Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.152
123.225.021
 
Về trong lá úa
Nguyễn Chí Kham

 

 

Người xưa về đâu từ khi lá úa

Biết nhau trên đường cũ rồi biệt ly không ngờ

(Nhạc Schuman, lời Việt: Phạm Duy)

 

            Hiền ngừng đan, nàng đưa tay vuốt mấy sợi tóc thấm ướt. Khuôn mặt xanh xao, cặp mắt nâu, và cả vóc dáng dường như đã chịu đựng quá nhiều ngày mệt mỏi. Nàng chợt hé môi nở nụ cười sau câu nói của tôi về một người bạn cũ. Ngồi gần bên cửa sổ, nhìn ra trời mưa, tôi ngửi được hương vị thơm mát của lá cây.

-Anh ghé thăm Hà chưa ?

            Tiếng Hiền vọng qua phía tôi. Tôi thở khói thuốc, lơ đãng nhìn những sợi khói mỏng tím đang bay tới chỗ nàng. Bỗng nhiên nghe tiếng lùng bùng, căn nhà bị gió đập, ánh sáng dập dềnh, giật lùi từng bước ngắn.

-Cô hẳn còn nhớ  ?

-Không thân lắm, nhưng em biết.

-Cô ấy rất sành âm nhạc,  và gia đình cũng thuộc lớp quý phái.

-Bởi thế nên anh không cố gắng tới gần.

-Ở thành phố này, nề nếp của gia đình lúc nào cũng quan trọng.

-Anh nghĩ vậy, nên không có gì cả.

            Nói xong, mắt Hiền ánh lên một nụ cười.

-Cô nghĩ vậy, đúng thôi.

            Mùa mưa đem tôi trở về trong giấc mơ êm nhẹ. Hiền cúi xuống chân nhặt cuộn len màu xám. Hôm nay ghé thăm, tôi có ý muốn nói với Hiền vài chuyện, nhưng vẫn chưa thể bắt đầu,  bất chợt nghe nàng nhắc đến Hà làm tôi cảm thấy xa vắng, lạ lùng.  Hà thường hay mặc áo dài xanh. Tiếng hát của nàng thật rung động, nhớ nhung. Ngày đó, tuổi hai mươi của tôi quá lãng mạn. Khi mùa mưa đến là mùa tôi rất yêu thích. Vào buổi sáng đến trường tôi hay đi bộ, thường ngược lối lên phía trên nhà ga, ở đó dù có đám đông nữ sinh cùng một lúc đạp xe vượt qua con đường dốc lên cầu nhưng tôi vẫn nhận ra bóng dáng Hà, đôi khi bắt gặp một nụ cười trắng xóa giữa cơn mưa. Hà có giọng nói hơi nhanh, nghe vui, và những lúc nghe một chuỗi tiếng cười đột nhiên dừng lại, tôi rất hạnh phúc trong sự hồn nhiên  của nàng. Hà luôn muốn gọi tôi trở về trong tiếng hát. Vậy mà, lần này, những ước mong cho tôi được gặp nàng bỗng nhiên hụt hẫng. Đà Lạt, thành phố sương mù, nơi ấy quanh năm người ta nghe những tiếng đàn dương cầm trỗi dậy từ các đồi thông, chuỗi âm vang đó là một nỗi nhớ buổi chiều thật da diết. Khu phố cũ Hà ở trước đây, có người đang gợi nhớ đến từng bóng dáng quen thuộc của nàng.

            Hiền nhích cánh tay gần sát chỗ dựa, nửa mái tóc nghiêng qua một bên. Tôi yên lặng nhìn Hiền với chiếc áo len đang đan.

-Không hiểu sao lần này tôi trở về lại có cảm tưởng như mình đang ở đây quá lâu.

-Anh nghĩ như vậy là xa xôi quá, Hiền nói.

-Ở Đà Lạt, cô lên đó lần nào chưa ?

-Em chưa đi.

-Bây giờ Hà đang ở đó.

-Ngày trước, anh quen với Hà như thế nào ?

            Ở sau lưng Hiền, trên chiếc bàn nhỏ có tấm gương soi, nụ phấn và lọ nước hoa đã vơi gần một nửa. Sau ngày Thịnh mất, Hiền đã sống ra sao ? Vẻ đẹp trên gương mặt Hiền qua cách trang điểm tôi chưa thấy, còn bây giờ, trong dáng vẻ tiều tụy tôi nhận ra Hiền vẫn đẹp.

-Cô được nghe Hà hát bao giờ chưa ?

-Chưa, em chưa nghe cô ấy hát.

-Hà có giọng hát hay, gợi nhớ nhiều kỷ niệm trong tiếng hát. Nhưng năm ấy, đám cưới xong sao hai người không đi chơi Đà Lạt.

-Năm đó, ít ngày quá em không đi được.

-Tôi ở thành phố đó hơn hai năm. Có lẽ, vào tuổi còn niên thiếu tôi chưa có những kỷ niệm được hình thành để rồi nhớ.

            Người thiếu phụ với nụ cười vui, nhẹ nhàng nói:

-Anh thích sống với hoài niệm mà không có một nơi nào là đích thực cả.

