Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.181
123.219.694
 
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 23)
Phan Tấn Uẩn

 

 

            Nguyễn Hiến gọi tôi đến tòa soạn Văn Cầm :

            “ Trước khi đi ngoại quốc,Trác Bạt cần gặp John Hoàng …”

            John Hoàng trước đây là ký giả nổi tiếng trong làng báo.Anh có năng khiếu ngoại ngữ đặc biệt, được học bổng về nghiên cứu phê bình văn học của một Đại Học Quốc tế.John Hoàng đang làm việc cho báo Oriental Literature, từng nói rằng trước khi làm báo cần phải viết văn giỏi.

            “ Hoàng có dịp về Thủ Phủ, vừa gặp tôi tại tòa soạn.” Nguyễn Hiến cho biết.

            Gặp John Hoàng, tôi đưa giấy giới thiệu của Nguyễn Hiến, anh lập tức dẫn tôi xuống canteen khách sạn Hilton.

            “ Anh Hoàng … Tôi biết trước khi qua Bắc Mỹ, anh đã là một phóng viên cừ khôi của làng báo.”

            “ Trác Bạt nên biết những người làm báo như tôi trước đây cũng thuộc giới giang hồ…”

            “ Lãnh vực văn chương cũng đâu có thơ mộng gì. Cũng ở trong trường văn trận bút  cả thôi. Tôi chuẩn bị du học về một chuyên ngành văn học mới, ngoài chuyện viết bài cho Văn Cầm còn muốn nghe những kinh nghiệm văn, báo của anh.”

            “ Làm việc ở Bắc Mỹ, tôi cũng nghe danh Trác Bạt. Nếu bạn có thì giờ nghe tôi cà kê dê ngỗng chuyện văn báo, chúng ta phải chọn địa điểm thích hợp, không thể oang oang vô tội vạ trong khung cảnh nầy. Chúng ta trao đổi chuyện nghề nghiệp, không có ý dạy ai hết …”

            Chúng tôi đến một quán nghệ sĩ ven đô, chọn một bàn nhìn về phía núi yên tĩnh…Thức ăn, đồ uống là loại dành cho văn nghệ sĩ, đặc biệt giúp ca sĩ duy trì giọng hát. Một menu ghi đủ loại thức uống như trà hoa cúc, trà gừng,nước dứa (thơm), nước lọc, trà cam thảo, trà bạc hà, nước chanh muối, mật ong… Thức ăn tùy khẩu vị. Chúng tôi chọn món phở đặc biệt, trà cam thảo, nước lọc…

            “ Anh có nhận xét gì về sinh hoạt văn hóa khi trở về Thủ Phủ ?” Tôi mở lời .

            “ Nói văn hóa thì rộng lớn quá. Đập váo mắt tôi là một hiện tượng văn chương  ăn mày dĩ vảng …” John Hoàng nói với ngôn ngữ của một tay giang hồ trong làng báo.

            “ Đó là hiện tượng bế tắt của văn chương.” Tôi tiếp lời John Hoàng.“Còn có ý kiến cho rằng nhà văn Giao Thường chỉ làm ba việc là làm thơ, viết truyện ngắn và dịch sách. Anh nghĩ thế nào ? ”

            “ Tôi chỉ phát biểu theo cảm quan cá nhân. Và những ý kiến nầy chỉ phù hợp với nhà văn chuyên nghiệp, sinh sống bằng ngòi bút.Theo tôi,nhà văn Giao Thường hầu hết thiếu học, hụt hơi khi xài hết vốn liếng trời cho.Họ chỉ có một vài truyện ngắn đầu tiên tạo dấu ấn. Sau đó càng viết càng nhạt và hụt hơi.Đó là nói về truyện ngắn.Qua việc viết truyện dài chuyện thiếu học là một rào cản rất lớn khiến rất nhiều nhà văn trẻ không dám bước vào.Tôi đã từng nghe những nhà văn lão thành kể về kinh nghiệm viết tiểu thuyết. Muốn viết một tác phẩm dài hơi có nhiều nhân vật, nhà văn bắt buộc phải có khả năng phân thân kèm theo vốn sống, kiến thức, sở học đủ ngành do đọc, nghiên cứu  và học hỏi suốt đời. Phần lớn nhà văn chuyên nghiệp nghiên cứu rất kỹ về mọi mặt của các tác giả nhận giải văn chương Nobel.”

