Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.180
123.221.865
 
Thơ Quang Dũng nhìn từ tâm thức văn hóa Việt*
Trần Hoài Anh

 

                  (Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Quang Dũng11-10-1921 – 11- 10- 2021)

 

      1. Khi nghĩ về Quang Dũng, một gương mặt tiêu biểu của thơ ca kháng chiến chống Pháp, các nhà nghiên cứu thường luận bàn đến phong cách thơ độc đáo của ông qua các bài thơ nỗi tiếng với giọng sử thi đầy chất bi tráng đã trở thành những tượng đại thi ca trong tâm thức người đọc như:Tây Tiến, Mắt người Sơn Tây, Quán nước, Đôi bờ… mà ít quan tâm đến việc giải mã tâm thức văn hóa Việt, một phẩm tính làm nên hồn thơ Quang Dũng.Trong bối cảnh văn hóa nước nhà đang đứng trước thảm trạng bị văn hóa Phương Tây xâm lấn dẫn đến nguy cơ mất dần bản sắc văn hóa dân tộc, việc tìm hiểu tâm thức văn hóa của thơ ca, trong đó, có thơ Quang Dũng là vấn đề không chỉ có ý nghĩa khoa học mà còn có ý nghĩa thực tiễn rất sâu sắc. Bởi, nói như Abert Camus, một triết gia, một nhà văn nổi tiếng của nhân loại thế kỷ XX, người được trao giải thưởng Nobel văn chương năm 1957 đã xác quyết: “Khi văn hóa xuống cấp, nó rút ngắn con đường dẫn đến nô lệ”. Vai trò của văn hóa đối với sự tồn vong của đất nước và dân tộc là vô cùng hệ trọng. Đây cũng là lý do vì sao tôi chọn tìm hiểu về tâm thức văn hóa Việt trong thơ Quang Dũng, nhân 100 năm ngày sinh của ông. Bởi, Quang Dũng không chỉ là thi sĩ, ông còn là một họa sĩ, một nghệ sĩ rất am hiểu văn hóa truyền thống dân tộc và văn hóa Việt đã thấm vào hồn thơ của ông như một ám ảnh của vô thức và tâm linh. Điều nầy tạo nên phẩm tính riêng, là hệ giá trị mỹ cảm độc đáo trong thơ Quang Dũng, một thi sĩ mà lòng luôn mở ra với “bốn cõi” để giao cảm và tình tự với thiên nhiên, với cuộc đời như thi nhân đã chia sẻ:“Gói, khăn, trăng, gió trời mây bạc /Hồn nhẹ quên trong xác nặng nề.” (Giang hồ). Tâm thức văn hóa Việt trong thơ Quang Dũng, vì thế là một điệu hồn làm nên hệ giá trị về những biểu tượng văn hóa đa dạngcủa thơ ông.

 

2. Dòng sông – biểu tượng văn hóa Việt trong thơ Quang Dũng

 

Nhà thơ Quang Dũng tên thật là Bùi Đình Diệm,sinh ngày 11-10-1921 tại làng Phượng Trì, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Ông rời xa cõi tạm ngày 13-10-1988. Nơi, thi sĩ Quang Dũng sinh ra, lớn lên là một vùng đất có bề dày truyền thốngvới những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, không phải nơi nào cũng có được. Đan Phương,trước đây gọi là xứ Đoài, nơi đã để lại trong tâm thức nhà thơ biết bao nỗi nhớ tha thiết, đắm say: “Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm / Em đã bao ngày em nhớ thương?” (Mắt người Sơn Tây). Đây cũng là vùng đấtcó hệ thống sông ngòi chảy qua nên địa hìnhtương đối bằng phẳng, với lượng phù sa màu mở tạo nên sức sống xanh tươi của vùng nông nghiệp lúa nước. Và cảnh quangmôi trường sinh thái này là một dấu ấn văn hóa trong tâm cảm thi nhân, từ đó hình thành phẩm tính của tâm thức văn hóa Việt trong thơ Quang Dũng mà biểu hiện rõ nhấtlà hình ảnh của các giòng sông quê luôn trôi trong tâm thức văn hóa thi nhânnhư nỗi ám ảnh của cảm thức hiện sinh. Đó là dòng sông Hồng luôn chất chứa trong đôi bờ những trầm tích văn hóa làng, làhệ giá trị hình thành căn tố văn hóa dân tộc, bình dị, lắng sâu, ngọt ngào, ẩn chứa những giá trị nhân văn:“Dòng sông Hồng/ Nước đỏ trường giang đất Bắc/ Có đôi bờ xanh ngô lúa phì nhiêu/ Có những làng quê trăng sáng sáo diều/ Bóng cây đa cổ thụ/ Nước vận phù sa/ Bóng soi lều chợ/ Đò ngang tên bến ca dao/ Nghìn năm miếng nước ngọt ngào/ Nuôi sống quê hương dân tộc/ Ai biết tự bao giờ/ Dòng nước đổ về chở nặng đất nguồn/ Bồi lên xứ sở/ Dựng những làng xanh/ Bãi mía nương dâu/ Tươi tốt mỡ mầu/ Thị trấn mái nhà/ Lên dòng khói biếc. (Sông Hồng)

