Lê Hoàng Tuấn Kiệt xuất hiện trên FB mấy năm gần đây thôi, nhưng đã gậy sự chú ý của nhiều người quan tâm đến văn học.Vì đâu? Đó là một người trẻ, rất trẻ mà đã dày công nghiên cứu văn chương,nghệ thuật rồi tải lên cho bạn đọc thưởng ngoạn hầu hết các tác phẩm hay, bất tuyệt, của các thế hệ đi trước và đi sau trong công việc kiếm tìm những viên ngọc trai lóng lánh cho văn học ( nhất là về thi ca)
Tôi thấy cậu yên mến, trân trọng và thường cập nhật thơ Tô Thuỳ Yên.Một tác giả trong nhóm Sáng Tạo( trước 75) cùng thời với Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền,Trần Dạ Từ…Chàng tuổi trẻ yêu quý Tô Thuỳ Yên cũng phải bởi thi ngôn của bậc đàn anh này luôn khiến chúng ta đọc để suy nghĩ và xé lòng trước bể dâu đời sống và thi ảnh, dẫu có lúc anh- hùng -tận, vẫn kiên gan dưới trời giông bảo để mong nhặt nhạnh lại nhân văn từng rơi rớt… hầu đắp ấm tim người!
Và sau đó, Lê Hoàng Tuấn Kiệt đã giới thiệu thi ca hầu hết người viết từ Nam chí Bắc, không phân biệt ai, miễn là chàng soi rọi ra những vầng sáng lung linh trong tâm thức sáng tạo của họ và nhanh nhạy post lên trang mạng.
Chú, cháu biết và quen nhau trên trang mạng vì cùng cảm thức và đồng điệu văn chương (thi ca) như thơ của F.Nietzsche :
Biết mình đến từ đâu
Khát khao như ngọn lửa
Bốc cháy và tự thiêu
Ta sờ, hừng ánh sáng
Ta đi, rụi tàn tro
Chính ta là lửa đỏ
(F.Nietzsche, Thơ)
Còn R.Tagore thì phát biểu ““Cũng như nụ cười và nước mắt, thực chất của thơ là phản ánh một cái gì đó hoàn thiện từ bên trong”. (R.Tagore)Quá hay !Điều này chú( cũng như Kiệt) luôn tìm kiếm, hoài mong, đúng không nào?
: Vì vậy, rất mong có 1 ngày gặp gỡ.Tháng 10.2018, chị tôi, Lê Ái Niệm từ Đà Nẵng bay vào TP, rủ tôi đi thăm chàng tuổi trẻ nơi cùng trời cuối đất của xứ dừa.Đây là dịp tôi về thăm lại nơi tôi đã từng:” Bến Tre ơi! Áo quần phèn vàng cháy cả tương lai…” của những năm tháng cũ càng.Chúng tôi hợp đồng 1 chiếc xe 7 chỗ đi về trong đêm.Xe rời thành phố và lao đi như tên bắn.Tài xế là tay lái lụa.Chỉ mấy tiếng sau là đến châu thành Bến Tre.Nhưng đến xã Tân Xuân huyện Ba Tri vẫn còn xa bởi sẽ là thăm thẳm chiều trôi !.Tôi im lặng nhìn trời, ngắm đất, còn chị Niệm và Bảo Bình thì cứ huyên thuyên chuyện này tới chuyện nọ.Quá trưa, xe cũng tới xã Tân Xuân.LHTK đi xe Honda ra đón vào nhà.Đường đi vào nhà Kiệt phải luồn dưới những hàng tre xanh rậm rạp.Đúng là nơi cùng trời cuối đất.Tuy vậy, nhà Kiệt ở cũng rộng rãi, bề thế.Do Kiệt nói trước, nên anh chị Hải Đường và cháu Lan ra đón chúng tôi bằng nụ cười niềm nở nghe ra mùi thân thiện.Chúng tôi được thết đãi một bữa ăn thật ngon miệng: Bánh tráng cuốn rau sống, cá lóc đồng.Gà xé phay và nấu cháo có đậu xanh.Sau bữa ăn, tôi tranh thủ ngắm vườn lan của nhà kiệt.Đặc biệt tôi chú ý cây dứa dại một mình mọc thẳng đứng như chọc trời xanh.Một hình ảnh biểu tượng cho người quân tử -quá thích!.Sau đó Kiệt dẫn ba chị em chúng tôi đi tham quan một số nơi là di tích của huyện Ba Tri.