            “ Anh nói như vậy, nhưng lý giải thế nào về chuyện viết feuilleton của một số nhà văn – họ cũng có một tài năng nào đó chứ ? Mỗi ngày viết đến năm truyện dài, mới nghe đã hết hồn !”

            “ Vâng, họ có tài, nhưng là tài mọn của những bí quyết, xão thuật. Sở dĩ họ làm được như vậy là do xử dụng đặc tính của ngôn ngữ Giao Thường. Nói cách khác họ bắt ngôn ngữ nhảy múa theo nhiều cách khác nhau với tài năng hạn hẹp của họ.”

            “ Anh nói làm tôi nhớ danh hài  Duy Tung .Không phải chỉ mình tôi mà nhiều người vì nghe danh, đã mua vé vào nhà hát. Ngồi nghe hơn hai giờ, khi ra khỏi rạp, có người hỏi tôi, Duy Tung nói gì mà đứng bên ngoài vẫn nghe tiếng vỗ tay rào rào vậy ? Tôi định thần, cố nhớ lại,đành chịu, không biết anh ta nói gì…”

            “ Văn chương Giao Thường có khác gì Duy Tung đâu,  chỉ vận động về mặt ngôn ngữ. Hình như người làm thơ không cần cảm xúc, chỉ cần xử dụng kỹ thuật làm mới ngôn ngữ, đi đâu, ngồi đâu, lúc ngủ, lúc chơi bất cứ lúc nào đầu óc cũng chỉ nghĩ đến ngôn ngữ.Họ đã trở thành…thợ thơ.Thiếu tư tưởng.Không thể có ảnh hưởng đến thi ca thế giới. ”

            “ Như vậy,Giao Thường không có  thiên tài sao ? ”

            “ Thiên tài là tài năng thiên phú, không học cũng biết. Đó là người không ai dạy họ được mà chỉ có họ dạy người khác thôi.Theo nghĩa nầy Giao Thường không có thiên tài. Mà thiên tài thường kèm theo bệnh tâm thần.Xin được nói rỏ thêm về vấn đề nầy. Khái niệm về mối liên hệ giữa sáng tạo và bệnh tâm thần đã được các nhà tâm lý học và các nhà nghiên cứu khác thảo luận và nghiên cứu trong nhiều thế kỷ. Việc sáng tạo song hành với các rối loạn tâm thần bao gồm các rối loạn lưỡng cực, tâm thần phân liệt, trầm cảm nặng, lo âu. Các nghiên cứu đã chứng minh mối tương quan giữa nghề nghiệp sáng tạo và những người sống chung với bệnh tâm thần. Có người ủng hộ ý kiến cho rằng bệnh tâm thần có thể hỗ trợ cho việc sáng tạo, nhưng cũng đồng ý rằng bệnh tâm thần không nhất thiết phải có cho sáng tạo tồn tại.”

            “ Nói như anh, thì Giao Thường cũng có một vài nhà thơ thiên tài ?”

            “ Họ là những người điên chứ không phải tâm thần. Chưa ai gọi họ là thiên tài cả…”                   

            “ Còn thế nào là nhà văn lớn ?”

            “ Ai phong chức danh cho những nhà văn ? Những nhà phê bình văn học chăng ? Người đọc chỉ nói theo cảm tính.”

            “ Vâng. Tôi muốn nói thêm, ngay cả những người có chút tiếng tăm cũng không biết có bao nhiêu người đọc họ.”

            “ Tôi cho rằng đã là nhà văn chuyên nghiệp phải có nhiều người đọc tác phẩm của họ. Hằng tuần, chúng tôi đăng lên báo một bản tin miển phí bàn về công việc sáng tác đưa đến thành công, nghĩa là viết thế nào để có nhiều người đọc.”

            “ Anh có thể nói rõ hơn được không ?” Tôi hỏi.

