Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.181
123.219.296
 
Lời trần tình (phần 2)
Đỗ Nguyễn

 

Dịch Thuật

 

OSCAR  WILDE

DE PROFUNDIS

 

     … Giờ thì tớ chẳng buồn nói đến cái kết quả ghê rợn của tình bạn chúng ta làm gì nữa. Tớ suy nghĩ một cách đơn giản về chất lượng của nó trong suốt thời gian nó hiện hữu. Về mặt trí tuệ, đối với tớ nó như băng hoại ấy! Cậu có những chất tố của một nghệ sĩ đã nẩy mầm đấy chứ! Nhưng tớ đã gặp cậu quá trễ hay quá sớm, tớ chẳng rõ một trong hai điều. Chỉ biết khi cậu vắng mặt là tớ cảm thấy khỏe khoắn. Từ lúc, đầu tháng chạp  năm nào, tớ đã thành công trong việc thuyết phục bà Bô cậu cho cậu đi khỏi nước Anh, nối lại những sợi giây đã đứt và rối rắm cho sự tưởng tượng, điều khiển lại được đời mình, và không những viết xong ba cảnh của vở kịch « Anh Chồng Lý Tưởng » mà tớ còn thai nghén và gần như viết sắp xong hai bản khác về một loại hoàn toàn khác biệt : « Bi Kịch Florence » và « Nữ Thánh Ả Đào » , thế mà đùng một cái, chẳng được ai mời, cũng không phải lúc, nhè đúng cái lúc mà tớ sống trong cảnh tượng sung sướng chết được, thì cậu đã mò về! Rồi tớ đã không còn khả năng để viết tiếp hai tác phẩm dở dang đó … Chẳng bao giờ tìm lại được sự an nhàn cho tư tưởng đã cho tớ cái hứng viết nó …  Bây giờ cậu đã in xong tập thơ của cậu, cậu sẽ nhìn nhận sự thật lời nói của tớ ở đây thôi! Dù cậu muốn hay không, đấy cũng vẫn là sự thật gớm ghiếc ngự trị ngay trong tình bạn của tụi mình. Sự hiện diện của cậu bên cạnh đã là điều phá hủy tuyệt đối nghệ thuật của tớ! Và tớ cảm thấy cực kỳ hổ thẹn và ân hận đã để cho cậu liên tục chõ vào công việc và bản thân mình. Cậu đã chẳng hiểu gì, cậu đã không biết gì cả và cậu cũng không đánh giá được nó đâu! Tớ thì lại chẳng có quyền dự tính gì cho cậu … Cậu chỉ lo đớp hít và giở chứng đành hanh là giỏi! Những ham muốn của cậu chỉ là thói đú đởn, vui thú tầm thường hay còn tệ hơn thế nữa! Đấy là những nhu cầu của tính khí cậu hay chỉ là nhu cầu của cảm hứng nhất thời. Đáng lẽ tớ phải cấm không cho cậu đến nhà tớ đấy! Hay ít ra cậu chỉ được mời đến chừng mực mà thôi. Tớ tự trách mình đã nhu nhược. Chỉ do nhu nhược mà ra! Nửa tiếng đồng hồ sống trong Nghệ Thuật đối với tớ bằng cả thiên thu ở bên cậu cơ! Chưa có một thời kỳ nào trong đời tớ mà một cái quái gì có tầm quan trọng để so sánh với Nghệ Thuật đâu! Nhưng đối với một nghệ sĩ, sự yếu đuối không gì khác hơn là trọng tội khi nó làm bại liệt trí tưởng tượng.

    Tớ tự trách mình đã để cậu lôi kéo vào cái nạn sạch túi, hết nhẵn cả tiền một cách lụn bại như thế ! Tớ nhớ rõ vào một buổi sáng, đầu tháng mười năm 1892, lúc tớ ngồi cạnh bà Bô cậu trong cánh rừng vàng của Bracknell. Dạo ấy, tớ có biết gì nhiều về bản chất của cậu đâu? Tớ đã sống với cậu có ba ngày thôi, từ thứ bảy đến thứ hai, ở Oxford. Rồi cậu đã ở với tớ trong mười ngày, tại Cromer, chỉ để đánh golf. Câu chuyện xoay quanh cậu, nói về cậu thì bà Bô mới tả cái tính của cậu cho tớ biết đấy chứ !

