Lần đầu tiên tôi và Elena được thưởng thức giọng hát của chị là một buổi sáng đầu thu trong một chương trình… tự phát ở quán cà phê sân vườn. Sáng hôm ấy, theo lời mời của bác sĩ nhà văn Đỗ Hồng Ngọc chúng tôi đến gặp nhau, thăm hỏi và nói chuyện văn chương như mọi lần. Cứ tưởng là chỉ có vợ chồng tôi và bác sĩ Ngọc, Elena sẽ được líu lo với anh Ngọc, nhưng đến nơi thì thấy còn có anh chị Lê Ký Thương, Cao Kim Quy và một người phụ nữ nhỏ nhắn, có khuôn mặt xinh đẹp và nụ cười thân thiện.
Đó là một nơi hoang sơ bên cạnh dòng suối với những chiếc lá vàng đong đưa và thật khó thể nghĩ là nó nằm ngay giữa lòng thành phố!
Khi anh Ngọc giới thiệu người phụ nữ đó là chị Thu Vàng, một ca sĩ nổi tiếng và được mọi người yêu mến thì tôi thú thật là mình chưa biết vì ít nghe nhạc thì chị vội vàng nói mấy câu khiêm tốn. Giọng nói của chị nhỏ nhẹ, rõ ràng và cho biết là mới từ miền Trung vào tối hôm trước nên sáng nay đến cà phê cùng các bạn.
Một nhà soạn nhạc người Ý đã nói là âm nhạc dạy ta im lặng, nên khi có sự hiện diện của một ca sĩ thì khó có thể lắng nghe gì khác, chuyện văn chương cũng đành hoãn lại.
Ngồi một lát anh Ngọc yêu cầu chị hát để tặng Elena về cuộc gặp. Chị hơi ngại ngần, có lẽ do không gian không thích hợp, chỗ ngồi là dưới căn lều lục giác ở ngoài trời, nhưng sáng đó vắng người, “ chỗ bạn bè cả ...” nên cuối cùng chị mỉm cười, đồng ý.
Tôi im lặng ngồi nghe. Tiếng hát mới đầu còn như e dè nhưng sau đó vút cao, uyển chuyển. Nhìn nét mặt chị khi cất giọng tôi nghĩ đó là một người hạnh phúc, ít ra theo cái nghĩa là được sống hết mình với điều mình say mê. Tâm hồn chị như hoàn toàn đắm chìm trong những nốt nhạc, thả hồn trôi theo cảm xúc của ca từ.
Trên khuôn mặt xa vắng, tiếng hát vang vang, trẻ trung, mạnh mẽ… tôi cảm giác như mình đang bị làn sóng âm thanh của người phụ nữ này cuốn hút, mang tâm hồn mình đi xa, về nơi mơ ước, hay có lúc xa hơn, trở về một dĩ vãng xa xôi tưởng chìm đâu đó dưới lớp bụi mịt mờ của thời gian.
Hình như sau đó chị còn hát một hai bài nữa, nhưng ấn tượng của tôi vẫn là bài “Giấc mơ hồi hương” đó. Nhìn chị mỉm cười, nhưng tôi vẫn thấy phảng phất một chút u buồn, có thể là một nét đặc trưng của những người thuộc thế hệ chúng tôi. Ray rức. U hoài.
Một chút ưu tư nhưng không bi luỵ vì dù đã trải qua mất mát hay rơi vào những hoàn cảnh tăm tối sau chiến tranh mà niềm tin vào cuộc sống vẫn tròn đầy.
Những bài chị hát sáng hôm đó, tuy ở ngoài trời, không cách âm, không nhạc đệm.. thế mà tiếng hát cứ ngân vang trong không gian mở, tự nhiên, không màu mè kỹ thuật nhưng để lại trong tôi một ấn tượng khó phai. Còn Elena thì xúc động xem đó như một món quà tặng thân tình.
SG 22.11.2015
-
Sau lần ấy chúng tôi còn gặp nhau vài lần ở các buổi ra mắt tập san văn học Quán Văn. Có khi chị đến như một độc giả, có khi tham dự văn nghệ và lần nào cũng được mọi người cổ vổ nhiệt liệt.
Văn và nhạc, thế là chúng tôi cùng chia sẻ cảm xúc nghe và đọc. Chị đã đọc và đồng cảm với nhân vật Gấm trong tiểu thuyết Bàn tay nhỏ dưới mưa[1] của tôi và yêu thích bài hát cùng tên mà nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên đã cảm tác sau khi đọc. Chị nói rằng mình sẽ tập và hát để chia sẻ với các bạn nhưng có lẽ đến giờ chưa có thời gian, tuy vậy ái nữ của chị, ca sĩ Vân Châu[2] đã hát rất thành công trong một buổi sinh hoạt Quán Văn.
