Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.190
123.213.742
 
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 29)
Phan Tấn Uẩn

 

            Giới văn học, giáo dục Mỹ không lạ gì tác phẩm kinh điển - truyện ngắn The Man Without A Country (Người Vong Quốc) của nhà văn Mỹ Edward Everett Hale - do Tạp Chí The Atlantic xuất bản lần đầu vào tháng 12 năm 1863. Vẫn giữ tên The Man Without A Country, tác phẩm văn học nầy được chuyển thể 4 lần qua phim ảnh với 4 phiên bản khác nhau vào các năm  1917 ,1925, 1937 và 1973.Cũng với tên truyện nầy,nhà soạn nhạc Walter Damrosch cho ra đời vở opera năm 1937, và Bing Crosby thực hiện một album nghệ thuật năm 1947. Lược kê các công trình chuyển thể của nó để thấy tầm mức quan trọng của The Man Without A Country đối với cuộc sống tinh thần của xã hội Mỹ. Tôi đã xem bộ phim truyền hình The Man Without A Country năm 1973 , Philip Nolan do Cliff Robertson thủ vai chính, Aaron Burr (bạn thân của Nolan) do John Cullum đóng cùng với 20 diễn viên khác. Vào năm 2016, Chuck Pfarrer viết tiểu thuyết lịch sử Philip Nolan: The Man Without A Country cho Nhà xuất bản Hải quân Hoa Kỳ.

 

            Tôi sẽ không giới thiệu tác phẩm kinh điển trên nếu con trai đầu lòng của chúng tôi đang học cấp hai không mang về cuốn sách The Man Without A Country. Đây là thời gian chúng tôi từ Thụy Sĩ qua Mỹ làm việc trong chuyên ngành Văn Học So Sánh. Cuốn sách được thiết kế để xử dụng cho việc học tại nhà hoặc làm bài tập bổ sung cho học sinh cấp hai. Sách có mười câu chuyện ngắn về người lưu vong không tổ quốc. Mỗi phần câu chuyện bao gồm các từ vựng, định nghĩa, khả năng hiểu các từ vựng…

            Cuốn sách khiến tôi chú ý đến nền giáo dục tại đây.Họ mang các tác phẩm kinh điển vào cuộc sống. Họ giữ nguyên tính toàn vẹn của tác phẩm cổ điển ban đầu, nhưng chuyển thể cẩn thận thành các phiên bản mới phù hợp với các cấp độ để cải thiện và phát triển khả năng đọc hiểu của học sinh. Họ giới thiệu Dickens, Twain, H.G.Wells, Kipling, Verne , De Amicis và rất nhiều tác giả nổi tiếng khác. Học sinh sẽ nắm lấy khái niệm về những phản ánh cô đơn của Crusoes, những phản ứng tâm lý của cuộc nội chiến tại Chancellorsville. Những tác phẩm kinh điển này đưa vào chương trình giáo dục tạo ảnh hưởng mạnh cho quá trình học tập.Người Vong Quốc là một trong 50 cuốn thuộc thể loại nầy.

            Nhân vật chính trong Người Vong Quốc là trung úy trẻ tuổi Philip Nolan của quân đội Mỹ, bạn thân của Burr.Khi Burr bị xét xử vì tội phản quốc (xẩy ra trong lịch sử vào năm 1807), Nolan cũng bị xét xử như một đồng phạm. Trong lời khai trước tòa, Nolan cay đắng tuyên bố từ bỏ quốc gia của mình, thét lên lời thề độc địa : "Tôi ước tôi có thể không bao giờ nghe nói về nước Mỹ nữa!" Thẩm phán hoàn toàn bị sốc trước thông báo đó. Hậu quả, Nolan sống phần đời còn lại của mình trên các tàu chiến của Hải quân, một cuộc sống lưu vong không được phép đặt chân lên đất Mỹ. Bản án còn kèm thêm một lệnh rõ ràng không ai được phép nhắc tên nước Mỹ với Nolan !