    Bà nêu lên hai cái nhược điểm chính của cậu : thói vênh váo và quan niệm sai lầm về tiền bạc. Tớ nhớ như in là đã chỉ cười, thế thôi. Làm sao tớ có nổi tư tưởng là cái  khuyết  điểm  đầu  tiên  của  cậu là sẽ đày tớ vào  tù

ngục và cái khuyết điểm thứ hai của cậu sẽ làm cho tớ sạt nghiệp luôn !?! Tớ cứ tưởng rằng tính cao ngạo của một chàng trai là một loài hoa yêu kiều cần được vun xới. Về cái trò lố lăng, - vì tớ tin rằng bà cụ đã không nói đến điều gì có thể tệ hại hơn sự lố lăng - đức tính thận trọng và tiết kiệm đã không hiện hữu ở trong bản chất cũng như không có trong cái nòi nhà tớ. Nhưng trước khi tình bạn của bọn mình kéo dài một tháng, tớ bắt đầu thấy được điều bà Bô cậu nói. Cách nài nỉ được sống cuộc đời vô tư thoải mái phong lưu của cậu, hạch hỏi tiền bạc không ngừng, những yêu sách của cậu bắt tớ phải chi đẹp cho mọi thú giải trí của cậu, dù tớ vui với cậu hay không, cũng đã làm cho tớ bị những khó khăn trước đã ; dù sao chăng nữa, sự quá độ này chỉ làm tớ dửng dưng và cảm thấy vô vụ lợi thôi ! Trong lúc ảnh hưởng kéo dài của cậu với đời sống của tớ càng lúc càng nặng nề thêm, đấy chỉ là những tiêu pha chưa đáng kể hầu như hoàn toàn cho cái thú ăn nhậu, và những trò khác tương tự. Lâu lâu, có một niềm vui là được thấy cái bàn nhuộm đỏ tía màu rượu vang và hoa hồng, nhưng cậu đã vượt quá xa những mùi vị và giới hạn mất rồi. Cậu đòi hỏi không không và cậu nhận lấy mọi thứ chẳng lời cám ơn nào! Cậu cứ cho rằng cậu có quyền sống trong sự xa xỉ bằng tiền của tớ trong khi cậu không hề có thói quen đó, bởi thế, đấy là điều đã làm cho cái thói khoái khẩu của cậu chẳng bao giờ biết ngấy là gì. Và để kết thúc, cậu còn nướng toi tiền vào sòng bạc ở Algiers hay đâu đâu nữa cơ. Xong xuôi đâu đấy là cậu chỉ việc đánh điện tín sáng hôm sau hạ lệnh cho tớ mang vừa đúng số tiền đã mất đến để nộp vào tài khoản của cậu ở London mà chẳng đoái hoài  gì hơn!

    Nếu tớ nói cho cậu biết rằng từ mùa thu năm 1892 cho đến ngày mà tớ lãnh án tù, là vị chi tớ đã xài với cậu và riêng cho cậu là hơn năm ngàn bảng Anh tiền mặt, chưa kể những khoản khác mà tớ đưa cậu nữa, cậu có mường tượng được cách sống mà cậu đã muốn là gì chăng? Cậu cho là tớ bịa đặt chắc? Những chi phí thường nhật của tớ, cho một ngày bình thường ở London với cậu - ăn trưa này, ăn chiều này, ăn khuya nữa nhé, rồi nào là giải trí, nào là cỗ xe ngựa thuê, lại thêm mọi thứ linh tinh khác nữa - đã hết khoảng từ mười hai cho đến hai mươi bảng Anh đấy! Những tiêu xài trong tuần lễ, dĩ nhiên là chia đều ra cũng khoảng từ tám mươi đến một trăm ba bảng Anh … Còn ba tháng trời bọn mình ở Goring thì chi phí của tớ (kể cả tiền thuê nhà đương nhiên) đã lên đến một nghìn ba trăm bốn mươi bảng Anh. Khi kẻ bị phá sản phải đối mặt với bọn chủ nợ thì tất nhiên phải nghiền ngẫm những chi tiết của  đời mình chứ!

