Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.149
123.226.607
 
Hải hành mùa đại dịch 9
Nguyễn Lê Hồng Hưng

Thủy thủ về nhà: phần 2

 

Hơn mười giờ sáng rồi mà mặt trời còn ẩn sau lớp mây trắng đục, tỏa ánh sáng yếu ớt làm quang cảnh mù mờ, có chút sương pha nhưng trời êm ả lắm. Hồ nước đã được người ta cào rác rến và đám bông súng mới hôm kia còn bông vàng, bông trắng từng chòm và lá màu xanh nâu chiếc nào chiếc nấy lớn bằng cái mâm kề nhau phủ gần bít mặt hồ, tất cả đã được dọn sạch sẽ. Mặt nước phẳng lặng như tờ, nước hồ đã lóng trong màu vàng nhợt đủ cho cây liễu xum xuê cành lá xanh xanh bên hồ soi tàng bóng nước.

 

Tôi với Trúc Thanh dẫn Kuma đi qua cây cầu bắc ngang hai bờ hồ. Thanh nói:

- Cảnh thanh bình quá.

Nói tới đây chợt bị thu hút bởi đàn vịt đang bơi qua, chúng tôi đứng lại vịn tay lên lan can cầu nhìn xuống. Không nhớ là tháng mấy, chỉ nhớ hôm đó là mùa xuân, vẫn là những con vịt cha và những con vịt mẹ với những con vịt con nhỏ xíu này bơi lội trên mặt hồ. Đương thong thả nhìn bầy vịt bơi, chợt giựt mình thoát khỏi sự trầm ngâm khi những con vịt đập cánh xuống làm nước văng tung toé, ngó theo bầy vịt bơi ào ào làm quấy động mặt nước êm ả giữa dạ cầu. Chợt thấy một chiếc xe chạy điện dành cho người tàn tật đã thắng đứng lại trước lan can giữa cầu từ lúc nào. Người phụ nữ ngồi trên chiếc xe, cầm mấy lát bánh mì trắng, tay xé bánh ra miếng nho nhỏ và liệng từng miếng xuống nước, bầy vịt nhào tới giành nhau nuốt chửng những miếng bánh mì đã ướt. Nhìn bầy vịt giành ăn, tôi mới nhớ ra, hẳn nhiên có nhiều điều đã đổi thay từ mùa xuân cho tới mùa thu. Mấy đứa con của cha, mẹ vịt giờ đã lớn khôn, chúng không còn ngoan ngoãn nữa, chúng có đôi cánh khoẻ mạnh nhấc được mình lên khỏi nước và đôi chưn mạnh mẽ đạp chạy trên mặt nước như bay. Tôi khoa tay một vòng và nói:

- Ừa, mình sống một nơi rất yên bình, con người và muôn thú cũng được bình an. Mama thấy không, bầy vịt con mới mấy tháng trước còn nhỏ xíu, nay đã biết tự kiếm ăn và biết giành ăn, không lâu nữa chúng sẽ trở thành cha mẹ của bầy vịt con sau này.

- Phải rồi, trông chúng rất là vô tư, gần gũi với con người mà hổng biết sợ gì hết.

Người phụ nữ chăm chú cho vịt ăn, không để ý tới chúng tôi. Nhưng tôi nhìn cô ta rất kỹ, gương mặt phúc hậu, tóc cắt gọn gàng với chiếc áo khoác len dài màu nâu, mặc một chiếc váy bông cũng màu nâu lấp ló dưới chưn, rất hợp với đôi giày màu nâu sẫm, ước tính cô ta cũng trên dưới tuổi năm mươi. Cô ta bị bịnh gì hổng biết mà ngồi xe lăn? Trúc Thanh cũng trạc tuổi với người phụ nữ kia, tuy hai chân còn đi vững và sức khoẻ đủ để làm việc nửa ngày, vì phẩu thuật mấy lần nên tinh thần không được mạnh mẽ cho lắm. Nghĩ tới đây tôi chợt nhớ tới những người đàn bà ở tuổi trên dưới năm mươi mà tôi quen biết, người nào cũng ăn mặc đẹp đẽ và sang trọng, có người làm chủ cơ sở kinh doanh, nhưng bên trong cái đẹp hào nhoáng ấy, phần đông đều chịu đựng những căn bịnh ngặt nghèo như; ung thư tử cung, ung thư vú, ung thư máu. Có vài cô đã qua đời ở lứa tuổi năm mươi, tuổi vào thu!

