Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.093
123.231.224
 
Hà Nội, bướm trắng
Nguyễn Chí Kham

 

Tặng ĐLK thân thiết, hình ảnh Loan người quê hương cũ trong Đôi Bạn của nhà văn Nhất Linh. (NCK)

 

Ngày được ra tù, lúc rời trại giam Tân Lập tôi chỉ mang theo hai bộ quần áo và một gói giấy cột chặt thư từ của gia đình đã cất giữ trong sáu năm.

Xuống bến đò Ngọc, thuyền máy đi ngược lên ga Ấm Thượng khoảng gần hai tiếng đồng hồ. Nhà ga cách cái làng nhỏ ở gần đó một cây số. Bữa ăn trưa qua loa, vì không ai đói. Bánh mì hấp, gạo, nếp trại cấp cho đi đường, những người được về đều cho hết anh em còn ở lại. Mỗi thứ, một tấm lòng.

 

Ga xép không đến nỗi gì heo hút lắm. Những năm chiến tranh cũng như bây giờ, hệ thống giao thông ngoài miền Bắc chủ yếu là xe lửa. Vì vậy,  nên chuyến tàu mỗi ngày từ trên các vùng mạn ngược về dưới xuôi lúc nào cũng ngổn ngang gồng gánh, đông đúc khách hàng. Hôm ấy, phải đợi tàu. Ngồi trong quán nước trò chuyện với bạn bè khá lâu, một mình tôi đứng dậy. Nắng đang trôi lơ lửng, vài con chim soải cánh bay ra phía cánh đồng, bên kia xa nữa là núi. Tôi theo lối đi, bước qua nhiều mô đất lên nền cao, sau đó lang thang quanh khu nhà ga. Tình cờ, tôi gặp một cô gái đang đọc sách. Tôi vẫn yên lặng, đến một lúc cô gái nhận ra có người đứng sau lưng, bên cạnh mình. Cô ngước lên, nhìn tôi bằng cặp mắt ái ngại. Tôi xin phép hỏi tên cuốn sách, cô không trả lời nhưng lật trở lại rồi mở rộng tấm bìa. Ngay đó nhìn thấy tôi liền nói với cô rằng, đó là một nhà văn xưa rất nổi tiếng. Cô gái nhìn lại tôi, có vẻ hơi ngạc nhiên. Rồi bắt đầu nói chuyện với cô, dần dần tôi cũng nhớ rõ về những điều đã học trong những năm tháng cũ ở nhà trường. Nhích người qua một chút, với nụ cười dễ dãi và vui vẻ, cô gái mời tôi ngồi xuống.

-Cô vẫn còn đi học.

-Vâng. Ông làm giáo viên ?

-Không, đâu cô. Tôi mới được tha về.

-À, ông bị đi cải tạo ?

-Đúng.

-Hết bao nhiêu năm, ông ?

-Hơn sáu năm.

-Ông được về , chắc gia đình mừng lắm.

-Cám ơn cô, tôi nói. Ở miền Nam, ngoài này cô đã vào trong đó chưa ?

-Em chưa vào, cô gái cười nhìn tôi qua cặp mắt chợt sáng.

-Hôm nay cô về Hà Nội, phải không ?

-Không, em đến ga Phúc Yên thôi.

-Tôi lại nghĩ, cô đang học ở đó.

-Vâng, em học ở đó, nhưng hôm nay là về quê.

-Về tới Hà Nội, xa không cô ?

-Có tàu nhanh về dưới đó sớm hơn. Nhưng tàu chợ, cũng đến hai ba giờ sáng.

Bỗng nhiên, vừa nhắc xong thì đã nghe có những tiếng còi tàu rúc lên, rồi bắt đầu từng hồi nối nhau, vọng từ xa, mỗi lúc nghe như đang đến gần. Đứng lên, cô gái gấp cuốn sách cho vào túi xách đeo lủng lẳng một bên, phần tôi, nói vội vàng câu chào xong gấp gáp chạy về chỗ tập trung. Vẫn nghĩ đây là một kỷ niệm nhỏ , vui vui, vì thế khi trở về lại trên một lối đi còn thấp thoáng chiếc nón vải, hình ảnh của cô gái vừa quen tôi là một buổi chiều đang còn nắng ấm.

Ngừng đón khách khá lâu, tàu mới chuyển bánh. Nơi đây ra đi, cũng là khởi sự ngày trở về. Lòng tôi tràn đầy nỗi vui, rồi thốt nhiên mừng rỡ như ý tưởng đang có trong tôi là một cậu bé lạc loài, sau bao nhiêu năm đi học xa nay được trở về quê, và lúc này đây đang đứng bên cạnh bà ngoạ hãnh diện đọc cho bà ntôi ghe một bài học thuộc lòng

Sung sướng quá giờ cuối cùng đã hết

Đoàn trai non hớn hở rủ nhau về

Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê

Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ

Một nét mặt trăm tiếng cười rộn rã

Lời trên môi chen chúc nối nghìn câu

Chờ đêm mai sáng sớm bước lên tàu

An chẳng được lòng nôn nao khó ngủ

Trong khoảnh khắc sách bài là giấy cũ

Nhắc làm chi thầy mẹ đợi em trông

Trên đường làng huyết phượng nở thành bông

Và vườn rộng nhiều trái cây ngon ngọt.

Bà ngoại rất vui mừng, lập tức khen đứa cháu giỏi quá. Nhưng già rồi, bà thực tình không hay biết đứa cháu vẫn chưa thuộc hết bài, hẳn còn thiếu đoạn chót nữa.

Kiểm soát lại có khi còn thiếu sót

Rương chật rồi khó nhốt những niềm vui

Tay bắt tay trong giây phút bùi ngùi

Các bạn hỡi ngày mai đầy ánh sáng. (Xuân Tâm)

Thực ra, đó chỉ là tưởng tượng, và tôi cũng biết bà ngoại mất đã lâu . Trong những lá thư miền Nam gởi ra, mỗi lần em gái tôi viết cũng cho thấy sự rụt rè, ấp úng, vì không thể dám nói hết những ngày đang khó nhọc. Bà ngoại mất, lúc ấy, tôi đã chuyển trại ra miền Bắc được hơn một năm. Tôi cũng không nhận được tin dì Khánh, nay tha hương nơi một xứ nào không biết nữa. Mỗi năm, trong sự hối thúc từ những tiếng trống trường vang dội, vang âm một giọng đọc những bài chính tả lại được hình dung để nhớ ra một mái tóc bạc, khu vườn cây trái, ở xa bên kia bờ ruộng là dòng sông, con đê, buổi chiều đứng trước ngõ cổng tôi trông thấy vạt áo nâu của mẹ tôi đang gánh gạo trở về.

Buổi chiều đang mờ dần, núi đồi, đồng ruộng trở nên yên tĩnh và con tàu vẫn đều nhịp lầm lũi trong gió đêm. Tôi đưa hai bàn tay chụm lại che ánh lửa que diêm để giúp người bạn mồi điếu thuốc. Khi que diêm tắt ngấm, ẩm ướt, khuôn mặt của người bạn tôi không còn rõ nữa. Vào lúc này có mưa từng hạt nhỏ văng dọc theo con tàu. Tôi ngồi thụt lùi xa cánh cửa một chút, hai cánh tay khép, người thu gọn trong chiếc áo khoác ngoài vừa đủ ấm. Rồi con tàu trôi nhanh, bắt đầu tôi cố dỗ giấc ngủ. Trong giấc mơ tôi thấy mình đứng trên đồi cao nhìn xuống trông thấy cảnh tượng một ngôi làng trong lửa cháy, điêu tàn vì chiến tranh. Nhưng giấc ngủ mới chập chờn, vừa bàng hoàng chợt thức tôi ngó thấy nơi phía xa hiện lên những bóng sáng của ánh đèn đường. Xe lửa rúc lên những hồi còi, tốc độ đang lao nhanh, bỗng hãm thắng lại từ khúc rẽ qua lối vòng cua trên đường ray, nơi này có bóng một người công nhân bẻ ghi đứng phất cờ làm hiệu lệnh. Rồi, cả đoàn tàu bắt đầu chậm lại và từ từ tiến vào ga. Tôi vừa trông thấy tên ga Phúc Yên lúc tàu ngừng. Từ các toa, hành khác vội vàng chen lấn nhau , ồ ạt xuống ga.  Tôi bỗng nhận ra cái bóng dáng nhỏ bé của cô gái đang lẫn trong đám đông đi về phía cổng cửa. Ở cách xa, tôi không thể gọi lớn tên được. Cô gái tên Hà, và tên cô khiến tôi nghĩ đến Hà Nội, đó là một thành phố vẫn còn nằm trong trí tưởng tượng của tôi. Tuy nhiên, một niềm vui cho tôi lúc nhìn theo bóng dáng cô gái , cứ tưởng như mình có quen biết cô lâu rồi, và hai chúng tôi nên có một ngày gặp lại nhau. Chỉ một tình cờ như hôm nay thôi, tôi sẽ nhớ ra được những câu thơ hay đẹp và rất cảm thông với nỗi buồn

Tìm đâu thấy một bàn tay

Cho tôi sống lại một ngày

Có nắng vàng Paris

Có heo may Hà Nội

(Người Sông Thương)

Tàu chỉ ngừng hai mươi phút đỗ khách và lấy nước, rồi cất lên tiếng còi , chuyển bánh. Trong toa xe, ánh sáng những ngọn đèn như đang di chuyển, lan tỏa rộng, có khi lại rơi xuống vương rãi trên hành lý , đồ đạc của hành khách. Mới qua nửa đêm, mọi người còn yên sâu giấc ngủ.