            Suốt quãng đời còn lại,Nolan lênh đênh từ con tàu này sang con tàu khác, là một tù nhân trên biển cả. Mặc dù anh ta được đối xử theo cấp bậc cũ của mình,nhưng khái niệm về tổ quốc đã bị triệt tiêu.Không một thủy thủ nào trên con tàu giam giữ Nolan được phép nói chuyện với anh ta về nước Mỹ, kể cả báo chí. Ban đầu Nolan tỏ ra không ăn năn, nhưng qua nhiều năm, anh ta trở nên buồn bã hơn, khôn ngoan hơn và tỏ ra tuyệt vọng với mọi chuyện quanh mình. Một ngày nọ, khi Nolan có lệnh chuyển sang một con tàu khác, anh ta tỏ ra hối hận và có lời khuyên một thủy thủ trẻ đừng bao giờ mắc phải sai lầm tương tự như mình: "Nầy, anh bạn trẻ,phải nhớ rằng, đằng sau tất cả những người này - các sĩ quan,đồng đội, và tất thảy mọi người - đó là tổ quốc của chính bạn, bạn phải vĩnh viễn thuộc về mẫu quốc của mình giống như thuộc về người mẹ hiền của chính bạn. Hãy đứng về phía mẫu quốc, như bạn đứng về phía bà mẹ yêu quý của mình ...! "

            Trên con tàu giam giữ Nolan, anh ta tham dự một bữa tiệc và khiêu vũ với một cô gái trẻ quen biết. Nolan cầu xin cô gái nói cho anh ta biết bất cứ điều gì về nước Mỹ, nhưng cô nàng nhanh chóng rút lui, vì đã biết rỏ nhân thân Nolan …

            Bị tướt đoạt khỏi tình tự quê hương, Nolan đau đớn rồi dần dần học được giá trị đích thực của đất nước mình. Nolan nhớ tổ quốc hơn nhớ gia đình, bạn hửu,nhớ đất nước hơn cả nghệ thuật, âm nhạc hoặc tình yêu và thiên nhiên. Không có tổ quốc, anh ta chẳng là gì cả. Những ngày hấp hối trên tàu USS Levant, Nolan chỉ phòng ở của mình cho một sĩ quan, Danforth, và bảo đó là "một ngôi đền nhỏ" của lòng yêu nước. Lá cờ Sao-Sọc phủ trùm lên bức tranh vẽ chân dung George Washington. Trên chiếc giường ngủ, Nolan vẽ một con đại bàng, với tia chớp "rực sáng từ mỏ" và móng vuốt nó nắm lấy quả địa cầu. Dưới chân giường là một bản đồ cổ Hoa Kỳ , cho thấy nhiều lãnh thổ cũ đã trở thành tiểu bang của nước Mỹ mà anh ta không hề biết. Nhìn tấm bản đồ, Nolan nở nụ cười mãn nguyện :" Đây, hãy xem. Ta đã có tổ quốc."

            Cuối cùng,trong cơn hấp hối tuyệt vọng, Nolan được Danfort kể cho nghe hầu hết mọi sự kiện lớn đã xảy ra với nước Mỹ kể từ khi anh ta bị tuyên án ; Danfort cố ý không nhắc đến cuộc nội chiến đau lòng của nước Mỹ. Nolan yêu cầu Danfort mở cuốn sách Công Chúng Cầu Nguyện (Book of Public Prayer) của Trưởng lão (Presbyterian) và đọc trang có dòng chữ : “ Chúng tôi chân thành cầu xin Chúa ưu ái ban phước lành cho đầy tớ của Ngài, cho Tổng Thống Hoa Kỳ và những người có thẩm quyền của nước Mỹ.” Nolan nói : “Năm mươi năm nay, ngày nầy qua ngày khác tôi đã lặp đi lặp lại những lời cầu nguyện đó." Cứ như thế, anh chỉ biết đọc lịch sử Mỹ dưới dạng một lời cầu nguyện để ủng hộ các nhà lãnh đạo, vì Hải quân Hoa Kỳ đã không cho anh đọc sách về nước Mỹ ,đó là tình tiết trớ trêu nhất của câu chuyện.

