Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.184
123.211.033
 
Khoảng lặng từ những nỗi đau và sứ mệnh của người cầm bút *
Trần Hoài Anh

          

  1. Mở đầu

      Tháng 11 năm 2019, khi tin tức về virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 xuất hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc đến nay đã gần hai năm, nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã trải qua những tháng năm dịch bệnh kinh hoàng. Thế nên, cuộc tìm kiếm nguồn gốc của dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng hàng triệu người và làm suy sụp nền kinh tế toàn cầu vẫn là câu hỏi chưa có lời giải, là phương trình chưa tìm ra nghiệm số. Song, vấn đề quan thiết hơn việc tìm kiếm nguyên nhân và nguồn gốc của  đại dịch là làm thế nào hạn chế những đau thương, mất mát, của cuộc sống trong cơn đại dịch để loài người được sinh sống trong một xã hội an lành, tránh được những bi kịch của phận số cả trong đời sống vật chất lẫn tinh thần, vì chưa bao giờ con người thấy sự sống của mình mong manh đến thế!? Câu hỏi có ý nghĩa khoa học, thực tiễn và nhân văn nầy không chỉ đặt ra cho các nhà quản trị đất nước mà còn đặt ra cho mọi công dân, mọi tầng lớp trong xã hội, đặc biệt hơn cả là những người cầm bút. Và với thiên chức của mình, không ai khác chính những người cầm bút (nhà văn, nhà thơ, nhà nghệ sĩ) qua tác phẩm của mình góp phần sẻ chia nỗi đau của đồng loại hầu làm vơi đi những bi thương của phận người trước những mất mát khôn lường của cơn đại dịch, một biến cố trong hành trình sống mà nhân loại khó thể tránh khỏi. Có phải xuất phát từ ý thức trách nhiệm nầy, mà trong cuộc vận động sáng tác thi ca Nhân nghĩa đất phương Nam, cuộc thi thơ do Hội Nhà văn Tp. Hồ Chí Minh phát động từ đầu tháng 8 đến giữa tháng 9 năm 2021, phần lớn các bài thơ đều viết về tình nghĩa của con người trước nỗi đau và sự mất mát trong cơn đại dịch Covid diễn ra ở Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Vì vậy, nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn Tp. Hồ Chí Minh khi trả lời phỏng vấn báo Một Thế giới đã chia sẻ: “Khi đọc những bài thơ đầy ắp chất nhân văn ở cuộc thi “Nhân nghĩa đất phương Nam”, tôi càng thấm thía điều này: Dửng dưng thờ ơ với con người, với cuộc sống thì sẽ chỉ hời hợt lướt qua mọi thứ và không thể có được phẩm chất dự phần cùng nỗi đau mà cộng đồng đang đau và đang nỗ lực kiên cường để vượt qua nỗi đau mà đại dịch đang gây ra. Hiện diện cùng nỗi đau và chia sẻ nỗi đau đó, còn là phẩm hạnh của người cầm bút. Và, khi đủ phẩm hạnh dự phần cùng nỗi đau mà cộng đồng đang đau và chia sẻ nỗi đau đó, đối với người cầm bút, còn là mệnh lệnh từ “một siêu linh” nơi lồng ngực””. Có thể nói, những điều nhà văn Bích Ngân chia sẻ khi đọc tập thơ đã cho thấy ý thức trách nhiệm và sứ mệnh của người cầm bút trước nguy cơ của đại dịch Covid thể hiện trong thi phẩm nầy.

 

2.Từ những nỗi đau phận người trong đại dịch

 

