Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.159
123.224.730
 
Một người cùng chuyến đi
Nguyễn Chí Kham

Xe đang chạy dưới cơn mưa nặng hạt lên đoạn dốc của một chiếc cầu. Tất cả cửa đóng kín. Hơi ấm đang tỏa ra cùng với điệu nhạc cổ điển nghe êm dịu. Thu nói với tôi:

-Em ở trại Hồng Kông bốn năm trời.

-Tới bốn năm.

-Thật là kinh khiếp anh ạ. Em không thể quên được, nghĩ đến những ngày đó là sống với cơn ác mộng.

-Hãy cố gắng quên đi.

Xe đổ dốc xuống một quãng dài. Tôi vẫn còn nghe rõ tiếng mưa lớn.

-Chị nhà có đi làm không anh ?

-Có chứ.

-Anh chị được mấy cháu rồi ?

-Hai, vẫn còn đi học.

Tôi quay nửa vòng kính xe, gió lọt vào trong lúc tôi mở nắp túi áo lấy gói thuốc.

-Tôi hút điếu thuốc nghe cô Thu.

-Anh cứ hút đi, em quen được khói thuốc.

Làn khói thuốc lượn lờ vẽ ra một khuôn mặt. Cô gái chợt hỏi tôi:

-Rồi sao anh không ở Đà Nẵng nữa ?

-Năm đó tôi đi Sài Gòn tìm kiếm việc làm. Cô nhắc tên một thành phố làm tôi nhớ người bạn gái cũ.

-Về sau, anh có gặp lại không ?

-Không. Cô ấy có nhiều nét giống cô ở cặp mắt.

Thu mỉm cười nhìn sang tôi. Điếu thuốc bị gió tạt vào cháy rất nhanh. Xe đi qua một thành phố khác, chúng tôi nhìn thấy phía trước có chiếc cầu xuất hiện. Sáng nay, có một cô gái đứng chờ ở trạm ngừng xe buýt. Khi xe đổi chuyến, cô gái không hay rằng mình đã lạc đến thành phố khác. Tên thành phố là Tustin. Đây là một thành phố cổ rất đẹp, vẫn thường hay gợi nhắc trong trí tưởng tôi bóng dáng của một kỷ niệm đã muộn màng.

Tôi và Thu cùng làm việc ở hãng Norell, trên thành phố Anaheim. Có khoảng hai trăm công nhân làm việc ở đây. Vào mỗi buổi sáng khi ca đêm tan việc, từ đầu lối cửa đoàn người túa ra, gấp gáp đi nhanh tới các bãi đậu xe đã làm tôi nhớ đến hình ảnh những người công nhân thời kỳ của Charlot qua cuốn phim Les temps modernes. Vào giờ giải lao, giờ ăn trưa, phòng ăn đầy ắp công nhân người Việt, người Lào, người Miên, người Đại Hàn, người Phi, người Mễ Tây Cơ, lẫn lộn các sắc dân này ngồi chung trong một bàn, vừa ăn, vừa trao đổi những câu chuyện về cuộc sống, làm tôi nghĩ đến những di dân tha phương cầu thực, cùng với bao nhiêu nỗi nhớ ngậm ngùi, và thân thiết với riêng tôi là những ngày đi làm công nhân hãng dệt ở tỉnh Đồng Nai.

 

Tới xứ Mỹ, có phải là thiên đàng không ? Nơi xứ sở này vật chất quá dư thừa, tiện nghi tìm đâu cũng thấy có, đã có lúc người ta tưởng hiếm mà tìm một nơi chốn nào có chút ít kỷ niệm đơn sơ thuấn nhuần với mối hoài cảm như ở bên quê nhà. Nhưng trong sự vật, vẫn có cái đổi thay, hay được tái hiện, và lúc ấy nhờ cảm nhận qua tiếng nói, hay qua một nụ cười thân quen mà mình nhận ra được trong thực tế đã tan từng mảnh, đó là dĩ vãng đích thực.

