Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.184
123.218.534
 
Nhà văn Nguyễn thị Hoàng - Niềm đam mê ngôn ngữ (Phần 5)
Đỗ Nguyễn

 

Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng và Tiếng Chuông Gọi Người Tình Trở Về qua nét bút của họa sĩ Chóe.

 

 Phần 5.  Nhà văn Nguyễn thị Hoàng và những nhà phê bình văn học.

 

 

   

 

 

   

   

 

  

 

 

 Các nhà phê bình, các nhà văn đã viết hoặc nói về Nguyễn thị Hoàng.

 

Từ trái sang phải, hàng thứ nhất :  Thụy Khuê, Hồ Trường An, Công Huyền Tôn Nữ Nha Trang, Mai Thảo.

Hàng thứ  2 :  Uyên Thao, Nhật Tiến, Dương Nghiễm Mậu, Viên Linh.

Hàng thứ  3 :  Nguyễn văn Lục, Nguyễn Vy Khanh, Hiền Trang, Liễu Trương.

Hàng thứ  4 :  Trần Ngọc Hiếu, Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, Trịnh Thanh Thủy.

 

 

    Thi hào Goethe (1749-1832) người Đức, ngày nào đã phải kêu khổ và căm phẫn đến nỗi : « muốn giết chết hết cái lũ phê bình văn học kia! ».

   Thâm thúy hơn, nhà văn François Rabelais, thời Phục Hưng (1483- 1553) của Pháp đã tuyên bố : « Có rất ít chó hút được chất tủy, chúng chỉ thích gặm xương … », ngài cho rằng có một cách đọc riêng để cảm nhận và hiểu sâu sắc tác phẩm Gargantua, vì trước khi làm công việc phê bình, đương nhiên phải là độc giả.    

 

    Nhà phê bình Thụy Khuê : « Một dân tộc (Việt Nam) chú ý nhiều đến cái vỏ mà bỏ qua cái lõi, biếng nghĩ, thích phê phán và đầy nghị kiến. »

 

    Nhà văn Mai Thảo : « Từ trước đến nay, nhất là ở xã hội chúng ta, một xã hội đắm chìm trong một trạng thái phân hoá và dao động trầm trọng bởi sự quay cuồng của nhiều dòng ý thức tư tưởng đối nghịch dị biệt (một trạng thái xã hội chưa hình thành trọn vẹn thì những giá trị cũng chưa được xác định, những vai trò cũng chưa được sáng tạo). Người ta đã có những định kiến rất sai lầm, những ngộ nhận rất nguy hiểm của tác dụng nghệ thuật cách mạng tiến bộ, về vai trò của người làm nghệ thuật cách mạng tiến bộ … Một trong những ngộ nhận lớn lao tố cáo tất cả những sự thật thảm thương của một trình độ hiểu biết sơ đẳng hiện diện hỗn xược và ngạo nghễ trên diễn đàn văn học nghệ thuật hiện tại là sự nhận định hoàn toàn sai lầm, bằng những điểm đồng nhất và trùng hợp của bọn dốt nát về triết học Tây phương với những khởi điểm của giòng nghệ thuật cách mạng ý thức ở đây ; những đầu óc thiếu vắng một liêm khiết tri thức tối thiểu không bao giờ dám tìm hiểu những khởi điểm tiến bộ ấy trong một tương quan xã hội hiện hữu, những kẻ bất tài không tìm được luận điệu nào hơn là gán ghép một số danh từ công thức máy móc (vô thần, hiện sinh, nổi loạn) lên sự hình thành tất yếu của một giòng nghệ thuật chính thống đã trở lại, duy trì sự có mặt rạng rỡ của nó giữa đời sống, sự có mặt không do một phiêu lưu, ngẫu hứng hay một tình cờ nào hết, sự có mặt chỉ là kết quả một giác ngộ và trưởng thành nơi người làm nghệ thuật và khởi hành từ nhận thức đó.»

   ( Trích từ tiểu luận « Nghệ Thuật, Sự Báo Động Khẩn Thiết và Thường Trực của Ý Thức ». Tạp chí Sáng Tạo, tháng 9- 1961.) Trong bài viết này, ông nói về tính ưu việt của chủ nghĩa Siêu Thực và chủ thuyết Hiện Sinh trong văn học.

    « Với một nền báo chí tương đối tự do và sự hỗ trợ của giới độc giả cùng sinh hoạt xuất bản ngày một tăng trưởng, giới cầm bút phái nữ đã tiến một bước dài trong việc góp mặt trong sinh hoạt văn học. Qua một nỗ lực chung - và một số nhỏ thành công - họ đã được công nhận khả năng sáng tạo, không chỉ ở số ấn bản sách bán được, mà quan trọng hơn cả là ở nội dung và văn phong mới mà họ đã đóng góp cho văn học. Vì đến trễ trong sinh hoạt văn hoá do phái nam thống trị từ nhiều thế kỷ qua, họ phải nỗ lực gấp đôi để cống hiến cho đời cái độc đáo riêng của họ, nâng các tác phẩm của họ từ một thứ gợi óc tò mò lên hàng một nghệ thuật. »

    ( Trích từ Biên khảo về Các Nhà Văn Nữ Miền Nam Việt Nam 1954-1975 của tiến sĩ Công Huyền Tôn Nữ Nha Trang, dịch từ tiếng Anh « Women Writers of South VietNam 1954-1975 » bởi Trùng Dương nguồn : báo Người Việt, tháng 02, 2022.)

