Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.192
123.209.121
 
Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng - Niềm đam mê ngôn ngữ (phần 2)
Đỗ Nguyễn

 

                        Phần 2.  Điều kiện sáng tạo.

        a)  « Người đàn bà viết văn phải có tiền và một căn phòng riêng ».

     Nhà văn Virginia Woolf của Anh quốc chừng như hiểu hơn ai khi nói về một trong những điều kiện thiết yếu và lý tưởng để sáng tạo văn chương của nữ giới nhưng điều này đã không bao giờ dễ dàng cho nhiều nữ sĩ, ngoại quốc cũng như Việt Nam. Trường hợp của Nguyễn thị Hoàng cũng thế. Ở vào thời điểm bà viết được nhiều nhất, đó là giai đoạn bà đã viết để sống chứ không phải sống để viết. Nhưng thật lạ lùng và phi thường khi bà nói về điều kiện sống thực tế và cách viết của mình hoàn toàn đối lập với những điều kiện của bất cứ nhà văn nào khác :

 

 

 

    « Nếu mọi người quan niệm khi viết bất cứ về tình cảm tư tưởng đều đòi hỏi những điều kiện như khung cảnh thích hợp với trạng thái tâm hồn lúc viết … phải được rảnh rang yên tĩnh, ngoài khung cảnh cũng như trong tâm hồn. Tôi viết trong những điều kiện trái ngược trên. Nếu bị giam giữ trong ngôi nhà xinh đẹp hay khung cảnh nên thơ tách rời khỏi đời sống gia đình và sinh kế, tôi sẽ không viết được nổi một trang nào. Tôi chỉ viết được nếu bị thúc bách và có nhiều việc phải làm cùng một lúc. Càng có nhiều việc để làm cùng một lúc, càng viết được nhiều, thiếu không khí làm việc náo nhiệt, rộn ràng, thúc đẩy nhất định là tôi không viết được. Những việc song song với viết lách lại tương phản nhau, và khó chấp nhận nổi nhau : một trang tiểu thuyết lãng mạn, một món ăn đang nấu dở trên bếp, một đứa con đang khóc đòi bế, một đứa đòi ăn đang níu quanh chân ; trẻ con vẫn thường la khóc cùng lúc với những nhân vật tiểu thuyết đang lên tiếng mắng nhiếc hay tự tình với nhau. Hai đám, một ngoài đời, một trong tiểu thuyết, đánh lộn thường xuyên như thế. Khi nào cuộc giao tranh giữa hai đám người trong truyện và ngoài đời cùng đòi tôi kịch liệt chừng nào tôi lại càng bị dồn đuổi thiêu đốt, càng viết mạnh, nhanh và nhiều chừng đó, và như vậy cuộc hòa giải đôi bên sẽ chóng kết thúc. »

     (Trích từ “ Buổi Nói Chuyện Của Nhà Văn Nguyễn thị Hoàng ” tại Đại học Văn Khoa Sài Gòn năm 1971 - Người ghi Nhuệ Hương, nguồn Blog Liễu Trương, Viết và Đọc).

   Tuy nhiên điểm son của sự kiện này là bà luôn có trách nhiệm với những sáng tạo, luôn vững vàng ở vị trí của người viết hết sức chân tình, có lương tâm, hoàn toàn làm chủ ngòi bút của mình, cách viết của bà thường được dẫn dắt bởi những xúc cảm tràn bờ, không hạn chế và ngòi bút luôn tuôn chảy từ nguồn đam mê mãnh liệt mà cấu trúc tư tưởng vẫn chặt chẽ.  « Tôi như mê đi khi viết nên không nhận ra mình đang nghĩ gì, đang viết gì … Kinh hoảng vì mình đã làm việc với tốc độ dữ dội quá mà kết quả lại thật bất ngờ …  Lối viết bừa bãi vội vàng tuy nhiên nhờ thế được phần nào nóng bỏng, nguyên vẹn của cảm xúc và ý tưởng. »  Có điều gì thật và sống động hơn là cảm xúc? Có điều gì đẹp và đáng quý hơn là ý tưởng? Vài tác phẩm kém hay hơn có thể đã được sáng tác trong những lúc nhà văn có ít cảm xúc hơn và không tìm được nhiều ý tưởng?

