Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.198
123.208.517
 
Dầu Tiếng – ký ức miền thơ ấu
Phan Văn Thạnh

 

                                                                                          

    Từ QL13 – đường Bình Dương,ra khỏi địa phận thị xã Thủ Dầu Một,rẽ trái tỉnh lộ 744 vượt cầu Ông Cộ, trục giao thông huyết mạch nối Saigon với vùng sâu miền Đông Nam Bộ,mở rộng thênh thang,trải nhựa phẳng phiu .Xe phóng vi vu thẳng hướng thị trấn Dầu Tiếng.Lòng tôi bỗng dưng bồi hồi – đường ra phía trước - lối đưa tôi về cái thời lên bốn,lên năm - ê a vỡ lòng cách nay hơn nửa thế kỷ .

                  Chạy hết ranh xã Thanh An,xe qua cầu Suối Dứa chạm vào rìa mép thị trấn Dầu Tiếng,tôi cố moi trí nhớ hình dung cảnh quang nơi này năm xưa,tôi nhớ lờ mờ bên phải đất vườn của ông bà chủ xe đò Phước Chí,đường đất mới vành đai vòng ra ngã ba cây Dừng,nhà hát An Lạc,trại đồn lính hiến binh cũ thời Pháp,trụ sở Hội đồng xã Định Thành ngày xưa,dài xuống là lò bánh mì của bác Bảy Ân,nhà ông Hai Thượng,ông Xã Thuận,ông xã Bộn,ông Tổng Liễng,tiệm thuốc tây Thành Nguyên,các cửa hiệu buôn của người Hoa lập nghiệp lâu đời tại Việt Nam - chú Hán,chú Chủ,quán cà phê chú Xịt,xe mì chú Lũy…Chợ Dầu Tiếng nhóm phiên chủ nhật - rất đông dân từ các làng cao su đồn điền Michelin túa ra mua sắm nhộn nhịp.

 

                   Con dốc đổ xuống bờ sông Thị Tính còn đó ,hàng tre trúc lòa xòa mặt nước – chiều ngang con sông dường như hẹp lại - ngày xưa dưới mắt nhìn bé thơ sự vật cảnh quang rộng dài,mênh mông.Những giếng khơi ngoài bãi sông với cần trục tầm vông treo chiếc gàu kéo nước,những chiếc xe bò vượt dốc đình,âm thanh ngày ấy vẫn còn khua lộc cộc trong tôi.

 

                  Sân đình Dầu Tiếng,với tượng ngựa Thần uy nghi lẫm liệt - vẫn còn đó đủ mặt những thân cây Sao đen được suy tôn lên hàng đại lão .Tôi tha thẩn đi tìm dấu vết hình ảnh lớp học mờ phai bên cạnh ngôi đình được công nhận di tích văn hóa cấp Tỉnh,Thành phố .Tôi nhớ trường làng Định Thành ngày ấy(1955) nằm tạm trong khuôn viên Đình Dầu Tiếng - lớp học sơ sài,vách ngăn bằng tấm cót tre.Nhớ lắm thầy Tám có tật nghiêng một bên vai(lớp Năm);nhớ cô Út Diệp(lớpTư),thầy Hai(lớp Ba),thầy Thái(lớp Nhì)… đặc biệt thầy Đốc Ngọ(Hiệu trưởng trường) rất nghiêm,ông có giọng quát sang sảng nắn thần kinh mọi người,mỗi lần nghe tiếng máy xe vào sân trường, bọn học trò nhà quê chúng tôi khiếp vía im phắc,các thầy cô thì có vẻ  hoảng .

 

Tượng ngựa Thần trong sân đình Dầu Tiếng

Chân dung một vùng quê

 

                 Huyện Dầu Tiếng - (còn có tên Trị Tâm -1955),thuộc loại huyện vùng sâu,vùng xa nằm về phía Tây Bắc tỉnh Bình Dương cách thị xã Thủ Dầu Một 50Km – địa hình thiên nhiên rất đa dạng có đủ rừng,núi,sông,đồng ruộng và ngày nay có cả hồ thủy lợi mênh mông trời nước. Phía Bắc giáp Chơn Thành(Bình Long),Đông giáp Bến Cát,Tây giáp hồ Dầu Tiếng,huyện Dương Minh Châu,phía Tây Nam giáp huyện Trảng Bàng(Tây Ninh).Phía Nam giáp huyện Củ Chi(TP.HCM) - diện tích 719 Km2 – gồm 11 xã : Thanh Tuyền,Thanh An,An Lập,Định Hiệp,Long Tân,Long Hòa,Minh Tân,Định An,Minh Thạnh,Minh Hòa,Định Thành và 1 thị trấn (Dầu Tiếng).