Đầu năm 2017 chúng tôi còn gặp chị ở một đêm văn nghệ tại Quán Cây mà người dẫn chương trình hôm đó là nhà văn- dịch giả Trịnh Y Thư. Đêm ấy có rất đông văn nghệ sĩ Sài Gòn. Có lẽ đó là lần gặp cuối vì sau đó thì nghe tin chị đã đi ra nước ngoài nên sẽ ít khi còn có dịp sinh hoạt cùng Quán Văn. Thú thật là tôi hơi bất ngờ vì ở tuổi này mà chị vẫn “còn mãi ra đi”. Tất nhiên mỗi người đều có một lý do riêng mà người ngoại cuộc không thể lạm bàn. Thế nhưng tôi chợt nhớ đến bài Giấc mơ hồi hương mà chị hát hôm nào và lòng bỗng xôn xao một nỗi bồi hồi.
Tuy ở xa, nhưng thỉnh thoảng chúng tôi có liên lạc qua Facebook thăm hỏi về sinh hoat của nhau. Chị cũng thường đọc, bình luận hay chia sẻ những bài viết của tôi.
3- Qua một bài phỏng vấn được biết Thu là tên thật và nghệ danh Thu Vàng phát xuất từ nhạc phẩm của nhạc sĩ Cung Tiến mà chị hát khi còn nhỏ rồi sau đó trở thành tên trong nghệ thuật.
Say mê âm nhạc cổ điển từ thuở nhỏ nhưng vừa lớn lên thì chỉ nghe những bài hát không hợp sở thích nên chị thường tìm và nghe lại những ca khúc cũ, giấu biệt các sách như “Methode de Guitare” của Ferdinando Carulli và “Kỹ thuật hát” của Tống Ngọc Hạp dưới đống củi, thỉnh thoảng mới dám đem ra luyện tập. Không qua trường lớp, tự học, luyện thanh trong đêm, nhiều lần chị phải nén giọng để âm thanh không lọt ra ngoài.
Có lẽ từ những ấm ức, dồn nén từ ngày đó nên tiếng hát của chị như là tiếng ngân của hoài niệm và ẩn chứa một niềm khao khát tự do.
Bằng những làn sóng âm thanh chị đã âm thầm làm sống lại những bài hát một thời vang bóng, chở kỷ niệm tưởng chừng quên lãng về với thính giả hôm nay. Xem đam mê ca hát như một cách thoát khỏi những ràng buộc bởi thời gian và chắp cánh bay về chốn an lành của thời thơ ấu.
Dường như chị Thu Vàng thích chọn những bài hát có chủ đề quê hương, thường trình diễn những ca khúc tiền chiến, có khi đòi hỏi kỹ thuật hát cao và kén chọn người nghe. Thì ra trong cái thân hình mảnh mai của chị vẫn có một tự tin và bản lĩnh vững vàng. Chị hát những gì mình thích, không theo xu thế và không theo quy luật thì trường, có lẽ sẽ có ít người nghe, nhưng cái số ít ấy rất “chất” vì đều là những người đồng cảm.
Nhiều người nhận xét rằng giọng hát của ca sĩ Thu Vàng có âm hưởng người này, người kia nhưng riêng cá nhân tôi, một kẻ ngoại đạo thì cảm nhận theo một cách khác. Tiếng hát giống như màu sắc và hương hoa, mỗi loại mỗi khác, mỗi người mỗi giọng. Nhưng thổi được hồn vào bài hát mới tạo nên nét độc đáo và khác biệt giữa tiếng hát Thu Vàng với những ca sĩ khác. Sau khi nghiên cứu kỹ nhạc và lời của ca khúc, giọng hát của chị âm vang, có khi cao vút như tiếng sáo diều lơ lửng, có lúc rộn ràng, hùng tráng cố gắng chuyển tải cảm xúc của người đã viết ra bản nhạc đó.
Hãy nhìn khuôn mặt đầy biểu cảm và say mê của chị khi diễn đạt bài ca, các sớ thịt và âm thanh như nói lên tâm hồn con người đang vươn tới cái cao cuả thân phận và tình yêu; Trái tim nhạy cảm của chị đang hát mà như đang phóng cọ để vẽ lại những bức tranh nghệ thuật và rung động của các nhạc sĩ khi sáng tác.
Được một ca sĩ trình bày ca khúc của mình như thế cũng là một may mắn cho người nhạc sĩ.
4 - Gần đây các chương trình âm nhạc ở hải ngoại, với góp mặt của nhiều ca nhạc sĩ, nhưng chủ đề chính là ra mắt các CD của ca sĩ Thu Vàng thường thì hội trường không còn một chỗ trống. Tôi đọc tin và rất mừng cho sự thành công của chị.
Có lẽ vì chị đã thể hiện thật trọn vẹn những ca khúc mà mình đã chọn, thổi hồn vào trong tiếng hát và để lại nhiều sâu lắng trong lòng người nghe
Vì, nói theo giọng hát Opera người Đức - Klaus Baumgarten thì " Âm nhạc đã kết nối chúng ta với nhau để cùng cảm nhận những vẻ đẹp của cuộc sống".
Milano 25-4-2021
Năm thứ hai cách ly vì covid 19
Nhà văn Trịnh Y Thư, ca sĩ Thu Vàng và TVD
Ru ta ngậm ngùi- ca sĩ Thu Vàng