-Đôi khi, trong cảm giác như  thế tôi lại cứ tưởng mình đang sống thực.

            Nhìn tôi, gương mặt Hiền vừa ngước lên với nụ cười sáng đẹp trong ánh mắt. Rồi nàng trở lại với cuộn len, mũi kim đan. Còn đứa bé, nãy giờ ngủ say, không động đậy. Chiếc nôi xinh xắn trông giống như một con tàu nhỏ đang bỏ neo ở gần bến cảng. Một chuyến xe lửa trở về, trong cơn mưa nặng hạt chỉ trông thấy lờ mờ những làn mây xám đang bay hạ thấp xuống. Hiền cũng có một cách nói chuyện gần như cho thấy mình luôn xa lạ. Vào mỗi buổi chiều, nàng ngồi bên khung cửa cùng lúc nghe sự hối hả vọng lên từ những hồi còi của một đoàn tàu sắp khởi hành, và nàng chợt nghĩ đến một ngày mình sẽ rời bỏ nơi đây đi đến  nơi chốn khác. Nơi đó, những ngày mưa trở về làm chìm ngập đường sá,  không cho thấy bóng nhà cửa, nhưng nàng chẳng cần đến ngọn lửa, hơi ấm áp của niềm tin, nàng chỉ cần có buổi chiều để đi bộ lang thang, hai bên mái tóc buông xõa kín vai để cho tôi nhìn thấy cái vẻ đẹp hết sức hoang dại của nàng. Vừa bước đi, vừa gọi tên mình, rồi nàng bỗng gào vang lên nghe dội lớn một trận cười  như  thác đổ. Không ai ngờ được, đó là một buổi chiều còn rớt lại, ngất ngưởng giữa những tiếng thét gầm của bom đạn từ xa vọng về. Những chiếc cầu, con sông, ngôi trường cũ, tất cả đó chiến tranh đã làm đổ nát, bây giờ dù nó vẫn quằn quại với đau thương, nó cũng chẳng còn thuộc về ký ức tôi nữa. Ngày đó hắn ra đi, rồi chỉ một năm sau tôi bỗng nghe tin hắn chết ngoài chiến trận. Tôi thật bàng hoàng, mường tượng cái chết của người bạn bên dòng suối, người lết bết máu, lảo đảo trong vài bước rồi ngã gục. Vào lúc ấy, tôi cũng vừa mới rời khỏi quân trường ra đơn vị, nhưng điều buồn thay Hiền không hề nói với tôi lời nào cả. Đợi hết những ngày tang tóc, và khi tôi biết mình trở về mong muốn được gặp hai người thì đã quá muộn. Bao nhiêu ngày ở đây, trong một thành phố hẳn còn xa vắng bóng chiến tranh Hiền vẫn sống đơn độc với mỗi lúc đầy cố gắng để làm vơi cạn đi những ngày thê thảm.

-Cô đan mấy ngày nữa mới xong áo ?

-Đâu nhiều vậy, đến ngày mai thôi.

            Trong bâng quơ, tôi nghe mình nói một giọng bình thường.

-Không biết tôi còn phải đi xa nữa không ?

-Thế chừng nào anh mới hết lãng mạn.

-Tôi nghĩ, tuổi xanh đã cuối mùa. Cháu được mấy tháng rồi ?

-Gần được sáu tháng.

-Sang năm tôi về phép, cháu chập chững đi được.

            Hiền ngừng đan, nàng cười nói:

-Sang năm anh đi xa nữa mà.

-Ừ, cô cứ coi như tôi đi xa.

-Anh đi xa, rồi cũng trở về.

            Tôi tự nhiên cảm thấy vui vui trong lòng mình, đưa tay đẩy nhẹ chiếc nôi. Những tiếng mưa ở ngoài vẫn lọt vào nghe ấm áp, gần gũi. Chuông đồng hồ buông vài tiếng ngắn, từ lúc sau buổi trưa đến giờ mới nửa buổi chiều. Hiền đột nhiên bỏ tay áo sang một bên, nàng đứng dậy.

-Anh coi cháu giùm, em đi làm sữa.

            Ngang qua chỗ tôi, Hiền đi xuống nhà dưới. Nàng bật cháy que diêm mồi lửa, rồi đặt ấm nước lên lò. Tôi thoáng trông bóng dáng nàng, hai bên mái tóc buông kín che khuôn mặt. Ngồi một mình, tôi lơ đãng nhìn trời đang mưa ngoài vườn. Ít giây sau, bất chợt đứa nhỏ cựa mình, the thé khóc. Tôi đưa tay đẩy chiếc nôi, miệng hát ru vài câu, bâng quơ nghĩ đến những ngày thơ ấu và hình ảnh của mẹ tôi. Tôi đang hát, nghe tiếng hát của mình như một nỗi nhớ đến ai đó, lúc vang xa, lúc vọng gần giữa một buổi chiều không có tên gọi. Rồi đây, người thiếu phụ biết mình sẽ quên đi người chồng cũ. Nhưng tôi vẫn tin, nàng rất có can đảm  để mãi mãi ngồi đợi chờ bên cạnh một hình bóng đã khuất. Hai ngày nữa thôi, dù phải ra đi hay còn mong muốn ở lại, thành phố này cũng không thể mở vòng tay rộng ra đón nhận tôi. Những ngày vừa qua trở về, gặp lại Hiền, hai chúng tôi thật sự cũng muốn chắp nối lại ít nhiều kỷ niệm đã mất, trong an ủi, chúng tôi như nghe  ra được những nỗi lẻ loi góp lại để sum vầy.