 

     Khuynh hướng sáng tạo văn học nghệ thuật của thế kỷ hai mươi tại Pháp là chủ nghĩa Siêu Thực (Surréalisme) và chủ thuyết Hiện Sinh (Existentialisme) phải được hiểu rằng :

     «  Siêu Thực đi từ triết học phân tâm của Freud, coi Vô Thức như chủ thể của sáng tạo. Siêu Thực là hiện thân của Mộng.

    Hiện Sinh, trong quan điểm của Sartre, bác bỏ ý niệm Vô Thức của Freud, coi ý thức mới là chủ thể của sáng tạo. Hiện sinh là hiện thân của Ý Thức, của Thực. Siêu Thực và Hiện Sinh vừa Đối Lập, vừa Bổ Xung cho nhau. Cả hai tìm đến tự do như cứu cánh của sáng tạo, cùng chi phối sáng tác văn học nghệ thuật, không những ở Pháp mà còn ảnh hưởng đến văn học nghệ thuật toàn cầu. » 

    (Thụy Khuê, Chủ nghĩa Siêu Thực trong văn học, Paris, tháng 10 -1999).

   

     Nhà phê bình Thụy Khuê, bằng một sự nghiên cứu kỹ lưỡng đã có cái nhìn trung thực và tổng thể về văn chương của Nguyễn thị Hoàng, xác định : Sáng tạo của Nguyễn thị Hoàng có thể chia làm hai khuynh hướng là Hiện Thực Hiện Sinh và Hiện Thực Huyền Ảo nhưng đó là sự Tự Phát chứ không có gì chứng minh là nhà văn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dòng văn học này.

    Thụy Khuê giải thích rõ ràng : « Hiện Sinh là hiện thân của Ý Thức, của Thực. Triết học Hiện Sinh trong nghĩa đơn thuần nhất chính là khuynh hướng triết học  « Tìm Hiểu Con Người », con người « Đang Sống ». Tác phẩm của Nguyễn thị Hoàng, vô tình hay hữu ý, luôn chiếu ống kính về mình, khảo sát mình. Riêng về Vòng Tay  Học Trò, bà có phân tích một cách ngắn gọn, rõ ràng và sâu sắc như sau để giúp độc giả cảm nhận và hiểu thêm rất nhiều về tác phẩm này :

   « Tác giả chiếu ống kính vào khắp các ngõ ngách khác nhau của hiện tượng tình yêu để vẽ lại bằng một bút pháp đam mê, lôi cuốn đầy nghệ thuật. Tình yêu là nội dung sáng tác và đam mê hướng dẫn ngòi bút. Tình yêu ở đây trở thành đối tượng nghệ thuật, một bức tranh, một bài thơ, tức là tình yêu đã trở thành một vật thể. Vật thể tình yêu này được soi rọi trên mọi khía cạnh, mọi tình huống, được nhìn bằng trăm mặt khác nhau và viết nên bằng một thứ bút pháp đam mê không ngừng nghỉ như một hơi thở bất tận.

   « Vòng Tay Học Trò đã đào sâu tình yêu qua ngả Nhận Thức và Cảm Giác. Mỗi yếu tố nhỏ nhất đều có thể là động tác của tình yêu : một hơi thở, một tính cựa mình, một làn khói … Tất cả đều có chất Yêu ở trong và nhà văn đã « chắt » nó ra, và như thế, tác giả đã tìm tới tất cả những nguồn cội dẫn đến nhục cảm có thể tưởng tượng được ».

    « Thi pháp của tình yêu và đam mê đã dẫn ta tới nguồn cội của cảm giác. Giá trị của tác phẩm nằm ở chỗ đó. »

           ( Thụy Khuê, Paris, 30 tháng 10, 2018 - Nguồn thuykhue.free.fr)

  

     Ông Nguyễn Vy Khanh, một nhà phê bình văn học, cho rằng : « Vòng Tay Học Trò, tiểu thuyết chỉ gợi tò mò nơi người đọc tìm kiếm tiểu sử tác giả của nó, tiểu thuyết làm dáng hiện sinh … » (Bài viết Văn Học Miền Nam tự do 1954-1975, nguồn Học Xá  05 -2012)

   

     Nhà văn nhà báo Uyên Thao ( báo Sóng Thần của thời gian 1971 - 1975), đã có nhận định chuẩn xác từ một cái nhìn tổng thể : « Ngôn ngữ của Nguyễn thị Hoàng là ngôn ngữ chuốt lọc nhuốm đầy màu sắc của trí thức. Mỗi tác phẩm là đường hướng dẫn người đọc tới đối diện với những khúc mắc muôn thuở của con người. Người đọc bước vào đó với ý thức thắp lên một ngọn đèn, một bó đuốc của óc thông minh, một khả năng tri thức ».