    « Sống đơn giản và suy nghĩ hướng thượng » đương nhiên sẽ là một lý tưởng mà cậu sẽ chẳng thể đánh giá cao được đâu! Nhưng việc lố bịch kia quả là xấu hổ cho cả hai ta. Một trong những bữa ăn ngon lành nhất mà tớ nhớ đó là bữa mà Robbie và tớ gặp lại nhau trong một quán café nhỏ ở Soho và chỉ tốn vài xu cũng như những buổi tiệc với cậu tốn đến bao nhiêu bảng Anh. Nhờ bữa nhậu với Robbie mà tớ có được cuộc trò chuyện đầu tiên và tốt đẹp nhất. Tư tưởng, tựa đề, cách bình luận, thời trang, tất cả mọi điều được tỏ bày từ bữa ăn ngon tốn có ba francs năm mươi xu thôi! Và ăn ở « table d’hôte ». Còn những buổi tiệc phi nghĩa với cậu thì chỉ để lại cho tớ cái kỷ niệm là bọn mình đã ăn quá tải và uống quá độ. Buộc tớ chịu đựng cái thói nịnh tính của cậu thì thật tai hại. Giờ thì cậu biết rõ rồi đấy! Sự kiện ấy đã làm cho cậu thường xuyên tham lam, đôi khi chẳng chút ngại ngùng, luôn luôn đáng ghét. Trong bao nhiêu dịp, chẳng bao giờ tớ thấy đó là sự ưu tiên hoặc một niềm vui phục dịch cậu đâu. Cậu quên à, tớ sẽ không nói về hình thức lịch sự của việc cám ơn, vì lịch sự một cách hình thức ấy làm chán ngấy cái mối thân tình, nhưng đơn giản đấy là sự tao nhã của một lũ đồng hội đồng thuyền dễ mến, cái ngộ nghĩnh của một cuộc đối thoại vui vẻ, và tất cả những gì nhã nhặn làm đẹp đời sống, hòa theo nó như âm nhạc, giờ đây là sự hài hòa tràn ngập âm điệu những giây phút đọa đày lặng lẽ . Và cho dù cậu cố tỏ ra bàng quang trước hoàn cảnh khủng khiếp này của tớ, chúng ta vẫn thấy được sự khác biệt giữa một sụp đổ này với một sụp đổ kia, tớ công nhận một cách thẳng thắn việc tớ đã phung phí điên rồ cho cậu hết số tiền đó và đã để cậu tiêu phéng đi tài sản của tớ vì những trò xấu xa của cậu làm cháy túi và mở mắt cho tớ thấy được một cái tờ hoá đơn bẩn thỉu  của sự  phí phạm làm tớ  hổ thẹn gấp bội  lần .

   Tớ sinh ra đời là để sống cho chuyện khác.

    Nhưng trên hết là phải tự trách mình về việc hoàn toàn suy sụp tinh thần vì đã để cho cậu ám ảnh đời tớ. Cơ bản của tính cách là ý chí, và ý chí của tớ lại bị lệ thuộc toàn bộ vào ý chí của cậu. Nói ra thì thô bỉ nhưng đâu phải là không đúng sự thật? Những cảnh tượng liên tục gần như có tính cách thể xác cần thiết cho cậu và bóp méo đi trí não cũng như thân xác cậu làm cho tớ gớm ghiếc khi nhìn cậu hay nghe thấy tiếng nói của cậu. Cái tật xấu ghê rợn mà cậu thừa hưởng của ông Bô cậu là viết những lá thư xung độ và kinh tởm, cậu thiếu hẳn sự chế ngự về tình cảm được chứng nhận bởi cách im lặng u ám của cậu cũng như bởi những cơn điên dại gần như chứng động kinh, tất cả những điều đó đã bị một trong những lá thư tớ gửi cho cậu gạch thẳng - mà cậu lại để nó rơi ở chỗ nào tại Savoy hay trong khách sạn nào đó và nó đã làm nên chuyện trước tòa án do tên luật sư của ông Bô cậu - và nó chứa đựng sự van nài mờ đi xúc cảm, đến nỗi cậu đã phải có khả năng nhìn nhận những xúc cảm trong từng yếu tố hay trong biểu lộ của nó, tất cả những điều này, nói cho cậu biết, là nguồn gốc và nguyên nhân của sự nhu nhược thảm hại của tớ đã nhượng bộ từng yêu sách của cậu càng ngày càng phát triển thêm. Cậu đã làm tớ kiệt quệ. Đấy là thắng lợi của một sinh vật nhỏ thó đối với một sinh vật vĩ đại thôi. Đấy cũng là một thí dụ điển hình của bạo chúa nhu nhược với kẻ mạnh mà tớ diễn giải trong một vở kịch « Sự chuyên  chế duy nhất còn tồn tại ».