     Dòng sông ấy không chỉ là nơi tạo nên các giá trị văn hóa mà còn là nơi lưu giữ những tri thức văn hóa dân gian làm nên sự phong phú của kho tàng văn hóa dân tộc: trữ tình, lãng mạn, chất chứa tinh thần lạc quan, khát khao vươn lên cuộc sống an bình trong sự hòa hợp giữa con người với tự nhiên: “Sông Hồng Hà xa xưa/ Đời cổ tích/ Vua Thủy Tề dâng nước/ Đánh Sơn Tinh/ Núi và sông/ Tranh nhau một chuyện tình/ Gầm thét phong ba phá phách/ Những mẹ già ta/ Lần xâu tràng hạt/ Lầm rầm khấn vái cầu xin/ Khi nhìn dòng nước dâng lên/ Lấp loáng một màu máu đỏ/ Cuốn băng cây rừng/ Xác người, xác hổ/ Trâu, bò, gà, lợn, xác nhà…/ Nhưng Đời Người/ Từ những thuở ông cha/ Vẫn dọc đôi bờ/ Dựng nên cuộc sống (Sông Hồng). Chính vì vậy, dòng sông trong tâm thức văn hóa của thơ Quang Dũng không chỉ là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa mà còn thức nhận tinh thần ngưỡng vọng về cội nguồn dân tộc như một sức mạnh của “giòng sinh mệnh” văn hóa luôn chảy trong huyết quản mỗi con người: “Con người chúng ta/ Làm sao quên được/ Gốc nguồn theo khu vực về đây/ vận mệnh ta theo/ Sau những luống cày Dọc suốt dòng sông màu mỡ/ Rừng Phú Thọ non cao mộ Tổ/ Nước thiêng soi bóng Hùng Vương/ Mở lối trung du/ Như cổng lớn mở đường/ Tam Đảo Ba Vì tả hữu/ Đỉnh lấp trong mây/ Cột trời kỳ diệu/ Giang sơn ngàn thuở thân yêu(Sông Hồng)

      Tâm thức văn hóa Việt trong thơ Quang Dũng còn biểu hiện qua nỗi nhớ con sông quê đến quặn lòng những khi xa cách. Đó là nỗi nhớ vừa cụ thể, lại vừa trừu tượng, vừa hiện thực lại vừa lãng mạng nên đi vào lòng người khá tự nhiên: “Trưa hè bỗng nhớ sông quê/ Nước soi bóng vải thuyền đi nặng lòng/ Thóc nhà em có phơi không/ Chói chang lửa thóc sân trông bóng người/ (…) Xa quê đâu chẳng võ vàng/ Trông mây núi nhớ mây làng về trưa (Mây làng)

      Không gian văn hóa qua biểu tượng dòng sông của tâm thức văn hóa Việt trong thơ Quang Dũng không chỉ có sông Hồng mà còn có vẻ đẹp của sông Đáy. Đây cũng là dòng sông ôm ấp làng quê Đan Phượng của thi nhân. Vì vậy, hình ảnh sông Đáy đi vào thơ Quang Dũng cũng mang sắc màu văn hóa riêng vớimột vẻ đẹp riêng của phù sa văn hóa Việt: “Rặng vải ven sông Đáy/ Um tùm bóng cuối xuân/Sông cạn phơi lòng cát trắng/ Người qua nâng váy ôm quần”. (Đất nước) Và cũng là dòng chảy của tình tự dân tộc vốn là những phẩm tính văn hóa luôn hiện hữu trong tâm thức Việt: “Sông Đáy xuôi dài cồn cát mênh mông/ Làng bên bờ xanh mía/ Thoảng mùi hoa lan hoa nhài nhè nhẹ/ Tiếng nói xa dần/ Chiều tím cuối mùa xuân/ Sông nước trong xanh/ Những bước chân tròn cát mịn” (Những cô hàng xén) Có thể nói dòng sông là một không gian văn hóaluôn hiện hữu trong tâm thức của cư dân gốc nông nghiệp như dân tộc Việt. Vì thế, xuyên suốt chiều dài đất nước đã có biết bao dòng sông làm nên phù sa văn hóa của các vùng miền như sông Hồng, sông Thương, sông Lô, sông Cầu, sông Lam, sông Hương, sông Thu Bồn, sông Trà, sông Hậu, sông Tiền… Và gắn với không gian văn hóa của mỗi dòng sông là những quang cảnh văn hóa mang nét đẹp riêng về sinh thái mỗi vùng miền. Điều nầy cũng hiện rõ trong thơ Quang Dũng qua hình ảnh sông Hồng và sông Đáy.

