Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.151
123.203.177
 
Giai phẩm xuân Đinh Mùi - những vần thơ “già trước tuổi”
Phan Văn Thạnh

 

Dăm năm trở lại đây,khi đã lún sâu vào hoàng hôn bỗng dưng có một hôm,tôi lại lan man nhớ da diết cái thời học trò Petrus Ký tham gia làm báo xuân .Nhớ ấn phẩm chào xuân đầy “tâm huyết”có chút dấu vết của mình – ao ước gặp lại “người xưa”- nhưng biết tìm đâu? Trong cuộc đại sự dâu bể này đến giang sơn còn điên đảo hà huống tập đặc san “hèn mọn”rất nhiều khả năng nằm gọn trong đống phế liệu “hóa vàng” từ kiếp nào. Chính vì thế tôi thật bất ngờ khi “hội ngộ” gần như trọn vẹn bản Scan Giai phẩm xuân Petrus Ký 1967 xuất hiện trên trang báo Hội PK Úc Châu.

 

Cảm ơn BBT trang - đã kêu gọi, sưu tầm,biên tập sắp xếp,lưu trữ rất khoa học nhiều tư liệu về sinh hoạt của nhà trường,thầy cô qua các thời kỳ - Cảm ơn sự trợ duyên của Thầy Trần Thành Minh, GS Lê Ngọc Thạch (PK 1960-67), chủ nhân của quyển Đặc san Petrus Ký 1967 và anh Trần Anh Khôi (PK-LHP 1991-94) đã scan ấn phẩm gởi tặng Hội.

Tôi gặp lại tôi - cái bút danh Phan Nguyễn Song Linh(Nhị A1) .Tôi nhớ mờ nhạt các bạn trong Ban duyệt bài: Ngô Văn Long(Nhất C),Ngân Đình Diễm ảo(Nhất B1),Lê Đình Tam Đại(Tam C),Lê Tiên(Nhị B6),Đoàn Hữu Hoài Minh(Nhị A2),Vy Khanh (Tam C),Phạm Thành Vĩnh (Tứ 5),Nguyễn Mạnh Thế(Tứ 6),Phan Nhựt Chiêu(Tứ 6) .

Tôi nhớ dáng dấp anh Huy Thanh(Trưởng Ban duyệt bài) học trên tôi một lớp (đệ Nhất B 1 – năm 66-67)– anh đi đứng hơi khó khăn một bên chân – mái tóc dài,dáng vẻ lãng tử,rất cởi mở,phong cách thơ anh trừu tượng,sâu sắc - (gần đây thấy anh trên mạng chủ biên trang thơ,văn, truyện http://huythanhts.blogspot.com)

 Đứng cách thời gian – 55 năm,hơn nửa thế kỷ,đọc lại Đặc san - giai phẩm xuân Đinh Mùi PK 67,những thơ văn ngày ấy còn nồng chất “phản chiến”(1)- một thời bày tỏ thái độ không tán thành chiến tranh, đồng cảm, chia sẻ với số phận dân tộc,với những con người đang phải gánh chịu đau thương mất mát trong chiến tranh.

 Nấp sau mỗi con chữ là nỗi niềm bế tắc của cả một thế hệ lạc loài, “đầu thai lầm thế kỷ”(2).Bi kịch nằm ở chỗ - những thư sinh non trẻ “không thể nào tự túm tóc và nhấc mình lên khỏi mặt đất”.Họ bị cuốn theo vận nước nổi trôi – Họ đối mặt với Sắc lệnh tổng động viên từng phần rồi toàn phần sau biến cố Tết Mậu Thân 68. Tâm tư các bạn trẻ bấy giờ không tránh khỏi là một “bãi tha ma” nặng nề - ta hãy lắng nghe lại âm vang của họ :

*PNSL gửi đi thông điệp ngờ vực bế tắc -  “Giao phó – Nhân chứng”:

-“Đèn nhang anh thắp cho anh

Hình nhân giấu mặt tay khoanh đứng chờ

Vài con mắt trắng láo lơ

Buồn đi trở lại nghi ngờ mọc nghiêng

Nửa vầng trăng rụng xuống tim

Chợt nghe đêm đọc lời tuyên ngôn buồn

Rồi anh bỏ ngỏ quê hương

Tủi niềm thân phận lệ tuôn mấy dòng ?”

