Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.180
123.221.808
 
Dọc đường văn nghệ (Phần 62) Hoàng Thị Bích Hà, nhà bình luận văn học của xứ thần kinh
Trần Dzạ Lữ

 

Những ngày này, tôi vẫn ở nơi vùng đất chưa được “bình thường mới” (thuật ngữ bây giờ) nghĩa là còn hạn chế đi lại, hạn chế tiếp xúc nên” bó chân” ở nhà. Lại nằm nghe mưa qua, gió cuốn nơi vùng đất hoang dã. Lại ngơ ngẫn trước tin báo bão, lụt lội miền Trung mà se lòng…Lại đọc sách và vớ ngay cuốn Bình Luận Văn Học Tập I của cô em gái đồng hương Hoàng Thị Bích Hà. Nếu như bình thường cũ thì tôi sẽ “ nổi máu phiêu bạt, giang hồ” mang balô với vài bộ áo quần, leo lên xe Hai Trâm. Mấy tiếng sau là có mặt ở Sài Gòn cà phê với bạn bè và nhất định sẽ ghé thăm vợ chồng Hà ở đường Dương Quảng Hàm- Gò Vấp …và sau đó, sẽ cùng vợ chồng Hà lên quận 12 thăm chị NGTC- một người chị viết văn, làm thơ mà mấy anh em tôi rất quý trọng. Nghĩ mà giận cô Vy đã khiến tất cả bất bình thường.Và cuộc sống con người trở nên mong manh mấy năm qua.

 

Biết cô giáo Hà từ năm 2018 qua các bài bình luận văn học thật tinh tế, sâu sắc, khách quan và công tâm khi đặt bút viết về người nào đó mà cô đọc và cảm thụ văn hay thơ của họ. Cô nội soi thấu đáo tác giả bằng trí tuệ và trái tim giàu liên tưởng và đầy nhân văn mà không hề so đo người đó làm gì trong xã hội, giàu, nghèo…miễn là tác giả không phải là thành phần bất hảo…

 

Năm 2019, nhân chuyến về thăm nơi chôn nhau cắt rún của tôi (Ngọc Anh, Huế) tôi đã tìm gặp hai vợ chồng Bích Hà trên đường Bùi Thị Xuân Huế. Nơi Hà ở là một căn nhà vừa đủ thơ mộng để cô ngồi bên cửa sổ nhìn ra cảnh quan của Huế. Không khí nơi đây vừa cổ kính vừa lãng mạn cho một nhà văn trước tác. Hai vợ chồng hiếu khách này đã đãi tôi một bữa cơm thật ngon miệng vì do chính tay cô gái Huế chính hiệu” con nai vàng” nấu nướng. Cô cũng rất thông minh khi đoán định tôi (người tha hương lâu ngày về xứ mạ thích ăn món gì.) Do, chồng Hà là một người lịch thiệp và cởi mở. Do đó, tình anh em giữa chúng tôi mau chóng gắn bó và luyến lưu. Nhưng niềm vui nào rồi trôi qua và cuộc gặp gỡ nào cũng phải đến lúc chia tay, để mỗi người trở về một phương mình đang sống. Lên tàu, nhưng tôi luôn ngoái lại quê xứ của mình- đất thần kinh yêu dấu!

Dù xa xôi vậy, tôi vẫn thường thăm hỏi vợ chồng Bích Hà. Được biết từ năm 2004, BH đã cho con vào SG học tập và nay các cháu đã có công ăn việc làm ổn định ở thành phố này. Và họ cũng rời Huế vào cư trú tại SG để sống gần gia đình các con đang làm việc tại đây.

Sài Gòn tuy là chốn phồn hoa náo nhiệt nhưng Bích Hà ở trong một khu phố yên bình ở Gò Vấp nên cũng dễ chịu cho việc viết lách của cô.