Vốn sống, gắn bó với văn minh sông Hồng, nên thơ Quang Dũng luôn hiện lên bản sắccủa nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Đó là hình ảnh những sân vườn của ngôi nhà Việt luôn hiện hữu trong tâm cảm thi nhân với niềm tiếc nhớ khi xa cách: “Trăng sáng sân vườn đôi bóng cau/ Ngồi đây mà gửi nhớ phương nào/ Gió mát long lanh vầng Bắc đẩu/ Tiết hè ếch nhái rộn bờ ao/ Ngồi đây năm năm niềm ly hương/ Quê người đôi gót mỏi tha phương/ Có những chiều trăng tròn đỉnh núi/ Nhà ai chày gạo giã đêm sương/ Tịch mịch sầu rơi bèo râm ran/ Chuối vườn khuya lọt ánh trăng tàn/ Người ơi quê cũ đèn hoe ngọn/ Tóc bạc trông chừng cổng héo hon” (Cố Quận). Hay là hình ảnhao bèo, vườn chanh, bóng trúc, hương cau nơi vùng quê Bắc Bộ hiện lên trong thơ Quang Dũngnhư một hệ giá trị của văn hóa Việt đã tích tụ trong hàng ngàn năm văn hiến nhằmminh chứng cho “giòng sinh mệnh văn hóa” dân tộc trong tâm thức thi nhân:“Ngàn năm bèo đọng ở trên ao/ Cô gái vườn chanh thắm má đào/ Quê Việt Nam nằm trong bóng trúc/ Dòng đời thoang thoảng suối hương cau (Hoa Chanh); “Chốc đã bao năm trời/ Chiêm ngập bờ xanh lại/ Sông quê hương như gợi/ Ngày ấy hoa bèo trôi/ Mây thành giăng ngang trời (Đám cưới qua sông Đáy);“Đêm quê càng tỉnh mịch/ Chỉ bèo đê sương rơi/ Quả xoan rụng mái lá/ Lòng khuya càng rối bời” (Cuối thu)

 

3. Làng – biểu tượng văn hóa Việt trong thơ Quang Dũng

 

Nói đến văn hóa Việt không thể không nói đến văn hóa làng, mà trong đó đình làng là một trong những biểu tượng thiêng liêng, là linh hồn của làng. Kim Định trong công trình nghiên cứu văn hóa Triết lý cái đình đã xác quyết: “Cái đình có thể coi là đỉnh chót vót của nền văn minh Viêm Việt. Nền văn minh này đặt nền tảng trên gia đình, nhiều gia đình hợp thành khu, xóm, ấp và đợt cuối cùng là làng”(1). Vì vậy, tiếp cận tâm thức văn hóa Việt trong thơ Quang Dũng, ta thấy hình ảnh Đình Chùa,hiện lên trong thơ như những biểu tượng của văn hóa tâm linh, gắn với những ngày lễ hội của làng, hình thành hệ giá trị tinh thần làm nên sức sống ngàn đời của cư dân Việt, để chia sẻ những buồn vui trong phận số con người. Và đây là một bình diện của văn hóa làng luôn khắc sâu trong tâm khảm con dân nước Việt: “Sột soạt khắp đường làng/ Những nếp áo còn mới/ Màu khăn nhiễu tam giang/ Cụ già ấm ly rượu/ Đình chùa vắng khói hương/ Những mẹ già niệm Phật/ Nam vô trong bóng làng” (Có nhớ về đất Bắc). Và cùng với đình, chùa là hình ảnh giếng làng, một biểu tượng của văn hóa nông thôn Việt Nam cũng đi vào tâm thức văn hóa trong thơ Quang Dũng như một hiện thân của bản sắc văn hóa Việt: “Giếng làng còn ướt trăng trên đá/ Chim ngủ xôn xao động lá cành (Đường trăng); Hay hình ảnh một Quán nước ven đường vẫn ẩn chứa trong đó sự ấm êm của một ngôi nhà Việt với những tấm lòng bao dung nhân ái Việt Nam, dù nghèo về vật chất nhưng không nghèo về tình cảm đã làm ấm lòng người lính để họ vững tin trên bước đường hành quân: “Tôi lính qua đường trưa nắng gắt/ Nghỉ nhờ em quán lệch tường xiêu/ Giàn mướp nghèo không hứa hẹn bao nhiêu/ Mùa gạo đắt, đường xa thưa khách vắng” (Quán nước). Sức mạnh tinh thần của văn hóa Việt phải chăng bắt nguồn từ những biểu tượng văn hóa bình dị của nông thôn làng xã Việt Nam nên các nhà nghiên cứu văn hóa đã xác quyết: người Việt Nam có thể mấtnước nhưng không thể mất làng là vì thế!?