Tôi không cố dỗ giấc ngủ trở lại nữa, mà ngồi thức, mắt cứ chăm chú nhìn ra ngoài. Thỉnh thoảng tôi trông thấy Hà Nội trên cột trụ cây số. Và rồi, nó biến nhanh khi mình ngoái đầu muốn nhìn lại. Ý nghĩ đó, đột nhiên tôi như có một cảm giác là thành phố đang mang mang một mùa gió lạ trở về. Tôi chợt nghe mình nhắc đến An. Ngày hôm ấy ra đi, An mới bốn tháng tuổi. Khi từ giã, tôi bồng An trên tay, cố gắng nhìn gương mặt An để nở một nụ cười. Nhưng lúc ấy, An chợt hiểu bằng linh cảm, cô bé vùng vẫy lấy hai tay đánh thật mạnh vào mặt tôi. Tôi nhìn vẻ mặt và hai cánh tay giận dữ của An liền quay mặt đi để giấu mình đã khóc. Vậy rồi, một người biết rõ An hơn ai hết là Hồng, vợ tôi. Giữa tháng mười năm ngoái, Hồng có ra thăm tôi. Vất vả hơn ba ngày đi tàu từ trong miền Nam ra, đến Hà Nội đã quá nửa đêm nhưng cũng may tìm ra được chỗ ở nhà người quen. Người này là bà Diệp, thím tôi. Chú tôi mất hồi đi kháng chiến, sau này, thím lấy chồng khác nhưng thím vẫn còn liên lạc với người thân bên nhà chồng. Chú tôi và thím có đứa con trai nhỏ, theo thím ra miền Bắc lúc em mới lên bốn tuổi. Người chồng sau của thím là sĩ quan hải quân thường đi theo tàu viễn dương, và hai người có ba cô con gái. Hôm Hồng đi thăm tôi, có cô gái út của thím là Hiền đi theo. Khi gặp Hiền, tôi có chút bỡ ngỡ trước khi nhận biết cô là em gái của mình. Trong nhà thăm nuôi, buổi chiều không chỉ có nắng ấm áp, mà lúc đó, tôi có được bữa cơm ngon cùng với vợ và em tôi. Lúc thấy Hồng mỉm cười nhìn tôi, rồi cặp mắt hoen đỏ, nàng khóc, tôi chợt nghĩ rằng ngày mai mình được trở về. Chúng tôi có được ba tiếng chuyện trò, rồi chia tay. Lúc ấy, có một chút an ủi khi nàng nói với tôi rằng, An luôn ở bên nàng và luôn có sự che chở của nàng. Biết đâu lúc này, tôi hình dung ra được gương mặt của An qua bóng dáng cô gái tôi đã gặp lúc đợi tàu đến và lúc này đây cô đã rời khỏi tôi, và hôm nay là một ngày cô về quê, còn tôi về Hà Nội.

 

Những cột cây số in dấu và tên Hà Nội mỗi lúc hiện ra một nhiều,  có khi trải dài và thật xa trên con đường mà tốc độ con tàu đang rất nhanh. Hà Nội đã làm tôi háo hức, tưởng như mình chuẩn bị xuống bất cứ một nơi đâu nếu tàu muốn ngừng. Ngồi bên cửa toa xe, tôi vẫn tỉnh táo, và rất là hạnh phúc khi thò đầu ra ngoài nghe gió mát rợi, mùi vị hương đêm ngây ngất, ánh sáng của trăng đang phủ xuống gần mái tóc. Bất giác, tôi nghĩ ra rằng mình vừa hái một nụ cười của An tươi như bông hoa nở.

Tàu lại rúc lên một hồi còi dài nghe rộn rã. Sau đó, người tài công đã buông rời chân ga cho giảm tốc độ. Tôi đang nhìn thấy tên nhà ga, cùng khung cảnh bên ngoài xuất hiện cứ trải rộng và rất gần với mắt tôi. Đây là ga Đông Anh. Giống như những chặng dừng các ga trước, hành khách xuống ga lại ồn ào, chen lấn, vừa gọi nhau ơi ới lúc di chuyển hàng hóa của họ còn bày ngổn ngang.

Đông Anh là một huyện ngoại thành Hà Nội. Vậy thì , Hà Nội không còn xa. Đến lúc này, trong toa chúng tôi, hành khách cũng đều thức dậy và chuyện trò với nhau. Tôi nhìn lướt qua gương mặt một vài người và có đôi chút suy nghĩ không về chính họ mà về mảnh đất miền Bắc, ở đây, dù thế nào tôi cũng đã trải qua cuộc đời tù hơn bốn năm, và cũng mảnh đất này, hình ảnh những cuộc chiến tranh và những cuộc chia ly thầm lặng, đau buồn với xứ sở, với quê hương làm tôi nghĩ ngợi nhiều.

Ở ga Đông Anh, tàu không dừng lâu. Sau một tiếng còi ngắn, lại chuyển bánh và có lẽ vì đã gần tới Hà Nội nên con tàu đang chạy rất thong thả . Rồi qua hết ga Đông Anh, lại đến ga Gia Lâm. Khi vào ga này, tàu chạy rẽ vào lối đường phụ, sau đó ngừng. Tôi nghe loáng thoáng tiếng các nhân viên nhà ga trao đổi nhau, và tôi hiểu được, ngừng bên phía lối trái bên này là để đợi tránh tàu ngược.

Có được thời gian nghỉ, tôi và một vài bạn nữa xuống tàu đi bộ thư giãn, tìm quán hàng mua nước uống, ăn quà vặt, vừa để mắt quan sát thực tế khung cảnh nhà ga, và ở ga này, tôi lại nhớ lúc tàu ngừng vào nửa đêm trong một chuyến đi từ Hải Phòng lên vùng núi Tây Bắc. Tôi không chỉ nhớ rõ tên nhà ga, mà còn nhớ cả một vùng ánh sáng đèn Hà Nội từ bên này nhìn qua.

Gia Lâm còn là ga cơ xưởng và kỹ thuật. Trong lúc  ngừng đợi tránh tàu ngược, có một toán chuyên viên đang đi kiểm tra lại từ phía đầu đến hết các toa xe nối đằng sau.

            Thỉnh thoảng bên này, tôi lại đưa mắt nhìn sang Hà Nội ở bên kia. Tôi thấy cái bóng chiếc cầu Long Biên nhưng không thấy  được con sông Hồng. Và, tôi sẽ được thấy con sông lớn rộng này khi tàu đi qua cây cầu để vào ga Hà Nội.

Đúng nửa giờ nằm đợi, lúc tàu ngược vừa đến, mới ngừng chưa được một phút  thì bên tàu chúng tôi chuyển bánh. Trong tôi, bắt đầu dậy dàng lên một nỗi háo hức, vừa rộn ràng với niềm vui. Tôi thò đầu ra ngoài cốt để được nhìn thấy quang cảnh rõ hơn, nhất là được nhìn thấy con sông Hồng lớn rộng. Tàu không chạy chậm, cũng không nhanh, tôi cảm nhận ra được vẻ nhởn nhơ  khi nghe nó kéo dây cót không ngừng bằng những hồi còi dài nghe thật là bồn chồn, tưởng như tâm trạng của nó cũng là chính mình đang rộn ràng, mong đợi.

Bây giờ con tàu đã lọt vào  cây cầu Long Biên và đang vượt qua sông Hồng. Tàu không chạy nhanh, mà hết sức là thong thả, nhẹ nhàng. Với tôi, một cảm xúc hết sức lạ thường thế nhưng không thể tự mình diễn tả. Tôi đưa mắt nhìn cảnh trí mở rộng, trăng sáng rất mênh mông, nước sông Hồng đang rào rạt chảy, và cũng đang lùa nhanh từng đợt sóng vỗ mạnh lên chân cầu. Tôi ra vẻ lơ đãng, vừa bỡ ngỡ lạ lùng nhưng thực sự hết sức chăm chú, và suy nghĩ.  Tôi cúi nhìn xuống sâu, rất sâu vào dòng sông. Tôi có ý muốn nhận ra những điều mình đang suy nghĩ, nhưng không thể có được. Những nhịp còi, những hồi còi cứ vang vọng lên, buông lơi một cách nhẹ nhàng , thế nhưng tôi vẫn chưa  trông thấy  Hà Nội, giờ đây nếu thấy cũng chỉ có một cây cầu và một con sông. Bỗng nhiên, tôi cố nhô đầu ra ngoài xa, vừa đưa bàn tay chạm lướt nhẹ lên những thanh cầu . Hết sức ngạc nhiên, chính sự bất chợt này cho tôi tìm ra được ý tưởng mới của một ngày vui với Hà Nội đang trông chờ.