            Nàng đứng sau lưng tôi nhìn đứa bé đang mở mắt.

-Anh hát ru con giọng buồn lắm.

-Cô làm xong rồi à.

            Tôi chợt trông thấy một vết đậm hoen đỏ trên cặp mắt Hiền. Bên nhau, hai người cùng nhìn chăm chú vào cặp mắt thằng bé đen tròn, nguyên vẹn nụ cười. Lúc này, Thịnh cũng đang có mặt. Gió ngoài vườn trải rộng cơn mưa thành mặt nước. Thời gian trong giấc mơ, dù muộn, nhưng Thịnh cũng về nhà. Giờ đây, có hai người bạn thật là đột ngột. Nhưng rồi, nhận ra rõ trong chốc lát, thấy trên cặp mắt tôi vui người bạn cũ cũng biết là tôi đang mường tượng, hình dung ngày đám cưới của hai vợ chồng.

-Cháu có giống em không ?

-Không.

-Tại sao không ?

            Tôi mở rộng khoang mùng, nhìn cậu bé nói:

-Bồng đi chơi nhé.

            Tôi cúi xuống, hai tay nâng nó lên. Hiền giao bình sữa cho tôi, trở lại ngồi đan. Và, một mình tôi bồng đứa cháu yêu thương, bước lui, bước tới trong căn nhà, luôn thấy mắt nó cười nhìn tôi giễu cợt. Cháu cũng đang đói, nuốt sữa nghe ừng ực. Vừa đi, tôi hát cho nó nghe. Từ cửa sổ đầu hồi này trông ra vườn, cơn mưa đang ngập tràn, ướt đẫm cây lá. Hiền ngồi đan, nàng cũng vui thú nghe tiếng mưa chiều nặng hạt. Tôi hình dung trong tiếng mưa một chuỗi ngày hạnh phúc làm êm dịu tâm hồn nàng. Để ngày mai, nàng không còn lo sợ nữa. Từ nay, nếu có những tia nắng lọt vào căn nhà sẽ là một báo hiệu mùa xuân, và trong mùa đông, qua những hình ảnh trống vắng, ảm đạm sẽ cùng một lúc nhẹ nhàng xóa tan hết, vì nàng đã bằng lòng đón nhận tấm lòng ngày xưa ở một kẻ khác. Đâu đó, mọi người đều nghe tiếng nói thật sự với quang cảnh một ngày hồi sinh có nắng ấm trong mưa, có tiếng chim hót, hạt gạo mùa, tiếng gà trống gáy lúc sáng, lúc chiều, còn bầy gà con lúc nào cũng hí hửng lúc thúc chung quanh gà mẹ. Sự khởi đầu là một tiếng nói của kẻ khác, ban sơ sao khó nghe lạ lùng, đến lúc nhận ra đó là ý nghĩa của đời sống thì mỗi ngày tâm hồn bạn thấy trở nên phong phú. Vào mùa xuân năm sau, hoa lá trong khu vườn này sẽ trở nên tươi thắm, sẽ có những bông hoa quý . Trong những thứ hương thơm, ai cũng có lời mời mọc, đón chào, và chỉ một khoảng thời gian ngắn mang tâm trạng xa cách, người thiếu phụ nhìn thấy đứa con trai mình đã bắt đầu lớn. Vậy đó, xin bạn đừng băn khoăn nghĩ về nàng là một góa phụ, vì nàng, vẫn luôn chăm sóc nhan sắc mình, luôn ước ao vẻ đẹp của mình là niềm vui trong mắt kẻ khác. Ở kẻ khác, là một người lính vẫn đang còn sống sót trong chiến tranh.

            Cơn mưa đang thôi thúc, đột nhiên cả màn mưa xé ra, từng sợi mỏng rớt xuống chìm chìm nhỏ hạt. Tôi bồng đứa bé trở lại với Hiền. Nàng chợt hỏi tôi:

-Ở trên miền núi mùa này chắc lạnh lắm.

-Ở đây, cũng lạnh nhiều.

-Hôm nào anh mới đi ?

-Còn được nghỉ phép một ngày nữa. Ngày mốt, phải trở lại đơn vị rồi.

-Mỗi năm, anh có được về phép một lần không ?

-Không biết nữa. Tôi và thằng bé tự nhiên nhìn nhau cười. Khi nào nhớ thằng bé này thì tôi về.

            Nàng nói:

-Cho anh mang nó đi theo luôn.

            Tôi cười:

-Bao giờ  tôi có vợ sẽ giữ nó thay cho cô.

            Nàng gật đầu:

-Vậy thì anh hãy nhanh lên.

            Tôi trở thế bồng thằng bé trên tay.

