Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.179
123.219.731
 
Lời trần tình ( phần 3 )
Đỗ Nguyễn

 

Dịch thuật

 

OSCAR  WILDE

 DE  PROFUNDIS

                                             

                           

     Khi tớ rời Goring để sang Dinard chơi khoảng mười lăm hôm, cậu nổi giận vì tớ từ chối rước cậu theo, trước khi tớ lên đường, cậu đã làm vài màn rất kém vui về chuyện này tại Albemarle Hotel, cậu đã gửi những điện tín đến nhà bạn tớ, ở đồng quê, nơi tớ cư ngụ có vài ngày. Tớ nhớ rõ đã nói rằng bổn phận của cậu là ở lại với gia đình một chút vì cậu đã xa họ cả một mùa. Nhưng thật ra, để tuyệt đối ngay thẳng với cậu, trong mọi trường hợp, tớ đã không để cho cậu theo. Mình đã cùng nhau cả mười hai tuần lễ và tớ cần tự do, cần nghỉ ngơi sau những căng thẳng ghê gớm ở cạnh cậu. Tớ muốn sống một mình đôi chút. Đấy là sự tối cần cho mặt tri thức. Tớ thú nhận rằng, trong lá thư của cậu mà tớ trích dẫn một đoạn, thấy rõ một cơ hội tuyệt hảo để chấm dứt tình bạn ghê sợ đã kết nối hai ta, chấm dứt không chút đắng cay như thể tớ đã định thực hiện lúc ở Goring, ba tháng trước đó, vào một buổi sáng trong lành tháng sáu, tớ phải nói một cách thẳng thừng, là cậu sẽ rất buồn, và có thể hổ thẹn đã bị gửi trả lại  công việc cậu làm như một bài tập của học sinh, rằng tớ đã chờ đợi quá nhiều nơi cậu về tri thức và cho dù cậu có thể viết hay làm, cậu cũng đã hoàn toàn tận tụy với tớ. Tớ không muốn là người đầu tiên ngăn chận hay làm nản lòng cậu cho sự khởi đầu công việc văn chương của cậu. Tớ biết rất rõ rằng không một sự dịch thuật nào, ít nhất phải là tác phẩm của một thi sĩ, có thể trả lại màu sắc và âm điệu tương tự những gì tớ viết. Nhưng sự tận tâm tớ đã cảm nhận - và tớ còn đang cảm nhận - là một điều tuyệt vời không thể vứt đi một cách thiếu suy nghĩ như thế. Thế là tớ đã nhận lại, bản dịch và cả cậu.

    Đúng ba tháng nữa, sau một loạt các cảnh xảy ra, mà cảnh cuối cùng, còn thô bạo hơn những cảnh trước đó, nổ ra một buổi chiều trong căn hộ của tớ, nơi mà cậu đến với sự hộ tống của hai trong số những thằng bạn cậu, tớ lỉnh đi ngoại quốc thực sự ngay sáng hôm sau để thoát khỏi cậu, tớ đưa cho gia đình những lý do phi lý của cuộc hành trình này và bỏ lại cho thằng đày tớ một địa chỉ ma, chỉ vì tớ ngán sẽ thấy cậu theo sau trong chuyến tàu kế tiếp. Tớ còn nhớ buổi trưa hôm đó, trong toa tàu hoả mang tớ sang Paris, tớ đã suy nghĩ về điều kiện không thể được, khủng khiếp và tuyệt đối kinh hoàng mà đời mình đã sống, đến nỗi là người tiếng tăm lẫy lừng thế giới, tớ gần như bị bắt buộc trốn khỏi Anh quốc để thử loại bỏ cái tình bạn đã hủy diệt hoàn toàn những gì tớ có về tri thức cũng như tinh thần. Và người mà tớ trốn chạy không phải là một sinh vật ghê gớm đẫm mùi vị cống rãnh hay bùn lầy đời sống hiện đại, mà chính là cậu, chàng trai cùng một đẳng cấp xã hội với tớ, một sinh viên của chính trường Đại học ở Oxford và là một khách quý của gia đình tớ. Những tờ điện tín lời lẽ khẩn cầu và ăn năn quá quen thuộc cứ theo nhau đến. Chẳng buồn quan tâm. Rốt cuộc, cậu dọa rằng không trong trường hợp nào cậu chịu đi Egypt nếu tớ không đồng ý gặp cậu. Tớ đã nài nỉ bà Bô cậu, với sự tán đồng của cậu, gửi cậu sang Egypt, vì ở London, cậu làm hỏng đời cậu. Tớ biết cậu mà không đi thì bà sẽ thất vọng não nề. Vì bà mà tớ gặp lại cậu, và trong phút xúc động mãnh liệt mà chính cậu đã chẳng quên nổi, tớ khoan dung cho quá khứ để không có  gì  vướng bận khi nói đến  tương lai.

