Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.184
123.210.810
 
Pleiku! Đêm ba mươi tết
Vương Kiều

 

 

      Tháng 6/1975 tôi và nhà thơ Nguyễn-Đức Bạt-Ngàn từ giã Sài-Gòn để lên Đà-Lạt, nơi tôi có một thiền viện ở số 1 - Nguyễn-Công-Trứ, nơi tôi từng tu học với Võ-Văn-Nhân và một số anh em đồng đạo. Thiền viện là một căn nhà khuất bóng dưới những hàng thông và những bụi trúc. Đi lên Viện Đại-Học không xa, nhìn về hướng tây là đồi Mã Thánh, cõi yên giấc của bao thế hệ khắp mọi miền đất nước đến Đà-Lạt sinh và sống rồi nghìn thu ở lại với đất hoa.

      Đà-Lạt sau 1975 không còn là Đà-Lạt trong ca khúc của nhạc sĩ Hoàng-Nguyên, người người lặng lẽ đi trong sương lạnh như những chiếc bóng. Nguyễn-Đức Bạt-Ngàn ở với tôi gần một tháng, rồi không chịu nổi cái lạnh và buồn bã đành nói lời tạm biệt để về Huế tiếp tục học đại học sau cuộc bể dâu. Đưa bạn ra bến xe tôi nói với bạn :

  •  Thôi ! Ông về Huế đi để mình tự do cô đơn.

      Đó là lời cuối cùng tôi nói với Bạt-Ngàn để mãi mãi không bao giờ gặp nữa, sau nầy tốt nghiệp đại học, Bạt-Ngàn về dạy ở Vũng-Tàu, lấy vợ rồi vượt biên . . .

      Một buổi sáng tôi đang ngồi ở quán cà phê Tùng, quán cà phê nội tâm mà cả miền Nam thời ấy rất nhiều người nghe tiếng, nhất là giới văn nhân nghệ sĩ, mỗi khi đến Đà-Lạt là phải đến cà phê Tùng để thưởng thức ly cà phê đậm đặc với những tình ca của Chopin, Mozart, Beethoven . . .

      Và buổi sáng ấy họa sĩ Hoàng-Đăng-Nhuận đã xuất hiện, tôi ngạc nhiên vồn vã hỏi :

    -  Ông lên khi nào ?

    -   Mình mới lên cùng Vượng-Tư, đang tìm nơi tạm trú.

      Tôi nghĩ xem có người bạn nào rộng lòng để giới thiệu đôi tình nhân lãng mạn nầy, cuối cùng tôi dẫn Hoàng-Đăng-Nhuận xuống nhà Nguyễn-Công-Nhàn, bạn của nhà thơ Lê-Văn-Ngăn ở đường Hoàng-Diệu để tá túc, Nhuận nói với tôi :

-  Mình đang tìm địa điểm để bán cà phê bên đường, cậu có góp sức để cùng mình kiếm sống không ?

Quán cà phê nằm ở góc phố khu Hòa-Bình, trung tâm Đà-Lạt, nhà văn Thái-Lãng thời ấy là chủ tịch Hội Văn-Học Nghệ-Thuật đã rủ anh em đến ủng hộ Hoàng-Đăng-Nhuận trong bước đầu mở quán, Vượng-Tư vừa đẹp, pha ca phê ngon không thua gì chị Sáu ở bến xe nên khách đến quán ngày mỗi đông.

      Trước 1975 Hoàng-Đăng-Nhuận đã nhiều lần triển lãm tranh tại Đà-Lạt, thời ấy Trần-Nhơn, một con người tài năng kỳ lạ của Huế, đang học y khoa thì Nhơn bỏ nửa chừng để lang thang khắp chốn, nơi Nhơn mê nhất là Đà-Lạt nên đã ở dài lâu, Nhơn giỏi cả ba thứ tiếng Anh, Pháp,Đức, mỗi lần Hoàng-Đăng-Nhuận triển lãm đề tài tranh cần dịch ra Anh, Pháp thì đưa cho Trần-Nhơn. Bức tranh nổi tiếng thời ấy là bức “ Đoàn Người Mua Không Khí “, tác phẩm ấy Nhuận tặng cho nhà thơ Lê-Văn-Ngăn, không biết bây giờ hiện hữu nơi đâu ?