       Chế Lan Viên, một trong không nhiều nhà thơ luôn nêu cao ý thức về sứ mệnh của người cầm bút đã từng trăn trở: Người ta đau gì đây ? Đau cái kiếp người /Không phải kiếp đá - kiếp mây - kiếp chó.../Người đau - dù nỗi đau vì mình hay đau trong sử /Cũng chỉ vì mình là người. / Thơ nói cho ra điều đó. (Thuốc). Như vậy, trong suy niệm của Chế Lan Viên, nhà thơ phải biết đau trước nỗi đau của số phận con người và ý thức trách nhiệm của người cầm bút trước cuộc đời là phải nói đến những nỗi đau đó bằng một niềm cảm thông sâu sắc như nói về chính nỗi đau của mình. Đây là điều được thể hiện rất rõ trong tập thơ Nhân nghĩa đất phương Nam, một tập thơ không chỉ viết bằng những ngữ ngôn bình thường trên giấy mực mà viết bằng sự kết tinh từ nước mắt của yêu thương, cảm thông và chia sẻ không chỉ của những nhà văn chuyên nghiệp mà còn của chính những “cây bút” không chuyên, là bác sĩ, là người lính, là tình nguyện viên đang lăn lộn, hy sinh trên các tuyến đầu chống dịch, khi từng ngày, từng giờ họ chứng kiến chính nỗi đau, sự mất mát khốn cùng của đồng bào mình. Và lý do họ cầm bút không phải để thành nhà thơ mà có lẽ họ ý thức rằng văn chương không thể đứng ngoài nỗi đau của dân tộc mình, đồng bào mình. Vì thế, những bài thơ họ viết ra thật sự là những chứng từ dự phần vào những bất hạnh mà cơn đại dịch đã gieo rắc đau thương cho phận số con người nên dù họ không nghĩ mình là thi nhân thì họ cũng là những “người làm thơ” đã thực thi sứ mệnh của người cầm bút. Và viết, đối với họ lúc nầy cũng là một sự dấn thân để nói cho ra nỗi “đau cái kiếp người” như Chế Lan Viên đã chia sẻ mà những bài thơ : Ru phố thôi đau của Đoàn Thị Diễm Thuyên; Những con số nhói đau nhân thế của Đoàn Thị Ký; Người mẹ đất phương Nam của Hạnh Ngộ; Trong tận cùng nỗi đau của Nguyễn Thánh Ngã; Tưởng niệm của Tự Hàn; Con sinh ra giữa mùa đại dịch của Nguyễn Vĩnh Bảo; Hãy nhẹ tay thôi của Yên Khang… là những tiếng kêu “đoạn trường” minh chứng cho những nỗi đau của phận người trong cơn đại dịch. Đó là những câu thơ nhức nhối nỗi đau trước niềm cô đơn của một con phố với “cơn đau dài”, với “tiếng khóc lạc loài” trong đêm khi cả thành phố sống trong gián cách với “dây giăng, rào chắn tủi hờn” mà Đoàn Thị Diễm Thuyên đã thể hiện trong bài thơ Ru phố thôi đau khiến lòng ta không khỏi quặn thắt: “À ơi phố ngủ/ Giấc ngủ cô đơn/ Dây giăng, rào chắn tủi hờn/ Nỗi buồn nhốt lại từ cơn đau dài (…) À ơi phố ngủ/ Khoắc khoải bên tai/ Lặng nghe ai thở mệt nhoài/ Lặng nghe ai khóc lạc loài đêm khuya (…) À ơi phố ngủ, thôi đau/ Phố ơi ngủ nhé, ngày sau sẽ lành...”. Và hiện lên trong những con phố lặng im ấy là nỗi đau của Sài Gòn được Hạnh Ngộ hình tượng hóa thành biểu tượng của “Người Mẹ phương Nam” khá cảm động trong bài thơ Người mẹ đất phương Nam : “Sài Gòn vẫn thế khi ta vắng mặt - không có Sài Gòn ta như mất mẹ/ sẽ mồ côi bất lực nhói đau.../ Sài Gòn mùa nhớ thương nhau/ đường phố giờ vắng ngắt/ mẹ quặn thắt cõi lòng khi ta từng ngỗ nghịch/ Covid ơi, ta nhận đủ rồi bài học biết tử sinh là một khắc”. Khaly Chàm trong bài thơ Với ý tưởng hình dung, lại nhìn nỗi đau phận người trong những ngày dịch Covid diễn ra ở Sài Gòn từ góc nhìn khác – góc nhìn hiện thực tâm linh: “này hồn vía ơi, xin thưa/ đau lòng thành phố người thừa bi thương!”. Đây cũng là cái nhìn của Nguyễn Thánh Ngã về nỗi đau trước những mất mát của con người trong đại dịch ở bài thơ Trong tận cùng nỗi đau: “Có nhận tro cốt không nhang khói/ mới thấm nỗi đau đến tận cùng!”. Còn Trần Đức Tín trong bài thơ Cài phương Nam vào tôi thì cảm nhận nỗi đau dịch bệnh của phương Nam bằng chính sự hiện hữu của mình không chỉ trong ý thức mà cả trong vô thức, nỗi đau đã hóa thành giấc mơ: “phương Nam dịch tràn nghe đau từng nhịp đập/ cơn gió mồ côi lạc vào giấc mơ/ loang lổ thị thành”. Nguyễn Thị Mai với bài thơ Thành phố của ta ơi lại cảm nhận nỗi đau của đại dịch theo cách riêng của mình trong lặng lẽ, day dứt và giàu tính nhân bản: “Thành phố đau lặng lẽ/ Người đang thương lấy người/ Bàn chân không đến được/ Thì trái tim tới nơi”.

