Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.185
123.216.349
 
Dọc đường văn nghệ (Phần 67) Vũ Ngọc Giao (Ngọc Giao): viết & viết, đó là cách trả lời hay nhất của một nhà văn
Trần Dzạ Lữ

 

Vũ Ngọc Giao (Ngọc Giao) nói với tôi: “Viết và viết, đó là cách trả lời hay nhất với chính mình và bạn đọc chú ạ” Một câu nói thật hay của nhà văn Vũ Ngọc Giao - con gái của nhà thơ Đoàn Huy Giao, tác giả của thi phẩm nổi tiếng trước 75: “Cho con vật hai chân, Nxb Da Vàng 1973” - người bạn thơ lâu năm của tôi (dù cho ít liên lạc và ở nơi đâu tình cảm của chúng tôi không hề phai nhạt).

Vũ Ngọc Giao giống cha ở chỗ ít nói, lặng lẽ nhưng sức làm việc thật dữ dội… Tôi lấy làm lạ vì sao cô cháu tôi giỏi thế. Một ngày 24 tiếng đồng hồ mà cô chu toàn tất cả: Làm vợ, làm mẹ, việc cơ quan, tập yoga, giao tiếp bạn bè và viết lách?

Năm 2015 và 2016, tôi có dịp về Đà Nẵng thăm bạn bè. Gặp Đoàn Huy Giao để anh đưa tôi qua thăm Bảo Tàng Đùng Đình của anh dưới chân núi Sơn Trà (Bảo Tàng tư nhân, tôi thích và muốn có dịp về đây nghỉ ngơi một tuần và viết, song chưa thực hiện được) và sau đó tôi gặp Vũ Ngọc Giao để hai chú cháu cà phê, trò chuyện. Giao đưa tôi về thăm nhà ở đường Dương Đình Nghệ ở quận Sơn Trà - Đà Nẵng. Chồng Giao là một kỹ sư xây dựng nhưng rất thấu hiểu vợ trong việc viết lách. Lúc này, cháu tôi còn làm việc ở cơ quan nhà nước. Tuy không nói ra, song tôi hiểu Giao cũng như bố, luôn học, đọc và lặng lẽ viết. Giao luôn quý trọng và thương yêu bố ĐHG qua cách suy nghĩ và hành động. Phần nhiều con gái rất yêu thương cha nhưng trường họp của Giao rất hiếm gặp trên đời này.

Từ 2017 đến nay do di chuyển chỗ ở và dịch bệnh nên tôi không còn dịp về ĐN thăm bạn bè, Đoàn Huy Giao và cô cháu Ngọc Giao thân thương nữa. Nhưng trong tâm tưởng tôi luôn tái hiện nụ cười và cách xử sự đôn hậu của cô cháu viết văn VNG.

Ba năm, thời gian không dài nhưng đủ cho vật đổi sao đời và lòng người nghiêng ngửa bởi luôn có kẻ ghét người thương khi va chạm thực tế. Ba năm, cách sống của Vũ Ngọc giao không mấy đổi thay.Vậy mà, trí tuệ và tim óc cô thay đổi và lớn dậy một cách ngoạn mục và lạ lùng khi tôi hay tin Vũ Ngọc Giao đã đăng rất nhiều tác phẩm trên các báo từ Nam ra Bắc. Tôi thật vui mừng và kinh ngạc. Phải là một người thật tinh tế trước đời sống, óc quan sát tỉ mỉ và thật nhạy bén với mọi chuyển dịch của con người và đất trời, mới thẩm thấu và chuyển tải hết nội dung qua tác phẩm của mình. Tôi nhớ nhà văn Gorki và Balzac từng nói và kinh nghiệm trong viết văn:

Nhà văn Mac- xim Gorki từng nói: “Văn học là nấc thang giúp tôi từ con thú đến gần hơn với con người thật vậy, mỗi tác phẩm văn học như nguồn nước mát lành nuôi dưỡng những tình cảm cao đẹp trong con người khiến cho con người sống nhân ái, khoan dung hơn. Và trong mỗi tác phẩm văn học của mình nhà đã phản ánh hiện thực cuộc sống vào đó khiến văn chương trở nên gần gũi với con người, vì thế văn học như cánh diều và sợi dây diều bám chặt vào cuộc đời không dứt, chính vì vậy mỗi lần lật giở từng trang văn mỗi chúng ta như được sống trọn vẹn với nhân vật và những tình huống xảy ra với nhân vật đó, chúng ta như được hóa thân, đắm mình vào hoàn cảnh của nhân vật để rút thêm kinh nghiệm cho chính mình, bởi thế nhà văn là những con người có con mắt tinh đời, có tài năng nghệ thuật phải biết quan sát, chọn lọc để sáng tạo ra những tác phẩm bất hủ, nhà văn còn phải trải đời có nhiều kinh nghiệm sống dồi dào thì mới có thể xâm nhập thực tế, nắm bắt và phát hiện những chi tiết cô đúc sâu sắc trong đời thực thì mới có thể đưa vào tác phẩm. Từ những thực tế trải nghiệm của bản thân nhà văn Pháp Balzac đã từng nhận định: Nhà văn phải là người thư kí trung thành của thời đại.

Mỗi thời đại, mỗi xã hội đều có những sự thay đổi mang tính lịch sử chuyển mình, nhà văn hơn những người bình thường là có tài năng nắm bắt lấy những sự thay đổi ấy trong xã hội, những nhà văn không phải ghi chép một cách tỉ mỉ, tường tận những sự kiện, những hiện tượng xảy ra như ghi chép của những sử gia, mà bằng trải nghiệm sống của bản thân, bằng sự tiếp xúc với cuộc đời với con người hàng ngày nhà văn tạo nên những tác phẩm nghệ thuật bằng chất liệu chính là ngôn từ. Mỗi nhà văn phải là một người nghệ sĩ về chữ nghĩa để tạo nên những trang văn trang đời cho mọi người cùng thưởng thức. Nhà văn là người thư ký trung thành của thời đại bởi trong tác phẩm của mình nhà văn tạo nên những hình tượng nghệ thuật, những nhân vật điển hình đại diện cho một tầng lớp một giai cấp trong xã hội, nhân vật ấy chịu sự chi phối của xã hội, chính vì thế có thể nói rằng sự biến đổi của xã hội một phần tác động đến nhân vật được nhà văn tái tạo nên. Người thư ký trung thành của thời đại còn phải là người biết xây dựng những chi tiết văn học đắt giá để tạo nên sức hút cho tác phẩm của mình bên cạnh việc tái tạo hình tượng nhân vật. Từ nhân vật, chi tiết truyện nhà văn gửi đến người đọc những thông điệp, chủ đề của tác phẩm để người đọc có thể tự rút ra thành bài học cho chính”

Và tiểu thuyết gia lừng danh Nga Dostoyevsky (tác phẩm nổi tiếng Tội Ác và Trừng Phạt, Anh Em Nhà Karamazov, Chàng Ngốc…) có câu nói nổi tiếng: “Cái đẹp cứu rỗi thế giới”.