- “Giờ tôi thảo luận với đêm

Bằng dăm lý lẽ ảo huyền chứng minh

Thiên đường mình phác cho mình

Đầu hôm vỡ nát tượng hình chơ vơ

Mấy lời nhân chứng ngẩn ngơ

Mặt trời buổi sáng giả vờ chết tươi”

 

*Lý Uyên Thanh lạc “Vào mơ” :

-“Nửa đêm anh thức giấc

Bóng đen khỏa lấp từng vũng lầy chìm sâu

Anh mơ thấy mình đi vào lòng một đường hầm

Một đường hầm,một địa đạo  không chông gai

Không có quả mìn Claymore nằm chờ đâu đó

Một địa đạo lát bởi đầy hoa,ôi những bông hoa lạ đẹp”.

 

*Phan Nhã Uyên bùi ngùi với “Bức họa đầu năm”:

-“Chàng họa sĩ căng một khung giấy trắng

Pha một ống màu đen

Vẽ lên đó từng ngày chinh chiến,vẽ lên đó từng xác chết đôi bên

Màu đen và xác chết

Chàng nghe lòng tràn ngập bùi ngùi”.

 

*Duyên Đình trong “Ma thiêng”là nỗi thất vọng qua hình ảnh “mặt trời hộc máu”, “lời chim rừng mù đôi mắt”:

“-tôi ngồi đó mặt trời hộc máu truyền những tấm hình ghẻ chốc vào tim như lời chim rừng mù đôi mắt mang suy tư này phát hành vào buổi sáng.

-Nhà mồ người ta dựng về đêm tối đúc lời ca dao này cho em tròn môi mộng như mảnh vỡ thủy tinh kia cắm đầu trên bờ tường nát ngướu - em cho tôi những gì đau đớn như cỗ quan tài màu đỏ thê thảm.”

*Ngọc Thùy Giang gần như thúc thủ,bó tay chấp nhận sự tiêu vong ngay trong tựa bài “Treo thân”:

… “Anh chôn đời trong bóng tối đêm đen

Muốn gục đầu vòng tay em thú tội

Muốn cầm dao chém ngôn ngữ ngu hèn

…anh bây giờ rao bán nửa hình hài

Còn phân nửa cho làm đám táng

(đám táng người mù ,không ai khóc,ai hay)”

 

*Nguyễn Thanh Uyên Thảo không tin bạn mình đã vong thân -“Ngộ Nhận” :

-“Buổi tối tao vào nghĩa trang

Hàng hàng mả mồ như đàn cừu non nằm êm dịu

(mỗi con cừu đều mang trong lòng một uất nghẹn)

Rồi dựng xác mày lên hỏi

Một trăm lần

Mày chết thật rồi sao Tới ?

Mày chết thật rồi sao?

Mày chết thật rồi

sao Tới ?”…

 

*Nguyễn Luyện “Chào con chim xanh” - không tin mình sẽ có mùa xuân :

-“Ta vẫn thường ao ước được ngồi dưới ánh nắng dịu ấm của khu vườn để được nghe tiếng chim ca hót và những bước chuyền nhẹ nhàng

-Ta thường hoài nghi cuộc diện,hoài nghi tiếng pháo,hoài nghi lời chúc đầu xuân”…

 

Đặc san – Giai phẩm xuân PK 67 hội tụ những tiếng thơ tự do - phóng túng trong cách diễn đạt. Hình ảnh thơ được bày ra như những “mảnh vỡ”kết nối phi logic,chen vào đó là những yếu tố ngẫu nhiên,giả định khiến thơ dường như khó hiểu.Nhưng thực ra, loại thơ này không cần hiểu theo ý tác giả, thơ chỉ gợi ý cho người đọc (nghĩa của bài thơ là do người đọc tự cảm nhận). Kiểu thơ này tiếp cận được với kiểu thơ tư tưởng, và có lẽ tùy quan điểm phần nào đã làm mới thơ Việt.

