Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.191
123.209.346
 
Chập chờn tỉnh mê
La Thụy

 

 “Voici maintenant ma vieille angoisse, là, au creux de mon corps, comme une mauvaise blessure que chaque mouvement irrit. Je connais son nom. Elle est peur de la solitude éternelle, crainte qu'il n'y ait pas de réponse”

                     (Trích trong tác phẩm Le Malentendu của Albert Camus)

 

“Và ở đây, bây giờ, niềm khắc khoải hãi hùng xa xưa từ trong sâu thẳm của hình hài, tựa như chấn thương tồi tệ, nhức buốt theo từng mỗi cử động. Tôi biết tên nó. Đó là mối sợ cô đơn ngàn thu không tiếng đáp”.

          Bùi Giáng dịch

 

CHẬP CHỜN TỈNH MÊ – La Thụy

 

(Bài viết từ năm 1978, bị bỏ quên rất lâu trong chồng bản thảo, tình cờ tìm thấy lại).

                                                                                                                                    Ừ trong cái thảnh thơi ngụy tạo do thích ứng với hỗn mang đời sống cùng sự đồng lõa của cõi lòng cố gắng phóng ngoại, chối bỏ cả những kỉ niệm sắc cạnh đang trầm tích tận đáy hồn, bóng tối hoài tưởng nhuộm đen nội  tâm tự bao giờ, tưởng chừng đã mờ dần theo khói sương của năm tháng - Ờ mà phải, những đêm trăng tỏ, rải vàng trên không, dát vàng trong hồn, sang giàu trong thoáng chốc, dưới gốc cây điều, ngước nhìn vóm lá ngời xanh sắc ngọc, an bình choáng ngợp cõi lòng, thanh thản vô bờ, ngỡ rằng tiểu ngã đã tan cùng hư không, tâm trí hết còn định cố, như được chân như huyền nhiệm, ta bà rủ sạch, cực lạc, thiên đường chỉ thu về trong cùng ý nghĩa. Nhưng, đó chỉ là bề mặt, vỏ bao huyển hảo hay là giấc mơ đẹp trong cơn say ngủ thoáng hiện tha thiết để rồi trôi nhanh. Những góc cạnh của kỉ niệm từ bên trong bưng bít của vỏ bao ấy, khía cắt những đường ngọt bén, xuyên thành những kẻ hở tạo thành những đợt sóng ngầm mãnh liệt như muốn ngoi lên bề mặt biển cả lặng lờ gây nên cơn nước xoáy hung cuồng. “Từ trong sâu thẳm của hình hài, cái niềm khắc khoải hãi hùng xa xưa như bừng dậỵ tạo nên vết cắt hằn sâu dáng sẹo, nhức buốt theo từng mỗi cử động”. A! thì ra cái tâm trạng bị khuấy động không cùng đó của Albert Camus hôm nay chính lại là của ta, cả hai đã có sự tương trùng. Ờ ! mà phải, có lẽ cũng là điểm chung cho những tâm hồn luôn hướng nội, mặc dù tìm cách phóng ngoại, mong tìm quên. Khi phát hiện “mối sợ cô đơn ngàn thu không tiếng đáp” đó, Camus còn được diễm phúc “một mình” để chiêm nghiệm dù là nơi quán trọ cô liêu, còn ta thì còn bị khuấy động bởi ngoại vật, chỉ có cô liêu theo căn nhà. Bị khuấy động đến buồn nôn, không chỉ “buồn nôn” như một Roquentin (của Jean Paul Sartre) chỉ ở tâm hồn mà còn diễn ra ở thực tại thể chất. Từ vô thức, cơn đau bật dậy bất ngờ, lan nhẹ theo từng sớ thịt, gây run váng óc não, rã rời thân xác, nếu được tận hưởng cơn đau cũng là hứng thú nhỉ! Nhưng trí óc muốn xoa dịu bằng mùi hắc nồng của khuynh diệp.

 

Trong thoáng chốc, cái chết từ tốn phảng phất như làn khói nhẹ, quyện lấy trí não – nếu nhập vào cõi chết ngay thì chắc hay nhỉ ! Sự sảng khoái ắt có khi linh hồn ra đi buông nhẹ cho xác thân, vì sự có mặt của nó đã ám nặng hình hài bao lâu. Thể xác nằm im bất khả tri những tuế toái cuộc đời. Linh hồn được tách rời tất giảm trọng sẽ không phải sa xuống thấp nếu chưa được bay cao. Nhưng trong cùng một lúc có sự đối kháng mãnh liệt của ý nghĩa khác của cùng óc não - xác thân còn lại nhẹ nhàng cho chính nó, lại nặng nề ám chướng tha nhân, linh hồn khó vứt áo ra đi vì chưa đến độ cao vô trách nhiệm phó mặc cho đời. Đầu óc quay cuồng những ý nghĩa tương tranh phút càng gay gắt, cõi lòng lại quặn xót. “Có lẽ lòng ta bắt đầu sụp xuống thành huyệt sâu rồi đấy, chắc sẽ không ai đem thánh giá lại lòng, cũng như không có ai đến chết”. (Chế Lan Viên).

 

Hình như có tên phù thủy nào đang khuấy đảo ngôn ngữ, gây hỗn độn tư tưởng, chân khí đang chạy ngược chiều kinh mạch, cả lời văn vẫn như sao chép chưa tiêu hóa, ta đang tẩu hỏa nhập ma, hôn mê theo giấc ngủ nặng.                                                                                                         

(Trong cơn đau)

                            

    21/2/1978 - Tân Mỹ, Hàm Tân, Thuận Hải                                                                                                                                        

                                                            

 

 

La Thụy
Số lần đọc: 1790
Ngày đăng: 19.02.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tro - Hoàng Xuân
Tiếng chim hót trong vườn Xuân - Nguyễn Đại Duẫn
Tết Huế - trong dòng chảy bất tận của thời gian - Bùi Hoàng Linh
Cà phê, một chân dung vui vẻ ngày Xuân - Phạm Nga
Xuân tình thời Vãn Đường - Đỗ Nhựt Thư
Tháng chạp trong tôi - Phan Trang Hy
Trò chơi dân gian trẻ em chỉ còn trong ký ức? - Trang Thùy
Về nơi sinh Quán - Phan Văn Thạnh
Huế - ngày đang nghiêng rót những giọt cuối cùng tháng chạp - Bùi Hoàng Linh
Qua sông dìm đò - Đặng Xuân Xuyến
Cùng một tác giả