  

     « Nhà văn Nguyễn Nhật Duật chỉ trích : « Ảnh hưởng rơi rớt mơ hồ của nền hiện sinh cũ, trước và sau 62 đã góp phần vào sự hình thành tác phẩm của các nhà văn nữ này … Những nội dung táo bạo không phải là tự do mà là buông thả. Kẻ nào dám sống với kinh nghiệm đời sống, họ sẽ là nhà văn. 

   

     Mai Thảo có cái nhìn bao quát hơn, thông cảm và ôn hòa hơn : « Khả năng văn chương nữ bây giờ cho phép họ đề cập đến mọi chủ đề. Có điều bất cứ cuộc giải thoát nào trước hết là giải thoát thân xác, nhất là cho đàn bà. Rồi họ sẽ đề cập đến những chủ đề khác. Nhưng bây giờ họ đang nói đến thân xác, dù không phải nói như vô luân. Thân xác là chủ đề lớn nhất hiện nay. » (Tạp chí Văn, số 206, trang 9 - Nguyễn thị Hoàng và Vấn Đề Sáng Tạo, nguồn Blog Liễu Trương, Viết và Đọc.)

  

     « Các nhà phê bình thời ấy không tiếc những lời cay nghiệt nhất cho Vòng Tay Học Trò : «  Phi luân, sự buôn lậu tư tưởng trong một con bệnh dâm thành phố … Trường hợp ngoại lệ, mất thăng bằng, bệnh hoạn. Khi nhà văn Dương Nghiễm Mậu so sánh văn chương của Nguyễn thị Hoàng với Quỳnh Dao, cây bút diễm tình nổi tiếng của Đài Loan thì nhà văn Viên Linh đã phản đối ngay : Quỳnh Dao viết về cái trong sáng, không viết về cái nhầy nhụa. »

     ( Nhà văn Hiền Trang, bài viết một 9X nghĩ gì về Vòng Tay Học Trò, nguồn Công Anh Nhân Dân online).

  

    « Trừ Nhật Tiến trong bài Sinh Hoạt Tiểu Thuyết Trong Một Năm Qua, Bách Khoa số 265 – 266, 15 tháng Giêng 1968 đã nhận định đúng giá trị văn chương của Vòng Tay Học Trò và của những tác phẩm văn học phái nữ xuất hiện trong hai năm 1966- 1967.»

      ( Thụy Khuê : Nguyễn thị Hoàng Người Yêu Muôn Thuở. Nguồn   thuykhue.free.fr, Paris, tháng 10-2018).

    

     Và thời này, gần đây nhất, ông Nguyễn văn Lục, một nhà phê bình đưa ý kiến từ phân tâm học của riêng ông : « Tôi chỉ có thể giúp bạn đọc tóm gọn vài dòng về cuốn Vòng Tay Học Trò :  Nó chỉ là một thứ Độc Thoại của Âm Hộ (Monologue Vaginal) … Cuốn sách tự nó chỉ là một cuộc tình ngang trái có gửi một thông điệp tư tưởng gì không? Tôi khẳng định là không! Nội dung là rỗng ruột. Không là không! »

( Nguồn báo mạng Đàn Chim Việt, 16-11-2021, Cuốn Vòng Tay Học Trò của Nguyễn thị Hoàng Dưới Góc Nhìn Phân Tâm Học. Tác giả Nguyễn văn Lục.)

  

     « Sau Nguyễn thị Hoàng, đến nay đã hơn nửa thế kỷ, theo chúng tôi biết, vẫn chưa có tác giả nào trở lại với vấn đề gai góc nhức nhối này ở cấp độ như Nguyễn thị Hoàng. Tuy nhiên, khoa lý luận phê bình văn học hiện đại, từ lý thuyết tiếp nhận, cho phép khảo sát sự tồn tại của tác phẩm văn học nghệ thuật từ nhiều góc nhìn khác nhau, trong các loại người đọc khác nhau, từ những thế giới quan, nhân sinh quan khác nhau. Tác phẩm văn học nghệ thuật không chỉ có độc nhất một sự cảm nhận, mà nhiều và rất nhiều. Vòng Tay Học Trò là một tác phẩm quan trọng trong văn học miền Nam Việt Nam (1954- 1975). Nó quan trọng không phải vì việc làm xôn xao dư luận, mà còn là vì giá trị đặc biệt nghệ thuật của nó … » 

     Nhà phê bình Minh Thạnh (Vấn đề tiểu thuyết Vòng Tay Học Trò của Nguyễn thị Hoàng, 2010 - nguồn Wikipedia ).