Giờ đây, tôi tin chắc rằng cháu tôi (Vũ Ngọc Giao) cũng đã, đang và sẽ tìm “Cái Đẹp” ngay trong đời sống và trang viết của mình như một thông điệp: “Nhân ái, Hoà Bình, Chung Sống…” giữa con người và thế giới.

***

Tiểu sử giản đơn: VŨ NGỌC GIAO (NGỌC GIAO)

Tên thật: Nguyễn Thị Ngọc Giao

Con gái nhà thơ Đoàn Huy Giao

Trước đây là biên tập viên tạp chí Non Nước - thành phố Đà Nẵng

Hiện tại: Viết tự do

Từ năm 2019 đến nay VNG đã có trên 100 tác phẩm đăng trên các báo và tạp chí từ trung ương đến địa phương.

Xin giới thiệu với bạn đọc 2 truyện ngắn mà tôi thích nhất là: Tiếng Đàn Của Cha (đăng trên báo Văn Nghệ Trung ương) và Dốc Sông Trăng (đăng trên báo Thanh Niên)

TIẾNG ĐÀN CỦA CHA

Truyện ngắn VŨ NGỌC GIAO

Còn nhớ đó là một đêm cuối tháng mười, tôi ngồi co ro trên chiếc giường ướt sũng, ngoài trời mưa như trút, gió rú rít gần một ngày vẫn chưa chịu ngừng. Chốc chốc tôi hé cửa nhìn ra, bốn bề nước trắng xóa. Lúc chạng vạng trong màn mưa tôi cũng kịp nhìn thấy mấy cái mủng cha để sau hè trôi ra ngõ, xác mấy con gà, con vịt nhà ai trôi lềnh bềnh. Ở góc nhà, thỉnh thoảng cha bật lửa châm thuốc, cái hộp quẹt chừng ngấm nước, chỉ xẹt xẹt lên những tia lửa nhỏ rồi tắt ngúm. Cha yên lặng ngồi bó gối nhìn ra biển nước mênh mông. Mưa vẫn trắng trời.

Tôi lớn lên bên con sông Thu Bồn hiền hòa đầy ắp phù sa. Cũng như những đứa trẻ trong làng, tôi biết bơi từ rất sớm. Năm tuổi tôi đã ra sông, theo tụi trẻ con trong làng đi nơm cá, sáu tuổi tôi đã biết lên biền hái dâu, bẻ bắp cho cha. Lần đầu dạy tôi bơi, cha cho tôi lên ghe chèo ra giữa dòng rồi thả xuống tập tôi thở nước. Cha bình thản ngồi trên ghe nhìn tôi choi choi ngụp lặn, cho tới khi tôi ho sặc sụa cha mới xuống dạy tôi bơi. Cũng nhờ nhiều lần ngụp lặn trong nước lụt nên tôi bơi dễ dàng. Không riêng gì tôi, những đứa trẻ trong làng đều vậy.

Ngoài kia gió lại rít lên, bẻ mấy tấm tôn trên nóc nhà kêu răng rắc. Cha ngồi yên như pho tượng, thấy tôi chốc chốc lại hé cửa nhìn ra, ông sốt ruột:

- Tranh thủ ngủ chút đi con, chờ ai đi chờ ông trời!

Tôi nhìn ra màn mưa đen kịt rồi quay sang cha:

- Sao nhà mình không dọn vào miền Nam? Trong đó thời tiết thuận hòa, lại có nhà nội. Sao cha lại chọn miền Trung làm nơi lập nghiệp?

Cha yên lặng hồi lâu, tôi tưởng ông đã ngủ.

- Cha đã gặp mẹ con ở nơi này - Cha bỗng lên tiếng, giọng ông khàn đục, hóa ra cha vẫn còn thức, dưới ánh đèn cầy leo lét gương mặt ông tư lự - Cha đã chọn mảnh đất này như duyên phận mẹ đã chọn cha - Nói đến đây ông lại móc hộp quẹt trong túi áo ra. Lần này bắt lửa, ông vội vàng đốt thuốc, nhìn ra màn mưa dày đặc - Cha chả… mưa kiểu này…!

Tôi biết, cha đang tránh nhắc lại những kỷ niệm ngày mẹ tôi còn. Lụt năm đó tôi và tụi trẻ con trong làng được nghỉ học. Mới lên bảy, tôi đã biết giúp cha khiêng lúa chất lên giàn. Quê tôi nhà nào cũng làm một cái giàn tre trên cao để “chạy lụt”. Làng gần sông, lại là vùng trũng nên khi có lụt, làng ngập sâu, riết rồi cũng quen. Khi tôi và cha khệ nệ khiêng bao lúa cuối cùng lên giàn, nhìn ra ngoài nước đã lên hơn nửa cánh cổng. Mẹ tôi chạy chợ vẫn chưa về, bà là người buôn chuối có tiếng ngon ở chợ làng. Sáng sớm thức dậy nhìn nước, mẹ biết sắp có lụt lớn, tần ngần một lúc, mẹ gỡ chiếc ghe nan treo sau hè xuống, chèo đi. Mẹ tiếc mấy buồng chuối, không chở về coi như mất trắng.

- Thôi bỏ buổi chợ đi mình, lụt lớn đó! - Cha gọi với theo nhưng không kịp, mẹ đã quày quả chèo đi, cha chỉ còn biết nhìn theo bóng mẹ xa dần.