Dũng thốt nhiên thấy quả tim đập mạnh; chàng nghĩ đến cái vui sướng một ngày kia, một ngày xa xôi lắm và không chắc có còn không, lại được gặp mặt Loan, người của quê hương cũ, người của tuổi thơ mà chàng biết không bao giờ có thể quên. Dũng nhớ lại cái vui sướng đầu tiên khi biết mình yêu Loan bốn năm trước đây. Một buổi sáng đi chơi về nhìn qua vườn, chàng thấy sân bên kia có tấm áo lụa trắng còn mới nguyên phơi trên dây thép gió đưa bay tha thướt trong nắng. Chàng lấy làm lạ nhìn tấm áo một lúc lâu rồi sực nghĩ ra:

-Loan ở tỉnh đã nghỉ học về.

Tìm ra được điều ấy, chàng lấy làm ngạc nhiên sao mình có thể vui sướng đến như thế; chàng đứng lặng người đi ít lâu và từ lúc đó chàng biết rằng  trong đời đã có một người yêu... (1)

 

 

 

*

 

Tàu tiến vào ga Hàng Cỏ, ngừng lại. Những gì tôi ước mong những điều muốn nói, muốn nghĩ về Hà Nội, giờ đã lắng dịu xuống. Đêm vẫn chưa qua hết,  kim đồng hồ nhà ga mới chỉ hơn ba giờ sáng.

Xuống tàu, cùng với tư trang xách tay chúng tôi tập trung một chỗ ở phía kho hành lý. Sau khi điểm danh lại đủ , quản giáo Quang bảo chúng tôi chờ, anh đi vào ga, ở đó cũng lâu đến nửa giờ mới trở ra và báo tin cho chúng tôi biết là tàu Thống Nhất II, Hà Nội đi Sài Gòn 8 giờ đêm nay mới khởi hành. Vừa hay biết vậy, chúng tôi ai cũng vui, vì có được một ngày với Hà Nội, dù ở bên trong hay được ra bên ngoài ga.  Rồi không chỉ riêng mình tôi, mà nhiều anh em cũng lại muốn hỏi một ngày đợi chúng tôi có thể ra ngoài phố Hà Nội đi chơi được không. Quang có hơi nghĩ ngợi, chưa trả lời ngay, nhưng bảo chúng tôi chờ. Ngay đó, anh đi ngược lên, vào văn phòng chính của nhà ga.  Và, đợi đến nửa giờ sau anh mới trở lại, vẻ mặt vui làm chúng tôi mừng. Một giọng thân tình, Quang nói:

-Đến sáng, cho các anh ra phố chơi nhưng hãy nhớ trở về ga, trước bảy giờ tối.

Chúng tôi cùng reo vui, vừa nói lời cám ơn.

-Nhưng hãy  còn sớm, các anh nghỉ đi, Quang lại tiếp lời.

Rồi không biết đi đâu, và cũng không cảm thấy buồn ngủ nên anh em chúng tôi ngồi tụ lại hàng hiên ngoài kho hành lý, hút thuốc, chuyện trò, nhắc nhở đến những người bạn quen thân cùng tổ, cùng đội.

Riêng tôi, có một nỗi xao xuyến mong chờ một ngày được tận mắt nhìn thấy Hà Nội. Hôm nay, thực sự là một ngày đổi đời của tôi. Tôi mơ tưởng Hà Nội, vì rằng, tôi đã bị mê hoặc bởi trí tưởng tượng và hơn đâu  hết, Hà Nội là một thành phố của văn chương.

Thời gian chờ sáng có vẻ chậm và lâu. Trong anh em có nhiều người buồn ngủ, nhưng tôi vẫn thức, rồi đứng lên rảo bước bên ngoài mái hiên mắt vừa quan sát cảnh sinh hoạt trong nhà ga, vừa nhìn ra ngoài phố để tìm một vài con đường và nhà ở của Hà Nội.

Sáu giờ sáng, quản giáo Quang trở lại. Anh hỏi:

-Các anh muốn ra phố giờ này chưa.

-Dạ muốn lắm.

-Vậy, đi theo tôi.

Xếp gọn túi xách, ba lô, hòm rương một nơi trong kho hành lý, hết sức là vội vàng chúng tôi cùng đi theo quản giáo Quang ra cửa ga.

Hà Nội trước mắt tôi là nhà ở và con đường chạy ngang qua trước mặt nhà ga. Bên trong cũng như ở ngoài, dân chợ trời đang giáo giác tìm kiếm khách hàng lạ để mua bán, đổi chác. Trong chúng tôi, có một số anh em còn giữ quần áo tốt, đồng hồ, bút máy, vàng nữa, đã bán liền được ngay lúc vừa trao đổi giá với dân chợ trời. Nhưng dân chợ trời ngoài này cũng ghê gớm lắm, bạn mà hay nóng tính, lạng quạng không giữ lời dễ ăn dao như không. Tôi vốn nhút nhát nên cố tránh việc buôn bán ở ga. Ngày trước, gia đình tôi ở  gần nhà ga Quảng Trị, và thuở niên thiếu, hai ngày nghỉ học cuối tuần thường hay tên tàu bán hàng quà cho hành khách để có thêm chút tiền phụ cho mẹ , giờ đây chỉ là một thoáng nhớ , nhưng không có ý mong hồi tưởng lại với thời gian.

Vừa ra khỏi ga, anh em vội tan hàng, biến mất. Tôi rất yêu Hà Nội và muốn đi xuống phố ngay nhưng bụng đang đói, nên cùng với vài ba bạn nữa kéo nhau vào tiệm phở quốc doanh trước nhà ga, mỗi đứa ăn một tô lớn. Tôi có hơi ngạc nhiên khi thấy người bán phở cứ múc xong mỗi tô, là bỏ thêm vào tô một chút bột ngọt. Và cũng không giống  như trong miền Nam, vào tiệm ăn vừa kéo ghế  là có người phục vụ đem menu tới, ngoài này phải mua vé, trả tiền, sắp hàng đứng chờ để nhận phần ăn.

Ngồi chung bàn, trong bữa ăn sáng chúng tôi trò chuyện với nhau, vui cùng thấy vui, nhưng lo âu khi nghĩ đến ngày trở về với gia đình bằng cách nào để tìm được việc làm, để có được cuộc mưu sinh hàng ngày.

Ngồi không lâu, xong bữa ăn chúng tôi cùng đứng dậy rời bàn, rồi sau đó,    mỗi đứa tự đi chơi theo ý thích của mình.

Tôi dừng bước hỏi người đi đường, và theo chỉ dẫn, tôi bắt đầu xuống Hà Nội bằng lối đi trên phố Trần Hưng Đạo. Phố này còn có cái tên khác nữa là là Hàng Lọng.

Tôi đi bộ một mình, lúc này, có chút hơi gấp gáp vì mong được thấy rõ hơn quang cảnh phố chính ở ngay giữa Hà Nội, nơi đó chính là Hồ Gươm.

Số tiền trại cấp phát cho mỗi anh em không đồng nhất, vì khi tới ga Bình Triệu ở Sài Gòn, có anh em ở thành phố, có anh em đi về các tỉnh xa gần. Riêng tôi, được nhận 20 đồng của trại cấp phát. Số tiền này là 15 đồng tiêu dọc đường qua hai ngày đêm trên tàu và 5 đồng tiền đi xe từ ga về đến nhà.

Phố Trần Hưng Đạo trồng nhiều cây, vỉa hè hai bên và giữa lòng đường tương đối rộng. Buổi sáng sớm còn yên tĩnh, không có nhiều xe cộ hay đông người đi trên đường và tôi cũng chưa thấy bóng dáng chiếc tàu điện như thế nào. Con đường phố dài và vắng, thỉnh thoảng nghe vọng lên tiếng một người bán hàng quà rồi mất hút, chìm khuất ở một nơi nào khác. Tôi không nghĩ gì mấy về con người Hà Nội lúc này, mà chỉ nghĩ đến Hà Nội là một thành phố như thế nào và cảnh sinh hoạt về đô thị nơi này ra sao, nếu so sánh, có khác chi nhiều với Sài Gòn và các tỉnh ở miền Nam. Trong tôi, Hà Nội thuộc về ký ức thì tôi có, không chỉ sơ sài thôi mà lại rất dồi dào. Hà Nội của tôi qua sách vở là thời văn học tiền chiến, thời trong tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn, và cũng là thời hưng thịnh của văn chương và báo chí. Năm 1954, đất nước chia cắt, Hà Nội được mang theo cùng với những người di cư vào miền Nam, và dù ở Sài Gòn xa Hà Nội cả hơn ngàn cây số, nhưng Hà Nội vẫn luôn là một bối cảnh được xây dựng trong rất nhiều tác phẩm tiểu thuyết của các nhà văn ở miền Nam. Tôi tìm thấy không khí Hà Nội trong tiểu thuyết Bếp Lửa của Thanh Tâm Tuyền. Tôi yêu thích những con phố, những cơn mưa Hà Nội, và nhà văn  Nguyễn đình Toàn còn có tác phẩm Áo mơ phai viết nguyên vẹn về Hà Nội trước ngày có hiệp định chia đôi đất nước. Ở Sài Gòn, các tạp chí Sáng Tạo, Văn ,Văn học, Bách Khoa cũng luôn làm những số báo đặc biệt rất hay về Hà Nội. Vậy thì Hà Nội tôi đang về đây là một thành phố tôi vốn đã có trong văn chương giờ, bây giờ, nhận  thêm một thực tại hiển hiện trong cặp mắt của chính mình để tìm hiểu rõ, và ghi nhận một cách khách quan.