 

                Thị trấn ngày ấy nhỏ như bàn tay trẻ sơ sinh từ cổng Bo(Port),Ba Rắc,Bàu Sình,lò Chén, nhà mủ,sân bay cũ,vòng lên công xi heo (lò mổ lợn),ngã ba cây Dừng,khu chợ chiều,đường Độc Lập - trung tâm thị trấn chợ sáng.

 

                Dầu Tiếng bây giờ đổi thay nhiều lắm,đường sá mở mang chạy “lùng sục”xuyên qua các làng cao su vào tận Thị Tính,nhà cửa xây dựng khang trang.Dầu Tiếng nối với bên ngoài theo các hướng giao thông:

 

- Hướng thứ nhất phía Bắc xuyên rừng cao su  âm u lạnh lẽo qua làng 2, 4,12,18,Long Hòa, cầu Thị Tính,rẽ trái ra quốc lộ 13 đi Tây nguyên.Trục đường này chạy qua những địa danh nghe lạ tai Căm xe,Cà toong,Ván Hương –[Căm xe (xylia xylocorpa)là một loại cây gỗ,rất cứng,thường dùng làm căm xe bò,nọc tiêu,đồ nội thất cao cấp,ván lót sàn.Cà toong hay Cà tông (Rucervus eldii) động vật thuộc họ hươu nai quý hiếm,phân bố ở Đông Nam Á được ghi trong Sách đỏ thế giới.Ván hương(Giáng Hương),tên khoa học(Pterocarpus macrocarpus)một loại danh mộc có mùi đặc trưng, thơm nhẹ - nhà giàu xưa thường dùng đóng hòm - nam Quỳnh đường,nữ Giáng hương].

 

-Hướng thứ hai chạy về phía Tây Bến củi,cầu tàu bắc qua sông Saigon đi Khiêm Hanh - huyện Dương Minh Châu,tỉnh Tây Ninh - là tuyến độc đạo nối Dầu Tiếng (Trị Tâm)với bên ngoài trong chiến tranh.Những trận đánh kinh hồn giành quyền kiểm soát con đường gắn với những cái tên Truông Mít,Bàu Đồn,Suối Ông Hùng,Ngã Ba Đất Sét – có thể nói đào đường,đắp mô,đắp chà,gài trái nổ,phục kích,bắn tỉa như cơm bữa – súng đạn giao tranh thương vong hai bên nhiều vô kể .

 

- Hướng thứ ba là trục huyết mạch phía Nam cặp theo sông Saigon xuôi về Thủ Dầu Một,qua Bến Tranh,Cỏ Trách,Bến Súc,Rạch Kiến,Rạch Bắp - khoảng năm 1965,tuyến đường này bị cắt đứt hẳn,Bến Súc “xôi đậu”trở thành vùng  chỉ toàn “đậu”,giao thông đi lại tạm thời phải vòng qua Gò Dầu – Trảng Bàng,Tây Ninh.

Ngày ấy Dầu Tiếng,Bến Cát,Phú Hòa Đông tạo thành 3 đỉnh của vùng Tam Giác Sắt và không ngày nào là không được nhắc tên trong các bản tin chiến sự.

 

              Kinh tế Dầu Tiếng ngày nay chủ yếu sống dựa vào cây cao su.Trong lịch sử hình thành,Dầu Tiếng tiếp nhận hai đợt di dân: trước năm 1945 gọi là dân “công tra” và năm 1954 dân di cư sau Hiêp định Genève - nhiều người làng quê miền Bắc vào đây sinh sống, một số buôn bán,phần lớn còn lại là phu đồn điền gắn cuộc đời với cây cao su.Biết là chốn ma thiêng nước độc nhưng vẫn cứ chọn làm quê hương.Rừng cao su được trồng ngay hàng thẳng lối khép tán thâm u rờn rợn,tiềm ẩn những cơn sốt vỡ da,lấy đi mạng sống những người lưu lạc tha phương cầu thực – Bán thân đổi mấy đồng xu/Thịt xương vùi gốc cao su mấy tầng.