Nhân vật trữ tình trong thơ là hình tượng tâm trạng tuổi trẻ miền Nam trước 75 hoang mang mất phương hướng. Càng lúc súng đạn giao tranh không còn xa xôi ở tận đâu đâu - Khe Sanh,Dakto,Pleime,AShau,A Lưới, mà đã đến gõ cửa từng căn phố,xộc vào tận giường ngủ thị thành: Phú Lâm,Phú Định,Cầu Tre,Xóm củi,Xóm gà,Bình Lợi,Gò Vấp,đài phát thanh SG,tòa đại sứ Mỹ,dinh Độc lập … Họ chưa kịp “thưa trình”đã bị hủy diệt !                            

Rất vui khi được “cuộn” vén từng trang Giai phẩm scan vàng úa. “Tội nghiệp” những vần thơ ngày ấy nhăn nhúm“già trước tuổi” - họ mắc kẹt ở giữa – bên này/bên kia – tồn tại /hay không tồn tại. Dẫu sao cũng là một khuynh hướng  xã hội có thật lúc bấy giờ !

Giờ đây ngồi trong hòa bình – súng ống,đạn bom,những vòng kẽm gai gỉ sét – chiến tranh chỉ còn là câu chuyện cổ tích - Đón xuân này,tôi lại nhớ xuân xưa da diết !

 

 (Saigon,07/01/2022)

(1) Điển hình nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn. :(Bài ca dành cho những xác người) – “Xác người nằm trôi sông phơi trên ruộng đồng/ Trên nóc nhà thành phố, trên những đường quanh co…/Xác nào là em tôi, dưới hố hầm này,/Trong những vùng lửa cháy, bên những vồng ngô khoai…” - (Đại bác ru đêm) “Đại bác đêm đêm dội về thành phố/ Người phu quét đường dừng chổi đứng nghe…/ Hàng vạn tấn bom trút xuống đầu làng/ Hàng vạn tấn bom trút xuống ruộng đồng/ Cửa nhà Việt Nam cháy đỏ cuối thôn./ Hàng vạn chuyến xe claymore lựu đạn/ Hàng vạn chuyến xe mang vô thị thành/ Từng vùng thịt xương có mẹ có em…/ Người chết hai lần thịt da nát tan.”

(2)Thơ Vũ Hoàng Chương – bài “Phương Xa”

-Lũ chúng ta, lạc loài, dăm bảy đứa,/Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh…

-Lũ chúng ta, đầu thai lầm thế kỷ,/Một đôi người u uất nỗi chơ vơ…

 

 

 

Phan Văn Thạnh
Số lần đọc: 721
Ngày đăng: 24.01.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những câu chuyện dân gian ít người biết - Đỗ Ngọc Giao
Chạm ngõ vô thường của Đặng Phú Phong - Cung Tích Biền
Hai “Quốc lễ” dân gian tiêu biểu của người Việt: Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ - Nguyễn Anh Tuấn
Tôi đang viết "Nguyễn Huy Thiệp - Tiểu truyện cuối cùng" [Kỳ 6/6] - Đỗ Quyên
Vĩnh biệt họa sĩ, nhà thơ Lê Thánh Thư - Trần Dzạ Lữ
Một đêm huyền diệu - Elena Pucillo Truong
Đằng sau lũy tre xanh đang suy tàn - Nguyễn Anh Tuấn
Ba chiêu thức mở đường cho thơ đi tới bến - Phạm Đức Nhì
Thanh cao là gì? - Võ Công Liêm
Tôi đang viết "Nguyễn Huy Thiệp - Tiểu truyện cuối cùng" [Kỳ 5/6] - Đỗ Quyên
Cùng một tác giả
Tự khúc cuối năm (truyện ngắn)
Đà lạt & Tôi (tạp văn)
Tản mạn với CAFE (tiểu luận)
Trôi trong mơ (truyện ngắn)