    Tớ nhớ lúc về lại London, ngày hôm sau, ngồi trong phòng, tớ đã thử xác định một cách buồn bã và nghiêm túc xem cậu có đúng như những gì tớ cảm thấy về cậu hay không : đầy những khuyết điểm tồi tệ, tính cách hủy hoại kinh khủng với chính cậu cũng như với mọi người, dù sống cùng hay chỉ quen biết đơn giản cậu. Trong suốt một tuần lễ, đã nghiền ngẫm về điều này, cứ tự hỏi sau cùng tớ có bất công và có lầm lẫn trong cách đánh giá cậu hay không? Đến cuối tuần thì tớ nhận được một lá thư của mẹ cậu đã giải thích toàn bộ cảm tưởng của tớ về cậu. Bà nói về sự ngạo mạn mù quáng của cậu, quá độ đến nỗi cậu khinh rẻ gia đình cậu và phỉ báng anh cả của cậu là « vô văn hoá ». Sự hung hãn của cậu làm bà nghi ngại cho cuộc đời cậu, cái đời mà bà cảm thấy, bà biết, cậu sống ; từ cách xử sự của cậu về những gì liên quan đến tiền bạc đối với bà rất đáng sợ ; sự suy tàn và tính thay đổi nơi cậu. Bà quan tâm về sự thừa hưởng nặng nề cho cậu và nhìn nhận một cách thẳng thắn với nỗi king hoàng : « Đó là một trong những đứa con tôi đã lãnh đủ cái tính khí ghê rợn của dòng họ Douglas ». Bà đã viết về cậu như thế. Bà thấy rằng sau cùng cũng phải bắt buộc đưa ra ý kiến đó, tình bạn của cậu và tớ đã làm tăng thêm sự cao ngạo trở thành nguồn cho mọi sai lạc nơi cậu. Bà khẩn khoản yêu cầu tớ đừng để cậu thu xếp một cuộc gặp gỡ nào ở ngoại quốc. Tớ trả lời bà ngay và khẳng định rằng tớ hoàn toàn đồng ý với từng câu bà nói. Và tớ đi rất xa, xa nhất có thể đi được. Tớ nói với bà rằng cậu chính là cội rễ của tình bạn chúng ta khi mà, sinh viên Oxford, cậu đến xin tớ giúp đỡ về một việc đặc biệt khó khăn. Tớ thêm rằng cuộc sống của cậu đã luôn xáo trộn y hệt như thế. Cậu đã gán tội cái lý do của việc đi Belgium cho người bạn đường của cậu và bà Bô cậu bèn đổ lỗi cho tớ đã giới thiệu cậu với họ. Tớ kết tội cho kẻ trách nhiệm chính là cậu. Tớ đã xác nhận với bà rằng không hề có ý định gặp cậu ở ngoại quốc và yêu cầu bà hãy thử giữ cậu ở đấy, như tùy viên danh dự nếu có thể, nếu không để học ngoại ngữ , hay cho tất cả mọi cớ mà bà có thể chọn lựa, trong ít nhất hai ba năm, cho quyền lợi của  cậu cũng như của tớ.

    Trong khi đó, cậu cứ viết cho tớ hết thư này đến thư khác từ Egype. Không trong trường hợp nào tớ trả lời cả. Đọc xong rồi xé hết. Tớ cương quyết chẳng còn gì để nói với cậu và nhất định hiến mình cho nghệ thuật với niềm vui mà đã dứt điểm cậu. Được đâu khoảng ba tháng, bà Bô cậu, với sự yếu đuối khốn khổ đặc trưng của bà, trong bi kịch của đời tớ, là một yếu tố không kém phần khốc hại của bạo lực bố cậu, lại viết cho tớ