        Có thể nói nỗi đau phận người trong những ngày đại dịch covid, không chỉ là nỗi đau của một con phố, một vùng miền mà là nỗi đau của biết bao “phận người năm châu lục” khi những con số tử vong diễn ra từng khoảnh khắc làm “nhói đau nhân thế”. Và, trong cái nhìn của các tác giả, nỗi đau của con người trong đại dịch là nỗi đau mang tính phổ quát của nhân loại. Đây là điều Đoàn Thị Ký cảm nhận với tất cả sự sẻ chia cuả tình đồng loại trong bài thơ: Những con số nhói đau nhân thế: “Mùa thu này thành nợ vay/ Nơi dải đất phương Nam ruột mềm máu chảy/ Con số leo thang, con số nhảy/ rung hồi vĩnh quyết/ ánh mắt, tiếng cười/ vì biến thế con corona vi rút…/Mang mang phận người năm châu lục/ Những con số/ Nghiêm cẩn, tay vo, chữ nhỏ, chữ to”. Còn Nguyễn Vĩnh Bảo trong bài thơ Con sinh ra giữa mùa đại dịch lại cảm nhận nỗi đau của đồng loại trong cơn đại dịch Covid từ nỗi đau riêng của gia đình qua phận số của kiếp nhân sinh được người viết chia sẻ thật cảm động: “Con sinh ra đúng giữa mùa đại dịch/ Thiếu thốn trăm bề lòng cha mẹ thắt đau/ Sự sống chết ngang qua trong gang tấc/ Đại dịch đã lan ra khắp toàn cầu”. Trong bài thơ Tấm lòng son, Trần Tử Văn đã cảm nhận nỗi đau của dịch Covid mà nhân loại phải gánh chịu đó là “cơn ác mộng” đã đem đến thương đau bao trùm lên cả “địa cầu”: “Dịch Covid như cơn ác mộng/ Phủ trùm lên giấc ngủ địa cầu/ Chết chóc, phân ly, muôn nhà tan tác/ Nước mắt nào xua nổi cảnh thương đau”. Thế nên,  những bài thơ viết về nỗi đau của đồng bào Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam cũng như của nhân loại trong đại dịch Covid không chỉ thể hiện ý thức dấn thân, tinh thần trách nhiệm, trước bi kịch của biết bao phận người mà còn thấy được sứ mệnh thiêng liêng của người cầm bút trước nỗi đau của đồng loại, một phẩm tính, một hệ giá trị mà bất cứ nền văn học chân chính nào cũng hướng đến.

 

   3 Đến những suy niệm về sứ mệnh của người cầm bút

 