Cho dù đi bộ, nhưng tôi không gấp gáp và ước tính thời gian của mình còn được ở Hà Nội bao lâu.

Bỗng nhiên, tôi đứng khựng lại.

-Này, ông anh cái đồng hồ có bán không ?

Tôi hết sức ngạc nhiên thấy mình đứng trước ba người, mỗi người đều có túi xách đeo vai. Ngập ngừng, tôi nói:

-Cũng bán, nhưng mua thế nào ?

-Thì ông anh cho xem đồng hồ đã ?

Tôi bước tới gần cô gái, lật nghiêng cổ tay cho cô xem chiếc đồng hồ của tôi.

-Đồng hồ tự động, có cửa sổ, nghe cô.

Vừa vui trong giọng nói, vừa nở nụ cười cởi mở, cô ta bảo tôi:

-Thì tháo ra xem, ông anh sợ mất à.

-Không phải đâu, tôi đáp lời và có chút lo ngại.

Nhưng rồi, tôi cũng tháo chiếc đồng hồ ra khỏi tay đưa cho ba người xem.

-Sáu chục, muốn lấy thì đưa tiền cho tôi.

Người thanh niên lên tiếng:

-Ông anh nói giá cao quá.

Cô gái tiếp lời:

-Vừa giá ông anh ạ, cho chúng em còn mua đi bán lại.

-Đồng hồ tốt, không đắt đâu.

Tôi cầm lại chiếc đồng hồ, định trở gót.

-Ba chục được không ?

-Không đâu cô.

Tôi bình thản dời bước. Tiếng cô gái hỏi:

-Thêm một chục nữa nghe.

Tôi hơi phân vân, rồi quay trở lại.

-Thôi được, bán cho cô.

Cô gái mở ví ra lấy tiền trả. Tôi không nói gì thêm, và cũng không còn cảm thấy lo sợ nữa.

-Ông anh đang tính đi đâu vậy ?

-Tôi mới đến Hà Nội, giờ đi phố chơi.

-Ông anh ở miền Nam ra.

-Cô nói đúng. Hồ Hoàn Kiếm xa đây không cô ?

-Qua bốn ngã tư nữa, rồi rẽ trái.

Tôi nói lời cám ơn xong dời bước. Vừa mới bán được chiếc đồng hồ, trong túi có tiền roỏng rẻng, tôi cảm thấy nhẹ nhõm, vừa rất vui. Ngày hôm qua, tập trung ở phòng hành chánh trại K5, chúng tôi được nhận lại các món đồ ký gởi, và ngoài phần lương thực gạo nếp, bột mì, mỗi người còn nhận được tiền lộ phí và tiêu dọc đường. Bây giờ, có thêm được tiền bán chiếc đồng hồ nữa, tôi cảm thấy yên tâm, có thể thoải mái tiêu xài trong ngày ở Hà Nội hôm nay. Năm 1981, đồng bạc Bắc còn có giá, hai đồng là mua được ly cà phê, gói thuốc, ba đồng là ăn được tô phở.

Từ ga, xuống khu phố trung tâm nằm ở Hồ Hoàn Kiếm có vẻ xa khiến tôi cứ đợi mong sao mình sớm lọt vào lòng của Hà Nội. Theo con đường mình đi, cứ gặp một ngã tư, ngã ba phố nào cắt ngang là tôi dừng bước lại một chút để quan sát, vừa ghi nhớ. Lúc vừa ra khỏi ga, mấy phố đầu tiên tôi trông thấy là phố  Quán Sứ, phố Dã Tượng. Cón lúc này, qua khỏi phố Quang Trung tôi đã thấy phố Bà Triệu. Gặp người bên đường, tôi hỏi, ông khách cho biết phố sắp đến là phố Hàng Bài, từ phố này rẽ trái, đi bộ không xa là tới phố Bờ Hồ.

Buổi sáng còn sớm và mới mẻ trong tôi. Hà Nội đang cho tôi một niềm vui, không quá lớn, nhưng đây cũng là một thứ hạnh phúc không dễ gì mình có được. Vừa đi, tôi vừa quan sát không gian một thành phố mà mình đã bao lần bị mê hoặc bởi thời tiết, cùng  một thứ ngôn ngữ rất đẹp trong văn chương. Tôi đang một mình trong thành phố hết sức mới lạ, và hoàn toàn không có một dự định, hay sắp xếp việc gì cho mình cả, ngay những ý tưởng về Hà Nội cũng chưa tìm ra được một vài giòng để nói, hay buông lời tâm tình. Ở trong tôi, vẫn chỉ còn hình ảnh một buổi chiều ở nhà ga đã gặp một cô gái còn đi học và lúc này đây cảm thấy như có một sự thân thiện của riêng cô dành cho mình.

Nằng buổi sáng bắt đầu kéo lên, vừa lạnh, vừa ấm trong một thành phố đang tới mùa thu. Hà Nội tuy vắng, nghèo nàn, nhưng cảnh trí đẹp với những con đường có những hàng cây cao rộng và thoáng đãng.

Khi bắt đầu nghe những tiếng còi xe, và nhận ra sự huyên náo trong sinh hoạt của một ngày đang bắt đầu, tôi cũng vừa đến khu trung tâm của thành phố khi đã đi hết con phố Trần Hưng Đạo và rồi dừng bước lại bên một góc đường của phố Hàng Bài. Từ nơi này, tôi nhìn thấy rõ cảnh sinh hoạt của các phố Hà Nội và chú ý đến những con đường chạy bao quanh Hồ Hoàn Kiếm. Hà Nội là đây, tôi tìm thấy và nhận ra gương mặt quen của thành phố này rồi. Tôi quen thành phố này từ trong sách vở, từ trong trí tưởng tượng của một người rất yêu mến những cuộc đời của các nhân vật trong tiểu thuyết. Sự hồi nhớ và yêu mến thành phố trong văn chương đã làm tôi không còn bỡ ngỡ nữa, mà bắt đầu chuẩn bị làm quen thành phố bằng những con đường phố mình muốn đi và bằng sự quan sát về người Hà Nội khi tận mắt nhìn thấy từ mỗi cách sống của họ trong lề lối sinh hoạt. Và, thực tâm, tôi cũng muốn biết, muốn được thấy người Hà Nội nằm trong lòng của một xã hội chủ nghĩa. Tôi có sự suy nghĩ tương đối gây mối ưu tư cho mình. Nhưng tôi liền gạt bỏ đi, rời bước ra khỏi chỗ đứng nơi góc phố Hàng Bài. Tôi vừa đi, vừa chú ý qua mắt nhìn và cố gắng ghi nhận những gì mình thấy một cách tự nhiên. Khi tới công viên chính quanh bờ hồ tôi dừng lại, và đứng từ phía phố Hàng Khay để quan sát. Tôi bỗng nghĩ rằng, phố Hàng Khay như là khung cửa chính của Hồ Gươm. Tôi đưa mắt nhìn gần, nhìn xa, và tự mình vẽ ra mỗi quang cảnh mà mình được trông thấy. Hồ Gươm có thể được ví như trái tim của Hà Nội. Khu vực dựng nên một công viên bao quanh hồ là những hàng cây trồng rất cao và rất đẹp mắt. Ở nơi đâu, thành phố cũng có những con đường, những hàng cây, nhà ở, sông hồ, nhưng mỗi nơi chốn ấy các sự vật đều có một linh hồn và nó nằm trong tâm cảnh, trong ký ức, cà trong tiếng nói nữa của con người trong mỗi  miền đất. Hà Nội, tôi nghĩ rằng, ký ức nơi thành phố này như đã thuộc về văn chương, văn học nên chi, cảnh trí và người Hà Nội có những nét riêng biệt để trở thành biểu tượng. Cả bốn con đường chạy quanh hồ đều phủ bóng im mát làm cho tôi có được một cảm giác thi vị với thành phố của mùa thu. Nắng lên, trời đang mát. Nhìn mấy con đường chạy quanh hồ, chỉ loáng thoáng vài chiếc ô tô xuất hiện không chạy nhanh, người đi bộ nơi này, nơi kia không nhiều lắm, nhộn nhịp và nhiều hơn cả là những đoàn xe đạp gần như lấp kín hết cả mặt đường. Lúc này, tôi mới nhận ra mình chợt nghe rõ ràng tiếng nói của người Hà Nội ở đây. Và lập tức, tôi có ngay sự nhận thức chủ quan rằng người Hà Nội ở ngoài này đã nói một thứ tiếng khác hẳn với người Hà Nội đã rời miền Bắc di cư vào miền Nam từ năm ký hiệp định Genève 1954. Khi đứng gần, tôi nghe tiếng người Hà Nội ngoài này nói ra có vẻ thờ ở, chểnh mảng, đôi khi đượm nỗi chán chường, lạc lõng. Còn nghe xa, tiếng của người Hà Nội vừa mới cất lên, vọng lên, lập tức, ném bay vút đi vào khoảng không, chẳng  cần giữ lại  như thể tiếng nói là một đồ vật đã cũ kỹ không cần dùng đến nữa. Thế còn tiếng người Hà Nội đã vào Nam và đang sống ở đô thị Sài Gòn thì sao ? Tôi chợt liên tưởng một câu thơ hay của nhà thơ Xuân Diệu: Có ai phân chất một mùi hương. Và nghiệm ra, tiếng Hà Nội trong miền Nam đúng là một thứ tiếng chuẩn mực để bảo tồn văn học, đức hạnh và cả phẩm giá con người. Ở miền Nam, người Hà Nội rất mới, rất thanh lịch trong cách ăn mặc. Ở miền Nam, tiếng Hà Nội rất thanh tao, nhạc tính của ngôn ngữ nghe lúc trầm dịu, lúc bay bổng một cách nhẹ nhàng, tự nhiên. Tôi còn nhận ra thêm một ý này nữa vừa mới được nẩy sinh là là từ mỗi chữ, mỗi câu luôn có sự cân nhắc, có sự từ tốn, và biểu lộ sự hiếu khách, tương kính lúc chuyện trò hay lúc lên diễn đàn trước cử tọa cũng luôn có những lối trình bày khúc chiết , rõ ràng. Không hiểu sao, tôi lại tự hỏi với người Hà Nội, ngày xa đó  lúc di cư vào trong miền Nam họ đã đem theo hết những phong cách lịch lãm của người Hà Nội xưa mà không có một chút gì để lại cho người đang ở lại ngoài này nữa sao ? Nhưng, có cần thiết không, khi Hà Nội ở ngoài này, mỗi con người đều chỉ có một tư tưởng về súng đạn và chiến tranh.

