Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.184
123.211.075
 
Từ mấy “chân dung tự họa” của thi sĩ Hoàng Cầm…
Nguyễn Anh Tuấn

 

Sau đêm “HC 100” tại Viện Pháp, tôi đã đọc nhanh toàn bộ cuốn sách “Hoàng Cầm - Về Kinh Bắc(1)- quả là “một ấn bản thơ-nghệ thuật ít có xưa nay” như lời  nhà thơ Hoàng Hưng(2);rồi nhẩn nha đọc lại thơ HC, bài viết của các nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu văn học tên tuổi; bỗng dưng nảy ra một ước muốn: “Giá như, sau đợt Kỷ niệm, các nhà làm sách sẽ bổ sung và in thành phiên bản bình dân hơn, không cần giấy đẹp, phụ bản tranh & ảnh màu, bìa cứng có tờ lót sang trọng, in Tira gần bằng mấy chục năm trước (15.000 cuốn), như thế giá trị Thơ HC và các công trình nhiên cứu về thơ văn HC sẽ đến được với đông đảo người đọc hơn - trước hết là tới các trường học của vùng quê mà không ít lần thi sĩ Hoàng phải “Cúi lạy Mẹ con trở về Kinh Bắc”…

 

Trong các phụ bản màu của sách này, tôi đặc biệt chú ýbức tranh phác thảo của HC cho bìa sách “Về Kinh Bắc” (năm1994), thốt nghĩ: nếu lấy làm bìa cho “Tập tuyển HC bình dân” kia thì thú vị biết bao!Bức tranh đó được vẽ vào thời kỳ tập thơ “Về Kinh Bắc” sau bao đận long đong “lên bờ xuống ruộng” cùng tác giả thậm chí lây vạ cho thi sĩ khác trót yêu nó, đã được “cấp phép thông hành” để được sống với thân phận “tự do” trên thị trường thơ ca… Bức tranh vẽ một cô gái Kinh Bắc, đằng sau chất siêu thực, dễ nhận ra bao yếu tố hiện thực: phía trên phần tóc chắc là vành nón quai thao, áo màu gụ non thay cho cả màu nón; đặc biệt là mái tóc uốn rất đẹp theo làn sóng mô phỏng các họa tiết cỏ cây hoa lá chạm trổ tại các đền, chùa vùng Kinh Bắc từng được dân gian ngàn đời ấn định: “Cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài”… Bên trong đôi hàng mi đặc thù lối vẽ tỉa “kiểu HC” là đôi mắt mở to, tự tin, trong trẻo, khi sóng gió đã qua - hình vẽ mặt trời đang lên phía má cô như góp phần khẳng định điều đó. Tâm trạng cô gái nói hộ tâm trạng tác giả, kể cả cái màu xanh mát mắt của Đất - Trời chan hòa trên gương mặt hồng hào của cô (và chắc chắn phải hồng hào), tô đậm thêm niềm vui bằng màu xanh lá cây ở đôi tròng mắt (kết mạc) vốn là lòng trắng… Hai “hạt nhãn” (mống mắt và đồng tử) tròn xoe, long lanh, có Âm - Dương Ngũ hành và “sao chiếu Mệnh” ngự trị để chứng kiến các Đêm Thổ, Đêm Kim, Đêm Mộc, Đêm Thủy, Đêm Hỏa trong “Lời khấn nguyện” của ông cho sự việc tiếp tục tốt lành, và giúp cho nỗi niềm chân thực có phần thơ ngây của thi sĩ đến được với người đọc dễ dàng hơn qua vài sự “đánh đố”, “bịt mắt bắt dê” đễ thương… Bức tranh có gì thương thương, tồi tội, nhất là đối với những ai biết rõ về thân phận hẩm hiu của tập thơ mấy chục năm trước…

 

Ngắm bức tranh này, tôi sực nhớ lại những câu chuyện về đời thơ HC và Quan họ mà ông kể cho hai anh em chúng tôi - đạo diễn đàn anh Tự Huy và tôi, kẻ hay “theo đóm ăn tàn” các bậc trưởng thượng văn chương - trong đợt vác máy quay chạy theo ông qua nhiều vùng quê Kinh Bắc, cùng nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán, mong ghi được nhiều nhất hình ảnh của ông… HC kể: ông thất vọng về phim “Đến hẹn lại lên”, bởi phim chỉ “mượn” Quan họ để nói về Kháng chiến, trong khi phải ngược lại - “mượn” Kháng chiến để đi sâu vào số phận Quan họ bao đời. Ông hy vọng sẽ có lúc được xem phim đích thực về Quan họ mà có ông tình nguyện tham gia vai “lão tiên chỉ làng” - theo gương “làm diễn viên” của các nhà văn Nguyễn Tuân, Kim Lân… Rồi khi về Hà Nội, ông đã tặng tôi tập bản thảo “Tiếng hát quan họ”(3)như một sự gợi ý tinh tế, một lời nhắn gửi thầm kín.

