau anh quay lại tìm em, nhưng chiến tranh đã về đến vùng đó, em cùng Dì Tư đi tản cư đâu mất anh không tìm được.

- Mấy năm sau, em lấy chồng để trừ nợ cho gia đình. May mắn là chồng em tuy giàu nhưng không ích kỷ, khắc nghiệt. Em tự nhủ lòng sống xứng đáng là một người vợ, một người mẹ tốt. Nhưng em vẫn không quên được tiếng đàn của anh, bài ''Dạ khúc'' năm nào. Nhưng đó chỉ là ước mơ, biết anh ở đâu mà tìm. Chẳng ngờ một hôm em nghe được tiếng đàn của anh trong một chương trình ca nhạc dân tộc trên đài phát thanh, không thể nhầm lẫn được, vừa mới trổi lên em nhận ra ngay. Em đến đài phát thanh hỏi thăm tìm anh. Thì ra bấy lâu chúng mình cùng sống chung ở thành phố này mà không biết. Từ nay, anh cho phép em đến thăm và nghe anh đàn nghen?

Ông Bách mừng rỡ:

- Anh còn gì vui bằng!

- Nhưng còn chị nhà?

Ông Bách hơi sựng lại trước câu hỏi bất ngờ ấy. Nhưng bà Ngọc đã mỉm cười:

- Anh yên tâm, em sẽ không làm gì ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình anh đâu.

Bà Ngọc từ giã ra về sau khi ghi lại địa chỉ. Ông Bách trở vào phòng nằm vật xuống giường tâm trạng mệt mỏi, hình ảnh quá khứ hiện về choáng chật hết đầu óc.

Mười giờ trưa bà Bách về xách giỏ tiền đầy, níu ông dậy vội vã:

- Ông phụ tôi xếp tiền mang đi nộp các đại lý cho kịp trong buổi sáng.

Ông Bách đưa bàn tay gầy guộc xếp vuốt những tờ giấy bạc, khuôn mặt người xưa hiện lên nhạt nhòa nước mắt trong tiếng đàn bầu dìu dặt.

*

*             *

Nửa đêm. Cơn mưa trút xuống ào ào. Bên ngoài cửa sổ trời tối đen như mực. Tiếng sấm gầm xa xa hòa với tiếng gió mưa gào thét với những âm thanh rợn người.

Từ hôm gặp lại bà Ngọc ông Bách trở bệnh, cơn đau kéo dài dai dẳng gần hai tháng. Vô tình đọc những dòng nhật ký của ông, bà Bách biết hết chuyện, nhưng cố nén cơn ghen vì thấy bệnh trạng của chồng mỗi ngày thêm nặng.

Giờ đây bà Bách ngồi lặng lẽ bên giường, thỉnh thoảng đưa tay sờ trán chồng. Da ông hâm hấp nóng, hơi thở dồn dập, cứ muốn hụt đi, mắt mở thao láo nhìn lên trần nhà. Bà Bách nhận thấy đôi mắt ông không phờ phạc như của một người bịnh mà sáng lên một cách kỳ lạ, dường như ông tỉnh táo hơn bao giờ.

Bà Bách cúi sát mặt chồng:

- Ông khát không? Tôi rót nước cho ông uống nghe!

Ông Bách khẽ lắc đầu. Bà cho tay vào túi lấy chai dầu xanh thoa trán, thoa ngực cho ông. Nỗi mệt mỏi sau nhiều đêm thức trắng để canh bệnh cho chồng đã làm cho gương mặt bà hốc hác, gầy đi nhiều. Bỗng trong mưa gió bà nghe tiếng người gọi cổng. Bà bật dậy bước nhanh ra khỏi phòng, dầm mưa chạy ra mở cổng. Một người đàn bà đang đứng co ro trong áo mưa, đầu đội nón lá sùm sụp. Một tia chớp lóe lên soi rõ gương mặt người đàn bà. Bà Bách bật kêu lên:

- Ôi trời ơi, chị Ngọc. Chị vô nhà đi, tôi chờ chị nãy giờ!

- Anh Bách ra sao? - Bà Ngọc hỏi, giọng hơi lạc đi.