   

     Ông Nguyễn Vy Khanh, một nhà nghiên cứu phê bình nhận định về toàn bộ tác phẩm của nhà văn Nguyễn thị Hoàng :

    « Tiểu thuyết của Nguyễn thị Hoàng trình bày những mẫu người và đời sống bi quan, nổi loạn không cần tương lai mục đích, sống cho đã cái bản năng và thân xác, đến bội thực. Nguyễn thị Hoàng là bà hoàng của khuynh hướng này, bắt đầu với Vòng Tay Học Trò, hiện sinh hóa tình yêu, không giới hạn, không ngưng nghỉ trong những điên loạn bản năng tình dục. » ( Bài viết Nguyễn thị Hoàng, Ý thức và Bản Năng Nữ Phận  - Văn học miền Nam 1954- 1975 ) Nguồn Văn chương Việt, ngày đăng 20.06.2021.)

      

     Nhà văn Hiền Trang : « Có lẽ 50 năm là quãng thời gian đủ dài để ta có thể nhìn lại Vòng Tay Học Trò cùng các tác phẩm khác của bà với sự khách quan và sự « lạnh » cần thiết, triệt tiêu được những đúng sai không đáng có gây ra bởi sức nóng hầm hập của những vụ ồn ào, của vòng kim cô mà cái gọi là « thuần phong mỹ tục » đội lên đầu chúng ta hay những lời phán xét được buông ra một cách  cẩu thả như trong quá khứ. » ( và cả hiện tại). (Nguồn Báo Phụ Nữ, 2021)

   

     Nhà phê bình Liễu Trương nhận định về tác phẩm Cuộc Tình Trong Ngục Thất : « Nguyễn thị Hoàng là nhà văn cũng là nhà thơ, đã từng làm thơ từ thuở còn ngồi trên ghế nhà trường, và đã có những tập thơ xuất bản. Đối với tác giả, sáng tác truyện đến sau sáng tác thơ, và kể chuyện với một tâm hồn thơ là điều tự nhiên. Vả chăng một ngôn ngữ giàu chất thơ thích hợp với tâm trạng của nhân vật trong truyện muốn trải lòng mình trong một độc thoại. »

   ( Bài viết Tình Yêu Thời Chiến Dưới Ngòi Bút Nguyễn thị Hoàng – blog Liêu Trương, Viết và Đọc, tháng 08-2021.)

   

     Leonardo Di Vinci (1452- 1519), nghệ sĩ thiên tài toàn năng của nước Ý, khi vẽ bức họa La Joconde, chỉ tập trung hết tâm hồn, tư tưởng và tài nghệ để diễn tả một bức tranh sơn dầu nhưng rồi sau đó, nụ cười của người phụ nữ làm mẫu tên Mona Lisa trong tranh đã gây tranh cãi cho đến hôm nay, chỉ vì không ai đồng ý với ai về ý nghĩa của nụ cười lạ lùng đầy bí ẩn  đó ( tiết lộ bí mật lịch sử về người ngoài hành tinh, nụ cười châm biếm, hạnh phúc, cười buồn, cười đau khổ, cười nhạt, nụ cười tính cách trầm cảm …)

    Sự cảm nhận (Feeling) của mỗi người chúng ta thật khác biệt khi cùng đứng trước một tác phẩm nghệ thuật ; từ trình độ tri thức, van hoá, khả năng xúc cảm, tuổi tác và cả giới tính, chưa kể đến yếu tố thời đại, xã hội, bối cảnh sống …

     Công việc phê bình văn học là một thiên chức khi người phê bình thật sự khám phá được những nét đẹp và giá trị tinh thần cũng như nghệ thuật của tác phẩm, bên cạnh đó còn có yếu tố thời gian, thời đại, xã hội … Nữ sĩ Hồ Xuân Hương sinh năm 1772  (cùng khoảng thời gian với nhạc sĩ Beethoven của Đức), cụ nữ sĩ của chúng ta năm nay cũng khoảng 250 tuổi, nhưng phải đến bây giờ, thế kỷ này, có lẽ cụ mới mãn nguyện với công việc nghiêm túc của nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy, một công trình nghiên cứu công phu thật giá trị về thơ của nữ sĩ thiên tài độc nhất vô nhị, tầm cỡ ngoại hạng quốc tế. Sự phê bình của ông về hiện tượng đặc dị này thật là hoàn chỉnh, thấu triệt, phong phú, chi tiết, và sâu sắc.

    Viết về một nhà văn luôn là một liều lĩnh vì chúng ta có thể hiểu nội dung tác phẩm, thấy được tính cách nhân vật nhưng không bao giờ nắm bắt và cảm nhận được thấu đáo tư tưởng và trạng thái tâm hồn của họ lúc sáng tác. Viết về một nhà văn như Nguyễn thị Hoàng thì gần như là một nguy hiểm. Tại sao nguy hiểm? Vì nếu có một bước đi sai lạc hay dù có là cách hiểu đúng theo ý độc giả diễn đạt, ta có thể rơi vào một cái bẫy nào đó mà một người viết tầm cỡ bà không hề cố ý giăng ra. Một nhà văn chân chính không cần đặt ra một mục đích nào khi cầm bút, không cần tỏ bày hay giảng giải để thuyết phục hoặc phân trần. Những cạm bẫy vô tình và vô tư trong sáng tạo của Nguyễn thị Hoàng chính là những cạm bẫy tư tưởng và cách xử dụng năng lực ngôn ngữ. Thông thường, người đọc không biết sẽ được dẫn dắt đi đâu, sẽ phải đối diện với những biến cố nào của tác phẩm, và con đường có vẻ mang tính bất tận. Người đọc thấy mình chìm dưới những ngồn ngộn chi tiết, lạc vào một khu rừng từ ngữ, hoang mang vì những ước chừng, loay hoay với những phỏng đoán liên tục về tư tưởng.