Không riêng gì mẹ tôi, những người đàn bà trong làng đều ham công tiếc việc. Quanh năm, dù mưa hay nắng, lũ lụt hay hạn hán, mẹ và các bà không lên biền thì ra chợ. Sự tần tảo ăn sâu vào máu thịt khiến họ chẳng thể ngồi không. Cha kể, năm mẹ đẻ tôi trận lụt cũng lớn lắm. Mẹ bụng mang dạ chửa ngồi trên chiếc ghe chòng chành, nước lũ cuồn cuộn về, lên nhanh. Nhìn mẹ trở dạ quằn quại từng cơn, cha vừa chèo vừa run. May sao ghe vừa đến trạm xá thì tôi lọt lòng, khóc oe oe. Cha đặt tôi tên May cũng từ đó.

- Con May đâu, thắp cây đèn cầy lên cái coi! Ngồi bần thần chi đó? - Cha đột ngột lên tiếng.

Tôi giật mình, vội vàng tìm cây đèn cầy thắp lên cái chén úp ngược. Cha dò dẫm ra coi nước, lúc trở vào ông lẩm bẩm:

- Ngớt mưa mà nước rút không kịp, năm nay coi bộ… - Nói đến đó cha lại bập bập điếu thuốc hút dở, nhìn ra ngoài trời.

Cha trầm tính, từ ngày mẹ mất cha lại càng trầm hơn, tới bữa cơm lùa vài miếng cha lại chống đũa ngó ra đồng. Có lúc tôi nhìn thấy trong con mắt đục ngầu của cha ngấn nước. Cha khóc mẹ. Làm sao cha quên được cảnh đau thương ngày đó. Người làng kể lại, ghe mẹ chất đầy chuối, mẹ cố chèo trong dòng lũ cuồn cuộn. Về gần đến chợ mẹ còn quay lại cười với ghe bạn buôn, đột ngột gió quật ngược, trong chớp mắt ghe mẹ lật úp. Nhanh tay bám vào một cành cây, mẹ vật lộn với dòng nước nhưng nước hung hãn quá, cuốn mẹ đi... Cha hay tin chạy tìm mẹ, lúc tìm ra mẹ đã được bó trong tấm chiếu, nhợt nhạt. Năm đó tôi lên bảy. Cũng tại cái tính chịu thương chịu khó, bỏ buổi chợ mẹ tiếc, bỏ ghe chuối mẹ tiếc, để bây giờ đêm đêm cha ngồi tiếc mẹ. Có lúc tránh cho tôi nhìn thấy những giọt nước mắt ứa ra, cha giả bộ đập đập mấy con muỗi bu vô chân “Cha bay! Bu chi mà bu dữ ác!”

Rồi cha một mình nuôi tôi lớn lên bằng những con cá ngoài triền sông, bằng những vạt bắp, luống rau cha trồng trên biền. Cha đi đi về về như cái bóng, lầm lũi, câm lặng. Chiều về ăn qua loa chén cơm, hỏi han chuyện học hành, dặn dò tôi dăm ba câu, cha lại ra hiên, có đêm cha ngồi rít thuốc đến sáng. Nội, ngoại thương, khuyên cha đi bước nữa, cha lắc đầu. Có người đàn bà góa trong làng thầm thương cha, bà con mối lái, cha cũng lắc đầu. Có lần bà nội ra thăm, kêu cha lại thủ thỉ “Con May lớn lên rồi cũng lấy chồng, con coi đám nào… chớ ở vậy lúc già yếu có ai”. Cha yên lặng bỏ ra sông. Ngày mẹ mới mất, đêm đêm cha gẩy đàn bầu tới khuya, dưới ánh đèn tù mù, tôi thấy gương mặt cha dại đi, những ngón tay gân guốc run run, tiếng đàn cha nức nở, oán than. Bà ngoại kể, ngày con gái mẹ xinh xắn dễ coi, vậy mà mê cha cũng vì tiếng đàn bầu, đêm đêm mẹ lẻn cửa sau chạy đến với cha. Bà ngoại ngăn cấm cách gì cũng không xong, chuyển qua tỉ tê “Lấy chi thứ đàn ông suốt ngày đàn địch, cực thân lắm con!”. Mẹ chỉ cười, một mực theo cha. Cũng nhờ tiếng đàn mà cha cưới được mẹ. Từ ngày có chồng mẹ bắt đầu biết bươn chải. Mấy ai ngờ cô gái xinh đẹp mơ mộng như mẹ lấy chồng rồi lại tần tảo sớm hôm. Dù mê gẩy đàn nhưng từ ngày cưới mẹ, cha lặng lẽ gác đàn, suốt ngày cắm mặt ngoài biền, ngoài bãi. Ai hỏi cha chỉ cười “Thương mẹ con May! ”.

Mẹ qua một trăm ngày, cha gác luôn đàn lên giàn. Mỗi năm đến ngày giỗ mẹ, cha lại lấy xuống, phủi bụi rồi rờ rẫm thiệt lâu, bàn tay run run nắn lại cần đàn. Có lần tôi nói “Lâu rồi con không nghe cha đàn!” Cha thẫn thờ, đêm đó tiếng thở dài của cha sâu hơn.

Đêm. Nước vẫn trắng đồng. Tôi tìm cây nến khác thắp lên.

- Thắp một cây thôi con, còn để dành! - Cha ngồi trong góc nhà húng hắng ho.

Tôi dạ, cất cây đèn cầy vô chạn bếp, lên giường ngồi hít hà vì lạnh. Trong tiếng nước lắp xắp tôi nghe có tiếng cốc cốc. Tôi ngồi yên, đoán chừng nước đẩy thanh gỗ chắn đập vào cánh cửa, phát ra tiếng động. Cốc cốc lần này tiếng gõ mạnh hơn, rõ mồn một. Cha bập bập điếu thuốc vất ra cửa, quay sang tôi:

- Ra coi ai gõ cửa giờ này, con!

Tôi cầm cây đèn cầy đi ra, khó khăn lắm mới đẩy được cái chốt cài ngâm trong nước. Tôi giơ cao cây đèn cầy, lom lom nhìn ra, trước mắt tôi một người đàn bà đứng co ro, tay dắt một đứa bé gái chừng bốn, năm tuổi, ôm cái bọc tôi đoán là áo quần.

- Dạ cô hỏi ai? - Tôi ngạc nhiên nhìn bà.

- Không… Tôi hỏi xin nghỉ nhờ một đêm... có được không? - Người đàn bà rụt rè.