       Nghĩ về ý thức trách nhiệm và sứ mệnh của người làm thơ trước những nỗi thống khổ của đồng bào, đồng loại, nhà thơ Chế Lan Viên đã từng suy niệm: ''Là nhà thơ, anh sống nơi này mà phải nghĩ đến nơi kia,/ Nơi trên biên giới bây giờ đang chảy máu,/ Nơi những nhà đang thiếu gạo,/ Khác nơi đây anh đang yên ổn giữa gia đình'' (Nơi kia). Như vậy, trong suy niệm của Chế Lan Viên, nhà thơ phải quan tâm đến nỗi thống khổ, phải nghĩ đến những được mất của từng số phận con người, phải đồng hành với đồng bào mình, nhân dân mình. Theo Chế Lan Viên, nhà thơ không thể sống riêng lẻ giữa cuộc đời mà phải hòa mình trong cuộc sống cộng đồng. Trách nhiệm của nhà thơ, nói rộng ra là trách nhiệm của người cầm bút trước cuộc đời trong quan niệm của Chế Lan Viên không chỉ là vấn đề ý thức, là sứ mệnh, mà theo ông còn là ''món nợ'', là sự ràng buộc của nhân duyên, của luân hồi chứ không phải đơn thuần chỉ là bổn phận: ''Nhà thơ, anh dành dụm từng xu nhỏ, đồng kẽm, đồng chì / Mà phải trả các món nợ, bán đời đi để trả / Vét cả tâm hồn, dốc cả hai túi áo ra không đủ. / Không phải anh nợ mà nhân loại nợ, người đọc nợ / Anh trả cho anh là trả giúp họ rồi'' (Nợ). Và có lẽ con đường để trả món nợ nhân duyên, nhân quả ấy đối với người cầm bút không có cách nào tốt hơn là phải thanh lọc tâm hồn, phải ''dấn thân'' (J.Sartre), phải "biến mình thành tiên tri thấu thị" (Rimbaud), làm cho tác phẩm của mình đạt đến sự nhiệm mầu, sự linh diệu. Và đây cũng là điều chúng ta tìm thấy trong Nhân nghĩa đất phương Nam, tập thơ đã chạm đến biết bao phận số con người. Chưa bao giờ tấm lòng của những người cầm bút lại lại gắn kết với số phận và nỗi đau của con người như trong những ngày đại dịch Covid. Trăn trở, đớn đau, sẻ chia, tiếc thương, lo lắng, nguyện cầu, tin tưởng… dường như tất cả các trạng thái tâm lý, tình cảm của người cầm bút đều thể hiện hết sức thành thực trong thơ. Họ viết như để sẻ chia cảm xúc, tâm trạng của mình trước số phận bi thương của đồng loại mà không hề quan tâm đến việc trau chuốt ngôn từ, nâng cao giá trị nghệ thuật bài thơ (cả những nhà thơ chuyên nghiệp và những “nhà thơ nghiệp dư”) nên phần nào giảm đi tính mỹ cảm của thi phẩm nơi người tiếp nhận. Song, việc trau chuốt nghệ thuật cho từng câu thơ như những ngày bình thường khi chưa dịch bệnh, liệu có ý nghĩa gì trước sự mất mát đau thương quá lớn của nhân quần, trong đó sự ám ảnh trước những cái chết vô cùng nghiệt ngã đang diễn ra trong từng sát na của đời sống, khi phận số con người quá mong manh và hư ảo. Sống và Chết chỉ là một làn hơi mỏng manh trong cõi vô thường, bất ngờ mà lại không bất ngờ, tất yếu mà lại không tất yếu. Chưa bao giờ cái chết của con người lại phi lý như ở những ngày đại dịch Covid.!? Và khi sự phi lý càng chất chồng thì nỗi đau càng lớn. Những vần thơ trong bài Tưởng Niệm của Tự Hàn đã cho ta thấy rõ điều nầy: “Tôi chưa kịp về anh đã theo mây/ những đám mây quặn thắt/ những đám mây ngơ ngác/ những đám mây thép gai cào cắt/ Sài Gòn mưa trong lòng âm âm/ Thế hệ tôi sinh ra sau chiến tranh/ mất mát đau thương chiều dài tưởng niệm/ nghe giặc giã như mặt trời đã lặn/ ngờ đâu chiều nay mưa chín trời/ lửa thiêu nỗi buồn tím ngắt quê hương/ Anh ơi! ống nghe còn đây, áo blouse còn đây và cả hũ tro còn đây/ sao anh chưa kịp nói một lời với mẹ, với vợ, với con đã theo loài mây trắng/ Tim tôi như vỡ tan/ nỗi đau thấm/ từng phế nang/ từng thớ cơ/ từng hồng cầu/ từng nơ-ron/ từng mao quản/ ai chỉ cho tôi ụ đất nào ghi bia mộ tên anh”. Và cũng trong trường cảm xúc về những mất mát hư hao của phận người trong những ngày đại dịch, Yên Khang trong bài thơ Hãy nhẹ tay thôi đã viết những câu thơ đẫm đầy nước mắt của niềm thương cảm trước sự ra đi lặng lẽ, cô độc đến tận cùng của biết bao hương linh mà khi đọc lên ta không thể, không thấy lòng nghẹn đắng những nỗi đau: “Hãy nhẹ tay thôi/ Đừng bắt họ phải thức thêm lần nữa/ Cuộc mưu sinh đã đến đoạn cuối rồi/ Mắt đã khép mà chưa nguôi trằn trọc/ Thương cuộc chiến người thân còn lại phía sau rào. . ./ Cuộc chiến mong manh giữa lằn ranh sinh tử/ Giữa những sợi dây giăng chấp chới cợt đùa/ Họ đã chờ quá lâu để được về nhà/ Dẫu chẳng thể về bằng đôi chân được nữa/ Hãy lái xe thật êm thật nhẹ!/ Cho giấc ngủ thật sâu/ Cho những linh hồn vừa khuất/ Tan buồn đau vào bóng tối/ hân hoan quên khổ ải phận người!/ Hãy nhẹ tay thôi!/ Để họ không thức giấc/ Nỗi lo toan rơi vào đáy vực/ Thanh thản buông tay/ nhẹ một kiếp người!”. Vâng! Hãy nhẹ tay thôi để linh hồn của những người bất hạnh là đồng bào, đồng loại ra đi thanh thản. Nhưng liệu những người còn sống có thanh thản được không, khi dịch bệnh vẫn từng ngày, từng giờ lây nhiễm trong cộng đồng và sẽ còn những con người tiếp tục trở về với cát bụi bất cứ lúc nào!? Có lẽ, đây cũng là vấn đề “không hề nhỏ” đặt ra với sứ mệnh của những người cầm bút. Bởi, văn chương chân chính và đích thực là văn chương không bao giờ quay lưng với số phận con người, nhất là trước những biến cố có nguy cơ hủy diệt sự tồn sinh của nhân loại. Phải chăng, đại dịch Covid đang diễn ra hôm nay là những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống đặt ra đối với sứ mệnh của nhà văn và những người cầm bút!? Bởi, chỉ có văn chương chạm đến số phận con người thì mới mãi mãi tồn sinh và lúc đó nghệ thuật sẽ trở thành bất tử trong sự tiếp nhận của người đọc. Thế nên, nếu không có một tấm lòng nhân ái, yêu thương, trân quí con người cùng ý thức trách nhiệm của người cầm bút trước nỗi đau của đồng loại như Chế Lan Viên đã suy niệm thì những người cầm bút trong tập thơ Nhân nghĩa đất phương Nam không thể viết được những bài thơ chứa chan tinh thần nhân văn như thế!? Đó là các bài thơ như: Messenger từ Sài Gòn (Trần Hoàng Vy); Lời của những con phố (Xuân Trường); Sài Gòn mong gặp lại em (Vương Chi Lan); ATM hy vọng (Vy Thùy Linh); Thành phố nghĩa tình (Nguyễn Tấn On); Bàn tay mở với bàn tay (Tôn Nữ Thu Thủy); Những đêm này ở Măng Đen (Phạm Trung Thành); Covid - trong rủi có may (Nguyên Hùng); Chiều chiều ngóng tin covid-19 (Lê Thiếu Nhơn); Tôi sẽ trở lại, Sài Gòn ơi! (Hoàng Vũ Thuật); Nghĩa tình phương Nam (Tần Hoài Dạ Vũ); Thành phố trong mùa đại dịch (Phùng Hiệu); Vẽ nước mắt (Vũ Thanh Hoa); Thành phố của tôi (Hiệu Triệu); Bó hoa trên rào phong tỏa (Nguyễn Thị Tuyết Loan); Nghĩa tình đất phương Nam (Bùi Đức Ánh); Thèm quá một cái ôm (Đoàn thị Diễm Thuyên); Trong giấc mơ tôi, một Sài Gòn thật khác (Nguyễn Thị Minh Hồng); Bàn tay ánh sáng (Từ Nguyên Thạch); Có những cuộc trở về như thế (Trần Mai Hường) với những câu thơ đẫm đầy nước mắt và nỗi đau của người cầm bút trước nỗi bất hạnh của phận người : “Tôi vừa đọc lại Khái Hưng - Nhất Linh/ Mắt lại nhoà với "Anh phải sống"/ Phận người nhỏ nhoi, thuyền nan lật sấp/ Anh phải sống nuôi con, tay chị đã buông đời...”