 

Cô Thu làm việc ở bộ phận lắp ráp nằm dãy nhà cuối. Tôi ở khu vực trên này, làm thợ đứng máy. Ngày cũng như đêm các dàn máy trong phân xưởng chạy ầm ầm, không ngừng nghỉ tiếng động. Người công nhân đứng máy phải cần kíp, làm kịp thời gian sản xuất như chú robot. Mỗi phút, từ trong các khuôn máy đúc xong chú robot thò cánh tay vào lấy ra từng cái part rồi thả xuống conveyor có độ dốc lăn tròn trên tấm vải nhựa. Khi robot đưa hàng ra khỏi máy và đổ xuống từng đợt, thợ đứng máy có nhiệm vụ kiểm tra từng mẫu hàng, nếu phát hiện thấy có các dấu vết thẫm màu, bị độ ánh sáng, bị xây xát trên các góc cạnh không đều nhau là loại bỏ, còn như, đúng khuôn mẫu thì diễn công việc làm gồm việc cắt tỉa chỗ thừa, bắt ốc vít, đưa vào máy in đóng các con chữ, con số, sau cùng, gói bằng một loại giấy form rồi bỏ vào thùng. Tất cả động tác kể trên, bạn nhìn đồng hồ qua kim giấy thấy rõ là chỉ hơn kém một phút.

 

Ông Michael là xếp khu vực 6. Tuần lễ đầu tiên, ông gởi tôi theo anh Dương viết Đang học việc, lần lượt đi thực tập hết các loại máy trong khu vực sản xuất. Tôi mau mắn hiểu việc nhanh, và được anh Đang hướng dẫn phương pháp làm rất khoa học. Anh Đang cũng đi diện HO, qua Mỹ trước tôi một năm. Ngày trước, anh là một phi công phục vụ ở phi đoàn quan sát 110 thuộc vùng I chiến thuật. Khi lên vùng giao tranh, phi cơ L19 có nhiệm vụ quan sát mục tiêu của địch, vừa liên lạc với phi cơ khu trục, và khi một trái khói thả xuống mục tiêu là cùng lúc những chiếc khu trục bắt đầu đánh bom. Tôi được nghe anh Đang kể lại nhiều trận đánh khốc liệt trên vùng hỏa tiến, trong có mặt trận Quảng Trị rất ác liệt, tổn thất nặng nề cho cả đôi bên. Ông Michael cũng là cựu chiến binh, có bốn năm dự các các trận đánh ở nhiều chiến trường miền Nam, một lần đó ông hỏi tôi về một địa danh miền núi, tỉnh Kontum.

 

Tới bốn giờ chiều, công nhân kíp làm buổi sáng tan việc. Những ngày đầu mới đi làm việc, tôi thấy thời gian 8 tiếng ở hãng rất là chậm và lâu. Nhưng rồi tự xét mình có tiến bộ, làm việc có khả năng nên lần thấy thời gian trôi qua nhanh. Tôi như bước qua một thời tuổi trẻ khác. Không thể nào quên những tháng năm tù tội, đói khát, nhưng đó chỉ là cơn ác mộng bình thường, nó vội vàng xóa tan ngay sau khi bạn bừng tỉnh thức giấc. Khoảng hơn năm giờ sáng tôi đã thức dậy, trong lúc vợ con còn say ngủ. Một cách khẽ khàng, tôi rời giường đi đánh răng, rửa mặt, sau đó tự làm cà phê và bữa ăn sáng.

 

Tới 7 giờ, tôi ra xe lái đi làm. Từ ngày Thu và tôi quen biết nhau, chúng tôi có nhiều chuyện vui cũng như buồn trao đổi. Buổi sáng ấy trời mưa, cô gái vội vàng chạy ra xe tôi xin quá giang, lòng tôi vui đón nhận như là người em gái của mình. Và rồi, nghe qua tiếng nói của Thu, tôi nhớ thành phố cũ, nhưng đôi mắt của An. Nơi thành phố cũ ấy, tôi được biết An không ở đó nữa, nhưng mà mỗi khi có sự linh cảm, nàng vẫn luôn đi theo cái vang bóng của tình người trở về khoác lên trên vai tôi một chiếc áo.

Thu không có nhà riêng. Cô share một phòng có lối đi qua cánh cổng nhỏ bên trái. Căn phòng Thu ở trông gọn gàng, ngăn nắp. Trên bàn nhỏ có một bức ảnh chân dung đen trắng của Thu. Một đôi lần Thu mời tôi ghé uống trà, nghe nhạc. Tôi thích bức ảnh chân dung của Thu, và đã đứng nhìn lâu, lúc ấy có Thu đứng sau lưng tôi.