            “ Nhà văn nào có suy nghĩ liệu họ có phải là nhà văn lớn hay không. rất dễ bị liệt vào nhóm người loạn thần kinh. Ý kiến về vấn đề nầy rất khác nhau.Ví dụ, J.K. Rowling, một trong những nhà văn nổi tiếng nhất và thành công nhất hiện nay, thường bị chỉ trích vì văn xuôi của bà  dùng quá nhiều trạng từ. Tác phẩm The Great Gatsby của F. Scott Fitzgerald được nhiều người cùng thời với ông gọi là “đồ ngu”. Và tất nhiên, điều này đúng với bất kỳ nhà văn nào khác được gọi là "vĩ đại".Có những người yêu thích nhà văn này và những người khác thì không.Điều đó cũng bình thường thôi. Vậy làm thế nào để trở thành  nhà văn lớn theo cách gọi thời thượng hiện nay ? Nhà văn lớn mà không có tác phẩm lớn, không có cách viết đặc biệt hiệu quả có nên gọi họ như thế không ?Sau câu hỏi nầy lại nổi lên câu hỏi khác. Thế nào là một tác phẩm lớn ? Như vậy, muốn có trao đổi ý kiến, chúng ta phải có cách nhìn thế nào về các câu hỏi nầy.Sau khi tốt nghiệp Ph.D về nghiên cứu phê bình văn học, tôi đã có dịp hướng dẫn các nhà văn hơn một năm và tôi có thể nói với bạn một cách hoàn toàn chắc chắn rằng không có định nghĩa nào được thống nhất chung về điều gì tạo nên “tác phẩm lớn”. Đó là một huyền thoại.Những gì chúng ta thường nghĩ là “viết hay” chỉ đơn thuần là truyền đạt một cách hiệu quả một thông điệp rõ ràng đến một đối tượng cụ thể. Khi nhận ra điều đó, ta có thể bắt đầu công việc của mình. Điều này không phải là tốt hay xấu mà là phải rõ ràng chứ không mơ hồ.Nhà văn nào cũng nên kết thúc nỗi ám ảnh về việc có phải là một nhà văn lớn hay không , thay vào đó hãy bắt đầu cố gắng trở thành nhà văn hiệu quả có nhiều người đọc …”

            “ Vậy nhà văn nào cũng phải có bí quyết chứ ?”

            “ Vâng, bí quyết đó không ra ngoài nguyên tắc sáu điều mà giới viết văn Bắc Mỹ thường áp dụng…”

            “ Đồng ý với anh.Chuyên ngành nào hoạt động đều phải có nguyên tắc.”

            “ Nguyên tắc sáu điều sau đây có thể giúp nhà văn viết tác phẩm thành công.Trước hết là đọc. Nhà văn phải đọc nhiều. Việc nầy đơn giản. Ngôn từ là mạch máu của những bài viết hay.Nhà văn phải đưa vào tác phẩm những thông tin có giá trị, đó là cách tốt nhất của cách viết có hiệu quả.      Thứ hai, cần người góp ý. Một nhà văn luôn cần được giúp đỡ.Anh ta không thể tự mình làm điều này. Cần có người phê bình tác phẩm , người phê bình phải được ta tin tưởng.

            Thứ ba, nắm bắt ý tưởng. Một nhà văn giỏi thường xuyên thu thập thông tin để đưa vào tác phẩm một cách  sáng tạo. Ý tưởng là nguồn cảm hứng cho các nghệ sĩ và nhà văn. Bạn cần phải có một hệ thống để thu thập chúng. Một công cụ tuyệt vời giúp bạn thực hiện điều này là Evernote (Evernote là một ứng dụng được thiết kế để ghi chú, sắp xếp, quản lý tác vụ và lưu trữ.Nó được phát triển bởi Evernote Corporation, có trụ sở chính tại Thành phố Redwood, California.)

            Thứ tư,viết mỗi ngày. Điều này không thể coi thường.Đó là điều cần thiết.Bạn không thể trở thành nhà văn viết hiệu quả nếu không luyện tập.Bạn cần phải viết mỗi ngày đều đặn.

            Thứ năm,viết lại. Viết có hiệu quả là viết lại, có thể viết lại nhiều lần. Viết lại để chắt lọc một số nội dung cốt lõi, bạn sẽ thấy việc viết lại thực sự tạo ra sự khác biệt. Điều này rất khó, nhưng quan trọng. Stephen King gọi điều này là "giết con yêu của bạn." Vì lý do chính đáng, dù có khắc khe, việc viết lại rất cần thiết phải làm.

            Thứ sáu, lấy cảm hứng.Khó giải thích, vì quá trình viết thật sự có rất nhiều bí ẩn.Bạn không thể chịu hoàn toàn trách nhiệm về những gì bạn tạo ra.Một nhà văn giỏi biết cách tận dụng ưu thế của “Nàng Thơ”. Cảm hứng làm thơ giống như hơi thở cho tinh thần sáng tạo.Tóm lại, viết thì đơn giản, nhưng viết có hiệu quả lớn lao thì không dễ. Tại sao bạn không học các kỹ thuật đã được chứng minh để giúp bạn cấu trúc bài viết của mình?”…

 

            “ Có thể gọi anh là nhà văn thực dụng được không ?”