Tôi tần ngần chưa biết tính sao, cha đã đến sau lưng.

- Cho họ vô đi con!

Tôi nép qua một bên cho người đàn bà và đứa bé đi vào. Trong lúc chờ hai mẹ con cởi áo mưa, tôi kín đáo quan sát, trông họ hiền lành và có phần lam lũ, cô bé rụt rè hết nhìn cha lại nhìn tôi rồi níu tay mẹ thỏ thẻ điều gì không rõ.

- Coi còn mì gói nấu cho cô với em ăn đi con! - Cha như hiểu ý đứa bé.

Tôi khêu lại cái bấc bếp dầu, châm lửa, vài phút sau mang ra hai tô mì. Đứa bé thấy tô mì nó giương mắt nhìn mẹ chờ đợi. Thấy mẹ gật đầu, nó cắm cúi ăn. Có lẽ hai mẹ con đang đói nên con bé hồn nhiên ăn luôn tô của mẹ. Chừng con bé đã no, mẹ nó mới vớt những cọng mì còn sót lại, nhỏ nhẻ ăn. Sực nhớ trong nồi còn cơm nguội, tôi vội vàng xới ra, gắp thêm vài con cá kho.

- Còn tô cơm nguội, cô ăn tạm!

Người đàn bà nhìn tôi, đôi mắt đen u uẩn dưới ánh nến, gương mặt xanh xao cúi xuống giấu nỗi ngại ngùng. Góc nhà, cha lẳng lặng soạn mùng mền chiếu gối, vậy là có chỗ cho hai mẹ con nằm tạm. Ngoài trời mưa vẫn như trút, gió quật cây cối tơi tả, cây đèn cầy cháy đến cái bấc, lóe lên nổ lép bép. Con bé mới thỏ thẻ với mẹ giờ đã lăn ra ngủ khì, thỉnh thoảng ú ớ nói mê. Người đàn bà nằm sát vào con, tiếng thở đều đều, mệt nhọc. Chừng đã khuya, tôi vẫn không sao ngủ được, cái giường ướt hết phân nửa chỉ đủ tôi ghé lưng. Trong góc nhà, tiếng võng kèn kẹt, thỉnh thoảng cha lại trở mình, tôi biết cha cũng khó ngủ. Gió ngoài trời vần vũ như chưa muốn thôi. Gần sáng tôi thiếp đi lúc nào chẳng hay, tỉnh dậy đã thấy hai mẹ con ngồi bên bậu cửa, đứa bé ôm khư khư bọc quần áo đêm qua. Thấy tôi thức giấc người đàn bà reo lên:

- Con dậy rồi! Cô đợi để chào con, mẹ con cô đi đây! Cảm ơn hai cha con nhiều lắm!

Tôi nhìn ra, mưa đã tạnh, nước cũng rút đi nhiều. Hai mẹ con ra hiên, đứa bé líu ríu nắm vạt áo mẹ. Tôi nhìn quanh nhà không thấy cha đâu, như hiểu ý tôi, người đàn bà khẽ nói:

- Lúc gần sáng ông mặc áo mưa đi rồi!

Tôi yên lặng. Tính cha là vậy, ông làm gì có trời mà biết, ít khi ông thổ lộ với ai điều gì. Có tiếng húng hắng ho. Cha về, trên tay một xâu cá đồng và mấy ngọn rau bí dập nát. Thấy hai mẹ con khăn gói chuẩn bị đi, cha ngạc nhiên:

- Hai mẹ con giờ về đâu?

Người đàn bà cúi đầu im lặng.

- Chưa biết về đâu thì cứ ở tạm đây, đừng ngại! - Cha xoa đầu đứa bé.

Người đàn bà bật khóc, nghẹn ngào:

- Thiệt tình… tôi cũng chưa biết về đâu!

Tôi nắm tay đứa bé dắt vào nhà, người đàn bà cũng yên lặng đi theo. Cha xách xâu cá ra ảng nước ngồi đánh vảy, thấy vậy tôi liền đi nhen lửa nấu cơm. Người đàn bà quệt nước mắt, cắm cúi ngồi lặt ngọn rau bí. Bữa cơm dọn ra, dĩa cá đồng kho tiêu, ngọn bí luộc, chừng đó thôi mà ai cũng ăn ngon lành. Ăn xong người đàn bà nhanh nhẹn bưng mâm ra ảng nước ngồi rửa.

- Cô thứ ba, tên Duyên, con cứ kêu cô Duyên cho tiện - Người đàn bà nói khi tôi lăng xăng bên cạnh.

- Mẹ con cũng thứ ba - Tôi buột miệng.

Người đàn bà ngước nhìn tôi:

- Mẹ con đâu?

- Mẹ con mất rồi, khi con lên bảy tuổi.

Bà nén tiếng thở dài, lẳng lặng rửa chén bát, xếp hết vào cái rổ, không hỏi gì thêm. Đứa bé tỏ ra dạn dĩ hơn, nó cầm chiếc thuyền giấy tôi vừa gấp cho, ra sau hè thả xuống vũng nước mưa. Tôi và cha bắt đầu dọn dẹp, nước lúc này đã rút hẳn, để lại sình bùn quanh nhà. Người đàn bà cũng phụ cha con tôi, cặm cụi lau chùi. Thỉnh thoảng tôi kín đáo nhìn, gương mặt bà luôn nhìn xuống, cái nhìn của người cam chịu và an phận. Đêm, ngoài trời vẫn tối như hũ nút, không trăng sao, không đèn điện, tôi lại tìm cây đèn cầy thắp lên. Trong góc nhà, cha lại ngồi rít thuốc, đóm thuốc cháy lập lòe, dạo này cha hút nhiều hơn. Con bé ngồi trước mặt bắt chước tôi gấp thuyền giấy, vừa gấp nó vừa cười hinh hích. Chừng đã khuya, người đàn bà đến trước mặt cha khẽ thưa:

- Cảm ơn anh và cháu đã cho mẹ con tôi nương nhờ trong lúc ngặt nghèo. Sáng mai mẹ con tôi xin phép đi.

Cha lặng thinh, lúc sau lên tiếng:

- Nhà cửa trôi sạch rồi, giờ về đâu?!