Có tiếng cãi vã, chửi nhau, rồi có những tiếng cười hô hố gần ngay bên tôi, tất cả họ đang lùm xùm từng nhóm quanh mấy người đang chơi cờ tướng. Và rồi, tôi cũng lấy làm ngạc nhiên khi giữa trung tâm phố Hà Nội, không có  ai ăn mặc đàng hoàng, thanh lịch,  trên người họ quần áo cũ kỹ, phai bạc màu, trên đầu, người đội nón vải, nón cối, nón mũ nồi, thực không đẹp một chút nào với cái câu Hà Nội văn vật, luôn là một thủ đô phẩm  giá con người, phẩm giá tổ quốc.

Cùng với diện tích cả khu công viên, mặt nước hồ Gươm đã lan trải rộng, êm ả với màu xanh, nhưng rêu phủ lên mặt nước thì quá nhiều. Tôi đứng quan sát còn nhận ra điều này nữa là người Hà Nội sống bửa bãi, thiếu sự tôn trọng văn hóa và cái đẹp của đô thị. Ngay trước mắt tôi, trên hồ nước, rác rưởi với các thứ bả mía, vỏ trái cây, đồ ăn vặt ,bao nylon, vứt xuống hồ nổi lềnh bềnh  không có một công nhân nào ra dọn dẹp, làm vệ sinh cả. 

Không có đồng hồ đeo tay, vì vừa mới bán, nhưng tôi cũng định được giờ và biết buổi sáng chỉ vửa mới bắt đầu. Quanh hồ, trên các vuông cỏ, người Hà Nội đang tập thể dục dưỡng sinh, mỗi toán có cả nam và nữ, trẻ có, già có và có một người đứng ngoài vừa trình bày cách thế vừa hướng dẫn cho từng người tập đúng cách.

Tôi dời bước, theo con phố Hàng Khay đi qua nhà Bưu điện rồi vào lòng phố Tràng Tiền. Đây là con phố sang và đẹp, dọc con phố là các cửa hiệu bách hóa, nhà sách, cửa hàng bán đồ lưu niệm.  Nhìn vào các cửa hiệu, khách tương đối đông. Khi trông thấy một hiệu sách, tôi ghé vào, dừng trước các dãy kệ nhìn ngắm các thứ sách trưng bày, ở chỗ  dành cho văn học, tôi nhận ra văn học Nga, Trung Quốc nhiều hơn cả. Tôi không mua sách, đứng một lúc xong trở ra, và đi bộ dọc con phố này trên vỉa hè lát đá, dưới những mái hiên nhô ra ngoài. Tôi đã có sẵn một chút vốn Hà Nội trong sách vở nên chi, những phố chính của Hà Nội được mô tả trong văn học về Hà Nội tôi đều nhớ. Số báo Văn đặc biệt về Hà Nội, có một bài tùy bút rất đặc sắc của nhà văn Nguyễn đình Toàn. Anh Nguyễn đình Toàn có một tiếng nói người Hà Nội chính danh của đất Hà Thành văn vật. Trong tiếng anh nói, nghe cả thơ và nhạc phối hợp, nó làm nên một tiếng nói sang trọng và đẹp cho tình yêu. Tiếng nói này của anh được trình bày qua làn sóng phát thanh chương trình nhạc chủ đề vào mỗi tối thứ năm.

Phố Tràng Tiền đi tới Nhà Hát Lớn, nằm cuối đường, chung quanh đó là những đường nối bùng binh như các con đường nằm quanh khu nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn. Tới nhà hát tôi dừng bước đứng bên này trông sang và thấy  đóng cửa. Đứng ở đây, tôi nghĩ đến một mùa kịch ở Hà Nội qua hình ảnh một nhà viết kịch vừa là giáo sư Đại học, ông Vũ Khắc Khoan. Nguyễn đình Toàn không những là nhà văn, nhà thơ, người soạn nhạc, anh còn là một nhà viết kịch rất hay nữa. Tôi nhớ ra không khí của mùa kịch ở Hà Nội trong tùy bút của Nguyễn đình Toàn. Trước khi vào mùa kịch, quanh hồ Hoàn Kiếm người ta dựng các biển quảng cáo kịch Kiều Loan, Lên Đường của Hoàng Cầm, kịch Lôi Vũ của Tào Ngu, kịch Bến nước Ngũ Bồ của Hoàng công Khanh, kịch Hận ly Tao của Đoàn Phú Tứ. Và những biển dựng quanh hồ, đợi đến khi những cơn mưa bụi về thành phố làm nhòe đi hết những dòng chữ và nét mực trên tấm biển, thì lúc ấy, mùa kịch bắt đầu.

Lúc rạng sáng, vừa ra khỏi ga tôi và vài bạn nữa vào quán phở quốc doanh mỗi đứa ăn một tô, giờ do đi bộ nên bắt đầu cảm thấy đói. Tôi còn phải ghi nhớ rõ cho mình, đêm nay, 8 giờ tàu Thống Nhất khởi hành, khoảng bảy giờ, tất cả phải có mặt đủ ở ga để điểm danh. Không một ai dám trễ, vì rằng, cái vé tàu quan trọng vào miền Nam quản giáo đang cất giữ.

Tôi về lại khu bờ hồ rồi lang thang đi bộ lên tới phố Huế vào chợ Hôm và ngồi ăn cơm ở một quán trong chợ. Ngon dở, tôi không mấy quan tâm, miễn có bụng no để đi bát phố Hà Nội cho vui, cho hạnh phúc một ngày được đặt chân vào giữa lòng đất Hà Nội.

Sau bữa ăn, tôi lại rời bước. Lúc này, tôi chẳng mấy quan tâm đến sinh hoạt, tính cách của người Hà Nội nữa, mà cốt là dạo chơi, đi nơi này nơi kia cho biết các phố Hà Nội. Và, một nơi nào được người Hà Nội hay nhắc nhở, và trong tiểu thuyết dùng bối cảnh là tôi hy vọng sẽ đến đó, trông thấy, và tìm hiểu. Ở Hà Nội có năm cửa ô, chỉ có ô Quan chưởng là có hình dáng, có thành, mái vòm, còn lại , những cửa ô khác chỉ là con đường từ ngoại thành vào thành phố.

Khi trở lại khu bờ hồ, tôi đi bộ dọc theo đường Lý Thái Tổ lên tới bến tàu điện. Có một vài chiếc nằm ở bến đang chờ khách. Nhưng tôi không lên tàu ngay để đi thử một chuyến lúc này, mà vượt qua bến, lọt vào một dãy phố hẹp có những tên Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Hàng Giấy, cắt ngang là những phố Hàng Bạc, hàng Buồm, hàng Chiếu.

Lòng đường những con phố này rất ngắn và hẹp, nhà cửa hai bên đối diện nhìn thấy rõ qua con đường, giữa lòng đường là con đường ray dành cho tàu điện chạy. Khi lọt vào khu phố này, tôi có sự chú ý hơn cả, vì nơi đây là một nơi vàng son của Hà Nội thuở trước. Phố Hàng Đào, Hàng Ngang là phố có những cửa hàng vải vóc, tơ lụa. Những phố khác, hàng Bạc, hàng Đường, Hàng Giấy, Hàng Chiếu, tên gọi thứ nào thì bán loại hàng đó để khách mua dễ dàng đến và tìm kiếm.