     

       Bà giải thích :

      « Dù cuốn truyện dày hay mỏng, điều mong muốn là vẫn diễn tả đủ và đúng phần ý tưởng chính yếu với những nhân vật mà khung cảnh là nền tảng sân khấu. Phần ý tưởng chính yếu đó là tia ánh sáng duy nhất chiếu rọi lên toàn thể phần sân khấu kia, vì tia sáng đó quá mong manh nên ít người tìm thấy. Người ta chỉ nhìn thấy ở tác phẩm của tôi phần sân khấu, gồm nhân vật và khung cảnh, và ít khi nhận ra chút  ánh sáng le lói ấy. Trong khi chính tôi, nếu không có chút ánh sáng kia le lói chiếu lên sân khấu, tôi không thể nào tạo dựng nổi toàn bộ một sân khấu tiểu thuyết. » 

   

     Và trong một buổi nói chuyện tại Đại học Văn Khoa, Sài Gòn vào năm 1971, Nguyễn thị Hoàng đã đưa ý kiến về việc phê bình văn học :

    « Một nhà phê bình có đủ kiến thức, lương tâm là điều kiện làm việc phê bình đúng mức. Nhưng loại đó không có ở xứ ta. Dù nếu có, vì lẽ này hay lẽ khác, họ không hề đặt bút phê bình một ai trên giấy. »

     Từ lập trường vững vàng, Nguyễn thị Hoàng phân loại rõ ràng về các nhà phê bình như sau :

    «  _  Nhà phê bình Già Trầu : Người mang kiến thức và thành kiến của thời đại trước, đúc lấy một khuôn mẫu duy nhất cho phê bình, nhìn bất cứ tác phẩm cũng như tác giả nào cũng dưới cặp kính cũ kỹ của mình. Những tiêu chuẩn và mục đích của bài phê bình do đó, tất nhiên theo khuôn thước của họ, của thời đại đã qua, không ăn nhập gì với những biến tính và biến thể của tâm hồn hay đời sống không luân lưu trước mặt.

    _ Nhà phê bình theo lập trường của đảng phái hay chính sách : Họ là những người đứng trong đoàn thể, công việc phê bình của họ là « đập » một ai, không phải vì cá nhân đó, mà vì cá nhân đó đứng vào thành phần của đối phương.

    _ Nhà phê bình mang tinh thần đồng đội : Họ phê phán, khen hay chê, tùy theo người đó có ở trong băng nhóm mình hay không ; nghĩa là « bốc » hay « đập » một người nào, mục đích là duy trì những cây bút trong băng nhóm mình, và tìm cách triệt hạ đối thủ, nếu cảm thấy đối thủ đó cơ bay lên, làm lu mờ tên tuổi giá trị trong băng nhóm mình.

    _ Loại cuối cùng thì không vì đảng phái, lập trường phe nhóm, tiêu chuẩn đạo đức hay nhân danh một cái gì cả, ngoài những thúc đẩy giản dị và hồn nhiên là nhu cầu một tô phở, một chút tiền để đi chơi, hút sách, hay gì gì đó ; tóm lại, ai thuê viết thì viết, đúng như ý muốn của người ra chủ đề, bốc hay đập người này người nọ, đó là anh phê bình ba phải.»

                                    ( Nguồn Blog Liễu Trương - Viết và Đọc )

     

 

 

    Nguyễn thị Hoàng đã kết luận rằng « Giữa những người viết và những người phê bình luôn là khoảng cách mênh mông, tôi không thể nào đọc và hiểu họ cũng như họ không đọc và hiểu tôi. »

     Bà ngỏ ý thêm về việc này : « Phê bình là phải hiểu, phải tương thông với nhau, không cần lý thuyết hay triết lý nào, là cảm nhận được chút gì đó, do tiếp xúc, do gần gũi, do nhìn ngắm được nhau. Gọi là quan niệm về phê bình hay cũng là mơ ước, mong muốn những đồng cảm khách quan  khi nhìn nhận đánh giá bất kỳ tác phẩm, tác giả nào, thân hay sơ, không phải tiếng nói một chiều mà đa chiều kích. Và người viết có thể vượt qua những định kiến khen chê có thể có, không chờ đợi cũng không hy vọng hay thất vọng. Viết như mình cảm nhận và mong muốn nhắn gửi với cuộc đời.