- Tôi về nhờ bà con dựng lại nhà trên nền cũ. Tôi phải đi tìm cha con bé - Giọng người đàn bà chùng lại - Ngày trước cha nó bị tai nạn ở đầu rồi nhớ nhớ quên quên, một lần đi lang thang rồi không về nữa.

- Giờ biết tìm cha nó ở đâu?

- Tôi chưa biết tìm đâu, nhưng cứ tìm… biết đâu... - Người đàn bà nghẹn lại - Để con bé có cha…

Yên lặng. Chỉ còn nghe tiếng thở dài của cha lẫn vào đêm. Tôi nhìn ra ngoài, đêm vẫn đặc quánh. Người miền Trung quê tôi bao đời vẫn vậy. Cha thôi đốt thuốc, tôi cũng tính chuyện đi nằm. Giường bên, đứa bé đã ngủ khì từ lúc nào, người đàn bà vẫn ngồi, ánh mắt đăm đăm nhìn ngọn nến lép bép cháy. Tôi nằm nghe tiếng côn trùng rỉ rả ở vườn sau, bỗng nhớ ngày còn nhỏ, những đêm trăng cha dắt tôi ra sông, chỉ cho tôi ánh trăng in xuống mặt sông rồi kể, lần đầu cha đã gặp mẹ trên bến sông này… Một chiều xưa trăng nước chưa thành thơ. Trầm trầm không gian mới rung thành tơ… Từ góc nhà, tiếng đàn bầu rung lên khe khẽ. Tôi lặng người. Cha gẩy đàn. Bao nhiêu năm rồi tôi mới lại được nghe tiếng đàn cha vang lên trong đêm vắng. Tôi nhìn cha, dưới ánh nến leo lét hắt lên tường vôi loang lổ, bóng cha cúi xuống, bàn tay gân guốc run run gẩy đàn, bản nhạc quen thuộc sao đêm nay nức nở. Người đàn bà rưng rưng nhìn cha, dưới ánh nến, tôi thấy mắt bà long lanh những giọt nước…

Sáng sớm cha đã lục đục trở dậy. Giường bên, người đàn bà cũng đánh thức con, con bé ngái ngủ đầu cứ nghẹo xuống. Tôi gói xôi và bánh ít mặn cho vào cái bao:

- Cô cầm theo đi đường, lỡ khi em đói...

- Cảm ơn con! - Người đàn bà nắm tay tôi thiệt lâu, ra đến cửa bà cúi xuống đứa bé - Chào bác, chào chị rồi đi, con!

Con bé đã tỉnh ngủ, trên tay cầm chiếc thuyền giấy, nó nhoẻn miệng cười chào cha và tôi, giọng nói ngọng nghịu khiến cha bật cười. Cha xoa đầu rồi ôm nó vào lòng. Hai mẹ con dắt díu nhau về hướng sông. Xa rồi con bé còn ngoái lại nhìn tôi, bàn tay nhỏ xíu đưa lên vẫy vẫy. Bên hiên, cha tựa cửa trông theo.

Chiều tắt nắng. Cha vác cuốc lên vai lững thững ra ngõ. Cha lại lên biền dâu, nhiều năm rồi tôi thuộc tính nết cha. Trong ráng chiều vàng vọt, bóng cha lầm lũi đi. Tôi chợt nhận ra cha cô độc biết bao, trong dáng đi, trong nụ cười và cả trong tiếng đàn bầu nức nở đêm qua. Mắt tôi cay xè… Làn khói mềm như lụa bay lên từ những chái bếp, làng tôi đã trở lại nhịp sống quen thuộc với mùi thơm ngọt đồng bãi… Nhá nhem. Cha về. Tiếng cổng tre cót két. Dựng cuốc vô góc vườn, cha ra giếng dậm chân cho bớt bùn đất rồi kéo gàu nước lên dội ào ào. Gương mặt cha trong buổi hoàng hôn buồn rượi, lãng đãng khói sương. Tôi chợt nhớ những chiều phai theo cha ra sông vớt lục bình trôi, ngày đó cha hãy còn trẻ lắm.

Đêm. Tôi thiu thiu ngủ, trong tiếng côn trùng rả rích tôi nằm đếm những giọt nước rơi xuống từ cái máng xối sau nhà. Trong giấc ngủ mơ màng tôi nghe tiếng đàn cha rung lên réo rắt, nỉ non. Tôi bỗng thấy ngoài hiên bóng ai như mẹ, gương mặt sáng rỡ, mẹ ngồi trên chiếc ghe nan, bàn tay đưa lên vẫy vẫy cha con tôi như thay lời tạm biệt. Trên vách tường bóng cha cúi xuống, tiếng đàn bầu lại rung lên trong đêm, khắc khoải, đợi chờ...

DỐC SÔNG TRĂNG

Truyện ngắn VŨ NGỌC GIAO

Mưa ngớt hạt rồi tạnh hẳn, đám cỏ lau bên đường ướt sũng nép vào nhau yên lặng. Cầm nhón chân lội qua vũng nước, con đường đất đỏ nhão nhoét bùn, lông chông những ổ gà, chốc chốc một chiếc xe máy cũ phành phạch vụt qua. Trước Cầm, một chiếc xe bò kéo đầy nhóc than tổ ong lục cục nhích từng bước, ông cụ kéo xe thở phì phò, kéo vạt áo lau mồ hôi đang túa ra trên gương mặt đen nhẻm. Dẫm bình bịch cho rơi hết bùn đất ở chân, ông ghé vào quán nước chè bên đường ngồi vấn thuốc, bâng quơ nhìn ra màn trời xám xịt.

Cầm dừng lại, tần ngần nhìn về cuối con đường, cô lấy mảnh giấy trong túi ra xem, con dốc kia rồi, giờ phải qua hết con dốc này, đến ngã ba có cây bông gòn, cạnh đó có lối rẽ, men theo… Tim Cầm bỗng đập thình thịch, chỉ một lát nữa thôi cô sẽ đứng trước nhà anh, bảy năm rồi còn gì. Hơn năm năm trước, cô được tin anh cưới vợ, ngày đó cô cũng vừa sinh con Bống.