            “ Tôi không để ý việc người khác gọi mình là gì. Nhưng tôi muốn nói rỏ, chuyện viết văn của tôi chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những người bạn, người thầy xuất thân từ văn học Mỹ…”

            “ Anh có kinh nghiệm gì về các bước đầu tiên cần làm để trở thành một nhà văn chuyên nghiệp ?”  Tôi chuyển qua đề tài khác. John Hoàng cho biết :

            “ Tôi phải trả lời ba câu hỏi : viết gì ? viết cho ai ? tại sao viết ? Về câu hỏi thứ nhất : viết gì? Tôi  lập danh sách tóm tắt nội dung sẽ viết, chẳng hạn, tôi sẽ viết : tiểu thuyết, sách phóng tác,các bài báo và luận bàn về du lịch…Khi đã hoàn thành danh sách , tôi sẽ tìm xem trong danh sách công việc đó có chuỗi công việc nào chung cho tất cả hay không. Nếu không rõ ràng, hãy xem xét từng dự án và nhớ lại điều gì đã buộc tôi phải viết nó.Tôi từng hy vọng đạt được điều gì? Tôi muốn truyền tải thông điệp gì ? Tôi sẽ tìm thấy từ ngữ và chủ đề nào hiện đang phổ biến nhiều nhất ?v..v. Ví dụ, khi viết truyện “Vòng Tay Trống”, một cuốn tiểu thuyết dành cho độc giả người lớn, tôi muốn cho họ biết về một giai đoạn lịch sử Giao Thường bị bỏ qua, trong đó có hàng ngàn con lai của những Đồng Minh  tham gia chiến tranh Giao Thường . Khi viết Cánh Diều Tuổi Thơ , tôi muốn cho con em chúng ta biết thú vui thả diều nơi đồng quê Giao Thường. Khi nhận phụ trách chuyên mục Cây Bút Trẻ, tôi muốn định hướng cho các nhà văn trẻ viết gì thành công nhất mà vẫn được mọi giới ưa thích nhất là phải có chiều sâu tác phẩm chứng tỏ tác giả là người có nhiều kiến thức căn bản về mọi mặt của đời sống xã hội.Viết về du lịch, tôi muốn giới thiệu những địa điểm mới gây nhiều cảm hứng cho du khách…Tóm tắt, viết gì cũng đều hướng tới mục đích làm cho đời sống mọi người thăng hoa, tốt đẹp hơn…

            Câu hỏi thứ hai, viết cho ai ?Tôi cũng lập một danh sách khác, phân loại độc giả. Ví dụ tôi sẽ viết tác phẩm nầy cho nữ từ 35 đến 64 tuổi ; viết tác phẩm khác cho các bé trai và gái từ 7 đến 10 tuổi ; tác phẩm thứ ba viết cho các nhà văn ưa thích mô hình xuất bản độc lập; tác phẩm thứ tư dành cho độc giả là khách du lịch thích gần gủi thiên nhiên. Khi hoàn tất bảng phân loại độc giả, tôi sẽ tìm chủ đề chung, chẳng hạn người đọc có những thói quen, niềm tin và đặc điểm nào ? Chẳng hạn,độc giả của tôi có óc phiêu lưu muốn biết thế giới, vũ trụ ; quan tâm đến các sự kiện tối nghĩa và ngẫu nhiên ; muốn biết các nhà tư tưởng độc lập thích đào bới lại các vấn đề đã được giải quyết ; hoặc cởi mở với những ý tưởng và kinh nghiệm mới…

            Câu hỏi thứ ba, tại sao viết ?Trả lời câu hỏi nầy có thể mất nhiều thời gian, vì động cơ thực sự nằm trong bình diện tư tưởng. Khi ta làm việc để khám phá bản thân, hãy xem xét điều gì thôi thúc ta phải bắt tay viết. Khi đã bị hấp lực của chữ nghĩa, ta chỉ còn biết dán chặt vào ghế ngồi hết giờ này đến giờ khác?Nếu tôi là một nhà giáo, tôi nhận ra rằng giảng dạy chỉ là một phần trong những gì tôi sẽ viết.Trước khi giảng một đề tài nào đó, tôi phải tự mình tìm tòi và khám phá. Quá trình này đã giúp tôi xác định lý do tôi thích viết  — đó là một đường dẫn để khám phá thế giới, trải nghiệm niềm vui khám phá và dạy cho người đọc những gì tôi đã học được trong quá trình chuẩn bị…”

            “ Cám ơn anh về các kinh nghiệm đã san sẻ. Nhưng theo tôi, viết văn không chỉ bao gồm có ba câu hỏi như vậy. Phải có nhiều vấn đề phức tạp hơn thế.”Tôi muốn John Hoàng mở rộng câu chuyện.