Bà Bách thở dài:

- Anh ấy yếu lắm rồi, bác sĩ bảo chỉ có thể kéo dài vài ba hôm nữa. Tôi biết địa chỉ của chị trong quyển nhật ký của anh ấy, nhờ đứa cháu đến cho chị hay - Ngưng một chút bà Ngọc nói tiếp giọng trầm lắng - Giây phút cuối cùng tôi muốn chúng mình cùng có mặt để anh ấy thanh thản ra đi.

Hai người đàn bà cùng ngồi bên giường bệnh. Không ai nói lời nào nhưng họ cùng chung nỗi đau nên cảm thấy gần gũi nhau. Bà Bách nhìn gương mặt tái mét, môi run run vì lạnh của bà Ngọc dịu dàng nói:

- Chị ướt hết rồi, chị thay quần áo đi, lấy quần áo tôi nè!

Bà Ngọc:

- Không sao, chút xíu khô thôi mà.

Rồi hỏi:

- Anh Bách bảo chị gặp tôi?

- Không, đó là ý của tôi thôi.

Bà Ngọc nhìn bà Bách hồi lâu:

- Chị... không ghen với tôi sao?

Bà Bách ngậm ngùi:

- Đàn bà ai lại chẳng ghen. Mấy mươi năm qua tôi vẫn tự hỏi cái gì đã làm cho tôi và anh ấy không thể gần nhau, dù tôi đã cố bươn chải cho gia đình có một cuộc sống khá giả, nhưng hạnh phúc cứ như một chiếc bóng, đuổi mãi vẫn không bắt được.

Bà Ngọc thở dài:

- Còn tôi... Tôi không có quyền bắt lấy nó dù nó vẫn ở trong tầm tay mình. Cả hai chúng ta đều có nỗi đau riêng.

Bên ngoài mưa vẫn không ngớt hột, trời đang nổi gió lớn. Tiếng cành cây gãy răng rắc ngoài mé hiên, đèn bỗng tắt. Căn phòng tối om. Bà Bách nói:

- Chắc cây ngã nhà đèn cúp điện.

Bà thắp ngọn nến cắm trên đầu tủ. Căn phòng chập chờn thứ ánh sáng mờ ảo. Ông Bách trở mình run khe khẽ, hé mắt nhìn quanh. Bóng hai người đàn bà in trên tường làm ông giật mình.

Bà Bách chồm tới cúi sát mặt chồng:

- Chị Ngọc tới thăm anh nè, anh ơi.

Ông Bách giương mắt nhìn bà Ngọc, môi mấp máy:

- Ngọc đó hả?

Bà Ngọc run run:

- Anh thấy trong người thế nào?

Ông Bách khẽ gật đầu:

- Tôi thấy đỡ lắm rồi...

Bà Bách nắm tay chồng:

- Chị Ngọc lặn lội mưa gió đến thăm anh, anh nói chuyện với chị ấy đi.

Ông Bách nắm lấy tay vợ:

- Mình, tôi xin mình...

Bà Bách dịu dàng nhìn chồng ngắt lời:

- Mình đừng ngại, chính em nhắn chị Ngọc đến đây mà.

Ông Bách xúc động nhìn vợ định nói điều gì đó nhưng vì quá mệt nên không thốt được tiếng nào. Bà Bách quay đi, cố giấu những giọt nước mắt. Niềm vui của ông Bách khi gặp lại người xưa hiện rõ trên gương mặt hốc hác làm tim bà se lại. Nỗi đau của người đàn bà cả đời làm vợ không hiểu được chồng vẫn âm ỉ nghiền nát ruột gan bà. Ông sắp ra đi rồi, ghcn hờn làm chi nữa, phải nén những cay đắng, giữ trọn nghĩa tình vợ chồng đến phút cuối để ông được thanh thản ra đi. Thế mà những giọt lệ vẫn ứa ra dù bà đã hết sức đè nén.

Bà Ngọc chỉ ngồi im lặng, không dám nhìn thẳng vào ông Bách, sợ nhìn thấy lại những dấu vết khắc nghiệt phũ phàng của ngày xưa, gương mặt người nhạc công gánh hát ''Gió Nam'' hồi nào, gương mặt đam mê đến kỳ diệu khi ngồi khảy đàn suốt mấy mươi năm qua vẫn hằn sâu trong ký ức của bà.

Ông Bách gượng nắm tay vợ phều phào:

- Mình ơi. Hãy tha thứ cho tôi...