9 giờ đêm, chúng tôi chia tay trong tiếc nuối.Vẫn mong một ngày rất gần gặp lạị vì còn nhiều chuyện để trải lòng như tri kỷ…
Nhưng từ bấy đến nay, dịch bệnh chia lìa chúng tôi dù lòng chưa bao giờ” ngại núi e sông”.Chỉ tiếc là ba của kiệt đã từ giã cõi nhân gian vào tháng 3 năm 2021.Chúng tôi không về được.Chỉ chia buồn trên FB.Giờ đây, còn cách online để thấy nhau bình an, mạnh khoẻ là mừng.
Kiệt ít làm thơ.Nhưng thơ LHTK bài nào ra bài đó.Rất thâm trầm mà cũng tình mênh mang.Giới thiệu với bạn đọc 4 bài thơ của Kiệt:
THƠ LÊ HOÀNG TUẤN KIỆT
Tặng chú Trần Dzạ Lữ
Thủa ấy người về đất Bến Tre
Lửa binh cháy đỏ khắp đường quê
Non sông tanh tưởi mùi chiến địa
Chinh nhân đi chẳng hứa hẹn về.
Thời ly loạn biết sao sống chết
Xếp bút nghiên, gươm súng lên đường
Cái buổi đăng trình trào nước mắt
Mẹ tiễn con, chị vẫy chào em.
Người chị gái đọc thơ tiễn biệt
Chúc em đi chân cứng đá mềm
Em đi rồi, chị làm thơ ai đọc?
Em đi rồi, lệ chảy ngược vào tim.
Mà biết làm sao được hỡi trời?
Nỗi hờn sông núi thể nào vơi
Đất nước điêu linh, ta sao ngoài cuộc?
Chén rượu hồng, uống cạn rồi đi.
Người tự miền Trung vào Bến Tre
Thân trai thời loạn thủa nào yên
Ngàn đêm thức trắng phơi sương gió
Nghe đạn bom rung giữa trận tiền.
Mỏ Cày đêm ấy người đụng trận
Cả đoàn quân gục chết hàng hàng
Tạ đất trời người còn sống sót
Bom đạn bất dung, chết như chơi.
Về đến Ba Tri khói ngập tràn
Hỏa châu đỏ rực khét trời đêm
Có người ngã xuống ôm lòng đất
Có kẻ vong thân vẫn ôm cờ.
Chiến cuộc tàn, anh hùng mạt lộ
Người trở về lơ láo giữa non sông
Bạn bè thân, kẻ còn người mất
Nghĩa địa lạnh tanh nhang khói mộ phần.
Rồi sau đó tháng ngày lay lắt
Quăng quật áo cơm giữa chợ đời
Bán rau, giữ xe, người làm tất
Bạc lẻ này, mặn chát vị mồ hôi.
Đời bạc bẽo, nhưng không quỵ ngã
Vịn câu thơ đứng thẳng làm người
Mặc cho những kẻ tham chung đỉnh
Người vẫn vui đùa con chữ thôi.
Hôm nay về lại đất Bến Tre
Đâu rồi chuyện dữ, quá vãng xa
Đâu rồi tấm áo chinh y cũ
Đâu lớp phong rêu bạc dấu thù.
Vẫn còn lớp lớp trang bi sử
Còn đó đôi môi góa phụ buồn
Còn đó mẹ già ngồi lặng lẽ
Ưu sầu ngồi đếm những thê lương.