   Và hẳn nhiên trong tất cả mọi liên hệ của chúng ta với người khác, chúng ta phải tìm thấy cách sống nào đó chứ! Trong tình thế này, tớ đã phải quên mình vì cậu hoặc bỏ rơi cậu thôi. Làm gì có sự lựa chọn nào khác chứ? Chỉ tại cái tình cảm tớ có với cậu mà ra, sâu đậm, dù là đặt nhầm chỗ chăng nữa ; chỉ tại lòng thương hại to tát của tớ trước những khuyết điểm của tâm tính cậu; do sự độ lượng và thờ ơ dân tộc tính Celtes, do sự ghê sợ những cảnh tượng và những từ ngữ bỉ ổi nhất, bởi cái bất lực đã tạo ra đặc tính của tớ là không màng đến sự thù hằn nào cả ! Và còn do nỗi kinh khiếp của tớ khi thấy kiếp đời cay đắng và bội bạc bởi kẻ, mà lúc ánh mắt của tớ đăm đăm nhìn chuyện khác, đã lộ ra bằng những trò vô giá trị phù phiếm để có thể an hưởng một lợi lộc nào trong nhất thời. Vì tất cả những lý do đó, đơn giản đến độ chúng có thể giống nhau hết, tớ đã luôn nhượng bộ cậu. Hậu quả đương nhiên về những đòi hỏi, những toan tính làm chi phối của cậu, cách bòn rút tiền của cậu đã trở thành càng lúc càng phi lý. Những hành động đê tiện nhất của cậu, thói phàm ăn cho đến những đam mê hạ cấp nhất đối với cậu là luật lệ để điều khiển người khác và nếu cần họ chỉ có nước hy sinh không ngần ngại!

 

      Hiểu rằng cứ gây sự là cậu luôn đạt được mục đích đã, tự nhiên đến độ cậu có nó gần như vô lương tâm ấy! Tớ đinh ninh, cho đến cả những gì thái quá của bạo lực hạ đẳng luôn! Sau cùng, cậu chẳng biết vội vã hướng đến mục đích nào và muốn thấy đối tượng nào. Một khi đã rút rỉa moi móc tất cả những gì cậu đã có thể, từ thiên tài của tớ, từ thiện chí cũng như tài sản của tớ, cậu lại có nhu cầu đòi cho bằng được toàn bộ đời sống của tớ, trong sự mù quáng của lòng tham vô đáy. Và cậu đã chiếm hữu được nó. Vào thời điểm tối thượng và bi đát nhất của đời tớ, ngay trước khi có quyết định điên rồ của tớ là định khởi tố cái án vô lý này, ông Bô cậu đã tấn công tớ một phía bởi những tấm carte đặt tại câu lạc bộ của tớ, còn cậu thì tấn công từ phiá bên kia bằng những lá thư không kém phần tồi bại. Lá thư mà tớ nhận được do cậu gửi buổi sáng hôm cậu dắt tớ đến bót cảnh sát để đòi kiện lại ông Bô cậu về cái lệnh bắt giam lố bịch kia, là lá thư tệ hại nhất mà cậu chưa bao giờ viết vì lý do thấp hèn nhất. Giữa hai bố con cậu, tớ mất cả lý trí. Bản án làm tớ như hoàn toàn hoang mang! Nỗi kinh hoàng thế chỗ! Không làm sao thấy được nữa lối thoát khỏi người nọ hay người kia, cứ lao đao mê muội, như một con bò trong lò súc sinh. Tớ đã nhầm lẫn quá lớn về tâm lý, cứ luôn tưởng là nhượng bộ cậu trong những chuyện nhỏ nhặt không quan trọng là xong, để khi mà thời điểm lớn đến, tớ sẽ khẳng định lại ý muốn của mình trong sự cao cả tự nhiên của nó. Nhưng sự thể không như thế. Lúc chuyện xảy ra, ý muốn của tớ làm cho mình như bị hoàn toàn sai trái. Trong đời này, thật ra không có điều lớn mà cũng chẳng có điều nhỏ! Mọi điều đều ngang nhau về giá trị cũng như về tầm cỡ.