            “ Nhiều chuyện quá. Chúng ta tạm dừng chốc lát ...”

 

            John Hoàng nhấp một ngụm trà cam thảo, đứng dậy, bước ra bãi cỏ.Sau đó, chúng tôi tiếp tục trò chuyện về văn, báo.Tôi  hỏi John Hoàng làm cách nào viết đàng hoàng mà kiếm được nhiều tiền.

            “ Tôi vẫn nghĩ, viết văn là một công việc đặc thù.” John Hoàng sôi nổi nói về kinh nghiệm riêng.“ Bất cứ nhà văn nào cũng có triển vọng kiếm sống với tư cách một tiểu thuyết gia .Viết có thể giống như một trò xổ số dựa trên kỹ năng .Làm việc chăm chỉ, đến lúc nào đó nhà văn có thể chộp được thời cơ để có các bước tiến mới. Kèm theo đó, anh ta sẽ kiếm được tiền, có khi rất nhiều.Với những nhà văn độc lập có sức hút độc giả, chuyện kiếm tiền thường rất dễ dàng, kể cả những người chỉ viết duy nhất một cuốn sách nổi tiếng. Dù sao,tôi vẫn thích những nhà văn chuyên nghiệp có tác phẩm xuất bản thường xuyên. Những người nầy thường bắt đầu bằng cuốn sách thứ nhất thu hút độc giả. Khi đã có tác phẩm bán chạy đầu tiên, cuốn thứ hai của họ sẽ nhận được tiền tạm ứng lớn để tiếp tục sáng tác. Cứ như thế, tác giả sẽ lần lượt cho ra đời những tác phẩm tiếp theo, đó là con đường tôi đã trải qua. Mặt khác ,viết tiểu thuyết kiếm tiền không phải là công việc lãnh lương theo giờ. Đó là công việc có tính bấp bênh, có thể có rất nhiều tiền trong thời gian nầy nhưng cũng có thể rỗng túi trong thời gian khác.Nó thay đổi và phụ thuộc vào thị trường cũng như thị hiếu độc giả.

            Tôi cho rằng,trở thành nhà văn là một thiên chức được hưởng lợi từ kinh nghiệm sống. Công việc rút ra từ kinh nghiệm sống là một công việc độc đáo và thú vị. Tôi đã từng làm nhiều công việc  từ phóng viên báo chí, giáo sư trung học thời còn là sinh viên, giáo sư Đại học, nghiên cứu soạn thảo các kế hoạch phát triển các công ty văn hóa in ấn xuất bản .Để thành công, tôi tìm cách  rèn luyện bộ não cách nào đó để năng lực suy nghĩ thật sắc bén về bất cứ công việc hàng ngày nào phục vụ cho việc viết văn. Đôi lúc bị ngoại cảnh chi phối, tôi có thể làm bất cứ việc gì liên quan đến tài khoản ngân hàng, nhưng tuyệt đối không xao nhãng hoặc rời xa chữ nghĩa .Qua giao tiếp với nhiều  người để có những gì ta học được và những kinh nghiệm có sẳn  - tất cả đều được chắc lọc để đưa vào tác phẩm. 

