"Chia nhau trái mận chín/Một nửa của anh/Chim ăn một nửa"
Mười ba chữ! Hiểu như thế nào? Tôi chỉ đơn giản nêu thử một vài cách hiểu bài này, theo góc nhìn của tôi. Có thể, không trùng với bạn. Thậm chí, có thể, tất cả, đều sai, so với cách nghĩ của tác giả khi viết.
Có một trái mận, chia đôi, một nửa của anh, chim ăn một nửa. Vậy chim ăn một nửa trái mận (1/2) hay chim ăn một nửa phần của anh (1/4 trái mận)? Có thể đi nhiều hướng nghĩ khác nhau.
1/ Người chia đôi trái mận với chim. Có thể, như thế này, đi theo nghĩa giông giống câu thơ của Nguyễn Đức Sơn "Đồi cao ổi sót rụng một trái/Dòi ăn một bên ta một bên". Ta, chia cùng với thiên nhiên, trời đất (ở đây là chim chóc) một trái mận, một món quà của thiên nhiên. Chia sẻ. Hay không trọn vẹn. Không thể tham lam. Tuy nhiên, tôi nghĩ bài haiku này không chỉ có ý nghĩa như vậy.
2/ Người chia đôi trái mận với tình nhân. Chẳng phải trong văn thơ người ta vẫn hay ví "em như con chim nhỏ", vv... Vậy, có thể, là một yêu thương chia sẻ với tình nhân, anh nửa trái, con chim nhỏ là em ăn nửa trái? Chia ngọt sẻ bùi.
3/ Một lời tỏ tình, ướm ý (vẫn cùng ẩn dụ ‘em là con chim nhỏ’). Ăn cùng anh nửa trái mận nhé, cô gái nhỏ của anh! Thường khi, một người đàn ông, uống một hớp rượu nhỏ, rồi đưa rượu mời người đàn bà, nếu người đàn bà đồng ý uống ly rượu đó có nghĩa là đồng ý hôn anh ta. Và ngược lại, đàn bà mời rượu cũng thế. Lời mời, cùng cắn ăn chung một trái cây, cũng là ngầm ý tỏ tình, hôn nhau. Tại sao tôi tách nghĩa này với nghĩa 2, vì hai giai đoạn tình cảm, có thể là, khác nhau.
4/ Sự chia sớt trong tình yêu. Trái mận, có thể là trái tim anh. Anh giữ lại một nửa, một nửa phần em, hoặc một nửa gửi theo cánh chim bay xa. Cho đi. Nhưng không hẳn là toàn vẹn. Như cuộc sống.
5/ Hy sinh, nhường nhịn. Ba nhân tố: Anh/em (nhân vật ẩn)/chim. Anh mời em ăn nửa trái mận. Em ăn phần ngon, không biết phần của anh chim đã ăn mất một nửa. Anh chịu đựng, tổn thương, nhưng em hoàn toàn không biết. Nếu nghĩ thoáng hơn, thì phần chim ăn 1/4 cũng là sự chia sẻ với đất trời, thì thật ra, đó cũng không hẳn là sự tổn thương của anh. Tình cảm, con người, sự dung hợp và chấp nhận, và trân trọng cuộc sống, tình yêu và cả sự chịu đựng, hòa quyện.
6/ Chia sẻ, ước mơ, bay bổng. Cùng ý với 5, anh mời em ăn nửa quả mận. Nửa quả phần anh, chim đã ăn. Chia sẻ cùng người thân, chia sẻ cùng thiên nhiên. Một chút thắm thiết, một chút tình, gửi theo cánh chim bay xa. Hay, thi sĩ của chúng ta, lãng mạn đến độ lơ đễnh cầm nửa quả mận mà bị chim ăn mất một phần? Ý này, tôi xin mượn từ bình luận của cô Dương Diên Hồng bên facebook tác giả.
Trái mận, có thể là mận miền Nam (gọi là quả roi miền Bắc)? Tôi lại nghĩ có lẽ tác giả nói đến trái mận tròn trịa mọng nước (plum) của những nước Úc, Mỹ, Canada (ở miền Bắc Việt Nam cũng gọi đó là quả mận), vì quả mận của miền Nam không có khái niệm ‘chín/sống’. Thức ăn, đồ ăn chơi? Sự ngọt ngào, hạnh phúc, sự no đủ, niềm vui?
Bài haiku của Nguyễn Đức Tùng, theo tôi, đi theo nhiều hướng gợi nhiều cách nghĩ và mở ra rất nhiều so với hai câu thơ của Nguyễn Đức Sơn. Lý do, có ‘anh’, có nhân vật ẩn ‘em’, và cánh chim cùng trái mận chín kia có lẽ bay bổng thơ mộng hơn so với sự chấp nhận tự nhiên hay thực tế tàn nhẫn ‘dòi ăn’ của trái ổi trong thơ Nguyễn Đức Sơn.
Tác giả, khi chỉnh sửa, có môt lúc ghi thêm từ "đã" (Chim đã ăn một nửa), tôi đề nghị tác giả loại từ "đã", trở về bản ban đầu, và tác giả đồng ý. Vì nếu còn từ "đã", chẳng hóa ra hạn chế mất một vài cách nghĩ trong những ngữ nghĩa nêu trên.
Nhân ngày chủ nhật gần cuối tháng 1, mượn 'nửa trái mận chín' của anh Nguyễn Đức Tùng, tôi chia sẻ với bạn một vài cách nghĩ của tôi. Còn bạn, bạn nghĩ thế nào khi đọc mười ba chữ của bài haiku này?
24.01.2021