Đến nay, Hoàng Thị Bích Hà đã có một gia tài tinh thần đáng kể với nhiều tác phẩm về thơ, truyện ngắn, tùy bút và sách bình luận văn học (đang hoàn thành tập III) và những tác phẩm dài hơi khác. Ở cõi văn chương là thế, song Bích Hà rất biết khiêm cung lúc giao tiếp. Nụ cười luôn nở trên môi và 2 tiếng dạ,thưa đi liền sau đó. Nhiều năm đi dạy học ở Huế sau khi lấy bằng cử nhân ngữ văn cô luôn tự soi mình với suy nghĩ: “ Học, học nữa bởi bể học mênh mông…”

Có một điều cô giáo Hoàng Thị Bích Hà không nói ra nhưng tôi biết ngoài đời cô là một người vợ hiền, một người mẹ xứng đáng như lời bài hát của nhạc sĩ Y Vân”…Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình”

Người phụ nữ VN luôn là tấm gương sáng trong đời và nhất là người phụ nữ Huế luôn cam chịu, hy sinh, quên mình, để vun vén hạnh phúc với chồng con và dịu dàng, ân cần với người thân, bè bạn cũng như giao tiếp ngoài xã hội.

Tôi biết tháng 3 năm 2020, người con trai đầu của Hà bị bệnh khó trị sau khi đã đưa vào bệnh viện Sài Gòn. Cô đã “lao vào lửa “ không ngại khó, ngại khổ khi đem con qua Singapore chữa bệnh- ngay lúc dịch cô Vy đang bùng phát. Nơi này, giá cả rất cao trong việc chữa bệnh, ăn uống, sinh hoạt hằng ngày. Nơi xứ lạ, quê người chỉ có hai mẹ con cô.Tuy vậy, niềm tin ở hiền gặp lành cộng với sự tận tâm của bác sĩ Singapore đã khiến cháu trai lành bệnh. Hai mẹ con cô được Đại sứ quán VN tại Singapore kết hợp với chính phủ xét trong chuyến bay giải cứu đầu tiên cho công dân Việt nam về nước. Cháu trai đã bình phục hoàn toàn. Hai mẹ con đã về nhà bình an. Sau khi trở về nước, cháu đã đi làm lại bình thường.

Nghĩ đến Hoàng Thị Bích Hà với tình mẹ tuyệt vời như thế, tôi nhớ đến 2 câu thơ của thi sĩ Chế Lan Viên:

Con dù lớn vẫn là con của mẹ.

Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con…

Rồi năm 2021, tôi xa SG, rất nhớ những lần đến thăm hai vợ chồng Hà ở 1 chung cư và được đãi bánh bột lọc bọc nhụy tôm do tự tay cô làm. Bánh nóng hổi vừa thổi vừa ăn, ngon lạ lùng!

Với riêng tôi, Hà đã bình luận đến 7 bài thơ. Xin giới thiệu với bạn đọc 2 bài bình luận sau đây:

ĐỌC BÀI THƠ KIẾP SAU LẤY VỢ HUẾ

Trần Dzạ Lữ- Một "cây đại thụ" trong thi ca đương đại. Tôi gọi hồn thơ nồng nàn, lãng mạn này như vậy cũng không có gì là quá. Bởi vì thơ anh đã xuất hiện từ thập niên sáu mươi của thế kỷ trước. Khi tôi chưa có mặt trên đời thì thơ anh đã bay bổng trên các tạp chí văn chương, báo chí nổi tiếng của miền Nam và cho đến bây giờ anh vẫn cần mẫn với lao động nghệ thuật thi ca. Các sáng tác của anh bao giờ cũng được bạn đọc yêu thích và đón nhận nồng nhiệt.

Bài thơ "Kiếp Sau Lấy Vợ Huế " của thi nhân Trần Dzạ Lữ sau đây là một minh chứng. Bài được đăng trên trang Kết Nối Huế Thương đã nhận được số lượng khủng bạn đọc quan tâm tương tác với 2500 lượt like, love, 520 bình luận và 439 lượt chia sẻ.