 

Tôi cũng liên tưởng tới hơn ba tháng qua, ở trên đất liền, tôi dự một buổi rải tro cốt của một ông anh và một buổi cầu siêu của một phật tử mới qua đời và có một anh bạn đang bịnh ung thư gan, bác sĩ cho biết anh ấy còn sống được vài tuần nữa. Mấy tuần trước, vợ chồng tôi và các anh, chị, em rủ nhau tới thăm, trông anh xanh xao, nhưng anh rất lạc quan, vẫn vui vẻ nói cười với anh em một cách bình thường. Mới đó mà chúng tôi đã sống trên đất khách, quê người hết cả cuộc đời. Nhớ tới những ngày còn trai trẻ, người nào cũng có một hoài bão cao ngất trời, nên khi còn chân ướt chân ráo đặt lên xứ người thì anh chị, em hợp nhau để thực hiện lý tưởng hoài bão đó. Những năm gần đây, sau mỗi chuyến hải hành trở về, nếu không nghe tin mất một anh hay một chị thì cũng nghe anh này bịnh, chị kia nằm nhà thương.

 

Mùa thu là mùa làm cho những người có tinh thần yếu đuối hay bị trầm cảm. Trúc Thanh nằm trong nhóm người này, tinh thần luôn bất an, vui hay buồn đều chảy nước mắt và cũng hay khóc mỗi khi nghe chuyện thương tâm. Cũng vì dễ bị tổn thương, nên có những ý nghĩ tiêu cực tôi để trong lòng chớ hổng dám nói ra. Tôi day ngang khèo Trúc Thanh và ra hiệu cho Kuma đi qua bên kia cầu. Những chùm lá già nua trên hàng cây xanh ven bờ hồ cũng đã đổi màu. Từ đây cho tới cuối tháng mười một mỗi ngày qua là tiết trời mỗi thay đổi, có thể nhìn được thời gian đi qua rõ ràng, nhứt là sự thay đổi ánh sáng mỗi ngày, nó giống như một cuốn phim quay chậm. Chúng tôi đi dọc theo con đường một bên là bờ hồ được đổ đá rất kiên cố và một bên đường trồng một hàng cây lá đã đậm màu, có vài chiếc lá đã điểm màu vàng và lác đác rụng trên thảm cỏ xanh. Trời im gió, không khí mát rượi, những bụi bông lục bình xanh dương hay tím tím, bông thủy tiên và bồ công anh với màu vàng tươi và kết hợp với những loài hoa màu trắng hoặc màu hồng của cá hồi; có loại lá to, loại lá nhỏ, lá gai, lái dài, lá ngắn; có mùi thơm hoặc không có mùi thơm... tất cả rộ lên trong những ngày mùa xuân mà giờ đây cũng đã đổi thay, không còn nhận ra dấu vết. Tôi cầm tay vợ vu vơ nói:

- Bây giờ là mùa thu.

Thanh nói:

- Mùa dịch cô vít chớ thu gì.

- Dịch cô vít qua hơn một năm rồi và hổng biết chừng nào mới dứt, không phải là mùa nữa mà phải gọi là “trận” dịch cô vít.

Thanh rùng mình một cái:

- Ghê thiệt.

Chợt ghe gió lạnh, tôi ngó lên trời, day qua nói:

-  Mây đen kéo về, trời sắp mưa.

Thanh nói:

- Ừ, dạo này mưa, gió thất thường, mình đi dìa được rồi.

 

Về nhà Trúc Thanh cho Kuma ăn, còn tôi pha hai tách trà gừng, chúng tôi rất thích trà gừng tươi, vì nó không chỉ là một thức uống ngon mà còn có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Có một chị bạn là bác sĩ mách cho tôi biết, trà gừng tươi có tác dụng chống viêm, giúp giảm cân, tăng cường hệ thống miễn dịch và thậm chí bảo vệ chống lại ung thư ruột và bệnh Alzheimer. Ngoài ra gừng có tác dụng chống buồn nôn, ta có thể uống nhiều hơn so với một tách trà bình thường. Trong những trung tâm dinh dưỡng cho rằng, gừng cũng thích hợp trong thức ăn lành mạnh. Tôi bưng hai tách trà gừng đem ra bàn, lúc đó trời đã bắt đầu mưa. Tôi nói với Thanh:

- Ngồi trong phòng nhìn mưa, uống trà cũng ấm áp.