 

     4. Vượt qua nỗi đau, sống nghĩa tình, gieo niềm tin vào ngày mai tươi sáng

 

       Đại dịch Covid là nỗi đau, là sự mất mát vô cùng to lớn với nhân loại nói chung và với dân tộc ta, với vùng đất phương Nam, Sài Gòn -Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Những nỗi đau ấy là vết thương không dễ lành, nhất là hiện nay dịch bệnh vẫn còn đang bùng phát nên không chỉ có những nỗi đau đã qua mà còn có những nỗi đau mới đang hiện hình. Tuy nhiên, có điều đáng quí ở những bài thơ trong Nhân nghĩa đất phương Nam, là những người cầm bút, không chỉ viết về nỗi đau mà đằng sau những nỗi đau đó là một niềm tin vào sự hồi sinh của Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, của vùng đất phương Nam và rộng ra là của toàn nhân loại trong tương lai, khi chúng ta khống chế được dịch bệnh. Niềm tin ấy không phải là một sự lãng mạn vô căn cứ mà được kết tinh từ tinh thần lạc quan như một truyền thống văn hóa tự ngàn đời của dân tộc mà bài ca dao “Chớ than phận khó” với hai câu kết: “ Chớ than phận khó ai ơi/ Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây!” đã là căn cước minh chứng cho sức sống bất diệt của dân tộc Việt Nam vào niềm tin ở tương lai. Niềm tin đó cũng được thắp sáng trong những bài thơ viết về đại dịch covid ở tập thơ Nhân nghĩa đất phương Nam như một chứng từ của tình yêu thương và tinh thần trách nhiệm của người cầm bút trước nỗi đau của đồng loại. Chính vì vậy, dẫu trong đau thương mất mát, Hạnh Ngộ với bài thơ Khoảng lặng ngày không đợi vẫn nhìn thấy từ “những chiếc lá vẫn lìa cành, những chồi non vẫn nhú/ ngôi sao vẫn trụ/ ánh sáng giữa giòng sông”. Đợi nắng của Trần Nhã My là lời kêu gọi, là ước mong về tương lai tươi sáng của Sài Gòn: “Cùng chung tay, đồng lòng vượt qua dâu bể/ góp sức mình dù nhỏ/ mong ngày mai Sài Gòn khoẻ, Sài Gòn thức dậy vươn vai/ nắng mới bừng lên mình tính chuyện tương lai…”; Hết dịch anh về sẽ tặng em chiếc áo cô dâu, bài thơ khá lãng mạn của Đỗ Xuân Thu, gợi  cảm xúc yêu đời, dù đang sống trong những ngày đại dịch: “Bác sĩ cười tươi nhìn vợ mình say đắm/ “Hết dịch anh về sẽ tặng em chiếc áo cô dâu”/ Cả hai cùng rạo rực ngắm nhau/ Vẫy tay chào, gửi nụ hôn qua gió…”. Hương Giang trong bài thơ Đêm khó thở nhất của em lại truyền một cảm hứng mới về niềm tin Sài Gòn sẽ vượt qua đại dịch để sống những ngày mai an lành, sáng tươi, cho dù hiện tại đang đối diện với cửa tử sinh: “một hơi thở đã rời bỏ em/ thêm một hơi thở nữa đang rời bỏ em/ như cách chúng ta đã xa nhau ngày trước/ đêm khó thở nhất của em là đêm không còn thật nhiều mơ ước/ chỉ mong được gặp mẹ/ chỉ đợi nghe giọng người em yêu/ nhưng phía ấy là cửa sổ xanh rờn những chiếc lá bạch dương/ phía này là chiếc máy đang vang những âm thanh bất thường/ em ngây thơ sợ chuyện đau thương (…) nhưng, em đang thắp lên một ngọn nến mới/ sáng trong bóng đêm lịch sử/ em tin Sài Gòn và em sẽ cùng mang niềm vui trao Anh”. Hương Thu trong bài thơ Chúng tôi không đào thoát cũng xác quyết niềm tin vào sự vươn dậy của Sài Gòn với những ngày mai đầy sức sống: “Chúng tôi tin, Sài Gòn sẽ vượt qua bão táp/ Sẽ rộn rã phố phường xe cộ ngược xuôi/ Những dòng người trở về - trong đó có chúng tôi, lại lao động, lại chung tay…/ Vì một Sài Gòn nhân nghĩa!”. Khaly Chàm trong bài thơ em ơi, ngày mai bình yên cũng truyền đi niềm tin ngày mai Sài Gòn sẽ vượt qua khổ đau để lạc quan bước tới: “em ơi, ngày mai bình yên ta hãy về phương Nam thăm bạn bè tứ hướng/ cũng lắm nỗi buồn xót đau vì đại dịch… rồi sẽ dần tan theo vòng xoay cuộc đời/ Sài Gòn ơi, dù đang bị trọng thương nhưng vẫn hấp thu ánh sáng mặt trời!/ lan tỏa tràn đầy, quý tặng người luôn hướng nhìn về tương lai sắc màu rực rỡ”. Lan Hương trong Lạc vào giấc mơ, lại nhìn thấy niềm tin vào ngày mai qua tiếng hát con trẻ: “Và ngay cả chung quanh là virus corona/ Họ cũng như tôi không cần che chắn nữa/ Tôi giật mình tỉnh giấc/ Bên cạnh là gương mặt thân thương của thiên thần nhỏ - con gái tôi/ “Ban mai khe khẽ hát”. Lê Tiến Vượng trong bài thơ Cám ơn đời… thì lại thấy: “Lá vẫn xanh, chim vẫn hót quanh mình” và cầu mong “một sớm mai thức dậy/ Ta mĩm cười, Covid đã bay hơi”. Và niềm tin vào ngày mai tươi sáng còn được biểu hiện qua hình tượng thơ có tính biểu tượng:  ATM hy vọng của Vy Thùy Linh.