Đoạn đường hơn ba trăm cây số trên tàu, xuống ga Cầm đón xe. Chiếc xe cà rịch hết dừng lại bắt khách rồi banh lốp dọc đường, cô xuống xe cuốc bộ, đôi chân giờ cứ chực rơi ra. Đã thế lại mưa, mưa lê thê từ lúc cô rẽ xuống đường làng. Nước mắt cô bỗng ứa ra “Mình đang làm gì thế này?”. Nghĩ vậy nhưng cô vẫn xốc ba lô lên, bước tiếp. Quán nước bên đường, một bà cụ vận chiếc áo nâu cánh gián đang rót nước chè từ cái ấm đun sôi trên bếp lửa, cụ nhướng đôi mắt kèm nhèm nhìn ra đon đả:

- Vào nghỉ chân uống ly nước cháu ơi!

- Vâng, cảm ơn bà! - Cầm dừng lại - Bà cho cháu hỏi...

- Thế cháu hỏi nhà ai?

- Không ạ! Cháu hỏi làng Diềm còn đi bao xa nữa?

- Sắp đến rồi kia! - Không đợi bà cụ trả lời, cụ ông kéo xe than sốt sắng chỉ tay về cuối con đường, giọng khào khào - Qua con dốc đó, rẽ trái đi vào là làng Diềm, tôi người làng Diềm đây, mà cô hỏi nhà ai bên ấy?

- Cháu hỏi… nhà người bạn ạ! - Cầm lí nhí trả lời, chào ông bà cụ rồi lui ra.

Con dốc càng lên cao càng lầy lội, Cầm mím môi bấu bàn chân vào đôi giày đã nặng trịch bùn đất. Con đường về chiều heo hút vắng, bụi rậm bên đường vẳng ra tiếng Cuốc kêu nghe buồn thiu. Cô nhớ có lần anh bảo Cuốc là loài chim cực kỳ chung tình, mất bạn đời chúng sẽ gọi cho đến chết. Hôm đó trời mưa, cái lạnh đầu mùa rét căm căm, anh đèo cô trên chiếc xe máy cũ ra ngoại thành, ống pô phành phạch xịt khói dọc đường. Ngày đó cô còn là sinh viên năm đầu khoa Văn. Hai đứa tấp vào mái hiên trú mưa, anh bảo: Mọi kỷ niệm của anh đều gắn với mưa, ngày mẹ anh gặp tai nạn trên đường đi đón em gái về, hôm đó trời mưa, ngày bố anh đón một người đàn bà khác về nhà, hôm đó trời cũng mưa, ngày đầu tiên anh nhìn thấy Cầm ngơ ngác ở sân ga, hôm đó cũng là một ngày mưa. Anh trầm mặc và khép kín. Anh thường kể cho cô nghe về làng Diềm quê anh, nơi đó có những con đường đất đỏ chạy ngoằn ngoèo, và dốc, những con dốc thoai thoải nối tiếp nhau, vào mùa cỏ lau bạt ngàn, trắng xóa. Quê anh nghèo, người nhà nông ngoài công việc ruộng vườn, chăn đàn gà, đàn vịt còn có nghề làm than đá tổ ong. Năm lên mười anh đã biết phụ cha đóng than, quanh năm suốt tháng mặt anh lúc nào cũng đen nhem nhẻm, có hôm đến lớp mặt vẫn lấm đầy bụi than. Kể đến đoạn này anh phì cười vì những kỷ niệm ngây ngô ngày đó. Anh kể ngày bố cưới mẹ về làm vợ, mẹ mới mười tám, quanh năm mẹ vẫn chiếc áo cánh nâu cho đến khi nó sờn đi, mỏng như mạng nhện mẹ mới mang lót ổ cho đàn chó con. Mẹ tần tảo và hy sinh, nhường hết cho chồng con những miếng ngon trong bữa cơm. Kể đến đó mắt anh rơm rớm. Học hết năm thứ ba bên Bách khoa anh bỏ ngang, về làng kiếm sống. Bố anh già yếu, nhìn đàn em nheo nhóc anh chẳng thể đi tiếp con đường của mình. Ngày chia tay ở sân ga cô khóc như mưa, anh kéo cô vào lòng vỗ nhè nhẹ, nụ cười điềm đạm, ấm áp anh thầm thì “Mạnh mẽ lên, cô gái của tôi!”.

Ngày cô lấy chồng, anh đến. Vẫn là nụ cười đó, anh chúc cô hạnh phúc, lúc chia tay ra về anh còn dặn cô có dịp về làng anh một lần, anh sẽ đón. Bao nhiêu năm cô vẫn còn nhớ ánh mắt anh ấm áp yêu thương, sâu thẳm trong cô, anh luôn tồn tại như một bức tường vững chắc để mỗi khi mỏi mệt, cô lại tựa vào. Đêm qua chiêm bao cô thấy mình chết đuối, giật mình thức giấc cô nằm yên đến sáng. Tỉnh dậy lòng vẫn chênh chao, cô bần thần nhìn ra cửa, hơn lúc nào hết cô nhớ anh, nhớ đôi mắt nhìn xuống ưu tư, nhớ ổ bánh mì lúc nửa khuya anh dúi qua cửa sổ, nhớ ánh mắt đau đáu buồn ngày chia tay cô ở sân ga. Một cuộc hôn nhân khiến cô luôn thấy mình đứng bên bờ vực thẳm. Mỗi sáng bên hiên chải tóc cho con gái nhỏ, cô mượn gương mặt trong trẻo của nó để tựa vào, cô hít hà mùi tóc thơm thơm, nghe con bi bô kể chuyện. Giấc chiêm bao đêm qua khiến cô bần thần, căn nhà trống trải vì vắng con gái nhỏ, nó về ngoại hai hôm nay. Cô ra hiên, con mèo Sơri chết từ bao giờ, nằm co quắp dưới chiếc ghế mây, đôi mắt mở trừng trừng như oan ức điều gì. Cô há hốc miệng đứng nhìn, không thốt lên được lời nào. Mới chiều qua cô còn bế nó trên tay vuốt ve bộ lông mượt mà. Cô lao vào nhà lục tung chồng sách cũ, địa chỉ nhà anh ghi trên mảnh giấy nhỏ kẹp trong cuốn sổ năm xưa. Cầm mảnh giấy, cô vội vàng bỏ bộ quần áo và một ít đồ dùng vào ba lô. Cô phải đi tìm anh, phải tìm anh! Không thể khác! Cô thấy mình nghẹt thở trong cái thế giới không thuộc về cô. Cô ra cửa, sực nhớ quay lại viết vội vào mảnh giấy để trên bàn “Em đi, vài hôm nữa em về!”