 Trúc Thanh day qua nói:

- Ờ hén, thấy cũng hay hay.

Tôi nhìn mưa tạt vào khung kiếng nghe rào rào, ngoài vườn cây cối lai rai nhả những chiếc lá già xuống sân. Tôi nói:

- Mama nhìn ra vườn sau coi, những chiếc lá dán xuống mặt gạch bị nước mưa làm ướt mem.

Trúc Thanh rụt cổ, nói:

- Lạnh thấy mồ.

- Mama lạnh vì bị thời tiết bên ngoài xâm nhập.

- Là sao?

- Mùa thu là mùa di chuyển chậm, thời gian đi từ từ, trời đất gần nhau, tuy nhìn bên ngoài lạnh nhưng nếu nhìn vào bên trong vẫn thấy được ấm áp.

- Trời đất như vầy mà ấm áp gì.

- Thì mình sống tự nhiên theo mùa, tư duy nên hướng vào nội tâm thì sẽ thấy được niềm vui ấm áp.

-  Tui thấy càng hướng vào nội tâm càng dễ bị trầm cảm.

- Đó là tâm trạng của người bịnh, có khi nào mama gặp phải các triệu chứng như cảm lạnh, da khô hoặc táo bón trong mùa thu không?

- À, cái này có, nhưng...

- Nhưng sao?

- Cảm lạnh, da khô, táo bón ăn nhập gì nội tâm?

- Ăn nhập chớ, cũng nhờ nội tâm chỉ cho mình thấy được những triệu chứng đó.

- Mùa khác hổng có mấy triệu chứng này sao?

- Có nhưng mùa thu thường xảy ra hơn.

- Vậy à?

Tôi chỉ tay xuống tách trà nói:

- Uống hết tách trà gừng đi, gừng ngừa cô vít đó.

Trúc Thanh bưng trà lên uống một ngụm, để tách trà xuống rồi nói:

- Ờ, hổng biết có ngừa dịch được không nhưng thơm và ấm thiệt. 

Trúc Thanh cầm đồ bấm lên định mở truyền hình, thấy tôi nhìn qua, cô để đồ bấm xuống. Số là trước kia Trúc Thanh dành thời gian xem truyền hình rất nhiều, nhứt là từ khi đại dịch hoành hành ở Việt Nam, cô hay lên Youtube xem mấy clip bên nhà, phần đông là những chuyện thêu dệt cảnh thương tâm của mấy người làm clip, riết rồi bị trầm cảm. Thấy vậy tôi đề nghị với Thanh trong lúc ăn, uống cũng như giờ ngủ không xem iPad và không coi mấy cái clip tiêu cực của Việt Nam nữa. Ban đầu Thanh có hơi bất bình nên hỏi vặn:

- Tại sao?

Tôi giải thích:

- Tại vì truyền hình và mạng internet tin giả, thầy tu giả nhiều vô số, tệ hơn nữa mấy cái clip họ dàn cảnh đóng giả tràn lan, mama xem riết rồi bị bịnh đó.

Trúc Thanh nghe tôi giải thích, mới ngộ ra, nhưng cũng còn tiếc:

- Vậy thì ngoài những tin tức của đài phát thanh truyền hình có uy tín và nghe nhạc ra tui hổng xem cái gì nữa hết được hông?

- Tui đâu có ra lịnh cấm mama, chỉ lưu ý thôi, nghe, xem tin tức thì  phải biết chọn lọc, nếu không thì bị nhiễm mấy thứ tiêu cực trên mạng, nó cũng độc hại không thua nhiễm cô vít đâu.

- Nhưng làm cách nào để chọn lọc đây?

- Chỉ có cách là bỏ bớt không gian mạng và mấy đài phát thanh, nhứt là đài truyền hình của Việt Nam, đừng thấy mấy cô, mấy cậu biên tập viên người nào cũng ăn mặc sang trọng, đẹp đẽ và đọc nghe sướng cái lỗ tai mà tin theo bị lầm chết. Còn YouTuber thì phịa tin giựt gân để thu hút mấy người nhẹ dạ cả tin.

- Ừa, sao họ phịa mà y như thiệt vậy đó.

- Bỏ đi! Tốt hơn hết là mình nên quay lại bên trong xem cơ thể mình nó có rầy rà không và sống cho phù hợp với thời tiết của một ngày là đủ rồi.