Kính mời đọc giả hãy đọc thật chậm, thật kỹ để cảm nhận vẻ đẹp của bài thơ này theo cách riêng của mình. Vì vậy tôi không đi sâu bình luận nội dung và nghệ thuật của bài thơ chỉ có đôi lời giới thiệu ngắn gọn để bạn đọc thưởng lãm.

Bài thơ có thi đề giản dị mà rất thơ. Cho thấy tâm hồn anh dạt dào tình yêu Huế, yêu con người và xứ sở nơi đây! Hình ảnh người phụ nữ Huế trong bài thơ thật đáng yêu với đầy đủ tố chất của người vợ thủy chung, giỏi giang, yêu chồng...với tình yêu đáng mơ ước. Rất nồng nàn và dịu ngọt. Cảm xúc được thể hiện qua thể thơ ngũ ngôn, giai nhẹ nhàng, sâu lắng. Chọn lọc thi liệu, thi ảnh...rất ấn tượng. Anh sử dụng ngôn từ bình dị, đậm đà phương ngữ Huế, rất biểu cảm. Bấy nhiêu đó đủ cho thấy cảm quan nghệ thuật rất đẹp của một hồn thơ tài hoa. Kiếp này không thể được! nghe man mác bâng khuâng phảng phất tiếc nuối! Thôi đành hẹn kiếp sau!

Huế ngày 03/7/2019

 

(Bài viết đã được đăng trên các trang web: haibogiay.netart2all.net)

KIẾP SAU LẤY VỢ HUẾ

Trần Dzạ Lữ

 

Kiếp sau lấy vợ Huế

Để tôi được cưng chìu

Đêm nằm nghe thỏ thẻ:

“ Anh nì! Chừ mình yêu…”

Sáng ra lời trong veo

Tiếng người như chim hót:

“ Anh ơi! Em ốt dột

- Hun chi lạ…rứa tề!”

Thương ơi! Mái tóc thề

Dài lên tới Bến Ngự

Tóc cột đời lữ thứ

Trăm năm không cho về

Kiếp sau lấy vợ Huế

Già chát vẫn kêu anh

Gần chôn cũng xưng em

Tình nào hơn như thế?

Bờ môi ngọt… thương nhớ

Con mắt là sao sa

Dẫu khi đã đàn bà

Cũng lừng hương thiếu nữ!

Dẫu khi tôi mệt lữ

Em vẫn tìm lá xông

Bão giông em không sợ

Ăm ắp nghĩa vợ chồng...

 

BÌNH THƠ: KIỀU NỮ của tác giả Trần Dzạ Lữ

 

Thi ca là nghệ thuật cao cấp, mà đã là nghệ thuật thì rất cần cái đep. Một trong những vẻ đẹp tạo hóa hoàn mỹ nhất có lẽ là hình bóng giai nhân .Vẻ đẹp của giai nhân là nguồn cảm hứng bất tận từ bao đời nay cho tất cả các loại hình nghệ thuật nói chung và thi ca nói riêng. Chính vì vậy khi bắt gặp một dáng hình “kiều nữ” đã gợi cho thi nhân những cảm xúc mãnh liệt trước cái đẹp để dệt nên những vần thơ để đời. Vẻ đẹp Á Đông của phụ nữ Việt Nam nói chung và vẻ đẹp của phụ nữ Huế nói riêng đã làm thổn thức không biết bao nhiêu tao nhân mặc khách. Nói về cô gái Huế qua tâm tình thi nhân, thi sĩ Nguyễn Bính: đương thời có câu:

“Những nàng thiếu nữ sông Hương

Da thơm là phấn, má hường là son”

Bài thơ KIỀU NỮ là một trong những bài thơ tình đặc sắc của nhà thơ Trần Dzạ Lữ. Chúng ta hãy cùng khám phá vẻ đẹp của bài thơ này.