Cây bông gòn kia rồi, nó lạc lõng đứng bên đường giữa những đám cỏ lau. Cô ngước nhìn lên, nhiều trái gòn đã khô, nứt lộ ra những cục bông trắng muốt. Anh kể ngày còn nhỏ anh thường theo đám bạn trong làng đi hái bông gòn về cho mẹ nhồi ruột gối, đêm nằm những hạt bông gòn cứ cộm lên… Bên kia rào giậu, một căn nhà nhỏ quét bên ngoài lớp vôi xanh ngai ngái, nằm lọt thỏm trong khu vườn trồng đầy cải cúc và hương nhu, một cây ổi sum xuê trái bên cạnh giếng nước. Có tiếng kêu quang quác của gà mái mẹ, một cô bé chừng năm tuổi chạy đuổi nó và đàn gà con chiêm chiếp giữa sân. Cầm dừng lại. Cô thấy hình ảnh mình ngày xưa vừa vụt qua, cũng bím tóc lúc lắc trên vai, cũng chạy đuổi đàn gà cho mẹ, cũng mảnh vườn luôn rộ những bông hương nhu tim tím. Ngày đó cô đã biết ra giếng lấy nước, biết hái hương nhu cho mẹ nấu nước gội đầu… Cô bé chạy đuổi theo đàn gà, thấy người lạ thì dừng lại, lễ phép:

- Cháu chào cô, cô hỏi nhà ai ạ? - Vừa hỏi cô bé vừa nhìn xuống đôi giày đỏ quạch vì bùn đất của Cầm.

Cầm hơi bất ngờ, cô thả vội gấu quần còn xăn quá gối:

- À… ừ… cô hỏi nhà chú Thi… ngày trước là...

- Là bố cháu ạ! Nhà bố cháu đây! - Cô bé reo lên chạy về phía cánh cổng đang mở toang - Mời cô vào nhà! Lát nữa thôi bố cháu về ngay!

Cô bé nhanh nhảu chạy ra kéo tay Cầm vào, Cầm ngẩn người đi theo cô bé, vào đến giữa sân Cầm lơ ngơ nhìn quanh. Trong vườn mùi hương nhu thoang thoảng, những vạt cải cúc bị xéo lên vì đàn gà bươi phá. Bên trong nhà đầy những vệt vôi tróc loang lổ, bộ bàn ghế cũ kỹ kê giữa nhà, màu gỗ mốc thếch, cạnh đó một chiếc giường kê sát tường. Tất cả đều ẩm thấp, tối tăm. Nhà anh đây sao? Cuộc sống hiện tại của anh đang bày ra trước mắt cô. Cầm đứng sững cố nén cảm xúc đầy ứ đang chực trào ra. Cô bé đến bên Cầm thỏ thẻ:

- Cô cần rửa chân không ạ? Cháu dắt cô ra giếng, giếng gần đây thôi!

Cầm theo cô bé đến bên cái giếng thấp tè. Cô bé buông gàu, nhìn cánh tay thoăn thoắt kéo gàu lên Cầm thầm nghĩ, trẻ con nông thôn thật sớm tự lập. Cô bé đưa gàu nước mát lạnh cho Cầm, vừa rửa chân, Cầm vừa kín đáo ngắm cô bé. Đôi mắt to đen láy, mái tóc dày tết lại thành bím vắt vẻo trên vai, khuôn mặt cương nghị và đẹp dù nhìn ở góc nào … Tất cả là của anh, nó được gắn lên gương mặt non tơ này. Cầm ngồi thụp xuống bên giếng nắm bàn tay cô bé đưa lên má ấp thật lâu:

- Cháu ở nhà một mình thôi sao?

- Không ạ! Có mẹ cháu nữa, mẹ đang ốm nằm ở kia!

- Mẹ cháu ốm sao cơ?

- Ôi! Mẹ cháu ốm quanh năm í mà! - Cô bé hất bím tóc ra sau nhìn Cầm chúm chím - nên bố cháu chăm mẹ lắm, cứ đi làm về là bố cháu giành hết việc nhà, không cho mẹ làm gì.

Có tiếng ho sù sụ từ trong nhà, lát sau tiếng dép loẹt quẹt đi ra. Cầm nhìn lên, trước mặt cô là gương mặt thiếu phụ xanh xao, trong màn chiều xám xịt, trông cô càng tiều tụy. Thiếu phụ nhìn sững Cầm rồi ôm ngực ho, cơn ho khiến cô rũ rượi, bàn tay bấu chặt vào ngực, Cầm nhìn thấy những đường gân xanh nổi trên bàn tay gầy gò. Dứt cơn ho, thiếu phụ lả đi, trên vầng trán những sợi tóc bết lại vì mồ hôi, nom mong manh như ngọn đèn leo lét trước gió.

- Chào chị! Chị vào nhà uống nước ạ! - Thiếu phụ nói trong hơi thở dốc.

Cầm vào nhà, đón ly nước vối vàng óng vừa được rót ra từ cái ấm cáu đen. Xoay xoay chiếc ly trong tay hồi lâu Cầm vẫn chưa biết bắt đầu bằng chuyện gì. Ngoài vườn, bụi hương nhu tím sẫm lại trong chiều muộn, gà mẹ lục tục dắt đàn con về chuồng. Người thiếu phụ chừng đỡ mệt, nhìn Cầm thân thiện:

- Chị tìm nhà em ạ? Nhà em có lẽ sắp về rồi!

- Cháu nói chị đang ốm - Cầm tránh nhẹ nhàng bắt chuyện - Thời tiết này dễ ốm lắm, vừa nắng vừa mưa…

Hai người đàn bà cùng bâng quơ chuyện nắng mưa, sức khỏe. Thiếu phụ yên lặng hồi lâu, rồi khẽ khàng:

- Khổ thân nhà em, từ ngày lấy nhau đến giờ em toàn làm khổ anh ấy, ốm đau lệt bệt suốt - Gương mặt cúi xuống, bàn tay di di vệt nước trên mặt bàn, giọng cô yếu ớt - Có lúc bi quan quá em bảo nhà em thôi đừng thuốc thang nữa, cứ để em sống được đến khi nào thì sống, chứ làm lụng bao nhiêu cũng tấp hết vào em…

Cầm nhìn thiếu phụ kỹ hơn, trong căn nhà tối tăm, gương mặt nhu mì của cô vẫn không giấu nổi vẻ xanh xao, bã bượi, nhưng nó vẫn không mất đi vẻ dịu dàng. Mình đang làm gì vậy? Cầm giật mình. Người thiếu phụ cũng kín đáo quan sát Cầm, cô dừng lại hơi lâu trên đôi mắt Cầm. Trong một thoáng linh cảm của hai người đàn bà cùng gặp nhau...