 

     Bên cạnh niềm tin Sài Gòn sẽ vượt qua đại dịch, hướng đến một ngày mai tươi sáng còn có những bài thơ khá cảm động ghi lại nghĩa tình của người Sài Gòn đối với nhau cũng như của đồng bào cả nước đối với người Sài Gòn. Đó là những cung bậc cảm xúc mà Hương Thu chia sẻ trong bài thơ Chúng tôi không đào thoát, bởi sự chia tay Sài Gòn trong tâm niệm của Hương Thu chỉ là sự sớt chia nỗi đau với Sài Gòn trong cơn biến loạn ở những ngày đại dịch. Bài thơ, vì thế đã cho thấy ý thức trách nhiệm công dân của mỗi người, trong đó có người cầm bút trước cộng đồng trong những lúc nguy nan. Đây cũng là một phẩm tính cao đẹp của nhân cách văn hóa Việt: “Chúng tôi yêu Sài Gòn như quê hương thứ hai/ Dẫu phận nghèo cũng cùng nhau mấy mùa mưa nắng/ Sài Gòn đau, nước mắt cạn dòng cay đắng, vẫn chia sẻ ân tình, bát gạo, lưng khoai./ Thật đắng lòng khi từng buổi sớm mai,/ tiếng xe cứu thương xé còi khắp ngã./ Khu nhà trọ, xóm nghèo, những phận người đói rã,/ Bớt gánh nặng cho Sài Gòn, đành nước mắt ra đi…/ Sài Gòn sau lưng mắt đêm buồn không tiếng thở,/ Những con phố lặng thầm ôm từng nỗi đau riêng./ Chúng tôi ra đi, không dám ngoảnh lại nhìn/ Lời thầm hẹn giữa bờ môi ngậm đắng, bởi cuộc sinh tồn ai biết được ngày mai!/ Xin cúi đầu tạ lỗi hôm nay, với Sài Gòn, với đất phương Nam nhân nghĩa/ Dẫu không chôn nhau cắt rốn, cũng đã đậm tháng ngày nước mắt, mồ hôi, ngọt bùi, ấm áp”. Hay hình ảnh cô gái Sài Gòn quên mình chăm lo sức khỏe cho cộng đồng trong bài thơ Bông huệ cánh trắng của Lương Mỹ Hạnh: “Em bông huệ cánh trắng/ Lặng lẽ tỏa hương từ những đêm không ngủ/ Cơn sợ hãi lan nhanh theo từng cấp số.../Em đối diện với mình,đêm trắng từng giọt mồ hôi thấm ngược…”. Và cũng trong trường mỹ cảm này, bài thơ Sau này khi đã làm cha của Minh Hoàng Phúc là một ký sự yêu thương chia sẻ của cộng đồng trong những ngày đại dịch, người viết muốn gởi lại cho mai sau một thông điệp của tình nhân loại, nghĩa đồng bào trong hoạn nạn: “Anh sẽ dạy con biết thương ngàn chiếc khẩu trang/ Tay mẹ, tay bà trắng nhiều đêm chăm chút/ Thương con cá, lọn rau nối miền Nam – Trung - Bắc/ Thương vị nghĩa tình nêm ngọt bữa cơm chung”. Hay bài thơ Ta cất Sài Gòn vào nỗi nhớ của Nguyễn Lan Hương là sự kết tinh vẻ đẹp bao dung nghĩa tình của người Sài Gòn, một phẩm tính văn hóa của đất phương Nam: “Ta vẫn thương/ Thương lắm Sài Gòn ơi/ Cửa khép lại, nhưng tấm lòng rộng mở/ Hạt thơm thảo gieo trên cánh đồng nghĩa nhân màu mỡ/ Ta cất Sài Gòn vào nỗi nhớ/ Chờ hồi sinh”. Ngoài những bài thơ đã nêu, niềm thương cảm và ân nghĩa Sài Gòn vẫn bàng bạc trong các bài thơ: Thèm quá một cái ôm của Đoàn Thị Diễm Thuyên; Trong giấc mơ tôi, một Sài Gòn thật khác của Nguyễn Thị Minh Hồng; Mũi vắc xin ngày Vu Lan  của Phạm Trung Tín; Vòng tay yêu thương của Trần Thanh Bình; Chưa bao giờ thành phố mình như thế của Trần Thị Tuyển; Tiếng cười vang trên góc phố yêu thương của Bùi Phan Thảo; Chẳng bao giờ lấy tiền bạc với quê hương của Nguyễn Thanh Hải chất chứa những câu thơ thấm đượm tình tự quê hương, dân tộc: “vậy đó, phương Nam cứ thế mà nắng gió/ lòng như giọt sương tinh khôi buổi tiễn ta đi, dạ như ngọn gió mùa thu hôm đón ta về/ ơi phương Nam những dòng sông nhân nghĩa/ đâu đó trên những chiếc ao đời ta lại bắt gặp ân tình của những bóng sen quê”.