Mở đầu bài thơ là một lời giới thiệu về một giai nhân xứ Huế:

“Nghe người gọi em chính là kiều nữ

Có nụ cười xé lụa đất thần kinh”

Kế thừa thi pháp cổ điển nhà thơ gợi chứ không tả chi tiết cụ thể mà chỉ trong một câu thơ mang tính ước lệ “Nghe người gọi em chính là kiều nữ” Hai chữ kiều nữ ngắn gọn mà súc tích để người đọc sẽ có một hình ảnh người đẹp cho riêng mình rất diễm lệ. “Có nụ cười xé lụa đất thần kinh” Nụ cười giòn tan trong trẻo như tiếng xé lụa. Ở đây tác giả lựa chọn hình ảnh so sánh, kế thừa hình ảnh nói về giai nhân trong thơ cổ điển. Chỉ hai câu thơ ngắn gọn hình ảnh bóng hồng hiện ra trước mắt chúng ta đẹp cả thanh và cả sắc. Trước vẻ đẹp kiều diễm này có lẽ không chỉ một mình thi nhân đâu mà có lẽ không ít chàng trai cũng “ Choáng váng” nói không nên lời:

“Ta ú ớ...bởi mình là cô lữ

Xa sông Hương nên dậy sóng u tình...”

Có thể nói rằng hai câu đầu giới thiệu về một giai nhân bất ngờ gặp gỡ, còn hai câu tiếp theo là tự giới thiệu về mình. Ta chính là một chàng trai gốc Huế “ Xa sông Hương” “nên dậy sóng u tình” rất phong trần và lãng mạn.

Khổ thơ tiếp theo tiếp tục với hình ảnh rất ước lệ: “ Em đài các”- một vẻ đẹp quý phái, sang trọng tiếp tục khẳng định thêm lần nữa vẻ đẹp diễm lệ của giai nhân xứ Huế. Câu thơ là một phép tiểu đối. “Em đài các” “ ta kẻ lênh đênh” thì khát vọng vươn tới hạnh phúc cùng em là điều còn trong ao ước: “Răng lại ước chuyện phu thê em hí?” Đây là một câu hỏi tu từ. Tác giả sử dụng khéo léo và gieo vần đúng chỗ với phương ngữ Huế tạo nên nét đặc sắc rất riêng của thi nhân gốc Huế. Nhà thơ tự nói với chính mình như là một phép phân thân lưỡng ngôn để đối thoại. Trước vẻ đẹp kiễu diễm ấy, ai mà chẳng một lần ao ước có em trong mái ấm phu thê. Điều này có vẻ đúng với tất cả một nửa đàn ông đa tình trên thế giới chứ không chỉ thi nhân đâu. Huống hồ thi nhân lại là người có trai tim đa cảm và lãng mạn có thừa, thì sóng lòng trào dâng để dệt nên những vần thơ tình là điều dễ hiểu.

“Em đài các còn ta kẻ lênh đênh

Răng lại ước chuyện phu thê em hí?

Đời bất toại, nên ngày về lí nhí

Câu thơ buồn bẻ mộng giữa chiều xanh”

Không phải bao giờ mọi ước muốn cũng trở thành sự thật. Vì thế mà “ Đời bất toại nên ngày về lí nhí”. Nỗi buồn giữ lại nghẹn lòng không thể thốt nên câu và vì thế mới có “ câu thơ buồn” “ Bẻ mộng giữa chiều xanh”. Mộng đã tan rồi giữa một giấc mơ đẹp.