Cầm uống nốt ngụm nước rồi tìm cớ đứng lên:

- Có lẽ tôi phải về, muộn rồi, tôi ghé thăm người bà con gần đây rồi còn trở ra cho kịp chuyến tàu đêm.

- Nhà tôi cũng sắp về rồi - Người thiếu phụ nhìn Cầm, ánh mắt vẫn dịu dàng.

- Thôi, tôi phải về cho kịp! - Cầm xốc ba lô lên lưng, cúi xuống xoa đầu cô bé - Cô đi nhé!

Cô bé giương đôi mắt đen láy nhìn Cầm, khẽ “vâng”.

Người thiếu phụ chậm chạp mở cánh cổng, ấn vào tay Cầm bịch ổi hái từ bao giờ “Em gửi cho cháu”. Cầm quay lại nhìn căn nhà lần nữa. Nơi này người cô từng yêu đang sống, cuộc sống nghèo nàn, khốn khó nhưng có lẽ bình yên. Người thiếu phụ ốm đau bệnh tật kia, cô bé con xinh xắn, ngoan hiền kia giờ là hạnh phúc của người bao năm qua cô âm thầm mượn hình bóng để tựa vào khi mỏi mệt. Và cô đang làm gì? Giành giật chút nhựa sống cuối cùng của thiếu phụ tội nghiệp? Từ chái bếp làn khỏi mỏng nhẹ bay lên, có lẽ hai mẹ con chuẩn bị bữa cơm chiều. Cô chợt thấy làn khói như linh hồn bay đến bên cô thì thầm: Về đi! Hãy để họ được yên…

Cầm ra đến ngã ba đường, cô ngoái nhìn một lần nữa. Căn nhà nhỏ của anh trong buổi hoàng hôn nằm lặng lẽ như một dấu chấm của cuộc đời. Trên con dốc đổ xuống một chiếc xe máy dập dềnh như đang trôi chầm chậm. Cô căng mắt nhìn, chiếc xe chạy đến cây gòn, rẽ vào. Cô nép sát vào bụi cỏ lau, run rẩy như vừa trót làm điều tội lỗi. Tiếng xe máy dừng lại bên hàng giậu, tiếng cót két của cánh cổng tre, tiếng cô bé reo lên, cánh cửa gỗ mở ra rồi khép lại. Có lẽ giờ này bên trong nhà đang ríu rít bữa cơm chiều. Cô quay đi, lê bước trên con dốc lầy lội, con dốc ngày xưa anh thường kể cô nghe, vào mùa trăng bọn anh thức thật khuya để thả diều, thích nhất những đêm trăng con dốc nhuộm màu bàng bạc, uốn lượn như một dòng sông.

Đêm bắt đầu buông, từ đỉnh dốc nhìn xuống cô thấy một dòng sông đang trôi, dòng sông nhỏ sóng sánh ánh trăng. Bên tai cô như có tiếng anh thầm thì “Nào! Mạnh mẽ lên, cô gái của tôi!”. Cô bước nhanh hơn, hình ảnh con Bống ở nhà với đôi mắt luôn mở to ngơ ngác, có lẽ giờ này nó đang ngóng ra cửa. Bất giác cô mỉm cười thầm thì “Đợi mẹ nhé! Mẹ sắp về đây!”

Sau lưng cô, dòng sông trăng vẫn trôi mênh mang… mênh mang…

Vũ Ngọc Giao

Hy vọng tôi và bạn đọc được đọc thêm tác phẩm hay của Vũ Ngọc Giao, ngày tới, tháng tới,năm tới và nhiều năm nữa.

 

( Xuyên Mộc 11.2021)

Hình nhà văn Vũ Ngọc Giao (Ngọc Giao)

 

 

Trần Dzạ Lữ
Số lần đọc: 1107
Ngày đăng: 13.12.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ký sự miền Đông Bắc (3) - Ban Mai
Ký sự miền Đông Bắc (2) - Ban Mai
Dọc đường văn nghệ (Phần 65) Huỳnh Văn Dung, tác giả bài thơ rất Huế - Trần Dzạ Lữ
Ký sự miền Đông Bắc(1) - Ban Mai
Dọc đường văn nghệ (Phần 63) Họa sĩ Nguyễn Đình Thuần: thả nỗi nhớ, niềm thương vào sắc màu hội họa - Trần Dzạ Lữ
Hiu hắt đời người - Ngữ Yên
Dọc đường văn nghệ (Phần 60) Ngô Đình Hải, nhà văn rất Sài Gòn - Trần Dzạ Lữ
Dầu Tiếng – ký ức miền thơ ấu - Phan Văn Thạnh
Dọc đường văn nghệ (Phần 61) Chàng Pilot gãy cánh đêm xưa… - Trần Dzạ Lữ
Dọc đường văn nghệ (Phần 62) Hoàng Thị Bích Hà, nhà bình luận văn học của xứ thần kinh - Trần Dzạ Lữ
Cùng một tác giả
Hương cau quê nhà (truyện ngắn)
Cắt (thơ)
Thư Gửi Chị (tạp văn)
Liếc (thơ)
Nhớ (thơ)
Chờ O (thơ)
Khát (thơ)
Câm (thơ)
Nhớ Bạn (tạp văn)
Tát (thơ)
Cần (thơ)
Tím Nhớ (tạp văn)
Dắt (thơ)
Nhốt (thơ)
Chìa (thơ)
Trượt (thơ)
Trộn (thơ)
Bắt (thơ)
Xa cách (thơ)
Chặt (thơ)
Lấn (thơ)
Cách ly (thơ)
Quỳ (thơ)
Tôi (thơ)
(thơ)
Hoa cà (thơ)
(thơ)