            Nolan yêu cầu Danfort chôn anh trong lòng biển và đặt một bia mộ tưởng nhớ anh tại Fort Adams, Mississippi, hoặc ở New Orleans. Sau khi Nolan qua đời,người ta đã tìm thấy một văn bia yêu nước do chính Nolan viết cho chính mình :“ Để tưởng nhớ PHILIP NOLAN, Trung úy Quân đội Hoa Kỳ. Anh ta yêu đất nước mình hơn bất cứ người nào yêu nước Mỹ”

            Tôi không rỏ câu chuyện cảm động của Nolan tác động thế nào đến suy nghĩ của chú bé con trai đầu lòng của chúng tôi, vì cuốn sách sẽ gợi mở lòng yêu nước cho học sinh.

            Tổng thống Mỹ gần đây nhắc nhở nhà trường phải khôi phục "giáo dục lòng yêu nước" để chống tệ nạn phân biệt chủng tộc. Phải chăng học sinh Mỹ không phải là những người yêu nước khi xã hội vẫn tồn tại tệ nạn nầy ?Tổng Thống bày tỏ nỗi thất vọng khi nhân dân thiếu lòng yêu nước chân thành.Đây không phải là lần đầu tiên chính phủ yêu cầu các trường học phải giải quyết. Giống như nhiều nhiệm vụ của chính phủ,giải quyết vấn đề nầy cũng cần đến kinh phí. Tuyên truyền, quảng cáo trong các cuộc bầu cử,phỏng vấn trên truyền hình…có thể là nguồn động viên hỗ trợ kinh phí. Đây là vấn đề đặt ra cho các cấp lãnh đạo đất nước.

            Nhưng với chúng tôi, tình yêu quê hương đất nước không nên bắt buộc hay cưỡng ép đối với bất cứ ai,nhất là đối với con em chúng ta. Lòng yêu nước là một quá trình tự nhiên như tình mẫu tử của người mẹ đối với con mình. Đất mẹ trên trần thế là nơi trú ngụ của trái tim và linh hồn con dân mỗi nước. Khi công dân giữ cho đất nước khỏe mạnh, tổ quốc sẽ trở lại yêu thương các con . Chính vì tình yêu tổ quốc, những người yêu nước sẳn sàng hy sinh mạng sống như tổ tiên họ đã từng chiến đấu để bảo vệ đất nước.

            Người Mỹ tin vào lòng yêu nước của nhà giáo và học sinh, ngay cả học sinh thuộc gia đình nhập cư. Họ tin vào trường học dạy các quan điểm trung thực về lịch sử giúp học sinh chia xẻ di sản của tiền nhân để lại. Nhà trường phản đối cái ác,dùng ảnh hưởng của thiên chức giáo dục để giữ cho dân chúng có lòng tự hào về đất nước.

             Chúng ta ai cũng muốn coi trọng bản chất của lòng yêu nước có sẳn trong con em mình, nhưng các bậc cha mẹ có nên đi đầu trong việc dạy tình yêu nước cho các em không ? Khi tôi đặt câu hỏi nầy với Phùng Bích, nàng thẳng thắn lên tiếng :

            “ Giáo dục lòng yêu nước cho trẻ nhỏ phải bắt nguồn từ cha mẹ các em. Thông qua trải nghiệm cá nhân của mỗi gia đình, lòng yêu nước lớn lên trong con cái chúng ta từ bên trong.”

            Phùng Bích dẫn chứng bằng câu chuyện của một gia đình người Mỹ có  nhiều thành viên phục vụ trong quân đội. Họ xem Quốc kỳ Mỹ là biểu tượng thiêng liêng cho lòng yêu nước. Mỗi khi nghe quốc ca, cả gia đình nghiêm trang đứng chào, có người xúc động rưng rưng nước mắt. Lòng yêu nước của gia đình nầy không được dạy ở trường mà ươm mầm từ tình yêu đất nước của gia đình họ.

            Phùng Bích hỏi con trai đã đọc hai cuốn sách The Heart of A Boy và The Man Without A Country chưa ? 

            “ Con đang học cuốn The Man Without A Country ” Cậu bé trả lời.

            “ Cảm tưởng con thế nào khi học cuốn sách ấy ?”