 

Tôi vội vàng lục tung các chồng sách vở để tìm lại tập bản thảo ấy.Ở đó có hai bức tranh đều vẽ cô gái Quan họ (Tranh đầu với thiết kế bìa lộ rõ chất nghiệp dư &Tranh sau làm phụ bản) và bút tích nhà thơ xóa sửa tự biên tập. Ông bảo: “Tớ vẽ không ra gì đâu, nhưng ít ra, mấy nét nguệch ngoạc a-ma-tơ có tô màu vụng này cũng có thể gợi ý cho người đọc những điều tớ gửi gắm - dĩ nhiên là nếu nó được duyệt để in…”

 

Lúc này, năm 1956 (ghi chú ngoài bìa bản thảo), năm mà như HC tổng kết,  “trận gió mạnh” Nhân Văn Giai phẩm đang tràn qua đời sống văn nghệ nước nhà, sau đó, dù có dừng lại, song dư âm của nó còn tới năm 1959, và thi sĩ HC tự thú: “thơ của tôi đã lui về quá khứ… qua thời gian viết được ra 48 bài thành tập thơ “Về Kinh Bắc” này… Tôi chìm về một quê hương xa, có thực mà như ảo ảnh, là ảo ảnh mà tưởng như gần gũi đâu đây, cứ chập chờn năm tháng và bảng lảng không gian, xanh mơ mong manh màu kỷ niệm pha chút tím của tiếc hận, chút hồng của tuổi thơ, chút biêng biếc thắm của say mê não nùng, của thương cảm không có bến buông neo, và nhìn chung chỉ thấy con mắt của thời gian không hề suy suyển đến một sợi mi cong… Như gần đây tôi đã phải thốt ra: “Mắt thời gian càng miên man xanh” (Vĩ thanh)(4). Nhưng trước khi hoàn thành “Về Kinh Bắc” như cuộc hành trình “qua tám nhịp tuần du dạ khúc”, ông đồng thời thu thập các bản thảo thơ cũ viết từ lâu, tự phân thành các tập theo chủ đề - như tập bản thảo “Tiếng hát quan họ” tôi đang có trong tay; và chắc chắn chúng đều mang âm hưởng “Mắt thời gian càng miên man xanh”, với cảm nhận thi sĩ: “chỉ thấy con mắt của thời gian không hề suy suyển đến một sợi mi cong” của “Về Kinh Bắc”. Âm hưởng ấy và cảm nhận ấy, trong nhiều năm tìm đến đời sống Quan họ cũng đã giúp HC nhìn ra sức sống kỳ diệu của quan họ, không ít liền anh liền chị quan họ vượt qua những cảnh ngộ ngang trái bất hạnh và làm cho sinh hoạt văn hóa dân gian lâu đời này “thành ngọc trai giữa lòng sông Đuống(5), còn ông thì viết cả một trường ca “Tiếng hát Quan họ” nói được thân phận thực sự của các nghệ nhân ở 49 làng Quan họ cổ Kinh Bắc!

 