Khổ thơ thứ ba với những hình ảnh so sánh ấn tượng tiếp tục làm bật nổi vẻ đẹp quý phái của thiếu nữ đất thần kinh. Tác giả sử dụng các biện pháp tu từ: so sánh vừa có phép tiểu đối trong câu. Em điện ngọc trong chiếc áo cung phi thật sang trọng và quý phái với sắc vàng quyến rũ còn ta “Trái tim khô” cảm thấy “ chới với” trước vẻ đẹp kiều diễm này. Ta là kẻ đa tình mơ mộng. Thi ca đã trao cho ta một sứ mệnh là chuyển tải cảm xúc vào câu chữ. Nỗi ước mong, khao khát về tình yêu hạnh phúc lứa đôi ở thi nhân cũng như bao chàng trai đa tình trên trái đất này! Đây là khát vọng chính đáng. Em đẹp lộng lẫy như thế thì chỉ có nơi điện ngọc mới là chỗ xứng với em thôi. Còn ta “ trái tim khô” lấy gì mà ao ước? Vậy mà ta vẫn thổn thức, vẫn mong chờ “Qua mấy cửa ta chờ! Chi lạ rứa !”chính ta cũng không thể hiểu nổi ta: “Chi lạ rứa !” Tiếp tục với biện pháp tu từ là nghệ thuật làm tăng thêm sức biểu cảm cho thơ.

“Trong điện ngọc, áo cung phi em mặc

Một sắc vàng chới với trái tim khô?

Qua mấy cửa ta chờ! Chi lạ rứa!

Bên hoàng thành, bóng ngựa nhớ hương xưa...”

Thế rồi! Nàng trong hoàng thành còn ta với vó ngựa rong ruổi với cuộc đời lữ thứ, vẫn mơ tưởng nhớ “hương xưa”. Chất đa tình lãng mạn làm nên sức cuốn hút trong thơ tình Trần Dzạ Lữ.

Ước mộng không thành ta giận chính ta hay giận cả chiếc cầu “Nhịp cầu cong” với sương mù lãng đãng. Vẫn vẻ đẹp liêu trai trong buổi sớm sương mù với mười hai nhịp vốn có, nhưng ta lại cảm thấy có gì đó như là một nỗi xót xa. Như là một sự lỡ hẹn gì đầy tiếc nuối bâng khuâng “Chưa về kịp’’ để xót vì mười hai nhịp hay xót cuộc tình đơn phương của thi nhân và giai nhân?

“Giận chiếc cầu cong cứ thả sương mù

Về chưa kịp, xót vì mười hai nhịp...

Mỗi nhịp thương người lặng thầm, ta biết

không còn ai nghiêng chiếc nón bài thơ.”

Qua mỗi nhịp cầu ta đếm giữa chơi vơi. mỗi nhịp cầu là một lặng thầm thương ai chỉ một mình ta biết. và thấp thoáng một nỗi buồn tiêng tiếc:

“không còn ai nghiêng chiếc nón bài thơ.”

“Không còn ai để gọi lúc sang mùa

Đông xám xịt, màu trăng tàn đỉnh Ngự

Em vào Nội, nghĩa là ta trấn thủ

phía không nhau, ngơ ngác kiếm cung thừa…”

Nếu cuộc đời” không còn ai để gọi lúc sang mùa”, nghĩa là không còn hình bóng người đẹp Cố Đô đó nữa. Cảnh vật bây giờ thật buồn chán biết nhường nào! Mùa đông trở nên xám xịt, còn trên đỉnh Ngự chỉ còn ánh trăng đã tàn ... Bởi em đi thật rồi! “ Em vào Nội” thì ta “ Trấn thủ” “Phía không nhau”. Cung kiếm cũng trở nên “ ngơ ngác” và thừa thải! Ở đây tác giả sử dụng phép nhân hóa. Cung kiếm “ Ngơ ngác hay hồn ta ngơ ngác khi không em”?

“Cứ dáo dác kiều nữ vẻ anh thư

Khi hát hỏng câu nam bình thương nhớ

Con mắt ai, nhốt hồn ta trong đó

Có bao giờ tiêng tiếc gã khờ chưa?”