            Những gì tôi vừa thuật lại là bước thứ nhất chuẩn bị ,xem ra rất quan trọng. Bước thứ hai, theo tôi là, nhà văn phải học cách tạo ra nguồn thu nhập.Nhà văn là người lao động tự do, khi đứng ra kinh doanh, phải xem thu nhập là chìa khóa. Một nữ ca sĩ đứng bán hàng, dạy nấu ăn, trông trẻ…,tất cả đều hỗ trợ cho công việc sáng tạo của người nghệ sĩ. Điều nầy cũng có thể áp dụng cho các nhà văn, xử dụng kỹ năng riêng để viết truyện.Tiền sẽ tự nhiên tìm đến. Có điều , theo tôi , nhà văn nào kiếm sống bằng bất kỳ hình thức nào đều phải có điểm chung là đạo đức nghề nghiệp. Những nhà văn độc lập kiếm đủ tiền thường hoàn thành một hoặc hai cuốn sách mỗi tháng.Rất nghiêm túc. Việc các nhà văn hay thay đổi công việc của họ là điều khá phổ biến. Thậm chí còn có một thuật ngữ để chỉ trường hợp nhà văn hoàn toàn không thể làm việc : Writer’s Block. Nghề lám báo đã dạy tôi tính kiên trì,dù gặp trở ngại nào cũng cố viết cho bằng được .Tôi đã từng làm việc liên tục nhiều giờ, không có thời gian cho những điều vô nghĩa.”

            “ Như vậy, nhà văn cần viết mỗi ngày bao nhiêu giờ ?” Tôi hỏi .

            “ Với nhà văn thích viết chuyện viễn tưởng,phải làm việc nhiều gấp bội trước khi kiếm được nhiều tiền.Nếu mới chập chững vào nghề, chưa có thói quen viết hàng ngày đều đặn, người viết nên bắt đầu với một mục tiêu khiêm tốn - chỉ bốn chục phút mỗi ngày. Kinh nghiệm cho thấy, khi đặt mục tiêu 40 phút , nó sẽ biến thành 60 phút trở lên lúc nào không hay. Hình như thực tế hầu hết những người khác không theo kiểu mẫu như vậy. Nếu đã phát triển thói quen viết hàng ngày và tuân thủ nó, người viết đã vượt qua cuộc chơi. Nếu còn lo lắng về việc kiếm sống bằng nghề văn, phải nghĩ rằng viết là công việc chuyên môn quyết không được rời bỏ. Kiên trì làm việc mỗi ngày và xem điều gì sẽ xảy ra. Câu trả lời chắc chắn là kiếm được thu nhập với tư cách là một nhà văn.Quá trình tiếp theo, nhà văn phải sẵn sàng chuẩn bị cho sự nghiệp của mình với rất nhiều công việc, mà chủ yếu là cải thiện khả năng tiềm ẩn của mình để vui mừng chào đón thành quả rực rở thông qua những món tiền lớn !... ”

 

            Nói xong , John Hoàng quay qua hỏi tôi :

            “Tôi biết Trác Bạt cũng kiếm tiền nhiều bằng chuyện viết lách. Muốn hỏi kỷ niệm gì đáng nhớ nhất trong nghề văn, báo của bạn ?”

            Tôi hào hứng kể chuyện của mình :

            “ Đó là câu chuyện về bài phóng sự đầu tiên của tôi, không phải được nhiều tiền nhưng có nhiều kỷ niệm. Câu chuyện nầy hội đủ ba yếu tố khó quên.Thứ nhất, là sinh viên nhưng tôi lại viết phóng sự của một quân nhân trên đường hành quân. Thứ hai là viết trong tiếng súng nỗ vào một giờ sáng giữa lúc lính sư đoàn Nam Thường nã đại bác lên rừng núi và lính Bắc Thường đang len lỏi đột nhập thị xã. Thứ ba là thiên phóng sự đã được giải thưởng , mà người trao giải cho tôi là Quốc Trưởng Nam Thường…” 

            “ Ồ, một câu chuyện thú vị.” John Hoàng nhận xét.