            “ Mom… Rất thương Nolan.Ông ấy đã đau khổ vì lòng yêu nước Mỹ .”

            “ Nước Mỹ đối với con như thế nào ?”

            “ Nước Mỹ giúp con có những ước mơ rộng lớn và niềm tin yêu với mọi người”

            “ Con không biết gì về phân biệt chủng tộc sao ?”

            “ Mom… Chuyện học sinh Mỹ xử dụng súng bắn chết bạn học xẩy ra trong vài trường học so với hàng trăm ngàn ngôi trường nước Mỹ chỉ là con số hiếm hoi. Cô giáo con bảo không nên tin lời báo chí phóng đại tệ hại nầy; nếu những câu chuyện đó làm suy yếu nước Mỹ, Quốc Hội đã có phản ứng quyết liệt và  dứt khoát rồi…”

            “ Con học ở trường, bạn học da trắng da đen và nhiều sắc tộc khác đối xử với con như thế nào ?”

            “ Nếu học dỡ dễ bị ăn hiếp.Học giỏi và mạnh dạn tranh luận trong lớp ,các bạn phải nễ trọng mình… ”

            Lời thằng bé cho tôi thấy tại sao nó về nhà thường đặt ra đủ câu hỏi bắt cha mẹ phải trả lời. Phùng Bích muốn nó đọc câu chuyện The Little Patriot of Padua trong cuốn The Heart of A Boy dịch từ tác phẩm CUORE của De Amicis (Cuore, tiếng Ý có nghĩa Trái Tim, Tấm Lòng. Hà Mai Anh dịch là Tâm Hồn Cao Thượng từ phiên bản tiếng Pháp Grand Coeur. The Little Patriot of Padua - Lòng Yêu Nước của cậu bé thành Padua - là truyện đọc hàng tháng). Nhưng tôi nói việc nầy để nhà trường dạy theo chương trình, vì tôi biết cuốn sách nầy nằm trong danh sách 50 cuốn đã nói trên.

            Tôi phải một phen ngỡ ngàng khi cậu bé trở lại chất vấn về lòng yêu nước của cha mẹ nó. Hoàn cảnh đưa gia đình chúng tôi sống , học tập và làm việc trong một tiểu bang Đông Bắc gồm phần lớn dân da trắng. Thằng bé được giáo dục ngay từ lúc chập chững biết đi. Cử chỉ, nói năng , phản ứng của nó không khác trẻ em bản xứ. Chúng tôi chủ trương để tương lai đời sống của nó phát triển tự nhiên theo giáo dục xã hội nuôi lớn nó.

            “ Dad cũng giống như Nolan.” Tôi trả lời cậu bé.

            “ Nhưng Dad đâu có sinh ra trên đất Mỹ ?”

            “ Nước Mỹ do những người di cư từ nước khác vào đây lập nên. Người nào muốn trở thành công dân Mỹ, người đó chắc chắn phải có lòng yêu nước Mỹ. Nếu không, họ đã không bỏ đất nước cũ ra đi…”

            Nói với con như vậy, nhưng chúng tôi làm sao quên được quá khứ  ? Nỗi đau nầy có nguyên cớ sâu xa, nhưng không do chúng tôi gây ra… 

 

-HẾT -

 

 

 

Phan Tấn Uẩn
Số lần đọc: 518
Ngày đăng: 22.03.2022
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 23) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 25) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (chương 20) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 19) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (chương 18) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (chương 17) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 16) - Phan Tấn Uẩn
Kỳ 4/7 ( Tập truyện ngắn: Không phải lần đầu: Hai người đàn bà) - Huyền Văn
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 15) - Phan Tấn Uẩn
Chuyện viễn mơ thời chiến (Chương 14) - Phan Tấn Uẩn
Cùng một tác giả
Đêm Mù Mộ Địa (truyện ngắn)
Chuyến về quê (truyện ngắn)
Giấc mơ chiếu manh (truyện ngắn)
Trên sợi tóc buồn (truyện ngắn)
Quán về khuya (truyện ngắn)
Phố đỏ (truyện ngắn)