Tôi rất muốn dành được nhiều thời gian để được biết thêm nhiều các tên phố quanh những khu vực này. Tôi vẫn rất thích thấy những tên phố còn giữ như ngày trước. Tôi chỉ có chút buồn đối với Hà Nội, là con người và cảnh sinh hoạt của thành phố trông quá sức tàn tạ, nghèo nàn, buồn tẻ và thảm đạm. Ở phố Hàng Đào, một cô gái ngồi coi cửa hàng trông ra đường nhìn khách qua lại mà đôi mắt cô như một kẻ vô hồn. Và dọc theo con phố tôi đi, người bộ hành, người buôn bán, không nhìn thấy ai có một nụ cười, một niềm vui,  đất nước đã thống nhất sáu bảy năm rồi  mà nơi đây, tưởng như không khí chiến tranh vẫn còn đe dọa.

Khi nào gặp một con phố cắt ngang tôi lại đi rẽ, xong quay trở con đường chính để định hướng đi của mình cho khỏi bị lạc, thì tôi nhận ra rằng, những con phố cắt ngang, cứ đi xuống hết là dẫn ra tới phía bờ của Sông Hồng, và đứng ở cuối con phố đó là nhìn quang cảnh con sông và cây cầu Long Biên.

Vừa lúc nãy nhắc đến cửa ô Quan Chưởng tôi tìm ra vị trí của cửa ô này khi đi hết đường dốc của phố Hàng Chiếu. Tiện nghỉ chân đốt điếu thuốc, tôi đứng riêng bên góc phố nhìn cảnh sinh hoạt trong khu vực này, không có gì đặc biệt ngoài một cảnh giống như họp chợ của những người bán hàng quà sáng , quà trưa cho khách ăn. Tôi không ngồi ăn, nhưng thoáng mắt để ý thấy các gánh hàng quà cũng nghèo nàn, thiếu thốn.

Chợ Đồng Xuân được biết là chợ lớn nhất của thành phố. Chợ nằm trên con đường chính hướng từ đầu phố hàng Đào, nằm cạnh góc phố Hàng Chiếu. Tôi ngược trở lại từ đường hàng Chiếu rồi ghé vào chợ. Diện tích bên trong khu chợ khá rộng và có lối kiến trúc khác hẳn với những chợ ở trong miền Nam. Trong chợ, tôi chỉ thấy các thứ hàng rau quả, hàng quà bình dân được bày bán tự do phía ngoài, còn các thực phẩm cao cấp hơn như gạo, thịt cá, đồ hộp,  người mua phải có sổ gia đình hoặc  tem phiếu, và các cửa hàng cao cấp này được dọn riêng, mỗi khu vực có bao lưới chắn, chỉ để ló một ô cửa nhỏ giống như chỗ bán vé rạp hát để cho người bán hàng đứng  được an toàn để thu nhận tiền. Giờ này, trong chợ đông người, các cửa hàng dịch vụ chen lấn, còn những quán hàng ăn thì hết sức là ồn, và có nhiều tiếng đùa nghịch và cãi vã nhau rất lộn xộn, nhưng cũng thấy vui, lạ lùng. Chợ cỏ vẻ tối, thiếu ánh sáng vì không có nhiều đèn điện. Tôi đi trong chợ, qua từng gian hàng bán các thứ vặt vãnh dùng thường ngày, trong tôi, ý nghĩ về Hà Nội dù chỉ mới đến một ngày, nhưng là một khung cảnh không có gì làm cho mình thấy vui , háo hức cả.

Cũng khá lâu, tôi mới ra khỏi chợ Đồng Xuân và quay trở lại khu phố Bờ Hồ để  lên tàu điện ở chỗ bến chính. Lên tàu điện ngồi băng ghế giữa trong lúc chờ khách , tôi nhìn Hà Nội với vẻ thờ ở, không còn nôn nao mong đơi  như  mấy giờ trước nữa. Tôi thầm lặng với đôi mắt của mình, lúc này đây, tôi không còn nghĩ mình là người tù đang trở về tìm lại quê quán nữa, mà là một người khách lạ giữa Hà Nội, trong ý nghĩ mình muốn nói, muốn bày tỏ với Hà Nội trong một ngày đến đây.

Có nắng lên sáng dậy quang cảnh cả thành phố làm tôi cảm thấy vui, Tàu điện rời bến, nó chạy chậm, không nhanh. Mỗi lần sắp đến trạm đón khách tôi nghe ra được tiếng chuông leng keng một hồi ngắn, sau đó ngừng và khá đông khách lên, khách xuống.

Khi tàu ngừng phố Quan Thánh đỗ khách , một vài người và tôi cùng xuống. Phố này vắng người, yên tĩnh, và tôi đi bộ thong thả trên con phố này. Tôi có cảm tưởng như mấy giờ qua tôi không ghi được một chút gì đáng ghi nhớ về Hà Nội, vì rằng, một Hà Nội tôi bị mê hoặc bởi văn chương đã không có một nét nào hay lạ đối với thực tế cả. Những con đường, các dãy phố, mỗi quang cảnh, mỗi nơi chốn sinh hoạt của Hà Nội trong một ngày bình thường tôi đã không có được gì để ghi cho kỷ niệm, ngoài một ấn tượng rất đáng buồn là thấy Hà Nội sao xơ xác, tồi tàn, cả đến sự nghèo đói ngoài cảm nhận của mình. Và, cứ vậy, tôi lầm lũi bước đi trên lối dọc theo vỉa hè, một lúc lâu như người lạ dò tìm địa chỉ, tôi ngập ngừng đứng lại trước một ngôi nhà có cổng cửa sắt sơn màu xanh đang mở hé, bên trong im lìm. Tôi chợt nhớ, vừa nghĩ rằng nơi ngôi nhà này Nhất Linh vẫn còn sống và đang làm việc tại đây, chủ nhiệm tờ Phong Hóa.

Hai căn nhà bên cạnh thấy đóng cửa, không một bóng người ra vào. Tôi bỗng có mối lo ngại, nghĩ rằng tòa báo của ông Nhất Linh có thể do ảnh hưởng đến thời cuộc đã đời đi một nơi khác. Nhưng mà không, đây đúng là địa chỉ của số nhà 80 đường Quan Thánh.

Từ đâu không biết, tôi vừa nghe vọng lên một hồi chuông leng keng của chuyến tàu điện như đang tới gần. Lúc ấy, đột nhiên tôi mạnh dạn đẩy cánh cổng, bước nhanh vào trong sân rồi đi lên lối cầu thang. Bên ngoài, chẳng nghe được tiếng máy nhà in chạy ầm ầm, tôi lại có ý nghĩ chắc người ta đã bỏ đi. Nhưng rồi, cũng thật lạ, vừa lên hết cầu thang, tôi đối diện với căn phòng mở cửa bỏ trống, nước mưa đã ngấm ướt mặt nền, thế nên không nghĩ ngợi gì thêm tôi cứ tiến sâu vào nữa bên trong cùng. Một lối đi khác hiện ra, bất ngờ tôi nhìn thấy một căn phòng đang mở rộng cửa, bên trong có một người đàn ông cao lớn đang cúi đầu chăm chú làm việc.

Nhất Linh mặc bộ complet màu trắng. Khi ngước mắt lên nhìn ra cửa, thấy kẻ lạ đứng một mình, ông cười ngó ra có vẻ mãn nguyện. Bàn viết rộng, đầy sách vở, bản thảo và giấy bút. Tôi chăm chú nhìn vào và có cảm tưởng như nó làm cái bóng ông cao lớn thêm nữa. Chiếc ghế mây tuy cũ, nhưng chưa mờ nước đen bóng nơi hai thanh gỗ tỳ tay. Ông ngả lưng lên thành ghế một chút để ngắm người lạ. Nụ cười trên miệng, cái vẻ phóng khoáng trên khuôn mặt làm tôi thấy hai vai ông như muốn rộng ra. Khi bước tới gần, tôi mỉm cười cúi đầu chào, ông bảo tôi ngồi xuống. Rồi, ông đứng lên, mở gói trà cho một ít vào ấm, xong lấy phích nước sôi rót gần đầy bình. Ông vẫn cứ để tôi im lặng ngồi chờ như một người bạn không có gì phiền hà. Bất chợt tôi thấy ông mỉm cười, nhưng đang suy nghĩ về một chuyện gì đó, tôi không rõ. Rồi, ông nhấc ấm lên, rót trà vào hai cái tách. Ông hỏi tôi:

-Em ở xa mới tới ?

-Vâng,  tôi  đáp.                                                                                             

Hai người cùng yên lặng trong ít giây để nhấp ít hớp trà. Ông lại hỏi:

-Sao biết tôi còn ở đây mà em tìm đến.

           Hỏi xong, tôi bỗng thấy ông đưa mắt nhìn tôi chăm chú khiến tôi do dự. Tôi để lại chén trà lên dĩa lót, nói:

-Tôi ở tù mới về. Người ta đã đưa tôi ra miền Bắc hơn bốn năm. Khi về tôi gặp Dũng ở nhà ga Yên Bái, và anh ấy nói với tôi, ông còn ở Hà Nội.

Nhất Linh cười lớn tiếng, nghe rất thú vị.

-Hay quá, em ở Hà Nội mấy hôm rồi.

-Tôi mới về trong nửa sáng đêm qua. Ở lại Hà Nội ngày hôm nay, đến tám giờ tối, tôi phải lên tàu trở về Nam.