- với sự xúi giục của cậu, tớ không chút ngờ vực gì về điều này - nói rằng cậu mong mỏi cùng cực được biết tin tức tớ, để tớ không còn viện được cớ nào mà không nói chuyện với cậu, cho tớ địa chỉ cậu ở Athens, tất nhiên tớ biết nó chứ! Thú nhận là lá thư đó đã làm tớ kinh hoảng, sau những gì bà viết vào tháng mười hai, và những lời lẽ tớ viết lại, rằng bà không có cách nào nối lại được tình bạn đau khổ của tụi mình. Đương nhiên, tớ lại trả lời thư, mời bà cứ việc thử để cậu liên hệ với vài toà đại sứ ở nước ngoài để ngăn không cho cậu về Anh quốc ; nhưng tớ đã không viết cho cậu và làm ngơ những điện tín của cậu, y như trước khi mẹ cậu viết thư. Sau cùng, cậu đã đánh điện cho vợ tớ để van xin ảnh hưởng của nàng khích lệ tớ viết cho cậu. Tình bạn tụi mình đã luôn là nguồn ưu tư cho nàng, không chỉ vì nàng đã chẳng bao giờ có thiện cảm với cậu, mà nàng đã thấy sự có mặt của cậu đã làm tớ thay đổi biết bao, và không phải cho hướng tốt. Tuy thế, nàng đã luôn tỏ ra khả ái và niềm nở với cậu. Nàng không chịu đựng được ý tưởng để cho tớ thiếu lòng khoan dung - ít ra nàng có vẻ như thế  - với bất cứ người bạn nào của tớ. Nàng tin, và biết đó là điều lạ lùng trong tính tình tớ. Chiều ý nàng, tớ nhắn tin cho cậu. Tớ nhớ rõ mồn một nội dung của bức điện tín. Tớ nói thời gian sẽ làm lành tất cả mọi vết thương, nhưng rằng trong nhiều tháng tới, tớ sẽ không viết và cũng sẽ không gặp cậu. Cậu đã đi Paris ngay sau đó, cùng lúc trên lộ trình gửi cho tớ những điện tín thiết tha kêu nài tớ cho cậu được gặp mặt một lần. Tớ đã từ chối.

     Cậu đến Paris vào một chiều thứ bảy, rất trễ. Một bức thứ ngắn gọn của tớ đợi cậu tại khách sạn, tuyên bố là không muốn gặp cậu. Vậy mà hôm sau, tớ nhận được ở Tite Street, một bức điện tín dài cả mười hay mười một trang. Cậu thảo trong đó rằng dù cho cậu đã làm gì chăng nữa, cậu cũng chẳng thể tin được rằng tớ khăng khăng từ chối không muốn gặp cậu. Cậu nhắc lại rằng chỉ trong mục đích được gặp tớ, dù một giờ mà thôi, cậu sẽ hành trình xuyên qua châu Âu không ngưng nghỉ một lần nào, trong sáu ngày và sáu đêm. Và cậu đã làm điều đó, tớ phải nhìn nhận, như lời kêu gọi thống thiết nhất cho tớ cảm giác một sự đe dọa tự vận, sự đe dọa không cần che giấu. Chính cậu thường xuyên nói với tớ đã có không biết bao nhiêu người trong dòng họ cậu, tay từng vấy máu bằng chính máu của họ : ông chú của cậu chắc chắn, có thể ông nội cậu nữa, cùng những thành phần khác của một dòng máu điên loạn mà cậu phát xuất từ đấy. Tình thương hại, lòng cảm mến cũ của tớ với cậu, niềm lo lắng của tớ cho bà Bô cậu, đối với người mà cái chết của cậu trong những cảnh tượng ghê rợn sẽ gần như không thể chịu đựng nổi. Sự kinh hoàng của tớ với tư tưởng một người trẻ như thế, một người mà giữa tất cả những khuyết điểm tồi tệ, còn chứa đựng một sự hứa hẹn của vẻ đẹp, sẽ kết liễu một cách tàn độc như thế ; một tình nhân đạo đơn giản trong tớ, tất cả những điều đó tớ dùng làm cớ để - nếu những cái cớ là cần thiết - có thể đồng ý cho cuộc hội kiến cuối cùng.    