- Papa nói thử coi, sống sao cho phù hợp với thời tiết hôm nay đây?

- Theo y học cổ truyền Đông Phương thì phân ra năm yếu tố: mộc, hỏa, thổ, kim và thủy, nghĩa là; cây, lửa, đất, sắt và nước. Nếu có sự hài hòa giữa năm yếu tố này, thì sẽ có một sự cân bằng lành mạnh. Mỗi yếu tố liên quan đến một cơ quan, mùa thu gắn liền với nguyên tố kim loại. Cũng theo y học cổ truyền, hằng bao thế kỷ qua, mùa thu vẫn liên hệ với phổi và ruột già. Phổi đón nhận năng lượng mới dưới dạng oxy, ruột già đưa các chất cặn bã trong cơ thể của ta ra ngoài.

- Papa ngồi bên trời Tây mà nói chuyện bên trời Đông nhắm có hợp lý không?

- Cái này tui đọc qua báo Tây đó chớ. Bên Tây bây giờ tiệm thuốc Nam, thuốc Bắc thiếu gì. Mama là hội viên của tiệm thuốc Nam mà hổng biết sao?

- Ờ hén, nhưng thuốc thì trị thân thể thôi, còn cảm xúc thì sao?

- Cũng theo đông y, cảm xúc có liên hệ với phổi tạo ra nỗi buồn.

- Vậy là mùa thu là mùa buồn.

- Theo tui được biết thì ta nên cho nỗi buồn một không gian thoáng sẽ tạo ra một sự rộng rãi trong chính bản thân mình. Một khi năng lượng phổi được cân bằng thì có những suy nghĩ, giao tiếp với người ngoài cũng tích cực hơn, nhờ lọc bỏ những cặn bã và thong thả với những ý tưởng mới, có khả năng thư giãn mà phân biệt thật, hư rõ ràng. Còn nếu ai sống trong không gian hẹp, keo, bẩn thì năng lượng phổi thấp và suy tư kém cỏi, lúc đó sẽ gặp khó khăn hơn khi đối mặt với mất mát. Cũng như khó mà buông bỏ tiền tài, vật chất và dễ bị mắc kẹt trong những kinh nghiệm thành công hay thất bại đã trải qua trong đời sống. Cho nên cần làm sạch bên trong lẫn bên ngoài, theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

- Như vậy vào mùa thu thì nên thiền tập nhiều để hướng sự chú ý vào trong mình, xem những gì cần thiết để cho cuộc sống thêm phần ý nghĩa.

- Theo tui thì đó là tâm trạng còn phân biệt, không riêng gì mùa thu. Mọi thời, mọi lúc nên chú ý vào trong mình, để biết mình nên cần giữ điều gì có thể giữ và bỏ điều gì cần phải bỏ.

- Là sao?

- Là những khi rảnh rổi ngồi yên đều hoà hơi thở, để loại bỏ chất thải trong tâm thức, cũng như chất cặn bã của ruột già. Nói chung, những gì trong cơ thể và tâm thức không còn sử dụng được nữa, ta nên thải ra cũng như trong đoạn cuối cùng của sự tiêu hóa.

- Tự dưng hôm nay vợ chồng nói chuyện có hơi khó hiểu. Thực tế chút đi, ăn uống làm sao cho phù hợp với mùa thu?

- Mama làm khâu phát triển sản phẩm trong xưởng sản xuất thức ăn tươi đóng gói cho siêu thị thì phải biết thức ăn của mỗi mùa chớ.

- Ờ, tui nhớ rồi, hôm kia trong hãng chuẩn bị đóng gói rau củ cho các món hầm và bí đỏ cùng gia vị cho món pompoensoep.

Tôi hớp một hớp trà nhìn qua Trúc Thanh hỏi:

- Chỉ có rau của món hầm và xúp thôi sao?

- Còn nhiều lắm, tui chỉ đưa ra mấy món tiêu biểu thôi.

- Vậy theo kinh nghiệm lâu năm của mama ra sao kể nghe đi.

Trúc Thanh ỡm ờ và hỏi:

- Kể cái gì bây giờ?

Tôi gợi ý:

- Đại khái văn hoá ẩm thực, tiêu biểu thực phẩm đúng mùa không chỉ chất lượng hơn mà rau thường ngon hơn, có thể mua nó với giá rẻ hơn và còn có những món ăn tiêu biểu của Hoà Lan, mình cũng nên biết chính xác loại rau nào có mặt vào mùa nào nữa.