Những ngày bên nhau trên đường xe đi, xe về, hai chúng tôi nói nhiều chuyện về đời thường của người Việt tị nạn, trong mỗi hoàn cảnh cuộc sống bao dung trên đất khách quê người. Có một lần, nàng chợt hỏi tôi:

-Em có thay thế được cô bạn gái của anh không ?

-Em rất giống nàng nhưng không thể nào thay thế.

-Tại sao ? Tình cảm là của trái tim chứ đâu phải là kỷ niệm ở trong hình ảnh cũ.

-Từ thuở ấy, anh đã nhớ thương người bạn gái của mình như một ánh đèn không tắt.

-Nhưng sao hai người không lấy được nhau.

-Không, không biết như thế nào.

Tôi nói với hư vô. Con đường trông thấy hoang vắng, vườn dâu hai bên trải dài, thẳng tắp. Khi ngang qua một quán cà phê, trông thấy đèn sáng tôi nghĩ nhiều đến hương vị cà phê. Trên vai tôi, bàn tay Thu đặt xuống lúc nào không hay.

-Anh yêu nàng đến thế cơ ?

-Không hẳn như em nói đâu.

-Thì ra sao ?

-Đó là một hình ảnh đẹp và buồn. Lúc nào nhớ đến, anh cũng biết mình ở xa xôi.

-Những ngày nay có em, buổi chiều nào anh cũng về nhà muộn.

-Không sao đâu.

-Chị có hỏi gì anh không ?

-Không.

-Vậy là anh cũng không nói gì về em cả.

-Không. Nhưng nếu hãng cho nghỉ việc, cô sẽ tính như thế nào ?

-Có lẽ em đi qua tiểu bang khác.

-Trong thời điểm này, rất lạ khi tình trạng thất nghiệp trở nên nghiêm trọng.

-Mấy ngày nay, trong hãng tình hình hết sức xáo trộn. Anh chị em công nhân hết sức hoang mang.

Ít giây sau, tiếng Thu nói:

-Mấy ngày nay em chán nản, không muốn đi làm.

-Có chuyện riêng tư không ?

-Có chứ.

Rồi một giọng vui qua tiếng cười, Thu bảo tôi:

-Em chỉ là cái bóng của người bạn gái anh thôi.

Tôi nói với Thu, tưởng như với chính mình:

-Em có bức chân dung đẹp, không hài lòng sao ?

Rồi sau một hơi thở nhẹ, Thu nói:

-Đi làm công nhân lương bổng có nhiều nhặn gì mà quá bấp bênh, nơm nớp sợ người ta buộc mình thôi việc.

-Anh cũng không biết ngày mai của mình ra thế nào.

Sương mù đang xuống, xe tôi chạy qua thành phố Orange. Lòng đường thu nhỏ, hai bên suốt một dãy phố dài những mái nhà đều thấp, và ở đây, có những cột đèn trồng ngang tầm mái nhà, ánh sáng điện yếu ớt trông giống như những cây đèn dầu. Tôi đang nghĩ tới tương lai của gia đình tôi. Không phải chỉ mình cô Thu nói ra điều lúc nãy, mà nhiều lắm, những anh em công nhân Việt chúng tôi đều cùng mang tâm trạng lo âu. Anh Đang và tôi nay làm việc hai bộ phận khác, nhưng thường gặp ở phòng ăn vào giờ nghỉ break và giờ lunch. Anh trở nên ít nói, suy nghĩ nhiều. Trên các bàn ghế sắp gần nhau, tiếng chuyện trò trầm xuống, mỗi người khi đưa mắt nhìn ra bên ngoài chỉ tìm kiếm những hạt mưa.

 Mới xuất hiện tin đồn trong hai tuần lễ, hãng Norell đã cho 5 dàn máy ngừng hoạt động. Không phải vì hư hỏng chờ sửa chữa, mà lý do, hãng sản xuất không tiêu thụ bị các nơi trả về quá nhiều. Tôi đi làm lần đầu khi vừa ra khỏi chương trình GAIN, rồi tới đây, nếu quay trở lại cuộc sống gia đình tôi sẽ trở nên thụ động của kẻ ăn nhờ. Tôi vẫn còn bị cám dỗ bởi không khí rộn ràng của nhà máy, từ đó, cảm nhận rằng con người mình được lột xác để trở trở thành công nhân.