    Lúc tớ đến Paris, suốt buổi tối đó, những giọt nước mắt như mưa tuôn chảy trên hai má cậu trong suốt bữa ăn tại Voisins, rồi lúc ăn khuya ở Paillard, niềm vui thật sự mà cậu bày tỏ khi gặp tớ, cầm tay tớ mỗi lần có thể cầm, như một đứa trẻ ngoan ngoãn biết hối lỗi. Sự ân hận của cậu, đơn giản và thành thật làm tớ xiêu lòng mà nối lại tình bạn của tụi mình. Hai ngày sau khi về lại London, ông Bô cậu vừa nhác thấy cậu ăn trưa với tớ ở Café Royal, bèn đến ngồi ở bàn, rót rượu vang của tớ uống và sau trưa hôm đó, bằng một lá thư gửi cho cậu, ông ta bắt  đầu tấn công tớ lần đầu tiên.

    Có thể ông ấy bất thường chăng khi thêm lần nữa lại gây sức ép với tớ ? Tớ không nói là cơ hội mà phận sự chia rẽ bọn mình. Và tớ cũng chẳng cần nói với cậu về cách cư xử của cậu đối với tớ ở Brighton từ 10 đến 13 tháng mười 1894. Lùi lại về ba năm trước với cậu là một thời kỳ dài. Nhưng khi sống trong tù ngục, ta chẳng có gì trong sự hiện hữu ngoài nỗi sầu đau, phải đo lường thời gian bằng những cơn ray rứt và từng kỷ niệm của những phút đắng cay. Ta có thể nghĩ gì khác được? Nỗi đớn đau, mà cậu có thể cho là lạ lùng, là bằng chứng duy nhất trong sự hiện hữu tụi mình chỉ vì bởi nó mà chúng ta nhận thức được để hiện hữu, và kỷ niệm của nỗi khổ dĩ vãng cần thiết cho ta như để xác thực, như nhân chứng thường nhật của sự nhận dạng chính mình. Giữa tớ và hạnh phúc kỷ niệm là một vực thẳm không kém sâu hơn vực thẳm hiện hữu giữa tớ và hạnh phúc hiện tại.

    Nếu cuộc đời ta đã sống cùng nhau đã là cuộc đời mà mọi người tưởng tượng : một cuộc đời lạc thú đơn giản, kỳ diệu với tiếng cười, tớ sẽ không có khả năng gợi lại một sự kiện nào về điều ấy đâu! Vì cuộc đời đó chỉ chứa đầy những phút giây và những ngày giờ bi thảm, cay đắng, tối đen, u ám hay kinh hoàng trong những cảnh đơn điệu và bạo lực xấu xa, mà tớ có thể thấy hay nghe  mỗi  điều  xảy ra trong từng chi tiết của nó, tớ không thể, thật thế, thấy hay nghe gì khác được. Nhiều đến nỗi, những người ở hiện trường này, như phải sống bởi sự đau đớn từ tình bạn của tớ với cậu, theo cách mà tớ gắng nhớ lại, luôn cho tớ cảm giác như một khởi đầu của  dư âm biến đổi với những cách lo âu mà tớ phải mỗi ngày nhận thức và, còn hơn thế nữa, như thể cần thiết, cuộc đời tớ đã có thể hiển hiện, trong suốt thời gian đó, là một hoà khúc thật sự của khổ đau được thao diễn qua từng chuyển động liên kết bởi nhịp điệu cho đến sự chấm dứt hoàn toàn, điều khiển bởi tính chất tất yếu, trong nghệ thuật, tạo nên đặc tính xử lý cho mọi đề tài.