    Nhưng viết đối với Nguyễn thị Hoàng không phải là một việc phải làm mà là « viết như thở và khó đếm được những nhịp thở của mình » một cách thể hiện hoàn toàn tự do mọi nỗi niềm, để tự nhiên tiếp nhận những trạng thái tâm hồn phải sống, một cách khẳng định sự hiện hữu hoàn toàn thật với suy tưởng là hơi thở. Viết là một cách sống trong hạnh phúc, đối diện với những thử thách khúc mắc tinh thần, một cách nhìn lại mình, soi rọi tâm tư của từng nhân vật, với tất cả sự chân thành và không trong trường hợp nào chối bỏ chính mình nên sự viết của bà để sống trọn vẹn con người mình từ sự màu nhiệm của sáng tạo.         

          b)  Trải nghiệm sống, một cái vốn của nhà văn để có thể viết.

     Jorge Luis Borges (1899 - 1986), nhà văn người Á Căn Đình, vô cùng thầm lặng và sâu sắc khi nói về sự mù lòa của ông : « Một nhà văn, cũng như mọi người, phải xem mọi chuyện xảy đến cho mình như một vốn liếng ».

    Nhà văn Mai Thảo (1927- 1998) : « Vốn sống là sự trưởng thành của ý thức - theo nhận thức nghệ thuật tiến bộ cách mạng - nó nằm trong chủ quan mãnh liệt của người làm nghệ thuật mà ý thức đã trưởng thành là ngọn lửa tỏa chiếu và bao trùm thấu suốt mọi hiện tượng đời sống … Vốn sống thiết yếu phải được cấu thành từ một ý thức cách mạng, vốn sống không được cấu thành từ một ý thức cách mạng là một vốn sống Chết, vô giá trị, nó không bao giờ được là nguyên liệu quý giá để tạo thành tác phẩm, nó chỉ là cái khối nặng chồng chất vô ích cho tác phẩm.»  (Nghệ Thuật, Sự Báo Động Khẩn Thiết và Thường Trực của Ý Thức - Tạp chí Sáng Tạo, tháng 9-1961. Nguồn Talawas, 2008).

    Với Nguyễn thị Hoàng, nhà văn có một cuộc đời dài với bao biến động của cuộc sống, đã có viết về điều này : « Chết lần này vẫn chưa phải là lần cuối cùng, chỉ là khởi sự những khổ hình cam chịu trong cuộc thách đấu lạnh lẽo với đời mình và mệnh số » (Cuộc Tình Trong Ngục Thất).

    Bà nói : « Nếu hiểu chết theo nghĩa lớn thì mỗi đời trong Cõi Khổ này đã phải chết đi sống lại biết bao lần, mỗi thể loại chết vì một nguyên nhân hay động lực khác nhau ». (Phỏng vấn Mai Ninh, Hợp Lưu, 2003)

    Những nỗi khổ, hạnh phúc hay suy tư trong mọi bối cảnh lại được sống thêm một lần khi nhà văn ngồi một mình để viết, dù không là tự truyện, những gì đã chứng kiến, đã trải qua, giờ đây hiển hiện một phần lớn trong những sáng tác của bà, những dữ diệu đó trở thành tư duy cho nguồn sáng tạo, một khi được trải trên mặt giấy, diễn đạt với tất cả cảm xúc sâu xa, hồn nhiên và chân thật, trở thành sống động và lôi cuốn người đọc, truyền tải đến người đọc từng rung động của mọi loại tình cảm, giúp người đọc thấy được biết bao gương mặt khác, bao tâm tư khác của con người và cuộc đời từ tầm nhìn xa thấy rộng hiểu sâu của bà.

               c)  Vốn đọc, ảnh hưởng của sáng tạo.

