Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.190
123.212.773
 
Lại cà kê tháng mười một
Đỗ Nhựt Thư

 

          Nhóm bạn già năm ni khá ưu tư về sự nghiệp giáo dục, 5 ông, có 4 ông từng là thủ trưởng trong đó lão Hâm cũng từng là hiệu trưởng còn 1 ông là “dũng sĩ ”. Mỹ danh này lão Gàn tặng cho ông Chảnh, chả là lão cũng một thời hoạt động hai mang, mạng treo đầu súng.

  

         Từ chuyện nhà, lão Lơ than phiền về thằng con không nghe lời dạy bảo của lão. Lão kể: - Nó nói chúng mình là những ông già lạc hậu, cứ dạy bảo con cái những điều không còn phù hợp nên đời chúng không vươn lên nỗi. Cứ nhân từ, trung thực thì không có cháo mà húp. Buồn quá.

    Mấy lão thở dài. Người cần tài đức, mà đức thời này gần như bỏ qua. Người lớn, quan nhân không nêu đức thì sao bảo chúng phải có đức? Và những kẻ giàu sang đa số đều kém đức, những người đức độ thường nghèo và chịu nhiều thua thiệt. Mấy lão đắng cả họng.

    Lão Hâm buồn bã: - Thằng con tôi lại nói: Cha cứ dạy Lễ, đi thưa về trình, kính trọng, chấp hành người trên, không dám nói thẳng dù họ sai lầm, cúng giỗ phiền hà … Hèn gì cả đời cha nghèo khổ, long đong. Tôi điếng cả người.

    Phớt bỗng nỗi nóng: - Các ông dạy con thế à? Toàn ông tú trước 75 mà để con hiểu Lễ đơn giản thế ư?

    Gàn góp giọng: - Không hiểu sao bây giờ họ hiểu Lễ đơn giản quá. Họ không hiểu nghĩa chính của nó. Lễ để dạy làm người, là phải biết tuân thủ những phép tắc, kỷ cương, bổn phận để sống cho hợp lẽ với trời đất, gia đình, xã hội … Tôn trọng quy luật tự nhiên, hiếu để trong nhà, thương yêu vạn vật, tôn trọng thiên đạo, chấp hành lệ luật. Ai cũng thế thì xã hội tốt đẹp biết bao nhiêu, trên dưới phân minh, gia đình đầm ấm, tham nhũng, sự gian ác không có đất phát triển, … đó là nguồn hạnh phúc.  

    Lơ bỗng nghiêm trang: - Bác Hồ cũng khẳng định: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó.” Mấy ông quên rồi ư?

- Vậy đức trước hay tài trước? Chảnh hỏi giễu cợt.

    Gàn to tiếng: - Ông đùa đấy phỏng? Đức là gốc, tài là ngọn. Ai cũng cần có đức, học tập để có tài nhưng làm quan nhất thiết phải đủ tài đức.

   Bỗng Phớt tưng tửng: - Vậy bây giờ thì sao? Con ông có tài đức nhưng không “hồng”, lại không ‘tứ ệ’  thì đố mà được làm này nọ.

    Chảnh thở dài: - May mà có các đơn vị kinh doanh tư nhân … Không thì rối to. 

        

        Rề rà nhấp rượu, trời mùa đông mà như thu, trăng thượng huyền treo lơ lửng, cảnh đẹp mơ màng, se se lạnh, lòng người chùng lại.

    Hâm chợt sôi nỗi: - Chúng ta không nghe lời thánh Khổng nên xã hội rối loạn kinh hoàng, con đánh cha mẹ, trò chém thầy cô … Tui sợ quá.

    Cả bọn nhìn lão dò hỏi, lão thong thả: - “Dưỡng bất giáo phụ chi quá. Giáo bất nghiêm sư chi đọa”. Các ông quên rồi sao?

    Phớt gật gù: - Chí phải! Nuôi mà không dạy con là lỗi của cha, dạy không nghiêm là sai của thầy. Hay quá! Cha phải ‘tề gia’, muốn tề gia phải ‘tu thân’. Khó đấy. Thầy cô phải nghiêm minh, đã xin vào nghề giáo là phải chấp nhận sống một đời thanh bạch.

    Chảnh giễu cợt: - Thế không phải là ‘con hư tại mẹ’ ư? Thế thì 4 tỷ lít bia và cả triệu lít rượu kia ai tiêu thụ giùm? Tưng tưng về nhà nên nói và làm sai bét nhè,  tấm gương cho con đó chứ đâu?

- Còn một số thầy cô cứ tranh thủ dạy thêm kiếm tiền, xem học trò là khách hàng để kinh doanh, cháu nào nhà nghèo không đi học thêm là bị xách mé, điểm kiểm tra kém, nhân cách bị tổn thương, tư cách đâu mà dạy chúng chứ? Gàn phẫn nộ: - Tội nhất là chúng còn thơ ngây trong trắng. Gia đình, thầy cô, xã hội đã vẽ vào tâm hồn chúng những việc sai xấu, tệ hại ấy thì giờ sao lại trách móc chúng?

    Cả bọn mặt mày méo xẹo.

 

         Dốc cạn chai rượu gạo vào đều các ly lão Hâm than thở: - Thế thì dạy dỗ con cháu biết lễ nghĩa như chúng ta cũng bị chúng trách móc thì làm sao đây?

    Làm sao đây? Cả bọn lão thấy bế tắc nên thở dài sỏng sượt. Chợt lão Gàn bông phèng: - Để tui viết bài rồi hóa vàng gởi hỏi vua Hùng vậy.

 

         20/11/2015   

                                                                

 

 

 

 

 

 

Đỗ Nhựt Thư
Số lần đọc: 733
Ngày đăng: 24.11.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hoàng Trúc Ly và mùa sáng tạo - Vương Kiều
Chợ truyền thống mở lại – niềm vui của người nội trợ - Hoàng Thị Bích Hà
Một cuộc đời đầy ẩn số và kỷ niệm - Elena Pucillo Truong
Halloween - Nguyễn Đức Tùng
Những mảng màu cuộc sống qua ngôn ngữ hội họa của La Thanh Hiền - Hoàng Thị Bích Hà
Có những mùa trăng - Trang Thùy
Giới thiệu tác phẩm mới - Nguyễn Đại Duẫn
Thư gởi con trai nhân ngày tựu trường - Nguyễn Đức Tùng
Dân ca xứ Huế - ngọt lời tao nôi - Trang Thùy
Lá thư đầu mùa thu - Trần Hạ Vi