Cái âm hưởng, cảm nhận đó đường đã được HC thể hiện qua hai bức tranh minh họa cho văn chương về Quan họ. Bức tranh bìa vẽ cô gái Quan họ theo “bút pháp tả thực”: Đôi mắt mở to trong sáng, mi cong“không hề suy suyển”, đó là đôi “mắt nắng thay mùa nở lộc non” (Đếm giờ); mi mắt và môi đã trang điểm chuẩn bị cho một canh hát sắp tới; khăn đội đầu cách điệu thêu thổ cẩm lộ ra làn tóc mai gọn gàng và mớ tóc yểu điệu rơi xuống lưng chừng; áo tứ thân cũng có chút cách điệu nhiều điều (đỏ) nhiều tía (chắc chắn sẽ có cả yếm đào xẻ con nhạn, thắt lưng hoa đào, hoa lý, đeo xà tích, mà do bố cục tranh tác giả đành để người xem tự đoán lấy); chiếc ô đứng thẳng sẵn sàng làm đạo cụ biểu diễn và đồng thời làm dụng cụ che mưa nắng… Phía xa là núi non vùng Kinh Bắc, dải mây hồng và một con chim đang bay nhưng không hề đơn độc bởi nó bay về phía cô gái Quan họ tìm kết bạn… Bức tranh này, cũng như bức tranh nhà thơ vẽ nhiều năm sau, minh chứng cho lời “tự thú” của ông: “Tôi theo dòng mẫu hệ/ Ngây xanh miền thuở bé/ Nét nhăn hồng hoàng hôn/ Mải theo dòng mẫu hệ/ Thoắt yếm đào tuổi son/ Buộc bướm vào hoa lệ/…/Tôi theo dòng mẫu hệ/ Cứ mê man lạc đường” (Theo dòng mẫu hệ)(6)

 

Nhưng bức tranh thứ hai, chắc ông HC định làm phụ bản, thì có nhiều điều để bàn hơn. Vì, cũng là “bút pháp tả thực”, nhưng thi sĩ - họa sĩ dường muốn gửi gắm tâm trạng hoặc tâm sự nào đó của mình qua sương khói tuổi thơ buồn vui lẫn lộn mà ông sẽ trải nghiệm một cách trọn vẹn trong “Về Kinh Bắc” ít năm sau, qua cặp mắt người Quan họ nhắm lại mơ màng như để kìm lại khi “Về Kinh Bắc phải đâu con nghẹn khóc” (Đêm Kim); như trong một cuộc chơi “trốn tìm” để “Trốn tiếng Chị cười/ Nấp mắt Em trông” (Đếm giờ). Nhưng cũng có thể đấy là đôi mắt “Khóc đỏ chiều quê” vào ngày “Chị bỏ Em đi” (Đếm nắng); hay đó là cái nhắm mắt “quán tưởng” để sống lại với ký ức mà dù có gặp “Thập điện Diêm vương mở hội” thì cũng là cái gặp “Trong mắt trẻ lên năm” (Đêm Thủy)… Khi vẽ mấy chiếc lá trong tranh, thi sĩ-họa sĩ có nghĩ tới “Lá Diêu Bông” sẽ làm thổn thức bao thế hệ người đọc thơ ông? Còn chiếc thuyền đơn độc ở đây phải chăng là cái ngày mùa đông “Em tìm thấy lá” nhưng “Chị lắc đầu/ trông nắng vãn bên sông” (Lá Diêu Bông), để cậu trai si tình khóc nghẹn “trong giọt lệ cuối hàng mi” (Luân hồi) bên dòng sông mang cái tên định mệnh - định mệnh phải nhớ thương cảm thương xót thương mà cậu mang theo suốt đời: “Tha cho Em/ Tha Em/ Sông Thương nước chảy đôi dòng” (Nước sông Thương)?

 

Ba bức tranh nói trên có thể nói là một cách “tự họa” chân dung tinh thần của thi sĩ HC, trong sự chuyển hóa mỹ học “thi trung hữu họa” và “họa trung hữu thi”, cũng bước đầu cho thấy chiều sâu Con người và Cội nguồn thi ca của ông; chúng đều phảng phất bóng dáng của các tượng Phật, tượng Mẫu, tượng Tứ Pháp ở Thuận Thành - Siêu Loại mà ông quen thuộc tự thủa ấu thơ… Cả ba cô gái Quan họ trong các tranh, những người con gái đa tình, đa truân ấy đềunhư mang trong hồn vía mình các Mẫu thần cổ xưa vùng Kinh Bắc, đều “mắt nghiêm màu Phật” của các Phật tử thuần thành “trẩy chùa Hương phía giải oan”, hoặc gợi nhớ “cô công chúa triều Lý/ khép áo kinh kỳ mấy cửa hang” (Chùa Hương)(7); và chắc chắn có cả ánh nhìn nhớ thương của vợ và hai con gái nhà thơ… Một bức đã in sách, còn hai bức kia, hy vọng sẽ được in trong một tập sách bình dân tuyển thơ HC cùng các bài nghiên cứu về toàn bộ sự nghiệp của ông, để các thế hệ học trò từ nay sẽ được biết thi tài của một HC không chỉ qua bài “Bên kia sông Đuống” bất hủ, mà còn qua hàng trăm bài thơ, trường ca, kịch thơ, văn xuôi của một tác giả in bóng lừng lững trong nền văn học hiện đại.