      Cuộc sống và văn chương miền Nam trước 1975 có ảnh hưởng ít nhiều từ trào lưu tư tưởng hiện sinh tây phương từ sự tiếp cận trực tiếp với văn hóa nước ngoài, chính xác hơn qua ngôn ngữ Pháp và Anh, cơn gió mang mùi vị “ sống một cách khác ” từ những quốc gia này đã len lỏi vào nguồn mạch văn học Việt Nam thời gian đó.

    Tuy nhiên, văn chương của Nguyễn thị Hoàng rất rõ ràng là sáng tạo riêng, mới lạ và độc nhất, đã bộc lộ từ những cảm xúc và từ một phần đời sống thật cùng sự tưởng tượng, từ sự Trưởng Thành Ý Thức và Tâm Sinh Lý cá nhân hơn là từ vốn đọc hay nghiên cứu. Bà đã tự tạo cho mình một thế giới riêng tư dù văn phong mang sắc màu tây phương hiện đại, tư tưởng tự do phóng khoáng mà ta không thể học hỏi mà chỉ thưởng ngoạn, cách sáng tạo cực kỳ độc lập và mới lạ của sự tận dụng ngôn ngữ Việt đã không hề do ảnh hưởng nào mà rõ ràng là xuất phát từ tài năng thiên phú. Người nghệ sĩ «sống» nghệ thuật của mình như mỗi sinh vật sống với những chức năng riêng của nó.

    Bối cảnh văn hoá trong một tác phẩm văn học chủ yếu là cách sống, thái độ sống của nhân vật trong xã hội qua ý tưởng tín ngưỡng, đạo đức, giáo dục, học vấn, ngôn ngữ, nghề nghiệp, giới tính, tình cảm, tính dục … của mỗi tầng lớp người dân. Từ bối cảnh văn hoá, độc giả thấy được hoàn cảnh sống và sáng tạo của tác giả trong một thời đại.

     Dù cá nhân cũng rành rẽ cả hai thứ tiếng Pháp và Anh, bà đã xác minh rằng khi viết quyển đầu tay là Vòng Tay Học Trò, bà chỉ viết trong tâm thức cần được giải tỏa, cần được cứu rỗi từ những biến động của đời sống. Sáng tác này của bà cùng vài tác phẩm khác đã hình thành từ tính độc lập trong tư duy và trải nghiệm sống nhưng không do một động lực nào bên ngoài xã hội hay ảnh hưởng từ văn chương ngoại quốc.  Chỉ có thể hiểu rằng tầng lớp trí thức người Việt đã luôn có cách sống ảnh hưởng từ một nền văn hoá Pháp mọc rễ từ đời cha ông chúng ta, trên một nền tảng giáo dục văn minh, tư tưởng và lối sống đã được tự nhiên hình thành. Thí dụ điển hình : Trong tác phẩm Vòng Tay Học Trò, một cách cụ thể và chi tiết : qua cách sống tự do và suy nghĩ rất « Tây học » mang sắc màu « rất Pháp » trong bối cảnh Đà Lạt buốt lạnh mù sương với tiếng chuông nhà thờ, căn biệt thự kiểu Pháp, cách phục sức của các nhân vật, cách sinh hoạt, cư xử, cách chêm từ ngữ Pháp vào trong câu nói, về điện ảnh và nhạc Pháp, ẩm thực, rượu và thuốc lá, khuynh hướng yêu đương lãng mạn, khuynh hướng nhục cảm (sensualité, érotisme) với nhận thức và sự trưởng thành của người nghệ sĩ đương đại về cách sáng tạo một giòng văn chương trong sự chuyển động văn học nghệ thuật của thế kỷ như một định luật.