-Em có người bạn thân nào không ?

-Không, anh.

-Anh muốn hỏi về bạn gái của em.

-Vâng, em không có.

-Em có mong đến ngày nào trở lại Việt Nam không ?

-Em có nghĩ tới, nhưng không chắc mình trở về.

Hàng phố hai bên đi qua dưới ánh đèn trong cơn mưa bụi bay lất phất. Tôi bỗng nghĩ tới ánh lửa điếu thuốc, hương vị thơm cà phê, khói ấm từ một quán nhỏ và liên tưởng đến những đêm mịt mùng ngoài biển khơi, thấp thoáng có ánh đèn nơi nào đó xa, rất xa, để chỉ dấu cho các lộ trình, nhờ vậy biết bao nhiêu người bỏ nước ra đi may còn được sống sót.

Rồi về tới nơi chỗ Thu ở trọ, xe chạy chậm xong ngừng bên con đường nhỏ. Mưa đang chảy tràn xuống cửa kính.

-Mai em không đi làm.

-Em không chờ anh đón em.

-Em muốn thu xếp một chuyến đi.

Một lúc lâu, Thu mới mở cửa xe bước ra. Mưa đã tạnh chốc lát. Tôi không nhìn theo nữa bóng dáng Thu trên lối đi vào nhà.

Vừa về đến nhà, tôi bỗng nghe tiếng nói nguyền rủa và hết sức giận dữ. Vợ tôi đang nói chuyện với ai đó qua điện thoại. Tôi ngập ngừng đứng nghe, sau đó, bước vào phòng. Một giọng xẳng xẳng, Ngọc nói:

-Em nghỉ việc, không đi làm nữa.

-Không sao hết. Hắn hỗn láo quá, không chịu nổi.

Tôi ngồi xuống bên cạnh Ngọc, từ tốn hỏi:

-Công việc ra sao mà cãi vả nhau.

Phòng chúng tôi có lối cửa đi ra balcon. Và, qua lớp cửa kính mờ tôi thấy trời đang mưa. Hôm nay, từ sáng sớm trời đã mưa. Trong ngày, mưa cứ kéo dài, chỉ tạnh từng chốc lát. Chiều nay mưa, trời âm u lạ thường.

Tôi nghe giọng nói của Ngọc qua những việc làm ở cửa hiệu may. Trong câu chuyện Ngọc kể, có chút chi đó tủi phận, bẽ bàng. Trước đây anh chủ tiệm thường phân phối, chia đều hàng cho công nhân, nhưng mới đây xuất hiện một cô công nhân trẻ đẹp, anh chủ phải lòng và yêu, rồi tình ăn qua việc, bao nhiêu loại hàng dễ, ngon ăn, anh chủ dành hết cho cô ta, còn các thứ hàng khó thì giao cho những phụ nữ lớn tuổi làm.

Tôi nghe chuyện, lòng bỗng thấy rỗng không trước cuộc đời.

-Em thấy lúc này anh hay về nhà quá trễ.

-Một chút nữa anh sẽ nói. Nhưng Ngọc à, em cũng nên biết rằng, lúc này kiếm được việc làm, khó lắm. Hãy cố nhẫn nại, nếu không phải bỏ nơi này đi nơi khác kiếm sống.

-Em nghĩ là mình phải đi. Ở đây làm ăn chó má lắm.

-Đi thì đi, nhưng không nói càn.

-Không nói, không được. Em đang bỏ về, không cần làm nữa.

-Đó là chuyện thường tình, ai cũng biết.

Chiều nay nghe tiếng mưa sao có chi đó thật lạ lùng. Một giọt nước mưa rớt xuống góc tấm thảm trong phòng. Tôi ngước mắt nhìn lên trần, căn phòng như lạnh buốt.

Một lúc sau, tôi đứng dậy đi tìm quần áo. Khi tắm xong trở ra, trời đã tối bên ngoài nhưng tôi cảm thấy nhẹ nhõm.

