Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.192
123.209.154
 
Từ bé Cosette đáng thương tới con gián Samsa đáng sợ
Nguyễn Anh Tuấn

 

(Thay nén nhang thơm ngày kính tiễn thầy Phùng Văn Tửu về nơi Vĩnh cửu)

 

 

Sau mấy chục năm, có một câu nói của thầy Phùng Văn Tửu với sinh viên lớp chúng tôi như vẫn còn nguyên vẹn âm sắc cùng trạng thái tình cảm của thầy lúc đó: “Các anh chị đọc văn học nói chung và văn học phương Tây nói riêng, nên gắng tìm ra - tôi tạm gọi là “những định đề tư duy - tâm hồn” căn cốt đã nối ngầm các tác phẩm của một tác giả, hoặc nối ngầm tác giả này với tác giả khác; ví dụ: “Từ bé Cosette đáng thương của Victor Hugo tới nhân vật Gregor Samsa hóa thân thành con gián khổng lồ đáng sợ của Franz Kafka”… Thấy chúng tôi ngơ ngác, thầy mỉm cười dịu dàng ẩn nỗi buồn đượm chua chát và thương hại lũ sinh viên mới nhập trường còn ngu dại, rồi nói thêm: “Tôi chỉ gợi ý chút này thôi: văn học sẽ thành trò giải trí vớ vẩn, chốc lát cho những kẻ lắm tiền, nếu như không nghiền ngẫm và than khóc cho số phận Con người…” Rồi thầy trở lại phong cách hóm hỉnh pha chất humour Pháp lẫn “anh hề” dân gian Việt quen thuộc, như một kịch sĩ, thầy diễn trò: “Ta là con gián Samsa hóa thân đây… Nhưng đừng sợ ta, và đừng làm hại ta…” Sau khi cả lớp cười bò thỏa thê, thầy trở lại nghiêm nghị: “Thực ra phải dịch là “con sâu khổng lồ Gregor Samsa”, nhưng tôi thích hình dung anh ta hóa thành con gián, bởi gián là loài vật đáng kinh sợ, tồn tại từ thời cổ đại Ai Cập trong những lăng mộ xác ướp… Con gián chứa cả vi trùng dịch hạch, và các anh chị thử nghĩ, nếu thế gian này tha hóa thành loài gián, thì cái Đẹp sẽ bị gặm nhấm, phá hủy, đầu độc khủng khiếp đến thế nào! Nhưng ông Kafka nhân từ, chỉ cho Samsa hóa thành con sâu lớn thân mềm ghê tởm, tức là không bị tha hóa đến tận cùng, đểrồi cuối cùng thành nạn nhân của chính bố mình - khi ông ta ném mấy quả táo vào người con trai súc vật tạo thành vết lở loét góp phần dẫn tới cái chết đau đớn của anh… “

Thời kỳ sinh viên tìm & đăng ký đề tài làm luận văn tốt nghiệp, tôi được thầy Huỳnh Lý tặng tập 1 cuốn tiểu thuyết “Những người khốn khổ” (Les miserables) do thầy và Nhóm Lê Quý Đôn dịch; biết tôi mê V. Hugo, thầy Huỳnh Lý gợi ý tôi tìm thầy Phùng Văn Tửu để làm luận án về tác giả này. Với “định đề tư duy - tâm hồn” mà thầy đưa ra ám ảnh trong một thời gian dài, tôi đã trình thầy đề cương luận văn: “Chủ nghĩa nhân đạo trong tác phẩm Những người khốn khổ”, và được thầy ủng hộ. “Em à (lúc không ở trên giảng đường, thầy vẫn gọi sinh viên một cách thân mật là “em”), chủ nghĩa nhân đạo trong văn học, trong tác phẩm của Victor Hugo là đề tài lớn rộng mà nhân loại sẽ còn bàn tới trong nhiều thế kỷ nữa; sức của em tới đâu thì làm tới đó, đừng tham vọng nhiều…”. Luận vănkhông được điểm tối đa, bởi như thầy nhận xét trước khi bảo vệ: “Tính lý luận của luận văn bị chất cảm xúc - cái thế mạnh của em lấn át!”.

Song điều cuối cùng thầy nói với tôi, trong buổi làm việc cuối cùng với thầy tại nhà riêng còn quý báu hơn mọi điểm số và đánh giá: “Em à, cái nhân đạo của ông Victor Hugo chính là thứ mà xã hội ta sẽ phải cần đến, phải khai thác nhiều góp vào hành trang tinh thần của người Việt trong hiện tại và tương lai…”

Đó cũng là mơ ước thầm kín của thầy; và tôi không biết mơ ước đó đã thực hiện được tới đâu, chỉ biết rằng: giọt nước mắt cô đơn sợ hãi của bé Cosette giữa rừng Mông-phéc-mây và nỗi hoảng loạn đau đớn của con gián hóa thân Samsa trong căn phòng địa ngục gia đình mà thầy gợi ra trên giảng đường mái tranh năm nào vô tình đã trở thành một góc quan trọng của tâm hồn chúng tôi để đi qua bao nỗi nhọc nhằn mưu sinh, lập nghiệp…

 

Hà Nội, 10/3/2022

 

Nguyễn Anh Tuấn
Số lần đọc: 673
Ngày đăng: 14.03.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bến đỗ nào cho em? - Hoàng Thị Bích Hà
Viết, trong bóng rợp của người cha - Nguyễn Tường Thiết
Khi còn chiến tranh là còn hy vọng - Trương Văn Dân
Hành trình đến tự do - Trần Hạ Vi
Lan man về Thơ, như một sự phi-vật-chất - Đỗ Quyên
“Anh trẩy chùa Hương phía xót thương”… - Nguyễn Anh Tuấn
Chập chờn tỉnh mê - La Thụy
Tro - Hoàng Xuân
Tiếng chim hót trong vườn Xuân - Nguyễn Đại Duẫn
Tết Huế - trong dòng chảy bất tận của thời gian - Bùi Hoàng Linh
Cùng một tác giả
Ám ảnh gia truyền (truyện ngắn)
Bản di chúc bi thảm (truyện ngắn)
Một kiếp đầu thai (truyện ngắn)
Tình bạn phá sản (truyện ngắn)
Lãnh Chúa ngân hàng (truyện ngắn)
Đạp và đạp (tạp văn)
Tâm bệnh Nguyễn Du (truyện ngắn)
Giọt lệ mo hồn (truyện ngắn)
Nhớ mẹ (tạp văn)
Tư tưởng của ruồi (truyện ngắn)