Ruộng mía ngày xưa cháy ngút ngàn
Đôi bờ trang trắng đượm màu tang
Những liếp dừa xanh gường gượng đứng
Chương đời này, liệu đã sang trang?
Thôi thì thế sự gác sang bên
Người đã về đây, trọn vẹn tình
Uống cạn ly này vui hạnh ngộ
Say rượu say tình đến ba sinh
.
Thôi người về với kinh thành ấy
Nhớ giùm nếu có những đêm vui
Thì rót cho ta ly rượu mạnh
Gửi về đây để lãng quên đời.
GỬI NGƯỜI NỮ SĨ CỦA HUẾ XƯA
Tặng cô Lê Ái Niệm
Buổi trưa đổ lửa rợp trời quê
Nắng chang chang dội lối đi về
Giang hồ tứ chiếng mừng hạnh ngộ
Về tận miền Tây, những ước thề.
Đây người nữ sĩ của Huế xưa
Đời cô là những chuyện gió mưa
Vẩy bút tung trời, thơ gầm thét
Chim lặng gió ngừng đưa đẩy đưa.
Này thơ Tường Linh, thơ Thiếu Khanh
Dọc ngang ngang dọc thủa tung hoành
Cái giọng Huế kia, sao yêu thế
Ơi người tôn nữ chốn hoàng thành.
Lửa rượu lên rồi, thơ vút cao
Tiếng thơ trầm bổng, gió chênh chao
Trầm luân tục lụy, đời bạc trắng
Cũng chả buồn luyến tiếc điều chi.
Luyến tiếc làm chi sự đã qua
Đôi chân trải dọc khắp sơn hà
Bầu rượu túi thơ, say bè bạn
Đã đời rồi, cần đến vinh hoa?
Ta biết người sầu như chính ta
Ưu thời mẫn thế nước non nhà
Liệng ném trái sầu vang trời bể
Thế sự nào, người chửa kinh qua?
Ta biết người buồn như chính ta
Những cây cổ thụ héo hon già
Mai kia rụng xuống, thương biết mấy
Đốt đuốc đi tìm thần tượng xưa.
Ta biết người vui như chính ta
Đây niềm tri ngộ kết vòng hoa
Vòng hoa đỏ rực trời quan tái
Ghì chặt vào lòng, nước mắt sa.
Bèo mây hạnh ngộ, giờ chiết liễu
Người về cố quận, mấy trùng khơi
Ta sầu ở lại chênh vênh đứng
Giữa cuộc trần gian khóc lộn cười.
Này xứ dừa xanh, xanh biển dâu
Này thơ Đồ Chiểu vọng nơi đâu?
Này nước dừa tươi chan nước mắt
Chỉ có thơ thôi chửa phai màu.
Có vạn lời thơ, vạn tấm lòng
Có trời thương nhớ chất mênh mông
Có chén rượu thơm lưu luyến cũ
Còn chảy vào lòng đến ngàn sau.
Thôi uống chén này nữa rồi đi
Đường xa thiên lý có hề chi
Ta không dư dả kho châu ngọc
Nhưng biết cúi đầu nhớ cố tri.
10.2018
TỪ ĐỘ BA ĐI KHÔNG VỀ NỮA
gửi theo hương hồn ba
Từ độ ba đi không về nữa
Nhành mai cố quận chẳng nở bông
Vườn xưa có ong bay bướm lượn
Giờ gió nhẹ qua cũng quặn lòng.
Gió ơi, này gió, cho ta nhắn
Hỏi đám mây trời bóng người xa
Cánh hạc về đâu ngoài muôn dặm
Có luyến thương reo hỏi tin nhà?
Từ độ ba đi không về nữa
Hàng rào trang trắng đứng chơ vơ
Bàn tay cắt tỉa giờ đâu nhỉ
Có nhớ người đi lạc bến bờ?
Người đi vào cõi trăm năm ấy
Đến cỏ cây kia cũng biết buồn
Đến bông trang trắng như thùy lệ
Chẳng lẽ con quên cội quên nguồn?