-Cô làm như lấy vợ, cứ đến mùa lúa là gặt.

-Bao giờ mới có ý định, anh K.

            Nàng hỏi tôi, rồi chợt ngừng tay, yên lặng.

-Cô đặt cháu tên gì ?

-Vinh.

-Cũng hay, không có tên ở nhà.

-Có, em đặt tên Voi.

-Ghê quá, vậy thì nó đi theo tôi lên mặt trận được rồi.

            Người thiếu phụ cười, đâu là miền xa vắng. Bỗng nhiên, cả một trận gió gầm rú lên, rồi rút lui. Chiếc nôi bỏ trống, tay tôi hơi mỏi. Tôi hỏi Hiền:

-Cháu cần nằm trở lại không ?

-Anh đặt cho cháu nằm nghỉ đi.

            Tôi đi tới chiếc nôi, đặt đứa bé nằm xuống, yên lặng.  Khi thấy tôi quay trở lại, không hiểu sao, vẻ mặt Hiền tự nhiên tái hẳn. Nàng hơi run sợ. Tôi lùi bước một chút, đưa mắt nhìn sang Hiền. Trong tôi, chỉ có một câu nói ám ảnh bởi chiến tranh. Và tôi cũng tin rằng, nỗi sợ hãi đó vì nàng nghĩ đến tương lai đứa con của nàng. Như tất cả là tiếng Hiền gọi tôi. Vào một buổi chiều ấy, tôi vẫn còn trông thấy một đám tóc hoang dại như mây mù, một khuôn mặt hết sức ngây thơ tràn ngập ánh sáng nụ cười. Năm ấy, vừa qua khỏi tuổi hai mươi bất ngờ tôi nhớ đến đôi mắt màu hạt dẻ của Hiền.

-Anh đứng đợi em.

            Tôi trở lại bên chiếc nôi, nhìn xuống cặp mắt cháu bé, nó thật là giống người cha. Hiền đã bỏ lại chiếc ghế trống, tôi bỗng nghĩ, chiếc ghế chỉ muốn nàng trở lại, không muốn một ai đến thay thế chỗ ngồi.

            Một lúc khá lâu, Hiền mới trở ra. Tôi hỏi:

-Cô gởi cho ai ?

            Cầm gói đồ đưa cho tôi, nàng nói:

-Của bạn anh, hãy giữ lấy làm kỷ niệm.

-Cô nói rõ hơn đi.

            Tôi thấy rõ gương mặt Hiền như một bức phác họa mới xong, hiện rõ lên trong ánh sáng. Nàng nói:

-Em tặng anh cái áo len và chiếc khăn quàng. Ngày trước đây, của anh Thịnh. Bây giờ, bạn thân thiết với anh không còn nữa. Anh giữ lấy đi, nhớ vợ chồng em, đến lúc nào nó tàn tạ thì thôi.

            Tôi hỏi:

-Em không muốn giữ lại để làm kỷ niệm.

-Không, anh ấy lúc nào cũng là bạn của anh.

-Còn đối với em, anh sẽ như thế nào ?

-Với anh, em cũng như ngày xưa. Ngày xưa, anh đã ở cùng quê với em.

             Tôi đang cầm gói áo trên tay. Ngoài vườn, mưa đã tạnh, ánh nắng bừng lên muốn nhắc nhở tôi ra về.

-Anh phải nói em điều gì ?

-Tùy anh, nhưng anh cứ đi. Em vẫn sống một mình.

-Kỷ niệm trong chiếc áo là nỗi buồn của người bạn, anh hiểu.

            Vẫn đứng yên chỗ, Hiền nói:

-Đã muốn là kỷ niệm, thì em cũng mong nó bây giờ thuộc về anh. Rồi đây, anh muốn nghĩ là tất cả cũng được.

            Tôi kéo chiếc ghế ngồi xuống, chiếc nôi xa cách một chút và cháu bé đã ngủ yên.

-Anh thực sự cũng phải từ giã em. Giữa chúng ta, chẳng có gì bẽ bàng cả. Anh vẫn ước mong em tìm thấy hạnh phúc mới. Còn riêng anh, cũng không cần thiết tự hỏi mình đến lúc nào mới hết chiến tranh.

            Hiền bước sang, đứng gần bên chiếc ghế của nàng, nói:

-Em không nghĩ là anh trở về.

-Anh thật sự mong ngày gặp lại em.

-Có thể, em muốn quên đi, nhưng rồi từ ngày ấy, nó luôn làm em nhớ nghĩ đến anh. Ngày đám cưới em, không có anh.

-Anh cũng không hiểu nữa. Nhưng mà thôi, ngày đó của em qua rồi.

                  

                                                                  *

 

            Mưa buổi sáng sớm cùng với sương mù làm mờ kín những ngả đường. Cả thành phố còn ngái ngủ, và mưa vẫn nặng hạt. Chuyến xe khách lặng lẽ rời bến, chạy dưới mưa qua những cây cầu nhỏ, những hàng cây giá lạnh, và nhờ theo ánh đèn hướng dẫn lộ trình.