Tác giả sử dụng 2 cặp từ láy “ngơ ngác” và “dáo dác” rất hay, anh dùng từ rất đắt để nói về tâm trạng không có thể có từ nào hay hơn thế để lột tả tâm trạng này. Khi “em” đi rồi từ ngơ ngác cả kiếm cung thừa, không biết làm gì hơn! Mắt “dáo dác” kiếm tìm một làn hương vừa mới phảng phất đâu đây.Trước “ Kiều nữ vẻ anh thư, đài các trong lòng ta đã mang thương nhớ! Câu Nam bình thương nhớ, câu hát cất lên trong lồng ngực đã không như ý nguyện “hát hỏng câu Nam Bình” rồi còn đâu nữa? Tâm trạng gửi vào thơ đầy tiếc nuối!

Bài thơ khép lại với hai câu thơ thật cô đọng:

“Con mắt ai, nhốt hồn ta trong đó

Có bao giờ tiêng tiếc gã khờ chưa?

Vâng! Con mắt nàng đã nhốt hồn tôi từ buổi ấy. Ta là một gã si tình, lãng tử. “Có bao giờ tiêng tiếc gã khờ chưa? ” Câu hỏi tu từ lần nữa xuất hiện khép lại áng thơ tình để người đọc cũng thấy tiếc nuối theo. Đây là câu thơ hàm chứa cả niềm tiếc nuối bâng khuâng của thi sĩ. Thi nhân tiếc bóng hình giai nhân. Cũng có thể phân thân để hỏi Người đẹp có tiếc thi nhân không? Thi nhân tự gọi mình là gã khờ đó- gã khờ đa tình lãng mạn tài hoa chẳng lẽ người đẹp nào không tiêng tiếc sao?

KIỀU NỮ là một bài thơ tình hay! Bằng thủ pháp nghệ thuật gợi nhiều hơn tả, Nghệ thuật dùng hình ảnh so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, tượng trưng và phép tiểu đối ở trong thơ đưa đến cho độc giả áng thơ tình đẹp. Nhà thơ cảm thấy mình hụt hẫng chơi vơi trước một mối tình đơn phương mộng ảo. một chút tình mong manh mà không kém phần tha thiết và ngọt ngào. Sự phối hợp các thanh bằng trắc hợp lý tạo nên nhạc điệu trầm bỗng của bài thơ để làm nên sắc điệu trữ tình có giá trị biểu đạt cao. Từ một rung cảm thường tình giữa thi nhân và người đẹp tạo nên chất liệu thi ca. Giọng thơ tâm tình, lời thơ dịu ngọt, tứ thơ dạt dào xúc cảm, thể hiện một hồn thơ và giàu chất suy tư. Hình tượng xuyên suốt bài thơ cho thấy rõ nét tư duy nghệ thuật tinh tế và sâu sắc. Khẳng định một thi pháp độc đáo, sáng tạo rất riêng của hồn thơ Trần Dzạ Lữ. Cảnh và người, mộng và thực, say đắm và bâng khuâng trước vẻ đẹp rồi thẫn thờ tiếc nuối…Hình ảnh và cảm xúc hội tụ trong sáu khổ thơ bát ngôn là câu chữ toàn bích. Ngôn ngữ dung dị, thi ý ngọt ngào, cảm xúc hồn nhiên.Từ niềm rung cảm khát khao, mơ mộng…của cái tôi trữ tình đến biểu cảm nồng nàn, lãng mạn tạo nên chất men say cuốn hút trong thơ tình Trần Dzạ Lữ.

Kính mời bạn đọc thưởng thức đầy đủ, trọn vẹn văn bản bài thơ:

 

KIỀU NỮ

 

Nghe người gọi em chính là kiều nữ

Có nụ cười xé lụa đất thần kinh

Ta ú ớ...bởi mình là cô lữ

Xa sông Hương nên dậy sóng u tình...

Em đài các còn ta kẻ lênh đênh

Răng lại ước chuyện phu thê em hí?

Đời bất toại, nên ngày về lí nhí

Câu thơ buồn bẻ mộng giữa chiều xanh

Trong điện ngọc, áo cung phi em mặc

Một sắc vàng chới với trái tim khô?