            “ Vâng,tôi luôn nhớ kỷ niệm nầy thời sinh viên. Thời đó tôi có xuất bản ba cuốn sách chuyên về nghiên cứu văn học khi ngồi học trong thư viện. Năm thứ ba Đại Học Hóa Châu, tôi viết một phóng sự “ chiến trường” gởi dự thi trên một nhật báo. Những ngày ấy chiến tranh bắt đầu vào giai đoạn “trưởng thành” tức là trên khắp các mặt trận Nam Thường, hai bên đã dàn quân quy mô lớn sẳn sàng chơi nhau tới bến. Tôi có nhiều người bạn cùng trang lứa đã nhập ngũ và đang có mặt trên các chiến trường.Một dịp hè từ Hóa Châu vào thăm bác tôi ở thị xã Quãng Đại, tôi gặp người bạn sau chuyến hành quân trở về trong một quán nhỏ .Bạn dư biết dân Quãng Đại chịu ảnh hưởng rất mạnh của những cán bộ Bắc Thường tuyên truyền về đế quốc thực dân.Bác tôi sống hàng chục năm trong vòng ảnh hưởng của họ tại Quãng Đại, nhưng bị cancer máu. Chờ dịp có tàu Hồng Thập Tự đến Hóa Châu bác tôi từ Quãng Đại ra Hóa Châu thay máu, ghé thăm gia đình chúng tôi. Đó là lý do tôi không ngần ngại vào Quãng Đại thăm bác, dù vẫn biết có thể đi dễ khó về. Và tôi đã gặp người bạn cũ học cùng lớp cùng trường, nay là sĩ quan chỉ huy một trung đội trinh sát. Khi biết điều nầy, hình ảnh bạn tôi là một ám ảnh buồn vô hạn. Có lần vừa bước ra khỏi cửa nhà bác tôi,thấy đoàn xe thiết giáp rầm rộ kéo qua ,người bạn giơ cao tay vẫy chào mà tôi có cảm giác như lời chào vĩnh biệt. Và đúng như  linh tính báo cho tôi biết đây là lần cuối cùng chúng tôi thấy mặt nhau.   

            Tôi phải viết lại câu chuyện đã ấp ủ thôi thúc tôi do người bạn kể lại sau chuyến hành quân trở về. Anh ta không nói gì về súng đạn, chết chóc, địch thù, mà mô tả về một hình ảnh “ Bà Mẹ Gio Linh” trong chiến tranh. Tôi không ngờ anh ta lại có cuộc sống nội tâm phong phú như thế… Nhưng cái đêm kinh hoàng ở thị xã Quãng Đại khi viết nó tôi sẽ không bao giờ quên . Khuya hôm ấy quá mười hai giờ,những loạt súng bắt đầu nổ ran ngoài đường phố. Tôi đang miên man ngồi viết trong một phòng ở lầu ba , căn phòng mà gia đình bác tôi không ai dám lên ngủ vì sợ pháo kích.Những loạt đạn đáp trả qua lại giữa lính của Sư Đoàn Nam Thường và những du kích phía Bắc Thường từ trên núi đột kích vào thị xã. Chờ một loạt súng im tiếng, bác tôi hoảng hốt phóng chạy như bay từ hầm núp dưới đất,vượt lên lầu ba, đạp cửa xông vào phòng tôi, kéo mạnh ra cửa. Bác la hét điên cuồng, lôi mạnh tôi ra cửa, hai bác cháu chạy bừa xuống hầm núp.Sáng dậy,nhìn ra đường phố, vài xác chết nằm phơi giữa nắng sớm chưa kịp dọn .Trở lên tầng ba, trước mặt tôi rơi vãi mấy đầu đạn AK ngay cửa vào phòng. Bác tôi bảo, mi suýt chết…Viết xong phóng sự, tôi gởi nhật báo Giao Thường trong Thủ Phủ. Không ngờ được giải thưởng báo chí. Chính tôi cũng ngạc nhiên về thành quả nầy…”

            “ Nội dung phóng sự chắc phải hấp dẫn lắm !” John Hoàng gợi ý.

            “  Đọc lại tôi thấy cũng không có gì đặc biệt. Chiến tranh Giao Thường hay bất cứ chiến tranh nào cũng là cảnh tượng đỗ nát, con mất cha vợ mất chồng, tiếng khóc xé lòng trong các thôn xóm ,nhà cửa cháy rụi…Nhưng hình ảnh người bạn và bà mẹ ngồi bới khoai vẫn đọng lại trong tâm trí tôi. Xin nhắc lại, phóng sự nầy quan trọng đối với tôi vì nó là bài đầu tiên tôi viết do người khác kể lại… ” .

(Còn tiếp)

 

 

 

 

 

 

Phan Tấn Uẩn
Số lần đọc: 589
Ngày đăng: 18.03.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 25) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (chương 20) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 19) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (chương 18) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (chương 17) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 16) - Phan Tấn Uẩn
Kỳ 4/7 ( Tập truyện ngắn: Không phải lần đầu: Hai người đàn bà) - Huyền Văn
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 15) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 14) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 13) - Phan Tấn Uẩn
Cùng một tác giả
Đêm Mù Mộ Địa (truyện ngắn)
Chuyến về quê (truyện ngắn)
Giấc mơ chiếu manh (truyện ngắn)
Trên sợi tóc buồn (truyện ngắn)
Quán về khuya (truyện ngắn)
Phố đỏ (truyện ngắn)