            Tôi nhớ lại hôm qua, ngày phép cuối cùng sống bên Hiền. Nàng nói với tôi về tâm trạng của những người vợ còn trẻ. Chiến tranh vẫn luôn đem cho mỗi người có chút hạnh phúc qúy giá, nhiều hơn trăm ngàn lần cuộc đời bình thường. Trong sự đau thương, mất mát, mỗi vẻ đẹp là một cánh hoa hồng.

            Chiếc áo len và cái khăn quàng của Thịnh tôi đã để nguyên gói giấy báo Hiền bọc cẩn thận bỏ vào trong ba lô. Bên tôi, giọng nói của Hiền thật ấm áp, ngát hương vị thơm như tóc nàng vừa mới gội.

            Bỗng nhiên, tôi có cảm giác hụt hẫng.

-Anh nhớ là đừng viết thư cho em.

-Anh chỉ đọc thư em viết thôi.

-Không. Cũng tùy, lúc nào quá buồn thì em viết.

-Đi xa, anh nhớ thằng bé lắm.

-Anh đừng mơ mộng chuyện đó.

            Sau bữa ăn trưa, chúng tôi uống trà rồi đi nằm. Và mong đợi mưa buổi chiều đến. Tôi hơi buồn ngủ, thiếp đi, cũng chẳng lâu rồi thức dậy khi mưa buổi chiều đến. Chiếc gối rộng, tôi và Hiền đang nằm đối mặt nhìn nhau, mỉm cười. Mưa đầu mùa cất lên tiếng gọi.

-Về thành phố này, đi đâu anh cũng nhìn thấy khung cảnh nhà vườn bình yên. Vào buổi chiều trời mưa, ngồi ở nhà nhìn mưa, nghe mưa, không còn gì sung sướng bằng.

-Những ngày qua mưa, anh có ngửi thấy mùi thơm của lá không ?

-Anh nhớ cảnh lúc em ngồi đan áo, tóc em còn dính ướt.

-Rồi em hỏi chuyện về cô Hà ?

            Tôi trở người dậy, lúc Hiền nhích lại gần tôi cúi xuống đặt môi hôn. Tôi được hưởng cái cảm xúc  qua nụ hôn dậy lên trong người mình thật đầy, no ấm.

-Anh vẫn còn giữ ý tưởng đó ?

-Anh nói gì ?

-Anh có được em nhờ những hạt mưa đọng dính ướt  tóc em.

            Tôi bắt đầu vào câu chuyện kể cho Hiền nghe ngày đó tôi quen Hà. Câu chuyện không dài dòng, cũng chẳng có gì làm Hiền nghĩ ngợi hay xáo trộn nỗi băn khoăn trong lòng tôi. Ở bên Hiền, tôi vẫn là người bạn thân của Thịnh. Có thể, tôi yêu Hiền như tình yêu em gái, chiều nay gần gũi bên nhau một cách trọn vẹn, để ngày mai, tôi đi xa Hiền. Và, tôi hiểu rằng, tuy sống một mình với con nhỏ nhưng Hiền không hề mong đợi tôi trở về. Nàng sẽ viết thư cho tôi.

-Em ngủ một chút đi.

-Em không buồn ngủ.

-Ở bên anh nãy giờ mà em không khép mắt lại.

-Anh muốn em nhỏ bé như thiên thần.

-Em khép đôi mắt lại đi.

            Không đáp lời tôi, đôi mắt Hiền khép lại. Tôi ngắm gương mặt Hiền sáng dậy lên trong một vẻ dịu dàng.

            Khi mở mắt ra, Hiền hỏi tôi:

-Em đẹp không ?

-Đẹp cả gương mặt và tiếng nói.

            Trời mưa. Trong tiếng mưa bao kín trọn tâm hồn, tôi và Hiền bắt đầu cảm thấy hạnh phúc. Từng nụ hôn thật yên lặng, từng hơi thở cố nén lại. Nước mắt Hiền đầm đìa, tôi thấm từng giọt nước mắt nàng nơi miệng lưỡi, lúc thấy lại đôi mắt nàng khô ráo, tôi nghe tiếng nói:

-Anh nhớ gởi thư cho em nghe.

-Anh nhớ.

            Lúc chuông đồng hồ báo giờ đánh lên, tôi và Hiền cùng thức giấc. Trời đã tạnh mưa. Một chút sau, tiếng đứa nhỏ cựa mình cất lên tiếng khóc.

            Hai người cùng ngồi dậy rời chỗ giường nằm. Hiền đưa tay vun mái tóc lên cao rồi thả xuống. Tôi tới gần chiếc nôi tay nhẹ ru cho đứa nhỏ ngủ lại. Trong lúc ấy, Hiền xuống bếp đun nước sôi.

            Cũng như hôm qua, lúc làm xong Hiền đưa bình sữa cho tôi và tôi đem đứa bé ra khỏi nôi, bồng trên tay. Tự nhiên, tôi nghĩ đến Thịnh. Đứa nhỏ không xa lạ hay ngạc nhiên, vẫn nụ cười tròn xoe trên cặp mắt, và nuốt sữa ngon lành. Tôi cũng hát cho cháu nghe. Có vẻ trong tiếng hát, tôi nhớ nghĩ nhiều đến những người bạn đã chết trong chiến tranh nhưng chẳng hề vương vấn nỗi buồn. Trời đã tạnh mưa, ánh sáng đục tràn vào tạo nên một quang cảnh mới thay đổi ký ức về sự ghi nhớ những người đã có lần đi qua, và một vài người có kỷ niệm về căn nhà này. Hiền cũng nói cho tôi hay về mối liên hệ với nhiều người thân trong mười năm.