    « Tôi không sống trong suy ngẫm về các vấn đề khác của văn học hay các vấn đề khác trong xã hội. Vì tôi mải đắm chìm trong một khúc đoạn của cuộc sống thực … Mọi chuyện đều từ mình mà ra. »

   Bà không cho cảm giác là đã đọc nhiều và rõ ràng là sáng tạo văn chương của bà không ảnh hưởng từ những văn chương khác.

  “ Đôi khi tôi vẫn nghĩ, chính chất thơ thuở trước trong hồn còn vương vất đã làm cho tiểu thuyết của tôi, đúng hơn là những nhân vật, đối thoại hay khung cảnh trong tiểu thuyết tôi nhuốm tính chất không thực, xa vời, tìm cái đẹp hay không.” (Tạp chí Văn, 1973 - Nguồn Blog Liễu Trương, Viết và Đọc).

     Qua một style độc đáo riêng biệt, hiện thực, kỳ ảo và thi hóa, luôn sắc sảo, diễm lệ, đầy nhạc tính như những hòa điệu với muôn ngàn cung bậc cao thấp, bằng phương ngữ mới lạ với vẻ đẹp đài các, thanh lịch đến quyến rũ mê đắm để diễn tả từ những nỗi niềm sâu thẳm, những huyễn tưởng mơ hồ trong tâm hồn cho đến từng sự kiện thực tế, diễn biến của đời người và cuộc sống, của thời chiến trong vòng vây định mệnh. Là thi sĩ trước khi trở thành văn sĩ, cái nhìn của bà cũng thường là cái nhìn của một thi nhân về mọi bình diện của cuộc đời dâu bể, về phận người đối diện với ảo ảnh và hư không. Mỗi tác phẩm tích tụ hun đúc từ những suy tưởng về cuộc đời và những nỗi niềm u uẩn của tâm linh mà không hy vọng gì ngoài những mong mỏi nhắn gửi với cuộc đời bằng văn chương với tính cách huyền hoặc vô biên của nó.

                  d )  Cảm thức cô đơn.

      « Trong nỗi cô đơn của một nhà văn, có sự tự vẫn ». 

                                                                    Marguerite Duras (1914-1996)

    Nhà văn Nguyễn thị Hoàng nói về cô đơn với tính triết học phảng phất, một cách suy tưởng về định mệnh văn chương để chấp nhận nó. Một hành trình sáng tạo miệt mài với chiếc bóng của riêng mình, từng ngày tích lũy vào nguồn suy tưởng là gia sản tinh thần. Đối với một nghệ sĩ, nghệ thuật, một điều thuộc về phạm trù tâm linh thì cô đơn là thực tại, là một điều kiện thiết yếu và lý tưởng cho khởi điểm sáng tạo của nghệ sĩ, và cô đơn cùng nghĩa với tự do. Họ cần ẩn trú trong cô đơn để có sự tự do tuyệt đối của cõi nội giới vô biên. Dù cô đơn là một trạng thái phức tạp cho người viết, từ sự cần thiết im lặng để suy tưởng, về cuộc đời và vũ trụ, sự sống và cõi chết, đó là một nghệ thuật sống dẫn dắt người nghệ sĩ về nguồn sáng tạo. Bà nói : « Chỉ khi nghe lắng được Mình, một Mình vắng lặng, riêng tư mà chan chứa mới có thể viết, đúng hơn là chép ra những nghe lắng ấy. Đó là bi kịch lớn của một loài mãi hoài đơn độc, như sơn dương đầu ngàn uống bóng mình dưới suối trăng tan ». (Phỏng vấn của Mai Ninh, Hợp Lưu 2003)

     Nhà văn không chờ đợi, không mong mỏi gì từ ai khác, từ bất cứ điều gì và không từ bỏ những gì thuộc về mình, tự tìm đến cô đơn dù đó không là một tháp ngà để ẩn trú, tâm hồn phức tạp của một nhà văn vô cùng nhọc nhằn hiếm khi có được sự thanh thản bình an.