      Bởi các vị được xem là những « nhà phê bình » không nhiều lắm, có nhiều trường hợp không đọc hết, thậm chí là không hề đọc qua tác phẩm, không soi rọi, thẩm thấu về những điều mà nhà văn cưu mang trăn trở, gửi gấm qua trang viết, song họ ( nhà phê bình ) vẫn viết tràn lan theo định kiến cá nhân, thậm chí còn những áp đặt, võ đoán đầy ác ý … không nghiên cứu, không tìm hiểu, không tiếp xúc, không có gì là vô tư hay khách quan, phần nhiều là định kiến chủ quan, áp đặt ; may ra có vài ba ý kiến gọi là khen nhưng lại trượt ra ngoài tác phẩm của tôi, tôi thì không cảm nhận được gì và tác phẩm của tôi chẳng liên can gì đến những lời khen chê mà trượt ra bên ngoài tác phẩm ấy. Sau này, cũng có những người phê bình chân chính, ví dụ như học giả Nguyễn Hiến Lê, chỉ biết ông qua hoạt động tạp chí Bách Khoa, thì « phang » hay « phán » : Nguyễn thị Hoàng là một tiểu thuyết gia có tư tưởng. Có lẽ ông cũng nhận ra điều gì đó, một tia sáng le lói nào đó trong tác phẩm của tôi, nhưng chỉ thế thôi rồi tắt ngấm » 

    (Nguồn Văn Chương Việt, Hoàng Kim Oanh, tiểu luận  « Đâu Biết Đời Kia Vẫn Đợi Chờ », tháng 08-2021 ).

   

     Ngoài những yêu cầu với tính cách « tình cảm », là tất cả xuất phát từ cảm và nhận, hiểu và thấu ; phê bình văn học, công việc rất khó khăn này đòi hỏi người thực hiện phải xác định được đối tượng của mình là gì từ một tác phẩm nếu không là tính nghệ thuật, tính tư tưởng và nét đẹp của văn chương? Thêm một khó khăn nữa là tác giả, người nghệ sĩ, luôn sáng tạo nghệ thuật bởi nhiều cảm tính, trong khi người phê bình nghiêng nhiều về lý tính, lý thuyết văn học và công việc của họ còn mang tính khoa học. Nhưng công việc phê bình là thật sự cần thiết vì không có nó, sân chơi văn học sẽ buồn tẻ, thiếu sức sống và nếu làm tốt thì đây là một thiên chức trong lãnh vực này.

   

     Nếu nhà phê bình có cùng một nền tảng tri thức, cùng một căn bản văn hóa với nhà văn để có thể tìm hiểu, phê bình trong một tâm thức vô tư và công minh, không hề bị áp đặt bởi định kiến xã hội, không hề theo tôn chỉ, mục đích, không chỉ có cái nhìn chỉ từ một góc cạnh mà phải đa chiều kích, không đứng trên lập trường của chính trị, của giới tính, từ bỏ quan điểm của những thời đại cũ, không trường phái không đảng phái.

    Nhà phê bình, đương nhiên, có quyền đưa ý kiến chủ quan thỏa hiệp với tính khách quan để có thể so sánh, kiểm định những gì đúng và sai, hay và dở, không thể hiểu và xét đoán một khía cạnh bằng lý trí theo một chiều mà phải len lỏi vào nguồn mạch của một tác phẩm văn chương. Phải có cảm nhận ( Feeling ) gần như người viết.  

      Nhưng từ bao giờ một người phê bình văn học có được tư tưởng « sống lại » cảm xúc của người viết để có thể cảm nhận, xác định từng trạng thái tâm hồn của người viết? Để có thể hiểu được nguyên nhân tâm lý nào đã thúc đẩy nhà văn đến việc sáng tạo tác phẩm?  Đến bao giờ một người phê bình văn học dám mon men đặt mình vào vị trí của người viết để đương đầu với từng vấn đề mà từng nhân vật trong một tác phẩm văn chương phải đối diện? Hay ít ra, người phê bình phải soi chiếu được ánh đèn vào từng ngõ ngách tâm trí của người viết để cảm nhận tối thiểu và thấy rõ mọi yếu tố đã hình thành tư tưởng để họ sáng tác, để phơi bày một cách chân thực từng bản thể phức tạp cũng như về sự thật của tâm hồn và thân xác nhân vật, thế giới nội tâm sâu xa, phức tạp đầy bí ẩn với những thái cực hoàn toàn đối lập của nó.

   

    Vì cảm nhận (Feeling) là sự liên kết ( Association) giữa nhận thức (Cognition) và xúc cảm ( Emotion ) nên đó là điều quan trọng nhất để ta có thể hiểu được sâu sắc tác phẩm, đánh giá đúng mức tác phẩm, khám phá nhà văn và theo dõi con đường dài sáng tác của họ. Nhà phê bình (sau khi đã là độc giả thật sự tốt)  không có sự cảm nhận, thông hiểu, không cùng một cấp độ cảm xúc, mà chỉ xét đoán bằng lý trí và chủ quan, chỉ nhìn một khía cạnh của một tác phẩm, hoặc chỉ  từ một tác phẩm lấy đó làm nền cho toàn bộ sáng tạo của nhà văn thì không thể nhận được trái tim nhà văn trao tặng. Những cách phê bình này sẽ nhận chịu sự đào thải của thời gian là thước đo giá trị của sáng tạo nghệ thuật.