-Không ở lại với tôi ít ngày nữa.

Tiếng nói của Nhất Linh rất dịu dàng. Lúc nhìn ông cầm chén trà đưa lên miệng, tôi nói:

-Hà Nội, chỉ cho tôi có một ngày thôi.

Ông đang uống một hớp nóng của chén trà. Một câu nói tự nhiên của lòng tôi về Hà Nội, bỗng dưng làm ông mất vui, suy nghĩ. Và, bàn tay ông run lên một chút khi đặt chén nước xuống, và cũng như thể đang muốn khỏa lấp những hình bóng cũ trong thời gian, ông bật cháy que diêm châm điếu thuốc. Hình ảnh ông lâng lâng trong làn khói đã khiến tôi nghĩ rằng ông đang nhớ đến Dũng và có một chút gì đó nữa mà ông rất ân hận với Loan. Đáng lẽ ra, ông nên cho Loan cùng đi với Dũng, ông lại đưa cô ấy về sống với Thân. Rồi mai sau nữa, ông sẽ ra sao khi bước đến tuổi già.

-Đang có những đột biến, Hà Nội liên lụy đến ông à.

-Không, không sao cả, ông nói hơi vội vàng, rồi chùng lắng xuống. Nhưng rồi đến một ngày tôi phải ra đi. Tôi sẽ rời khỏi Hà Nội.

-Ông không viết văn nữa sao ? Hay như Dũng nói với tôi, ông dự tính đi làm cách mạng.

-Em nghĩ sao, nếu tôi dự phần vào công việc đó.

-Không, ông không nên đi. Hãy nên để ông ở lại Hà Nội viết văn.

-Tại sao em lại không muốn tôi rời xa Hà Nội.

-Bởi vì, Hà Nội là một thành phố trong văn chương. Ở đây, Hà Nội chỉ còn ông. Nếu ông đi, cả ông và Hà Nội cùng lúc sẽ cháy thành tro than.

Bỗng nhiên Nhất Linh cảm thấy mình hạnh phúc. Ông cười, sung sướng nói với tôi:

-Tôi sẽ viết một cuốn Đôi Bạn dành cho Loan.

Trời muốn trở rét. Trúc đang nghe lại tiếng nói thầm của mình. Buổi sáng ấy nơi căn nhà cụ Chánh nhiều người bạn gặp nhau và có cô Loan nữa. Mùa thu mới về đang se lạnh, nhưng cô chỉ mặc cái áo cánh mỏng, vươn hai cánh tay lên và cả vóc dáng mình nữa trong hình ảnh cô đang đứng ở góc sân phơi quần áo. Nhất Linh tả mái tóc, tiếng nói của cô làm tôi hình dung thấy cô đẹp rất hồn nhiên.

Từ ngày nghỉ học, Dũng trở về ấp Quỳnh Nê, gặp Loan, chàng cảm thấy rung động với mối tình của nàng. Người bạn thân của Dũng là Trúc. Trúc yêu một cô gái khác , tên Hà. Người con gái mà Nhất Linh vừa mới cho hiện lên trong tác phẩm đã làm cho khuôn mặt anh chàng Trúc tự nhiên khác đi, không khôn ngoan, có vẻ ngây ngô, dễ thương, nhưng mà với tôi , cô ấy tự dưng đẩy tôi  khỏi Hà Nội để ra đi tìm một nhà ga, nơi chỗ đó, trong một buổi chiều còn lảng vảng ánh nắng quanh các ngọn đồi, tôi và một cô gái quen đã ngồi cạnh bên nhau thân mật chuyện trò.

Trong lúc này, Nhất Linh say sưa viết, còn tôi ngồi im. Thế rồi, một cảnh khác trong truyện đưa ra lúc đêm xuống. Hà Nội, phố nào cũng vắng, rồi một lúc bỗng nghe rần rần một trận gió nổi lên. Và bắt đầu thấy lác đác rụng xuống từng chiếc lá bàng. Đêm càng khuya, gió nổi mạnh, lá bàng rơi từng loạt. Hình như, có tiếng hai chị em thằng Nỡm cứ thay nhau cầu gọi: Gió lên, lạy giời gió nữa lên.(2) Bỗng nhiên khi nghe những tiếng gọi đó, Nhất Linh ngừng công việc của nhà văn, ông bước ra ngoài hiên gác nhìn xuống lòng đường, nghe tiếng gọi của hai đứa trẻ mỗi lúc một rõ, và chúng chạy đi quét gom từng đống lá bàng, hình ảnh đó ông cũng trông thấy.

Đời tôi có hai người bạn mà tôi lần lượt phải xa. (3) Tôi vẫn ngồi im trong căn phòng tòa soạn, chờ đợi, nhưng không cất tiếng gọi. Vâng, tôi hiểu được Nhất Linh, vì thế, ngoài sự nghiệp văn chương ra, ông không còn có một ai khác ngoài hai người bạn thân là Loan và Dũng.

Nhất Linh trở vào bàn viết tiếp. Tình cờ, tôi gặp cả Trúc và Dũng. Đối với Trúc, mối tình anh ta với cô Hà ví như một cánh chim đang bay qua vùng núi trong sương mù. Còn Dũng, rất yêu Loan, người bạn gái của tuổi thơ nhưng không thể cất giấu mãi được một tâm hồn hay một hình ảnh của nàng. Rồi hai người bạn thanh niên đã cùng nhau vượt qua biên giới. Lúc này đây, tôi chợt nghe tiếng Dũng nhắc đến Loan và anh rất mong được trở về Hà Nội để thăm Loan. Nhưng khi nghe tôi nói, Loan đã bỏ Hà Nội trở về sống ở ấp Quỳnh Nê rồi, Dũng im lặng.

-Tại sao bạn lại bỏ Loan ra đi, tôi hỏi Dũng.

-Thật sự đây là ý muốn của tôi, K. hiểu không ?

-Không, vì sao bạn muốn xa Loan.

-Tôi muốn tránh xa Loan, vì mong ước được nhìn thấy Loan ngoan ngoãn sống theo quan niệm gia đình.

-Rồi một ngày nào đó Dũng sẽ trở về. Bỗng nhiên, tôi, Dũng và Trúc cùng nghe tiếng nói của Nhất Linh cất vọng giữa một vùng núi đồi nơi biên giới. Dũng mỉm cười bảo tôi, ông Nhất Linh lúc nào cũng lạc quan.

Bằng một giọng bình thường, tôi hỏi:

-Nếu thế việc Loan có chồng rồi, ích gì nữa không ?

Ngừng viết, Nhất Linh nói:

-Không, không có gì quan trọng cả.

-Ông cắt nghĩa rõ đi.

Nhất Linh giải thích:

-Trong tác phẩm của tôi hai con người đó là một.

Thực sự Nhất Linh đã có ý muốn đưa Loan trở về Hà Nội. Ngồi nói chuyện một lúc lâu, tôi đứng dậy chào ông ra về. Ông đang viết văn, nhưng cũng bỏ dở đứng lên rời bàn viết, đi theo tôi, tiễn tôi một đoạn ra tới lối cầu thang. Ông đưa tay cho tôi bắt và nói, ông sẽ ở lại Hà Nội để viết văn, và khi nào viết xong cuốn Đôi bạn ông sẽ hẹn cho tôi một ngày đó để gặp cô Loan.

Tôi mới ở tù về, được ghé Hà Nội một ngày nên rất thèm được biết nhiều Hà Nội. Trước khi tìm đến thăm Nhất Linh, tôi đứng nhiều giờ khá lâu ở Hồ Gươm nhìn quang cảnh Hà Nội trong buổi sáng, và lòng tôi cảm thấy vui. Từ phố Quan Thánh, tôi đi bộ ra Hồ Tây. Giữa Hồ Tây và Trúc Bạch có con đường Cổ Ngư với những hàng cây trồng hai bên rất đẹp và thoáng. Cái tên đường làm tôi yêu thích và nhớ Nhất Linh. Với Hà Nội, tôi không ao ước gì thêm được đi trên con đường này, con đường Cổ Ngư. Và, thật lạ lùng, vừa mới nhắc đến ông, tình cờ tôi trông thấy Loan. Từ xa, bóng dáng Loan bước nhẹ nhàng trong chiếc áo lụa màu nhạt vàng như một cánh bướm. Loan không ngoái đầu nên không trông thấy tôi đằng sau.  Ngần ngại đi theo một quãng, khi nghe tôi cất tiếng gọi, nàng dừng bước. Nhưng rồi, nhìn nhau lâu một lúc, hai chúng tôi mới nhận ra nhau. Loan bỗng nói, nàng có gặp tôi một lần ở đâu đó rồi.

Chúng tôi đi cạnh nhau, lặng im trong ít phút giây để suy nghĩ một đôi điều mình muốn bày tỏ. Một lúc, tiếng nói của Loan như thể kéo bước chân tôi dừng lại để nghe một nỗi phẫn uất, kêu than.

-Ông Nhất Linh không hiểu em.

Tôi chợt hỏi:

-Thế là cô giận tôi, vì Nhất Linh muốn đưa cô về Hà Nội.

-Không, anh đừng nói thế. Em chỉ tự hỏi tại sao ông ấy bắt em ràng buộc với nỗi khổ.