       5. Thay lời kết

        Luận bàn về sứ mệnh của người cầm bút, Nguyễn Văn Trung, nhà lý luận – phê bình văn học khá uy tín, trong tiểu luận Nhà văn, người là ai, với ai, cho ai? đã trình bày quan niệm của mình về vai trò, trách nhiệm của người cầm bút đối với cuộc sống, với vận mệnh của dân tộc và trên hết đó là trách nhiệm của nhà văn với số phận con người. Theo ông “Không thể có việc nhà văn tách khỏi cuộc đời chung để sống cuộc đời riêng và nhìn những vấn đề chung với thái độ của kẻ đứng ngoài làm khách bàng quan. Nhà văn không thể lãnh đạm trước những vấn đề nóng hổi của thời cuộc: Vấn đề chiến tranh hay hòa bình, vấn đề công bình hay bất công xã hội, vấn đề tự do hay nô lệ để chỉ biết làm văn ca tụng vẻ đẹp của thiên nhiên hay của con người nói chung, con người lý tưởng đời đời...”[1] Còn Apollinaire, nhà thơ tài danh của Pháp thì cho rằng: ''Các thi nhân bao giờ cũng tiêu biểu cho một hoàn cảnh, một dân tộc''[2]. Như vậy, trong suy niệm của các nhà lý luận phê bình cũng như sáng tác, người cầm bút có vai trò và sứ mệnh rất cao cả trong việc phản ánh những vấn đề “nóng hổi của thời cuộc” (Nguyễn Văn Trung) để viết nên lịch sử tâm hồn dân tộc mình, là người tiêu biểu cho “một hoàn cảnh, một dân tộc'' (Apollinaire), và đây chính là phẩm tính làm nên hệ giá trị trong nhân vị của sứ mệnh nhà văn ở bất cứ thời đại nào.

      Nhìn vào sáng tác của những người cầm bút trong tập thơ Nhân nghĩa đất phương Nam, dù họ là những nhà thơ “chuyên nghiệp” hay “nghiệp dư”, nhưng qua những gì họ viết về nỗi đau của đồng bào mình trong cơn đại dịch Covid, chứng tỏ họ đều thực thi sứ mệnh thiêng liêng của người cầm bút, là không quay lưng với nỗi đau của đồng loại, luôn chia sẻ yêu thương với phận số con người, trong hoạn nạn, và gieo niềm tin vào sự sống ở tương lai với tất cả thiện lương. Nói như Blaise Cendrars là họ đã thực thi sứ mệnh: ''Nhà thơ là lương tri của thời đại mình''[3]. Và, đây là điều còn lại trong cảm thức của người tiếp nhận khi đọc Nhân nghĩa đất phương Nam.

                           Xóm Đình An Nhơn, Gò Vấp, mùa đại dịch Covid, 8/11/2021

 

 


[1] Nguyễn Văn Trung, Lược khảo văn học 2, Nam Sơn xuất bản, SG,1965, tr.177

[2] Lê Huy Hòa, Nguyễn Văn Bình (biên soạn), Những bậc thầy văn chương, Nxb Văn học, H, 2002, tr.599

[3]Lê Huy Hòa, Nguyễn Văn Bình biên soạn, Những bậc thầy văn chương, Nxb Văn học, H, 2002, tr.606  

* Nhân nghĩa đất phương Nam (Tập thơ), Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 2021

 

 

Trần Hoài Anh
Số lần đọc: 2397
Ngày đăng: 25.12.2021
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lẽ vô thường trong thơ Trang Tử, Nguyễn Bính, Xuân Diệu - La Thụy
Làm sao công cuộc cách mạng thơ ca Việt Nam sẽ có trong nay mai - Lê Hưng Tiến
Từ Sâm – nỗi làng đau đáu - Bùi Thị Diệu
Làm văn - Võ Công Liêm
Thơ Quang Dũng nhìn từ trường tiếp nhận của phê bình văn học miền Nam 1954 – 1975 (*) - Trần Hoài Anh
Rồng – từ biển Đen tới đất Việt - Đỗ Ngọc Giao
Quán Văn, mười năm trong một thoáng. - Elena Pucillo Truong
Một nghệ sĩ cô đơn. Một người thầy nhân hậu. - Nguyễn Anh Tuấn
Nguyễn Ngọc Thiện với cảm quan nghiên cứu văn học miền Nam trước 1975 - Trần Hoài Anh
Chất liệu cuộc sống và tư tưởng thẩm mỹ trong truyện ngắn của Nguyễn An Bình - Hoàng Thị Bích Hà
Cùng một tác giả
Thanh Thảo và Thơ (tiểu luận)