      Thời khói lửa chiến tranh, đề tài bức tranh đã làm giới thức giả giật mình và giữa thời ô nhiễm môi trường  khắp toàn cầu, ý tưởng của bức tranh đã là khát vọng của nhân loại. Thủa tôi còn ở Huế, Nguyễn-Văn-Phương [ Phương Xích-Lô ] thường nói với tôi về Trần-Nhơn, Nhơn là bạn của Phương, gia đình ở Thế-Lại – Huế gần nhà thi sĩ phản kháng Ngô-Kha, những năm Phương chơi với Nhơn thì tôi gặp phải lao lung, sau nầy trên đường lưu lạc lòng cứ mong có ngày gặp được Trần-Nhơn.

      Sau một tháng phụ giúp Nhuận và Vượng-Tư bưng cà phê tôi nói với Nhuận  mình nghỉ để làm việc khác. . .

Mỗi năm xuân về, tết đến, lòng người ai không mong chờ năm mới để sum vầy bên những người thân. Sau ngày đưa Ông Táo vào tết năm 1975 [Ất Mão] anh em ở chung đã hành lý về quê, một mình trong thiền viện, sáng tối nghe thông reo, gió thổi, bốn bề lạnh lẽo lòng không yên, thế là tôi quyết định “ tam y nhất bát “ lên phố núi Pleiku tìm nhà thơ Lê-Nhược-Thủy đang cùng chị Phương-Huệ dạy học ở trường trung học Pleime.

      Tôi đến Pleiku vào chiều 29 tết, hỏi đường đến trường . . . gặp bác Cai thì bác cho biết vợ chồng Lê-Nhược-Thủy đã chuyển về dạy tại trường Bồ-Đề ở Xã . . .Huyện . . .cách Pleiku khoảng hai chục cây số.

      Trên chiếc xe lam rời phố núi chiều cuối năm là những cô gái Thượng, họ ít nói ít cười, còn bác Tài thì lo lên ga xuống ga, chiếc xe lam chạy lúc nhanh lúc chậm, khi hoàng hôn buông xuống, xe chạy đến một đoạn đường rừng thì tắt máy, chúng tôi xuống xe nhìn bóng chiều mà lo ngại, bỗng tứ hướng xa tôi thấy một chiếc xe hơi . . . đến gần tôi đưa tay xin quá giang, trên xe ngoài tài xế có một ông Tây, ông vui vẽ mở cửa cho tôi lên, ông Tây là chủ đồn điền ở quanh vùng quận huyện ấy. Ngôi trường vợ chồng Lê-Nhược-Thủy chuyển về dạy nằm cách đường cái không xa, tôi bước vào cổng thì một vị thầy mặc áo lam ra chào tôi, hỏi thăm thì được biết thầy Thủy và cô Phương-Huệ dạy ở đây nhưng đã về Pleiku đón tết rồi, đêm ấy tôi ngủ lại ở ngôi trường, vị thầy ấy cho tôi địa chỉ của Lê-Nhược-Thủy ở Pleiku, đó là số . . . chung cư Trần-Quý-Cáp

      Hỏi thăm đường và tìm ra căn phòng vợ chồng Lê-Nhược-Thủy phải mất vài tiếng giữa thành phố đại ngàn ngày ba mươi tết. Khi tôi đứng trước cửa phòng thì chị Phương-Huệ đang bồng bé gái khoảng hai tuổi [ đó là bé Hà-Nội ] chị thấy một ông sư khoát y vàng, lúc đầu chị ngạc nhiên nhưng khi tôi lên tiếng hỏi Lê-Nhược-Thủy thì chị vui vẻ tự nhiên mời tôi vào nhà, chị thật tình hỏi :

      -Sư ăn gì chưa ? Rồi không đợi tôi trả lời, chi xuống bếp nấu cho tôi một tô mì.

Đó là lần đầu chị gặp tôi và trong lòng nghĩ đây là bạn của chồng mình. Năm 1972, khi Lê-Nhược-Thủy và tôi còn ở Lao Thừa-Phủ, chị Phương-Huệ cứ mỗi thứ năm là vào thăm nom người yêu, tôi chỉ nhìn thấy chị qua những lần thăm ấy. Ăn xong tô mì tôi hỏi Lê-Nhược-Thủy, thì chị Phương-Huệ nói nhẹ thôi :

  • Anh Thủy đã đi Sài-Gòn !

      Trong lòng tôi nghĩ “ Lạ thật ! Tết mà không sum vầy với vợ con, đi Sài-Gòn làm chi ?

      Khoảng 4g chiều ba mươi tết, tôi đang ngồi ở phòng khách thì có một ông khách xách cái va ly to thật to, ông khách khoảng ba mươi tuổi, tóc dài tới ngang vai, khuôn mặt có những nét điêu khắc hồng hào, ông bước vào vừa lúc chị Phương-Huệ ở phòng trong đi ra, chị la lên mừng vui :

  • Hoàng-Đăng-Nhuận !