Trúc Thanh liền nói:

- Rau, trái, củ hầu như mùa nào cũng có bao nhiêu thứ đó thôi, nhưng điển hình các loại rau, trái, củ phổ biến nhiều vào mùa thu như: củ dền đỏ, cần tây, cải xoăn, các loại bắp cải, các loại nấm, củ cần tây, bí rợ, tỏi và, bắp cải đỏ, cà rốt và cải chua; gia vị cay và nặng mùi như tỏi tây, quế, tiêu và ớt.

Tôi cười:

- Trúng nghề nên mama kể ra vanh vách.

- Đại khái vậy thôi, đặc biệt là những hương vị nhẹ nhàng, thường thì ăn các món hầm trong khí trời lành lạnh ăn vô thấy ấm lòng hơn.

- Ừa, phải rồi, bí rợ thực sự là một trong những loại trái đặc trưng của mùa thu, nó có vị ấm và ngọt, có thể sử dụng nó tốt trong các món ăn thông thường hoặc nấu một món xúp ngon. Như pompoensoep là món xúp tiêu biểu mùa thu của Hoà Lan, nói chung là Âu Châu, món này gia vị hơi cay ăn với bánh nướng mặn hoặc bánh mì cây hợp với khí trời man mác lạnh.

- Papa là đầu bếp, chuyện ăn uống papa rành hơn tui mà.

- Ờ hén.

Tôi uống thêm ngụm trà gừng và nhìn ra ngoài trời mà ngẫm nghĩ. Thân thể con người ta cũng ngộ, ngay khi những chiếc lá rơi khỏi cây và khí trời lành lạnh, tự nhiên cảm thấy thèm thuồng những món ăn ấm cúng. Tôi day lại nói:

- Thực đơn ăn uống cho mùa thu thì nhiều lắm. Ngoài món xúp bí rợ, xúp đậu ra còn có các loại bánh quiche hoặc những món ăn chơi và món ăn truyền thống của Hoà Lan vào những ngày trời lành lạnh. Điển hình là món khoai tây luộc nghiền chung với cà rốt có tên là hutspot, hoặc nghiền chung với cải xoăn có tên là boerenkoolstamppot, nói chung là các món khoai nghiền tiếng Hoà Lan gọi là stamppot, những loại này ăn kèm với bò viên, thịt ba rọi chiên dòn và xúc xích Hoà Lan hun khói mới đúng điệu ẩm thực của Hoà Lan.

Trúc Thanh nói:

- Những món này theo khẩu vị của người Hoà Lan, gia đình mình sống ở đây lâu năm, tui mần trong xưởng chế biến, đóng gói thức ăn và nêm nếm mỗi ngày, còn papa là đầu bếp, mình cũng đã quen với khẩu vị Hoà Lan rồi, vậy mà ăn chỉ được vài ba món chơi cho vui thôi chớ hổng mặn mà cho lắm. Nói chi tới người Việt mình, có được mấy người nuốt cho trôi mấy món stamppot và xúp bí, xúp đậu...

Tôi cười hì hì:

- Theo tui thấy thì những người da trắng như Nga và các nước Đông Âu ăn uống dễ thích nghi với mùi vị Hoà Lan. Còn In Đô, Phi Luật Tân cũng như phần đông người Việt mình sanh sống ở Hoà Lan lâu hay mau gì thì cũng khó ăn lắm.

- Dĩ nhiên rồi.

Nghe vợ xác nhận tôi chợt nhớ mấy hôm trước đây, Trúc Thanh với một bà bạn hàng xóm người In Đô và một chị người Việt gần nhà rủ nhau đi vô khu vườn trồng rau của miền nhiệt đới trong một nhà kiếng rộng. Ở đó người bán và người mua tại vườn những loại rau, trái, củ như: khổ qua, mồng tơi, rau muống, rau dền, bầu bí, mướp hương, khoai lang, cà tím, mà người Việt mình dí dỏm gọi là “cà ông giặc”.