             

             Dầu Tiếng giờ đây được dự báo là Trung tâm du lịch lữ hành lớn.Hồ Dầu Tiếng - một biển nước mênh mông do con người tạo ra từ công trình thủy lợi.Hồ không những có khả năng tưới cho hàng trăm ngàn ha đất trồng trọt mà còn là một vùng cảnh quan du lịch hấp dẫn.Những ngày trời nắng đẹp,mặt hồ ánh lên màu xanh biếc,sâu thẳm.Dãy núi Cậu sừng sững trải dọc bên hồ tạo nên bức tranh thiên nhiên hùng vĩ,một vùng sơn thủy hữu tình.Trong vùng hồ nổi lên các đảo Xỉn,đảo Trảng,đảo Đồng Bò như những nét chấm phá kỳ thú.Đồi Thơ thoai thoải đứng cạnh rừng nguyên sinh thật quyến rũ.Quanh bờ hồ là những thảm cỏ xanh mượt xen lẫn những cây hoa dại đủ sắc màu-hoa bướm lượn và những đợt sóng xô dào dạt làm thiên nhiên trở nên sinh động.

 

 

Hồ thủy lợi Dầu Tiếng

             

Ai cũng có một vùng quê để nhớ,để tìm về - để tạo ra năng lượng nuôi sống tâm hồn mình .Aimatov(1928-2008)- nhà văn Kyrgyzia(Liên Xô cũ),nêu một giả định : “Nếu tôi bay trong vũ trụ,tôi sẽ nghĩ về trái đất thông qua vùng Talasskaya thân thương,nơi tôi sinh ra lớn lên,nơi có gia đình cha mẹ và những người thân yêu”. Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng thốt lên: “Khi ta ở,chỉ là nơi đất ở - Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn!”(Tiếng hát con tàu).

             Dù đi đâu,”đóng đô” ở đâu,bất cứ phương trời nào,nếu nhớ về quê hương đất Việt, có lẽ trong ta không cách nghĩ nào khác ngoài cách nghĩ của Aimatov và Chế Lan Viên ...Cảm xúc về Dầu Tiếng với tôi là như vậy.

 

 

(Saigon,01/12/2012 – chỉnh sửa 20/10/21)

 

 

 

 

 

 

 

 

                                                                                         

 

 

                                                                 

 

Phan Văn Thạnh
Số lần đọc: 886
Ngày đăng: 04.11.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dọc đường văn nghệ (Phần 61) Chàng Pilot gãy cánh đêm xưa… - Trần Dzạ Lữ
Dọc đường văn nghệ (Phần 62) Hoàng Thị Bích Hà, nhà bình luận văn học của xứ thần kinh - Trần Dzạ Lữ
Ba tôi - Nguyễn Đại Duẫn
Dọc đường văn nghệ (Phần 59) Huỳnh Minh Lệ, nhà thơ thâm trầm…xứ Phù Cát - Trần Dzạ Lữ
Dọc đường văn nghệ (Phần 56) Nguyễn Liên Châu, nhà thơ sinh ra để biên tập tác phẩm văn học - Trần Dzạ Lữ
Dọc đường văn nghệ (Phần 57) Âu Thị Phục An, cây viết nữ lạ thường - Trần Dzạ Lữ
Thu nay và thu xưa - Trần Dzạ Lữ
Không đi xa nữa - Nguyễn Chí Kham
Ý nghĩ rời… - Trần Dzạ Lữ
Tưởng nhớ Thanh Tâm Tuyền - Nguyễn Chí Kham
Cùng một tác giả
Tự khúc cuối năm (truyện ngắn)
Đà lạt & Tôi (tạp văn)
Tản mạn với CAFE (tiểu luận)
Trôi trong mơ (truyện ngắn)