   

    « Một độc giả thật sự tốt » là một người nhạy cảm ( Sensitive), bằng khả năng thông minh của cảm xúc ( Emotional  Intelligence ) bắt được ngay những tín hiệu nhắn gửi từ tác giả qua cách diễn đạt bởi ngôn ngữ văn chương, dù hiện thực hay trừu tượng, chứa đựng những bí ẩn trong sâu thẳm tâm hồn tác giả, « thấy được ánh sáng le lói là phần ý tưởng chính yếu », theo Nguyễn thị Hoàng. Do đó, một nhà văn luôn có một số độc giả của riêng họ, những độc giả này cảm và nhận, như một phần nào con người và tâm tư của họ đã có sự đồng cảm của nhà văn diễn tả giùm họ bằng sáng tạo.

   

     Một nhà phê bình thật sự giỏi và có lương tâm là người có cái nhìn trung thực, sắc bén, tinh tế, biết cách soi rọi, bươi đào bới móc được thêm phần ẩn núp trong sâu xa của tác phẩm, trình bày cho bằng được những bí ẩn, giải mã được ngay cả cách diễn tả những nghịch lý của hiện thể vô thường, mà từ tiềm thức tác giả có thể cũng không nhận biết trong lúc sáng tạo, thấy rõ được chất thi ca trong những hình ảnh có tính phi lý cực độ, tính hiện thực huyền ảo và hiện thực hiện sinh hiểu đúng nghĩa trong sáng tạo nghệ thuật.

   

    Lúc thiên chức của người phê bình được nhìn nhận là lúc tác giả cảm thấy có được một cuộc « đối thoại ngầm », tương đắc với anh ta, và đã dẫn dắt, phân tích, tạo được sự thông hiểu cho những độc giả khác về nội dung tác phẩm để sự thưởng ngoạn được sâu rộng và thú vị hơn, làm sống được một cách hài mãn những « complicités spirituelles » ( tính đồng lõa, thỏa hiệp, thích hợp của  tâm linh ) của cả ba phía thì đó chính là sự hậu đãi của nghệ thuật văn chương trong toàn bộ giá trị tinh thần của nó cũng như ý nghĩa đích thực của sáng tạo nghệ thuật trong đời sống được biểu hiện như ánh sáng. Vì nghệ thuật ý thức chính là đời sống trước mặt, trong tay và văn chương là tiêu biểu của nghệ thuật tối thượng và là tài sản tinh thần (biens spirituels) của dân tộc.

   

     Người phê bình, ngoài một trình độ tri thức sâu sắc, bài bản, thiết yếu, đương đại, ít nhất là ngang tầm với người viết ; và ngoài một nền tảng lý luận vững chắc, còn phải trang bị cho mình một kiến thức sâu rộng từ nguồn văn học thế giới cũng như phân tâm học và lịch sử, triết học, thần học để có tầm nhìn rộng tối đa, từ đó mới có thể so sánh, đào sâu, nới rộng, nâng cao tính tư tưởng và nghệ thuật từ tác phẩm mà họ phê bình và giúp thêm cho độc giả thấu hiểu mọi chiều kích sâu rộng của sự sáng tạo, bởi vì phía sau một tác phẩm luôn tiềm ẩn chất chứa bao điều còn để khám phá mà có khi với thời gian và những biến động của cuộc sống, qua vài thời đại, chúng ta mới thấy thêm được chiều sâu tâm hồn của tác phẩm từ tính tư tưởng, những ý thức về giá trị nhân bản từ cuộc sống cho đến văn hoá, lịch sử và có thể mang cả tính Prophecy ( dự cảm về tương lai từ những cảm nhận của thực tại ) cũng như có ảnh hưởng sáng tạo cho những thế hệ sau. Thi sĩ Arthur Rimbaud (1854- 1891) của Pháp là một trường hợp huyền thoại như thế. Người ta có thể đọc nhiều lần thi ca của ông, và mỗi lần đều có cảm giác như đọc lần đầu tiên với những khám phá mới về ý tưởng cũng như tính nhục cảm ẩn trong phương ngữ lạ lùng.

   Hãy thử tìm hiểu về văn chương của Nguyễn thị Hoàng để thấy những chất lượng này trong sáng tạo của bà.  

         

        Riêng về tác phẩm  Tan Theo Sương Mù  của Nguyễn thị Hoàng.    

    

      Sau này, vào năm 2018, khi phân tích tác phẩm Tan Theo Sương Mù, một truyện ngắn được viết theo khuynh hướng Hiện Thực Huyền Ảo (Réalisme Fantastique ) mà nhà phê bình Thụy Khuê nhìn nhận là một tuyệt tác (sáng tác vào năm 1970) theo bà thì đó là tác phẩm « đạt đỉnh cao của tế nhị và hư ảo » : « Tình Yêu được đặt trong một không gian mới lạ, diệu kỳ. Không hiểu tại sao chỉ một chuyến qua Kyoto mà tác giả có thể nhập vào nhiều thứ đến thế : không khí mê hoặc của những gia trang huyền bí Nhật Bản, của vườn cảnh, của những bình phong, của những bông hoa lạ, của hương thơm, của ảo giác, của bức tranh bí mật dị kỳ và nhất là tâm hồn Nhật Bản. Bút pháp trong Tan Theo Sương Mù không thua bất cứ loại bút pháp nào trong tác phẩm của Kawabata* Tình yêu ở đây là sự sống chung giữa mộng và thực, giữa trần gian và âm cảnh của người đàn ông và người vợ đã chết, ẩn thêm bóng dáng của « người lạ » trong Ngày Qua Bóng Tối nhưng Nhật Bản hơn, thanh khiết và cao đạo hơn. » (Bài viết Nguyễn thị Hoàng, Người Yêu Muôn Thuở)