Tôi day ngang nói:

- Mama hổng nhớ sao, thường thì muốn cho có chút hương vị Việt Nam, vườn rau nhiệt đới xa cả trăm cây số mà mama vẫn lái xe đi mua vài trái khổ qua, mướp hương, bó rau muống và rau thơm. Mấy hôm trước đây chớ đâu xa, khi nghe tin nhà vườn thu hoạch rau, củ, trái cuối mùa bán giá rẻ. Mama còn xông xáo gọi điện rủ mấy người Việt gần nhà, ai đi không được thì hỏi coi mua rau gì mama ghi vô quyển sổ để mua dùm. Còn kêu tui đi theo, tới nơi mấy bà tha hồ mà hốt, rồi bắt tui rinh chất đầy nhóc cốp xe, mệt muốn ná thở luôn.

- Ờ, dù sao rau mua tại vườn cũng vừa tươi, vừa ngon.

- Nghe nói tươi ngon tui thấy đói bụng rồi đây. Vậy hôm nay mama tính cho ăn món gì vậy?

Trúc Thanh day qua hớp một hớp trà và từ từ đứng lên đáp:

- Bánh xèo, trời mưa lành lạnh ăn bánh xèo cũng ngon.

- Ờ lâu rồi tui chưa ăn bánh xèo, tưởng quên cái món quê hương này rồi, nay nghe mama nói, phát thèm!

- Dĩ nhiên!

Nói xong Trúc Thanh bước qua mở tủ đựng đồ khô, lấy một bịt bột gạo và vài gói gia vị rồi qua mở tủ bếp bày dụng cụ ra pha bột. Pha bột xong, day qua tủ lạnh bưng tô nhân bánh xèo làm sẵn ra rồi day qua nói:

- Papa soạn trong học tủ lạnh ra coi còn rau, cải gì ăn bánh xèo hông?

Tôi đi lại mở tủ lạnh, coi lại học rau:

- Rau cải của mama mua trong vườn hôm trước ăn cả tuần nữa còn chưa hết.

- Vậy thì papa thấy rau nào ăn bánh xèo được lấy ra lặt, rửa xong rồi lột củ tỏi và gọt dùm hai củ cà rốt.

- Ô kê!

Tôi lựa rau cải ra rửa xong rồi hỏi Trúc Thanh: 

Còn phụ làm gì nữa không?

- Papa lấy nước mắm rót ra hâm lại và dọn bàn ăn được rồi.

Trong khi Trúc Thanh đổ bánh, tôi rót nước mắm để vô lò vi sóng bấm nút ba mươi dây thì chợt nghe điện thoại báo. Tôi đi lại chỗ để điện thoại bấm nhìn xem, thấy có tin nhắn của hãng tàu. Tôi ngước lên nói với Trúc Thanh:

- Tui nghĩ hãng tàu kêu tui đi làm.

- Papa đọc coi họ nói gì?

Tôi đọc tin xong day ngang nói:

- Ồ, hông phải đi làm, mà giấy chứng nhận sơ cứu của tui hết hạn rồi, họ kêu tui trở lại trường học ba ngày, để đổi chứng nhận mới.

- Vậy hả?

Tôi về nhà từ đầu mùa hè tới nay đã giữa mùa thu rồi. Cũng vì sợ cô vít nên chúng tôi hổng dám đi chơi xa. Hơn ba tháng trời, ngoại trừ mấy lần đi thăm vài người bạn cần thăm, tôi chưa ra khỏi vùng Flevoland, cứ luẩn quẩn ở Dronten, một thị trấn nhỏ nằm trong miền đất thấp hơn mặt nước biển của vương quốc Hoà Lan. Ở nhà không được tiếp xúc bạn bè, hổng nói chuyện với ai ngoài vợ nói chồng nghe, chồng nói vợ nghe, lắm khi nhàm chán rồi cãi qua cãi lại. Trước đại dịch, nếu tôi còn ở trên bờ, mỗi khi thấy trời chợt mưa, chợt nắng và gió lành lạnh lướt qua hàng cây trước nhà thì lòng tôi rạo rực, trong ý nghĩ dấy lên một chút lãng mạn rằng mùa thu là mùa lên đường và nôn nao chờ đợi ngày đi. Đối với tôi thì ở trên bờ hơn ba tháng có hơi lâu và phát hiện ra, thời gian qua tâm tư cũng có ít nhiều thay đổi. Năm nay tôi đã trên sáu mươi tuổi rồi, nghiệp đoàn có gởi thư thông báo, nếu muốn thì cuối năm tôi có thể nghỉ hưu, có lẽ cũng vì bức thư nghỉ hưu làm tôi để ý tuổi tác, sức khoẻ của mình. Dù sao đi nữa trong những ngày ở nhà nhàn rỗi, tôi để ý mùa màng một cách tường tận hơn. Thiệt tình mà nói tôi có thể tận hưởng thời tiết trước mặt trọn vẹn không cần phải ngong ngóng phương xa. Nhưng khi nhớ lại có vài thủy thủ già đã nghỉ hưu và còn sức khoẻ, bèn xin trở lại hải hành ngắn hạng. Theo họ thì hải hành để tránh sự nhàm chán trên đất liền và cho đỡ nhớ biển! Sức khoẻ tôi so ra thì cũng còn khá, nghĩ tới đây trong lòng tôi phân vân. Trong lúc chưa biết phải nên tiếp tục hải hành hay là như nhiều người đã khuyên “nên nghỉ ngơi để hưởng thụ cái tuổi già,? Bây giờ được tin tuần sau tôi phải về trường tập huấn, tôi mới nảy sanh ra một ý nghĩ. Tôi đi lại bếp vừa phụ Trúc Thanh dọn bàn vừa nói:

- Trong ba ngày vô trường thực tập, có môn bơi dưới nước cho trực thăng tới vớt lên và nhảy từ trên cao xuống nước, có hơi nặng, nếu tui vượt qua được hai đoạn này thì tui sẽ tiếp tục làm việc thêm năm năm nữa.

Trúc Thanh xúc bánh xèo ra dĩa vừa nói:

- Lấy chứng nhận xong rồi hẳng tính, bây giờ ăn bánh xèo cái đả.

 

Còn tiếp

Dronten 29-9-2021

 

 

Nguyễn Lê Hồng Hưng
Số lần đọc: 626
Ngày đăng: 09.02.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hải hành mùa đại dịch 8 - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Tết ở Trường Sơn Tây - Nguyễn Đại Duẫn
Tết sắp về! Tôi lại nhớ Tết xưa. - Hoàng Thị Bích Hà
Dọc đường văn nghệ (phần 71) Trịnh Công Truyền, người mê thơ, thích hát & rất giàu tình cảm - Trần Dzạ Lữ
Dọc đường văn nghệ (Phần 72), Bích Mai Phan : giọng thơ lạ mà rất Huế - Trần Dzạ Lữ
Mùa Xuân trên đỉnh Hòn Chè - Trần Khởi
Dọc đường văn nghệ (Phần 69) Đạo diễn Trần Ngọc Phong (Phong Trần): Người của nghệ thuật thứ bảy - Trần Dzạ Lữ
Dọc đường văn nghệ( Phần 70) Lê Hoàng Tuấn Kiệt, chàng tuổi trẻ nơi cùng trời cuối đất - Trần Dzạ Lữ
Ký ức Trường Sơn Tây - Nguyễn Đại Duẫn
Ký sự bên dòng sông - Thiên Di
Cùng một tác giả
Trên một dòng sông (truyện ngắn)
Mùi Tôm Bạc Đất (truyện ngắn)
Hội Quán Thủy Thủ (truyện ngắn)
Mùa cá đường hội (truyện ngắn)
Giáng Sinh Trắng (truyện ngắn)
Chuyến Ðò Tốc Hành (truyện ngắn)
Tâm Bịnh (truyện ngắn)
Anh cũng sẽ về (truyện ngắn)
Trên Bến Grega (truyện ngắn)
Thư Không Viết (truyện ngắn)
Chiều Lên Hội Quán (truyện ngắn)
Đêm bảo Tuyết (truyện ngắn)
Kỷ Niệm Sông Elbe (truyện ngắn)
Cháo Chuột (truyện ngắn)
Trên Một Chuyến Tàu (truyện ngắn)
Sáng nắng chiều mưa (truyện ngắn)
Bốn Biển Là Nhà (truyện ngắn)
Gái Nga Gốc Việt (truyện ngắn)
Hết Mê (truyện ngắn)
Thủ Đô Helsinki (tiểu luận)
Đêm Thánh Nữ Lucy (truyện ngắn)
Chôn đi quá khứ (truyện ngắn)
Con chim bay lạc (truyện ngắn)
Thuyền Nhân (truyện ngắn)
Miền Kinh Rạch (truyện ngắn)
Thủy thủ về nhà (truyện ngắn)
Thời lưới gộc (truyện ngắn)
Thủy thủ ăn chơi (truyện ngắn)
Chuyến đi cuối cùng (truyện ngắn)