Vợ chồng tôi cùng rời phòng qua lối cầu thang xuống nhà dưới. Những ngọn lửa ở bếp lò bắt đầu cháy sáng lên. Ngọc làm thức ăn, còn tôi đun nước sôi.

Sau nửa giờ, mọi thứ xong xuôi. Bữa ăn dọn trên chiếc bàn tròn. Gia đình bốn người, vợ chồng tôi và hai cháu. Bữa ăn ngon miệng, lãng quên một ngày dài. Tôi bình thản kể chuyện về cô Thu cho Ngọc nghe. Và lúc này, cô Thu đang theo câu chuyện đến với gia đình chúng tôi trong bữa ăn tối như là một người bạn lâu ngày mới gặp lại.

Rồi sau bữa ăn, chỉ còn lại vợ chồng tôi với ấm trà đã pha sẵn.

-Bây giờ em quyết định thế nào ?

-Em muốn đi, nơi nào cũng được miễn là dễ kiếm sống hơn đây.

-Dễ thì dễ, nhưng cần có tiếng Anh.

-Thì mình cũng phải biết chút ít để xin làm hãng.

Khi mang một tâm trạng lo âu, Ngọc rất căng thẳng.

-Ở một nơi có người thân quen thì yên tâm hơn.

-Anh có thích qua chỗ cậu Hạnh không ? Cậu đang làm cho xưởng in.

-Anh không rành về in ấn. Nếu đi, mình qua Tennessee, chỗ cô Thanh ở dễ kiếm việc làm. Bây giờ hai cô chú đang cùng làm ở công ty chế biến thực phẩm.

Ngọc nói:

-Tùy anh thôi.

-Anh cũng nghĩ mình nên đi. Ngay chiều nay, cô Thu cho anh biết sẽ nghỉ việc đi qua tiểu bang khác tìm việc..

-Anh nói cô Thu cùng đi với mình.

-Cô ấy đâu biết mình có ý định đi. Nhưng anh nghĩ, cùng ra đi lúc này là hợp lý.

Tôi cảm thấy mùi vị trà vẫn thơm dịu. Tôi uống từng hớp đậm, vừa nghĩ tới những người thân đang ở xa mình. Mỗi người trong thân thuộc, ai cũng có gia đình, và mỗi phương trời định cư cũng đều là nơi chốn lưu lạc. Từ các nơi chốn ấy, khi tiết trời trở lạnh, ai cũng nôn nao trong nỗi buồn nhớ ray rứt, ai cũng ray rứt, ai cũng nhớ, cũng thấy thèm, đó là ước ao một ngày về.

Suốt đêm, vợ chồng tôi nói được nhiều chuyện. Tôi nhớ đến An, cùng nghĩ đến Thu. Tôi biết được lòng cô gái, và bằng một niềm thân thương trên ánh mắt, cô gái đã nói với tôi qua một bức ảnh chân dung đơn độc cô đã để lại trong phòng mình. Những ngày tới đây, tôi nghĩ, chuyến đi của gia đình tôi còn có cô Thu nữa.

Mưa đêm nghe sâu lắng. Bỗng nhiên, nhìn ra ngoài cửa tôi thấy cái bóng sáng ánh đèn lung lay, chao động. Ánh đèn thật mong manh trong cơn gió nổi chìm. Khoảnh khắc, có tiếng mưa rộn ràng trút đổ, tưởng như không bao giờ đứt.

 

 

 

 

 

 

Nguyễn Chí Kham
Số lần đọc: 742
Ngày đăng: 08.11.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bán chữ - Trần Yên Hòa
Biết nhau trên đường cũ - Nguyễn Chí Kham
Thủy thủ về nhà - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Nước Mỹ của Ai - Mỹ Ca
Sài Gòn vừa đi qua “Cơn bão” đang từng bước hồi sinh - Hoàng Thị Bích Hà
Sài Gòn nắng cũng lắm mong manh ... - Bùi Hoàng Linh
Mưa buồn rơi xuống phía hoàng hôn (Tiếp theo và hết) - Hoàng Thị Bích Hà
Quán về khuya - Phan Tấn Uẩn
Hoa sứ nở trái mùa - Nguyễn Đại Duẫn
Mối tình Chơn - Trần Yên Hòa