Đã từ rất lâu, lâu lắm rồi người dân nhiều xã lân cận, trong đó có xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa đều gọi với những cái tên thật thân thương như Chú Tâm hay Cậu Tâm bán quầnáo. Cậu bán buôn có lẽ cũng từ khi còn là thanh niên cho đến nay tuổi đã ngoài 60. Nhiều đứa trẻ ở quê tôi lúc bấy giờ có áo quần mới để mặc Tết là cũng nhờ cậu.
Cái thời tôi còn ở lỗ, mỗi khi nhìn thấy một con người cao cao, mảnh mai và hiền từ đạp xe đến ngoài cổng đã gọi toáng lên “cậu Tâm áo quần đến”. Hầu như từ làng trên, xóm dưới, từ trẻ chí già ai cũng biết đến cậu. Một chiếc xe đạp cà tàng từ thời "cổ lai hi" với các thứ hàng chất đầy phía sau như áo, quần, vải, kim, chỉ, dép, giày, đồng hồ, võng dù, ri đô, về sau còn có cả soong, nồi, chậu, chảo, săm, lốp xe đạp, xe máy rồi cả bơm xe đạp, xe máy.... Cậu thường bán theo kiểu "gõ từng nhà, rà từng đối tượng", ấy vậy cho nên hình ảnh một con người cao nhưng hơi gầy, đội chiếc mũ cối Trung Quốc sờn màu, đôi dép tông, ngồi trên chiếc xe đạp đã cũ với lỉnh kỉnh đủ thứ hàng tiêu dùng đã có mặt ở khắp các ngã đường thôn xóm quê tôi.
Cái cách mà cậu bán rất dễ lấy lòng và chiều theo được ý khách hàng, đó là cho mua nợ. Cậu cho nợ từ làng trên xóm dưới với điệp từ “tui bán nợ ri là bán vốn”. Ngày ấy đa phần nhà nghèo, tiền nong khó kiếm nhưng lại thiếu thốn đủ bề, "lực bất tòng tâm", vậy nên ai bán nợ cho cái gì là mừng cái đó. Cậu bán nợ, nợ rồi vài hôm lại đến, chủ nhà lại trả nợ, trả xong lại giới thiệu mặt hàng khác, và lại bảo giờ em bán vốn và cho nợ. Thế là chủ nhà lại mua nợ... Cứ lặp đi lặp lại như thế, năm này qua năm khác, mùa này qua mùa khác, bất kể ngày nắng hay ngày mưa. Trong cái nợ rồi trả - trả rồi nợ ấy, cũng có những gia đình do thiếu thốn, không có tiền để trả nên phải nợ tận cả năm, vậy nhưng thỉnh thoảng cậu vào, và chỉ hỏi “hôm ni o mua chi không?”, o bảo “không” và rồi lại đi...Thời gian mà cậu đi bán hàng cũng khá đặc biệt. Làng nào cậu cũng chọn buổi trưa để đến "gõ từng nhà", ngẫm ra mới thấy, đây là thời gian người nông dân đi làm đồng về, còn buổi sáng và chiều chỉ có lũ con nít giữ nhà. Có những gia đình phụ nữ cũng khó tính trong mua bán, nhưng được cái người đàn ông hiếu khách, vậy là trong dăm ba câu chuyện với bát chè xanh chan chát vị đồng quê, cậu cũng bán được hàng mà không phải nài nỉ, cầu xin.
Một trong những điều rất quan trọng mà hầu như ai cũng tin dùng hàng hóa của cậu, đó là hàng của cậu mua dùng được bềnlâu. Vừa cho nợ, vừa dùng bềnlâu, đó chính làbí quyết thành công trong buôn bán“hàng rong” của cậu. Gia đình tôi cũng thuộc diện khách hàng thường xuyên của cậu, năm 1995, khi ấy tôi học lớp 9 trường làng, mẹ tôi mua nợ một chiếc đồng hồ, hiệu gì không rõ nhưng có giá là 70 nghìn đồng và trả dần tới 3 lần mới hết nợ. Cho đến bây giờ, chiếc đồng hồ ấy vẫn chạy tốt, giờ vẫn rất chuẩn và chưa một lần sửa, cứ hết pin lại lắp pin vào là chạy, chạy như chuyến xe đạp của cậu mấy mươi năm nay chưa bao giờ ngưng nghỉ. Chiếc đồng hồ từ đó đến nay đã tròn 26 năm vẫn "miệt mài chãy mãi không thôi", ngẫm lại mới thấy câu nói của ông cha ta thật đúng "của đời, người tạm", người mua nó là mẹ tôi đã không còn nữa, khi nó và người bán nó bây giờ vẫn chiếc xe đạp ấy ngược xuôi phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng, mặc dù hiện nay hàng quán đã mọc lên như nấm khắc nơi. Duy có điều, “hàng rong” của cậu vân bán chạy, vẫn được khách hàng tin dùng.
Hình ảnh CẬU TÂM đã in đậm trong trái tim tôi cũng như bao người khác, đó là một con người hiền từ, chất phác, lam lũ, mấy chục năm "rong chơi giữa cõi người" và giúp cho bao người vượt qua khó khăn, thiếu thốn, giúp nhiều đứa trẻ như tôi hằng năm có được áo quần mặc Tết. Chiếc đồng hồ vẫn chạy trên cột nhà mẹ tôi kia, là một minh chứng về lòng trung thành, là sợi dây kết nối vô hình giữa người mua và người bán. Những dòng này như một lời tri ân nhắn nhủ đến cậu, chúc cho CẬU TÂM luôn sức khoẻ để tiếp tục cuộc hành trình mà mình đã một đời gắn bó, nuôi các con khôn lớn, ăn học nên người. Ai có về xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa, xin hãy ghé nhà cậu để thưởng thức bát nước chè xanh và cùng nhau chia sẻ những câu chuyện tình đất, tình người.
P/s: hình ảnh cậu Tâm và chiếc đồng hồ đã chạy 26 năm.