 

Như vậy, từ điểm nhìn địa văn hóa, mỗi dân tộc, mỗi vùng miền luôn có một không gian hội tụ và kết tinh khí thiêng sông núi để hình thành nên bản sắcvăn hóa của dân tộc đó, vùng miền đó và mỗi con người trong cộng đồng có quyền tự hào về ý thức bảo vệ bản sắc văn hóa của mình nhằm không bị đồng hóa. Là một nhà thơ lại là một mghệ sĩ rất am hiểu văn hóa dân tộc cả văn hóa bác học lẫn văn hóa dân gian, mà văn hóa dân gian phần lớn hội tụ ở văn hóa làng, Quang Dũng luôn quan tâm đến văn hóa dân gian và đây cũng cơ sởhình thành tâm thức văn hóa Việt trong thi giới Quang Dũng. Vì vậy, bên cạnh dòng sông, cánh bèo, giếng làng, đình chùa vốn là những biểu tượng văn hóa Việt gắn cuộc sống ngàn đời của dân tộc Việt, ta còn thấy hiện lên trong thơ Quang Dũng hình ảnh một không gian văn hóa nông thôn Việt Nam hiền hòa, thơ mộng và chất chứa một chiều sâu tâm cảm của cảnh sắc bình dị chân mộc của làng quê Việt: “Bến cuối thôn xuân hoa gạo rơi/ Sông xanh hiền triết lặng trôi xuôi/ Đò ngang một chuyến qua mưa bụi/ Ấm áp trong mưa tiếng nói cười/ Cái giọng ru con từ ngõ trúc/ Thanh bình như phút sống đang trôi (Đất nước). Và đây chính là căn tố tạo nên niềm tưởng vọng trong ký ức văn hóa làng quê đầy hoài niệmđã kết tinh thành tâm thức văn hóa Việt, khiến thi nhân không khỏi chạnh lòng mỗi khi nghĩ về cảnh cũ, người xưa với bao kỷ niệm dấuyêu, hằn sâu trong cuộc đời: “Ngồi đây vời tưởng đường quê hương/ Lúa đã xanh xanh mấy nẻo làng/ Cốm đã thơm mùi, hồng đã chín/ Ao sau vườn cũ nước xanh trong (…) Diều sáo vang không hồn ấu thơ/ Bèo lạnh cầu ao ai đợi chờ? / Một tiếng sung rơi đo lặng lẽ/ Mùa thu xào xạc lá tre khô”. (Thu). Vẫn là dòng sông đó, giếng nước đó, ao bèo đó, đình làng đó mà sao khi xa cách lòng ta lại thấy nhớ thương đến quặn lòng. Làng quê vì vậy, là tình cảm thiêng liêng sâu kín khó thay thể trong tâm thức mỗi người. Phải chăng, bi kịch lớn nhất trong cuộc đời mỗi người là không có một làng quê để tưởng vọng, để thương nhớ, để trở về mỗi khi đời mình chênh chao giữa sóng biển cuộc đời. Có phải vì thế, trong thơ Quang Dũng những giá trị văn hóa làng, một căn tố của văn hóa Việt cứ xao xác mãi trong điệu hồn thơ ông!?Vì vậy, văn hóa làng, một biểu tượng của tâm thức văn hóa Việt trong thơ Quang Dũng, không chỉ thể hiện qua đình làng chùa làng, vườn tược với hoa trái xanh tươi mà còn thể hiện qua hệ thống giá trị văn nghệ dân gian với các làn điệu dân ca, tiếng đàn bầu, đàn nhị như những thanh âm đồng vọng của tâm hồn dân tộc mà dù ở đâu khi nó ngân lên vẫn chạm đến những nơi sâu thẳm nhất của tâm hồn văn hóa Việt vì nó chính là hồn quê, hồn nước: “Đâu tiếng đàn bầu hòa trong tiếng nhị/ Tiền đồng vang tiếng chậu thâu/Quán nước bên sông / Đời của bến tàu/ Trong điệu hát của những người hát xẩm/ Khăn gói trên vai/ Kẻ giang hồ bước chậm/ Nghe hát bài “Anh Khóa” bâng khuâng/ Hồn nước mang đi theo gót ngàn trùng/ Người đi không mấy người trở lại” (Sông Hồng)