            Đứa bé tôi bồng trên tay đang uống sữa, vừa mơ màng. Người mẹ đứng ở đó, đưa mắt nhìn đứa con trai nhỏ của mình. Hạnh phúc trên nụ cười của nàng, và tôi thấy nàng đẹp, vẻ mặt tươi tỉnh hẳn sau một giờ hạnh phúc trên chăn gối.

            Tôi đạp xe về nhà. Một giờ sau đó, tôi ra trạm xe buýt đón xe trở lại nhà Hiền. Nhà Hiền ở phía đầu con đường đi ra vùng ngoại ô. Dọc theo con đường, nhà ở thưa vắng, có quãng chạy ven theo dòng sông. Ở thành phố này, có những mối tình mười năm vẫn thầm lặng như  hình ảnh của dòng sông.

            Khi xuống trạm xe buýt, tôi ngược lại một quãng đi lên nhà Hiền. Trong ánh sáng buồn lặng buổi chiều, cái bóng tôi hiện lên , với bước chân đi mau như thể là người khách lạ từ một nơi nào xa về tìm người thân.

            Nơi thềm gạch ướt mưa, tôi nhìn bóng dáng một chiếc áo và mái tóc buông kín trên vai.

            Đứa nhỏ nằm trong nôi mở mắt nhìn mẹ. Hiền ngồi ở chiếc ghế, hai tay nắm hờ lấy tao nôi.

-Em đi nấu cơm.

            Tôi thay chỗ Hiền ngồi trông đứa bé. Bên ngoài, ánh sáng buổi chiều vội vàng lẩn khuất.

            Bữa ăn tối chỉ có hai người. Nhìn ra cửa sổ, chúng tôi trông thấy con ngõ bên ngoài vườn, xa chút nữa là đường lộ. Từ chỗ đó đèn xe chiếu sáng, giờ này, có lẽ vẫn còn một hai chuyến xe chót đi ra vùng ngoại ô.

            Bữa ăn nhẹ nhàng. Cái thân tình ngày xưa nằm trong tiếng nói. Và, mỗi kỷ niệm nhắc nhở đến là một lời tỏ tình. Đã có trong tôi ý nghĩ về một nơi chốn yên bình, nơi ấy là làng quê của mẹ tôi. Có một cô gái, nhà ở bên kia sông. Ngày xa đó, cô gái thường đi buôn vải ở các phiên chợ. Có gái đẹp nết, sớm lấy chồng. Ngày đám cưới của cô người ta mở hội đua ghe. Về thời thơ ấu của mình, tôi yêu cô gái, và lúc nhìn cô gái mặc áo cưới, tôi ước ao được trông thấy đôi cánh thiên thần bay lượn trên cõi mây xanh. Và giờ đây, cô gái ấy ở bên tôi. Nhìn vào  ánh mắt là bạn biết ngày xưa cô tinh nghịch lắm. Cô gái đã chế giễu tôi, nói tôi là thằng con trai khờ khạo, ngốc nghếch. Ngày tôi còn đi học, tiếng trống trường vang dội ở xa nghe rất dồn dập. Hà chạy dưới cơn mưa, trong cơn thảng thốt cất lên tiếng gọi. Mưa lớn quá, tôi không nghe rõ. Tôi thấy có bóng một người con trai chạy đuổi theo nàng. Không phải đâu, hắn cũng chạy trốn. Tôi trông thấy quang cảnh một chiếc cầu. Tôi nhìn cả thành phố đang chìm trong cơn mưa lớn. Và, chỉ còn lại một mình tôi đốt điếu thuốc. Những sợi khói mỏng tím biến dạng qua một màu lam hồng. Những chuyến phi cơ tản thương trong buổi chiều trở về thị trấn đã cùng một lúc hạ xuống ngoài bãi đáp ở quân y viện.

-Anh ăn nữa đi, Hiền nhắc.

-Không, anh thôi.

-Tại sao vậy ? Có gì mà anh lo nghĩ.