    Tớ đang nói về cách cư xử của cậu cách đây ba năm trong ba ngày liên tiếp, đúng không? Một mình ở Worthing, tớ thử viết cho xong kịch bản cuối cùng. Hai lần mà cậu thăm viếng tớ xem như đã xong! Cậu đột ngột xuất hiện lần thứ ba, rước theo một tên bạn mà cậu đề nghị tớ cho ở tạm. Tớ đã từ chối thẳng thừng. Công bằng mà nói, bây giờ cậu nên nhìn nhận điều đó. Đương nhiên, tớ phải chịu đối thọai với cậu, tớ không có sự lựa chọn khác, và hơn nữa, không ở nhà tớ. Hôm sau, thứ hai, bạn cậu về lại nơi công tác, cậu ở lại với tớ. Chán Worthing, và thêm, tớ chắc chắn, mọi cố gắng của tớ đều vô hiệu để tập trung viết nốt vở kịch, điều duy nhất mà tớ thật sự chú ý lúc này là cậu nài nỉ tớ mang cậu đến Grand Hôtel ở Brighton. Khi mình đến đó vào buổi chiều, lần thứ hai cậu ngã bệnh, nếu không là lần thứ ba, với một cơn sốt chậm khủng khiếp, được gọi một cách ngu xuẩn là cúm. Tớ chẳng cần nhắc cho cậu biết về sự chăm sóc của tớ đối với cậu. Ngoài những hoa và trái cây, quà cáp, những quyển sách, những thứ khác nữa mà tiền có thể mang lại được, tớ đã phung phí tình cảm của mình, sự trìu mến, tình yêu mà cậu nghĩ gì chăng nữa, không tiền nào có thể mua được. Ngoài một tiếng đồng hồ đi dạo buổi sáng và một tiếng đi chơi bằng xe ngựa, tớ đã không hề rời khỏi khách sạn, bày chuyện để cậu được vui, ở bên cậu, hoặc trong căn phòng tiếp  cận với phòng cậu, và ngồi bên cậu suốt buổi chiều tối, luôn thử xoa dịu hay làm cho cậu cười. Sau khoảng bốn năm ngày, cậu bình phục, tớ thuê một căn nhà để viết nốt vở kịch. Cậu đi theo tớ, đương nhiên. Sáng hôm sau ngày dọn đến đấy, đến lượt tớ ngã bệnh nặng. Cậu phải đi London vì công việc, nhưng cậu hứa quay về sau trưa. Ở London, cậu gặp một người bạn và chỉ trở lại hôm sau rất trễ. Tớ bị một trận sốt kinh hoàng và bác sĩ nhận định tớ đã bị lây cúm từ cậu. Không gì có thể bất tiện hơn cho một người bệnh là phải ở trong căn nhà đó. Phòng khách ở lầu một và phòng ngủ của tớ ở tận trên lầu ba. Không đứa đày tớ nào lo cho, không ai một ai gửi lời thăm hay đi mua thuốc mà bác sĩ kê toa. Nhưng cậu ở đó, tớ không hề thấy lo lắng gì. Thế mà hai ngày sau đó, cậu đã để cho tớ hoàn toàn một mình, không được săn sóc, không sự thăm viếng, chẳng có gì cả. Không phải vấn đề là chùm nho, bông hoa, quà cáp mà chỉ là sự cần thiết thôi : tớ đã không thể có sữa mà bác sĩ khuyên nên uống, nước chanh cũng chẳng thể tìm thấy. Khi tớ hỏi cậu mang về giùm một quyển sách từ tiệm sách, trong trường hợp nếu không có quyển tớ muốn thì chọn một quyển khác, cậu đã chẳng bao giờ buồn đi hộ, hậu quả là tớ nằm lại suốt một ngày trong phòng không có gì để đọc, cậu thản nhiên nói với tớ là cậu đã mua quyển sách và người ta hứa sẽ gửi nó đến, sự thể mà, sau này tớ khám phá ra, tình cờ, hoàn toàn sai từ đầu đến cuối. Đương nhiên, trong suốt thời gian đó, cậu sống bằng tiền của tớ, đi dạo bằng xe ngựa, ăn uống ở Grand Hôtel, chỉ xuất hiện trong phòng tớ để đòi tiền. Chiều thứ bảy, sau khi đã để tớ một mình suốt và không được chăm sóc từ sáng đó, tớ nói với cậu trở lại sau khi ăn trưa ngồi cạnh một lát. Không một chút nhã nhặn và bằng một giọng khó chịu, cậu hứa với tớ. Tớ đã đợi cậu đến mười một giờ và cậu không đến. Tớ đành để tiền cho cậu ở trong phòng để nhắc cậu lời hứa đó. Đến ba giờ sáng, không ngủ được và bị tra tấn bởi cơn khát, tớ lò mò trong lạnh lẽo và bóng tối để xuống phòng  khách với hy vọng tìm  thấy chút nước. Tớ thấy cậu. Cậu vồ lấy tớ với những lời thô bỉ nhất có thể, gợi trạng thái kích động và bản chất thô lỗ vô kỷ luật. Bởi thuật giả kim kinh khủng của sự ích kỷ, cậu đã tráo đổi lòng ân hận bằng cơn giận dữ. Cậu kết tội tớ ích kỷ bắt cậu đợi và ở cạnh lúc tớ ốm, để ngăn chận cậu vui chơi, tước đi những trò giải trí của cậu. Cậu nói - và đúng thế, tớ biết - rằng cậu chỉ về khoảng nửa đêm để thay quần áo rồi lại đến nơi mà cậu hy vọng sẽ có những thú vui mới đợi chờ cậu, khi để lại cho cậu một lá thư mà trong đó tớ đã nhắc nhở cậu về việc cậu đã thờ ơ với tớ suốt một ngày và suốt buổi chiều, rằng tớ đã tước đoạt của cậu ý muốn giải trí thêm và làm giảm đi khả năng nếm thêm những niềm vui mới của cậu. Nản quá, tớ lên phòng và thức cho đến sáng, và chỉ rất lâu sau đó mới tìm được chút gì uống cho đỡ khát vì cơn sốt. Đến 11 giờ, cậu vào phòng, tớ đã không thể ngăn làm cậu suy gẫm giùm cho nhờ lá thư của tớ, dù sao tớ đã cản cậu đêm đó những điều quá  độ. Cậu hoàn toàn thật sự là cậu. Tớ chuẩn bị một cách tự nhiên để nghe những lời xin lỗi của cậu, tự hỏi sẽ như thế nào và bằng cách nào cậu sẽ thỉnh cầu sự tha thứ, cậu rõ lòng cậu, đợi một cách tất yếu, cho dù cậu đã làm gì, cậu đoan chắc rằng tớ sẽ luôn tha thứ là điều tớ yêu thích hơn hết ở cậu, và có lẽ là điều tốt nhất nơi cậu để có thể yêu thích. Nhưng, không hề hành động như thế, cậu lập lại  cảnh tượng cũ với bạo lực kiểu mới và sự hung hăng còn mạnh hơn. Tớ ra lệnh cho cậu rời khỏi phòng. Cậu có vẻ nghe, nhưng lúc tớ ngẩng đầu lên khỏi cái gối mà tớ vùi mặt vào đó, cậu vẫn đứng và với một tiếng cười man rợ cùng một cơn giận điên cuồng, cậu bước đến phía tớ. Chưa nhận thức được lý do đúng đắn, một cảm giác ghê rợn xâm chiếm, tớ bật dậy rời khỏi giường, dù chân trần, tớ xuống ngay phòng khách từ hai lầu cao, rồi ở lại đó cho đến lúc người chủ nhà đảm bảo với tớ là cậu đã rời phòng và hứa sẽ can thiệp nếu cần. Một tiếng sau, giữa lúc bác sĩ khám cho tớ, đương nhiên, trong một trạng thái suy sụp tinh thần và với cơn sốt còn nặng hơn trước ; cậu trở về không một tiếng động để lấy tiền. Cậu đã lấy tất cả những gì cậu tìm thấy trên bàn phấn và trên lò sưởi, và cậu đã rời nhà với hành lý …