 

Theo Vũ Bằng,khi trò chuyện với L.K.T để tìm hiểu tư liệu về Quang Dũng, ông cho biết: “Quang Dũng còn có cái tài nữa ít có người biết. Sống chung với vợ chồng chúng tôi, găp lúc mưa sầu gió thảm nằm khằn một chỗ Quang Dũng mà ca “sáu câu vọng cổ” thì “mùi” một cây, nhưng đặc biệt không phải là ở điểm đó, mà chính là ở chỗ Quang Dũng đã từng làm nhiều bài ca cải lương cũng hay như thể là thơ anh vậy (…) Ngoài thơ, cải lương, Quang Dũng còn soạn tân nhạc nữa”.(2) Như vậy, từ trong máu thịtcủa Quang Dũng những giá trị văn hóa dân gian Việt đã là một phẩm tính trong tâm hồn của thi nhân. Thế nên, tâm thức văn hóa Việt trong thơ Quang Dũng, còn biểu hiện trong những bài hát cải lương, những câu vọng cổ, những loại hình sân khấu dân gian ăn sâu trong tiềm thức dân tộc và làm say mê tâm hồn những người con dân đất Việt:  “Cô thiếu nữ xinh xinh/ Vừa tan rạp hát/ Bắt chước cải lương/ Hát giữa cầu thang / Một câu vọng cổ (Đường chiều thứ bảy). Không chỉ cải lương, một đặc sản của văn hóa Nam Bộ hiện hữu trong thơ Quang Dũng mà còn có những bài hát ả đào, đặc sản của văn hóa Bắc Bộ cũng ngập tràn trong tâm thức văn hóa Quang Dũng: “Bến vắng thuyền xuôi giọng hát ả đào/ Trăng lạnh mái chèo ca nữ/ Nước êm trôi/ Giấc ngủ nhà chài”. (Bắt đầu) vàdòng máu con Lạc cháu Hồng vẫn sống trong tâm thức thi nhân như một biểu hiện rực rỡ về tình tự dân tộc của tâm thức văn hóa Việt: “Xuân đang về khắp nơi/ Giang sơn thắm nụ cười/ Miệng cười trên máu đỏ/ Dòng máu Lạc Hồng tươi” (Bài hát ra đi). Không chỉ có dòng máu lạc Hồng mà những phong tục tập quán trong nền văn hóa Việt vẫn luôn ám ảnh tâm thức của người thi sĩ – chiến sĩ. Vì thế trên bước quânhành, những biểu tượng văn hóa truyền thống là một thứ dưỡng chất làm nên sự sống, tạo sức mạnh để họ chiến đấu bảo tồn độc lập tự do cho tổ quốc cũng như các giá trị phong hóa của dân tộc: “Những làng trung đoàn ta đóng lại/ Tiếng nêu đưa khách dưới mưa phùn/Hương đen ngũ quả, màu tranh Tết/ Câu đối mực Tàu bay xa ngát/ Cột nhà tre trúc dãi gan vàng/ Mang câu đối đỏ niềm son sắt…” (Những làng đi qua). Còn đây là hoài niệm về một đám cưới ngày xưa, một trong những vẻ đẹp củaphong tục, thể hiện văn hóa hôn nhân và gia đình trong tâm thức văn hóa Việt vẫn hiện hữu trong tâm cảm thi nhân “Ai biết Hồ Nam giờ ra sao/ Xa cách hồn quê động bóng cau/ Đám cưới qua đò quai nón mới/ Mười năm còn tưởng bóng cô dâu” (Hồ Nam)  

  

 4. Người phụ nữ - biểu tượngvăn hóa Việt trong thơ Quang Dũng

 