Qua mấy cửa ta chờ! Chi lạ rứa!

Bên hoàng thành, bóng ngựa nhớ hương xưa...

Giận chiếc cầu cong cứ thả sương mù

Về chưa kịp, xót vì mười hai nhịp...

Mỗi nhịp thương người lặng thầm, ta biết

không còn ai nghiêng chiếc nón bài thơ.

Không còn ai để gọi lúc sang mùa

Đông xám xịt, màu trăng tàn đỉnh Ngự

Em vào Nội, nghĩa là ta trấn thủ

phía không nhau, ngơ ngác kiếm cung thừa...

Cứ dáo dác kiều nữ vẻ anh thư

Khi hát hỏng câu nam bình thương nhớ

Con mắt ai, nhốt hồn ta trong đó

Có bao giờ tiêng tiếc gã khờ chưa?

 

***

Và thơ ca, cô giáo cũng đã viết và in mấy tập.Ta không thể bỏ qua 2 bài thơ này:

 

GỞI TẶNG NGƯỜI XA HUẾ

 

Vua đã chọn nơi này làm kinh đô một thuở

Sao người đành bỏ Huế lại mà đi?

Dẫu thời gian đã thăng trầm hưng phế

Tử Cấm Thành trầm mặc vẫn uy nghi

Những biến thiên dâu bể có hề gì

Kinh thành Huế trong lòng người vẫn vững

Chiếc bình phong- núi Ngự Bình sừng sững

Hương Giang là dải lụa dịu dàng buông

Rứa mà người đành đoạn bỏ đi luôn

Câu thương nhớ gửi buồn về cố quận

Nợ tang bồng hết tuổi xuân chưa trả

Giờ tóc sương vẫn dấn bước xa xôi

Gót phong trần có khi nào chợt mỏi?

Hãy trở về mùa sen nở Tịnh Tâm

Chiều Kim Long nghe chuông chùa vọng lại

Ngắm hoàng hôn từ phía phá Tam Giang

Đường Ngô Quyền màu hoa điệp rực vàng

Thuở tan trường vờn bay tà áo trắng

Trời mùa hạ vịnh Lăng Cô đẹp lắm!

Bạch Mã đây! “Đà Lạt” chẳng đâu xa

Làn mây trôi hoa gạo nở tần ngần

Sắc thắm đỏ níu chân người lãng tử

Chè long nhãn ngọt ngào sen hồ Tịnh

Ẩm thực cung đình…

đừng lỡ bước khách tao nhân!

Em sẽ chờ như chim én đợi mùa xuân

Mắt xa xăm dịu dàng bên ô cửa

Đường vạn nẻo nhưng trở về chỉ một

Còn kiếp nào em đợi nữa cố nhân ơi!

Sài Gòn, 20/5/2020

 

 

CHÚT HƯƠNG XƯA

Anh nhớ về thăm Huế mình một bữa

Mạ Huế vẫn chờ những đứa con xa

Chút hương xưa chắc vẫn còn lưu dấu

Những ngọt ngào nhè nhẹ ở trong tim

Tháng ba về dịu dàng hoa xoan tím

Trên ngõ nhà em... còn nhớ không anh?

Dòng đời trôi và biến thiên dâu bể

Lạc nhau rồi em lặng lẽ sang sông

Em biết anh còn nặng gánh phong trần

Gót lữ thứ phiêu bồng đời mưa gió

Một chút tình đầu đời chưa kịp ngỏ

Thì trách chi năm tháng ấy dại khờ

Mấy mươi năm đã xa rồi anh hỉ

Mối duyên đầu thành kỷ niệm khó quên

Trăm năm sau gửi trọn miền ký ức

Xin nhớ về câu chuyện của ngày xưa!