 

Và từ ba bức tranh này, tôi còn lan man nghĩ tới việc khai thác, quảng bá giá trị của Di sản HC tới đông đảo công chúng - thông qua các vở diễn sân khấu, phim điện ảnh chuyển thể tác phẩm HC, như “Men đá vàng”, “Tiếng hát Quan họ”, “Hận Nam Quan”, “Kiều loan”; xây dựng “Công viên HC” tại Bắc Ninh với những sinh hoạt văn hóa độc đáo như “Hát thơ Quan họ - Hoàng Cầm”, “Trò chơi Đi tìm lá diêu bông”, “Đố thơ Hoàng Cầm”…; xây dựng “Nhà lưu niệm HC”; làm phim tài liệu chân dung xứng đáng về HC; xây dựng các clip có tính Giáo khoa giảng thơ HC trên nền những hình ảnh quê hương Kinh Bắc từng tạo cảm xúc và là đối tượng thể hiện trực tiếp của thơ văn  HC, v.v.

 

Riêng hai bức tranh sau,cùng tập bản thảo “Tiếng hát Quan họ”, tôi xin được trao tặng lại “Nhà lưu niệm HC”, nghe nói đang được xây dựng tại quê hương ông…

_______________

1. “Hoàng Cầm - Về Kinh Bắc”, Nhóm Biên soạn: Hoàng Hưng chủ biên, Nxb Hội Nhà văn, HN, 2022 (Những trích dẫn thơ không chú thích đều lấy từ sách này).

2. http://vanviet.info/gap-go-va-tro-chuyen/phong-van-nh-tho-hong-hung-chu-bin-cuon-sch-dac-biet-ki-niem-100-nam-ngy-sinh-nh-tho-hong-cam/

3. Bản thảo do tác giả rút ra từ tập thơ “Cửa biển” in chung với Trần Dần, Lê Đạt, Văn Cao, Nxb Văn nghệ, HN 1956. Sau này đã in trong “Hoàng Cầm - Tác phẩm (Thơ)”, Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn, Nxb Hội Nhà văn - TTVH-NN Đông Tây, HN 2003

4. “Hoàng Cầm - Về Kinh Bắc”… Sđd, tr.160 -161

5. “Hoàng Cầm - Tác phẩm (Thơ)”, Sđd (Phần “Tiếng hát Quan họ” 1956).

6. “Lá diêu bông”, Nxb Hội Nhà văn, HN 1993.

7. “Mưa Thuận Thành”, Nxb Văn hóa, HN 1991.

 

- Các ảnh sách, tranh: NAT chụp

- Thi sĩ Hoàng Cầm nói chuyện tại một trường học ở Thuận Thành, Bắc Ninh: Nguyễn Đình Toán chụp

 

 

 

 

 

 

 

Nguyễn Anh Tuấn
Số lần đọc: 633
Ngày đăng: 02.03.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Phiêu bồng về “Ngày ấy Kon Tum” - Đào Duy An
Văn nghệ khai Xuân - Từ Sâm
“Thơm xứ thần kinh” gửi gió thanh tao - Võ Quê
Thơm tho biết mấy, ngọt lành… - Võ Quê
“Thương quê những nỗi niềm” - Võ Quê
Gặp gỡ trên đường dài mộng mị - Trần Trung Sáng
Tập truyện Bên Đời của Trần Thế Phong - Hoài Niệm Quê Hương. - Trần Yên Hòa
Biên khảo 'Marie Curie, một đời hy sinh cho khoa học' của Nguyễn Thế Tài - Thy An
Hành trình tìm…A của Bùi Minh Vũ - Ngô Thị Minh
Ơi có nhiều mây tím và thơ - Võ Quê
Cùng một tác giả
Ám ảnh gia truyền (truyện ngắn)
Bản di chúc bi thảm (truyện ngắn)
Một kiếp đầu thai (truyện ngắn)
Tình bạn phá sản (truyện ngắn)
Lãnh Chúa ngân hàng (truyện ngắn)
Đạp và đạp (tạp văn)
Tâm bệnh Nguyễn Du (truyện ngắn)
Giọt lệ mo hồn (truyện ngắn)
Nhớ mẹ (tạp văn)
Tư tưởng của ruồi (truyện ngắn)