Đó là lần đầu tôi gặp họa sĩ mà tên tuổi từ lâu bên cạnh họa sĩ Đinh-Cường, Bừu-Chỉ, Tôn-Thất-Văn, Lê-Văn-Tài . . . là những vì sao ngũ sắc của Huế. Chị Phương-Huệ, nếu đêm giao thừa ấy không có Hoàng-Đăng-Nhuận, vì tình yêu vẩy gọi mà không đón tết ở Huế thì tâm trạng của chị buồn tới đâu ! Hoàng-Đăng-Nhuận vào nhà mở valy lấy quà tết tặng chị Huệ, tôi nhìn trong va-lythấy  đầy đủ khung vẻ, bút cọ, màu . . . thảo nào cái valy to hơn bình thường.

      Sau mâm cơm cúng giao thừa, tiếng pháo mừng xuân rộn rã khắp nơi, chị Phương-Huệ dỗ cho bé Hà-Nội ngủ xong, chị ra dọn bày hương vị tết lên bàn rồi ba chúng tôi chuyện trò đón năm mới. Đêm ấy chị Phương-Huệ đã lấy truyện Kiều để bói đầu năm và có lẽ những câu Kiều bói đêm giao thừa ấy về sau đã ứng vào thân mệnh mỗi người mỗi khúc đoạn trường khác nhau.

      Sáng mồng một tết khi chúng tôi đang uống trà, ăn mứt gừng trong cái lạnh đầu năm của núi rừng Tây Nguyên thì khách chúc tết đã đến, đó là những vị thầy dạy ở trường trung học Pleime, theo sau là một cô nữ sinh mặc áo đầm trắng. Cô nữ sinh đẹp, quá đẹp đến nỗi lòng tôi cũng rung động. Sau nầy tôi biết đó là Vượng-Tư, người yêu của họa sĩ Hoàng-Đăng-Nhuận, hèn chi họa sĩ phiêu lưu cả ngàn dặm, không đón tết ở Huế, lên phố núi để vui xuân với em “Pleiku má đỏ môi hồng “.

      Chiều hôm mồng một tết 1975 tôi nói lời chào tạm biệt đầu năm với chị Phương-Huệ, viết vài dòng cho Lê-Nhược-Thủy kẹp vào trong cuốn tự điển tiếng Pháp rồi tam y nhất bát trong những ngày tết để trở về Đà-Lạt.

      Viết về họa sĩ Hoàng-Đăng-Nhuân nhà phê bình mỹ thuật Huỳnh-Hữu-Ủy có những dòng cảm khái :

“ Mê thế giới của giá vẽ và màu sắc nên thời còn rất trẻ trước 1968, Nhuận rời gia đình và sống trong cảnh phiêu lãng với họa sĩ Lê-Văn-Tài ở Huế, rồi khi Lê-Văn-Tài trở thành người lính của Mặt Trận Giải Phóng, đi lên rừng, rồi ra miền Bắc, thì Hoàng-Đăng-Nhuận đã trở thành họa sĩ lúc nào mà cũng chẳng hay. Tự học vẽ, không vào trương Mỹ Thuật, vậy mà bước đầu triển lãm thì lại bày tranh với hai họa sĩ rất danh tiếng thời bây giờ là họa sĩ Đinh-Cường và họa sĩ Rừng “

 

                                                                                              

 

Vương Kiều
Số lần đọc: 644
Ngày đăng: 01.03.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dọc đường văn nghệ (Phần 74) Nguyên Bình, người siêng năng luyện chữ để tìm vui thú trong văn chương - Trần Dzạ Lữ
Dọc đường văn nghệ (Phần 73) Đinh Ngọc Diễm Thư, nhà thơ xứ An Giang - Trần Dzạ Lữ
Quán hớt tóc - Nguyễn Đức Tùng
Hải hành mùa đại dịch 9 - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Hải hành mùa đại dịch 8 - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Tết ở Trường Sơn Tây - Nguyễn Đại Duẫn
Tết sắp về! Tôi lại nhớ Tết xưa. - Hoàng Thị Bích Hà
Dọc đường văn nghệ (phần 71) Trịnh Công Truyền, người mê thơ, thích hát & rất giàu tình cảm - Trần Dzạ Lữ
Dọc đường văn nghệ (Phần 72), Bích Mai Phan : giọng thơ lạ mà rất Huế - Trần Dzạ Lữ
Mùa Xuân trên đỉnh Hòn Chè - Trần Khởi
Cùng một tác giả
Sơn ca (thơ)
Cô gái Huế (tạp văn)
Hàn ny (thơ)