   

     Về truyện ngắn đặc sắc này của Nguyễn thị Hoàng, nhà văn Hồ Trường An cũng đánh giá rất cao nội dung cũng như văn phong và ý tưởng của truyện. Ông phân tích chiều sâu của tác phẩm có tính tư tưởng ẩn dụ này đã phải chịu « số phậm hẩm hiu thiệt thòi » chỉ vì các nhà phê bình văn học của ta « có cái nhìn mắc cạn ở mặt chữ, không thể xuyên qua mặt chữ nên họ không tìm được tư tưởng ẩn dụ trong văn chương cho nên Tan Theo Sương Mù từ bấy lâu nay như « kẻ mặc áo gấm lộng lẫy đi đêm ».

    Nói rộng hơn, các nhà phê bình Việt Nam vốn chưa quen tìm ẩn dụ trong nhiều tác phẩm của văn chương quốc tế để hướng dẫn người đọc … Nếu gặp một quyển truyện dịch nào có tư tưởng triết học hay tâm linh thì bèn lờ đi ( Dostoïvsky, Hermann Hess …) vì  họ « không có kinh nghiệm về việc đọc lối văn thoát khỏi cái vòng cương tỏa của hiện thực và tân hiện thực » nên không nắm bắt được then chốt tâm linh để phân tích chiều sâu của tác phẩm, hoặc có lẽ « họ bị thành kiến ác nghiệt ám ảnh họ, rằng Nguyễn thị Hoàng chỉ biết làm dáng trong văn chương », cho dù tác giả có giải thích về cái ẩn dụ đó ghi trong phần tiểu sử của bà, đó là lý do tại sao bà chọn truyện ngắn này cho tuyển tập Những Truyện Ngắn Hay Nhất Trên Quê Hương Chúng Ta ( của Sóng xuất bản) »  (Nguồn Blog Học Xá).

  

     Hồ Trường An bồi thêm : « Còn tệ hơn nữa, những nhà biên khảo, những nhà phê bình chỉ quen quan sát và nhận định văn chương tâm lý ái tình, văn chương phong tục, văn chương hiện thực và văn chương tân hiện thực mà không ngó ngàng gì tới văn chương sâu rộng hơn, nghiêng về ẩn dụ, tư tưởng triết học, tâm linh … Họ chỉ đi theo lối phê bình thuở tiền chiến mà thời tiền chiến không có những tác giả kiêm tư tưởng gia như Vũ Khắc Khoan, Thanh Tâm Tuyền, Võ Phiến … hoặc họ lần mò theo dấu vết của Cao Huy Khanh miền Nam trước 1975. »

 

*Kawabata :  Yasunari Kawabata  (1899 – 1972) , văn hào Nhật, một trong những nhà văn quan trọng của thế kỷ 20, với đỉnh cao Mỹ Học của ông, giải Nobel văn chương 1968, mà chúng ta đã được biết ít nhất qua tuyệt phẩm Xứ Tuyết (dịch giả Chu Việt, năm 1969) được đánh giá là quốc bảo của nền văn học Nhật Bản.

 

 

 

Đỗ Nguyễn
Số lần đọc: 1158
Ngày đăng: 15.03.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhà văn Nguyễn thị Hoàng - Niềm đam mê ngôn ngữ. (Phần 4) - Đỗ Nguyễn
Nhà văn Nguyễn thị Hoàng - Niềm đam mê ngôn ngữ ( Phần 3). - Đỗ Nguyễn
Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng - Niềm đam mê ngôn ngữ (phần 2) - Đỗ Nguyễn
Đọc lại Hoàng Cầm - Nguyễn Đức Tùng
Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng - Niềm đam mê ngôn ngữ. - Đỗ Nguyễn
Tu thiền - Võ Công Liêm
Bàn về đi du lịch ngày Tết - Hoàng Xuân Hoạ
Bỏ tết để…văn minh. - Thiếu Khanh
Chọn tuổi xông nhà – vài lưu ý cần biết - Đặng Xuân Xuyến
Bản tuyên ngôn của chủ nghĩa siêu thực - Võ Công Liêm
Cùng một tác giả
Ngọn gió nào… (truyện ngắn)
Tả ngạn (truyện ngắn)
Cây rừng vô cảm (truyện ngắn)
Chân mây xa vời (truyện ngắn)
Triền dốc lãng quên (truyện ngắn)
Chiều phai Dã Quỳ (truyện ngắn)