Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.094
123.231.255
 
Câu chuyện tình thời chiến tranh.
Trung Trung Ðỉnh

  Tôi được ông Ba Sang gọi lên lán chỉ huy để nhận nhiệm vụ. Thực lòng tôi chẳng ưa gì ông, một ông già khó tính, mặt lúc nào cũng lầm lầm, lì lì, khô như củi. Ngoài bốn mươi tuổi mà ông vẫn chưa có “thời cơ” lập gia đình, phần vì hoàn cảnh chiến tranh, quanh năm suốt tháng ở phía trước. Phần vì bản tính ông khô khan thế nên rất khó gần phụ nữ. Nghe đâu trước khi được về Nam chiến đấu, ông cũng có mối tình khá sâu nặng với một cô giáo rất xinh ở Hà Nội, nhưng khổ nỗi, chỉ vì ông biết yêu mà lại không biết thổ lộ tình yêu, nên cuối cùng người ông yêu sa vào tay một người bạn, hôm ông dẫn anh ta tới thăm cô nàng. Kể từ sau cái ngày đáng buồn ấy, ông không còn có cảm tình với bất kỳ người con gái nào nữa.

Ấy thế mà khi cậu công vụ của ông tới gọi tôi thì trung đội trưởng Chín Thung của tôi lại bảo: “Tao biết tỏng nhiệm vụ chi rồi. Mi phải nhận đó nghe. Cứ nhận đại đi, rồi về tao nói cho mà hay sau!”. Quái lạ cái nhà anh Chín Thung này! Tôi thấy cái sự ấm ớ của anh mới rõ là nhảm nhí, vì tôi là lính, làm sao dám từ chối lệnh của cấp trên mà xui nhận với lại không nhận! Vậy nên tôi mới hỏi anh: “Anh nói gì lạ? Anh biết nhiệm vụ gì không mà cứ nói càn?”- “Thì mày cứ tới đó khắc biết”. Thế đấy! Nói thế thì còn nói làm gì? Tôi là y tá của đơn vị. Vâng, một y tá bất đắc dĩ. Chả là sau trận đánh đồn Chè, tôi ngồi buồn, tí táy mở túi thuốc chiến lợi phẩm của đơn vị ra xem, tình cờ thấy có quyển sách “Cẩm nang y tá”, liền mò mẫm đọc. Té ra cái sự tiêm chích theo như trong sách này dạy cũng chẳng phải khó khăn gì cho lắm. Mà ngay cả cái việc chẩn đoán các căn bệnh thông thường, thực ra cũng đơn giản. Ví như muốn tiêm chích một loại thuốc có dầu thì nhất thiết phải luộc thuốc lên, rồi tiêm vào mông. Sau khi phóng mũi kim xuống, phải rút ngược lên một tí, coi xem có máu không. Nếu có máu hút theo có nghĩa là ta đã chích trúng động mạch, cần phải kéo nhanh mũi kim lên hoặc nhấn sâu xuống, rồi lại thử coi xem máu có còn hút theo thuốc lên xa- ranh nữa không. Nếu máu hết theo lên tức là không nguy hiểm nữa, tiêm được rồi đấy. Còn nếu dùng kháng sinh thì nhất thiết phải thử phản ứng trước khi tiêm.

Bệnh nào cũng có nguyên nhân và cách chữa trị. Tìm được nguyên nhân thì chữa trị đơn giản, cứ theo ba-rem liều lượng có sẵn, thế là ổn. Thằng Đào kêu đau bung, rờ vô hố chậu phải cu cậu giật thót lên. Tôi bảo đau ruột thừa, phải đưa nó đi cấp cứu ở trạm xá gấp. Thế mà trúng choóc. Cũng vì có vụ đau ruột thừa của thằng Đào mà tôi có dịp làm quen với trạm xá. Nói tới trạm xá tức là nói tới cái sự tươi đời vì ở đây lúc nào cũng vừa có nếp lại cũng vừa có tẻ!

 

Người tôi được làm quen đầu tiên là y sĩ Thư. Chị Thư tiếp nhận thương bệnh binh ở phòng cấp cứu, sau khi hội ý chớp nhoáng với bác sĩ Long, họ đi đến kết luận là phải mổ ngay. Tôi được họ mời phụ mổ. Đến nước này tôi phải thú nhận trình độ chuyên môn giê rô của mình. Cả bác sĩ Long lẫn chị Thư đều không tin, họ  bảo lúc này không cần khiêm tốn. Té ra cái sự phụ mổ cũng chẳng có gì ghê gớm lắm. Tôi đứng cạnh chị Thư, tiếp tay cho chị những thứ dao kéo bông gạc khi anh Long cần. Sau ca mổ, tôi được chị rủ xuống bếp chị nuôi...tư tỏi. Ấy là món chè đỗ xanh nấu với mật ong. Lần đầu tiên được chén món này, tôi thấy ngon và thơm vô cùng. Còn anh Long thì thậm chí không thèm ăn. Anh bảo chỉ cần nhắc đến đỗ xanh là anh đã ớn dựng tóc gáy! Chẳng là năm ngoái trạm xá được trên cấp đậu xanh thay gạo, cả tháng trời ăn tuyền đậu xanh nên anh ngán đến tận bây giờ.