Trong chuyên luận Triết lý văn hóa – Khái luận, (Văn hữu –Á Châu  Xuất bản, 1959) của Nguyễn Đăng Thục, khi luận bàn về “Tinh thần Việt hóa”, ông viết: “Tinh thần nghệ thuật Việt Nam nằm ở trong cái vũ trụ quan truyền thống của dân tộc. Cái vũ trụ quan ấy thuộc về cái vũ trụ quan truyền thống Á Châu mà dân tộc Việt Nam đã Việt hóa theo dân tộc tính của nó. Vì trước khi thâu hóa của người, thì tự nó đã ý thức được nó là một đơn vị nhân loại sinh hoạt sống động trong một khung cảnh địa lý, khí hậu riêng biệt”(3).Như vậy, Văn hóa của một vùng miền bao giờ cũng gắn cuộc sống và con người văn hóa của vùng miền đó, tâm thức văn hóa Việt trong thơ Quang Dũng cũng không nằm ngoài qui luật nầy.Đọc thơ Quang Dũng, biểu tượng văn hóa Việt hiện hữu trong thơ ông không chỉ thể hiện qua không gian văn hóa của một làng quê mang sắc màu của nền văn minh nông nghiệp với dòng sông, giếng nước, ao bèo, hoa trái, phong tục tập quán, những làn điệu dân ca mà còn hiện hữu qua hình ảnh những con người kết tinh những mỹ cảm văn hóa đã đi vào trong văn chương như những tinh tú trên bầu trời văn hóa Việt. Đó là hình ảnh “Cô hàng xén”hiện lên ở những câu thơ đầy mỹ cảm văn hóa mà Quang Dũng đã khắc họa khá tinh tế như một biểu tượng cho vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam tự ngàn đời: “Những gánh hàng xén bồ căng/ Má hồng thôn nữ/ Thoảng mùi thơm quê mùa/ Hơi thở ấm trầu răng đen rưng rức/ Mẹ già nón nhẹ bay tua/ Tu hú tu hú/ Mùa vải ven bờ/ Nơi quê hương trời xưa ấu thơ/ Mái tóc em vừa vương hương bưởi/ Chân nhẹ nhàng còn dính phấn hoa/ Thôn nào cô mới đi qua/ Gà vừa gáy sáng/ Thắt lưng đào bên sông im lặng/ Kiũ kịt đôi bờ. (Những cô hàng xén). Đó cũng là hình ảnh Cô hàng xén mà nụ cười “như mùa thu tỏa nắng” trong “Bên kia sông Đuống”, của Hoàng Cầm, hay“Cô hàng xén” trong câu truyện cùng tên của Thạch Lam. Đó là những con người mang trong mình  chiều sâu văn hóa Việt, rất đáng để chúng ta ngưỡng vọng.

 

 Vẻ đẹp văn hóa của người phụ nữ qua biểu tượng hình ảnh cô hàng xén hiện lên trong tâm thức thơ Quang Dũng, không chỉ có vẻ đẹp hình thức trang nhã lịch thiệp, dịu dàng vốn là phẩm tính của người phụ nữ Việt mà còn có vẻ đẹp tâm hồn được nuôi dưỡng bằng những giá trị của văn hóa dân tộc qua những  truyện nôm mang sắc màu liêu trai như:Nhị Độ Mai, Phạm Công Cúc Hoa, Truyện Kiều và những chuyện kể đầy huyền thoại trong vườn cổ tích với:Thạch Sanh, Trê Cóc. Và đây cũng là biểu hiện của dấu ấntâm thức văn hóa Việt trong thơ Quang Dũng: “Các cô hàng xén ngày xưa/ Gương tròn bỏ túi/ Tóc giắt hoa nhài/ Hay ngậm ngùi xem Nhị Độ Mai/ Gấp trang sách lại thương đời Cúc Hoa (…) Đôi cuốn Thạch Sanh / Một chồng Trê Cóc/ Khi gió mùa xuân/ Xanh cành tươi lộc/ Bói trang Kiều xem chuyện nhân duyên”. (Những cô hàng xén) Hay thanh âm một tiếng võng đưa kẻo kẹt giữa trưa hè trong âm hưởng của một câu Kiều sâu lắng, thiết tha cũng mang sắcmàu văn hóa Việt: “Đôi quán nằm im trong bóng lá/ Bộ hành thiêm thiếp nhớ trung châu/ Kẽo kẹt võng đưa người xứ Bắc/ Oán than Kiều lẩy một vài câu”. (Trưa hè) Vànhững cô hàng xén trong cái nhìn của Quang Dũng không chỉ là sự tích tụ những giá trị văn hóa truyền thống mà còn là hiện thân của đời sống văn hóa làng quê chân mộc với những buồn vui của phận số con người, trong đó có phận số của những người phụ nữ Việt Nam, cả một đời thương khó, gắn bó cùng quê hương để làm nên bản sắc văn hóa dân tộc mà nếu không có hình ảnh và cuộc sống của họ bản sắc văn hóa dân tộc chắc cũng sẽ bị nhạt nhòa: “Sông hiu hiu chiều/ Gió mát ven đê/ Các cô hàng xén gánh về/ Tiếng cười khúc khích/ Tu hú im rồi/ Vàng nghiêng nắng chếch/ Các cô về qua sông/ Sông Đáy xuôi dài cồn cát mênh mông/ Làng bên bờ xanh mía/ Thoảng mùi hoa lan hoa nhài nhè nhẹ/ Tiếng nói xa dần/ Chiều tím cuối mùa xuân/ Sông nước trong xanh/ Những bước chân tròn cát mịn/ Hàng cau chiều phất phơ/ Diều sáo vang lên trăng sáng tỏ/ Ngõ làng rộn tiếng cười reo, chó sủa/ Hoa lan vào ngõ tối còn thơm”. (Những cô hàng xén). Vì vậy, nhìn từ hệ hình văn hóa dân tộc, hình ảnh những cô hàng xén trong thơ Quang Dũng là sự kết tinh của các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam, bởi chính họ là hiện thân vẻ đẹp của văn hóa Việt, sống mãi trong ca dao cổ tích: “Các cô hàng xén về làng/ Mai lại đi từ tối đất/ Cần cù nuôi mẹ nuôi em/ Những cô hàng xén tên xinh/ Đẹp như ca dao nước Việt” (Những cô hàng xén)