            Kể ra, nếu tôi được thay thế hoàn cảnh của người bạn đã chết để săn sóc Hiền thì cũng chẳng có gì đáng trách. Về lại thành phố này, sự vang dội trong tâm hồn tôi là những tiếng hát của Hà. Tôi yêu tiếng hát của nàng như yêu một dòng sông. Và, trong tiếng hát của nàng, cũng làm dịu đi nhiều bao nhiêu vết thương chiến tranh. Với những người con trai, với hết thảy các thiếu nữ, vì tuổi hai mươi quá nhiều mộng ước nên dễ bị chiến tranh hủy diệt và đã không làm sao tránh được cho người này hay kẻ kia bao nhiêu mối hận thù. Sự tệ hại của chiến tranh là như vậy, thế nhưng, nó là một thứ ngôn ngữ rung động, mê hoặc ngân vang như tiếng đàn đã khiến cho tuổi trẻ lại thương nhớ chiến tranh. Với tôi, tôi vẫn giữ mãi ý tưởng chiến tranh muốn kéo dài là để cho người ta yêu nhau, sống thực sự những giây phút hạnh phúc quý giá bên nhau. Và, chiến tranh không chỉ được thấy độc nhất về sự tàn bạo, mà tôi còn thấy những hình ảnh khác biểu hiện lòng vị tha, tính lãng mạn, nhờ vậy nó thay thế thiên nhiên nuôi dưỡng những tình cảm con người. Có một người lính ngoài chiến trận vừa ngã gục bên dòng suối, một chiếc cầu nhìn xuống bãi cát nóng khô, một đoàn người đi bộ qua đèo, một chiếc phi cơ bay qua đầu ngọn núi, một chiếc xe đò dừng lại ở thị trấn giữa trưa, đó là những ưu tư không thể làm con người quên được chiến tranh. Tôi khao khát mình có được tình yêu thơm ngát gạo mùa, đẹp mãi như là áo trắng. Khi đến tuổi già, lúc ấy mẹ tôi không còn nữa, sẽ có một chuyến xe lửa trải dài kéo những toa xe chở những kẻ tha phương trở về nhìn lại nơi chốn quê cũ đã hoang tàn.

            Tôi vừa mới đi qua trong khoảnh khắc nhớ tưởng về những ngày tháng chiến tranh. Và, bởi vậy đó, tôi nhớ đến Hà, trong những ngày được trở về phép, đâu đó, tôi lại nghe vọng tiếng nói của nàng, tiếng hát của nàng. Rất có thể, ở nơi xa nàng vẫn nhớ đến tôi.

            Bữa ăn xong, cùng dừng lại với nhiều câu chuyện kể đã trọn vẹn, đầy đủ. Tôi ngồi lại một mình còn Hiền dọn dẹp chén bát mang xuống bếp. Sau đó, Hiền trở lên nhà trên với khay trà và ít bánh ngọt.

-Em được nghỉ việc mấy tháng.

-Sáu tháng. Tháng tới em đi làm trở lại.

-Công việc của em ra sao ?

-Ngày nào cũng bề bộn giấy tờ.

-Đến lúc đi làm, cháu phải gởi nhà trẻ.

-Vâng.

            Tôi uống hớp trà nóng, nhìn Hiền, vẫn cảm thấy đời mình còn giữ kỷ niệm của người bạn thân. Cái chết của Thịnh lúc ngã gục bên dòng suối, bên bìa rừng là cái chết đẹp. Khi tôi trở về, gặp lại Hiền, cả hai cùng nhắc nhở đến bao nhiêu kỷ niệm vui thời trước, sau đó, mỗi người nhận ra mình như là cây hương thắp lên ở một ngôi mộ hoang vắng, và khói hương trầm lặng chỉ dâng cho một linh hồn lãng đãng.

-Em là một người vợ, rồi đây anh phải sống ở bên em.

            Có tiếng nói thì thầm, nhỏ bé trong đêm.

 

                                                                         *

 

            Đến trưa, xe ngừng ở một dãy quán bên ngoài thị xã để cho hành khách xuống ăn uống. Tôi ngồi lại trên xe, mở gói cơm Hiền bới cho tôi. Tối qua, Hiền nấu cơm, làm thức ăn khô, và trong ba lô của tôi Hiền còn bỏ thêm một ít đồ dùng và sách báo. Gói giấy bọc chiếc áo len và cái khăn quàng mà Hiền đã gói, tôi để nguyên cất vào ba lô không lấy ra.

            Sau nửa giờ nghỉ, xe chạy trở lại. Mưa, rồi tạnh, rồi mưa trở lại. Thời tiết xấu, đường sá hư hỏng, xe chạy chậm. Có những lúc gió mạnh đập hai bên thành xe. Tôi cảm thấy buồn ngủ, nghe nỗi mệt nhọc qua hơi thở. Tôi trông thấy người đàn bà ngủ trên giường không kéo tấm chăn đắp. Ngôi nhà nàng ở trống vắng lạ lùng. Tôi với hộp diêm trên bàn, nhưng bao thuốc chẳng còn điếu nào cả. Tôi gắng gượng đứng dậy, đôi mắt ráo khô nhìn ra cảnh vật ở ngoài vườn. Khi nghe tiếng đứa bé cựa mình trong tiếng khóc, tôi trở lại đứng bên chiếc nôi. Tôi nhìn xuống, gương mặt đứa bé như bị chết cóng, rồi bóng người đàn ông xuất hiện. Bên trong chiếc nôi, có một tấm áo bị dính máu.

            Tôi chợt hỏi:

-Anh làm gì ở đây ?

            Người đàn ông nhìn tôi. Rồi vẽ mặt trở nên giận dữ,  lớn tiếng:

-Mày là một thằng khốn nạn.

-Vợ mày đang ngủ.

-Vợ tao chẳng thiết có mày.

            Với một giọng ôn tồn, tôi nói:

-Ông để cho đứa nhỏ ngủ.