Hôm rời bệnh xá về, chị Thư gởi tôi một lít mật ong và một túm đỗ xanh, bảo “biếu anh Ba Sang”, tôi mới biết ông Ba đâu phải chú người gỗ. Chị Thư bảo chị với “anh Ba” là đồng hương. Biết vậy, tôi chẳng bình phẩm gì. Tôi thấy chị nói tiếng Huế hay Trị Thiên gì đó, còn ông Ba nói rặt giọng Quảng, đồng hương Miền cũng còn khó nữa là. Tôi nghĩ, nếu ông Ba mà “vớ” được bà Thư này, thì đời ông coi như  được đền bù xứng đáng. Chị Thư người mảnh dẻ, nhưng không phải cái mảnh dẻ yểu điệu, yếu đuối. Chính sự mảnh dẻ của chị lại toát lên vẻ cứng cỏi, kể cũng có hơi khô, nhưng bù lại, nghe chị nói ta có cảm giác chị đang thì thầm từ đâu đó, một thứ giọng ngân nga như chuông lại vừa trầm ấm, gần gũi.

-Em nói anh Ba đừng gởi chi cho chị nữa, nghen.

Đấy, giọng chị đấy, chỉ cần nghe là ta không có cách nào khác mà không “dạ”.

-Dạ, tôi ngoan ngoan nói.

Tôi hồi ấy mới mười chín, hai mươi, lại mới vào chiến trường, mới tham gia đánh đấm được dăm trận lẻ tẻ, mới đủ mọi thứ nên thấy cái gì cũng lạ, cũng hong hóng nghe, hong hóng theo dõi, và cả hong hóng suy nghĩ nữa. Về tới đơn vị, tôi kể lại chuyện đó với anh Chín Thung. Anh Chín là người Quảng, cùng quê với ông Ba Sang. Đã nhiều lần anh  muốn cho chị Thư tìm hiểu ông Ba nhưng cả anh cũng là người vụng, chỉ biết nói với chị rằng , anh Ba Sang là ngời tốt! Nói thế thì ai chả nói được? Chả lẽ anh em chúng tôi là người xấu hết à? Thật khó lọt lỗ tai tôi chứ chưa nói gì tới tai chị Thư. Vả lại, nghe đồn chị Thư cũng lắm chuyện lắm. Chị chỉ thích yêu mấy anh bộ đội miền Bắc, có học thức cao, lại trẻ tuổi. 

Chính anh Chín có lần bảo với tôi rằng, chị Thư mê tay Long bác sĩ, nhưng tay Long đã có vợ, có con nên cứ tránh chị, mặc dù hai người ở gần nhau. Tôi nghiệm thấy có lẽ đúng. Anh Long tỏ ra khá lạnh lùng với chị Thư, một điều “cô”, hai điều “cô”, ngay cả khi chê món chè anh cũng có cái vẻ của người né tránh. Còn chị Thư thì cứ như không: nhẹ nhàng, giản dị và hơi cam chịu.

 

Hôm tôi đem mật ong và đỗ xanh của chị Thư về trao cho ông Ba Sang, ông tra hỏi tôi rất nhiều, rằng Thư có nói gì với em không? Thư có bảo bao giờ thì đi với đội phẫu ra phía trước không? Thư không viết cho anh chữ nào à? Tôi bắt thóp được tình cảm của thủ trưởng nên cứ ấm ớ kể rằng, chị ấy chỉ hỏi thủ trưởng có khỏe không, có hay buồn, hay cáu với anh em không thôi. Ông Sang ngồi thừ ra một lúc rồi bỗng đưa cho tôi chỗ đỗ xanh và mật ong ấy, bảo đem về nấu chè cho anh Chín và anh em trung đội trinh sát cùng ăn. Tôi chả dại gì không nhận. Về đến nơi, đem “chiến lợi phẩm” ra khoe, anh Chín mắng tôi một trận lên bờ xuống ruộng, rồi mới nói: “Mày đừng bép xép, ông ấy hâm hâm nhưng tốt bụng cực kỳ, đừng  để nhiều người hay chuyện, ông ấy nhụt chí”. Tôi tất nhiên là “vâng”.

 

 Bẵng  đi một thời gian vì bao nhiêu công chuyện,  hôm nay ông Ba Sang lại nhớ tới tôi mà gọi, hẳn có chuyện gì đây? Tôi mong sao mọi điều đến với ông và chị Thư được suôn sẻ. Và tôi tự dưng cảm thấy ngùi ngùi thương ông, lại cũng phát hiện ra ông đâu phải người khô như củi mà thỉnh thoảng anh em lính tráng chúng tôi cứ hay đem ra bình luận.