 

    Thói quen của tớ là nhường nhịn cậu, nhất là ngay từ đầu. Nhường nhịn là bản tính mình nên không biết là nó đã lập lại máy móc thành một tính phục vụ thường nhật. Do đó trong đoạn kết tinh xảo của ấn bản đầu tiên của những bài xã luận, Pater nói rằng : thất bại có nghĩa là giảm thiểu những thói quen! Bọn đần độn của Oxford cho rằng đấy chỉ là sự đảo ngược đã được thảo luận của nguyên văn khá tẻ nhạt, chỉ là đạo đức mang tính cách Aristote nhưng một sự thật tuyệt vời kinh khủng ẩn núp trong đó !

    Cậu đã bào mòn sức mạnh tính khí của tớ và, với tớ, sự hình thành thói quen không những đã dẫn đến thất bại mà đơn giản còn đến cả sự khánh tận. Về tinh thần, cậu đã hủy hoại tớ hơn thế nữa, một cách rất nghệ thuật.

    Chắc chắn rồi, một khi có lệnh tạm bắt tớ, cậu đã muốn lãnh đạo tất cả. Đúng lúc mà đáng lẽ tớ phải ở London để gặp một luật sư cố vấn và bình tĩnh suy nghĩ về cái bẫy ghê tởm đã sa vào đó - bẫy kẻ rồ dại - ông Bô cậu gọi thế đấy, cậu đã còn nài nỉ tớ phải đưa cậu đến Monte Carlo, một trong những nơi chốn tởm lợm nhất trên trái đất này để ngày đêm đánh bài cho đến lúc Casino đóng cửa. Phần tớ, trò cờ bạc chẳng lôi cuốn gì nên đành ngồi một mình. Cậu chẳng thèm bàn luận gì về cái tình cảnh mà ông Bô cậu và cậu đã gây ra cho tớ. Phận sự của tớ là cứ việc trả tiền khách sạn và tiền cậu thua bạc. Cậu thấy bị phiền nhiễu vì sự kiện mà tớ lãnh đủ đang ám cậu. Nhãn hiệu của một loại Champagne nào đó còn gợi được sự quan tâm của cậu hơn.

 

    Khi mình về lại London, những người bạn tốt tha thiết van xin tớ nên rút ra ngoại quốc để khỏi phải đương đầu với một vụ kiện khó khổ. Cậu buộc tội họ đấy là hành động thấp kém và đánh giá tớ hèn hạ để tớ chỉ phải nghe những lời khuyên của cậu thôi. Cậu bắt tớ phải ngồi lại để nghe cậu ba hoa, nếu có thể, đấy là phần hầu tòa bằng những nhân chứng thậm vô lý. Rồi đương nhiên là tớ bị bắt tạm giam và ông Bô cậu trở thành anh hùng trong lúc này. Và hơn nữa, người hùng giây lát, thật ra, là điều khá lạ lùng, từ nay trở đi, gia đình cậu được xem như sẽ thuộc về dạng Những Người Bất Tử ! Vì nhờ vào sự bỉ ổi của cái hiệu lực đó mà, phải nói thế, một yếu tố có tính cách Gothique trong lịch sử đã làm cho hồn thơ Clio trở thành kém nghiêm túc nhất trong tất cả các hồn thơ. Ông Bô cậu sẽ sống như thế giữa những bậc cha mẹ có tinh thần trong sáng và tâm hồn văn chương của trường học ngày Chủ Nhật ( !?!) !