 

Có thể nói, trong thơ Quang Dũng vẻ đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc luôn gắn với tài hoa và nhan sắc của người phụ nữ. Hay nói cách khác, vẻ đẹp của người phụ nữ đã trở thành một phần không thể thiếu của tâm thức văn hóa Việt, là nét độc đáo trong thi giới Quang Dũng. Thế nên, bên cạnh hình ảnh cô hàng xén đã “gồng gánh trên vai” mình những dấu ấn văn hóa Việt thì hình ảnh  người ca nữ ngày xưa cũng hiện lên trong tâm thức của thi nhân với một vẻ đẹp của sự tài hoa độc đáo củavăn hóa Việt: “Em là con hát ở bên sông/ Đàn phách là đôi bạn khốn cùng/ Khách ghé phương nào thây kiếp khách/ Hoài đâu nước mắt khóc tình chung”. (Đêm Việt Trì). Người ca nữ ngày xưa trong xã hội cũ vốn được/bị xem là “xướng ca vô loại” nhưng trong thơ Quang Dũng họ được xem là một phần không thể thiếu của văn hóa Việt. Sự chuyển hóa cảm thức nầy cho thấycái nhìn của Quang Dũng về cô Ca Nữ là cái nhìn cảm thông của những người nghệ sĩ “liên tài”, cho dù họ có hoàn cảnh sống khác nhau.Thế mới biết sự cảm thông và độ lượng, khoan hòa cũng là một phẩm tính của nhân cách văn hóa ở người nghệ sĩ đích thực!?Và đây cũng là bình diện cho thấy tính nhân văn trong thơ Quang Dũng.

 

 Song hình ảnhNgười phụ nữ - biểu tượng văn hóa Việt trong thơ Quang Dũng không chỉ có Cô hàng xén, cô kỹ nữ mà ẩn sâu trong tâm thức văn hóa và thi ca của nhà thơ đó là hình ảnh của Người mẹ Việt Nam, một biểu tượng cao đẹp của văn hóa Việt luôn gắn với hình ảnh quê hương, qua tiếng ru hời lắng sâu trên dòng sông, bến nước, tan hòa trong những khúc ca dao, những câu truyện cổ tích, trôi trong tâm cảm thi nhân như hiện thân của linh hồn văn hóa Việt: “Chiều xuống hồn người/ Bến rộng sông dài/ Nước đỏ mênh mông/ (…) Mẹ là Việt Nam hiền hậu vô cùng/ Đã hát ru con những lời cổ tích”. (Nhớ về mẹ). Vì vậy, trong tâm thức thi nhân nhớ về Mẹ là nhớ về những ký ức văn hóa mà ở đó hình ảnh quê hương luôn hiện lên từ những hoài niệm hằn sâu dấu ấn tâm thức văn hóa Việt: “Mẹ sống những ngày đất khách/ Nhớ mẹ ngày xưa thuộc hết truyện Kiều (…) Đi về một miền quê ngoại ngày xưa/ Có khói thui bò/ Có trống làng tế lễ/ Và có những tiếng cười con trẻ/ Cầm nắm xôi phần/ Có hơi rượu cụ già/ Ấm trong hơi mùa xuân” (Nhớ về mẹ). Và hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, hình ảnh người mẹ trong thơ Quang Dũng đã hóa thân thành hình ảnh đất nước quê hương mãi ám ảnh tâm thức thi nhân như là một biểu tượng cao đẹp củatâm hồn Việt, văn hóa Việt chảy mãi trong thơ, tồn sinh cùng sức sống văn hóa dân tộc…

 

5. Thay lời kết

 