 

*

Tôi vừa lội qua suối thì đã thấy anh chàng công vụ của ông Ba Sang đón ngay trên bờ. Đó là một thanh niên dân tộc Bah Nar có giọng nói cứng, rất khó nghe: “Thủ trưởng biểu tui chờ anh”, anh ta nói từng tiếng một. “Có chuyện gì quan trọng không?”, tôi hỏi. Anh ta bảo rằng, thủ trưởng bố trí cho tôi tới trạm xá học một thời gian để về làm y tá chính thức cho đơn vị. Tôi nghe mà ngán ngẩm. Thực lòng, tôi đâu có mê cái nghề ấy. Chẳng qua vì lúc rỗi tôi tò mò tìm hiểu, rồi khi bí thì ra tay, bây giờ đến nước này rõ là thân làm tội đời rồi! Anh bạn công vụ khoác súng đi trước, bảo tôi theo sau. Tôi buồn bã ra mặt, trong lòng chỉ nghĩ tới chuyện phải từ chối thế nào để ông ta hiểu, đừng bắt tôi đi học. Nhưng tôi đâu có nghĩ được điều gì cho mạch lạc?

-Anh Bình. Thủ trưởng biểu tui dẫn anh vô đây.

Tôi sững lại trước cửa một căn nhà hầm nhỏ, có biển  đề “Quân y đơn vị”. Chẳng lẽ chuyện đã gọn ghẽ thế này rồi sao? Chẳng lẽ ông ta không cần hỏi xem nguyện vọng của tôi? Nghĩ thế, người tôi giận run lên, nhưng chân vẫn cứ bước vào. Tôi không ngờ chị Thư đang ngồi đó, trước cái bàn ghép bằng phên nứa, cùng cái túi Quân y. Thấy tôi vào, chị ngẩng lên nhìn tôi, mặt đầy nước mắt. Rồi bỗng chị lao tới, ôm chầm lấy tôi, vừa nức nở khóc, vừa nói:

- Em ơi! Chị em mình bị người ta đánh tráo cho nhau rôi!

Tôi không hiểu. Không tài nào hiểu được đánh tráo cái gì và ai là người ta?

Té ra ông Ba Sang không phải là chú người gỗ. Chính âm mưu này do anh Chín lập ra, sau này tôi mới biết.  Anh Chín đã tới trạm xá gặp bác sĩ Long, kể về tình yêu của ông Ba Sang với chị Thư, rồi anh đề nghị anh Long, nếu thương chị thì nên cho chị chuyển về đơn vị chúng tôi, để hai người có dịp gần nhau, vì vả hai cùng đều lớn tuổi cả rồi, mà chiến tranh thì chả biết tới bao giờ chấm dứt. Anh Long nghe cũng xuôi tai, có điều, anh đề nghị cho  cậu y tá Bình - tức là tôi , về trạm xá thế chân chị Thư, phải có thêm một y tá nam trẻ khỏe như tôi thì anh Long mới chấp nhận.

Cho mãi tới bây giơ tôi vẫn nhớ gương mặt đen xạm của ông Ba Sang khi ông tới chỗ chúng tôi, bắt gặp cảnh khóc lóc của chị Thư. Ông nói run run:

-Thôi, thôi mà. Không có gì đâu mà. Nếu các đồng chi không ưng thì thôi cũng được kia mà. Ở đây với trạm xá cũng vẫn là một đơn vị , tôi đâu có ép...

Đúng thế. Trạm xá chỉ là một đầu mối của đơn vị . Nhưng tôi đã nhận ra nét mặt quá đau khổ của thủ trưởng Ba, khi ông khẽ đặt tay lên vai tôi, nói nhỏ: “ Tuỳ em thôi mà!”.

Không phải tuỳ tôi, điều ấy tôi hiểu. Nhưng lúc đó nếu tôi từ chối, hẳn từ chối đựơc. Ấy vậy mà tôi đã lại “vâng” một cách nước đôi, để rồi sau đó phải khoác ba lô về trạm xá thật. Còn chị Thư với ông Ba đã thành vợ chồng sau đó nửa năm, đúng vào dịp tôi được nhận bằng y tá, trước tết ta vài  ngày, trước khi toàn đơn vị được lệnh vào chiến dịch lớn. Đám cưới của họ, nói như anh Chín Thung là lấy vui làm gốc, món ăn chỉ có độc một nồi quân dụng lớn chè mật ong nấu với đỗ xanh, do chính anh Chín vừa là anh nuôi vừa là trưởng ban tổ chức nấu, ai ăn được bao nhiêu thì tuỳ khả năng mà múc.

 

2004

Trung Trung Ðỉnh
Số lần đọc: 2587
Ngày đăng: 12.12.2005
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
miên trường phía sau - Nguyễn Vĩnh Long
Trên những chặng đường - Nguyễn Xuân An
Lời nguyện ước với dòng sông - Lê Tư
Vết thương thần thánh - Võ Tấn Cường
Ánh trăng lóng lánh - Trần Thanh Giao
Phục sinh - Dương Minh Tâm
Dạ khúc - Huỳnh Anh
Cho một niềm tin - Trần Hà Lý Thái Bạch
Dấu nặng - Thu Nguyệt
Giáng Sinh Trắng - Nguyễn Lê Hồng Hưng