    Dĩ nhiên, đáng lẽ tớ dẹp cậu qua một bên được chứ! Đáng lẽ tớ loại trừ cậu khỏi đời mình như ta giũ áo cho thứ côn trùng vừa châm chích ta rớt xuống là xong. Trong vở kịch tuyệt diệu nhất của Eschyle có kể một vị lãnh chúa mang về nhà mình một chú sư tử con, ông ta yêu nó bởi đôi mắt sáng long lanh, nó đến cạnh ông, dụi mình vào ông để đòi thức ăn, nhưng con thú ấy lớn dần lên và lộ ra bản chất của loài cầm thú nên sau cùng đã giết người chủ và tàn phá nhà cửa cùng những gì của ông có. Tớ có cảm giác mình cũng như ông ấy.

    Nhưng lỗi lầm của tớ không phải chỉ đã không rời bỏ cậu mà do đã thực hiện điều ấy quá thường xuyên. Tớ có thể chứng minh điều đó, cứ mỗi ba tháng tớ lại cắt đứt với cậu một cách đều đặn. Và, cứ mỗi lần như thế, nhờ vào những lời lạy lục van vỉ, những điện tín, những lá thư, sự kết nối của bạn bè cậu cũng như bạn bè tớ và những mánh khoé khác, cậu đã lại thành công trong việc thuyết phục tớ để cho cậu quay về. Vào cuối tháng ba năm 1893, lúc cậu đã rời nhà tớ ở Torquay, tớ đã cương quyết sẽ không bao giờ nói chuyện với cậu nữa cũng như ở với cậu trong bất cứ trường hợp nào sau trận gây gổ dữ dội cậu gây ra chiều hôm trước khi cậu bỏ đi. Rồi cậu lại viết và điện tín cho Bristol để van xin tớ tha thứ và tiếp cậu. Chính bạn cậu, người ở lại nhà tớ nói rằng nó thấy cậu nhiều khi thật vô trách nhiệm về những gì cậu nói hay những điều cậu làm và những người ở Magdalen cũng thấy thế, hầu hết mọi người, nếu không muốn nói là tất cả mọi người đều cùng một ý kiến. Tớ đã đồng ý gặp cậu và đương nhiên, tớ đã tha thứ cho cậu. Về lại London, cậu xin tớ dắt cậu đến Savoy, cuộc thăm viếng này làm tớ điêu đứng.

     Ba tháng sau, vào tháng sáu, bọn mình đang ở Goring ; vài thằng bạn đại học Oxford của cậu đến ở chơi từ thứ bảy đến thứ hai. Buổi sáng bọn nó về, cậu đã gây một trận khủng khiếp đến nỗi tớ phải nói là tụi mình phải bỏ nhau. Tớ nhớ rõ ràng, trên sân bóng chuyền, nơi tụi mình ngồi có bờ cỏ mịn vây quanh, tớ nhấn mạnh với cậu rằng tụi mình làm hại đời nhau, rằng cậu tàn phá đời tớ một cách tuyệt đối, tớ không mang lại hạnh phúc thật sự cho cậu và một sự chia xa hoàn toàn không thể đổi khác được là điều hợp lý nhất phải làm. Cậu đã cau có bỏ đi sau bữa trưa, để cho lão quản lý nhà hàng đưa lại cho tớ một trong những lá thư xỉa xói nặng nề nhất sau đó. Trước ba ngày trôi qua, cậu đã đánh điện tín từ London để van xin tớ tha lỗi cho cậu và để cậu trở lại. Tớ lại thuê một căn nhà cho vừa lòng cậu. Chiều ý cậu, tớ mướn luôn cả bọn đày tớ của cậu. Tớ đã luôn biết hối tiếc về sự nổi nóng ghê gớm mà cậu là con mồi. Tớ gắn bó quyến luyến cậu cho nên đã để cho cậu trở về và tha thứ.