-Không đâu. Nhất Linh muốn cho Loan hoàn toàn được hạnh phúc. Thân không xứng đáng là chồng của cô sao ?

-Không phải là tôi có sự phân biệt, anh hiểu không ? Nhưng mà, người đó không thể sống hòa hợp với tôi.

-Cô vẫn còn nghĩ đến Dũng thôi, phải không ? Và, chắc cô hiểu tại sao Nhất Linh không muốn Dũng theo tôi cùng về Hà Nội không ?

-Không, Loan nói.

Tôi tiếp lời giải thích:

-Nhất Linh là một nhà văn hạnh phúc, tôi nói. Đã có lần ông ta giải thích cho tôi hiểu rõ về nghịch cảnh của cô, và ông nói đúng, không phải cô là người bất hạnh, mà thực ra cô đã có những mâu thuẫn khi bước vào cuộc đời.  

Đi bên cạnh tôi, lúc này tôi nhận ra được cái nét cứng rắn của Loan. Cô nói:

-Ngay cả anh cũng không hiểu được em. Anh nhớ rằng, khát vọng của Nhất Linh là giải phóng người phụ nữ ra khỏi xã hội phong kiến, vậy thì ý tưởng về tự do và sự lựa chọn của em không đúng sao ?

-Đúng, đấy là một thực hiện của Nhất Linh. Nhưng cô nhớ rằng, ông ta không chủ ý đạp đổ giá trị và nền tảng gia đình. Nhất Linh cũng đã có một sự chọn lựa đúng cho cô, vì anh thấy rằng, Thân không phải là con người lãng mạn, tự do phóng túng trong cuộc sống, nhưng Thân không phải là con người hèn kém. Anh ấy cũng biết thương yêu, quý trọng tình nghĩa vợ chồng, và cũng hiểu biết giá trị của hạnh phúc.

-Không đúng như anh nghĩ đâu, Loan nói. Em đã sống trong gia đình đó nhiều năm rồi, cuộc đời anh ta tầm thường lắm. Hãy hiểu cho em, em đã sống qua một cuộc đời làm vợ buồn thảm lắm.

Câu nói của Loan khiến tôi chạnh lòng, im lặng. Trong một buổi chiều màu nắng bị pha loãng, nhưng con đường Cổ Ngư rất đẹp. Hàng cây trồng hai bên như đứng trên bờ nước của một con sông, nhìn xa phía trước, nhìn lùi lại phía sau, nghe tiếng cười nói hồn nhiên như để đánh thức dậy một quá khứ, và ở trên con đường này đang đi cùng với Loan tôi hiểu được rằng đó là hạnh phúc của Nhất Linh muốn dành cho tôi.

Bằng một giọng buồn vừa hối hận, Loan nói với tôi;

-Em nghĩ ông Nhất Linh chẳng vui gì khi phải nhắc đến em.

-Không, ông ấy rất thương cô. Hôm nay, Nhất Linh muốn đưa Loan về Hà Nội bởi vì ông biết tôi rất nhớ đến em.

-Em cám ơn anh.

-Không chỉ cô thôi, tôi còn nhớ đến cả cô Loan trong Đôi Bạn nữa.   

Loan cười hỏi tôi:   

-Anh có yêu cô Loan ấy không ? 

-Ngày đó tôi gặp tại nhà Dũng, cô Loan cũng vừa mới nghỉ học ở Hà Nội về. Cô ấy dịu dàng, trong sáng quá.

-Anh còn lãng mạn hơn cả anh Dũng nữa.

Loan đưa tay cho tôi nắm. Một thoáng nhớ về hình ảnh áo trắng và cánh đồng sau mùa gặt, rồi tôi nói.

-Ông Nhất Linh viết cái gì cũng chỉ chú trọng mùi hương. Trong cuốn Đôi Bạn ông nhắc đến mùi hương rất nhiều. Tác phẩm của ông luôn lấy đề tài tình yêu và tự do của tuổi trẻ, đến hơn hai trang sách, mấy lần cô và Dũng ngồi gần nhau rất rung động và xao xuyến, vậy mà Dũng chẳng có được một cái hôn nào dành cho cô. Cô chưa đi lấy chồng lúc đó, hôn đắm đuối không được sao ?

Loan bật cười lớn tiếng và bảo tôi:

-Anh đừng có nói bậy, em cấm anh.

-Không, anh nghĩ mình nói đúng. Đó là một thiếu sót của Nhất Linh. Ngay đến cả trong tác phẩm cổ điển tình yêu vẫn có được sự tự do như thế.

-Nhưng anh Dũng đã có lúc quay trở lại gia đình của anh. Bên em thì nghèo, biết đâu anh ấy chỉ muốn dừng lại nơi giới hạn đó.

-Anh hiểu lòng của em. Hôm nay, anh muốn trở về Hà Nội để tìm em. Anh vẫn yêu em như một cô gái có thực ở ngoài đời.

-Anh không nghĩ tình yêu đó là một ảo tưởng.

-Không, tôi đáp.

Phía sau lưng hai người, bóng nắng chiều như trông thấy đi rẽ trên một khúc sông khác. Bên Hồ Tây những chiếc thuyền còn đợi. Tới cuối đường Cổ Ngư, hai người dừng bước, đứng lại. Loan quay sang hỏi tôi:

-Đêm nay, anh phải lên tàu vào Nam ?

Tôi nhìn lại gương mặt Loan, không đáp lời.

Một chút sau, Loan lại  hỏi tôi:

-Ông Nhất Linh có nói gì với anh nữa không ?

-Không, ông ấy đã im lặng vĩnh viễn.

-Nhất Linh chết rồi, em biết. Em nghĩ là ông ấy rất buồn nhưng sẽ tha thứ cho em.

-Nhất Linh tha thứ tất cả.

-Vâng.

Loan đi rẽ lên đê Yên Phụ. Gió bãi thổi làm quần áo Loan phất phới. Tay giữ chặt lấy khăn san, nàng đi ngược lên chiều gió, hai con mắt buồn bã nhìn ra phía sông rộng. Sau mấy rặng soan thưa lá, dòng sông Nhị thấp thoáng như một dải lụa đào. Bên kia sông gió thổi cát ở bãi tung lên tựa một đám sương mù vàng lan ra che mờ mấy cái làng con ở chân trời. Xa nữa là dãy núi Tam Đảo màu lam nhạt, đứng sừng sững to tát nguy nga, ngọn núi mù mù lan trong làn mây xám. (4)

Không có ai nữa, tôi bỏ đi. Nơi đê Yên Phụ dòng lũ tháng tám của sông Hồng đang có một sức chảy rộng tuôn tràn. Chiếc cầu Long Biên dài ngút tới bên kia đang rung chuyển, tiếng vọng ầm ầm, vì lúc này có một đoàn tàu đi qua. Tôi vẫn còn nghĩ mình, nhận ra mình đang ở trong buổi chiều của mùa thu Hà Nội. Một ngày hôm nay tôi ghé Hà Nội chỉ là một ngày của người tù. Thân phận tôi qua những năm tháng đọa đày, xơ xác, thì Hà Nội mà trước mắt tôi đang nhìn thấy cũng như vậy. Hà Nội thật quá tang thương, và cuộc sống sao lầm than  đến đổi vậy. Hà Nội là đây sao không vang lên cho lớn rộng một niềm vui, sao mà không có ai nghe ra những tiếng nói tình nghĩa, những tiếng cười rộn rã, vừa bao dung. Hà Nội tôi đã từng ước mơ, tưởng tượng, từng bao nhiêu năm nuôi dưỡng thành phố này trong trí tưởng, nhưng mà đến đây chỉ cảm nhận một ngày trong cái chết của tâm hồn. Cuối cùng, tôi trở về đây chỉ sống cùng với Hà Nội trong dĩ vãng. Tôi được gặp Nhất Linh và cô Loan trong hai tác phẩm Đoạn Tuyệt và Đôi Bạn. Với Loan, tôi yêu nàng như một nhân vật có thực ngoài cuộc đời. Vậy đó, nhưng chỉ một lúc thôi tôi lại xa vắng nàng và nhà văn Nhất Linh cũng đã chết.

Tôi không còn biết tìm ai nữa. Tôi cũng không biết đi đâu, tìm ai lúc này, nhưng điều tôi biết là Hà Nội đang về trong mùa thu. 

 

09/02/1981

 

Tác phẩm của Nhất Linh:

-(1) Đôi bạn

-(2) Nhặt lá bàng

 -(3)Nhặt lá bàng

-(4) Đoạn tuyệt.

 

Nguyễn Chí Kham
Số lần đọc: 835
Ngày đăng: 14.12.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tình đầu - Mỹ Ca
Mưa hạ ly hương - Nguyễn Chí Kham
Trám - Trần Yên Hòa
Thằng Luật - Nguyễn Đại Duẫn
Chủ nghĩa cưới vợ - Hoàng Thị Bích Hà
Trên cao kia trời xanh mây trắng - Đặng Chương Ngạn
Bến sông - Đặng Chương Ngạn
Đỉnh gió ngàn - Đặng Chương Ngạn
Vài chuyện về comment trên facebook - Đặng Xuân Xuyến
Một người cùng chuyến đi - Nguyễn Chí Kham