- Mình đừng nghĩ ngợi viễn vông, em không trách gì mình đâu.

Ông Bách lại nhìn bà Ngọc:

- Cả Ngọc nữa, hãy tha thứ cho tôi... Tôi đã làm khổ em.

Bà Ngọc khẽ lắc đầu, nói trong nước mắt:

- Chính em đã làm khổ anh, giá đêm ấy em đừng đến chợ xã xem cải lương, đừng khóc khi nghe tiếng đàn của anh.

Bà Bách sững sờ nghe câu chuyện giữa hai người. 'Thì ra từ những tiếng đàn! Chẳng lẽ tiếng đàn lại có đủ sức mạnh làm cho người ta thương nhau, nhớ nhau đến trọn đời như vậy hay sao? Chưa bao giờ bà Bách nghĩ đến sức mạnh đó. Những âm thanh phát ra từ cây đàn có chăng chỉ là những cung bậc ngọt ngào giành cho những kẻ ăn không ngồi rồi mua vui trong chốc lát. Tiếng đàn không có một vị trí nào trong con người bà. Những lời của bà Ngọc đưa ông Bách ra khỏi con mê mệt. Ông nhổm người dậy nhìn lên đầu tủ. Bên ngọn nến chập chờn, chiếc đàn độc huyền vẫn nằm yên chỗ cũ, như đang nén vào lòng những âm thanh chờ bàn tay người nghệ sĩ bật lên.

Ông Bách gượng nói với vợ trong hơi thở hổn hển:

- Mình đưa giùm tôi cây đàn.

Bà Bách xua tay phản đối, vừa đỡ chồng nằm xuống, vừa năn nỉ:

- Không được đâu... Ông đang bệnh mà. Ông nằm nghỉ đi!

- Bà hãy giúp tôi... - Ông Bách cố lắp bắp.

Bà Bách cương quyết:

- Không được, ông mệt lắm rồi...

Ông Bách quay sang bà Ngọc tha thiết như cầu cứu:

- Ngọc, em hãy giúp tôi...

Bà Ngọc nhìn ông với ánh mắt nồng nàn yêu thương, khẽ nói với bà Bách:

- Chị cho anh ấy đi, cuộc đời anh ấy là thế...

Bà Ngọc bước nhanh đến bàn tủ đỡ cây đàn ôm vào lòng, niềm yêu đương rạo rực của cô thiếu nữ năm xưa chợt bừng dậy, hơi ấm của anh nhạc công đàn bầu gánh ''Gió Nam'' ngày ấy như vẫn còn âm ỉ trong thùng đàn. Bà Bách đành phải đỡ chồng ngồi dậy. Bà Ngọc trịnh trọng đặt cây đàn trước mặt ông. Ông Bách lặng nhìn cây đàn thật lâu, cảm thấy mình sắp vĩnh viễn xa cách người bạn đã chia bùi sẻ ngọt gần trọn cuộc đời phiêu bạt. Ông đưa tay run run cầm cần đàn, bàn tay còn lại khảy nhẹ lên sợi dây, những âm thanh sầu não bật lên hòa trong tiếng gió mưa bão tố bên ngoài.

Bà Ngọc bật khóc ôm chầm lấy ông, bàn tay bấu chặt bàn tay gầy guộc của ông.

Bà Bách hiểu tất cả: Vì sao trọn một đời làm vợ bà đã không đem được hạnh phúc đến cho chồng.

Tiếng đàn bỗng ngưng bặt. Khi bà Bách ngước lên thì ông đã tắt thở trong vòng tay bà Ngọc, tay ông vẫn nắm chặt chiếc cần đàn...

 

Huỳnh Anh
Số lần đọc: 1924
Ngày đăng: 07.12.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Giáng Sinh Trắng - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Sóng của hồ - Thu Nguyệt
Cuộc viếng thăm một chiều mưa - Nguyễn Xuân An
Những vì sao sáng - Phạm Trường Yên
Sui gia - Lương Hiệu Vui
Một thóang mùa xuân - Trần Nhật Vy
Người thợ rèn và những vòng hoa tang - Nguyễn Đức Thiện
Người năm cũ - Nguyễn Ngọc Tư
Giận cá chém thớt - Trương Hoàng Minh
12 câu chuyện của những người chăn vịt.(trích chuyện thứ 1) - Vũ Hồng