-Nó đã chết cóng rồi.

-Không đâu, nó ngủ ngon.

            Nhìn tôi, người này nhớ ra tiếng nói, xong lùi lại một bước kéo chiếc ghế ngồi, vẻ mặt trông ủ dột. Tôi đẩy nhẹ chiếc nôi. Hôm qua, người đàn bà ngồi đan len trên chiếc ghế này, giờ để trống. Bàn ghế giữa căn nhà tự nhiên ngăn cản hết lối đi. Khi đứa bé đã ngủ yên, tôi đi lục lọi, tìm ra được một tấm chăn nhà binh cũ. Người đàn ông xuất hiện trong căn nhà, nhưng ngồi lại đó không đâu. Tôi không tìm thấy ông nữa.

            Ngày hôm sau, lúc buổi chiều xe tới thị trấn. Đây là một thị trấn miền núi, trông hoang sơ, hẻo lánh. Và phải ngồi đợi ở trạm ngừng hơn một tiếng, tôi mới đón được chuyến xe lên đơn vị.

            Con đường đất đỏ, lầy lội. Trời đang mưa, tôi đi bộ với chiếc ba lô đeo vai, nỗi nhớ còn lại trong tâm trí tôi là đôi mắt cùng tiếng nói của Hiền. Tôi đã khóc một mình trong đêm. Tôi nghĩ đến một người vợ quý giá đang đắp chăn ấm cho mình. Về tới hầm trú là chỗ ở, tôi dọn dẹp các thứ, xong đem quần áo đi giặt.

            Buổi tối, tôi lên Câu lạc bộ ăn cơm. Tôi ngồi chung bàn với ba bạn trẻ mới rời quân trường ra đơn vị. Bên trong hội quán, nhạc mở lớn nhưng không gây tiếng ồn. Bên ngoài, trời tối đen không thể nhìn thấy những căn hầm, những căn nhà tôn trong căn cứ. Nhưng ở đây tôi đã quen, biết rõ từng vị trí. Một ngày trước khi tôi đi phép, địch quân nã pháo vào căn cứ. Vào cuối tháng này, có thể Trung đoàn sẽ mở chiến dịch hành quân lên mặt trận phía Bắc.

            Trong bữa ăn, ai cũng đói, ăn nhiều, và trao đổi nhau vài chuyện. Nhưng tôi cũng không ngồi lâu. Sau bữa ăn xong, tôi về một mình. Kim chiếc đồng nhỏ trên bàn chỉ 8 giờ. Trời đêm mùa đông, tối đen, vừa lạnh. Tôi nấu nước bằng résistance. Tôi xé gói trà cho một ít vào ấm, nước sôi reo, tôi bật nút tắt rồi kéo lò xo ra ngoài. Một chút sau, tôi mới đổ nước nóng vào ấm.

            Một mình, tôi nhớ đến Hiền da diết. Lâu nay căn nhà đó chỉ có hai mẹ con. Tôi vừa mới có mười ngày đi phép, và tôi đã đến thăm Hiền.

            Tôi nói chuyện với Hiền qua những hớp trà đang uống một mình. Đến giờ đi ngủ, tôi rời bàn bước qua chỗ giường nằm. Tôi đọc tờ báo cũ, chẳng có gì nghĩ ngợi nhiều.

            Nửa đêm đang yên tĩnh, đột nhiên một trận mưa thật lớn dồn dập đổ xuống căn cứ. Tôi choàng người thức giấc, rồi một lúc nghe tiếng mưa sâu lắng, âm thanh trở nên điềm đạm. Tôi ngồi dậy đi tới bàn , hút điếu thuốc, tự nhiên lòng trống vắng. Bao nhiêu nỗi nhớ, tưởng như có một linh hồn nhỏ vật vờ trong cơn gió, mênh mang ngoài đất trời. Thời gian cũng tựa như một cánh cửa.

            Một lúc lâu, tôi trở về lại chỗ nằm, kéo tấm chăn đắp ngang ngực. Tôi quên tắt đèn, nhưng không muốn ngồi dậy nữa. Khi trở mình nằm nghiêng, tôi bỗng nghĩ tới ánh màu nước trong chai rượu, rồi tự dưng có cảm giác mùi vị sữa chua ứa chảy trong miệng lưỡi.

            Thì ra, đó là những giọt nước mắt hẳn còn nóng ấm của một người vợ đang nhớ nghĩ đến người chồng.

           

           

 

 

 

 

Nguyễn Chí Kham
Số lần đọc: 717
Ngày đăng: 28.02.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đón xuân trên đường - Phan Tấn Uẩn
Hà Nội Penthouse - Hải Âu
Đôi bạn - Nguyễn Đại Duẫn
Giờ trước Giáng Sinh - Mỹ Ca
Đàn bướm quanh chân ngựa - Nguyễn Chí Kham
Vẫn còn hương nhãn - Đặng Chương Ngạn
Hà Nội, bướm trắng - Nguyễn Chí Kham
Tình đầu - Mỹ Ca
Mưa hạ ly hương - Nguyễn Chí Kham
Trám - Trần Yên Hòa