     Nhưng ba tháng sau đó, vào tháng chín, những màn mới lại xảy ra chỉ vì tớ đã báo động cậu về số lỗi sơ đẳng mà cậu vấp phải cho bản dịch « Salomé ». Giờ thì cậu phải học cho đủ tiếng Pháp để thấy rằng cậu đã không xứng đáng với sự dịch thuật mà tác phẩm cần có. Sinh viên đại học Oxford ! Đương nhiên, cậu lờ tịt đi và trong một lá thư đầy phẫn nộ mà cậu viết về chủ đề này, cậu đã tuyên bố rằng đối với tớ thì cậu  « không có phương pháp nào cho đạo lý thuộc về tri thức ». Tớ nhớ lại lúc đọc được sự khẳng định đó, tớ có cảm giác đấy là điều thực duy nhất mà cậu đã viết ra trong suốt thời gian mình làm bạn với nhau. Tớ thấy rằng một bản chất kém văn hoá đã thích hợp với cậu hơn nhiều rồi đấy! Tớ nói điều này chẳng chút cay đắng nào đâu, đơn giản là quyết tâm về chuyện tớ đòi hỏi có bạn bè tốt. Cho cùng, mối liên kết giữa bạn bè tốt, dù cho trong hôn nhân hay tình bằng hữu, chẳng qua là sự đàm thoại đấy thôi. Và sự đàm thoại phải có cơ sở chung. Giữa hai người mà sự khác biệt về văn hoá quá lớn, cơ sở chung duy nhất có thể có sẽ ở mức độ thấp nhất. Tính phù phiếm về tư tưởng và hành động là phải dễ chịu. Tớ đã vạch ra từ đó cái bí quyết của một triết lý sáng rực được diễn tả trong những vở kịch và những sự nghịch lý. Nhưng sự trống rỗng và cơn điên loạn đời sống chúng ta trở thành vô vị thường xuyên với tớ. Mình đã gặp nhau trong bùn lầy, mê đắm biết bao, mê đắm kinh khủng đến độ là chủ đề duy nhất mà ở đó được tập trung toàn những mục đích kém linh động của cậu đối với tớ trở thành hoàn toàn nhàm chán. Thường xuyên tớ chán chết được và chấp nhận như từng chấp nhận niềm say mê music- hall của cậu hay cái tật cậu phi lý quá độ về đồ ăn thức uống, hay tất cả những gì khác của tâm tính cậu thật chẳng quyến rũ gì đối với tớ. Tớ chấp nhận tất cả những thứ đó như phải phù hợp một cách đơn giản, để nói rằng điều ấy thật đắt giá để trả cho cái đặc quyền được quen biết cậu.

 

       ( còn tiếp )

 

 

Đỗ Nguyễn
Số lần đọc: 677
Ngày đăng: 10.12.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
1919 Carl Spitteler (Thụy Sĩ, 1845 – 1924) - Lê Ký Thương
Lời trần tình - Đỗ Nguyễn
Người thi sĩ Việt đầu bạc trắng trên nước Nga - Nguyễn Anh Tuấn
"Đoàn Đình Thạch" Người đi, tiếng hát còn vọng lại. - Trương Văn Dân
1913 Rabindranath Tagore (Ấn Độ, 1861 – 1941) - Lê Ký Thương
Nhà văn Ngô Thảo, sống và viết hết mình vì đồng đội - Minh Tứ
1912 Gerhart Hauptmann (Đức, 1862 – 1946) - Lê Ký Thương
1911 Maurice Maeterlinck (Bỉ, 1862 – Pháp, 1949) - Lê Ký Thương
Văn Khoa ngày ấy - Nhớ Thầy Bửu Cầm - Phan Văn Thạnh
1910 Paul Von Heyse (Đức, 1830 –1914) - Lê Ký Thương
Cùng một tác giả
Ngọn gió nào… (truyện ngắn)
Tả ngạn (truyện ngắn)
Cây rừng vô cảm (truyện ngắn)
Chân mây xa vời (truyện ngắn)
Triền dốc lãng quên (truyện ngắn)
Chiều phai Dã Quỳ (truyện ngắn)