   ( còn tiếp )

 

 

 

Đỗ Nguyễn
Số lần đọc: 673
Ngày đăng: 19.12.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dọc đường văn nghệ (Phần 64) Lưu xông pha (Hoài diễm từ): tâm trạng cùng cực cô đơn - Trần Dzạ Lữ
Lời trần tình (phần 2) - Đỗ Nguyễn
1919 Carl Spitteler (Thụy Sĩ, 1845 – 1924) - Lê Ký Thương
Lời trần tình - Đỗ Nguyễn
Người thi sĩ Việt đầu bạc trắng trên nước Nga - Nguyễn Anh Tuấn
"Đoàn Đình Thạch" Người đi, tiếng hát còn vọng lại. - Trương Văn Dân
1913 Rabindranath Tagore (Ấn Độ, 1861 – 1941) - Lê Ký Thương
Nhà văn Ngô Thảo, sống và viết hết mình vì đồng đội - Minh Tứ
1912 Gerhart Hauptmann (Đức, 1862 – 1946) - Lê Ký Thương
1911 Maurice Maeterlinck (Bỉ, 1862 – Pháp, 1949) - Lê Ký Thương
Cùng một tác giả
Ngọn gió nào… (truyện ngắn)
Tả ngạn (truyện ngắn)
Cây rừng vô cảm (truyện ngắn)
Chân mây xa vời (truyện ngắn)
Triền dốc lãng quên (truyện ngắn)
Chiều phai Dã Quỳ (truyện ngắn)