Novena, Singapore, ngày 15/3/2020

 

Hoàng Thị Bích Hà

Tiểu sử văn học
 Bút danh: Bích Hà, Hoàng Thị Bích Hà

 Tên thật: Hoàng Thị Bích Hà

 Tuổi Quý mão

Cử nhân Ngữ văn ĐHSP Huế

Hiện ở tại TP Hồ Chí Minh

Địa chỉ Email: habich1963@gmail. com

 Đã xuất bản:13 tác phẩm: Bình luận văn học (3), Truyện ngắn-Tùy bút (1), Thơ (9)

Góp mặt nhiều tuyển văn, thơ trong và ngoài nước.

Cộng tác với các tạp chí, Website  VHNT trong và ngoài nước: Quán Văn, Ra Khơi, Sông Quê, Vô Ưu, vanchuongviet.org, art2all.net, hai bogiay.net, bongtram.com, vietvanmoi.fr, vanhocsaigon.com, vanchuongphuongnam.vn, vietbao.com, T-van.net, tongphuochiep-vinhlong,…

 

Lời kết:

Nói gì thì nói, theo tôi và một anh bạn nhà thơ lão luyện đã rất chân tình khi tâm tình với cô giáo Hoàng Thị Bích Hà: Thơ văn là những cuộc chơi tao nhã sau điều chính yếu là Bình Luận Văn Học. Đấy là những công trình cô đã, đang và sẽ làm mà bạn đọc mong đợi bởi rất hiếm hoi nhà phê bình văn học vị nghệ thuật và công tâm khi soi chiếu tác phẩm của những nhà văn, nhà thơ đương đại. Phải vậy không, thưa cô em gái họ Hoàng đất thần kinh? Và tôi biết, cô luôn hướng vọng Quê Nhà dù đang ở nơi đâu, làm gì ,vẫn vẫy gọi Huế yêu thương bằng lời của trái tim nhân hậu, nết na…

 

( Xuyên Mộc 21.10.2021)

 

Hình tác giả HTBH và tác phẩm

 

 

 

 

Trần Dzạ Lữ
Số lần đọc: 1174
Ngày đăng: 01.11.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ba tôi - Nguyễn Đại Duẫn
Dọc đường văn nghệ (Phần 59) Huỳnh Minh Lệ, nhà thơ thâm trầm…xứ Phù Cát - Trần Dzạ Lữ
Dọc đường văn nghệ (Phần 56) Nguyễn Liên Châu, nhà thơ sinh ra để biên tập tác phẩm văn học - Trần Dzạ Lữ
Dọc đường văn nghệ (Phần 57) Âu Thị Phục An, cây viết nữ lạ thường - Trần Dzạ Lữ
Thu nay và thu xưa - Trần Dzạ Lữ
Không đi xa nữa - Nguyễn Chí Kham
Ý nghĩ rời… - Trần Dzạ Lữ
Tưởng nhớ Thanh Tâm Tuyền - Nguyễn Chí Kham
Dọc đường văn nghệ (Phần 55) Người thợ sửa giày ở chợ Trần Hữu Trang – Phú Nhuận - Trần Dzạ Lữ
Ở cuối dòng Bến Hải có một làng nghệ sĩ - Minh Tứ
Cùng một tác giả
Hương cau quê nhà (truyện ngắn)
Cắt (thơ)
Thư Gửi Chị (tạp văn)
Liếc (thơ)
Nhớ (thơ)
Chờ O (thơ)
Khát (thơ)
Câm (thơ)
Nhớ Bạn (tạp văn)
Tát (thơ)
Cần (thơ)
Tím Nhớ (tạp văn)
Dắt (thơ)
Nhốt (thơ)
Chìa (thơ)
Trượt (thơ)
Trộn (thơ)
Bắt (thơ)
Xa cách (thơ)
Chặt (thơ)
Lấn (thơ)
Cách ly (thơ)
Quỳ (thơ)
Tôi (thơ)
(thơ)
Hoa cà (thơ)
(thơ)