    Rồi thời cuộc, đời sống tiếp tục, những xáo trộn bên trong, một thời gian rất dài, bà đã chìm vào im lặng và bóng tối, vẫn trong cô đơn, nhưng quyển nhật ký như giòng sông ngày tháng lặng lờ trôi, vẫn âm thầm được viết, hình thành mọi tâm trạng rạn vỡ, tái tạo đắp xây lại những sụp đổ đồng thời trầm mặc suy tưởng mà tiếp tục quan sát, ngắm nhìn từng diễn biến của thời đại.

    Một người viết như Nguyễn thị Hoàng, từ bước đầu đã rời bỏ quỹ đạo chung của văn chương, bước đi một mình trên lối đi riêng tự tạo với niềm đam mê, với những dụ ngôn ẩn núp phía sau rừng chữ, khiến ngôn ngữ trở thành một vùng bí mật để khám phá. Bà đã không bao giờ buông bỏ những giấc mơ, không bao giờ hờ hững với những bí ẩn của cuộc đời để cuối cùng sau khi chấp nhận chính mình và tất cả, đã tìm được một ý nghĩa đẹp nhất, ý nghĩa tối thượng cho một nhà văn chân chính là nhìn nhận và trách nhiệm sáng tạo của mình trong quá khứ để trong hiện tại, thấy con người văn sĩ của mình trong một tâm thế khác, càng yêu say mê hơn, yêu độ lượng và hiểu sâu sắc cõi sống này dù hơn ai hết, từ khởi đầu cuộc hành trình chinh phục tâm linh quan hệ với bản ngã, nhà văn luôn biết rằng : « Tất cả chỉ là trừu tượng, chỉ niềm đau không cùng tận là có thật. Niềm đau hơn cả sự chết. Sự chết chỉ là một hơi thở, niềm đau thì không cùng tận. » (Phỏng vấn của Mai Ninh, Hợp Lưu - 2003).

    Cuộc đời bà là một trường thiên tiểu thuyết.  Rồi một ngày, “ Toàn thể tâm thức của một người nín sống từ lâu tỉnh dậy. Chỉ là tỉnh dậy trong chiêm bao để nương tựa và phóng hoá tương đối thành tuyệt đối, để tìm lại mình, để níu lại đời. Cho đến khi đêm dài đứt nẻo, ngày trở về nguyên sơ thể tính bình minh …   Để chỉ còn lại Tĩnh Lặng. Hoàn toàn tĩnh lặng sau những ngàn năm gió bão tơi bời …” ( Trích lời tựa của nhà văn Nguyễn thị Hoàng cho tập thơ Mây Bay Qua Trời Xưa – 2019, nguồn Văn Học Sài Gòn).

 

 

Đỗ Nguyễn
Số lần đọc: 1012
Ngày đăng: 24.02.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đọc lại Hoàng Cầm - Nguyễn Đức Tùng
Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng - Niềm đam mê ngôn ngữ. - Đỗ Nguyễn
Tu thiền - Võ Công Liêm
Bàn về đi du lịch ngày Tết - Hoàng Xuân Hoạ
Bỏ tết để…văn minh. - Thiếu Khanh
Chọn tuổi xông nhà – vài lưu ý cần biết - Đặng Xuân Xuyến
Bản tuyên ngôn của chủ nghĩa siêu thực - Võ Công Liêm
“Hồn mộng” Nguyễn Du trong thơ chữ Hán - Nguyễn Anh Tuấn
Tại sao “Mẹ tròn con vuông?” - Thiếu Khanh
Hồn Việt đó, trong từng con chữ Elena Pucillo - Đỗ Trường
Cùng một tác giả
Ngọn gió nào… (truyện ngắn)
Tả ngạn (truyện ngắn)
Cây rừng vô cảm (truyện ngắn)
Chân mây xa vời (truyện ngắn)
Triền dốc lãng quên (truyện ngắn)
Chiều phai Dã Quỳ (truyện ngắn)