Từ độ ba đi không về nữa
Mẹ có sụt sùi những đêm giông
Chị có bàng hoàng nghe tiếng vọng
Giữa cõi mênh mông dậy sóng lòng.
Cảnh nhà hiu hắt từ buổi đó
Ngọn đèn u hiển thắp suốt đêm
Nếu chợt ba về trong giấc mộng
Cũng đành tâm, máu chảy ruột mềm.
Từ độ ba đi không về nữa
Hầm rượu năm xưa cũng lạnh lòng
Bao cuộc phong trần, ly rượu tận
Con về hâm lại, tấm lòng trong.
Con giờ chẳng uống say điên đảo
Không chạy lao theo những trò đời
Con không hút thuốc như ba vậy
Nhưng khói bay vèo lệ vẫn rơi.
Từ độ ba đi không về nữa
Nhạc Trịnh ngân nga đến cuối trời
Cho người nằm xuống, sầu không nhỉ
Thơ Đinh Hùng, ba đọc thảnh thơi.
Con giờ biết nói sao cho hết
Thôi viết đôi dòng gửi đến ba
Con vẫn là đứa con bé dại
Vẫn muốn ôm chầm nũng nịu ba.
07.2021
NÀY CÔNG CHÚA NHỎ CỦA BA ƠI
gửi Lê Hoàng Khải My
Này công chúa nhỏ của ba ơi
Nụ cười luôn hãy nở trên môi
Trong cơn thảo muội, đời bạc trắng
Chợt tiếng reo vui cũng đủ rồi.
Mây đen giăng mắc trời cố quận
Muông thú thôi nốn náo gọi bầy
Đại nạn cúm Tàu tràn muôn nẻo
Quê nhà thương tích, xót xa thay!
Này công chúa nhỏ của ba ơi
Ba muốn con luôn thấy màu hồng
Tuổi nhỏ thần tiên - riêng con đấy
Giữa chiếc nôi hiền, ấm lòng không?
Ngoài kia thiên hạ tung mù khói
Cật vấn tử sinh, lạc nẻo đời
Hỡi ôi, cung kiếm ngang trời gãy
Ba vẫn đi về giữa trùng khơi.
Này công chúa nhỏ của ba ơi
Cây dừa quê ngoại chắc xanh tươi
Màu xanh phất phới khơi hy vọng
Ló rạng một mai ánh mặt trời.
Ba ở nơi này, thương con lắm
Tân Xuân - Tân Thủy chẳng cách lòng
Con ơi, chốt chặn rào gai ấy
Nghĩ đến mà đau, con biết không?
Này công chúa nhỏ của ba ơi
Mảnh sân nhà nội nhuốm ưu sầu
Tường vi đứng đó không thèm nở
Bìm bịp kêu chiều, lạc về đâu?
Con ra đời khi ông nội mất
Lòng ba bàng bạc nỗi ngổn ngang
Chân không đứng vững trong sầu bão
Nghiêng ngửa đất trời những mang mang.
Này công chúa nhỏ của ba ơi
Quà cho ba là tiếng con cười
Quà cho con là bài thơ nhỏ
Ba đọc hôm nào, con mừng vui.
Bài thơ ba đọc con còn nhớ
Những chùm khế ngọt của quê hương
Nhớ ba thì áp vào lòng mẹ
Dòng sữa ngọt ngào - đấy nguồn thương!
07.2021
TIỂU SỬ
Chính tên: Lê Hoàng Tuấn Kiệt
Năm sinh: 1992
Chính quán: Ba Tri - Bến Tre
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm TP.HCM, chuyên ngành Sư phạm Tin học, và hiện đang giảng dạy tại quê nhà.
Từng viết bài cộng tác với một vài tờ báo quốc nội, ở địa hạt thể thao.
Làm thơ không nhiều, chủ yếu tùy hứng.
( Xuyên Mộc tháng 12.2021)
Hình Lê Hoàng Tuấn Kiệt và con đầu lòng