     Từ điểm nhìn Dân tộc;Nhân bản và Khai phóng, văn hóa không chỉ là chìa khóa mở cánh cửa tri thức để con người biết khám phá và sáng tạo những giá trị văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần mà cũng là chìa khỏa mở cánh cửa tâm hồn con người để xua tan bóng tối vốn là nơi ẩn nấu của cái ác, cái xấu, cái đớn hèn, giúp con người vươn đến ánh sáng của những giá trị nhân văn vốn là căn tố để hình thành những nhân cách văn hóa cao đẹp gắn với bản sắc văn hóa dân tộc. Đọc và tìm hiểu tâm thức văn hóa Việt trong thơ Quang Dũng, một mặt giúp chúng ta giải mã những vẻ đẹp của “giòng sinh mệnh” văn hóa dân tộc kết tinh trong thơ ông,làm nên hệ giá trị riêng của thơ Quang Dũng. Mặt khác, chúng ta hiểu sâu sắc hơn về những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp phong phú đa dạng của nền văn minh sông nước và các phong tục tập quán làm nên phong hóa dân tộc cùng những giá trị văn nghệ dân gian mà nhà thơ Quang Dũng đã phản ảnh trong thơ của mình. Từ góc nhìn này, ta thấy thơ Quang Dũng không chỉ là một tượng đài thi ca mà còn là một tượng đài văn hóa trong tâm thức người đọc mà chúng ta cần có ý thức gìn giữ và phát triển, nhất là  hiện nay, khi nền văn hóa dân tộc đang đứng trước những thách thức của xu hướng toàn cầu hóa, nếu không có ý thức và bản lĩnh giữ gìn văn hóa dân tộc thì việc bị tha hóa và lưu vong về văn hóa ngay trên đất nước mình là một tất yếu khó tránh khỏi. Bởi, nói như F. Konoye: “Văn hóa của một dân tộc là gương soi phản chiếu kiến thức, tín ngưỡng và truyền khẩu của nó. Nói tắt đó là chìa khóa mở của kiến thức và luật pháp của dân tộc” (4). Tâm thức văn hóa Việt trong thơ Quang Dũng vì vậy là một hệ giá trị làm nên phẩm tính dân tộc trong thơ ông, góp phần lưu giữ, trao truyền văn hóa truyền thống dân tộc trước những cơn bão của văn hóa phương Tây, trong xu hướng hội nhập và phát triển. Bởi, một dân tộc không giữ được nền văn hóa với bản sắc riêng thì dân tộc đó không thể tồn sinh và con đường dẫn đến nô lệ văn hóa là tất yếu. Văn hóa, vì thế, không chỉ là một hệ giá trị mà còn là một là một yếu tính tồn sinh của dân tộc.

           Xóm Đình An Nhơn, Gò Vấp, Những ngày đại dịch Covid, 18 / 8 /2021

Chú thích:

(1)Kim Định,Triết lý cái đình, Nguồn Sáng xuất bản, Sài Gòn, 1971, tr.31

           (2) Vũ Bằng “Tất cả sự thật về nhà thơ Quang Dũng”,Văn học số 140, ngày 15/11/1971, tr.29 – 30

(3) Nguyễn Đăng Thục, Triết lý văn hóa – Khái luận, Văn hữu – Á Châu Xb, Sài Gòn, 1959, tr.180

    (4)Hoàng Xuân Việt, Danh ngôn từ điển, Nxb. Khai Trí, Sài Gòn, 1972, tr.383

 

*Thơ trích dẫn ở bài viết đều lấy trong Quang Dũng, Mắt người Sơn Tây, (Thơ văn tinh tuyển), Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 2012

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trần Hoài Anh
Số lần đọc: 1227
Ngày đăng: 21.10.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nguyễn Du với người đẹp Dương Quý Phi - Nguyễn Anh Tuấn
“Công án” Phi Nhung - Nguyễn Anh Tuấn
Nguyễn Thị Hoàng ”Đâu biết đời kia vẫn đợi chờ”… - Hoàng Kim Oanh
Phạm Duy, bóng hồng và danh tác - Đỗ Nhựt Thư
Có một Phạm Duy như thế - Phan Trang Hy
Hoài Khanh, mây của trời rồi gió sẽ mang đi… - Hoàng Kim Oanh
Làm thơ - Võ Công Liêm
Nguyễn Tường Thiết, một niềm vui còn mãi - Nguyễn Chí Kham
Milano Sài Gòn đang về hay sang, ngỡ ngàng dõi theo dòng sông chảy - Đặng Châu Long
Thơ Lê Chí và những niềm khắc khoải nhân sinh… - Trần Hoài Anh
Cùng một tác giả
Thanh Thảo và Thơ (tiểu luận)